Nước Mỹ - Nhân Quyền - Việt Nam

Trần Chung Ngọc

07 tháng 9, 2010

1   2

PHẦN MỘT

I – Nhân quyền - Tự do Tôn giáo

II - Nước Mỹ và Vấn nạn Nhân quyền

III - Mỹ và Việt Nam

Lời Nói Đầu:

Bài viết này là kết quả nghiên cứu, lẽ dĩ nhiên không đầy đủ vì không thể nào đầy đủ, về nước Mỹ, xin hiểu là chính sách của chính quyền Mỹ chứ không phải là người dân Mỹ, liên quan đến vấn nạn nhân quyền và vài khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo. Đắn đo suy nghĩ vì nhiều lý do. Là một người tỵ nạn được nước Mỹ bao dung mà viết lên những sự thật về nước Mỹ mà đa số người dân Mỹ cũng như người Việt di cư ít biết đến, hay không muốn biết đến, chắc chắn sẽ bị một số người đồng cảnh ngộ di cư cho là vô ơn. Những người này không ở trong lãnh vực nghiên cứu, học thuật trí thức, trong đó sự lương thiện trí thức phải đặt lên hàng đầu. Lịch sử không thiên vị, “History doesn’t take side”, người Mỹ thường nói.

Sau cuộc chiến, nhiều trí thức Mỹ đã để tâm nghiên cứu về mọi khía cạnh của cuộc chiến, và không ít các cựu quân nhân Mỹ, từ các tướng lãnh cho đến những quân nhân thường, đã viết lại những nhận xét và kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến. Ngày nay chúng ta có rất nhiều tài liệu thuộc loại như vậy, khoan kể đến những hồ sơ của chính quyền Mỹ đã được giải mật. Đọc một số trí thức Mỹ viết về nước Mỹ chúng ta thấy rõ sự lương thiện trí thức của họ trong lãnh vực học thuật. Có những sự kiện về bộ mặt nhân quyền của Mỹ và về cuộc chiến ở Việt Nam mà chỉ có những người quan tâm nghiên cứu, không bị chi phối bởi thiên kiến hay cảm tính bè phái, nghiên cứu qua phương pháp khoa học, tổng hợp và phân tích các tài liệu, mới có thể đi đến những nhận thức tương đối không xa với sự thật là bao nhiêu.

Cuộc chiến tranh Việt Nam cách đây trên 35 năm đã gây nên nhiều tổn thất to lớn cho dân tộc, về vật chất cũng như về sinh mạng, đưa đến một hậu quả không tránh được là sự chia rẽ, phân hóa giữa những quan niệm, lập trường khác nhau. Ở hải ngoại, có một số người, dù chỉ thuộc thiểu số, vẫn tiếp tục mang nặng tâm tư Quốc-Cộng của hơn 4 thập niên về trước, và không thể nguôi được sự thù hận. Sự thù hận trên bắt nguồn từ nhiều lý do: lý do cá nhân, lý do tập thể, phần lớn là tập thể CaTô Giáo, lập trường chính trị, và nhất là, thiếu hiểu biết về những sự thực lịch sử, cho nên sự thù hận thường là một chiều.

Đọc một số không ít những diễn đàn thông tin điện tử của người Việt ở hải ngoại và ở trong nước, tôi thấy một hiện tượng rất rõ rệt. Người trong nước rất ít khi nói đến phía Quốc Gia, và nếu có nói đến thì cũng không có những luận điệu hận thù ngút trời như những người ở hải ngoại. Trong khi đó thì ở hải ngoại chúng ta thấy tràn ngập những bài rủa xả từ những cá nhân đến tập thể CS trong khi trên thực tế CS chỉ còn trên mặt văn tự, nhiều khi với những từ rõ ràng là thiếu văn hóa, chỉ chứng tỏ tư cách và giáo dục của người viết, chứ không có một tác dụng nào. Chúng ta chỉ thấy những luận điệu một chiều, đổ tất cả mọi tội lỗi và cái ác lên đầu CS, thường là sai sự thực. Thí dụ như về cuộc chiến thì CS theo lệnh Nga Tàu gây chiến ở Việt Nam, hay xâm lăng “cưỡng chiếm” Nam Việt Nam v.. v… Họ không bao giờ cần tìm hiểu, hoặc không muốn tìm hiểu hay không đủ khả năng tìm hiểu, nguồn gốc thực sự của chiến tranh Việt Nam là từ đâu. Sự hiểu biết về lịch sử của họ quả thật rất đáng tội nghiệp. Họ thường đổ tội cho ông Hồ với luận điệu: “Nếu Hồ Chí Minh không phải là CS thì sẽ không có chiến tranh, và trước sau gì Việt Nam cũng sẽ được Pháp trả lại nền độc lập”. Thật là một lý luận quá ấu trĩ, vì họ không hề biết là CS ở mỗi quốc gia một khác cho nên người Cộng sản cũng vậy, điển hình là Cụ Hồ [Xin đọc bài “Vài Nét Về Cụ Hồ” trên http://www.sachhiem.net/ TCN/TCNls/TCNls04.php ]. CS hay không thì Pháp đã quyết định trở lại Đông Dương để tái lập nền đô hộ trên bán đảo này, và Mỹ, dù không có thiện cảm với chế độ thực dân, vẫn ủng hộ Pháp trong trong quyết định này vì coi Đông Dương thuộc chủ quyền của Pháp, và cần Pháp để dựng lên tổ chức SEATO [SouthEast Asia Treaty Organiztion] để làm một lực lượng chung ngăn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á (Tổ chức này chỉ có 8 hội viên, và Mỹ đã thất bại trong mục đích lợi dụng tổ chức này để cùng Mỹ tham gia cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Pakistan rút ra khỏi tổ chức năm 1973, và Pháp, năm 1974. Tổ chức này đã chính thức bị dẹp bỏ ngày 30 tháng 6, năm 1977). Cho nên Mỹ đã đơn phương giúp Pháp đủ mọi thứ vũ khí, từ máy bay, xe thiết giáp, đại bác cho đến các loại súng nhỏ, tổng số lên tới 80% quân phí, trong mưu đồ tái lập nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam bằng quân sự. Đây là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác vì đã có nhiều văn kiện chứng minh.

Thí dụ, sau đây là một đoạn trong thư của Đại sứ Hoa Kỳ ở Paris gửi cho Thủ Tướng Ramadier vào đầu năm 1947, bày tỏ sự cam kết của Mỹ để phục hồi vị thế của Pháp ở Đông Dương (expressed Washington’s commitment to restore France’s position in Indochina), trong cuốn Cracks In The Empire: State Politics In The Vietnam War của Paul Joseph, trang 81:

Bất kể là có sự hiểu lầm nào trong đầu óc người Pháp về lập trường của chúng ta đối với Đông Dương họ phải cám ơn là chúng ta đã hoàn toàn công nhận vị thế chủ quyền của Pháp trong vùng đó và chúng ta không mong rằng có bất cứ điều nào cho rằng chúng ta cố gắng phá ngầm vị thế đó của Pháp và Pháp nên biết rằng chúng ta muốn giúp đỡ họ và chúng ta sẵn sàng trợ giúp họ bất cứ theo cách nào thích hợp mà chúng ta có thể để kiếm ra giải pháp cho vấn nạn Đông Dương. [1]

Độc giả có thể đọc thêm về chuyện Mỹ công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương trong The Pentagon Papers, trang 7; Vietnam: A History in Documents, Edited by Gareth Porter, trang 13; và America in Vietnam: A Document History, Edited by William Appleman Williams et al…, trang 38. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có đủ can đảm và lương thiện, chấp nhận sự thật lịch sử, dù có nhiều cay đắng đối với chúng ta, chúng ta sẽ nhận thức được là kéo dài sự thù hận không có lợi ích gì cho dân tộc và cho cá nhân chúng ta, và từ đó sự thù hận sẽ giảm bớt.

   

Ngày nay, những sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam đã rõ, từ những tác phẩm nghiên cứu hậu chiến của các chuyên gia có uy tín trong lãnh vực học thuật cho đến những hồ sơ đã được giải mật của chính quyền Mỹ v…v…. Trước những tài liệu nghiên cứu nghiêm chỉnh của các trí thức Tây phương mà không có lý do gì để chúng ta cho rằng họ chống Mỹ hay thân Cộng, chúng ta phải có can đảm nhìn lại lịch sử như nó là như vậy, chúng ta không có quyền vì cảm tính phe phái, tôn giáo, hay vì thù hận mà xuyên tạc lịch sử. Hơn nữa, sự thù hận một chiều vì thiếu ý thức chính trị và lịch sử này đã đưa đến sự chia rẽ, phân hóa trầm trọng trong cộng đồng hải ngoại, và nhiều khi phản tác dụng.

Sống trong một nước tự do dân chủ như nước Mỹ mà chúng ta không thể chấp nhận bất cứ một quan điểm nào khác với quan điểm của chúng ta, do đó bạn trở thành thù, đồng chí hướng trở thành đối nghịch chí hướng, cho nên một số người đã có những hành động côn đồ áp bức, phi tự do, phi nhân quyền, làm xấu hổ lây đến cả cộng đồng v…v… Vấn đề chính là chúng ta luôn luôn bám chặt vào quan điểm, định kiến của mình và cho đó là phải, là đúng nhưng không biết rằng nhiều khi quan điểm, định kiến của mình không có căn bản vững chắc, phần lớn chỉ là cảm tính cá nhân. Đông, Tây có nhiều tư tưởng giống nhau. Khi xưa cụ Khổng đã từng nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng”, người quân tử tuy bất đồng ý kiến nhưng vẫn hòa thuận với nhau. Và Voltaire đã từng nói: “ Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh nói như vậy.”(I do not agree with what you have to say, but I'll defend to the death your right to say it.). Hiển nhiên những câu thời danh trên chỉ có thể áp dụng cho lớp người có trình độ văn hóa tương đương, chứ không thể áp dụng giữa quân tử và tiểu nhân, hay giữa những người có trình độ văn hóa quá khác biệt.

Bài viết này tập trung trên hai chủ đề: (a) những sự kiện về bộ mặt nhân quyền của Mỹ, và (b) những sự kiện về cuộc chiến Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, trong một bài viết thuộc loại này, không ai có thể đưa ra tất cả những sự kiện về hai chủ đề trên. Những sự kiện này chắc chắn sẽ làm cho một số người Việt Quốc Gia chống Cộng cực đoan, hay người Ca-tô, không hài lòng, hoặc vì sự hiểu biết của họ giới hạn về những chủ đề, hoặc vì thiên kiến, thù hận, và cuồng tín tôn giáo đã ăn sâu vào trong não tủy của họ. Thường họ không biết thế nào là phê bình hay đối thoại, không đồng ý là họ lên tiếng đả kích cá nhân, chụp mũ đủ điều mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Lẽ dĩ nhiên, trong việc làm tế nhị, dễ bị đụng chạm và dễ bị xuyên tạc này, những trở ngại như đã nêu ở trên là điều không thể tránh. Nhưng nếu chỉ vì những trở ngại ngoài mặt này mà chúng ta, những con người trí thức, cứ tiếp tục xuyên tạc lịch sử, bịt mắt bịt tai người dân, thì chúng ta quả là mang tội với dân tộc vì như vậy là chúng ta đã chặn bước tiến của dân tộc. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi phê bình và đối thoại trí thức, tập trung trên các chủ đề, và miễn trả lời những phê bình nằm ngoài lãnh vực học thuật trí thức.

* * *

I.- Nhân Quyền – Tự Do Tôn Giáo:

Nhân Quyền ?

Tôi đã là một công dân Mỹ gốc Việt từ 30 năm nay, đi làm, đóng thuế đầy đủ, và chưa hề phạm một tội nào đối với quốc gia mới của tôi là nước Mỹ. Vấn đề tôi thích nhất ở nước Mỹ là tôi có tự do nghiên cứu về bất cứ lãnh vực nào mà tôi muốn, không giới hạn, và tự do trình bày những công cuộc nghiên cứu của tôi. Điều này, giới trí thức Mỹ đã làm nhiều rồi như nội dung các tài liệu trong bài này sẽ chứng minh.

Tôi thật tình cảm thấy bức xúc sau khi tìm hiểu về đất nước mới của tôi, tôi thấy những điều mà chúng ta thường biết về nước Mỹ như: “Là nước giật giải quán quân về dân chủ và nhân quyền”, những chiêu bài mà Mỹ thường muốn xuất cảng trên khắp thế giới, hay những lý do mà Mỹ đưa ra để biện minh cho việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam v…v… đã đưa đến cho tôi một kết luận: “Nghe vậy mà không phải vậy.” Đây cũng là mối bức xúc của nhiều trí thức Mỹ, và họ đã viết ra nhiều tác phẩm và tài liệu về thực chất bộ mặt nhân quyền và những tội ác chiến tranh của nước Mỹ. Nếu ai còn nghi ngờ nhận định trên của tôi, xin mời vào đọc vài website điển hình sau đây, trong đó có hàng trăm bài viết về vấn nạn nhân quyền và tội ác chiến tranh của nước Mỹ.

- Documents on U.S. war crimes and violations of U.S. and international laws
http://www.christusrex.org/www1/news/crimes-docs.html (Tài liệu về tội ác chiến tranh của Hoa kỳ và những vi phạm của Hoa kỳ và luật quốc tế)

- American War Crimes And Crimes Against Humanity http://www.christusrex.org/www1/ news/war-crimes-index.html (Tội Ác Chiến Tranh của Mỹ và Tội Ác Chống Nhân Loại)

Về chiến tranh Việt Nam, có thể đọc:

- American Terrorism and Genocide of the Vietnamese People, 1945-1974
http://www.intellnet.org/resources/american_terrorism/Vietnamesevictims.html

Hoặc cuốn: “The War Behind Me: Vietnam Veterans Confront The Truth About U.S. War Crimes, Inside the Army’s Secret Archive of Investigation” của Deborah Nelson.

 

Dân Chủ và Nhân Quyền là hai chiêu bài mà nước Mỹ quảng bá rộng rãi nhất và muốn xuất cảng chúng trên khắp thế giới, lẽ dĩ nhiên theo quan niệm về dân chủ và nhân quyền của Mỹ. Nước Mỹ thường tự hào là một thị trấn trên một ngọn đồi (A city on a hill) nhìn xuống tất cả các quốc gia khác ở dưới thấp, hay là một cái đầu tầu phun khói (đen) dẫn đầu kéo cả đoàn toa thế giới đi theo quan niệm về dân chủ và nhân quyền trên đường rầy của mình. Nước Mỹ cũng tự cho mình cái quyền làm “Quan tòa phán xét nhân quyền trên thế giới” [It presumes to be the "Judge of Human Rights in the World"], vì thế hàng năm Mỹ thường tung ra một bản phúc trình về tình trạng nhân quyền, trong đó có vấn đề tôn giáo, của các nước khác. Tung ra để mà chơi thôi vì tuyệt nhiên Mỹ không có một hành động nào tiếp theo đối với những nước mà Mỹ cho rằng đáng quan tâm về vấn đề nhân quyền. Nhiều khi Mỹ còn phải nhượng bộ trước phản ứng của các quốc gia khác, điển hình là với Trung Quốc, Mỹ phải dẹp vấn đề nhân quyền và cho Trung Quốc hưởng quy chế Tối Huệ Quốc. Hãy đọc Giáo sư Samuel P. Huntington viết trong cuốn Sự Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order). Huntington là một lý thuyết gia chính trị thế giới nổi tiếng của Mỹ, thường viết trong tập san Foreign Affairs. Uy tín của Huntington không ai có thể phủ nhận. Ông ta là giáo sư đại học Harvard, giữ chức vụ Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược John M. Olin và Chủ Tịch Học Viện Harvard Nghiên Cứu Các Địa Phương Trên Thế Giới. Ông cũng từng là Giám Đốc Kế Hoạch An Ninh cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Carter, và Chủ Tịch Hội Chính Trị Khoa Học Hoa Kỳ. Ông viết, trg. 194:

Sự đầu hàng của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền đối với Trung Quốc và các thế lực khác ở Á Châu là một sự “đầu hàng vô điều kiện” (unconditional surrender). Sau khi đe dọa Trung Quốc là sẽ rút bỏ quy chế Tối Huệ Quốc nếu Trung Quốc không tiến bộ về nhân quyền, chính quyền Clinton mới đầu chứng kiến sự bẽ mặt của ngoại trưởng Warren Christopher tại Bắc Kinh, không có được ngay một hành động vuốt mặt mũi (denied even a face-saving gesture), rồi đáp ứng bằng cách từ bỏ chính sách đã đưa ra và tách quy chế Tối Huệ Quốc ra khỏi vấn đề nhân quyền.

Tự Do Tôn Giáo?

Về vấn đề tôn giáo cũng vậy. Điều 18 trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quy định quyền tự do tôn giáo là quyền tin vào giáo lý, sự thực hành, thờ phụng và lễ tiết (belief in teaching, practice, worship and observance) của con người. Quyền tự do tôn giáo, quy định như trên, và “quyền” (sic) nói bậy trong tòa của LM Nguyễn Văn Lý, hay “quyền” thắp nến cầu nguyện nơi công cộng làm loạn xã hội, hay “quyền” đòi đất ăn cướp được, hay “quyền” cắm cây thập ác bậy bạ nơi không được cắm v..v… là những quyền khác nhau. Và những biện pháp của chính quyền để đối phó với những chuyện làm bậy như trên không phải là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Nhưng Ca-tô Giáo ở Việt Nam đã đồng nhất hóa tự do tôn giáo với làm loạn, với bất tuân luật pháp quốc gia, và thế giới Âu Mỹ đã lạm dụng quyền tự do tôn giáo, đồng nhất hóa tự do tôn giáo với tự do truyền đạo với những thủ đoạn bất chính, để truyền bá Ki Tô Giáo trong những nước kém mở mang qua sách lược kiêu căng truyền thống thường có tính cách xúc phạm nặng nề đến các tôn giáo địa phương.

Không còn rao bán được Phúc Âm trong những nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ, ngày nay Ca-tô Rô-MaGiáo cùng Tin Lành đều đang tập trung nỗ lực truyền đạo bằng cách mang "Phúc âm", thật ra là “họa âm”, và tiền của, vật chất để kiếm linh hồn cho Chúa ở những nước kém mở mang mà sự nghèo khổ là một yếu tố để cho đám dân ít học dễ dàng theo đạo. Số linh hồn kiếm được càng nhiều thì hậu thuẫn chính trị của họ càng lớn, hậu thuẫn chính trị càng lớn thì quyền lợi vật chất càng cao. Đó là mục đích tối hậu của các nhà truyền giáo từ xưa tới nay chứ chẳng phải là vấn đề tâm linh đạo đức hay cứu rỗi gì đâu. Đạo đức của giới chăn chiên Ca-tô, từ giáo hoàng trở xuống tới các linh mục, đạo đức của mục sư Tin Lành, nhất là những người giảng đạo trên TV, chúng ta đã biết. Cứu rỗi chẳng qua chỉ là một cái bánh vẽ trên trời (A-Pie-In-The-Sky) như Mục sư Ernie Bringas đã nhận định. Chỉ cần nhìn vào tài sản của các giáo hội độc thần và quyền lực tôn giáo của các hàng giáo phẩm trên thế giới là chúng ta thấy rõ sự thật. Nhưng sự nguy hại thật sự của những nỗ lực truyền đạo này trong những nước kém mở mang là, do cái căn bản tự cho là một tôn giáo chân thật duy nhất và chỉ được thờ một Thần Ki Tô và tin vào sự hứa hẹn của các nhà truyền đạo về một sự "cứu rỗi" của Giê-su, sự truyền đạo có tính cách mê hoặc này cộng với sách lược hạ thấp, mạ lỵ các tôn giáo và nền văn hóa khác sẽ tạo nên một lớp người bản xứ cuồng tín, nô lệ cho ngoại bang, sẵn sàng phản bội quốc gia, do đó không tránh khỏi đưa đến những cảnh xáo trộn trong xã hội, bất hòa trong những khối tín ngưỡng khác nhau trong những quốc gia yêu chuộng hòa bình, tình tương thân tương ái giữa những đồng bào ruột thịt. Lịch sử truyền đạo ở Việt Nam là một trường hợp điển hình.

Thật ra, tự do tôn giáo chỉ là một chiêu bài mà Mỹ dùng để ép những quốc gia nhỏ bé, kém mở mang, mở đường cho sự tự do truyền đạo Ki-tô. Bởi vì, hiện nay Do Thái cũng như các nước Hồi Giáo cấm không cho Ki Tô Giáo vào truyền đạo; Nga sô còn đưa ra luật đặt Ca Tô Giáo ra ngoài vòng pháp luật (outlaw Catholicism); các tín đồ Tin Lành và Ca Tô vẫn tiếp tục giết nhau ở Bắc Ái Nhĩ Lan; Ấn Độ đòi trục xuất những nhà truyền giáo ngoại quốc muốn mang Ki Tô giáo vào; Trung Quốc cấm Ki Tô giáo hành nghề công khai v...v... Tất cả những biện pháp "vi phạm tự do tôn giáo" trên đều có mục đích bảo vệ tín ngưỡng truyền thống quốc gia cùng tránh những xáo trộn có thể xảy ra trong xã hội nếu các quốc gia trên cứ để cho những nhà truyền đạo Tin Lành, Ca Tô lắm bạc nhiều tiền nhưng đạo đức thấp kém, tự do truyền đạo mê hoặc quần chúng sau cái bình phong "tự do tôn giáo" để đạt những mục đích chính trị đen tối. Ngày nay, không ai còn coi Ki Tô Giáo là một lực lượng tôn giáo thuần túy mà trái lại chỉ là những định chế coi nặng vấn đề quyền lợi chính trị và kinh tế. Điều này rõ ràng hơn hết trong đạo luật về tự do tôn giáo của Mỹ.

a) Về Cái Gọi Là Danh Sách CPC:

Chúng ta biết rằng, tháng 10, 1998, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật về tự do tôn giáo thế giới (The International Religious Freedom Act). Đạo luật này đã phơi bày cái bộ mặt đế quốc, đạo đức giả của Ki Tô Giáo tại Hoa Kỳ về sách lược của Hoa Kỳ đối với vấn đề "vi phạm tự do tôn giáo" trên thế giới, bao gồm những biện pháp chính trị, kinh tế, văn hóa mà Hoa Kỳ có thể dùng để trừng phạt những nước mà Hoa Kỳ cho là vi phạm. Mục đích chính của đạo luật này là mở đường cho các nhà truyền giáo Ki Tô đi truyền đạo ở những nơi nào mà Hoa Kỳ có thể ép được bằng áp lực kinh tế và chính trị. Đạo luật này qui định bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải đưa ra trước ngày 1 tháng 9, 1999, danh sách những nước vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo [CPC], và sau đó 90 ngày, Tổng Thống Hoa Kỳ phải phúc trình cùng quốc hội biện pháp đối phó với quốc gia vi phạm.. (The State Department has to complied with the act's requirement to name by September, 1999, those countries deemed responsible for "particularly severe violations of religious freedom". When a country is so designated, the president has 90 days to report to Congress on action to be taken). Có ai viết thư hỏi bộ ngoại giao Hoa Kỳ xem sau khi đưa ra danh sách CPC, trong đó có Việt Nam trước đây, thì chính quyền Mỹ đã có những biện pháp gì đối với các nước nằm trong danh sách CPC? Đối với những giới theo sát thời cuộc thì biện pháp duy nhất của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam trước đây là, khi đó Việt Nam nằm trong danh sách CPC, vì quyền lợi kinh tế của Mỹ, thúc Việt Nam ký Hiệp Ước Thương Mại với Mỹ tuy Việt Nam cứ chần chừ, chưa muốn ký.

Đó là thực chất của cái gọi là danh sách CPC. Vì tự do tôn giáo chỉ là một chiêu bài, và cách sử dụng chiêu bài này còn tùy thuộc quyền lợi chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ. Chúng ta biết rằng Sudan, Do Thái và Saudi Arabia là những nước vi phạm tự do tôn giáo nhất trên thế giới. Nhưng điều chắc là Hoa Kỳ chỉ kể đến Sudan và bỏ qua Do Thái và Saudi Arabia vì Do Thái và Saudi Arabia đều là đồng minh của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế. Saudi Arabia còn là nước xuất cảng dầu nhiều nhất trên thế giới, và không có một chính trị gia Hoa Kỳ nào khuyên chính phủ ngưng mua dầu của Saudi Arabia như là một hành động phản đối sự vi phạm tự do tín ngưỡng của quốc gia này. Stephen Chapman viết trên tờ Chicago Tribune ngày 2 tháng 11, 1997 như sau:

"Những người Mỹ đề nghị ngưng giao thương với những quốc gia vi phạm tự do tín ngưỡng hãy bắt đầu từ nơi khác. Thí dụ như ở Saudi Arabia, nơi đây mọi tôn giáo ngoại trừ Hồi Giáo đều bị cấm ngặt và một tín đồ Hồi Giáo cải đạo theo đạo khác có thể bị tử hình. Nhưng chính sách độc tài tôn giáo của Saudi Arabia không gây phản đối tại Washington khi Hoa Kỳ đem nửa triệu quân vào để bảo vệ Saudi Arabia chống Saddam Hussein. Không có ai ở ngoài một bệnh viện tâm thần lại đề nghị Hoa Kỳ ngưng mua dầu của Saudi Arabia, xứ cung cấp nhiều dầu nhất." [2]

Phê bình đạo luật về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, Giáo sư luật tại đại học Emory, Abdullahi Ahmed An-Na'im nói: "Nhiều người nhớ lại những lời hoa mỹ thiên Ki Tô trước đây và tin rằng Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến sự hỗ trợ các thừa sai Mỹ ở ngoại quốc."(Emory University law professor Abdullahi Ahmed An-Na'im says many remember the early pro-Christian rhetoric and believe the United States is only interested in aiding American missionaries abroad.) J. Paul Martin, Giám đốc trung tâm nghiên cứu nhân quyền tại đại học Columbia còn đi xa hơn nữa. Ông nói: "Ở các nước như Nga sô, Pháp, Bỉ, và Đức, nhiều người coi đạo luật về tự do tôn giáo của quốc hội Hoa Kỳ là một phần của chủ nghĩa đế quốc rộng lớn hơn của Mỹ" (J. Paul Martin, executive director of Columbia University's Center for the study of Human Rights, goes further. In such countries as Russia, France, Belgium, and Germany, he says, many see Congress' action as "part of a larger American imperialism".)

Đây chính là bộ mặt thật của chiêu bài tự do tôn giáo. Những người chống Cộng cực đoan không hiểu được điều này, làm như các phúc trình về nhân quyền của Mỹ, kể cả cái gọi là danh sách CPC về tôn giáo, là có giá trị lắm, và phụ họa với vài dân biểu Mỹ, Việt dốt nát về đường lối chính trị sau chiêu bài nhân quyền của Mỹ, khoan kể đến hồ sơ nhân quyền của Mỹ, ngu ngơ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Ngày nay, Ki Tô Giáo đang suy thoái khắp nơi, kể cả trong nước Mỹ. Các học giả như Sam Harris, Richard Dawkins, Christopher Hitchens v…v… đã vạch ra những tác hại của Ki Tô Giáo trong lịch sử thế giới. Nhưng những nhà truyền giáo Tin Lành và cả Ca-tô vẫn muốn mang những đồ phế thải của Âu Mỹ để truyền bá trong những nước nhỏ, kém phát triển. Họ có thể thành công hay không? Rất có thể nếu con người đi giật lùi về thời Trung Cổ.

b) Về Phúc Trình Hàng Năm Của Bộ Ngoại Giao Mỹ Về Nhân Quyền

Điều nhận xét đầu tiên của tôi sau khi đọc một số tài liệu về thực chất bộ mặt nhân quyền của nước Mỹ là từ 34 năm qua, mỗi năm Bộ Ngoại Giao Mỹ đều tung ra một bản phúc trình về tình trạng nhân quyền của các quốc gia khác trên thế giới mà Mỹ cho rằng đáng quan tâm, nhưng bao giờ cũng bỏ sót một quốc gia có thể nói là vi phạm nhân quyền vào bậc nhất trên thế giới: nước Mỹ. Cũng vì vậy mà những dân biểu như Loretta Sanchez hay Frank Wolf, Chris Smith, thường không biết đến những thành tích khủng khiếp về nhân quyền của nước Mỹ, hay có biết cũng cố lờ đi, được một số dân Việt Nam tỵ nạn chống Cộng cực đoan với tâm cảnh của Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc, van xin để chống Cộng cho họ, cho nên cứ trơ trẽn xía vào nội bộ Việt Nam về vấn đề nhân quyền mà không biết ngượng. Nói theo ngôn từ trong cuốn Thánh Kinh thì những dân biểu này “Chỉ nhìn thấy cái kim trong mắt người khác mà không thấy cái đà trong mắt mình.” Thái độ trịch thượng có thể nói là kiêu căng ngạo mạn một cách ngu xuẩn này làm cho người dân Việt chán ghét và thực tế là vô tác dụng. Việt Nam gần đây cấm cửa không cho Sanchez nhập cảnh Việt Nam nữa. Cũng phải thôi. Chủ quyền quốc gia không phải là để cho những chính khách ruồi bu đến quấy nhiễu. Việt Nam là một nước nhỏ, không thể như Trung Quốc, phản biện thẳng với Mỹ về vấn đề nhân quyền, nhưng ít ra có thể nhắc nhở cho những dân biểu hay chính khách Mỹ muốn xía vào nội bộ Việt Nam sau chiêu bài nhân quyền hãy nhìn lại những gì Mỹ đã làm ở Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua, và nhìn lại hồ sơ nhân quyền của Mỹ trên thế giới, trước khi nói đến nhân quyền của Việt Nam.

Nhân quyền không đơn giản như là “quyền” [sic] thắp nến cầu nguyện ở nơi công cộng, hay “quyền” đòi đất do thực dân Pháp cướp của đất nước thưởng công cho vì đã giúp Pháp thành công xâm chiếm Việt Nam hay cướp của Phật Giáo, “quyền” phát ngôn bậy bạ trong tòa như Nguyễn Văn Lý, “quyền” cắm cây thập ác bậy bạ nơi không được phép cắm, hay “quyền” yêu cầu ngoại quốc can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam v…v… mà nó rộng hơn nhiều. Nhân quyền không có nghĩa là quyền làm những việc vi phạm luật pháp quốc gia, và việc vi phạm nhân quyền có nhiều mức độ khác nhau, từ những tội ác chiến tranh cho đến cưỡng bách người khác đạo phải vào đạo của mình, hay muốn áp đặt quan niệm dân chủ và nhân quyền của quốc gia mình trên những quốc gia khác, như sẽ được trình bày trong phần sau. Nhưng trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về nhân quyền.

c) Vài Nhận Định Về Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

Tranh đấu cho Nhân Quyền, người ta thường viện đến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận và tuyên bố ngày 10 tháng 12 năm 1948. Bản Tuyên Ngôn này được thông qua với 48 phiếu thuận, 0 phiếu chống, và 8 vắng mặt trong số này có 6 thuộc các quốc gia chư hầu của Nga Sô dưới thời Stalin, còn 2 nước kia là Saudi Arabia và Nam Phi. 48 quốc gia trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới, nghĩa là chỉ có 25% các quốc gia trên thế giới đã tạo nên Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền theo quan niệm của Mỹ. Trước khi đưa ra vài nhận định về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này, chúng ta hãy đọc một số điều khoản trong bản Tuyên Ngôn lên hệ đến hồ sơ nhân quyền của nước Mỹ.

Ðiều 1: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm, cũng như quyền lợi. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm. Sự đối xử giữa con người với nhau phải trong tinh thần huynh đệ. [3]

Ðiều 2: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền. [4]

Ðiều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể.

[Everyone has the right to life, liberty and security of person.]

Ðiều 5: Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách nhục mạ.

[No one shall be subjected to torture or to cruel, inhuman or degrading treatment or

punishment.]

Ðiều 29: Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.

Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. [5]

Ðiều 30: Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền viện dẫn bất cứ lý do gì để có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này. [6]

Có ba điều rất căn bản mà chúng ta cần biết về Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền:

¨ Thứ nhất,

Khi Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời thì Mỹ và đồng minh vừa đánh bại Đức Quốc Xã, Nhật Bản, và ảnh hưởng của Nga Sô đang bành trướng trên nửa hoàn cầu. Khi đó Mỹ ở thế mạnh nhất về chính trị, kinh tế, và quân sự. Anh và Pháp đang lo củng cố hoặc tái lập quyền cai trị ở các thuộc địa.

¨ Thứ nhì,

Bản Tuyên Ngôn không có giá trị công pháp quốc tế (not legally binding), vì không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là nhân quyền, chỉ đưa ra một số điều khoản mơ hồ mà Liên Hiệp Quốc, hình thành theo sự vận động và quan niệm của Mỹ, dưới sự chi phối của Mỹ, cho đó là nhân quyền, do đó, theo nguyên tắc, không nước nào, cơ quan nào có thể dựa vào Bản Tuyên Ngôn để ép buộc bất cứ quốc gia nào phải thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn. (Mary E. Williams, Human Rights, p. 16: declarations are not legally binding; Robert W. Lee, The United Nations Conspiracy, p.101: the UN later adopted its vague, non-binding Declaration of Human Rights), nghĩa là các quốc gia không có bổn phận phải thi hành những điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Chúng ta cũng nên biết là Liên Hiệp Quốc được thành hình và Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là dập theo khuôn của Hiến Pháp Hoa Kỳ, và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là dập theo khuôn của Bản Nhân Quyền (Bill of Rights) của Mỹ.

Thật vậy, chúng ta hãy đọc những lời nhận định sau đây: “Bản Hiến Chương LHQ được xây dựng trên cùng những nguyên tắc của Hiến Pháp chúng ta (Mỹ). Mục đích của tổ chức và những cơ quan chuyên biệt của nó cũng giống như của chúng ta.” (Francis X. Gannon, Biographical Dictionary of the Left, 1971, Vol. II, p.6); Một nhận định khác như sau: “Nguyên thủy, LHQ phần lớn là một quan niệm của Hoa Kỳ. Triết lý đằng sau nó chứng tỏ ảnh hưởng của truyền thống Hoa Kỳ”. (Richard E. Stebbins, The United States in World Affairs, 1950, p. 278); Và nữa, “ Tinh thần và phương pháp của LHQ dập theo khuôn của nền dân chủ Hoa Kỳ” (Adlai E. Stevenson, Department of State Publication 7505, 1973, p. 14). Do đó, Mỹ đã từng thống trị Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự tham gia của nhiều quốc gia và sự phát triển của Liên Hiệp Quốc, ảnh hưởng của Mỹ đã bị sút giảm đi nhiều. Điển hình là đầu tháng 5, 2001, Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu hất Mỹ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Tế trong đó Mỹ liên tục là một thành viên từ năm 1948, trong khi Trung Quốc, Việt Nam, Cuba đều được bầu làm thành viên. Điều này làm chính quyền Mỹ nổi giận và dùng áp lực tiền bạc, giở trò ăn hiếp (bullying) Liên Hiệp Quốc. Hội Ân Xá Quốc Tế của Hoa Kỳ (Amnesty International USA) lên án sự đuổi Mỹ ra khỏi Ủy Ban Quốc tế Nhân Quyền, chứng tỏ Hội này chỉ là một công cụ của chính quyền Mỹ.. Và Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu sẽ không trả Liên Hiệp Quốc số tiền Hoa Kỳ nợ là 582 triệu đô-la mà Hoa Kỳ hứa sẽ trả trong năm nay, nếu Liên Hiệp Quốc không theo những điều kiện Hoa Kỳ đặt ra.

Những biện pháp có tính cách hăm dọa ỷ mạnh về tiền bạc này đã gây nên nhiều phản ứng trong giới các nhà ngoại giao và bình luận gia. Phần lớn đều cho rằng đó là những hành động kiêu căng vô lối, thí dụ như lời phát biểu của dân biểu Tom Lantos ở California: “Điều này (không trả nợ) sẽ dạy cho các quốc gia một bài học. Nếu họ muốn số tiền nợ này, họ sẽ phải bỏ phiếu cho Mỹ trở lại Ủy Ban Nhân Quyền” (This will teach countries a lesson. If they would like to get this payment, they will vote the US back on the commission). Một nhà ngoại giao Âu Châu ở Liên Hiệp Quốc phê bình: “Cố đòi cho được loại điều kiện trên, nói thẳng ra, đó là tống tiền” (To insist on that sort of conditionality – frankly, that’s blackmail, said one European diplomat at the UN). David Malone, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Canada phát biểu: “Liên Hiệp Quốc đã chán ngấy tiến trình nội bộ của Mỹ về vấn đề trả nợ” (People in the UN system are fairly fed up with the US domestic process on the payment of dues). Lee Hamilton, một cựu dân biểu ở Indiana nói: “Từ chối không trả nợ rồi chỉ trả với điều kiện, Hoa Kỳ đã tạo ra sự bực tức to lớn cho mọi người vì sự kiêu căng của chúng ta” (The US already created enormous resentment for our arrogance by refusing to pay its dues and then only doing so with significant conditions attached).

Dư luận báo chí Mỹ cho thấy người dân cũng không lấy gì làm hãnh diện về những hành động vô lối của chính phủ mình. Mike Giocondo viết trong tờ Chicago Tribune như sau, với nhan đề: Hoa Kỳ Như Là Kẻ Đi Hà Hiếp (US As Bully) (theo nghĩa ỷ mạnh hiếp yếu, bất kể đến luật pháp):

“Trong đời tôi, tôi không thể tin rằng Quốc Hội lại bỏ phiếu không trả nợ cho LHQ chỉ vì Hoa Kỳ mất đi ghế ngồi trong Ủy Ban Quốc Tế Nhân Quyền.

Trong con giận dữ, Quốc Hội phản ứng và bỏ phiếu cho biện pháp là chúng ta không nên tiếp tục trả một món tiền nợ mà chúng ta đã thỏa thuận trả cho cơ quan quốc tế.

Thật là đáng buồn khi phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ đã giữ lại không trả tiền vì Hoa Kỳ không đồng ý với những hành động của LHQ.

Tôi nghĩ rằng, Hoa Kỳ, như là một quốc gia hội viên, hãy ngưng xử sự như một đứa trẻ hư, lấy lại trái banh đi về nhà và chỉ chơi lại khi mọi người khác chơi theo luật của nó...

Đâu là một thế giới, tình lân bang giữa các quốc gia mà LHQ đặt nền tảng trên đó?

Có nhiều đường lối ngoại giao khác mà Hoa Kỳ có thể theo thay vì treo sức toàn năng của đô-la trên LHQ.

Hoa Kỳ, như là một quốc gia lãnh đạo, một lần nữa lại dùng thái độ của một đứa trẻ chuyên đi hà hiếp bắt nạt làm gương cho các quốc gia khác khi nó không đồng ý với việc làm của LHQ.” [7]

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không có giá trị công pháp quốc tế, như chúng ta đã biết. Bởi vậy cho nên khi đó, 1948, Pháp đang công khai mở cuộc tái xâm lược Đông Dương với 80% quân phí do Mỹ đài thọ, hòng tái lập thuộc địa ở Việt, Cambốt, Lào, một hành động vi phạm trắng trợn mọi nhân quyền của người dân Việt Nam, những quyền ghi trong Bản Tuyên Ngôn, mà không có sự phản đối của Liên Hiệp Quốc. Và, việc Mỹ đơn phương tạo nên cuộc chiến Quốc Cộng ở Việt Nam, đơn phương xóa bỏ hiệp định Geneva, nuốt lời tuyên bố của chính phủ Mỹ (tuy không ký vào bản Hiệp Định Geneva nhưng sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết (self-determination) của các dân tộc), đổ quân và vũ khí vào miền Nam, ném bom tàn phá ruộng nương, nhà thờ, trường học, nhà thương, chùa chiền v..v.. trên toàn đất nước Việt Nam, trải thuốc khai quang Agent Orange v..v.., để lại nhiều di hại cho người dân Việt Nam cho tới tận ngày nay, không đếm xỉa gì tới nhân quyền và lòng khao khát hòa bình của người dân Việt, muốn sống tự do và bình đẳng theo lý trí và lương tri của mình trong cộng đồng quốc tế, cũng không có sự chống đối nào của Liên Hiệp Quốc. Vậy thì, giá trị của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là ở đâu?

Những hành động của Mỹ, sau khi vận động và tung ra Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đã vi phạm trầm trọng hầu như tất cả các điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn, nhất là Điều 30 trong Bản Tuyên Ngôn ở trên. Tuy vậy, bộ máy tuyên truyền của Mỹ vẫn thường xuyên đề cao nước Mỹ về tôn trọng nhân quyền. Nhưng ngày nay thế giới đã nắm rõ hồ sơ nhân quyền của Mỹ và bất cứ lúc nào cũng có thể đưa ra để bác bỏ thái độ trịch thượng của Mỹ về nhân quyền, như Trung Quốc đã từng làm hàng năm trong nhiều năm qua mà Mỹ không hề phản bác. Họ cũng không biết rằng tất cả những gì nước Mỹ tự nhận về dân chủ, về nhân quyền, cũng giống những gì Ca-tô Rô-MaGiáo thường tự nhận là tôn giáo thánh thiện tông truyền v…v…, trên thực tế không có gì xa với sự thật hơn.

¨ Và thứ ba,

điều rõ ràng là những điều khoản trong bản tuyên ngôn phản ánh những chế độ, văn hóa và xã hội Tây phương vì năm 1948, Liên Hiệp Quốc nằm trong sự thao túng của các cường quốc Âu Mỹ. Bởi vậy, một số lãnh tụ Á Châu, như Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamad, đã cho rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là sản phẩm của những quốc gia Tây phương, không hiểu gì về các xã hội Đông phương, có tính cách xâm lược văn hóa của chính sách đế quốc Tây phương (Some Asian leaders, like Malaysian Prime Minister Mahathir Mohamad, denounce it (the Declaration) as Western cultural imperialism), và đề nghị phải duyệt lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này. Phải chăng vì vậy mà cho tới ngày nay, đường đi tới sự thực hiện bản Tuyên Ngôn trên bình diện quốc tế vẫn còn xa lắc, xa lơ? (Doug Cassel: "The Universal Declaration still is a long way from universal reality"). Doug Cassel là Giám Đốc Trung Tâm Nhân Quyền Quốc Tế tại đại học Northwestern, Illinois.

Những sự kiện trên chứng tỏ rằng Nhân Quyền chỉ là một chiêu bài của một số cường quốc Âu Mỹ, với hậu thuẫn của bom đạn và ưu thế kinh tế, để ép những tiểu nhược quốc nào có thể ép được phải theo quan niệm lưỡng chuẩn (double standard) về nhân quyền, dân chủ, đường lối chính trị, quyền lợi kinh tế của Tây phương với Mỹ đương nhiên đứng đầu. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, tình hình thế giới đã thay đổi nhiều. Trước đây, quyền lực của Tây phương đối với các thuộc địa, và quyền bá chủ của Mỹ trong thế kỷ 20, sau đệ nhị thế chiến, đã có tác dụng bành trướng nền văn hóa Tây phương trên khắp thế giới. Nhưng tình hình thế giới đã thay đổi, cán cân quyền lực không còn ngả về Tây phương. Sự vươn lên của Á Châu, chiến tranh Việt Nam đã đưa đến sự cáo chung của chế độ thực dân trên thế giới, cho nên Tây phương không còn khả năng để ép các quốc gia khác phải theo ý mình. Trong khi đó thì những nền văn hóa khác Tây phương đang phục hồi mạnh mẽ. Hai cuộc Thế Chiến đều xảy ra ở Tây phương, các cuộc chiến tranh tôn giáo cũng đều xảy ra ở Tây phương, vật chất đè bẹp đạo đức, tội ác lan tràn, đạo đức của giới chăn chiên suy sụp v..v... Những sự kiện này làm cho người Á Đông thấy rõ sự băng hoại và thất bại của những chủ lực tinh thần ở Tây phương, và những giá trị Tây phương không còn hấp dẫn. Đây là nói về những giá trị văn hóa, tâm linh chứ không phải là “giá trị” của Coca-Cola, nhạc Rock, phim ảnh đồi trụy, băng đảng mà một số người Á Đông lao đầu vào sự vọng ngoại một cách ngu xuẩn.

Chúng ta cũng nên biết, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là dập theo khuôn của Bản Nhân Quyền (Bill of Rights) của Mỹ. Chúng ta hãy đọc những lời phát biểu sau đây của một số chính khách Mỹ. “”Ngày Nhân Quyền”, ngày 10 tháng 12 mỗi năm, bắt nguồn từ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Rất nhiều nguyên tắc của nó nằm trong bản Hiến Pháp của chúng ta cho nên Hoa Kỳ phải rất lấy làm hãnh diện về sự hiện hữu của nó.” (Alexander Uhl, The US and The UN: Partners for Peace, 1962., p. 29); “Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một sự xác nhận bao quát về những quyền chính trị và kinh tế căn bản trong Hiến Pháp của chúng ta và căn bản lập pháp của Hoa Kỳ.” (Richard N. Gardner, In pursuit of World Order, 1964, p. 241); “Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền nằm trong truyền thống Hiến Pháp và Bản Nhân Quyền (Bill of Rights) của chúng ta.” (President Richard Nixon, Weekly Compilation of Presidential Documents, 1971, p. 1632); “Mối liên kết giữa Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Bản Nhân Quyền của chúng ta thật là rõ ràng.” (President Gerald Ford, Ibid., 1974, p. 1521).

Những người chống Cộng thường dựa vào chiêu bài nhân quyền, dựa vào một bản văn chỉ có giá trị theo quan niệm của Mỹ, nhưng vô giá trị trong cộng đồng quốc tế, mơ tưởng có thể đạt những mục đích chính trị thời thượng. Tại sao lại vô giá trị trong cộng đồng quốc tế ? Phần phân tích sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề.

Trước hết, những người đứng đàng sau bản Tuyên Ngôn, thí dụ như Charles Malik, một cựu chủ tịch đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chủ trương đưa ra một huyền thoại về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền để lừa dối dư luận quốc tế như sau:

“Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, được chấp nhận bởi Đại Hội Đồng ở Paris năm 1948 mà không có một phiếu chống nào, là một trong những tài liệu căn bản của thời đại này...Thông điệp trong đó không thuộc một hệ thống pháp lý riêng biệt nào, một tôn giáo riêng biệt nào, một quan điểm về đời sống riêng biệt nào. Thông điệp trong đó là kết quả của sự tổ hợp và xét đến quan điểm của mọi hệ thống pháp lý, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa, và mọi quan điểm về đời sống con người. (Charles Malik, Man in the Struggle for Peace, p. 89)”

Không có gì hoang đường và xa sự thực hơn những lời viết trên nếu chúng ta nhớ rằng chỉ có 48 nước trong tổng số 195 nước trên thế giới là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và nếu chúng ta xét đến bối cảnh lịch sử quốc tế sau Đệ Nhị Thế Chiến, và nhất là xét đến bản chất các hệ thống pháp lý, tôn giáo, văn hóa khác nhau trên hoàn cầu. Cũng vì vậy mà Robert W. Lee đã phê bình câu trên như sau:

“Hãy suy nghĩ về điều trên một lát. Có cái gì có thể lố bịch và vô nghĩa hơn là toan tính đổ “quan điểm của mọi hệ thống [Cộng Sản và Tư Bản], mọi tôn giáo [Ki Tô Giáo và Hồi Giáo], mọi nền văn hóa [Tây phương và Nam Phi], và mọi quan điểm về đời sống [luân thường và phi luân] vào một cái bình nấu cho chảy, hòa lẫn với nhau để thành một cái gì giống như một chính sách về nhân quyền thích đáng? Một tiền lệ chúng ta có thể nghĩ tới là toan tính nổi tiếng của Frankenstein khi lắp các phần riêng biệt lại với nhau. Ông ta đã sáng tạo ra một con quỷ.” [8]

Thứ đến, không phải chỉ có mình Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamad mới cho rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là sản phẩm của những quốc gia Tây phương và có tính cách xâm lược văn hóa của chính sách đế quốc Tây phương như đã trích dẫn ở trên. Thủ Tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng cho rằng “Những bài thuyết giảng về nhân quyền chỉ là những vận dụng của thái độ kiêu căng Tây phương, sẽ không có ảnh hưởng gì đến Bắc Kinh” (Newsweek, Nov. 29, 1993: “Human-rights lectures, says Lee, are exercices in Western arrogance that will not influence Beijing.”); và Thủ Tướng Nhật Hosokawa cũng tuyên bố “Những quan niệm về nhân quyền của Tây Phương không thể áp dụng một cách mù quáng vào Á Châu” (New York Times, May 2, 1994: Japan’s Prime Minister Hosokawa: “Western human rights concepts could not be “blindly applied” to Asia”)

Trong cuộc Hội Nghị Quốc Tế Nhân Quyền ở Vienna năm 1993 mà kết quả là một thất bại lớn cho Mỹ và Tây phương, Bilahar Kausikan, một viên chức cao cấp trong bộ ngoại giao Singapore, đã phát biểu:

“Lần đầu tiên từ khi bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền được chấp nhận vào năm 1948, những quốc gia không hoàn toàn đắm mình trong những truyền thống Do Thái – Ki Tô và qui luật thiên nhiên (của Thần Ki-Tô. TCN) được đứng lên hàng đầu; tình trạng chưa từng có đó sẽ định nghĩa chính trị thế giới mới về nhân quyền.” [9]

Điều này có nghĩa là ngày nay, nhiều quốc gia không còn thuộc quyền thống trị của thế giới Tây phương, cho nên những quan niệm về nhân quyền của Tây phương không còn khả năng để áp đặt trên toàn thể thế giới. Tưởng chúng ta cũng nên biết, trong Hội Nghị Vienna, những quốc gia Á Châu đã họp ở Bangkok và chấp thuận một bản tuyên ngôn nhấn mạnh rằng nhân quyền phải được xét đến “trong bối cảnh của những đặc tính quốc gia và địa phương, và những nền tảng lịch sử văn hóa tôn giáo khác nhau” (human rights must be considered in the context of national and regional particularities and various historical religious and cultural backgrounds), và rằng “theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia” (that human rights monitoring violated state sovereignty) và sau cùng “viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền là đối ngược với quyền phát triển” (and that conditioning economic assistance on human rights performance was contrary to the right of development).

Thật vậy, Đông và Tây có những quan niệm về nhân quyền khác hẳn nhau. Căn bản quan niệm về nhân quyền của Tây phương xuất phát từ truyền thống tôn giáo Tây phương: Ki Tô Giáo. Quyền của con người là do đấng sáng tạo, hay Gót, phú cho (rights are endowed by a Creator). Vì thế trong các xã hội Tây phương, những quyền cá nhân (đều do con người định ra và cho rằng đó là quyền của đấng sáng tạo ban cho) phải được tôn trọng và không được vi phạm, bất kể bối cảnh xã hội mà cá nhân đang sống trong đó là như thế nào, và chính quyền có bổn phận bảo vệ những quyền cá nhân đó.. Nhưng đây cũng chỉ là lý thuyết trên đầu môi chót lưỡi. Vì bản chất Ki Tô Giáo là một tôn giáo vi phạm nhân quyền vào bậc nhất thế giới do ảnh hưởng của Thánh Kinh. Tây phương, nhất là Mỹ, tôn trọng những quyền lặt vặt của con người nhưng lại thản nhiên tàn sát con người trong những cuộc xâm chiếm thực dân, đế quốc, hay trong những cuộc can thiệp vào những cuộc xung đột địa phương. Việt Nam, Iraq, Afghanistan v…v… là những thí dụ điển hình. Bản chất Ki Tô Giáo là mối liên hệ Chủ-Tớ [Master-servant, “kẻ tôi tớ hèn mọn”]. Con người là vật sáng tạo của Gót, cho nên trên thực tế chỉ là nô lệ của Gót, phải tuân theo mọi luật lệ của Gót. Chúng ta thường nghe người Việt theo Ki Tô Giáo hãnh diện tự nhận là “tôi tớ, hay tỳ nữ hầu việc Chúa”.

Các cường quốc Âu Mỹ có thể phần nào, phần nào thôi, tôn trọng nhân quyền trong các nước của họ và theo quan niệm về nhân quyền của họ, nhưng có bao giờ tôn trọng nhân quyền trong các nước nhỏ yếu, đang phát triển đâu. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ như vậy. Quan niệm nhân quyền của Á Đông đặt căn bản trên sự kiện là con người không phải là một thực thể riêng biệt, mà có liên hệ tới toàn thể cộng đồng. Do đó, Á Đông đặt quyền lợi của cộng đồng trên quyền của cá nhân, và những quyền cá nhân được coi là thứ yếu so với những yêu cầu của quốc gia [Protection of the rights of individual was frankly acknowledged to be secondary as compared to the needs of the state]. Các xã hội Tây phương đặt nặng chủ nghĩa cá nhân và quyền tự do cá nhân (Western societies emphasize individualism and personal freedom), trong khi các nền văn hóa Á Đông đặt giá trị của sự tự kiểm và trật tự xã hội cao hơn quyền của cá nhân. (Asian cultures place a higher value on self-discipline and order.) Trong những xã hội ổn định Tây phương, tự do ngôn luận có thể coi là một quyền công dân căn bản, trong khi ở những xã hội chưa được ổn định như ở Việt Nam, hậu quả của một cuộc chiến tranh làm lòng người chia rẽ, phân hóa, và trước sự tiếp tục đánh phá hay phá ngầm của ngoại lai và tay sai hải ngoại hay bản địa, chính quyền có thể xét đến ảnh hưởng của sự tự do này, trong một số trường hợp đặc biệt trong bối cảnh xã hội, và coi đó là gây sự hỗn loạn trong xã hội, do đó có phương hại đến sự ổn định xã hội, ngăn cản sự phát triển kinh tế v..v.. Những vụ Ca-tô giáo làm loạn ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm và vụ Nguyễn Văn Lý nói bậy trong Tòa Án, Ngô Quang Kiệt nói bậy về hộ chiếu Việt Nam v…v… là những thí dụ điển hình. Chừng nào mà người dân ý thức được trách nhiệm của mình chỉ là một phần trong cộng đồng xã hội thì khi đó tự nhiên tự do, dân chủ sẽ đến.

Tại sao Á Đông không chấp nhận quan niệm về nhân quyền của Tây phương? Ngoài những bất đồng về văn hóa, xã hội, nhân sinh v..v.. giữa những nền văn minh khác nhau, Á Đông còn coi sách lược lưỡng chuẩn (double standard) về nhân quyền của Tây phương, nhất là của Mỹ, như là một sự áp đặt để đạt những mục đích kinh tế, tôn giáo. Tây phương, với bản chất đế quốc, chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới. Noam Chomsky, một học giả lừng danh của Mỹ, đã viết:

“Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương” [10]

Sau Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thì Liên Hiệp Quốc chấp thuận một số Giao Ước Quốc Tế (International Covenant).

Sau đây chúng ta hãy xét đến vài điều khoản trong Giao Ước Quốc tế Về Quyền Dân Sự và Quyền Chính Trị (The International Covenant on Civil and Political Rights: The CP Covenant), và Giao Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa (The International Covenant on Economic, Social, and Cultural Rights: The ESC Covenant), được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận ngày 6 tháng 12 năm 1966.

Điều khoản 1: các quốc gia hứa sử dụng tối đa tài nguyên để đạt những tiêu chuẩn về nhân quyền quy định trong Giao Ước; Điều khoản 7: chính phủ phải trả lương tối thiểu (minimum wage) và đời sống thoải mái (decent living) cho công nhân; Điều khoản 9: quyền được hưởng phụ cấp an sinh xã hội (social security) và bảo hiểm xã hội (social insurance); Điều khoản 11: chính phủ phải cung cấp đủ lương thực, y phục, và nhà ở (require governments to assure adequate food, clothing and housing); Điều khoản 12 : phải có nền y tế xã hội bắt buộc, tạo điều kiện để bảo đảm cho mọi người dịch vụ y tế và săn sóc người dân khi đau ốm (mandates socialized medicine through creation of conditions which assure to all medical service and medical attention in the event of sickness) (Âu Châu, Gia Nã Đại và một số nước xã hội chủ nghĩa đều áp dụng điều khoản này, riêng có Hoa Kỳ thì không, vì sự thao túng của bác sĩ đoàn và các cơ sở bảo hiểm sức khỏe); Điều khoản 13: cho quyền các chính phủ kiểm soát giáo dục, và dùng các trường học như là các trung tâm dạy giáo điều thiên Liên Hiệp Quốc, bằng cách khẳng định rằng mọi cơ chế giáo dục phải đẩy mạnh những hoạt động của Liên Hiệp Quốc.. (Article 13 provides for government control of education, and the use of schools as pro-UN indoctrination centers, by asserting that all educational institutions must further the activities of the UN).

Độc giả có thể thấy rõ ý nghĩa của những điều khoản trên mà tôi không cần phải phê bình để thấy chúng có thể áp dụng chung cho toàn thể thế giới hay không?.

Vài điều khoản khác cho thấy bản giao ước quốc tế đưa ra những quyền của con người nhưng rồi với loại ngôn từ tránh né, mơ hồ, có tác dụng làm giảm hiệu lực của chính những điều đã quy định. Sau đây là vài thí dụ:

Điều Khoản 18:

1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tri và tôn giáo...

2. Sự tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mọi người chỉ chịu những hạn chế quy định bởi luật pháp và cần thiết để bảo vệ sự an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, hay đạo đức hay quyền căn bản và tự do của người khác. [11]

Điều Khoản 19:

1. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến...

2. Việc thực thi những quyền quy định trong mục 2 của điều khoản này đi cùng với những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Nó có thể phải chịu một số hạn chế, nhưng những hạn chế này chỉ có thể do luật pháp đặt ra. [12]

Điều khoản 21 :

1. Công nhận quyền hội họp trong hòa bình

2. Không hạn chế nào được đặt trên sự thực thi quyền trên ngoài những hạn chế được áp đặt để tuân theo luật pháp. [13]

Chúng ta thấy ngay rằng, mọi quyền của con người, theo tinh thần của những bản văn trên, đều phải nằm trong vòng luật pháp của mỗi nước. Nếu luật pháp của mỗi quốc gia mỗi khác thì định nghĩa về nhân quyền của mỗi quốc gia cũng mỗi khác. Không có lý do gì để lấy nền luật pháp của Mỹ hay của bất cứ nước nào, hay quan niệm về nhân quyền của bất cứ nước nào, để dựa vào đó mà coi nền luật pháp đó, hay quan niệm về nhân quyền đó, làm tiêu chuẩn chung cho mọi nền luật pháp và quan niệm về nhân quyền chung cho toàn thể thế giới.

Vài sự kiện có thể cho chúng ta thấy rõ điều này. Chúng ta còn nhớ: Chính quyền Clinton cũng phải rút lui trong việc can thiệp cho một công dân Mỹ khỏi bị đánh đòn ở Singapore , và về trường hợp Nguyễn Tường Vân, một công dân Úc gốc Việt, một tín đồ Ca-tô, can tội buôn ma túy bị bắt quả tang ở Singapore và bị kết án tử hình treo cổ, dù được các viên chức trong chính quyền Úc cùng những viên chức trong Giáo hội Ca-tô như Tổng Giám Mục Phillip Aspinall của Anh Giáo Úc Ðại Lợi, hay Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục địa phận Sydney, người đã viết thư để xin sự trợ giúp của Giáo Hoàng John Paul II, trước khi qua đời Giáo Hoàng John Paul II đã gởi lời xin tha mạng tới Chính Phủ Singapore, nhưng tất cả đều vô hiệu trước nền pháp luật của Singapore, và Nguyễn Tường Vân vẫn bị hành quyết. Thật là không hiểu nổi. Chính quyền Mỹ can thiệp cho một thanh niên can tội phá phách ở nước ngoài, trong khi đi can thiệp vào nhiều nước trên thế giới, giết hại nhiều nhân mạng. Giáo hội Ca-tô can thiệp cho một tín đồ can tội buôn lậu ma túy bị bắt quả tang ở nước ngoài, trong khi đó thì lại bao che cho các linh mục can tội loạn dâm. Ấy thế mà Mỹ vẫn tự cho mình là quan tòa phán xét nhân quyền trên thế giới, Giáo hội Ca-tô vẫn tự nhận là “thánh thiện, tông truyền”, là gương đạo đức cho cả thế giới, thật chẳng có một chút liêm sỉ nào.

Ở đây chúng ta cần hiểu rõ, khi chúng ta nói về nước Mỹ là nói về cấu trúc quyền lực chỉ đạo nước Mỹ chứ thường dân Mỹ thì có rất nhiều người tử tế, tốt bụng, giầu lòng bác ái. Cũng vậy, khi chúng ta nói về Giáo hội Ca-tô là nói về cấu trúc quyền lực thần trị (theocracy) chỉ đạo của Vatican chứ giáo dân thường thì cũng có rất nhiều người hiền lành, tử tế, tốt bụng và giầu lòng bác ái. Họ tin nhưng mà không biết mình bị lừa dối bởi những luận điệu thần học mê hoặc của giáo hội.

Những hình phạt như “đánh đòn” hay “treo cổ” là những biện pháp quy định trong luật pháp quốc gia của Singapore, tất cả đều trái với quan niệm về nhân quyền của Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản cho rằng khi bắt được quả tang một người phạm tội thì người đó không cần phải có luật sư, chỉ việc mang ra tòa xét xử và định tội. Điều này cũng trái với quan niệm về nhân quyền của Mỹ, mọi tội phạm đều có quyền gọi một cú điện thoại cho luật sư của mình. Điều khoản 20 trong bản Giao ước lại “đòi hỏi chính quyền phải ra luật ngăn cấm mọi tuyên truyền cho chiến tranh và mọi ủng hộ cho sự căm thù quốc gia, sắc dân hay tôn giáo có tác dụng tạo nên sự khích động cho những vấn đề kỳ thị, thù nghịch hay bạo lực” (Article 20 of the CP covenant “requires States parties to prohibit by law any propaganda for war and any advocacy of national, racial or religious hatred that constitutes incitement to discrimination, hostility or violence..). Điều khoản này là một món quà vô giá để cho nhiều quốc gia biện minh cho những hành động mà Tây phương cho là phi dân chủ, phi tự do.

Giới thức giả Âu Mỹ đã nhiều lần vạch ra cái mặt trái của bình phong Nhân Quyền. Báo Chicago Tribune ngày 16 tháng 8, 1999, có đăng bài bình luận của Salim Muwakhil về chủ đề "Hoa Kỳ xuất cảng: bom, súng và đạo đức giả" (U.S exports: Bombs, guns and hypocrisy) trong đó tác giả vạch trần sự đạo đức giả của chính quyền Clinton trong sách lược lên án việc dùng súng ở trong nước và khuyến cáo người dân nên đối thoại thay vì bạo lực, trong khi lại tích cực bán vũ khí ra các nước ngoài và thay thế những lời đối thoại bằng bom đạn trong cuộc không chiến đang tiếp diễn chống Iraq. (It (the word hypocrisy) helps us understand how an administration so dedicated to arms sales abroad can condemn the spread of guns at home with such enthusiam. It also accounts for the ability of administration officials to urge dialogue over violence, even as they eagerly substitute bombs for words in an ongoing air war with Iraq.). Tác giả cũng cho biết:

“Hoa Kỳ đứng đầu trong số lượng bán vũ khí trên hoàn cầu, chiếm hơn 55% thị trường. Hoa Kỳ bán vũ khí cho những quốc gia đối đầu nhau như Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea và Ethiopia, Saudi Arabia và Israel, India và Pakistan; đưa vũ khí vào các điểm nóng trên thế giới như Sri Lanka, Indonesia, Columbia, Trung Đông và Đông Phi.” [14]

Bán võ khí cho các dân tộc giết nhau để kiếm lời phải chăng là những hành động đạo đức tôn trọng nhân quyền? Tác giả Salim Muwakhil, đã kết luận bằng câu:

"Trong sự tìm kiếm giải pháp cho sự bạo hành đang lan tràn trong xã hội của chúng ta, chúng ta đừng có loại phần còn lại của thế giới" [15]

Câu này có nghĩa: trong khi chúng ta tìm cách bảo vệ nhân quyền trong xã hội của chúng ta, chúng ta cũng phải nghĩ đến nhân quyền trong phần còn lại của thế giới. Một mặt tìm cách bảo vệ nhân quyền trong xã hội của chúng ta, mặt khác lại chà đạp lên nhân quyền ở những nơi khác trên thế giới là một hành động phi luân (amoral), đạo đức giả.

II. Nước Mỹ Và Vấn Nạn Nhân Quyền:

Bây giờ chúng ta hãy điểm qua bộ mặt nhân quyền của Mỹ trên thế giới. Khoan kể đến những bản hồ sơ chi tiết về nhân quyền của Mỹ mà Trung Quốc tung ra hàng năm để phản ứng việc Bộ Ngoại Giao Mỹ để Trung Quốc vào trong bản Phúc Trình hàng năm về nhân quyền của các nước, chúng ta hãy duyệt qua một số nhận định của những trí thức Tây phương, phần lớn là Mỹ, về bộ mặt nhân quyền của Mỹ.

Mỹ, với bản chất đế quốc thấm nhuần văn hóa trịch thượng, bạo tàn của Ki Tô Giáo và với tâm cảnh “cowboy shooting Indians”, chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới, khoan kể đến tinh thần kỳ thị, coi các dân tộc khác đều là thấp kém. Và Mỹ, với những tội ác chiến tranh trên thế giới, đã vi phạm nhân quyền đến độ Noam Chomsky phải viết:

“Nếu những luật của Nuremberg (tòa án xử tội phạm chiến tranh trong Đệ Nhị Thế Chiến) được áp dụng thì sau mỗi cuộc chiến tranh, mọi tổng thống Hoa Kỳ đều đã phải bị treo cổ.” [16]

Vậy có lẽ chúng ta cũng nên biết qua về vài điều trích từ Nguyên Tắc VI trong 7 điều khoản của những luật của Nuremberg:

Những tội ác sau đây có thể bị trừng phạt như là tội ác theo luật quốc tế:

a. Tội ác chống hòa bình:

i. Đặt kế hoạch, sửa soạn, khởi sự hoặc tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lăng hay một cuộc chiến tranh vi phạm các hiệp ước, thỏa thuận, bảo đảm quốc tế.

ii. Can dự vào một kế hoạch chung hay âm mưu để hoàn thành bất cứ hành động nào ghi trong mục (i) [17]

b. Tội Ác Chiến Tranh:

Vi phạm những luật hay quy tắc chiến tranh gồm có, nhưng không chỉ giới hạn như giết người, giết hay đối xử tồi tệ những tù nhân chiến tranh, giết những người bị bắt cóc, ăn cướp của công hay của tư, cố tình phá hủy thị trấn, thành phố, làng mạc, hay những sự tàn phá triệt hạ không thể biện minh cho sự cần thiết quân sự. [18]

Mỹ tự nhận là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo về nhân quyền, nhưng thực ra bộ mặt nhân quyền của Mỹ là một bộ mặt lem luốc nhất thế giới. Trong cuộc chiến ở Việt Nam, Mỹ đã vi phạm tất cả các điều khoản trong hai mục trên: “Tội Ác Chống Hòa Bình” và “Tội Ác Chiến Tranh” như tôi sẽ trình bày trong một phần sau. Trước hết chúng ta hãy đọc vài tài liệu sau đây:

Năm 1986, Mỹ là quốc gia duy nhất đã bị Tòa Án Quốc tế (World Court) kết án là khủng bố quốc tế - dùng võ lực bất hợp pháp, cho những mục tiêu chính trị (Introducing Noam Chomsky, Ibid. p. 84: In 1986, the U.S. was the only country comdemned by the World Court for international terrorism – for “unlawful use of force” for political ends) và Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc kêu gọi mọi quốc gia, trong đó có Mỹ, phải tôn trọng luật lệ quốc tế. Cường quyền đã thắng công lý. Tại sao Mỹ không dám công nhận quyền của Tòa Án Quốc Tế Le Hague? Vì nếu công nhận thì Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên bị đưa ra Tòa Án Quốc tế về những tội ác chiến tranh (war crimes) trong đó có những tội ác ở Việt Nam.

Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong cuộc họp khai mạc cuối tháng 3, 1999, Tổng Thư Ký Hội Ân Xá Quốc Tế, Pierre Sane, thay vì thường tố cáo Trung Quốc, đã tố cáo Hoa Kỳ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền một cách đại quy mô đối với các dân thiểu số ngay trong nước Mỹ (As the UN Human Rights Commission opened its annual session Monday, Amnesty International departed from its traditional criticism of China and instead denounced the US: "Human Rights violations in the US of America are persistent, widespread and appear to disproportionately affect people of racial or ethnic minority backgrounds," said Amnesty's secretary general, Pierre Sane.), và khuyến cáo Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc hãy chú ý đến những vi phạm nhân quyền ở Sudan, Turkey, Algeria, Cambodia, Rwanda, Burundi, và Congo (Không có Việt Nam trong danh sách này).

Vince Hayner viết về “Những Vi Phạm Của Hoa Kỳ” (US Violations) như sau:

“Sự loại Hoa Kỳ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền là một bất ngờ cần được hoan nghênh. Trong khi các chính trị gia, ký giả và dân thường hỏi tại sao, câu trả lời ở ngay trước mắt chúng ta.

Hoa Kỳ có một thành tích khủng khiếp về nhân quyền. Ngoài chuyện hàng ngày áp bức chính dân của mình, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền ở các nơi như Vieques (Porto Rico) bằng Hải Quân Hoa Kỳ, và ở quanh thế giới trong những xí nghiệp bóc lột nhân công tàn tệ (sweatshops) cho những xí nghiệp Hoa Kỳ, và điều có lẽ đáng lo ngại nhất là, giết hại hơn 1 triệu dân Iraq trong chiêu bài trừng phạt, đó là chỉ kể vài sự kiện.

Hi vọng rằng sự loại Hoa Kỳ ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền là một dấu hiệu mà các thành viên khác của LHQ sẽ không dung dưỡng cho những hành động không hề thay đổi, đơn phương tấn công nhân quyền của Hoa Kỳ.” [19]

Tuy nhiên, dù sao Mỹ cũng là quốc gia có thể nói là tôn trọng quyền của người dân vào bậc nhất. Cũng vì vậy mà tôi mới có thể viết lên bài này. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, người dân đây chỉ là dân Mỹ sống trên đất Mỹ. Vấn đề ở đây không phải là Mỹ tôn trọng quyền của người dân Mỹ trên đất Mỹ, mà là trên bình diện quốc tế, Mỹ có tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới hay không? Những sự kiện trong lịch sử Mỹ ở Việt Nam, Indonesia, Guatamala, El Salvadore, Nicaragua v..v. đã chứng tỏ, đúng như Vince Hyaner đã viết ở trên: Hoa Kỳ có một thành tích khủng khiếp về nhân quyền.

Riêng về Việt Nam thì sự vi phạm nhân quyền của Mỹ khủng khiếp đến độ không có cách nào kể hết. Sự vi phạm thứ nhất là Mỹ đã dùng cường quyền thắng công lý, can thiệp vào Việt Nam bất kể luật quốc tế và những điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Nói thẳng ra là Mỹ đã xâm lăng Việt Nam, gây nên cuộc chiến hậu Geneva ở Việt Nam. Sự vi phạm thứ hai là trong cuộc chiến Mỹ đã có những hành động vô cùng man rợ, và tàn bạo ở Việt Nam. Nếu chúng ta để tâm nghiên cứu lịch sử, từ sự thành lập nước Mỹ bởi những người thanh giáo di dân sang từ Âu Châu cho đến văn hóa, tôn giáo của Mỹ thì chúng ta sẽ hiểu tại sao Mỹ lại có thể có những hành động như vậy.

 

III. Mỹ - Việt Nam

Người ta đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho vai trò của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, rằng Mỹ đến Việt Nam vì những mục đích cao thượng, chính đáng, để bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam, để ngăn chặn Cộng sản vô thần bành trướng v… v… và v… v… Nhưng giáo sư Mortimer Cohen đã có một nhận định rất chính xác về những lý do biện minh cho sự can thiệp vào Việt Nam của Mỹ trong cuốn From Prologue To Epilogue In Vietnam, Publisher Retriever Bookshop, N.Y., 1979, trang 208:

Trong 21 năm bị lôi cuốn vào Đông Dương, Chính Phủ Mỹ đã đưa ra những “lý do” về những hành động của mình. Những lý do này vô giá trị. Lý do duy nhất mà Mỹ vào Đông Dương là để ngăn chận vùng này khỏi rơi vào tay Cộng Sản bằng một cuộc bầu cử, một cuộc cách mạng nội bộ... Và đó cũng đủ để gọi là lý do.

Thêm nhiều lý do. Và thêm nhiều lý do nữa. Chúng mọc lên như măng tháng 5. Trước khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, những lý do có thể chứa đầy một cuốn sách. Không lý do nào hợp lý. [20]

Vậy thực chất cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là như thế nào. Ngày nay chúng ta đã có khá nhiều tài liệu bạch hóa vấn đề này. Thứ nhất, chẳng phải là Mỹ đến để bảo vệ tự do dân chủ cho mìền Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên tuyệt đối không phải là một chính quyền tôn trọng tự do dân chủ. Hơn nữa chúng ta hãy đọc vài tài liệu về cái gọi là “bảo vệ tự do dân chủ” cho miền Nam mà Mỹ và một số người Quốc Gia coi như là một quốc gia riêng biệt, độc lập.

Trong cuốn The Vietnam War and American Culture của hai giáo sư John Carlos Rowe & Rick Berg ở đại học Iowa, Columbia University Press, 1991, trang 72, chúng ta có thể đọc đoạn sau đây:

Bảo vệ sự “tự do” của người dân Việt Nam ư? Trong những tài liệu nội bộ (của Mỹ) những sự thực ác nghiệt về những mục đích của Mỹ về cuộc chiến tranh (ở Việt Nam) đã nói ra rõ ràng – không gì rõ hơn là trong một bản ghi nhớ của Thứ Trưởng Quốc Phòng John McNaughton, viết thay cho Bộ Trưởng McNamara (với một bản sao chỉ để cho George Bundy đọc) về những mục đích chiến tranh của Mỹ: 70% để duy trì danh dự quốc gia của chúng ta, 20% để cho Nam Việt Nam khỏi bị Trung Quốc chiếm đóng, và 10% để cho người dân Việt Nam được hưởng một lối sống tốt hơn và tự do hơn. [21]

Chúng ta có thể thấy một đoạn tương tự trong cuốn Cuộc Chiến Bất Tận: Cuộc Đấu Thanh Của Việt Nam Để Giành Độc Lập (The Endless War: Vietnam.s Struggle For Independence, Columbia University Press, New York, 1989) Giáo Sư James P. Harisson viết, trang 4:

“Ngày 24 tháng 3, 1965, Thứ Trưởng Quốc Phòng John T. McNaughton tuyên bố là trong khi thực ra chỉ có 10% nỗ lực của Mỹ để giúp người dân Nam Việt Nam, 20% có mục đích giữ Nam VN (và những lãnh thổ lân cận) khỏi rơi vào tay Trung Quốc, và phần lớn nhất, 70%, là để “tránh một cuộc thất bại nhục nhã của Mỹ.” [22]

Xét đến những hành động của Mỹ tại Việt Nam, cách đối xử của Mỹ đối với Việt Nam, những chiến dịch vô nhân đạo mà Mỹ tung ra ở Việt Nam, số thường dân bị thương vong ở Việt Nam v..v.. mà ngày nay chúng ta có hàng đống tài liệu, tài liệu của chính Mỹ, thì 10% để giúp dân Việt Nam không thể để trên cán cân cân bằng với 90% có tính cách tàn phá, hủy diệt Việt Nam. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một đoạn sau.

Về lý do ngăn chận Cộng sản thì thực ra cũng không phải là lý do chính đáng vì chính sách chống Cộng lưỡng chuẩn của Mỹ.

Bảo rằng Mỹ giúp Nam Việt Nam chống Cộng sau Hiệp Định Genève, nhưng tại sao lại là Việt Nam? Thuyết Domino của Mỹ cho rằng, theo học giả Gareth Porter: ““lý thuyết domino” cho rằng những nước không cộng sản trong vùng Đông Nam Á sớm muộn sẽ bị lần lượt lật đổ nếu miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản. Căn cứ theo những suy diễn bình thường, các chiến lược gia Mỹ đã thổi phồng hiểm họa cộng sản, và họ đã tin vào những nguy cơ bị chính họ phóng đại ấy.” Nhưng vấn đề không phải là ở thuyết Domino mà là Mỹ đã nuốt lời hứa là sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết của các dân tộc. Mỹ tự ban cho mình quyền của một cảnh sát quốc tế, ép buộc mọi quốc gia phải theo sự xếp đặt của mình, nghĩa là, áp dụng luật rừng và cường quyền thắng công lý của kẻ mạnh, muốn can thiệp vào nước nào thì can thiệp. Nhưng thực ra, theo những tài liệu hiện hữu của một số học giả Mỹ, cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam nằm trong chủ trương bá quyền của Mỹ trên khắp thế giới chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Mỹ đã can thiệp vào nội bộ của nhiều nước: El Salvador, Nicaragua, Guatamala, Dominican Republic, Indonesia, Philippines, Thailand v..v.. (Xin đọc cuốn 9-11 , Seven Stories Press, New York, 2001, của Noam Chomsky, hoặc cuốn “The Chomsky Reader, Edited by James Peck, Pantheon Books, New York, 1987). Vài tài liệu sau sẽ chứng tỏ sự thực này:

Cuốn Việt Nam: Sự Khủng Khoảng của Lương Tri (Vietnam: Crisis of Conscience, Association Press, N.Y., 1967) viết bởi ba giới chức tôn giáo: Mục sư Tin Lành Robert McAfee Brown, Giáo sư Tôn Giáo Học, đại học Stanford; Linh mục Michael Novak, Giáo sư về Nhân Bản Học, đại học Stanford; và Tu sĩ Do Thái Abraham J. Heschel, giáo sư về đạo đức và huyền nhiệm Do Thái tại trường Thần Học Do Thái ở Mỹ, mở đầu bằng câu:

Những trang sách sau đây xuất sinh từ sự cùng quan tâm của chúng tôi rằng: quốc gia của chúng ta (Mỹ) bị lôi cuốn vào cuộc xung đột ở Việt Nam mà chúng tôi thấy không thể nào biện minh được trong ánh sáng thông điệp của các nhà tiên tri hay của Phúc Âm của Giê-su ở Nazareth. [23]

Trong cuốn sách này, Mục sư Tin Lành Robert McAffee Brown viết ở trang. 67 rằng

Ngay cả quyền hiện diện của chúng ta ở đó (Việt Nam) cũng bị chất vấn, trong ánh sáng của luật quốc tế, bởi những người có địa vị cao trong chính phủ của chúng ta, trong đó có các Thượng Nghị Sĩ Morse, Church, Gore, và Gruening. Nhưng ngay cả khi có quyền, bản chất những gì chúng ta đang làm ở Việt Nam cũng đáng bị lên án. [24]

Mặt khác, trong thời điểm đó, hầu như toàn thể Đông Âu đều theo Cộng Sản, Cuba ở ngay sát nách Mỹ là Cộng Sản, và hai Cộng Sản gộc là Nga và Tàu, tại sao Mỹ không chống ở những nơi đó mà lại đi chống ở một nước nghèo, nhỏ, xa xôi như Việt Nam, vừa mới giành được độc lập sau một cuộc chiến đấu gian khổ dài 9 năm, nhân dân mệt mỏi, tài nguyên kiệt quệ, và nhất là không có khả năng gây bất cứ sự nguy hại nào cho Mỹ?

Mục Sư Tin Lành Robert McAfee Brown, Giáo sư Tôn Giáo Học tại đại học Stanford, cũng viết trong cuốn Việt Nam: Sự Khủng Khoảng của Lương Tri đó ở trang 79 rằng:

Thật là khôi hài, ngay khi mà chúng ta nói rằng chúng ta phải “chặn đứng Cộng Sản” ở Việt Nam, thì ở những nơi khác chúng ta lại sống chung với Cộng Sản, soạn thảo những hiệp ước với Nga Sô, mở rộng giao thương với Đông Âu, ủng hộ Tito ở Nam Tư. Ở những nơi khác, chúng ta rõ ràng quyết định là sống chung hòa bình với Cộng Sản, và khuyến khích những xã hội Cộng Sản độc lập, không cần đến sự liên kết với nhau trong khối Cộng sản. [25]

Walter J. Rockler, nguyên công tố viên tòa án xử tội phạm chiến tranh Nuremberg, đã viết như sau về quan niệm nhân quyền của Mỹ:

"Cái mà chúng ta gọi là quan tâm đến nhân quyền thật là lố bịch. Chúng ta đã thả xuống Việt Nam một số lượng bom gấp đôi số lượng bom mà các quốc gia liên hệ đến cuộc Đệ Nhị Thế Chiến thả lên đầu nhau. Trong cuộc chiến này, chúng ta đã giết hàng trăm ngàn thường dân. Ngay gần đây, chúng ta bảo trợ, huấn luyện và ủng hộ những đoàn quân địa phương của Guatamala, El Salvadore, và Nicaragua Contras ở Trung Mỹ, trong sự tàn sát ít nhất là 200 ngàn người..." [26]

Và Robert Scheer cũng viết như sau trên tờ Times:

"Chẳng phải là chúng ta có một lịch sử "diệt chủng" hay sao, mới đầu là thổ dân Mỹ, và sau là ở Việt Nam, khi quân đội Hoa Kỳ lùa những dân làng trung thành, hầu hết là Công Giáo, vào sống an toàn trong những Ấp Chiến Lược, trong khi biến những vùng Phật Giáo ở thôn quê Nam Việt Nam thành những vùng tự do thả bom một cách toàn diện?" [27]

Chúng ta hãy đọc thêm vài nhận định của tướng lãnh Mỹ, chính khách Mỹ:

Tướng David Sharp, Nguyên Chỉ Huy Trưởng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, phát biểu, năm 1966:

“Tôi tin rằng nếu chúng ta đừng xía những bàn tay dơ bẩn, đẫm máu, nắm đầy đô-la vào việc của những quốc gia trong Thế Giới Thứ Ba đầy những người thất vọng, bị khai thác, thì những quốc gia này sẽ tìm ra giải pháp cho chính họ. Và nếu bất hạnh là cuộc cách mạng của những quốc gia này phải dùng đến bạo lực là vì những người có của từ chối không chịu chia sẻ với những người không có bằng phương pháp hòa bình nào, thì những gì họ chiếm được sẽ là của chính họ, không phải là của kiểu Mỹ mà họ không muốn và nhất là không muốn bị nhét xuống cổ họng bởi người Mỹ.” [28]

Thượng Nghị Sĩ Wayne Morse, Đảng dân Chủ - Oregon, nhận định, năm 1967:

“Theo sự phán xét của tôi, chúng ta sẽ trở thành kẻ có tội vì là sự đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Đó là một sự thực xấu xa, và người Mỹ chúng ta không thích đối diện với nó. Tôi thật không muốn nghĩ rằng một trang sử của Mỹ sẽ được viết ra liên quan đến chính sách vô pháp của chúng ta ở Đông Nam Á.” [29]

Ramsey Clark, Nguyên Chưởng Lý Mỹ dưới triều Lyndon Johnson, nhận định:

“Tội ác lớn nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến là chính sách đối ngoại của Mỹ.”

"The greatest crime since World War II has been U.S. foreign policy."

[Ramsey Clark, former U.S. Attorney General under President Lyndon Johnson]

Từ những tài liệu điển hình ở trên của chính những người Mỹ cao cấp trong tôn giáo, trong chính quyền, và các bậc trí thức khoa bảng trong các đại học Mỹ, chúng ta thấy Mỹ không có bất cứ một lý do nào chính đáng để có thể can thiệp vào Việt Nam. Nếu không có lý do nào chính đáng thì bản chất cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là một cuộc xâm lăng.

Thật vậy, chiến tranh Việt Nam chấm dứt nhưng 27 năm sau Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

“Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ”.

(In terms of the UN Charter and our own avowed ideals, it was a war of foreign agression, American aggression.)

 

 

 

Và trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:

Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương. [30]

Noam Chomsky viết trong cuốn The Chomsky Reader, Edited by James Peck, năm 1984, dưới đầu đề Cuộc Xâm Lược Nam Việt Nam [The Invasion of South Vietnam]:

 Cuộc xâm lược của Mỹ vào Nam Việt Nam là tiếp theo sự ủng hộ của chúng ta trong toan tính của Pháp tái chinh phục thuộc địa cũ, sự phá “quá trình hòa bình” năm 1954 [Hiệp định Geneva] của chúng ta, và một cuộc chiến tranh khủng bố chống dân chúng Nam Việt Nam.

Có một sự dàn xếp chính trị vào năm 1954, Hiệp định Geneva… Chúng ta tiến ngay vào việc phá ngầm Hiệp định, đặt ở Nam Việt Nam một chế độ hung bạo, khủng bố, lẽ dĩ nhiên là bác bỏ (với sự ủng hộ của chúng ta) cuộc tổng tuyển cử đã được dự phóng. Rồi chế độ đó trở thành một

cuộc tấn công khủng bố chống dân chúng ở Nam Việt Nam, đặc biệt đối với lực lượng kháng chiến chống Pháp mà chúng ta gọi là Việt Cộng. Chế độ đó đã giết có thể vào khoảng 80000 người (có nghĩa là chúng ta đã giết, với vũ khí và lính đánh thuê của chúng ta) khi mà John F. Kennedy lên làm Tổng Thống năm 1961.

Trong những năm 1961 và 1962 Kennedy khởi sự một cuộc chiến chống Nam Việt Nam. Có nghĩa là, trong 1961 và 1962 , không lực Mỹ bắt đầu bỏ bom và trải thuốc khai quang rộng rãi ở Nam Việt Nam, nhắm trước hết vào những vùng nông thôn mà 80% dân chúng sống trong đó. Đây là một phần của chương trình lùa nhiều triệu người dân vào trong những trại tập trung mà chúng ta gọi là “ấp chiến lược” nơi đó họ bị bao vây bởi các lính canh gác và giây thép gai, được “bảo vệ”, như chúng ta nói vậy, trước quân du kích mà chúng ta thừa nhận rằng người dân tự nguyện ủng hộ. Đây là điều mà chúng ta gọi là “xâm lược” hay “tấn công bằng vũ khí” khi một nước nào đó làm như vậy. Chúng ta gọi đó là “bảo vệ” khi chúng ta làm như vậy. [31]

Nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng ta thấy cuộc xâm lăng của Mỹ vào Nam Việt Nam có nguồn gốc từ chính nền văn hóa của Mỹ. Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là sự hội tụ của 3 yếu tố: chính trị, thần học Ki-tô Giáo, và kinh tế. Những yếu tố này đan quyện với nhau tạo thành chính sách và hành động của Mỹ, không riêng gì ở Việt Nam mà còn ở trên khắp thế giới.

Yếu Tố Chính Trị:

Như trên chúng ta đã biết, Ramsey Clark, Nguyên Chưởng Lý Mỹ dưới triều Lyndon Johnson, nhận định:

“Tội ác lớn nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến là chính sách đối ngoại của Mỹ.”

Mục đích chính của Mỹ không phải là để tạo nên một miền Nam dân chủ tự do. Người Mỹ không có thực tâm, không có ý tốt giúp Việt Nam, cũng như ngày nay không có thực tâm, ý tốt giúp Iraq. Người nào tin rằng Mỹ thực tâm giúp Nam Việt Nam để bảo vệ những giá trị tự do dân chủ cho người dân Nam Việt Nam là đang nằm mơ. Hãy xét đến thực chất của các chính quyền Ngô Đình Diệm và “Diệm không Diệm” của Nguyễn Văn Thiệu. Hãy xét đến những chiến dịch quân sự dã man nhất của Mỹ ở Việt Nam đối với người dân trong cuộc chiến.

Can thiệp vào Việt Nam, chính trị của Mỹ không đặt căn bản trên sự hiểu biết về Việt Nam, điều mà tất cả các học giả ngày nay đều công nhận, và đó là yếu tố làm cho Mỹ thất bại ở Việt Nam. Mỹ can thiệp vào Việt Nam là dựa trên những gì người Mỹ nghĩ về chính họ, nói khác đi là đặt trên nền văn hóa Mỹ.

Sau thế chiến thứ II, những cường quốc thực dân Âu Châu như Anh, Pháp, Hòa Lan đều trở nên suy yếu, Mỹ đương nhiên là quốc gia mạnh nhất về quân sự cũng như kinh tế. Mỹ độc tôn về vũ khí nguyên tử, tự cho mình là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo, hoặc là một thị trấn ở trên một ngọn đồi (A city on a hill) mà thế giới phải nhìn lên ngưỡng mộ và dập theo những giá trị đạo đức xã hội của Mỹ. Mặt khác, Mỹ có những hành động trịch thượng, kiêu căng vô lối, tự cho mình có quyền định đoạt số phận của Việt Nam. Chúng ta hẳn còn nhớ, sau Thế Chiến II, trước khi giúp Pháp trở lại Đông Dương, Tổng Thống Mỹ Roosevelt đã hỏi Tưởng Giới Thạch là “Có muốn Đông Dương không?”. Và Tưởng Giới Thạch đã trả lời: “Điều này không giúp gì cho chúng tôi. Chúng tôi không muốn. Họ không phải là người Tàu. Họ sẽ không chịu hòa nhập vào dân Tàu” (Backfire, p. 43: Mr. Roosevelt asked Chiang: “Do you want Indo-China?” The Generalissimo replied: “It’s no help to us. We don’t want it. They are not Chinese. They would not assimilate into the Chinese people.”)

Có lẽ không có cuốn sách nào đi thẳng vào những vấn đề như giải thích cuộc chiến, tại sao nó lại xẩy ra, tại sao người Mỹ lại lâm vào cuộc chiến như vậy để cuối cùng đi đến thất bại v..v.. bằng cuốn Kết Quả Ngược Chiều: Việt Nam – Những Huyền Thoại Khiến Chúng Ta Chiến Đấu, Những Ảo Tưởng Giúp Chúng Ta Thua, Cái Di Sản Vẫn Ám Ảnh Chúng Ta Ngày Nay (Backfire: Vietnam – The Myths That Made Us Fight, The Illusions That Helped Us Lose, The Legacy That Haunted Us Today, Ballantine Books, New York, 1985) của Giáo sư Loren Baritz, Trưởng Khoa Lịch Sử, Đại Học Rochester. Sau đây là một đoạn giải thích của Giáo sư Loren Baritz, trang 10-11:

Người Mỹ không biết gì về người Việt Nam không phải là chúng ta đần độn, mà vì chúng ta tin vào một số điều về chính chúng ta... Muốn hiểu sự thất bại của chúng ta, chúng ta cần phải suy nghĩ về thế nào là một người Mỹ... Huyền thoại về Mỹ như là một thị trấn trên một ngọn đồi uẩn hàm rằng Mỹ là gương mẫu đạo đức cho phần còn lại của thế giới, một thế giới cho rằng sẽ đặc biệt ngưỡng mộ chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta là một dân tộc được [Thiên Chúa, lẽ dĩ nhiên của Ki Tô Giáo] chọn, mỗi người trong đó, vì được sự ưu đãi và sự hiện diện của Thiên Chúa, có thể vật chết dễ dàng 100 kẻ thù ngoại đạo...

Có vô số cách để người Mỹ biết trong lòng – nơi duy nhất mà những huyền thoại có thể sống được – là chúng ta được chọn để dẫn giắt thế giới trong vấn đề đạo đức công cộng và dạy cho thế giới trong đức tính chính trị. Chúng ta tin rằng những sự tốt đẹp trong nước chúng ta kết thành sức mạnh đủ để triệt hạ đối thủ của chúng ta, những người, theo định nghĩa, là kẻ thù của đức tính, của tự do, và của Thiên Chúa. [32]

[Người Mỹ tin tưởng như vậy. Nhưng sự thực ra sao? Một số thống kê của chính Mỹ, chứng tỏ rằng về những tệ đoan xã hội, tội ác trong xã hội, Mỹ chiếm giải quán quân trên thế giới. Không ai có thể phủ nhận Mỹ là nước giàu nhất và mạnh nhất về quân sự. Nhưng còn về các vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức thế giới, đức tính của con người, thì Mỹ không có gì để so sánh với các quốc gia Á Châu. Tổng thống Bush mở cuộc xâm chiếm Iraq cũng không ít thì nhiều có niềm tin như vậy. Sống ở Mỹ chúng ta không lạ gì khi thấy những nhóm “da trắng ưu việt” (white supremacists) có những hành động bạo động ác ôn đối với những người da màu mà chúng cho là thấp kém trong khi tuyệt đại đa số chúng không tốt nghiệp nổi Trung Học.]

Tuy vậy, sau Thế Chiến II, lực lượng đối đầu Mỹ duy nhất trong thời đó là Nga Sô Viết và Nga Sô lại là Cộng Sản vô thần, do đó đương nhiên là kẻ thù của Thiên Chúa, cũng là kẻ thù của dân được Thiên Chúa chọn: Mỹ. Cuộc chiến tranh lạnh đã mang đến cho Mỹ sự sợ hãi Cộng Sản vì ảnh hưởng của Cộng Sản càng ngày càng lan rộng trên thế giới, khắp Đông Âu, và ở các nước thuộc địa ở Phi Châu và Á Châu. Chủ thuyết của Truman (The Truman doctrine) năm 1947 đưa đến sự viện trợ $400 triệu về quân sự và kinh tế cho Hi Lạp để chống những du kích quân có sự ủng hộ của Cộng Sản. Thất nghiệp và lạm phát ở Âu Châu khiến cho ảnh hưởng của Cộng Sản lan vào cả những nước như Ý, Pháp, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Bỉ, và cho tới ngày nay ảnh hưởng của Cộng Sản cũng chưa hết hẳn. Truman đưa ra kế hoạch Marshall năm 1948 với $12.6 tỷ đô-la viện trợ để giữ Tây Âu khỏi rơi hẳn vào vòng ảnh hưởng của Cộng Sản.

Nhưng năm 1949 có 3 biến cố làm cho sự sợ hãi Cộng Sản của Mỹ lên đến độ hoang tưởng. (From Communist fears to paranoia). Nga sô chặn đường bộ tới Tây Bá Linh khiến cho Mỹ phải tổ chức không vận để hàng ngày cung cấp các phẩm vật cho một thị trấn có 2 triệu người. Sau cùng Nga Sô phải nhường bước. Cũng năm 1949, Nga Sô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên tạo nên một làn sóng sợ hãi khắp nước Mỹ. Sau cùng, cuối năm 1949, Mao Trạch Đông đuổi Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa. Một quốc gia đông dân nhất thế giới, vừa mới là đồng minh của Mỹ cách đó 4 năm, nay đã rơi vào tay Cộng Sản. Từ sự sợ hãi Cộng sản đến mức hoang tưởng, Mỹ đã quyết định ngăn chận sự bành trướng của Cộng Sản.

Muốn hiểu về nguyên nhân cuộc chiến tranh Việt Nam, về tại sao dù không có một lý do nào chính đáng mà Mỹ lại can thiệp vào Việt Nam, chúng ta cần hiểu rõ hơn về nước Mỹ, hay nói đúng hơn, về “ý tưởng quốc gia của Mỹ” (idea of America). Tôi đã đọc rất nhiều sách viết về cuộc chiến ở Việt Nam nhưng tôi không thấy cuốn nào đào sâu khía cạnh này như cuốn “Chiến tranh chưa chấm dứt: Việt Nam và lương tâm nước Mỹ” ( The Unfinished War: Vietnam and the American Conscience, Beacon Press, Boston, 1982) của Walter H. Capps, Giáo sư Đại Học Santa Barbara, California, nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu các định chế dân chủ Robert Hutchins (Former director of the Robert Hutchins Center for the study of Democratic Institutions). Đây là một cuốn sách cần phải đọc để hiểu rõ người Mỹ và hiểu thái độ kiêu căng tự tôn của Mỹ, đưa đến những hành động bất chấp đạo đức, bất chấp luật lệ quốc tế. Vấn đề chính là chính sách ngăn chận Cộng sản không phải là vì tự thân lý thuyết Cộng sản mà vì vị thế tối cao cầm đầu thế giới như Mỹ vẫn tự cho Mỹ cái vị thế đó. Giáo sư Capps đã phân tích trong cuốn sách trên, trang 37:

Mỹ càng ngày càng hoảng sợ về Nga Sô có thể nắm quyền trên thế giới. Không phải là người Mỹ sợ tự thân lý tưởng Cộng sản mà là sức mạnh của một cường quốc khác có khả năng thách đố vị thế tối cao của Mỹ trên thế giới. [33]

Mỹ can thiệp vào Việt Nam cũng không phải vì ông Hồ là cộng sản, hay ông Hồ là con bài của Nga sô. Giáo sư Capps viết, trang 36:

Những cơ quan ngoại giao và tình báo của Mỹ đã kiểm tra cẩn thận để xem xem có phải là ông Hồ liên kết với Nga Sô hay không. Vào thời đó họ không kiếm ra một bằng chứng nào như vậy; thật ra họ biết rất rõ ông Hồ trước hết là một người Việt quốc gia, đối với ông ta dạng thức Cộng sản của chính quyền là một cơ cấu thích hợp để vứt bỏ nền cai trị áp bức của thực dân. Phúc trình của một nhân viên Bộ Ngoại Giao vào thời đó đặt vấn đề là: Phải nên coi ông Hồ như là “biểu tượng của chủ nghĩa quốc gia và sự tranh đấu cho tự do của tuyệt đại đa số quần chúng.” [34]

Một tài liệu tương tự trong cuốn Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, của Paul Joseph, Giáo sư xã hội học, đại học Tufts, như sau, trang 83:

“Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự hứng khởi và chỉ đạo từ Liên Bang Sô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ Tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi từ và bị kiểm soát bởi điện Kremlin. Tuy vậy tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscou và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa ông Hồ và Moscow nhưng cứ cho rằng có.” [35]

Không có bằng chứng nhưng cứ cho là có, đó là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Chúng ta đã biết, Mỹ tự cho mình cái quyền can thiệp vào bất cứ nước nào mà Mỹ muốn. Mỹ chỉ cần đưa ra một cớ nào đó, dù không phải là sự thật, và điều đó cũng đủ để Mỹ can thiệp vào nội bộ bất cứ nước nào. Nhưng Mỹ chỉ dám đụng đến các nước nhỏ, ít khả năng phản kháng, chứ Mỹ không dám đụng đến các cường quốc khác như Nga sô, Trung Quốc. Ngày nay khí thế của Trung Quốc đang càng ngày càng lên, lan sang cắm dùi, gây ảnh hưởng ở Phi Châu, những thuộc địa trước của khối Tây phương và Mỹ. Trước tình trạng như vậy Mỹ chỉ còn có thể phàn nàn và than phiền.

Trong cuốn Can Thiệp Và Cách Mạng: Mỹ Đối Đầu Với Những Phong Trào Nổi Giậy Trên Khắp Thế Giới (Intervention and Revolution: America’s Confrontation With Insurgent Movements Around The World, A Meridian Book, New York, 1972), Sử gia kiêm nhà khoa học chính trị (historian and political scientist) Richard J. Barnet, đã từng là nhân viên Bộ Ngoại Giao cũng như Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, viết, trang 301:

Sự hiện diện của một sự đe dọa của Cộng Sản, ngay chỉ là có thể có sự đe dọa của Cộng Sản (như ở Cộng Hòa Dominique) cũng đủ để cho Mỹ biện minh cho những sự can thiệp của Mỹ. Nhận định là có sự đe dọa cũng đủ để ngăn ngừa mọi chất vấn có thể đặt ra về sự cần thiết hay đạo đức để dẹp bỏ sự đe dọa. Mỹ càng ngày càng nói trắng ra khi tuyên bố là Mỹ có quyền đơn phương quyết định là một sự xung đột ở bất cứ nơi nào trên thế giới là sự đe dọa đối với nền an ninh quốc gia của Mỹ hay trật tự thế giới và Mỹ sẽ làm gì để đối phó. [36]

Một trong những lý do Mỹ đưa ra để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là Mỹ đơn phương quyết định rằng chế độ Cộng Sản ở Việt Nam sau Genève là sự đe dọa cho nền an ninh quốc gia của Mỹ, trong khi không có bất cứ một bằng chứng nào chứng tỏ như vậy. Cộng sản hay không thì Việt Nam cũng là một quốc gia nhỏ, nghèo, kém phát triển và ở xa Mỹ nửa vòng trái đất, làm sao có thể đe dọa nền an ninh của Mỹ được. Cho nên Mỹ đã chọn Việt Nam làm tiền đồn chống Cộng, chống Cộng cho chỗ đứng và uy tín của Mỹ trong vùng, bất kể là sau ngày tuyên bố đất nước độc lập, 2 tháng 9, 1945, Ông Hồ Chí Minh đã viết 8 bức thơ gửi Tổng Thống Truman và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, yêu cầu Hoa Kỳ ủng hộ tinh thần nền độc lập của Việt Nam và còn ngỏ ý Việt Nam có thể là một thị trường lớn cho những sản phẩm của Mỹ, nhưng Mỹ không hề trả lời.. Mỹ chọn Việt Nam làm tuyến đầu chống Cộng, làm phòng tuyến cuối cùng chống sự bành trướng của Cộng Sản ở Á Châu, vì cho rằng Việt Nam là một nước nhỏ yếu không có khả năng chống lại ý định của Mỹ, cho nên Mỹ sẽ thành công trong mục đích chống Cộng cùng lúc tạo uy tín của Mỹ trên thế giới. Mặt khác Mỹ còn muốn chứng tỏ cho thế giới biết là vũ khí và chiến thuật của Mỹ có thể đối phó với chiến thuật du kích của Cộng Sản. Và Việt Nam cũng là chiến trường để cho Mỹ dùng hết vũ khí cũ, thử các vũ khí mới kể cả vũ khí hóa học.

Yếu Tố Tôn Giáo:

Một tính toán chính trị sai lầm, đan quyện với một ý đồ đế quốc thực dân mới (thực dân kinh tế), cộng với tâm cảnh của những “cao-bồi bắn dân Da Đỏ” (cowboys shooting Indians) trong những phim “Westerns”, tự cho rằng Mỹ là khuôn mẫu “thiện” của cả thế giới, vì Mỹ tin tưởng ở Thiên Chúa (In God We Trust), vì Mỹ là “quốc gia của Thiên Chúa” (God Country), theo tinh thần Ki Tô Giáo và lịch sử Ki Tô Giáo: kẻ nào không tin Thiên Chúa của Ki-tô Giáo là kẻ ác. Cho nên với quan niệm trắng đen, thiện chống ác, và đã tin vào ưu thế của vũ khí, để can thiệp vào Việt Nam bất kể lý do, bất kể đạo đức, bất kể pháp lý, đưa đến kết quả là thất bại sau khi tàn phá đất nước Việt Nam một cách man rợ, vô nhân tính. Noam Chomsky đã châm biếm, cho rằng Mỹ đã thắng một phần ở Việt Nam (A partial victory) vì đã thành công để lại cho Việt Nam một di sản tan hoang đất nước, khó có cơ hội phục hồi về xã hội và kinh tế, cộng với cuộc cấm vận của Mỹ kéo dài trong 19 năm. Hãy nghĩ tới một Việt Nam sau cuộc chiến, mọi mặt đều kiệt quệ đến tận xương tủy, cộng với sức ép của Mỹ (Ấn Độ muốn viện trợ cho Việt Nam 100 con trâu cũng bị Mỹ ngăn chận), Việt Nam vươn lên được tới tình trạng ngày nay, kể ra đó đúng là một phép lạ, một phép lạ do con người đích thân tạo ra, chứ không như những loại phép lạ ngụy tạo như ở Fatima, Lourdes v…v…. Trong phép lạ này cũng có phần của đa số người Việt hải ngoại, những người không chịu nghe theo lệnh của bọn người áo đen, bọn bán phở và viết báo chống Cộng, yêu cầu Mỹ đừng bỏ cấm vận, hô hào dân tỵ nạn đừng gửi tiền về, đừng về Việt Nam, đừng mua hàng Việt Nam v..v...

Là một nước mà 80% theo Ki Tô Giáo, Mỹ bị ảnh hưởng của cuốn Thánh Kinh rất nhiều. Không ai hiểu Mỹ bằng người Mỹ, nhất là giới trí thức Mỹ. Mục Sư Tin Lành Robert McAfee Brown viết (Ibid., trang 14) về khía cạnh tôn giáo của cuộc chiến:

Đây là cuộc chiến của “những kẻ tốt chống kẻ xấu” (good guys versus bad guys), “những kẻ tin Chúa chống những kẻ vô thần” (the godly versus the ungodly), “ánh sáng chống tối tăm”, là “cuộc đối đầu giữa những quốc gia nô lệ và quốc gia trong thế giới tự do” (the antagonists are the “slave nations” and the nations of the “free world”), cuộc chiến chống “những kẻ man rợ đe dọa những dân tộc văn minh, luật pháp và trật tự, và lối sống của người Mỹ” (Barbarians threaten civilized peoples, law and order, and the American way of life). Đó là cách nhìn lịch sử của những người tin vào một cuộc chiến giữa thiện và ác trong ngày tận thế (Their view of history is apocalyptic)...

Trong những phim “cao-bồi”, bao giờ cũng có hai phe riêng biệt. Một phe chiến đấu cho luật pháp và trật tự, phe kia vô luật pháp và vô trật tự. Nếu trong chuyện phim có những dân da đỏ, sự xung đột là giữa những người da màu dã man và những người da trắng văn minh, yêu hòa bình. Kết cục bao giờ cũng là cảnh tàn bạo. Phe thắng là phe có nhiều vũ khí tối tân hơn hoặc rút súng nhanh hơn. Khi mà, trong vài trường hợp, những kẻ xấu (da màu) tiêu diệt một nhóm nhỏ những kẻ tốt (da trắng), đó là một sự tàn sát độc ác và tàn nhẫn (it is a cruel and heartless massacre); khi mà những kẻ tốt (da trắng) giết vô số những kẻ xấu (da màu) [when the good guys kill huge numbers of bad guys], đó là một sự chiến thắng của công lý và văn minh (it is a victory for justice)

Nhận định của một giới chức Ki-tô Giáo như trên thật là rõ ràng trong cuộc chiến ở Việt Nam với những motto: “Kill a gook for God” viết trên mũ sắt của lính Mỹ, “A good VC is a dead one”, và Hồng Y Spellman sang Việt Nam ủy lạo binh sĩ Mỹ rằng họ đang chiến đấu để bảo vệ nền văn minh Ki-tô Giáo, một nền văn minh quy thần, hạ thấp phẩm giá con người, rất xa lạ đối với nền văn minh nhân bản và nhân chủ của Việt Nam.

Mỹ đã thất bại ở Việt Nam trong những mục đích tham chiến và bảo vệ nền văn minh Ki Tô Giáo. Trước thế giới, Mỹ không còn là “một thị trấn trên một ngọn đồi”. Nhưng không phải chỉ có vậy. Morris Dickstein viết trong Gates of Eden: American Culture in the Sixties, Basic Books, New York, 1977, trang 271:

Ở Việt Nam chúng ta không chỉ thua một cuộc chiến tranh và mất đi một tiềm lục địa, chúng ta cũng còn mất đi lòng tự tin lan tràn khắp xã hội rằng vũ khí và mục tiêu của Mỹ bằng cách nào đó nối kết với công lý và đạo đức, không chỉ với sự theo đuổi quyền lực. Mỹ đã thất bại về quân sự, nhưng “ý tưởng quốc gia” của Mỹ, huyền thoại về nước Mỹ mà chúng ta ấp ủ, còn bị một cú làm cho tiêu tan hơn. [37]

Có lẽ chúng ta cũng nên biết chút ít về “Ý tưởng quốc gia và huyền thoại về nước Mỹ”. Như trên chúng ta đã biết, Mỹ tự nhận là một thị trấn trên một ngọn đồi, và là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo ý định của Mỹ. Lý do là, Mỹ là một cường quốc, và bất kể tiến bộ về những gì, nhưng trên thực tế lại rất ấu trĩ về tâm linh. Thật vậy, ảnh hưởng của cuốn Thánh Kinh vẫn đè nặng trên tâm tư người Mỹ, từ nguyên thủ quốc gia xuống đến thường dân, trong khi cuốn Thánh Kinh đã không còn mấy giá trị tôn giáo cũng như trí thức trong thế giới Tây phương, khoan nói đến thế giới Hồi giáo và thế giới Đông phương. Mỹ vẫn tin rằng sự giầu mạnh của Mỹ là do ân sủng của Gót [God] tuy rằng không có một người Mỹ nào biết Gót là cái gì. Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong cuốn “The Unfinished War: Vietnam and the American Conscience” của Giáo sư Walter H. Capps để hiểu rõ hơn ảo tưởng và ý thức tôn giáo của người Mỹ.

Phương pháp giải quyết của Do Thái-Ki tô là đặt căn bản trên ý tưởng an ủi là, chừng nào mà một người giữ vững đức tin thì Gót sẽ đứng về phía họ và hắn ta, hoặc ít nhất là chính nghĩa của hắn ta sau cùng sẽ thắng.

Trang 112: The Judeo-Christian approach is based on the comforting idea that, so long as a man keeps faith, God will be on his side and he, or at least his cause, will eventually triumph.

Gót đã nâng nước Mỹ lên địa vị vĩ đại mà không có nước nào được như vậy vì gia sản của Mỹ là một thể chế cộng hòa cai quản bởi những luật khẳng định trong Thánh Kinh

Trang 124: God promoted America to a greatness no other nation has ever enjoyed because her heritage is one of a republic governed by laws predicated on the Bible.

Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam? David Lamb (UPI reporter 1960’s; Los Angeles Time’s first peacetime bureau in VN) đã đưa ra một nhận định khá đúng trong cuốn Vietnam, Ngày Nay (“Vietnam, Now” , Public Affairs, NY, 2002) trang 85,91:

Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Họ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự sẽ thắng cuộc chiến, không bao giờ buồn để ý đến chuyện tìm hiểu là họ chiến đấu với ai... Mỹ đã tới Việt Nam để xây dựng nhưng rút cuộc là phá hủy. Mỹ tới rừng rú Việt Nam để chiếm lòng dân, nhưng trong cuộc chiến lâu dài nhất – cuộc chiến đầu tiên mà Mỹ thất trận –đã khám phá ra rằng những dụng cụ chiến tranh không thể thay thế cho sinh khí của tinh thần quốc gia [của người dân Việt]. [38]

Nhưng nghiên cứu kỹ vấn đề, căn bản không phải là “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam” mà chính là căn bản pháp lý của sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Như vài tài liệu trên đã chứng tỏ, Mỹ không có lý do nào chính đáng để can thiệp vào Việt Nam từ 1945 đến 1975. Mỹ đã bất kể đến công pháp quốc tế, không dựa trên pháp lý, mà dựa trên “luật rừng” và “cường quyền thắng công lý” để can thiệp vào Việt Nam với ý đồ “bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực” như Gareth Porter đã viết trong bài : “Biện giải vấn đề Việt Nam 30 năm sau — Bàn cờ domino Châu Á hay sự khống chế của Hoa Kỳ?“, Hà Minh dịch trên Talawas:

Trước vai trò chính của quân đội Hoa Kỳ trong việc quyết định can thiệp sâu hơn vào Việt Nam, sự tương đồng lịch sử giữa việc chiếm đóng Việt Nam và Iraq càng trở nên hiển nhiên. Trong cả hai trường hợp, ưu thế quân sự toàn cầu của Mỹ đã nuôi dưỡng ý đồ bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực. Và trong cả hai trường hợp, các lãnh đạo an ninh quốc gia đã giả định rằng họ có thể dùng vũ lực mà không sợ nguy cơ mở rộng chiến tranh, sự giả định này phụ thuộc nặng nề vào hiệu quả răn đe đối với kẻ thù. Họ đã sai lầm nghiêm trọng tại cả hai nơi: Việt Nam và Iraq.

Yếu Tố Kinh Tế:

Viết về chiến tranh Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố kinh tế. Phải chăng những lý do Mỹ đưa ra về sự can thiệp vào Việt Nam chỉ là, như Tướng Telford TayLor, cố vấn trưởng của Mỹ tại Tòa Án Nuremberg để xử các tội phạm chiến tranh Đức quốc Xã (Chief counsel for the prosecution, with the rank of Brigadier General, at the Nuremberg war-crimes trials), đã viết trong cuốn: “Nuremberg Và Việt Nam: Một Tấn Thảm Kịch Của Mỹ” (Nuremberg and Vietnam: An American Tragedy, New York Times Book, 1970, trang 103): “che dấu ý định khai thác Nam Việt Nam như là một căn cứ quân sự Mỹ để “ngăn chặn” Cộng Sản, hay thống trị Đông Nam Á và những tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở đó” [only to conceal the intention to exploit South Vietnam as an American military base to “contain” Communism, or to dominate Southeast Asia and its enormous natural resources].

Tây phương đã đến Á Châu như là những đế quốc thực dân, Á Châu không có mấy lý do để tin tưởng rằng Mỹ nhân đạo hơn những người da trắng đã đến trước. Và chúng ta đã biết, mục đích chính của Mỹ không phải là giúp dân Việt Nam.

Hành động can thiệp vào Việt Nam của Mỹ không nằm ngoài chủ trương của Mỹ là thiết lập một trật tự thế giới ổn định (a stable world order), theo ý định của Mỹ, mà trong cái gọi là trật tự thế giới này, Mỹ nắm Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF, International Monetary Fund). Mỹ đã dùng những cơ quan này để cho các nước nhỏ đang mở mang vay nhẹ lãi, hỗ trợ những dự án có lợi cho Mỹ, và khi cần có thể làm sụp đổ nền kinh tế địa phương. Thật vậy, theo Mục sư Robert McAfee Brown (Ibid., trang 24) thì:

Trật tự thế giới ngày nay rất lợi lộc cho những nhà tư bản Mỹ, những người ngồi trên chóp của đống lợi nhuận. Ngoại viện của Mỹ cho những kém mở mang được coi như là một chủ nghĩa đế quốc mới; không phải là đế quốc quân sự mà là đế quốc đô-la. Đế quốc đô-la không hiển nhiên như đế quốc thực dân; nó không toan tính thiết lập một văn phòng chính trị thực dân. Nó mua chuộc những chính trị gia bản xứ sẵn sàng bán linh hồn và xen vào nội bộ của quốc gia qua những phương pháp kinh tế chứ không phải là chính trị. Nó cũng có hiệu lực như là thực dân quân sự nhưng khó mà có thể lột mặt nạ của nó ra. [39] [Chúng ta hãy nhìn kỹ vài bộ mặt chính trị gia được Mỹ mời đến dự ngày độc lập của Mỹ tại Tòa Đại Sứ ở Việt Nam, và Võ Văn Ái ở Quê Mẹ, người hàng năm lãnh tiền của NED alias CIA]

Trong cuốn Turning Points in World History: The Vietnam War, yếu tố kinh tế cũng được nói tới ở trang 50:

Trong ngôn từ chiến lược và kinh tế, Đông Nam Á cũng là vấn đề quan trọng đối quyền lợi của Mỹ. Đông Nam Á rơi vào tay Cộng Sản sẽ đe dọa chuỗi đảo trải dài từ Nhật tới Phi Luật Tân, cắt đường hàng không của Mỹ tới Ấn Độ và Nam Á và dẹp bỏ phòng tuyến phòng vệ đầu ỡ Thái Bình Dương. Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) sẽ bị cô lập. Vùng (Đông Nam Á) có nhiều tài nguyên thiên nhiên và chiến lược, gồm có thiếc, cao su, gạo, nguồn dầu dừa, quặng sắt, đồng, tungsten, và dầu hỏa. Mỹ không chỉ bị cắt đứt, không tơ hào gì được những nguồn tài nguyên đó, mà tiềm năng về những thị trường to lớn để tiêu thụ những sản phẩm của Mỹ cũng bị đe dọa. [40]

Ở trên tôi đã đưa ra sơ lược ba yếu tố chính trị, tôn giáo, và kinh tế đã góp phần trong cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Căn bản là Mỹ đã chọn Việt Nam làm địa bàn chống Cộng ở Đông Nam Á, bất kể là người Việt Nam có muốn hay không. Mỹ đã quyết định dùng vũ lực để chống Cộng ở Việt Nam, Nam Việt Nam là phòng tuyến không cho Cộng Sản vượt qua, vậy những “nếu” hay “tại vì” đặt ra để giải thích cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đều không thích hợp. Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp nếu có nguy cơ miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, bất kể là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam gồm 100% người Nam hay 100% người Bắc. Nguy cơ này càng ngày càng hiện rõ từ năm 1961 đến cao điểm vào những năm 1964-1965, cho nên Mỹ đã ồ ạt đem quân vào Việt Nam.

 

[XIN XEM TIẾP PHẦN 2]

Trang Thời Sự