Vàng Son Huyết Lệ

Trần Vân Hạc

03 tháng 2, 2010

 

Những ngày đầu năm 2010 đáng nhớ này, cuốn hồi ký độc đáo: “Vàng son huyết lệ” của Minh Phụng (1922 – 1989) do nhà xuất bản Phụ Nữ in ấn, Trung tâm văn hóa Tràng An – một địa chỉ tin cậy về phát hành sách văn học và giáo dục của Thủ Đô tổng phát hành, là món quà quí cho bạn đọc nói chung, bạn đọc trẻ và giới nữ nói riêng.

Nhà văn Tam Lang từng nói: “Đời của Minh Phụng là một cuộc đời giang hồ nhưng là đời giang hồ số một của nước Việt Nam!”.  “Đời của Minh Phụng mở đầu bằng một thiên tình sử để khép lại bằng một thiên tình hận” - Hồ Dzếnh - Báo Thần Chung số 19)…

Cuốn hồi ký của một nhân vật sống cách đây hơn nửa thế kỷ với những ước mơ, khát vọng cháy bỏng mong có cuộc sống “vàng son” không có điểm dừng, để rồi ngậm ngùi trong “huyết lệ”, luôn mới trong thời đại hiện nay.

Có lẽ mong muốn của nhà xuất bản Phụ nữ đã gặp gỡ ý tưởng và tiêu chí của Trung tâm văn hóa Tràng An: Xuất bản và phát hành cuốn hồi ký, để thông qua đó, chuyển đến bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ thông điệp và những bài học quí giá từ cuộc sống. Giúp bạn đọc có thêm sự định hướng, phấn đấu vươn lên bằng cái tài, cái tâm của mình một cách chính đáng.

Nếu bạn chưa đọc cuốn hồi ký này, có thể sẽ coi đây là một cuốn sách bình thường. Nhưng nếu bạn may mắn có cuốn sách này trong tay, chắc chắn bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến sự thích thú khác về cuộc đời đầy sóng gió của một người phụ nữ tài sắc và đa đoan một thời. Với nội dung phong phú, chân thực cùng bút pháp điêu luyện, tình tiết vô cùng hấp dẫn, có sức lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu tiên của tập hồi ký. Bởi vậy ngay từ khi cuốn hồi ký mới ra mắt đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và chuyền tay nhau.

Bạn đọc có thể mua trực tiếp tại Trung tâm văn hóa Tràng An: 54/ 171 Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà  Nội. ĐT: 04 3664 7143 – 3662 1060 Fax: 04 6284 1316 Mobile: 0912 344 084

Để bạn đọc có thêm thông tin về cuốn hồi ký độc đáo này, tôi xin trích đăng dưới đây bài viết của Xuân Ba  trên báo Tiền Phong:

 

 Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa

Xuân Ba

Bây chừ gấp lại cuốn hồi ký mà tôi cho là lạ lẫn truân chuyên này, chợt bừng ra một cái à! Hóa ra giai thoại lâu nay về nhà văn Nguyễn Tuân là có thật! Đấy là có lần ông đã từng vét sạch tiền trong túi mua (và lại còn mua chịu nữa) tất tật số hoa của những quầy hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm đêm ấy để tặng cho một người đẹp.

Người được tặng nhiều hoa nhất không hề khuyết danh và có niên biểu hẳn hoi. Đó là một đêm mùa xuân năm 1938. Người nhận hoa là Minh Phụng, diễn viễn chính thể hiện vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm.

Minh Phụng lúc 40 tuổi.

Minh Phụng là ai? Là một nữ sĩ. Một nữ sĩ không thường của những năm ba bốn mươi thế kỷ trước. Nói như Tam Lang, “Đời của Minh Phụng là một cuộc đời giang hồ nhưng là đời giang hồ số một của nước Việt Nam!". 

Còn thi sĩ Hồ Dzếnh viết: "Đời của Minh Phụng mở đầu bằng một thiên tình sử để khép lại bằng một thiên tình hận" – (Báo Thần Chung số 19). "Phụng là người trí thức, trí thức giang hồ. Sống như Phụng mới là người biết sống" (Lê Văn Trương, năm 1937)...

Một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn hồi ký độc đáo của nữ sĩ họ Trịnh có tên là Minh Phụng này. Cuốn hồi ký có tên là Vàng son huyết lệ.

Từ gái quê thành sao sân khấu

Cô gái quê mười lăm tuổi ấy có tên là Nụ, Trịnh Thị Nụ sau đổi tên là Hoàng Minh Phụng là út trong gia đình có 7 anh chị em quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Bố là một nhà nho làm nghề dạy học. Mẹ buôn bán lặt vặt, gia sản cũng chỉ đủ cho việc chi tiêu tùng tiệm. Nhưng được yêu chiều từ nhỏ, Phụng được đi học chữ nghĩa, không biết được mấy hột nhưng thuộc làu những cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Tố Tâm, Đời mưa gió...

Tâm hồn đa cảm trong một nhan sắc sớm trội nổi, cô gái quê mười lăm tuổi ấy thấy những lũy tre làng như những hàng rào giam hãm. Những ao chuôm như những huyệt mộ chôn vùi tuổi xuân.

Lại nghe phong thanh mình sắp bị gả cho một đám tầm thường, một sáng tinh sương, cô bé Nụ cắp nách hai bộ áo sống, cắp luôn tám trăm đồng bạc mà mẹ cô vừa bán mấy mẫu ruộng để chi dùng vào một việc quan trọng của gia đình, đáp tàu trốn lên Hà Nội, một nơi mà cô chưa từng đặt chân, chưa từng biết! Mới đầu cô bé Nụ tá túc ở nhà một bà bán bánh cuốn.

Làn gió độc xứ cát bụi kinh thành đã cuốn cô đi. Mới đầu là việc đi học nhảy... Rồi các mối quan hệ quen biết chồng chéo khi đã thạo các điệu nhảy (Nụ rất có khiếu trong môn này).

Những vũ trường nổi tiếng ở Hà thành khi đó mỗi đêm đều ngong ngóng cô Nụ, lúc này đã có tên mới là Hoàng Minh Phụng, xinh đẹp nhảy giỏi. Các con quan, các cậu ấm, lại cả những ông Phủ, ông Huyện... thay nhau bao Phụng.

Rồi Phụng thất thân với một công tử bộn bạc xứ Hà thành vào một đêm mưa ở Đồ Sơn. Phụng có khiếu như cô Kiều, hễ đụng vào tay đàn ông nào thì y như rằng đời người đàn ông đó cũng tan nát!

Biết bao đám lăn lóc với Phụng. Từ ăn uống đến mọi khoản chi tiêu xa hoa, họ đều lăn xả vào mà trả (trích hồi ký). Trong số đó, dám lăn xả hay có ông nào chết vì Phụng hay chưa thì không rõ, nhưng do lãng mạn, do liên tài, Phụng chơi thân với hầu hết đám văn nghệ sĩ nổi danh của Hà thành lúc đó, ngoài ba ông mà tôi vừa dẫn trên đây và thêm nhà viết kịch Thế Lữ, thi sĩ Hoàng Cầm đa tình còn có nhà văn Nguyễn Tuân khinh bạc của chúng ta.

Nguyễn Tuân buột ra đi mua hoa sau khi thốt lên với đám bạn trong đó có Thế Lữ về cái tài nghệ dù chỉ là diễn góp vui của Phụng trong vai Kiều Loan như thế này: “Trời ơi, Phụng tài quá! Nó giỏi, nó thông minh. Nó không phải là hoàng hậu mà sao nó giống hệt một bà hoàng?

Nó cau mày, nó cười nhạt, nó nghiến răng, nó ôm hoàng tử trong tay. Nó ghen, nó đau khổ”... (trích hồi ký). Ba đêm liền Phụng thủ vai Kiều Loan ở Nhà hát Lớn như thế. Rồi những đêm nổi danh thủ các vai chính của Lệ Chi Viên, những Đêm Phong ba của Vi Huyền Đắc...

Nhưng Phụng chỉ chơi chơi vậy thôi, không có nhập một đoàn hát nào cả... Năm 1941, Khái Hưng tặng thơ cho Phụng trên một tờ báo: Yêu khách giang hồ yêu tha thiết/ Biết người khuê các biết vu vơ...

Tưởng kiếp giang hồ ấy neo đậu bền bền với đám cưới một cậu ấm thuộc loại danh gia vọng tộc, nhưng trời đã bắt tố chất giang hồ nồng nàn, dào dạt trong huyết quản rồi, Phụng đâu có yên!

Thời gian sẽ cho tôi không sầu khổ và chỉ còn lại những quên. Cái nhớ nhung khác lạ mới là đời! Có gian nan mới biết mùi nhân thế... (trích hồi ký) .

Giang hồ số một

Phụng theo một cô bạn lên máy bay chuyển vũ khí cùng với một tốp phi công, quân của Tưởng Giới Thạch từ Gia Lâm vù sang Côn Minh. Cái duyên ông Trời se, cái que ông Giời buộc, lớ ngớ thế nào mà ông tướng Tỉnh trưởng Vân Nam vừa ngó thấy Phụng đã lăn lóc.

Cái lăn lóc của thứ đàn ông bộn bạc nhưng chung tình. Ông tướng ấy bay ngay sang Gia Lâm, đến Hà Nội sau chuyến bay của Phụng chỉ một ngày. Và diễn ra cuộc hội ngộ của vị tỉnh trưởng này với Phụng tại một nơi kín đáo.

Trên chuyến bay đặc biệt trở về Côn Minh ngày hôm sau, sánh vai cùng vị tỉnh trưởng đầy quyền lực ấy là Phụng. Dưới cánh bay kia là dòng Hồng Hà ngầu đỏ mênh mông.

Mà trên bờ là Hà thành một biển người trong đó có người chồng khù khờ nhưng chân tình của Phụng lẫn cái danh gia vọng tộc của nhà chồng tha hồ mà ngóng đợi.

Những ngày ở Côn Minh Phụng đã cháy sáng hết mình tài lẫn sắc trong những cuộc tiếp tân tiệc tùng liên miên cùng vị Tỉnh trưởng Vân Nam.

Có một chi tiết phải lấy ra đây trong tập hồi ký cồm cộm chật cứng các chi tiết sinh động ấy là trong buổi tiếp viên lãnh sự Pháp ở Côn Minh, Phụng đã nhõng nhẽo nhưng cương quyết với các quan khách rằng đòi được mặc Quốc phục (áo dài Việt Nam), đòi phải được treo cờ của nước Nam (?) không thì kiên quyết bỏ về không dự tiệc.

Việc xảy ra quá đột ngột, sợ viên Tỉnh trưởng uy quyền mất lòng, viên lãnh sự Pháp ở Côn Minh phải đứng ra dàn xếp đại ý, thưa bà tỉnh trưởng hiện nay bên nước bà đang xảy ra nội chiến(?) chưa rõ bên ông Hồ Chí Minh hay bên Pháp thắng nên chúng tôi tạm thời chưa dám treo cờ của bên nào (!)

Đàn ông mê nàng một nhẽ. Không thiếu quý bà quý cô các mệnh phụ phu nhân cũng mê Phụng mới lạ. Cuộc gặp hay cuộc đối thoại giữa vợ viên Tỉnh trưởng Vân Nam bay từ California (Mỹ) về với Phụng cực giàu kịch tính và rất sinh động. Kết thúc cuộc gặp ấy là nước mắt và tình thân ái.

Cuộc đời nhung lụa bên vị tướng thét ra lửa ấy không buộc được Phụng. Cô tranh thủ đi Nam Kinh, đi Thượng Hải và những thành phố những danh lam thắng cảnh khác của Trung Hoa rồi khẳng khái từ biệt tướng quân tỉnh trưởng...

Phụng lang thang tiếp ở Quảng Đông rồi không may sa vào một toán cướp. Nhưng thân không bại mà danh cũng chẳng liệt và kiếp giang hồ lại chói sáng hơn ở Hồng Kông trong những hộp đêm, thậm chí cô còn đoạt giải nhất trong cuộc thi sắc đẹp ở đó.

Rồi cuộc tiếp kiến với Cựu hoàng Bảo Đại đang lang thang ở đó. Rồi vinh dự được mời cắt băng khánh thành một đại lộ mới xây to nhất Hồng Kông.

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hồi có mặt ở Hồng Kông đã gặp Phụng và tặng thơ: Một đóa hoa danh lạc đất người/ Trăm hoa thua kém sắc xuân tươi/ Hương ngát một trời/ sắc dậy một thời/ Quân vương ngây ngất mộng uyên đôi. Hồng Công ngày 9/6/1950 ( trộm nghĩ, quân vương đây có phải là Cựu hoàng Bảo Đại đa tình không nhỉ?).

Rồi lại tiếp những cuộc tình với những tay có máu mặt lẫn vô danh. Phụng đi Nhật, đi vài nước ở Đông Nam Á do các nhà tài phiệt bao. Phụng đi đánh bạc ở Macao. Rồi suýt chết (Phụng dám tự tử) trong cuộc hôn nhân với một cự phú người Hoa ở Hồng Kông.

Lại suýt chết trong một vụ cướp biển. Nhưng số Phụng chưa đứt bởi đoạn trường của kiếp giang hồ giời còn bắt diễn. Lại cắm chân rất chắc trong những hộp đêm nổi tiếng ở Hồng Kông. Đùa cợt trêu ngươi những gã cự phú ở Trung Hoa lục địa bằng những đám cưới mà Phụng giả vờ gật.

Thế rồi bỏ, bỏ hết thời vàng son. Phụng đáp máy bay về Hà Nội đúng thời điểm chuẩn bị Hiệp định Geneva. Phụng khi đó đã hơn ba mươi nhưng nhan sắc hẳn còn mặn mòi.

Phụng quyết định không xê dịch tiếp chả biết có phải do nghe lời thi sĩ TCHYA Đái Đức Tuấn khi gặp Phụng ở Trùng Khánh năm 1947 không? TCHYA thừa biết Phụng không phải là tên loài chim Phượng như người phương Nam gọi là Phụng mà Phụng đây là phụng sự, là dâng nhưng thi sĩ năm ấy đã tặng người đẹp mấy câu thế này:

Phụng bay bay bốn phương trời/ Phụng về Phụng đậu giữa đời loạn ly/ Phụng thề Lão Bích Ngô Chi/ Phụng ơi Phụng hỡi bay về cố hương. (Trùng Khánh ngày 17/10/1947)

Cuốn hồi ký kết thúc bằng những năm tháng nữ sĩ này sống ở Sài Gòn. Lại có một cuộc hôn nhân nữa, nhưng hình như cũng không bền. Hơi văn cùng con chữ dường như ảm đạm nhọc nhằn hơn bởi việc kinh doanh một nhà hàng luôn trục trặc cũng như căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm mà nữ sĩ mắc phải. Bà trút hơi thở cuối cùng vào năm 1989, được 67 tuổi trời.

Hơn bốn trăm trang đánh máy khổ A4. Nếu như dàn hết lên khổ in 13x19 cm như vẫn thường thấy thì phải hơn sáu trăm trang in. Cuốn mà tôi đang cầm đây, sao từ bản đánh máy, các trang đã ngả màu vàng bệch của thời gian.

Có ít nhất 4 người khiến cho cuốn hồi ký về số phận giang hồ này trở nên long đong trục trặc kể từ khi tác giả Vàng son huyết lệ giã biệt cõi đời. Người thứ nhất là Giáo sư Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học.

Tháng 5/1977, GS Văn Tạo cùng đoàn cán bộ khoa học xã hội vào công tác ở Sài Gòn khi đó mới giải phóng. Tình cờ GS được gặp nữ sĩ Minh Phụng là người làng. Nữ sĩ khi đó mới ngoại ngũ tuần, như GS cho hay là hẵng còn dễ nhìn lắm...

GS Văn Tạo kém bà 4 tuổi. Trong câu chuyện hàn huyên giữa hai người làng, GS mới biết cụ thể tường tận thêm về quãng đời giang hồ lưu lạc sau này của nữ sĩ họ Trịnh mà trước ông chỉ nghe mang máng cái cô Nụ bỏ làng ra đi rồi biệt tích. Quá vãng bỗng ập về một cách rành rọt.

Thì ra bà đã thay tên đổi họ... Hoàng Minh Phụng tức là Trịnh Thị Nụ, con cụ Lý Đoài tức Trịnh Văn Đoài, gốc từ xứ Thanh ra. Nét văn hóa của gia đình ông Lý Đoài được ghi lại cả ở việc đặt tên cho con bằng vế câu đối Đoài, Trà, Cầm, Mãng, Vinh, Hoa, Nụ để đối với một nhà khác cũng thuộc loại có máu mặt trong làng là Giảng, Đàm, Nghị, Luận, Ái, Hằng, Nga.

Câu chuyện của bà Phụng đã khiến GS thương cảm. Ông gợi ý bà là bây giờ hòa bình thống nhất rồi, mai kia bà nên bố trí thu xếp về thăm lại quê nhà sau bao năm biệt tích. Biết bà thông thạo nhiều ngoại ngữ qua nhiều năm lưu lạc ở xứ người như tiếng Anh, Pháp, Hoa, Quảng Đông (Quan Hỏa), lại có tập thơ mấy trăm bài, tính tình lại cởi mở, mai kia có điều kiện bà nên chép lại câu chuyện của mình như dạng hồi ký kể ra cũng thú vị?

Điều thứ nhất thì sau này bà đã thực hiện tức là về thăm lại quê ở thị trấn Tứ Kỳ. Còn điều thứ hai, cũng chỉ là gợi ý cho vui thôi nhưng bà Minh Phụng đã làm thật. Bốn trăm trang cuốn Vàng son huyết lệ được bà hoàn thành như trang cuối bà ghi là vào tháng 5 năm 1980.

GS Văn Tạo không biết rằng, sau này cuốn hồi ký của bà Phụng đã được ký thác cho một người khác. Người đó là Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, bạn thân của học giả Nguyễn Hiến Lê, một học giả nổi tiếng của Sài Gòn trước giải phóng chuyên biên khảo phả trạng mà bây giờ ta gọi là nhà gia phả học.

Công trình biên khảo nghiên cứu gia phả các dòng họ danh tiếng như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm, Bùi Viện, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Mạc Đĩnh Chi vv... của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trước năm 1975 và sau này đã được giới gia phả học quốc tế đánh giá rất cao.

Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu gia phả học của nhiều nhà khoa học. Đây là những tài liệu lỗi lạc - GS Richard C.Beals, nhà phả trạng học Hoa Kỳ đã nhận xét về công trình của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ như vậy. Thời điểm bà Phụng gặp và quen thân với nhà phả trạng học này không rõ cụ thể như thế nào và bao lâu, nhưng chắc mối quan hệ giữa hai người khá thân thiết.

Bà đã ghi trong một trang của cuốn hồi ký như thế này: Tin tưởng ký thác anh Dã Lan Nguyễn Đức Dụ cuốn hồi ký độc nhất của tôi. Sau này, anh hoàn toàn sử dụng vào một thời điểm thích hợp để mai sau con cháu chúng ta biết rõ thăng trầm của một người sương phụ đại bất hạnh. Saigon 24-4, năm Tân Dậu, tức là ngày 27-5-1981.

8 giờ sáng, viết trong lúc đang lâm trọng bệnh.

Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã trân trọng đón nhận cuốn hồi ký viết tay và tỷ mẩn đánh máy. Bốn trăm trang hồi ký! Thú thật tôi chưa từng thấy tập bút ký nào như thế, không phải độ dầy mà lạ! Chuyện chép hồi ký thiếu gì các chính khách lừng danh Nixon, Churchill, Charles De Gaule, Hitler...

Có điều các chính khách hay những danh nhân khác thường hay nói tốt cho mình nhiều hơn chớ mấy ai như chị lại đem phô bày hết những cái xấu xa trụy lạc của mình ra. Tôi rất thán phục chị phải can đảm lắm mới viết ra như thế. Minh Phụng quả không hổ thẹn dòng dõi Nho gia.

Chị là một phụ nữ đủ tài sắc. Tuy chị là gái nhảy chả tên tuổi gì, nhưng để lại một tập bút ký như thế với mấy trăm bài thơ là đủ cho đời sau nhắc đến chị rồi (trích bài viết về Minh Phụng của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trên tập san Sóng Toronto- Canada xuất bản tháng 5 năm 1992).

 

Trần Vân Hạc


Những bài của tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học Xã Hội