Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Rô-Ma Giáo: Trong Kinh Ki-tô Giáo

NHÂN VẬT MARY TRONG CA-TÔ GIÁO RÔ-MA

[Một Khảo Luận Qua Các Tài Liệu]

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN40.php

01 tháng 4, 2008

toàn tập: 1 2 3 4 5 6

PHẦN I

Mary Trong Cuốn Kinh Của Ki Tô Giáo

[The Biblical Mary]

Gần đây, trong vụ Tổng Giám Mục Ca-tô Ngô Quan Kiệt huy động giáo dân gồm cả trẻ con mang búa, kìm và xà beng đi thắp nến cầu nguyện ở “Tòa Khâm Sứ không có Khâm Sứ” ở Hà Nội, giáo dân đã dùng “nến và cầu nguyện” hung hăng phá sập cổng sắt “Tòa Khâm Sứ không có Khâm Sứ” và tràn vào, hung hăng mang cây Thập Ác mà họ gọi là Thánh Giá vào cắm đại trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ, và hung hăng mang bức tượng bà Mary vào trong để có tượng mà xì xụp cầu nguyện lễ lậy. Hành động làm loạn đượm mầu sắc chính trị này trái hẳn với lời dạy của Chúa Giê-su của họ trong Tân Ước: “Chỗ cầu nguyện tốt nhất là ở trong phòng kín” [closets], và của Cha Giê-su trong Cựu Ước: “Ngươi không được thờ hình tượng”.. Ở ngoài đường, cây thập giá và hình tượng Mary đã trở thành những vật dụng dùng cho những mục đích chính trị thế tục.

Điều này cũng không lạ, vì lịch sử Ca-Tô Giáo Rô-ma thường xuyên dùng thủ đoạn này để kích thích sự cuồng tín, “tổng hợp của ngu, dốt, hợm hĩnh và hung hăng” (theo định nghĩa của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang) của giáo dân. Giáo hội đã từng khích động giáo dân vác cây thập giá đi làm theo “ý Chúa” (God’s will), nghĩa là đi giết người trong những cuộc gọi là “thánh chiến”. Giáo hội cũng từng cho Mary hiện ra nhiều nơi, trước đây thì để chống Cộng, nhưng ngày nay thì cho chảy máu chảy dầu, chẳng biết nói lên được điều gì ngoài việc kích thích sự cuồng tín vô trí của giáo dân, và đã từng vác tượng Mary đi diễn hành khắp nơi trên thế giới. Trong thời điểm này, tôi nghĩ một cuộc nghiên cứu về cây “thập ác” và “nhân vật Mary” trong Ki Tô Giáo là điều cần thiết để mở mang sự hiểu biết của người dân Việt Nam về một tôn giáo rất cuồng tín chiếm 6-7% dân số.

Bài về cây thập ác đã được đăng lên trước. Bài viết này là về “nhân vật Mary” trong Ca-Tô Giáo. Mary là nhân vật quan trọng nhất trong Ca-Tô Giáo Rô-ma, còn quan trọng hơn cả con bà ta là Giê-su. Vai trò Giê-su trong giáo hội chỉ là một cái bánh vẽ trên trời để huyễn hoặc những kẻ nhẹ dạ cả tin về một đời sống đời đời trên thiên đường cùng Chúa của họ. Còn vai trò của Mary có tác dụng cầm giữ tín đồ trong vòng sùng tín và cuồng tín, nhất là mang lại rất nhiều lợi nhuận vật chất cho Giáo hội. Để cho việc nghiên cứu về nhân vật Mary tạm gọi là đầy đủ, tôi sẽ trình bày Mary trong hai tiểu mục sau đây.

1. Mary trong cuốn Kinh của Ki Tô Giáo [The biblical Mary]

2. Mary ngoài cuốn Kinh của Ki Tô Giáo [The unbiblical Mary]

I. Mary Trong Cuốn Kinh Của Ki Tô Giáo.

Trước hết, phần nghiên cứu về Mary này không có mục đích phá đổ sự sùng tín Mary của các tín đồ Ki Tô Giáo, mà chỉ có mục đích tìm hiểu về nhân vật Mary trong Ki Tô Giáo thực sự là như thế nào, qua chính cuốn Kinh của Ki Tô Giáo [Bible] và các tác phẩm nghiên cứu của chính những người trong Ki-Tô Giáo, từ các bậc lãnh đạo tôn giáo cho đến các nhà thần học, học giả, giáo sư đại học, chuyên gia về tôn giáo trong các truyền thống Ki Tô Giáo, để mở mang kiến thức người dân Việt Nam về những điều đã được phổ biến rộng rãi trong thế giới Tây phương. Vì như Friedrich Nietzche đã viết: “Những gì mà quần chúng được dạy để mà tin không cần đến lý lẽ, vậy thì ai là người có thể bác bỏ niềm tin đó bằng những lý lẽ.” (What the populace learned to believe without reasons, who could refute it then by neans of reasons?) Hơn nữa, tôi hiểu rằng, theo H. L. Mencken thì “Đức Tin là một kiểu tin phi lô-gíc vào sự xảy ra của những gì không chắc có thực” (Faith is an illogical belief in the occurence of the improbable), và theo tự điển thì “Đức tin là sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực” (Faith is the firm belief in something for which there is no proof).

Đức tin trong Ca-Tô Giáo Rô-ma là như vậy, do đó sự sùng tín Mary dựa trên những sự kiện lịch sử hay trên những huyền thoại, truyền thuyết, không phải là vấn đề đối với những người tin. Cái mà họ chọn để mà tin, hay đã được cấy vào đầu từ nhỏ để mà tin, thì không cần thiết phải dựa trên những bằng chứng lịch sử, bằng chứng khoa học. Không có một công thức nào, một lý luận trí thức nào, hay một bằng chứng khoa học nào có thể mang ra để xác định, hay thử nghiệm, hay bác bỏ một đức tin, trừ khi chính tự tín đồ, qua sự hiểu biết chân thật, nhận thức được rằng đức tin của mình chỉ là một hi vọng hoang tưởng. Cũng vì vậy mà Giáo Hoàng John Paul II đã viết trong cuốn “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng”: “Chúng ta chỉ có thể hoặc tin, hoặc không tin.” Và con chiên của ông ta, Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, trong cuốn Ngón Tay Và Mặt Trăng cũng khẳng định: “Tin là một cách sống chết, không liên quan gì đến cái biết, cái hiểu.” Căn bản “đức tin” trong Ca-Tô Giáo Rô-ma đã được khẳng định bởi Thánh Ignatius of Loyola, người sáng lập dòng Tên, như sau:

Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng tin rằng cái mà chúng ta thấy là trắng thì thực sự là đen, [hoặc thấy là đen thì thực sự là trắng, vì Giáo hội Ca-Tô đen ngòm nhưng vẫn tự nhận là trắng. TCN] nếu hàng giáo phẩm trong Giáo hội quyết định như vậy.

[John Dollison, Pope-Pourri, p. 174: Ignatius of Loyola: We should always be disposed to believe that which appears white is really black, if the hierarchy of the Church so decides.]

Đọc những bài của mấy ông thầy tu Ca-Tô Việt Nam như Nguyễn Văn Thuận, Trần Văn Khả, Phan Phát Huồn, Vũ Đình Hoạt, Thiện Cẩm v..v.. hay của các trí thức Ca-Tô Việt Nam như Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Cần, Lê Hữu Mục, Tôn Thất Thiện v..v.., hay những bài trên tiengnoigiaodan, vietcatholic v..v.. chúng ta thấy rõ cái loại “đức tin” này, một loại “đức tin” nhìn trắng thành đen, hay đen thành trắng, dùng mọi thủ đoạn chỉ cốt để bênh vực cái giáo hội không đáng bênh vực, cái niềm tin không đáng tin, bất kể đến những sự thật về khoa học hay lịch sử, bất kể đến sự lương thiện trí thức, và về chính tôn giáo của mình thì không có gì ngoài việc lập lại như những con vẹt những điều “giáo hội dạy rằng…” với tâm cảnh khúm núm quỵ lụy bề trên một cách lạ lùng.

Nhưng do sự tiến hóa của nhân loại, con người Tây Phương không thể tự cho phép sống mãi trong bóng tối của sự vô minh, của sự mù quáng như các tín đồ cuồng tín Việt Nam. Do đó, nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích các vấn đề cho rõ ràng, nhìn sự việc như chúng đúng là như vậy, là nỗ lực của giới trí thức Tây Phương trong mấy trăm năm nay. Cũng vì vậy, trong vòng mấy trăm năm nay, các trí thức Tây phương đã thoát ra khỏi ngục tù tâm linh, nghĩa là đức tin mù quáng, của Ki Tô Giáo nói chung, Ca-Tô Giáo Rô-ma nói riêng. Họ đã gỡ bỏ được những ngón tay bóp chặt yết hầu họ, bịt miệng họ, đã vứt bỏ được cái vòng kim cô đã xiết chặt khả năng suy tư trong đầu óc họ, và cuốn Kinh của Ki Tô Giáo [Bible] mà trước đây đã được áp đặt trên tuyệt đại đa số tín đồ Ki Tô Giáo trên khắp thế giới, với sự độc quyền diễn giải Kinh điển và thêm thắt ngoài Kinh điển của các giáo hội Ki Tô Giáo, do đó họ chỉ có quyền nghe chứ không có quyền đặt nghi vấn, nay đã được mang ra nghiên cứu, mổ sẻ, phân tích chi tiết hơn bất cứ cuốn sách nào khác.

Theo đường hướng mở mang kiến thức này, vì Mary là mẹ của Giê-su trong Tân Ước, cho nên nguồn tài liệu đầu tiên mà chúng ta phải tìm đến chính là cuốn Tân Ước. Nhưng trong cuốn Tân Uớc, Mary được nhắc đến rất ít, và không có chỗ nào viết bà là “Mẹ Thiên Chúa” (Mother of God), là “Nữ Vương Hòa Bình” (Queen of Peace), “Thiên Nữ Vương” (Queen of Heaven), “Thụ Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội” (Immaculate Conception) [Xin đừng nhầm là thụ thai Giê-su], “Còn trinh vĩnh viễn” (Perpetual Virginity), “Thăng Thiên” (Assumption) hay “Đồng Công Cứu chuộc” (Co-redemptrix) v..v... Tất cả những danh hiệu này là do Giáo Hội Ca-Tô cưỡng đặt ra cả mười mấy thế kỷ về sau và bắt các tín đồ phải tin, không tin thì không được lên thiên đường, lẽ dĩ nhiên phải qua ngả Vatican, vì Vatican nắm trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường. Trong Thánh Đường Phê-rô ở Vatican có bức tượng Phê-rô tay cầm chiếc chìa khóa mở của thiên đường, và các giáo hoàng đều là những người thừa kế Phê-rô, một mánh mưu thần học để tạo quyền lực cho Giáo hoàng..

Muốn tìm hiểu về nhân vật Mary, nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất là bốn Phúc Âm trong Tân ước viết bởi Mark khoảng 40 năm sau khi Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá. Tiếp theo là Matthew và Luke, viết vào khoảng cuối thế kỷ 1, và sau cùng là John, viết vào đầu thế kỷ 2. Ngoài ra chúng ta cũng có những tài liệu từ cuốn Protevangelium of James, được viết vào hậu bán thế kỷ 2. Ca-Tô Giáo Rô-ma không công nhận cuốn Protevangelium of James là Kinh bản chính thống của Ca-tô giáo, nhưng để đẩy mạnh lòng sùng tín Mary, Ca-tô Giáo đã lấy tên của bố mẹ Mary, Joachim, cha của Mary, và Anna, mẹ của Mary trong đó để làm những bài ca tụng những người đã sinh ra Mary. [Charlie Nguyễn, Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm, trg. 66: "Lạy ông Thánh Goakim là đấng rất sang trọng về dòng dõi vua David." (Trích dẫn từ Kinh cầu ông Thánh Gioakim của Công Giáo); "Lạy bà Thánh Anna là mẹ Nữ Vương...Bà là đấng sang trọng bởi dòng vua David." (Trích dẫn từ Kinh Cầu Bà Thánh Anna của Công Giáo). Cả hai nhân vật Joachim và Anna đều không có trong Tân Ước.]

Trong Tân Ước, ngoài huyền thoại về sự sinh ra của Giê-su, bà Mary chỉ xuất hiện có vài lần: cùng với chồng là Joseph đi kiếm ông con Giê-su 12 tuổi tưởng là bị lạc nhưng thực ra là trốn cha mẹ ở lại trong một giáo đường (Luke 2: 41-49); trong một bữa tiệc cưới có Giê-su dự và tại đây Giê-su đã trổ tài làm phép lạ biến nước thành rượu (John 2: 1-5); cùng với các con khác [4 con trai và ít nhất là 2 con gái] đến thăm Giê-su khi Giê-su đang giảng đạo nhưng Giê-su không tiếp và còn lên tiếng hỏi: “Ai là mẹ ta? Ai là các em ta”” (Matthew 12: 48); có mặt khi Giê-su bị đóng đinh chết trên thập giá (John 19:25-26); và cầu nguyện cùng những người theo Giê-su sau khi Giê-su thăng thiên (Acts 1:14). Trong thư của Paul gửi cho dân Ga-la-ti có một câu nói về sự sinh ra của Giê-su, “Gal.4.4: Khi tời gian đã mãn, Thiên Chúa bèn gửi con của Người xuống, sinh ra từ một người đàn bà” (When the fulness of time had come, God sent forth his Son, born of a woman..) Paul không nhắc đến tên Mary, nhưng câu trên chứng tỏ Mary cũng chỉ là một người đàn bà như mọi người khác.

Và tất cả chỉ có vậy. Vì tất cả chỉ có vậy trong Tân ước, nên tất cả những gì Giáo hội Ca-Tô Rô-ma nói về Mary và bắt các tín đồ phải tin chỉ là những sản phẩm thần học của Ca-Tô Giáo Rô-ma để đưa tin đồ vào những niềm tin không cần biết không cần hiểu. Nền thần học về Mary (Mariology) của Ca-Tô Giáo Rô-ma chỉ có mục đích dựng Mary lên thành một hình tượng để cho tín đồ sùng bái (Mariolatry) và từ đó khai thác sự mê tín của tín đồ để thu về những nguồn lợi vật chất khổng lồ về thương mại và kinh tế. Trong cuốn Mary [London 2001], tác giả Michael Jordan viết, trang 97: ‘Trong những kinh văn được giáo hội Ca-Tô chấp nhận, vì có quá ít viết về Mary nên tiểu sử của Mary được sơn phết đến vô tận, bất kể là sự thêm thắt đó gượng gạo như thế nào” [So little appeared about Mary in the canonical texts that her biographical portrait was open to infinite coloration, however far-fetched the embellishment.]

Tất cả những danh hiệu mà Giáo hội Ca-Tô đưa ra về Mary qua nền thần học Ca-Tô đều dẫn xuất từ huyền thoại Giêsu sinh ra từ “Mary đồng trinh” và rồi sau đó nâng Giê-su từ một người thường thành đấng Ki-Tô cứu chuộc, cho nên, trước hết chúng ta hãy đọc trong Tân Ước về huyền thoại Giê-su sinh ra đời. Trong Tân Ước chỉ có hai Phúc Âm Matthew và Luke là nói về chuyện này, hai Phúc Âm này viết sau khi Giê-su chết từ 50 tới 70 năm. Ngày nay, người ta đã kiếm được một số tài liệu nói về Giê-su còn sót lại, không bị thiêu hủy bởi Ca-Tô Giáo Rô-ma, vì trong những tài liệu này có những chứng tích không phù hợp với nền thần học của Ca-Tô Giáo Rô-ma. Thí dụ như tài liệu mang tên Sepher Toldoth Jeshu, viết vào khoảng cuối thế kỷ đầu, mà cuối thế kỷ 19 mới được dịch ra tiếng Anh là The Jewish Life of Jesus, có nghĩa là Cuộc Đời Do Thái Của Giê-su. Trong tài liệu này, Miriam (Mary) đã được hứa hôn với một người đàng hoàng tên là Jochanan (Joseph), nhưng rồi lăng nhăng với một tên ăn trộm du thủ du thực nhưng rất đẹp trai tên là Pandera (Pandera was a man of fine figure and rare beauty, but spent his time in robbery and licentiousness) và mang bầu. Khi biết được, Joseph, để tránh sự nhục nhã và xấu hổ, đã bỏ đi Babylon sinh sống (To avoid the shame and disgrace, Joseph ran away to Babylon and there took up his abode). Đến kỳ sinh nở, Miriam sinh ra một đứa con trai và đặt tên nó là Jehoshua (Jesus) [In due time Miriam brought forth a son and named him Jehoshua] Chúng ta thấy chuyện sinh ra của Giê-su trong Tân ước khá tương tự nhưng vai trò của các nhân vật trong tài liệu trên đã thay đổi: Pandera trở thành “Thánh Linh”, và Joseph cảm thấy xấu hổ và bỏ đi Babylon đã biến thành Joseph không muốn làm cho to chuyện cho nên nghe lời thiên thần báo mộng, chấp nhận Mary làm vợ, rất hãnh diện vì được Thánh Linh cắm sừng và sau này được Ca-Tô Giáo phong thánh..

Trên đây chỉ là một tài liệu không chính thống vì không phù hợp với những tài liệu mà giáo hội Ca-tô công nhận. Vậy thì chúng ta hãy trở về tài liệu chính là cuốn Tân ước. Muốn tìm hiểu về Mary, chúng ta không thể tách rời Mary ra khỏi vai trò của Giê-su trong Ki Tô Giáo, và không đâu rõ bằng chuyện Mary sinh ra Giê-su. Phúc Âm Matthew (Mã-Thi-Ơ) kể như sau, Matthew 1: 18-24, xin đặc biệt chú ý những đoạn chữ đậm:

Sự sinh ra của Giê-su Ki Tô như sau: Sau khi mẹ Giê-su là Mary đính hôn với Joseph, trước khi họ giao hợp cùng nhau, người ta thấy bà có mang với Thánh Linh.

Chồng nàng, Joseph, là người tốt bụng, và không muốn nàng bị nhục trước công chúng, định kín đáo từ hôn.

Nhưng khi ông còn đang suy nghĩ về quyết định này, bỗng nhiên, một thiên sứ hiện ra trong một giấc mộng, nói rằng, “Joseph, con dòng David, đừng có sợ, cứ lấy Mary làm vợ, vì cái thai nàng mang trong bụng là của Thánh Linh. Rồi nàng sẽ sinh ra một đứa con trai, ngươi hãy đặt tên cho nó là Giê-su, vì nó sẽ cứu dân của nó khỏi tội lỗi.

Việc xảy ra đúng như lời Thiên Chúa [của Ki Tô Giáo] tiên đoán qua nhà tiên tri:

“Này, một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và họ (they? Ai?) sẽ đặt tên cho hắn là Immanuel”, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng ta”.

Joseph tỉnh giậy, theo lệnh của thiên sứ, cưới Mary làm vợ, nhưng không giao hợp cùng vợ cho đến khi Mary sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Giê su.

Chúng ta hãy phân tích đoạn trên trong Tân Ước. Phân tích Kinh của Ki Tô Giáo với đầu óc tỉnh táo, không mê mẩn, và với một chút lô-gíc, là một nghệ thuật. Thật vậy, chỉ bằng vào một đoạn ngắn như trên, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều kỳ thú để mà thưởng thức, nếu chúng ta có khả năng đọc giữa những giòng chữ để có thể thưởng thức những chuyện cấm đọc, cấm hiểu trong Ca-Tô Giáo.

Thứ nhất, chuyện Joseph tốt bụng, không muốn làm lớn trước công chúng chuyện bụng Maria càng ngày càng to, và định kín đáo từ hôn không thể thực hiện được trong thời đó, theo luật của Do Thái. Randel Helms viết trong cuốn Những Chuyện Giả Tưởng Trong Phúc Âm (Gospel Fictions), trang 48: “Có lẽ Matthew không biết là theo luật Do Thái, điều này (kín đáo từ hôn) không thể nào thực hiện được; việc từ hôn phải hợp pháp và công khai” (Matthew was perhaps unaware that this (the marriage contract set aside quietly) was not possible under Jewish law; the process had to be legal and public.) Câu Joseph là người tốt bụng, không muốn nàng bị nhục trước công chúng ... cũng chứng tỏ là Joseph biết rõ là cái thai trong bụng Mary không phải là của mình.

Nghiên cứu cổ sử Do Thái, các học giả đã khám phá ra rằng, ngay từ đầu thế kỷ 2, nhiều tác giả Do Thái đã cho rằng khuôn mặt thần thánh của Giê-su thật ra chỉ là một đứa con hoang. Họ dựa vào chính Tân Ước vì Tân Ước viết rằng Joseph là chồng của Mary nhưng lại không phải là cha của Giê-su. Và ngay trong thời đại này, có nhiều học giả nghiên cứu Tân Ước cũng nghĩ như vậy.

Thí dụ, Jane Schaberg trong cuốn The Illegitimacy of Jesus, xuất bản năm 1987, còn cho rằng “rất có thể Mary bị hiếp, và Matthew đã dựng lên một khung thần học tinh vi để biến đổi thực tế ô nhục trên thành một huyền thoại mà ông ta có thể xây dựng một truyền thống trên đó.” (Jane Schaberg, in her 1987 book The Illegitimacy of Jesus, argues that Mary was most likely raped, and that Matthew constructed an elaborate theological architecture to try to transform that nasty reality into a myth he could build a tradition).

Trong tuần báo Time, tờ báo có uy tín và phát hành vào bậc nhất trên thế giới, số ngày 6 tháng 12, 1999, có bài viết của Reynolds Price, một học giả chuyên gia về Thánh Kinh (biblical scholar), về Giê-su ở Nazareth: Xưa và Nay (Jesus of Nazareth: Then and Now). Tác giả viện dẫn Phúc Âm James và viết như sau:

Chuyện người ta cho rằng Giê-su là đứa con hoang có lẽ uẩn hàm trong câu hỏi của dân làng trong Mark 6, “Đây có phải là con bà Mary không?” Bị gọi là con của người mẹ, thay vì con của người cha, thường hàm ý đó là đứa con hoang, hay ít nhất là một dấu chỉ không biết cha là ai, bất kể người cha này là thần thánh hay là người thường. Nhiều người chống đối thuyết đồng trinh thời đó cũng cho rằng Mary có mang Giê-su với một người lính La Mã tên là Panthera. Chuyện sinh ra đời của Giê-su thật là mù mờ bởi những nghi vấn về người cha là ai.

(Reynolds Price, Time, Dec. 6, 1999: The suggestion that Jesus' childhood may have been dogged by the accusation of bastardy is perhaps implicit in his townspeople's question in Mark 6, "Isn't this Mary's son?" To be called one's mother son, as opposed to one's father's, was often an implication of bastardy, or at least a sign that one's paternity was unknown, whether divine or not. Early opponents likewise suggested that Mary had conceived Jesus with a Roman soldier, Panthera. His childhood may well be clouded by questions about his paternity.)

Trong tài liệu Sepher Toldoth Jeshu kể trên cũng có đoạn Joseph than: “Than ôi! Thật là nhục nhã và xấu hổ cho tôi! Vì Mary, người hứa hôn với tôi, đã mang thai, không phải con của tôi, mà là con của người khác. Đó là con của cái mụ Mary đó. [Alas! What a shame and disgrace has happened to me! For Mariam my bethrothed is with child, not by me, but by someone else. This is the son of that Mariam.]

Và Giám Mục Spong, trong cuốn Sinh Ra Từ Một Người Đàn Bà: Một Giám Mục Nghĩ Lại Chuyện Giê-su Sinh Ra Đời (Born of a Woman: A Bishop Rethinks The Birth of Jesus, 1992) đã đưa ra nhận xét, trang 41:

Ông ta (Giê-su) không là ai cả, một đứa trẻ ở Nazareth, chẳng có gì tốt đẹp có thể rút tỉa ra từ sự sinh ra đời này. Chẳng có ai biết cha ông ta là ai. Rất có thể ông ta là một đứa con hoang. Rải rác trong miền đất truyền thống Ki Tô lúc đầu (4 Phúc Âm), có những chi tiết chứng tỏ như vậy, giống như những trái mìn chưa kiếm ra và chưa nổ .

(John Shelby Spong, Born of a Woman: A Bishop Rethinks the Birth of Jesus, p. 41: He was a nobody, a child of Nazareth out of which nothing good was thought to come. No one seemmed to know his father. He might well have been illegitimate. Hints of that are scattered like undetected and unexploded nuggets of dynamite in the landscape of the early Christian tradition.)

 

(xem tiếp)

toàn tập: 1 2 3 4 5 6


Các bài tôn giáo cùng tác giả


 ▪ “Ngày Tận Thế” của Ki Tô Giáo  - Trần Chung Ngọc

Cây Thập Giá Trong Kitô Giáo - Trần Chung Ngọc

Cải đạo á châu ? Một ảo tưởng ! - Trần Chung Ngọc

Di Hại Của “Nền Đạo Lý Thiên-La Đắc-Lộ” - Trần Chung Ngọc

Giê-su Ki-tô - Cuộc Đánh Cá Của Người Vô Thần - Trần Chung Ngọc dịch

Hình Ảnh Suy Thoái Của Ki Tô Giáo Trên Thế Giới - Trần Chung Ngọc

Huyền Thoại Cứu Rỗi  - Trần Chung Ngọc

Lịch Sử các Giáo Hoàng - Trần Chung Ngọc

Những Lời Châu Ngọc Về Ki-tô giáo - Robert G. Ingersoll - Trần Chung Ngọc

Những Yếu Tố Chính Đưa Đến Sự Suy Thoái - Trần Chung Ngọc

Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Giáo Rô-Ma - Trần Chung Ngọc

Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Giáo Rô-Ma - 1 - Trần Chung Ngọc

Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Giáo Rô-Ma - 2 - Trần Chung Ngọc

Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Giáo Rô-Ma - 3 - Trần Chung Ngọc

Nhân Vật Mary Trong Ca-Tô Giáo Rô-Ma - 4 - Trần Chung Ngọc

TÔI ĐỌC CUỐN: “Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một S - Trần Chung Ngọc

Tìm Hiểu Vấn Nạn Linh Mục Loạn Dâm - 1 - Trần Chung Ngọc

Tìm Hiểu Vấn Nạn Linh Mục Loạn Dâm - 2 - Trần Chung Ngọc

Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Suy Thoái - Trần Chung Ngọc

Tản Mạn Về Thần Học Ki-Tô Giáo - Trần Chung Ngọc


▪ 1 2 3 4 5 6 >>>

Trang tôn giáo