NGÀY 30/4/1975 :

NHỮNG QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU

(Trần Chung Ngọc)

30 tháng 4, 2007

Không ai có thể phủ nhận ngày 30/4/1975 là ngày đánh dấu một bước ngoặt khó quên trong lịch sử Việt Nam và cũng là một biến cố lịch sử có ảnh hưởng không ít không những chỉ trên khối người Việt lưu vong mà còn trên cả dân tộc Việt Nam. Nhưng hiển nhiên vì cảm tính cá nhân, không phải tất cả mọi người dân Việt đều có cùng một quan điểm về ngày 30/4/75.

Đối với một thiểu số người Việt lưu vong, thì ngày 30/4/75 là ngày mà họ gọi là ngày “mất nước” làm như miền Nam là nước của riêng họ. Tuy rằng nước vẫn còn đó, và càng ngày càng phát triển, ngày nay đã vượt trội hẳn cái “nước” của họ khi xưa mà thực ra chỉ là cái “nước” nằm trong sự chi phối của những đồng đô la viện trợ và sự chỉ đạo của các quan Toàn Quyền như Nolting, Lodge, Martin. Ai có thể phủ nhận sự kiện này, xin mời lên tiếng.

Trước khi lên tiếng xin hãy nhớ lại những đồng lương của quân đội, cảnh sát, lực lượng đặc biệt v…v… từ đâu mà có, rồi đến vụ đảo chính Ngô Đình Diệm khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chính sách “Việt Nam Hóa” (Vietnamization) cuộc chiến chống Cộng khi muốn duỗi ra, và cuối cùng là Hiệp Định Ba-Lê và cắt viện trợ để khai tử Việt Nam Cộng Hòa, cái “nước” mà liên minh Vatican-Mỹ dựng lên hơn 20 năm trước.

Đối với một thiểu số khác, phần lớn thuộc thế lực đen, những người như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ thì ngày 30/4/75 là ngày “Quốc hận” trong khi từ chính xác nhất phải là ngày “Công giáo hận.” Tại sao? Vì Công Giáo đã mất đi quyền tự tung tự tác như dưới thời Diệm, Thiệu. Lẽ dĩ nhiên “Quốc” và “Công giáo” là hai từ hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là bất khả tương hợp nếu xét trên những sự kiện lịch sử từ ngày các thừa sai Công giáo đầu tiên đặt chân trên đất Việt và qua cuộc xâm lăng và đô hộ của thực dân Pháp cho đến các chính quyền Diệm, Thiệu, nhất là Diệm.. Những người không có mấy đầu óc thường lấy cái hận của mình hay của tôn giáo mình làm cái hận của cả một quốc gia, không buồn để ý là nói như vậy chỉ tỏ rõ trình độ thấp kém của mình. Bày tỏ ý kiến cá nhân là quyền căn bản của con người, miễn là những ý kiến bày tỏ không thuộc loại khích động sự thù hận mà nước Mỹ quy vào một loại tội ác “hate crime”, nhưng không ai có quyền lấy ý kiến của mình làm ý kiến của cả cộng đồng, của cả dân tộc. Cho nên từ “Quốc hận” là một từ của những kẻ vô trí cưỡng đặt trên cả một quốc gia mối hận của những cá nhân hay tôn giáo họ.

Đối với một thiểu số khác nữa thì ngày 30/4/1975 là ngày mà họ không ngớt lời lên án “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” làm như “miền Nam” là một nước của riêng những người sống ở miền Nam, mà không cần để ý đến miền Nam cũng là một phần đất của nước Việt Nam. Họ cũng quên đi tất cả những nguyên nhân, yếu tố nào đã đưa đến sự hình thành một miền Nam mà thực chất không nằm trong tay người miền Nam, nói khác đi, một miền Nam không có căn cước của một quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền... Nhưng tại sao Việt Cộng có thể “cưỡng chiếm” được miền Nam, có một câu hỏi cần được đặt ra:

“Miền Nam có hơn một triệu quân, gồm chính quy và nhân dân tự vệ, một thời cộng với hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về máy bay, xe tăng, tàu chiến, B52, và cả thuốc khai quang Agent Orange để cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao Mỹ lại phải “Việt Nam hóa” cuộc chiến, rồi “rút lui trong danh dự của Mỹ”, để rồi cuối cùng Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm” được miền Nam? Người dân miền Nam có dự phần nào trong cuộc “cưỡng chiếm” này không? Làm sao Việt Cộng có thể thực hiện được “đường hầm Củ Chi?”. Vậy ngoài yếu tố quân sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến? Phải chăng là lòng yêu nước? Chính Nghĩa? Hợp với lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí chiến đấu của binh sĩ? Khả năng chỉ huy của các cấp lãnh đạo? Và còn gì nữa?”

Những chính khách vô thượng thiên tài của miền Nam khi xưa, những người hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rất anh dũng, rất giỏi giang, rất thanh liêm v..v.. đâu, xin hãy tạm quên những cảnh trong cuộc “rút lui chiến thuật” của quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ Quân đoàn I, Quân đoàn II, những cảnh mà tôi chỉ muốn nói lên một câu: “Trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, vì tình hình chiến sự, có nhiều đoàn quân phải rút lui hay bỏ chạy, nhưng không có một đoàn quân nào lại gây tổn thương cho chính đồng bào của mình qua những hành động như hãm hiếp, cướp bóc, hay tranh cướp đường chạy trước những người dân lành mà quân đội có nhiệm vụ phải bảo vệ và giúp đỡ”. Hãy suy nghĩ một chút về câu trên và hãy trả lời với tất cả sự lương thiện trí thức câu hỏi trên.

Điều hiển nhiên là những quan điểm như “mất nước”, “Quốc hận”, “Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam” chỉ là những quan điểm cá nhân của một thiểu số được đưa lên những diễn đàn truyền thông hải ngoại làm như đó là những quan điểm của cả cộng đồng người Việt di cư gồm gần 3 triệu người. Chỉ có điều những quan điểm như vậy phản ánh một trình độ rất thấp kém, vì không hiểu ngay cả những từ đơn giản như thế nào là “nước”, là “Quốc”, và “cưỡng chiếm”. Những quan điểm cá nhân thiển cận này thường chỉ là những “thùng rỗng kêu to”, hoàn toàn vô nghĩa và vô giá trị trước những quyền lợi của cả dân tộc. Và bây giờ tôi xin sang đến phần bày tỏ quan niệm cá nhân của tôi. Chỉ có một điều khác biệt, quan niệm của tôi không dựa trên cảm tính cá nhân mà dựa trên trên lịch sử dân tộc Việt Nam, trên những mặt tích cực của đất nước..

Là một người đã từng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, cộng với nhiều năm phục vụ trong ngành giáo dục ở Nam Việt Nam, phải rời bỏ quê hương mà tôi nói rằng không có gì tiếc nuối, đau lòng, thì chỉ là tự dối lòng. Nhưng đây là những cảm tính cá nhân, và một người có ít nhiều liêm sỉ, lương tri, và lương thiện trí thức thì phải biết gạt bỏ những cảm tính cá nhân, và can đảm chấp nhận những sự thực lịch sử, dù có đau lòng cách mấy đi chăng nữa. Vậy những sự thực lịch sử đó là như thế nào? Không có cách nào khác là chúng ta cần phải phân tích những biến cố lịch sử như chúng thực là như vậy.

Sau nhiều năm nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, quan điểm của tôi là ngày 30/4/75 tất nhiên phải đến, không có ngày 30/4 này thì cũng có ngày 30/4 khác. Tại sao? Có nhiều yếu tố quyết định mà những yếu tố chính là: 1) Lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm của người Việt Nam; 2) Pháp trở lại Đông Dương để tái lập nền đô hộ với sự trợ giúp của Mỹ; 3) Hiệp Định Genève; và 4) Tiếp nối sự nghiệp chống ngoại xâm, thống nhất đất nước..

Ngày 2 tháng 9, 1945, ở quảng trường Ba Đình, ông Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. Ai không đồng ý Việt Nam độc lập, muốn sống trở lại trong nền đô hộ của Pháp, xin mời lên tiếng. Có lẽ chỉ có Nguyễn Chí Thiện, một “ngục sĩ viết thay cho dân” với câu thơ “Nay người dân (sic) luyến tiếc (thực dân Pháp) vô chừng” trong bài Đồng Lầy. Nhưng dù Pháp đã đầu hàng Nhật, mất quyền đô hộ ở Đông Dương, nay Pháp lại muốn trở lại, dùng vũ lực để tái lập ách đô hộ trên đất nước Việt Nam với hơn 80% quân phí do Mỹ đài thọ. Trong thời đô hộ của Pháp và thời chiếm đóng của Nhật, Việt Minh đã tổ chức chống Pháp và Nhật, với sự giúp đỡ huấn luyện quân sự của Mỹ. Nay trước nạn tái xâm lăng của Pháp, với lòng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam, Việt Minh đã lãnh đạo quần chúng kháng chiến. Cuộc kháng chiến gian khổ kéo dài trong 9 năm, với nhiều hy sinh, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt nền đô hộ của Pháp bằng Hiệp Định Genève năm 1954, tạm thời chia đất nước làm 2 vùng quân sự, chờ ngày Tổng Tuyển Cử để thống nhất đất nước vào năm 1956.

Vấn đề cần đặt ra là cuộc kháng chiến này có chính nghĩa không, và có đáp ứng được sự khao khát của toàn dân không? Hay là, theo một số người trong đầu có một loại “gen” đặc biệt nên cho rằng: “Cuộc kháng chiến là vô ích, Việt Nam chỉ cần nằm há miệng chờ cho cái trái độc lập rơi rụng từ cái cây thực dân của Pháp?” Dù sao thì cuộc kháng chiến cũng đã xảy ra và chỉ chấm dứt với Hiệp Định Genève. Nhưng tại sao với chiến thắng Điện Biên Phủ mà Việt Minh lại phải ký Hiệp Định Genève và tinh thần của Hiệp Định Genève là như thế nào?

Thứ nhất, dù đang thắng thế quân sự nhưng sau 9 năm kháng chiến với nhiều tổn thất, Việt Minh, một phần dưới sức ép của Nga Tàu, cũng muốn chuyển sự tranh chấp quân sự thành tranh chấp chính trị mà họ tin rằng sẽ nắm phần thắng. Nếu không tin như vậy, không đời nào Việt Minh chịu ký Hiệp Định Genève chỉ để kiểm soát non nửa đất nước, vứt bỏ mọi công lao hy sinh kháng chiến, nhường hơn nửa đất nước cho lực lượng Quốc Gia khi đó vốn vẫn còn thuộc quyền Pháp, dưới quyền cai trị của một phán quan Tây Ban Nha như Ngô Đình Diệm, một người nổi tiếng là “chí sĩ” nằm chui trong vài tu viện Công Giáo Âu, Mỹ trong suốt cuộc kháng chiến. Thành tích “yêu nước” duy nhất của Ngô Đình Diệm là chống Cộng cho Chúa, theo sát chính sách của Vatican dưới triều giáo hoàng Pius XII, làm quan cho Pháp, dùng đèn cầy đốt hậu môn tra khảo những người Cộng sản yêu nước, có thể nghĩ rằng để vinh danh Chúa, cũng như những Phán Quan Tây Ban Nha khi xưa tra khảo và thiêu sống những kẻ “chống Chúa”, và tất nhiên không hề có một công lao gì trong công cuộc kháng chiến của toàn dân.. Đặt chúng ta vào vị thế của Việt Minh, chúng ta có thể chấp nhận một sự chia cắt đất nước vĩnh viễn như vậy không?

Thứ nhì, trong Hiệp Định Genève năm 1954 không có một điều khoản nào quy định việc chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc riêng biệt vĩnh viễn. Sông Bến Hải không phải là ranh giới chia đôi đất nước mà chỉ là nằm trên vĩ tuyến 17 phân định vùng rút quân của lực lượng Liên Hiệp Pháp và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Việt Minh), chờ ngày đất nước thống nhất qua một cuộc bầu cử trên toàn quốc vào tháng 7/1956.

Tuy rằng tôi đã trình bày vấn đề này trước đây, tôi nghĩ cũng cần nhắc lại vài điểm chính trong Hiệp Định Genève.

Hiệp Định Genève gồm hai phần: Phần “Thỏa hiệp Ngưng Chiến Song Phương” giữa Pháp và Việt Minh (Bilateral armistice agreement between France and the VietMinh) làm căn bản cho Phần “Tuyên Ngôn Đa Phương Có Tính Cách Quyết Định” (The multilateral Final Declaration), đồng ký bởi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Lào, Cambod, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga Sô Viết, và Việt Nam Quốc Gia. Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ của Việt Nam Quốc Gia lên tiếng phản kháng, không đồng ý với nội dung bản Tuyên Ngôn, điều duy nhất ông ta có thể làm được, vì thực tế là chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên và khi đó vẫn còn nằm dưới cái dù của Pháp, cho nên không có một tư cách quyết định chính trị nào trong Hội Nghị Genève. Phải 8 tháng sau Hiệp Định Genève, đến tháng 3/1955, dưới áp lực của Mỹ, Pháp mới hoàn toàn trao trả độc lập cho Nam Việt Nam, để Mỹ vào thay thế, và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới có cơ hội đốt lon của Pháp để đeo lon theo kiểu Mỹ.

Phần “Thỏa Hiệp...”, gồm 47 điều khoản, được ký kết giữa Tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, và ông Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Có vài điều khoản chính như sau:

Điều khoản 1 (Article 1) nói về sự thiết lập “một đường ranh giới quân sự tạm thời” (A provisional military demarcation line) [Vĩ tuyến 17] để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc, và lực lượng Liên Hiệp Pháp (French Union) [trong đó có quân đội quốc gia nằm dưới cái dù của Pháp] ở phía Nam làn ranh giới.

Điều khoản 8 ấn định quyền kiểm soát hành chánh ở phía Bắc Vĩ Tuyến 17 thuộc Việt Minh và ở phía Nam thuộc Pháp (Civil administration in the regroupment zone to the North of the 17th parallel was to be in the hands of the Vietminh, and the area to the South of the parallel was to be in the hands of the French)

Điều khoản 14, đoạn (a) [Article 14, Paragraph (a)] viết rõ: “Trong khi chờ đợi cuộc Tổng Tuyển Cử để Thống Nhất Việt Nam, quyền hành chánh dân sự trong mỗi vùng rút quân nằm trong tay các phe có quân đội rút quân (nghĩa là Pháp và Việt Minh) theo tinh thần của bản Thỏa Hiệp.” (Pending the general elections which will bring about the Unification of Vietnam, the conduct of civil administration in each regrouping zone shall be in the hands of the party whose forces are to be regrouped there in virtue of the present Agreement).

Điều khoản 14, đoạn (c) viết: “Mỗi phe sẽ tự kiềm chế để không có bất cứ hành động trả thù hay kỳ thị nào đối với những cá nhân hay tổ chức vì những hoạt động trong khi có cuộc tranh chấp quân sự, và phải bảo đảm quyền tự do dân chủ của họ.” (Each party undertakes to refrain from any reprisals or discrimination against persons or organizations on account of their activities during the hostilities and to guarantee their democratic liberties) [Có ai còn nhớ đến chiến dịch Tố Cộng của Ngô Đình Diệm không? Chiến dịch này có vi phạm điều khoản trên không?]

Bản “Tuyên Ngôn...” gồm 13 đoạn, liên quan đến cả Cambod và Lào, có một đoạn đáng để ý:

Đoạn (6) [Paragraph (6)] nguyên văn như sau:

“Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI . Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam”

(The Conference recognizes that the essential purpose of the Agreement relating to Vietnam is to settle military questions with a view to ending hostilities and that THE MILITARY DEMARCATION LINE IS PROVISIONAL AND SHOULD NOT IN ANY WAY BE INTERPRETED AS CONSTITUING A POLITICAL OR TERITORIAL BOUNDARY. The Conference expresses its conviction that the execution of the provisions set out in the present Declaration and in the Agrrement on the cessation of hostilities creates the necessary basis for the achievement in the near future of a political settlement in Vietnam.)

Chỉ cần đọc vài đoạn trong bản Thỏa Hiệp cũng như bản Tuyên Ngôn, không cần phải diễn giải lôi thôi làm gì, chúng ta có thể thấy ngay là không làm gì có chuyện chia nước Việt Nam thành hai miền độc lập về chính trị và quân sự. Huyền thoại về một miền Nam độc lập như một quốc gia riêng biệt chỉ là sản phẩm do Mỹ tạo ra về sau, tuy trong bản Tuyên Ngôn Đơn Phương (Unilateral Declaration) của Mỹ về Hội Nghị Genève, Mỹ không bao giờ nói đến “Nam” hay “Bắc” mà chỉ nói đến một nước Việt Nam (Kahin & Lewis: Nowhere in its unilateral declaration did the US speak of a “South” or “North” Vietnam. Every reference of the American representative was to a SINGLE VIETNAM.).

Như chúng ta đã biết, cuộc Tổng Tuyển Cử để thống nhất đất nước không được miền Nam thi hành dù miền Bắc đã nhiều lần thúc giục. Có hai luận cứ để bào chữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối không thi hành Thỏa Hiệp Genève cũng như không chịu tổ chức Tổng Tuyển Cử là Chính Quyền Diệm không ký vào bản Thỏa Hiệp và dưới chế độ Cộng Sản không có bầu cử tự do. Vào năm 1956 ở miền Nam, hai luận cứ trên nghe có vẻ có tính cách thuyết phục và hợp lý. Nhưng ngày nay, khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy rằng cả hai hai luận cứ này đều không có cơ sở chính đáng, chẳng qua chỉ là chính sách “cường quyền thắng công lý” của Mỹ cộng với chủ trương Chống Cộng Cho Chúa của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bảo rằng Diệm không ký vào Hiệp Định Genève nên Hiệp Định vô giá trị cũng như Luật sư Trần Thanh Hiệp nói rằng Nguyễn Văn Lý không tuân phục luật pháp Việt Nam nên luật pháp Việt Nam vô giá trị.

Nhưng vấn đề chính là, thứ nhất, trong Hiệp Định có điều khoản qui định rằng Pháp là phe phải tôn trọng Hiệp Định Genève và những chính quyền nối tiếp Pháp trước cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1956 đều phải có bổn phận thi hành những điều khoản đã được ký kết giữa Pháp và Việt Minh [Kahin & Lewis: The Vietminh’s interests were further safeguarded by the provision that any administration succeeding the French prior to the 1956 elections would legally assume France’s obligations and be “responsible for ensuring the observance and enforcement of the terms and provisions” of the agreements entered between the Vietminh and France.)

Thứ nhì, Việt Minh có cần phải tổ chức bầu cử không tự do vào thời đó không, khi mà chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếng tăm của Hồ Chí Minh đã vang rền trên thế giới? Lý do chính để Mỹ và Diệm phá cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1956 là, chính Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower và báo chí Mỹ, tờ Time ngày 22/11/1954, và tờ Look ngày 25/1/1955, đã ước tính là trong cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do (Free Elections) vào năm 1956 thì ông Hồ Chí Minh sẽ được ít nhất là 80% số phiếu trên toàn quốc. Mỹ muốn ngăn chận Cộng Sản vì cái thuyết Domino sai lầm của mình nên không muốn có Tổng Tuyển Cử mà kết quả chắc chắn là Cộng Sản sẽ thắng trên toàn quốc. Mặt khác, các cuộc bầu cử dưới chế độ Ngô Đình Diệm có tự do và không gian lận hay không? Vì vậy Giáo sư Mortimer T. Cohen đã châm biếm trong cuốn From Prologue To Epilogue In Vietnam , xuất bản năm 1979, trang 227 và 251, như sau:

“Nhưng Eisenhower biết rằng trong một cuộc bầu cử tự do, 80% dân chúng sẽ bầu cho Hồ Chí Minh thay vì Bảo Đại. Diệm có khá gì hơn Bảo Đại không? Làm sao mà khá hơn? Không một người nào ở Việt Nam có thể thắng Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng Tuyển Cử tự do. Ông ta là George Washington của nước Việt Nam. Giáo sư Brown gọi ông ta là một kẻ “phản bội”, nhưng trong 15 năm, từ 1954 đến khi ông ta chết vào tháng 9/1969, cái tên phản bội này sẽ thắng bất cứ ứng cử viên nào khác. Các ông không thể đánh bại một người có tên tuổi bằng một người không tên tuổi...

Nhiều sử gia lý luận như các luật sư – hay giáo sư đại học - nhấn mạnh là: vì Việt Nam Cộng Hòa không ký Hiệp Định Genève cho nên không có bổn phận phải hợp tác trong việc tổ chức bầu cử để thống nhất đất nước. Điều này giống như là một tên hiếp dâm bảo nạn nhân là cô ta đã làm hư hại xe của hắn. Chuyện làm hư hại xe chẳng liên hệ gì đến chuyện hiếp dâm. Lý do mà hắn hãm hiếp là vì hắn muốn làm tình. Lý do Diệm không muốn có cuộc Tổng Tuyển Cử là vì ông ta nghĩ rằng mình sẽ thua...”

(But Eisenhower knew then that 80 percent of the people in a free election would vote for Ho Chi Minh over Bao Dai. Would Diem do any better than Bao Dai? Why should he? No one in Vietnam could beat Ho Chi Minh in an open election. He was the George Washington of the nation. Professor Brown calls him a “traitor”, but for fifteen years, from 1954 to his death in September of 1969, this traitor would have easily won over any other candidate. You can’t beat somebody with nobody...

Several historians, arguing like lawyers – or professors – insist that because the Republic of Vietnam had not signed the Geneva Accord, it was not obligated to cooperate in holding elections for unification. It’s like a rapist telling the victim she damaged his car. This had nothing to do with it. The reason he does what he does is he wants to copulate. The reason Diem did not hold unification elections was that he thought he’d lose them...)

Qua phần phân tích những tài liệu ở trên, chúng ta thấy rằng: 1) Hiệp Định Genève không chia đôi đất nước thành hai miền độc lập về chính trị và đất đai; và 2) Mỹ và Diệm đã cố ý không thi hành điều khoản Tổng Tuyển Cử để thống nhất đất nước. Trước tình hình như vậy, Bắc Việt không còn con đường nào khác là phải tiếp nối sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhưng những tài liệu viết bởi chính người Mỹ cho biết, dù miền Nam từ chối không thi hành Tổng Tuyển Cử, Bắc Việt vẫn hi vọng đi đến một giải pháp chính trị, hòa bình để thống nhất đất nước..

Giải pháp quân sự của Bắc Việt chỉ là chuyện bất đắc dĩ trước sự can thiệp sâu đậm của Mỹ có tính cách xâm lăng vào Việt Nam. Và đây chỉ là, như trên đã nói, tiếp nối sự nghiệp chống xâm lăng và thống nhất đất nước. Khi xưa, chúng ta ở miền Nam tin tưởng rằng Mỹ giúp miền Nam vì lý tưởng tự do dân chủ, cũng như ngày nay, nhiều người tin rằng ông Bush xâm chiếm Iraq [người Mỹ gọi là “invasion and occupation”] cũng là để cho tự do dân chủ. Không có gì là xa sự thực hơn.

Không phải là sau Hiệp định Genève Mỹ mới can thiệp vào Việt Nam mà Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam từ trước đã lâu. Mỹ đã đồng lõa với thực dân Pháp trong mưu toan tái lập nền đô hộ của Pháp trên dân Việt Nam. Những người thực sự tin rằng Mỹ là “đồng minh” của Nam Việt Nam, muốn giúp dân Việt Nam để chống lại Cộng Sản, để cho dân Việt Nam, hay ít ra là dân miền Nam, được tự do dân chủ, nên nhớ kỹ rằng chính Mỹ đã đài thọ hơn 80% chiến phí cho Pháp trong cuộc chiến tiền-Genève, từ 1945 đến 1954, để Pháp tái lập nền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở lại vòng nô lệ Pháp, trong khi Mỹ đã biết rõ chế độ thực dân Pháp đối với dân Việt Nam là như thế nào? Lịch sử Việt Nam sẽ lên án hành động đế quốc thực dân này. Nếu chúng ta coi Pháp là quân xâm lăng thì Mỹ cũng là kẻ xâm lăng không kém. Chỉ sau khi Pháp thất trận Mỹ mới đưa ra chiêu bài giúp Việt Nam, bảo vệ nền tự do (sic) của Nam Việt Nam trong khi, như chúng ta đã biết, theo Hiệp Định Genève, Nam Việt Nam không phải là một quốc gia độc lập mà chỉ là một vùng rút quân của Pháp và những lực lượng quân sự dưới quyền Pháp, trong đó có lực lượng quốc gia, chờ ngày Tổng Tuyển Cử trên toàn thể đất nước vào năm 1956. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã chứng tỏ lòng người dân Việt muốn gì. Và đây là quyền tự quyết của Việt Nam mà Mỹ đã hứa là sẽ không can thiệp trong một bản tuyên ngôn đơn phương (unilateral declaration) sau khi Hiệp Định Genève được ký kết.

Thật vậy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Walter Bedell Smith xác định trong bản Tuyên Ngôn tại Washington D.C. về Hiệp Định Genève và cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1956 để thống nhất đất nước như sau:

“Trong trường hợp những quốc gia nay bị chia đôi ngoài ý muốn, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống nhất qua bầu cử tự do, giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh” và “Hoa Kỳ sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp”

(In the case of nations divided against their will, we shall continue to seek to achieve unity through free elections, supervised by the United Nations to ensure that they are conducted fairly... The US will refrain from the threat or the use of force to disturb them)

Nhưng trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In Depth Of The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại học Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, viết, trang 59:

“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa Kỳ đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Saigon [do Mỹ dựng lên] trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp”

(Though the US said it would “refrain from the threat or the use of force to disturb” the agreements, it soon become evident that it was prepared to use every other means to back up the Saigon regime in its departure from their central provisions).

[Tưởng chúng ta không nên quên là ngay từ sau Hiệp Định đình chiến 1954, Mỹ đã gửi Lansdale ra ngoài Bắc để phá hoại, tuyên truyền, và cổ võ giáo dân Công giáo di cư vào Nam với những khẩu hiệu như “Chúa đã vào Nam” và “Đức Mẹ đã di cư vào Nam” v..v.. để dụ đám giáo dân thấp kém. Vì vậy hơn 800 ngàn Giáo dân Công giáo đã ào ào, các Cha chạy trước, các con theo sau, kéo vào Nam]

Do đó, mọi lý do Mỹ dùng để can thiệp vào Việt Nam trở thành vô giá trị, không thể biện minh được, trước những sự kiện trên. Sự thật là, Mỹ tự ban cho mình quyền của một cảnh sát quốc tế, ép buộc mọi quốc gia phải theo sự xếp đặt của mình, nghĩa là, như trên đã nói, áp dụng luật rừng và cường quyền thắng công lý của kẻ mạnh. Nhưng thực ra, theo những tài liệu hiện hữu của một số học giả Mỹ, cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam có nhiều tính cách xâm lăng và nằm trong chủ trương bá quyền của Mỹ trên khắp thế giới chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Mỹ đã can thiệp vào nội bộ của nhiều nước: El Salvador, Dominican Republic, Philippines, Thailand v..v..

Mặt khác, trong thời điểm đó, hơn ¼ thế giới theo Cộng Sản, Cuba ở ngay sát nách Mỹ là Cộng Sản, toàn thể Đông Âu theo Cộng Sản, và hai Cộng Sản gộc là Nga và Tàu, tại sao Mỹ không chống ở những nơi đó mà lại đi chống ở một nước nghèo, nhỏ, xa xôi như Việt Nam, vừa mới giành được độc lập sau một cuộc chiến đấu gian khổ dài 9 năm, nhân dân mệt mỏi, tài nguyên kiệt quệ, và nhất là không có khả năng gây bất cứ sự nguy hại nào cho Mỹ?

Mục Sư Tin Lành Robert McAfee Brown, Giáo sư Tôn Giáo Học tại đại học Stanford, viết trong cuốn Việt Nam: Sự Khủng Khoảng của Lương Tri (Vietnam: Crisis of Conscience, Association Press, N.Y., 1967), trang 79:

Thật là khôi hài, ngay khi mà chúng ta nói rằng chúng ta phải “chặn đứng Cộng Sản” ở Việt Nam, thì ở những nơi khác chúng ta lại sống chung với Cộng Sản, soạn thảo những hiệp ước với Nga Sô, mở rộng giao thương với Đông Âu, ủng hộ Tito ở Nam Tư. Ở những nơi khác, chúng ta rõ ràng quyết định là sống chung hòa bình với Cộng Sản, và khuyến khích những xã hội Cộng Sản độc lập, không cần đến sự liên kết với nhau trong khối Cộng sản.

(It is ironic that at precisely the moment we are saying that we must “halt communism” in Vietnam, we are coming to terms with it elsewhere, working out new treaty agreements with Russia, extending trade in Eastern Europe, giving support to Tito in Yougoslavia. Elsewhere, we have clearly decide to coexist with communism, and to encourage independent Communist societies that will be increasingly free of the need for alliance with one another.)

Mục sư Brown nhận định không sai. Ngày 4 tháng 11, 1956, xe tăng Nga tiến vào Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, một sự xâm lăng trắng trợn để dẹp một chính quyền Cộng Sản ngỏ ý cho dân được bầu cử tự do. Mỹ chỉ can thiệp bằng miệng, dùng đài phát thanh VOA khuyến khích dân Hung chống trả, hứa suông là sẽ đem quân vào can thiệp, rồi án binh bất động. Việt Nam không có quân xâm lăng từ ngoài vào. Vậy tại sao lại là Việt Nam?

Vậy thì, thực chất cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là gì? Phải chăng đó chỉ là một cuộc xâm lăng ngụy trang đàng sau chiêu bài giúp Nam Việt Nam để có tự do dân chủ. 9 năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm có tự do dân chủ không? Chính quyền Thiệu có tự do dân chủ không? Và tự do dân chủ như thế nào? Nhất đĩ nhì Cha?

Ngày nay, chúng ta có thể đọc vài tài liệu về thực chất cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, do chính người Mỹ viết, và viết sau khi chiến tranh Đông Dương đã chấm dứt từ lâu.

Có lẽ không có gì rõ ràng hơn là đoạn sau đây của Daniel Ellsberg trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ..

Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.

Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến.

Bảo rằng chúng ta “xía vào” cái gọi là “đích thực là một cuộc nội chiến”, như hầu hết các tác giả Mỹ, và ngay cả những người có khuynh hướng tự do chỉ trích cuộc chiến cho rằng như vậy cho đến ngày nay, đơn giản chỉ là che dấu một sự thực đau lòng hơn, và cũng chỉ là một huyền thoại như là luận điệu chính thức về một “cuộc xâm lăng từ miền Bắc”.

Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ.

(There had been no First and Second Indochina Wars, just one continuous conflict for almost a quarter of century.

In practical terms, on one side, it had been an American war almost from its beginning: at first French-American, eventually wholly American. In both cases it was a struggle of Vietnamese – not all of them but enough to persist – against American policy and American financing, proxies, technicians, firepower, and finally, troops and pilots.

It was no more a “civil war” after 1955 or 1960 than it had been during the US-supported French at colonial reconquest. A war in which one side was entirely equipped and paid by a foreign power – which dictated the nature of the local regime in its own interest – was not a civil war. To say that we had “interfered” in what is “really a civil war”, as most American writers and even liberal critics of the war do to this day, simply screened a more painful reality and was as much a myth as the earlier official one of “aggression from the North”. In terms of the UN Charter and our own avowed ideals, it was a war of foreign aggression, American aggression.)

Tại sao Daniel Ellsberg lại có thể viết như vậy. Vì Ellsberg là viên chức trong chính quyền Mỹ, đã từng đọc được những tài liệu mật nhất của Mỹ và biết rõ nhất về thực chất cuộc chiến ở Việt Nam. Chính ông là người đã tiết lộ Tài Liệu Ngũ Giác Đài. Và ông viết đoạn trên năm 2002 chứ không phải là trong thời kỳ “phản chiến” sôi nổi trên đất Mỹ. Nếu chúng ta đã đọc một số những sách viết về cuộc chiến Việt Nam, viết sau 1975, của các học giả và cựu quân nhân Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy rằng đa số đồng ý với Daniel Ellsberg về điểm này.

Sau đây là một tài liệu khác về bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam cách đây trên 30 năm. Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), John Carlos Rowe and Rick Berg viết, trang 28-29:

Cho tới năm 1982 – sau nhiều năm tuyên truyền liên tục mà hầu như không có tiếng nói chống đối nào được phép đến với đại chúng – trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (ở Việt Nam) “căn bản là sai lầm và phi đạo đức”, chứ không chỉ là “một lỗi lầm.”

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức hiến thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm.

Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ.

Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp.” Mỹ chưa bao giờ coi những tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân lọại trên khắp Đông Dương.

(As late as 1982 – after years of unremitting propaganda with virtually no dissenting voice permitted expression to a large audience – over 70% of the general population (but far fewer “opinion leaders”) still regarded the war as “fundamentally wrong and immoral,’ not merely “a mistake”..

It is worth recalling a few facts. The US was deeply committed to the French effort to reconquer their former colony, recognizing throughout that the enemy was the nationalist movement of Vietnam. The death toll was about half a million. When France withdrew, the US dedicated itself at once to subverting the 1954 Geneva settlement, installing in the south a terrorist regime that killed perhaps 70000 “Viet Cong” by 1961, evoking resistance which, from 1959, was supported from the northern half of the country temporarily divided by the Geneva settlement that the US had undermined.

In 1961-1962, President Kennedy launched a direct attack against rural South Vietnam with large-scale bombing and defoliation as part of a program designed to drive millions of people to camps where they would be “protected” by armed guards and barbed wire from the guerillas whom, the US conceded, they were willinggly supporting. The US maintained that it was invited in, but as the London Economist accurately observed, “an invader is an invader unless invited in by a government with a claim to legitimacy.” The US never regarded the clients it installed as having any such claim, and in fact it regularly replaced them when they failed to exhibit sufficient enthusiam for the American attack or sought to implement the neutralist settlement that was advocated on all sides and was considered the prime danger by the aggressors, since it would undermine the basis for their war against South Vietnam. In short, the US invaded South Vietnam, where it proceeded to compound the crime of aggression with numerous and quite appalling crimes against humanity throughout Indochina.)

Từ những tài liệu trên, những người còn mơ mộng Mỹ là “đồng minh” của mình, hay dựa thế Mỹ, hay nói đúng hơn là dựa vào vài cái nghị quyết ấm ớ của Hạ Viện Mỹ, vào vài lời tuyên bố của một số dân biểu cắc ké chống Cộng thời thượng v..v.. để lật đổ chế độ Cộng sản không Cộng sản ngày nay ở Việt Nam thì không hiểu gì về chính trị Mỹ và người Mỹ. Mỹ không có đồng minh. Mỹ là một thị trấn trên đồi (A city on the hill), Mỹ là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo sau, và Mỹ chỉ coi những người địa phương, những “gooks”, mà Mỹ ve vuốt ủng hộ trên đầu môi chót lưỡi để tạo áp lực thay cho Mỹ, hoặc khuyến khích khích khuấy động, như là đầy tớ. Đối với Mỹ, đồng đô-la quyết định hết thẩy. Nếu vài cái nghị quyết của Hạ Viện hay của Quốc Hội Âu Châu, nếu những lời kêu gọi nhân quyền của Sanchez, Smith v..v.. mà có hiệu lực thì Cộng sản Việt Nam đã dẹp tiệm từ lâu rồi. Đây là những sự thực ngay trước mắt mà giới chống Cộng cực đoan hay chống Cộng cho Chúa không nhìn thấy.

Qua sự phân tích những sự kiện lịch sử và qua một số tài liệu đã dẫn chứng ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, như trên đã nói, ngày 30 tháng 4 tất nhiên phải đến, vì đó là niềm khao khát nếu không phải của toàn dân thì cũng của đa số người dân.. Bất kể là Tàu, hay Nga, hay Mỹ có muốn Việt Nam thống nhất hay không, điều này không quan trọng, người Việt Nam muốn và đã thực hiện được, thế là đủ. Đối với những người còn mang nặng trên vai cuộc xung đột Quốc – Cộng trong quá khứ, và còn muốn tiếp tục cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, thì họ chỉ có thể nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của ngày 30/4/75, vì thế chúng ta mới thấy xuất hiện những từ như “mất nước”, “Quốc Hận”, hay “cưỡng chiếm” và luận điệu “cái gì ở Việt Nam cũng xấu”.. Nhưng nhìn vào khía cạnh tích cực của ngày 30/4/75, và tạm quên đi mình vốn là người Việt Quốc gia, đã từng đóng góp cho miền Nam về quân sự cũng như về giáo dục, để nhìn vấn đề trên quan điểm đất nước, dân tộc, tôi xin có vài quan điểm sau đây về ngày 30/4/75. Đây chỉ là những quan điểm cá nhân, tuyệt đối cá nhân.

Ngày 30/4/75 là ngày mà không ai có thể phủ nhận là ngày Việt Nam lấy lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất của nước nhà sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ, và sau một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ đầy bi thảm mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên “cường quyền thắng công lý” của ngoại bang: sự liên kết giữa Vatican và Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về để chống Cộng, xóa bỏ hiệp định Genève trong đó có điều khoản qui định một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, và Mỹ đã hứa không dùng võ lực để can thiệp vào nội bộ Việt Nam nhưng lại phản bội lời hứa ngay sau đó.. Đây là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác.

Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc Gia không Cộng Sản, không Nam không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.

Khía cạnh tích cực nhất của ngày 30/4/75 là trên đất nước không còn cảnh bom đạn, cảnh đồng bào bắn giết nhau, và nhất là đất nước đã vắng bóng quân xâm lược. Một khía cạnh tích cực khác của ngày 30/4/1975 là nó mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Qua nhiều năm, hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, hiện đang sống ở nước ngoài. Sau một thời gian khó khăn trong việc hòa nhập vào một xã hội mới, sau khi đã ổn định được đời sống qua công ăn việc làm, đa số người Việt lưu vong không từ bỏ quê hương. Như là một nghịch lý, khối người Việt lưu vong cũng đã đóng góp không ít cho quốc gia dân tộc, và đã giúp cho chế độ bên nhà bền vững, một chế độ mà một số hội đoàn, tổ chức hữu danh vô thực, kể cả thế lực đen và tổ chức lãnh tiền của NED Mỹ để chống phá Việt Nam, thường hô hào cần phải lật đổ, giải thể, hay cất lên tiếng kêu vô vọng trong sa mạc: “Cha đã tiên phong góp phần giải phóng quê hương Cha, và tiếp đến sẽ là quê hương chúng con”.. mà không bao giờ nhìn thấy đất nước ngày nay đã phát triển như thế nào, đời sống của người dân đã cải tiến ra sao, số lượng khách ngoại quốc du lịch Việt Nam là bao nhiêu, và số lượng người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương là như thế nào. Từ 1986, số tiền người Việt lưu vong gửi về mỗi năm không ít, và ngày nay mỗi năm có mấy trăm ngàn “Việt kiều” về thăm quê hương, mang về mỗi năm trên dưới 3 tỷ đô la, và không phải là không có những chuyên gia mang những kiến thức mới về Việt Nam hay những nhà doanh nghiệp về làm ăn ở Việt Nam. Đất nước đã mở mang phát triển về nhiều mặt tuy chính quyền còn nhiều điều bất cập. Nhưng không ai có thể phủ nhận là, qua thời gian, chính quyền Việt Nam đã cải tiến rất nhiều, và tôi hi vọng chính quyền tiếp tục đặt nặng nỗ lực trên vấn đề cải tiến xã hội, mở mang dân trí, và coi dân là trọng.

Riêng đối với cá nhân tôi, ngày 30/4/1975 là ngày tôi quyết định ly hương và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối tiếc gì về quyết định này. Không được sống trên quê hương đất tổ, nhưng cả thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Không gian như thu hẹp lại, và tôi có thể đi khắp thế giới, đến bất cứ nơi nào tôi muốn, để mở rộng tầm mắt. Và ngày nay, tôi muốn về thăm quê hương khi nào cũng được. Đối với tôi, sự mất mát trong một giai đoạn đã được đền bù bằng những món ăn tinh thần mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Từ 1975, định cư ở Mỹ, tôi mới có cơ hội và phương tiện để tìm hiểu về Phật Giáo. Tôi cho đó là một hồng phúc của tổ tiên để lại. Ngoài ra, tôi cũng còn có cơ hội để tìm hiểu thực chất về các tôn giáo khác, đặc biệt là về Ki Tô Giáo nói chung, Ca Tô giáo Rô Ma (Roman Catholicism) nói riêng, cũng như về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam mà tôi tin rằng nếu ở lại Việt Nam tôi không thể nào có phương tiện và cơ hội để có được những sự hiểu biết này. Qua những kiến thức mới thu thập được này, tôi đã từ một người “Quốc gia” trở thành một người “của Quốc Gia”, Quốc gia Việt Nam.

Hi vọng những hiểu biết này, qua những công cuộc nghiên cứu trí thức, có thể phần nào đóng góp cho việc tìm hiểu những vấn đề nhức nhối giữa những khối người Việt có chính kiến khác nhau về cuộc chiến tranh trên ba mươi năm trước, cũng như về thực chất các tôn giáo chính ở Việt Nam .





Bang Giao "Bắc Kinh-Vatican" (?) Một Kinh Nghiệm Quý Giá Cho Việt Nam (Trần Chung Ngọc)
Chống Cộng Theo Gương David (Trần Chung Ngọc)
Chủ Nghĩa Khủng Bố và Diệt Chủng (Trần Chung Ngọc)
Cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
DÆ° Luận Quần ChĂºng
Ma Quân Quấy Nhiễu Sư Tăng - Nhưng Thất Bại (Trần Chung Ngọc)
MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 2 (Trần Chung Ngọc)
MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM - 3 (Trần Chung Ngọc)
MỘT CHUYẾN VỀ VIỆT NAM -1 (Trần Chung Ngọc)
Một trong ba thứ (Trần Chung Ngọc)
NED và Lê Quốc Quân
NGÀY 30/4/1975 (Trần Chung Ngọc)
Ngáp Lớn Trong Tòa Mỹ Bị Tù - Còn Nguyễn Văn Lý ? (Trần Chung Ngọc)
Nhân chuyện ông Triết đi Mỹ
Nhân Quyền của Mỹ & Dự Luật H.R. 3096 (Trần Chung Ngọc)
Nhũng Điều Tưởng Tượng Điên Rồ Của Bộ Giáo Dục Texas (Geoffrey R. Stone)
Những Người Máy Chống Cộng (Trần Chung Ngọc)
Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - 1 (Trần Chung Ngọc)
Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam - Phần 2: Tội ác chiến tranh (Trần Chung Ngọc)
Phải Chăng Chiếc Khăn Quàng Là Giải Pháp Cho Tòa Khâm Sứ? (Trần Chung Ngọc)
Richard Dawkins: Haiti Và Sự Đạo Đức Giả ... (Trần Chung Ngọc)
Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Chiến Tranh Việt Nam (Trần Chung Ngọc)
Thắc Mắc Cần Được Giải Đáp: 3. Về Lá Cờ Vàng (Trần Chung Ngọc)
Thử Phân Tích Vài Đoạn Trong Bài Diễn Văn Nhậm Chức (Trần Chung Ngọc)
Tâm Thư Gửi Những Ai Quan Tâm (Trần Chung Ngọc)
Tại Sao Lại Việt Nam ? (Trần Chung Ngọc)
Tại Sao Những Người Tin Chúa Lại Thù Ghét Những Người Vô Thần? (Trần Chung Ngọc)
Tản Mạn về Chống Cộng (Trần Chung Ngọc)
Tản Mạn Xung Quanh Chuyến Về Việt Nam Thứ Tư Của Tôi (Trần Chung Ngọc)
Viết Mà Chơi - Ai Chống Cộng Và Ai Không Chống ? (Trần Chung Ngọc)
Vài Nhận Định Khi Đọc Lời Phát Biểu Của Ông Ngô Quang Kiệt (Trần Chung Ngọc)
Vài Ý Kiến Về Vấn Đề Bang Giao Với Vatican (Trần Chung Ngọc)
Vấn Đề Nhân Quyền Trước Luật Pháp Quốc Gia (Phúc Lâm sưu tầm)
Đôi Hàng Về Chuyện Cờ Vàng Cờ Đỏ (Trần Chung Ngọc)
ĐĐ Thích Nhật Từ và Xóm Đạo (Trần Chung Ngọc)
“Religulous” Điểm Phim Cuối Tuần (Trần Chung Ngọc)


Trang Trần Chung Ngọc