Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi!

Vân Hạc

27 tháng 1, 2011

 

 

Inh lả ơi, xao nọong ơi! Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười…”, mỗi khi lời bài dân ca Thái: “Inh Lả ơi” trong sáng tươi vui cất lên, mỗi người như lại được nồng say trong vòng xòe mê đắm. Ca từ và tiết tấu đơn giản, mượt mà, thấm đượm hồn dân ca Thái làm cho mỗi người như cảm nhận được sự giao hòa của Đất trời, con người cùng vạn vật trong bước đi rộn rã của mùa xuân. Bài hát được nhiều ca sỹ, nghệ sỹ trình diễn rất thành công ở trong và ngoài nước.

Ngoài phần lời hát mới, xuất hiện vào chiến dịch Tây Bắc như: “Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời…”, còn lời hát truyền thống như thế nào chúng ta còn chưa biết rõ nhưng: “Inh lả” và “xao noọng” có nghĩa như thế nào mà làm say đắm bao thế hệ người Thái đến như vậy?

Ngày xưa con gái Thái khi bước vào tuổi thiếu nữ cũng là lúc được bước lên “hạn khuống”, (với người Thái Tây Bắc từ mùa thu cho đến đầu xuân là mùa của sinh hoạt “hạn khuống”, còn gọi là sàn hoa hạn khuống), sân chơi giành riêng cho giới trẻ chưa lập gia đình – một hình thức sân khấu diễn xướng sơ khai ngoài trời. Ở đó, hồn nhiên giữa đất trời họ được tự do giao tiếp, được tâm sự, hát đối đáp giao duyên. Và cũng ở đó họ khao khát và nảy nở tình yêu say đắm đến cháy bỏng. Với người Thái sức mạnh của lời ca tiếng hát vô cùng  to lớn: “Tiếng hát vào núi đá hoá thành vôi trắng/ Hát vào suối cạn, dâng thành sông Đà/ Hát cùng chài gấp nên tấm lụa/ Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen/ Hát cùng đầu bạc, xanh lại thời tuổi trẻ” – (dân ca Thái).

Các cô gái coi “hạn khuống” là nơi thân thuộc và thiêng liêng nhất của đời thiếu nữ. Cho nên, khi đi lấy chồng họ rất lưu luyến bịn dịn. Họ thường khóc vì cho rằng “Thóc đã đổ bồ chẳng đem quay lại gặt, gái đã lấy chồng không thể quay lại đùa vui” (Xống chụ xon xao), “Thời con gái quá ngắn ngủi so với cả cuộc đời” (Tản chụ xống xương). Khi đi lấy chồng, họ đều có những lời “giã từ hạn khuống”, dặn các em gái trẻ đừng để “sàn hoa hiu quạnh”, tắt ngọn lửa và vắng bóng các chàng trai...  

Trên sàn hoa hạn khuống, các cô gái thường chia thành hai lớp. Những cô lớn tuổi, đã chơi hạn khuống nhiều năm gọi là “xao ưởi” - nghĩa là lớp chị. Các cô gái này thường ngồi ở vị trí chính giữa sàn hoa, gọi là: “Xao tổn khuống” – tức là chủ hạn khuống, bên: “Lắc xáy cốc” – cây gốc, các “Xao tổn khuống”, bằng kinh nghiệm hát đối đáp nhiều năm của mình sẽ “gỡ rối” cho các “xao noọng”, trước tài ứng đối của các chàng trai. Còn các cô gái mới lớn bắt đầu làm quen với hạn khuống thì gọi là “xao noọng” nghĩa là lớp đàn em thường ngồi ở bốn góc sàn, nơi có thang cho các chàng trai lên khi hát đối đáp thắng các cô gái, bên các: “Lắc xáy” – chủ ở các góc. Và lớp đàn chị gọi lớp em một cách âu yếm là “inh lả” có nghĩa là út thân thương. Cho nên, lới hát “Inh lả ơi, xao noọng ơi” chính là tiếng lòng tâm tình của các cô gái lớn tuổi sắp đi lấy chồng với lớp cô gái trẻ mới bước vào đời.

  Các “xao ưởi” dặn dò các “xao nọong”: “...Méng căm ởn thuông bó phí phựa. Bửa bin khái hai pú dí duội. Chứa căn má xum xao ơi. Chứa căn ỉn au đới bók ban. Tản au đới xao báo nhăng nọi. Inh lả ơi, xao noọng ơi”. (Nghĩa là: Ve sầu vờn bông hoa sắc thắm. Bướm bay lượn quanh núi dập dờn. Cùng đến đây, ơi các em gái. Cùng nhau chơi hết đời hoa ban. Chơi cho hết thời con gái trẻ. Inh lả ơi, xao noọng ơi). Lời dặn dò sao mà trìu mến, dịu hiền đến thế.

Các chị sắp đi lấy chồng, sắp phải giã biệt cái thời khắc hồn nhiên và đẹp nhất của cuộc đời, để làm vợ, làm mẹ, thủy chung hiếu thảo như cái lẽ tự nhiên  tự bao đời, dặn lại các em hãy vui chơi lành mạnh cho thoả thích, chơi cho hết mình kẻo rồi hối tiếc.  

Và đặc biệt, không quên nghĩa vụ lao động của mình: “Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở/ Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn/ Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa/ Ta chia tay nhau về làm ruộng/ Ánh mắt liếc vào ruộng mạ/ Cho bông lúa trĩu vàng/ Hẹn mùa xuân sau khi mùa ban nở”.

Inh lả ơi, xao nọong ơi” đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, một giai điệu đằm thắm đã đồng hành với bao nhiêu nhịp đập của con tim bao nhiêu thế hệ và trở thành tài sản tinh thần chung của tất cả những ai đã được thưởng thức bài dân ca này.

“Inh lả ơi, xao nọong ơi” thiết tha trìu mến, tự nhiên như hơi thở của mùa xuân, của đất trời Tây Bắc, tự đáy lòng các cô gái trưởng thành dặn dò các cô gái mới lớn, chân tình, mộc mạc và tự nhiên nhưng ẩn chứa khát vọng cháy bỏng về tự do hôn nhân, tình yêu trắng trong chung thủy. Từ bao đời rồi vẫn tiếp nối, vẫn ngân lên giữa đất trời như tuần hoàn của vũ trụ, mùa tiếp mùa, cuộc sống sinh sôi bất tận.

Vân Hạc


Những bài cùng tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học