ÍT NHIỀU NHẬN ĐỊNH VỀ THIÊN CHÚA GIÁO

(Phê Bình Giáo Lý)

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

ngày 05 tháng 9, 2007

 

Vài hàng về Tác Giả: 0

Phần Tín Lý :  1   2   3 

Phần Giáo Lý: 4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 

 

Sách Hiếm nhận được bài giới thiệu sau đây do nhóm Từ Thiện Giao Điểm gửi ngày 05 tháng 10 2007.

 

LỜI GIỚI THIỆU

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ là một trong những người Việt Nam hiếm có của các thế hệ sau thập niên 1960. Ông không những uyên thâm về học thuật Tây phương mà còn nghiên cứu sâu sắc về minh triết Ðông phương nữa. Ông đã dày công biên soạn và trước tác nhiều sách về triết học Ðông phương mà độc giả có thể tìm thấy trong phần tiểu sử tác giả (và thư mục) in ở bìa sau cuốn sách nầy.

Lúc thiếu thời ông đã từng theo Kitô giáo, say sưa với những câu kinh tiếng hát trong các Ca đoàn của nhà thờ. Nhưng với tinh thần khoa học và nhờ nghiên cứu các nền đạo học Ðông phương mà ông đã bừng tỉnh để trở về với chính đạo, với bản lai diện mục của chính mình.

Tâm sự về sự thức tỉnh mầu nhiệm ấy đã được ông để lại cho đời qua hai bài viết đặc biệt chí tình chí lý về Kitô giáo, một tôn giáo mà ông đã từng ôm ấp ngưỡng vọng từ thuở ấu thời. Bài đầu tiên ông viết năm 1987 tại Nam California dưới tiêu đề “Ít nhiều Nhận định về Thiên Chúa Giáo” và đã được đăng trong tác phẩm “Tại sao không theo đạo Chúa”, do Mr. Rosa xuất bản tại bang Texas, Hoa kỳ vào năm 1997. Bài thứ nhì cũng với cùng chủ đề nhưng triễn khai rộng hơn mà ông đặt tựa là “Ít nhiều nhận định về Kitô giáo, Giáo lý” được viết năm 2006 tại bang Oregon Hoa kỳ.

Giao Điểm rất hân hạnh được Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ tin tưởng và tín nhiệm trao trách nhiệm xuất bản một trong những tác phẩm rất quý hiếm và tâm huyết của tác giả. Tại vì ông không viết cho riêng ai, mà viết cho cả một dân tộc. Bây giờ cũng như ngày mai.

GIAO ĐIỂM

Hè 2007  

 

 

 

Phần I

 

C ó thể nói được rằng trong vòng 2000 niên vừa qua Cơ Đốc Giáo (Christianity) đã tung hoành trên thế giới. Chữ Cơ Đốc Giáo bao gồm, Công Giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành giáo, vì tất cả đều tin vào Thượng đế, như Tân Cựu Ước đã mô tả; và đều tin Chúa Giê Su là Thiên Chúa giáng trần cứu chuộc thiên hạ. Con số tín đồ đã lên cho đến hơn cả tỉ .

Thoạt nhìn, thực là một lâu đài tráng lệ. Nhưng càng lặng ngắm, càng thấy nó đã bị rạn nứt, đã bị chônh chênh, vì nền móng đã bị lung lay hư hỏng. Ngày nay, có thể nói được rằng dưới cái chiêu bài: Chân Lý tuyệt vời, ta có thể vạch ra được những sự ngụy tạo hết sức tinh vi.

Tôi đã từng theo Thiên Chúa Giáo trong vòng 20, 30 năm lúc thiếu thời, đã từng sống không biết bao nhiêu giờ phút dày vò vì hai chữ “tội khiên”, say sưu vì câu kinh, tiếng hát.

Lúc bé, vì chưa biết thế nào là ngoại giáo, nội giáo, chưa biết gì về vũ trụ và con người; chưa biết gì về xã hội, nhân sinh; chưa biết suy tư tìm hiểu, phán đoán; chưa đọc các thánh thư các đạo giáo khác cũng như chưa nghiên cứu các đạo giáo khác và các thánh hiền đã thành nhân chứng thánh đông tây, kim cổ; chưa chứng nghiệm được sự trưởng thành của óc chất, tâm linh, nên tôi cũng thấy nó cao siêu hấp dẫn.

Năm 36 tuổi, nhân khảo về Khổng giáo, tôi đã được một sự giác ngộ nội tâm, nên đã bừng tỉnh giấc Nam Kha, và đã nhìn thấy rõ những sự sai trái, thấp kém của nó. Cho đến ngày nay, mỗi khi nghĩ lại sự mình thoát khỏi được Thiên Chúa Giáo nói riêng và các tôn giáo công truyền thiên hạ nói chung, để đi vào “Chính đạo giải thoát nội tâm”, tôi cho đó là đại hồng ân của trời đất. Tôi viết bài này không dành cho quần chúng. Tôi viết cho những người đồng thanh, đồng khí muôn phương, tôi viết cho hậu thế. Chính vì không có một hậu ý gì không tốt đẹp, mà chỉ cốt là khai phóng thực sự con người, vạch gai góc để tìm ra Đại Đạo và Chân Lý, nên tôi sẽ viết hết sức vô tư và bình thản.

Tuy nhiên, tôi cũng sẽ không viết hết mọi suy tư, nhận định của tôi về Thiên Chúa Giáo (Công giáo, Chính Thống và Tin Lành).

Tôi viết bài này, tùy ngọn bút đẩy đưa, tùy thần trí hướng dẫn, nên không muốn chia chương, chia mục.

Một nhận xét sơ khởi của tôi là vì mấy thứ đạo Thiên Chúa Giáo nói trên, tuy có thể có cùng một Thánh kinh (Tinh Lành chỉ có 39 quyển Cựu Ước, Công giáo có 47 quyển), cùng tin có Thượng Đế, cùng nhận Chúa Giê Su là giáo chủ, nhưng đi sâu vào các vấn đề tín lý, tìm hiểu cách thức các Giáo hội đó đối đãi với nhau, chúng ta mới thấy tất cả các đạo giáo trên đều là những đạo tương đối, nói là Trời lập ra, nhưng chính thực là người sáng tạo. Có điều Giáo Hội này cho là Chân, thì Giáo hội kia cho là Giả. Giáo Hội nào cũng đề cao tình bác ái, nhưng lịch sử đã cho thấy những giáo hội anh em với nhau nói trên đã luôn luôn coi nhau là thù địch, đã từng bỏ nhau xuống hỏa ngục, đã từng xỉ vả, nguyền rủa lẫn nhau, thậm chí đã từng hưng binh tàn sát lẫn nhau, đã từng dùng những thủ đoạn hết sức ác độc để gieo tai họa cho giáo hữu của đối phương.

Trong các tôn giáo nói trên, Công Giáo mạnh nhất, có tổ chức nhất, nên tôi sẽ dùng Công Giáo làm đối tượng chính của thiên khảo luận. Tôi làm công chuyện này không có ác ý gì riêng đối với Công Giáo, vì đối tôi bất kỳ đạo giáo nào khi đã đi vào con đường “Công truyền”, cốt thu hút quần chúng, thì cũng đầy dẫy những sai lầm, cũng đầy dẫy những thủ đoạn tàn độc. Chúng ta chỉ có thể mù, hay điếc mới không nhìn thấy, nghe thấy những điều đó.. Tôi chọn Công Giáo, vì nó có nhiều tín đồ nhất và lâu đời nhất. Nó lâu đời chỉ thua có Do Thái Giáo, một tôn giáo mà Công giáo đặt trọng tâm hủy diệt trong vòng 2000 năm nay, nhưng chung cuộc đã thất bại, như ta sẽ thấy sau này.

Trước hết, đối với tôi, cái sai lầm lớn lao của con người Tây Phương trong vòng mấy nghìn năm nay là niềm tin vô tận vào quyển Thánh Kinh – Tân lẫn Cựu Ước – và cho rằng chính Thiên Chúa đã mất thì giờ mà đọc cho các tác giả thánh kinh viết, cho nên nó phải đúng từng chữ, và tất cả những điều đã ghi chép trong đó là những dữ kiện lịch sử, là “chân lý”.

Họ còn cho rằng chân lý chỉ được mặc khải cho càc tác giả Thánh Kinh – Tân, Cựu Ước – và đã chấm dứt sau các thánh Tông đồ. Cơ quan nắm giữ Chân Lý hiện nay là Giáo hội.

Con người bình thường không được quyền hiểu Kinh Thánh theo ý mình, mà phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự giải thích của Giáo Hội.

Vì dựa vào Thánh Kinh, nên nhiều người cho đến ngày nay vẫn còn cho rằng trái đất, con người mới được tạo dựng cách đây khoảng 6.000 – 10.000 năm. Niềm tin này đã được mọi người Công giáo tin theo. Phía Tinh Lành thì những người tin mạnh nhất là những người được mệnh danh là Bảo Thủ (Fundamentalists).

Đọc lại Thánh Kinh, thì tất cả những dữ kiện đưa ra trong các chương 1-2 Sáng Thế Ký, đều thuộc loại huyền kỳ, chứ không có chút gì là khoa học, lịch sử. Ta dẫn chứng bằng Sáng Thế Ký 1 và 2.

Theo Sáng Thế Ký 1, Chúa dựng nên trời đất trong 7 ngày theo thứ tự sau:

- Ngày thứ nhất: Chúa dựng nên trời đất, và ánh sáng. Chia ánh sáng khỏi tối tăm. Gọi ánh sáng là ngày và tối tăm là đêm.

- Ngày thứ hai: Dựng nên vòm trời (firmament, vault) (Gen 1:6).[(The New Jerusalem Bible của Công Giáo dịch là Vault (vòm), và chú rằng người dân Semites xưa coi cái vòm trời có cứng chắc, có thể giữ nước ở phía trên, không cho rơi xuồng trần gian. Nó hình nữa vòng cầu, hoặc như cai chảo úp, như ta thường trông thấy. Nó chắc chắn là phải hết sức cứng vì có thể chứa được một lượng nước khổng lồ bên trên. Vòm trời đó, theo Job, đã được đúc bằng “đồng thau” (Job 37:18). Vòm đó có những cửa. Khi muốn có Hồng Thủy, những “cửa trời” đó sẽ được mở ra cho nước trên trời tuôn xuống (Gen 7:11). Mặt trăng, mặt trời và các vì sao được gọi bằng một danh từ hết sức khiêm tốn là “đèn đóm” (xem Kinh Thánh – Nguyễn Thế Thuấn Gen 1:17)-đều nương vào vòm trời đó (Gen 1:17), y như những ngọn đèn treo trên trần nhà. Những ngọn đèn đó dĩ nhiên là nhỏ xíu, vì lúc thế mạt – mà cách đây 2000 năm – Chúa Giê Su đã chủ trương là: “sắp tới đây”, tinh tú sẽ rụng xuống trần gian nhiều như những quả vả bị dập vùi trong một trận cuồng phong (Rev 6:13). Cung đình Chúa và tòa ngôi Ngài đặt trên vòm trời đó (Psalm 11:4), vì Sáng Thế Ký đã định nghĩa cái vòm đó là “trời” (Gen 1:8).

Chúa Giê Su cũng xác quyết Chúa Cha ở trên đó, Ngài dạy Cầu xin: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời (Mat 6:9). Thánh Joan dạy rằng lúc thế mạt vòm trời đó sẽ bị cuộn lại, cuốn đi như một trang sách (Rev 6:14). Chúng ta cũng nên nhớ rằng vòm trời đó có nhiều cột chống đỡ (Job 27:11); và trái đất cũng có nhiều cột chống đỡ (Job 9:6). Đất đã được Chúa đặt vững trên mặt nước (Psalm 136:6). Đất muôn đời đứng yên một chỗ (Terra in aeternum stabat, Vulgate, Eccl. 1:14)]

- Ngày thứ ba: Phân đất ra khỏi nước. Dựng nên cây cối .

- Ngày thứ tư: Dựng nên hai ngọn đèn lớn nhỏ và các vì sao, đặt vào vòm trời, để soi cho trái đất, và để tiện cho việc làm lịch, xem ngày.

- Ngày thứ năm: Dựng nên các loài dưới nước và trên không.

- Ngày thứ sáu: Dựng nên các loài sống trên cạn, dựng nên ông A Dong, bà E Và.

- Ngày thứ bảy nghỉ.

Trong chương nhất này tên của Chúa là ELOHIM. Đến chương hai, Chúa đổi tên là YAHWEH, và tả lại cung cách tạo dựng nên trời đất và muôn loài một cách hoàn toàn khác biệt như sau.

Đại khái rằng: Thoạt kỳ thủy khi Chúa dựng nên trời đất, thì trái đất còn hoang vu, Chúa bèn lấy bụi đất mà dựng nên ông A Đam rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi ông cho ông thành người sống động. Sau đó dựng nên một cái vườn cho ông ở, và lúc ấy mới dựng nên cây cối. Sau đó, muốn cho ông có một người bạn xứng đáng nên đã dựng nên các loài vật, và các chim trời, và đem chúng lại cho ông đặt tên. A Đam chê chẳng tìm được bạn nào thích hợp, Chúa bè cho ông ngủ đi và lấy một khúc sườn của ông để tạo dựng nên bà E Và.

Ta nhận thấy trong chương hai này không có nói dựng nên mặt trời, mặt trăng gì cả, mà lấy con người làm trọng tâm. Trong chương này, Chúa dựng nên con người trước rồi mới dựng nên cây cối và vạn vật sau.

Sang hai chương trên, ta đã thấy một sự mâu thuẫn quá lớn lao. Không có lý nào, mà Ngũ Kinh do Chúa đọc cho một tác giả duy nhất là Moses chép, khi mô tả cùng một công chuyện tạo dựng, lại có thể khác nhau đến như vậy.

Ngày nay các học giả đã chứng minh được rằng: Ngũ Kinh (Genesis, Exodus, Numbers, Deuteronomy, Leviticus) là do nhiều môn phái, nhiều người sống trong nhiều thế kỷ khác nhau viết. Những môn phái đó là:

- Phái Yahwistic ( viết tắt là J-J là đầu chữ Jehovah), vì gọi Chúa là Yaweh hay Jehovah, viết vào khoảng thế kỷ IX trước kỷ nguyên.

- Phái Elohistic (viết tắt là E) vì gọi Chúa là Elohim, viết ít lâu sau trường phái trên.

- Phái Deuteronomic (viết tắt là D) viết vào khoảng 622 đời Josiah.

- Phái Priestly (viết tắt là P) viết sau khi dân Do Thái đi lưu đày, tức là sau 500.

Như vậy, Moses sống vào khoảng 1250, người mà ta vẫn được dạy dỗ là tác giả Ngũ Kinh – ngay Chúa Giê Su cũng tin vậy (John 5:46 – Luke 24:27 – Luke 16:31) – thực ra lại không phải là tác giả, mà tác giả lại là vô số người viết, cách nhau nhiều thế kỷ (bộ Ngũ Kinh như vậy đã được viết ra trong vòng 400 năm).

Chương 1 Genesis đã được viết bởi môn phái Priestly (P), còn chương 2 đã được viết bởi môn phái Yahwistic. Cứ so sánh hai chương trên với sự mô tả khác biệt nhau như nước với lửa, ta đã có thể kết luận chắc chắn rằng đó không phải là Chúa phán, hay Chúa viết, Chúa soi, mà là người phàm viết như trăm nghìn huyền thoại khác.

Công Giáo như đã ghi rõ rằng trong quyển Martyrologe Romain, cho rằng trời đất đã được tạo dựng vào năm 5199. Tin Lành, theo Tổng Giám mục Ussher, đã cho rằng trời đất đã được tạo dựng nên lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 4004. Các học giả Do Thái đoán rằng trời đất đã được tạo dựng nên ngày 7 tháng 10 năm 3761.

Các người theo phái Fundamentalists cho rằng tất cả đã được tạo dựng nên khoảng từ 6.000 đến 10.000 năm nay. Cũng có người cho rằng sự tạo dựng đã xảy ra vào năm 5509 (1).

Theo khoa học ngày nay, sự diễn biến đã xảy ra như sau.

Thoạt kỳ thủy, có một “cái trứng vũ trụ” (cosmic egg) vô cùng nóng hổi. Cách đây khoảng 15 tỉ năm, đột nhiên nổ tung (big bang theory) sinh ra các giải Ngân Hà và tỉ tỉ tinh tú.

- Cách đây khoảng 5 tỉ năm, thái dương hệ ra đời.

- Cách đây khoảng hơn 600 triệu năm, các sinh vật li ti dưới biển bắt đầu xuất hiện.

- Cách đây 450 triệu năm, có cỏ cây.

- Cách đây khoảng 405 triệu năm, bắt đầu có sinh vật.

- Các loài phi trùng có cách đây khoảng 400 triệu năm.

Thủy tổ loài người – các loại nhân hầu – xuất hiện cách đây khoảng 40 triệu năm.

- Vật có nhân dạng (hominids) xuất hiện cách đây khoảng 20 triệu năm.

- Homo sapiens xuất hiện cách đây 150.000 năm.

- Con người “Modern man” có khoảng cách đây 50.000 năm.

Sánh các đoạn Thánh Kinh với nhau, sánh Thánh Kinh với các khám phá khoa học ta thấy hai chương 1 và 2 Sáng Thế Ký hoàn toàn mâu thuẫn nhau:

- Cái vòm trời, cái “trời” bằng đồng thau mà Chúa đã vất vả dùng cả ngày thứ hai xây dựng nên với những cửa có thể mở đóng tùy nghi, đã được chứng minh là hoàn toàn không có. Đó chỉ là một ảo giác của chúng ta mà thôi!

- Trái đất không thể nào có trước các vì tinh tú và mặt trời, mặt trăng.

- Cây cối không thể có trước tinh tú và mặt trời, mặt trăng.

- Adam, Eva không phải là thủy tổ của loài người, vì con người đại khái đã xuất hiện cách đây tối đa khoảng nhiều triệu năm; tối thiểu cách đây khoảng 150.000, chứ không phải là mới cách đây 6004 năm!

Nếu vậy một là chúng ta phải chấp nhận những chương sách nói trên không phải là “Lời Chúa” mà là “Lời Phàm”. Hai là nếu đúng là lời Chúa, thì lời Chúa hoàn toàn sai lạc, nghịch lại với thực tế.

Nếu nhận rằng các chương trên là “Lời phàm”, thì lấy gì bảo đảm các chươmg sau là “Lời Chúa”? Nếu Adam và Eva không phải là thủy tổ loài người thì làm gì có tội tổ tông? Nếu không có tội tổ tông, thì làm gì có chuyện Chúa giáng trần cứu chuộc?

Nếu vậy, đạo Thiên Chúa Giáo, hoàn toàn đã được xây dựng trên những ảo tưởng. Nếu không có chuyện Chúa giáng trần, thì dĩ nhiên Chúa Giê Su không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là một con người đã giác ngộ, đã sống phối hợp được với Thượng đế ngay từ ở gian trần này, như trăm ngàn thánh hiền xưa nay đã làm được như vậy.

Chúa tuyên bố đã nghỉ không còn tạo dựng nên cái gì mới nữa, thế mà thiên văn học luôn luôn cáo tri có những vì sao mới xuất sinh trên vòm trời, kể cũng kỳ lạ thật.

Ở Mỹ này, nhiều người theo Thiên Chúa Giáo cũng đã nhìn thấy cái nguy cơ. Họ cho rằng Darwin với thuyết Tiến Hóa đã làm giảm thiểu quang huy của Chúa trong sự tạo dựng, đã muốn “hạ bệ Thiên Chúa”, và đã hàm ngụ rằng trong vòng 2000 năm nay, những người theo Thiên Chúa giáo đã bị lừa bịp bởi một lời nói láo vĩ đại(2).

Những người triệt để theo truyền thống cũ (Fundamentalists) thuộc giáo phái Tin Lành, trong nhiều tiểu bang đã đứng ra bài xích khoa học và thuyết Tiến Hóa trong các trường trung tiểu học công cộng. Họ biết rằng nước Mỹ cấm không cho dạy đạo giáo trong các trường nên từ năm 1960 trở đi, họ kêu gọi những học giả, những khoa bảng thành lập những hội nghiên cứu Thuyết Tạo Dựng theo khoa học.

Những hội mệnh danh là Tạo Dựng Khoa Học đó có thể liệt kê như sau:

- The American Scientific Affiliation (ASA), thành lập năm 1941, gồm 3000 hội viên.

- The Creation Research Society (CSR), thành lập năm 1963, ở Ann Arbor Michigan. Có khoảng 500 hoạt động hội viên. Điều kiện nhập hội tối thiểu phải có Cao Học về một bộ môn khoa học nào đó, và phải tin rằng Kinh Thánh hoàn toàn đúng, không hề sai lầm; chuyện Chúa tạo dựng nên muôn loài là có thực như Kinh Thánh đã chép; Hồng Thủy toàn cầu là chuyện có thực(3).

- The Creation Science Research Center (CSRC), có địa chỉ liên lạc với khoảng 210.000 người. Trong năm 1970, thường tổ chức những cuộc du ngoạn viếng thăm núi Ararat, để đi tìm lại chiếc tàu Noe. Giá tiền là $1.397 đi từ Nữu Ước.

- The Institute for Creation Research (ICR) thành lập năm 1970, có đại bản doanh ở San Diego. Hội này hoạt động rất hăng say. Đã xuất bản 55 cuốn sách; đã có một Nguyệt san là Acts and Facts gửi cho 60.000 độc giả. Họ cũng đã tổ chức nhiều chuyến thám hiểm núi Ararat vào những năm 1972, 73, 74, 75, nhưng hoặc thất bại, hoặc bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chận. Họ cho rằng đã có đủ bằng chứng để biết tàu Noe có dung tích 567 toa xe lửa và có thể chứa khoảng 50.000 con vật.

- The Genesis Shool of Graduate Studies ở Gainville, Florida.

- The Bible Science Association.

- Scientific Creationism Association of Southern New Jersey.

- The creation Research Science Education Foundation Inc. ở Ohio.

- The Triangle Association for Scientific Creationism in the Research Triangel ở gần Raleigh, North Carolina.

- The Missouri Association for Creation.

- The Evolution Protest Movement (EPM), 1932, ở Anh.

- The Newton Scientific Organisation, 1973, ở Anh v.v..(4)

Tuy thất bại liên tiếp, nhưng trong vòng mấy chục năm nay họ cố vận động đem thuyết Tạo Dựng Khoa học vào giảng dạy trong các trường song song với thuyết Tiến Hóa. Cho đến bây giờ họ tuy còn thất bại, nhưng họ thường xuyên vẫn dùng thế lực để kiểm soát các sách giáo khoa, không cho dạy Thuyết Tiến Hóa một cách lộ liễu.

Chính vì vậy mới có vụ án John Thomas Scopes năm 1925 – mà ta vẫn thường gọi là “vụ án con khỉ” – Tòa đã tuyên án phạt Scopes $100.000 vì đã vi phạm luật tiểu bang Tennessee cấm giảng Thuyết Tiến Hóa trong học đường.

Từ 1921 đến 1929 họ cũng đã vận động được 37 tiểu bang ban hành những luật chống dạy thuyết Tiến Hóa. Ví dụ luật Mississipi (1926), Arkansas (1928), Texas (1929). Tuy nhiên Tòa Án Liên Bang bao giờ cũng chủ trương Nhà Nước tách rời khỏi Giáo hội, vì thế không cho giảng dạy tôn giáo trong càc trường và đã phán quyết các luật tiểu bang cho phép dạy thuyết Tạo Dựng trong các trường trung tiểu học toàn quốc Mỹ là vi hiến.

Về phía Khoa học, tức là về phía những người có trách nhiệm soạn thảo chương trình giảng huấn, ta có những cơ quan sau:

- National Science Foundation (NSF).

- Biological Sciences Study (BSCS).

- Man: A Course of Study (MACOS).

- Education Development Center (EDC).

- The Amercian Institute of Biological Sciences (AIBS).

- National Association of Biological Teachers (NABT).

- Biological Sciences Curriculum Study (BSCS).

Ngoài ra còn có cơ quan American Civil Liberty Union, bảo vệ người dân Hoa Kỳ.

Các chương trình, các sách giáo khoa được soạn thảo theo tinh thần khoa học, và đều dựa trên thuyết Tiến Hóa. Đôi bên thường xuyên chống đối lẫn nhau, kiện cáo lẫn nhau. Phe Tiến Hóa nhân danh Khoa Học. Phe Tạo Dựng cũng đội lốt Khoa Học, cũng nhân danh Khoa Học như ai.

Tháng 12, 1981, cơ quan American Civil Liberty Union kiện lên tòa Liên Bang xin hủy luật 590 của Arkansas đã cho phép dạy thuyết Tạo Dựng trong các trường. Tòa Án Liên Bang tuyên bố điều khoản 590 là vi hiến.

Tháng 8, 1972, William Willoughby (phái thủ cựu) kiện National Science Foundation, bắt cơ quan này cũng phải viện trợ cho chương trình Tạo Dựng, cũng y như đã viện trợ cho chương trình xuất bản sách của Biological Science Study (BSCS). Tòa án Liên Bang Washington miễn tố, vì lẽ các sách của BSCS là sách “phần đời”. Phe Fundamentalists kháng cáo, cũng thua luôn.

Năm 1978, Liên Đoàn các Giáo chức giảng dạy Sinh Lý Học (NABT) kiện tiểu bang Tennessee về đạo luật cho phép dạy thuyết Tạo Dựng trong các trường. Năm 1980, tòa Liên Bang xử luật đó là vi hiến.

Phái Tạo Dựng lại kiện Hội Đồng Giáo Dục California vì đã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của con cái họ. Họ dắt con, dắt cái họ ra tòa, để trẻ khai là đã được giảng dạy rằng chúng là dòng dõi khỉ. Phía hội đồng giáo dục đã mời được những nhà khoa học thượng thặng ra để bênh vực và để biện minh cho thuyết Tiến Hóa. Quan tòa lúc ấy là ông Irving Pertluss khuyến cáo Hội Đồng Giáo Dục không nên quá cứng rắn giáo điều, và nên tế nhị khi trình bày về nguồn gốc con người trong các sách giáo khoa. Phe Tạo Dựng coi đó là một thắng lợi của họ(5).

Mới hay, cho đến ngày nay, sự tranh chấp giữa khoa học và tôn giáo còn rất gay cấn. Chính quyền Liên Bang thì luôn chủ trương tôn giáo tách rời chính trị, tách rời học đường, và sẽ không bao giờ cho phép giảng dạy những gì xa gần có liên quan đến vấn đề tôn giáo trong các học đường.

Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể hiểu nổi được tại sao những người mang tiếng là có những bằng sắc khoa học cao như vậy, cho đến nay vẫn tin là có chuyện Hồng Thủy toàn cầu. Một người bình thường nào đó cũng sẽ nhận ra rằng đó chỉ là một vụ lụt lớn trong vùng Sumeria (thuộc Tiểu Á mà thôi).

The New Jerusalem Bible của Công giáo bản tiếng Anh hay tiếng Pháp trong chú C của Chương 7 Genesis cũng đã thẳng thắng chú thích rằng: đó là một chuyện lụt dựa trên ký ức về một hay nhiều trận lụt tai hại do hai sông Tigris và Euphrates tạo ra, và sau đó truyền thuyết dân gian đã phóng đại thành một trận lụt có tầm kích thế giới(6).

Lụt cả xảy ra vào khoảng 2348 trước kỷ nguyên, 5 năm sau khi vua Nghiêu lên ngôi. Chuyện Lụt Cả kể trong Sáng Thế Ký, tối thiểu, đã được hai tác giả viết ra mà ngày nay gọi là tài liệu J và P, rồi sau đem gọp lại thành một chuyện.

Theo P, Chúa truyền ông Noe, đem súc vật vào trong tầu mỗi thứ một đôi. Theo J, Chú lại dạy ông Noe phân loài vật thành loài sạch và loài dơ (như heo, thỏ, đà điểu, các loại cú vọ v..v..xem Leviticus 11:1-46). Khi ấy chưa có Leviticus, chắc Chúa lại phải mất thì giờ dạy Noe phân biệt thế nào là loài dơ, loài sạch. Sạch thì đem vào trong tầu mỗi thứ 7 cặp. Dơ thì đem vào mỗi thứ hai cặp (Gen 7:2).

J cho rằng mưa 40 đêm ngày, và lụt 40 đêm ngày (Gen 7:10-11). P cho rằng lụt khi Noe 60 tuổi, ngày 17 tháng 2 (Gen 7:10-11), và lụt 150 ngày (Gen 8:3).

Con tầu Noe kích thước như sau: dài 450 feet (15 yards hay 135 mét), ngang 75 feet (25 yards hay 22.5 mét), cao 45 feet (15 yards hay 13.5 mét). Tầu có ba tầng (Gen 6:16). Con tầu may ra có một cửa sổ nhỏ, hoặc là kín mít (Gen 6:16).

Lúc Lụt cả, theo Do Thái, thiên hạ hãy còn vẻn vẹn ở trong vùng các sông Tigris và Euphrates, Tiểu Á. Dĩ nhiên là tác giả Thánh Kinh không hề nghĩ rằng còn có Bắc Âu, Ấn Độ, Tân Cương, Trung Hoa, Nhật Bản, Úc Châu, Mỹ Châu, Bắc Cực, Nam Cực. Đây là thiên hạ khoảng năm 611-547 trước Kỷ Nguyên, tức là khoảng 2000 năm sau Hồng Thủy do Anaximander vẽ, và đã được đăng tải trong quyển The Philosophy of Greece của Robert S. Brumbauch, tr. 22 (thời Hồng Thủy chắc thiên hạ còn nhỏ hơn vậy nhiều).

Ngày nay, nhờ Khoa học chúng ta biết được có khoảng từ 2 đến 4 triệu sinh linh, từ côn trùng, đến chim muông, cầm thú. Côn trùng chiếm 4/5 của tổng số (7).

Nếu chỉ là một vụ lụt trong vùng, mà Noe được Chúa báo cho biết trước để chuẩn bị tầu, cùng vợ con được thoát nạn, với ít nhiều bò, lừa, dê, cừu, mèo, chó của ông, thì là, một chuyện hết sức hợp lý. Còn nếu Chúa ra lệnh cho Noe trong một thời gian rất ngắn vừa đóng tầu, vừa đi bắt 5.000.000 x 2 (1 đực, 1 cái) phi cầm, tẩu thú, côn trùng ở khắp nơi, lại vừa phải phân biệt đực cái; đi không biết là bao nhiêu nước, không biết bao nhiêu dặm đường, trải qua gấp trăm ngàn lần những gian khổ của Đường Tam Tạng; dỗ dành, đánh bẫy được hùm beo sư tử, đem được trăm ngàn loại rắn rết, mối kiến theo mình về tàu, thì là một đại họa cho Noe và gia đình vì chắc chắn sẽ bỏ mình đang khi thi hành sứ mạng gian lao.

Thực ra, nếu muốn làm được công chuyện vĩ đại như vậy, thì dẫu Noe và ba người con ông có tài năng, có thiện chí mấy, và có mất mấy nghìn năm cũng không thể nào làm nổi được. Rồi làm sao mà dỗ cho kiến, cho các cặp uyên ương ruồi nhặng, ếch nhái, cho sên, cho rùa, cho rắn, cho hùm beo, sư tử, cho ngan, cho ngỗng, cho le le, cho phượng, cho mối, cho mọt, ấy là chưa kể đến các loại cào cào, châu chấu, bươm bướm, chuồn chuồn, đến các loại vi trùng vi khuẩn lớn nhỏ, theo nhau xuống một cái tàu nhỏ xíu, tối tăm; rồi ở trong đó được ăn uống hẳn hoi, sống một cuộc sống hòa bình trật tự với nhau trong vòng 150 ngày, mà không có con nào chết đi, thì quả thật là những phép lạ, lớn hơn cả sự tạo dựng nên trời đất nữa.

Xong rồi, khi thả các loài ra, con nào lại về cư ngụ nơi đất đai con ấy. Con thì sang Phi, con thì sang Ấn, con thì sang Úc. Mỗi khi tôi thấy chỉ có Úc mới có Kangourou, tôi tự hỏi sao giống này lại tài tình như vậy, vì đã làm một cuộc viễn du, vượt trùng dương, sang Úc.

Trong Sáng Thế Ký có một câu: “..Và nước đã dâng lên rất cao trên mặt đất, và những đồi cao trong thiên hạ đều bị ngập. Nước đã dâng cao 15 xích (22 feet = 7.1 yards = 6.3 mét) và núi non đã bị che phủ..”.

Nếu hiểu rằng nước chỉ dâng cao có 15 xích, thì dĩ nhiên chẳng che phủ được đồi núi. Nếu hiểu rằng nước dâng cao hơn các đồi núi trong thiên hạ là 15 xích, thì chắc có Chúa chỉ bấy giờ mới đo được, và nếu quả đúng như vậy, thì phải có một số lượng nước lớn hơn số lượng nước hiện tại trong hoàn cầu là ba lần rưỡi. Chúng ta biết Everest cao là 29.028 feet. Như vậy mực nước sẽ là 29.050 feet. Lượng nước lớn như vậy ở đâu ra, và rút đi đâu? Hơn nữa, các cây cối, rau cỏ nếu bị dìm sâu trong nước trong vòng 150 ngày, đều chết hết, là vì chúng cũng hút thở dưỡng khí, thán khí như loài người. Nếu ngày nay, còn có thảo mộc cỏ cây, thì đó là bằng chứng đã không có lũ lụt hoàn cầu.

Đọc lịch sử Ai Cập, lịch sử Trung Hoa, lịch sử Ấn Độ, ta thấy tất cả đều liên tục. Thời vua Nghiêu (2357-2256), đã có thiên hạ làm bầy tôi, chắc cũng khoảng vài triệu người. Lụt cả xảy ra năm 2348 bên Tiểu Á chẳn làm cho vua Nghiêu và bầy tôi hề hấn gì cả. Các linh mục Âu Châu khi sang giảng đạo bên Trung Hoa rất khổ tâm vì câu chuyện này, và vì muốn bảo vệ Thánh kinh, bảo vệ chuyện Hồng Thủy toàn cầu, đã định viết lại lịch sử Trung Hoa với chủ đề rằng thời Nghiêu, Thuấn là những thời Huyền sử, hoang đường…

Dẫu sao thì đối với tôi, đó chỉ là một trận lụt lớn trong vùng Mesopotamia mà thôi. Tất cả đã được phóng đại lên. Như trên đã chứng minh, các nhà bình giải Kinh Thánh Công giáo cũng đã công khai chấp nhận quan niệm đó. Đọc câu chuyện lụt cả, tôi càng thấy Sáng Thế Ký gồm toàn là những chuyện thần thoại, từ con rắn biết nói, đến “Cây biết lành, biết dữ”, “Cây hằng sống”, chuyện Noe đi bắt chim, bắt cọp, bắt sên, bắt kiến, nghĩa là bắt 10.000.000 sinh linh (5 triệu x 2, vì có đực có cái) đem về.

Về phương diện Thiên Chúa, có lẽ nào Ngài đã hối hận vì đã chót dựng nên loài người (Gen 6:6), để đến nỗi phải hạ quyết tâm tiêu diệt tất cả. Và nếu Chúa quả tình vì một cơn giận dữ, mà hủy diệt thiên hạ – từ con người đến muôn triệu sinh linh – thì Ngài hết sức ác độc, hết sức dã man, hết sức bốc đồng, hết sức nhẹ dạ, đến nỗi làm công việc đó rồi lại hối hận, phàn nàn, và lại hứa hẹn sẽ không bao giờ hủy diệt quần sinh nữa. Đọc lời Ngài long trọng hứa với Noe và quần sinh:

Bao lâu trái đất còn đây,

Mùa màng, cấy gặt chẳng thay chẳng rời.

Hè qua, đông lại tới nơi,

Ngày đêm, tiếp tục, chẳng ngơi, chẳng ngừng (Gen 8:22).

Đọc xong lời hứa long trọng này, tôi nghĩ ngay những lời đe dọa sắp tận thế trong Tân Ước, từ của Chúa Giê Su đến các thánh tông đồ, như Matthew, như Peter, như Paul, như John (Mat. 24:26-32; Marc 13:24-32; Luke 20:25-32; I Peter 3:7; I Thessalonians 4:15; Rev. 22:10-13), tôi thấy lòng bùi ngùi, vì chẳng lẻ Thiên Chúa lại luôn luôn tiền hậu bất nhất như thế hay sao. Và chính vì tin rằng Thượng Đế toàn năng, toàn thiện, nên tôi mới dám đoan quyết rằng trong Kinh Thánh cả cũ lẫn mới, có rất nhiều điều chẳng do Chúa soi sáng, mà là của người phàm viết bậy bạ vào mà thôi. Đúng là “Tận tín thư bất như vô thư”.

Tóm lại, tôi đã dựa vào những dữ kiện hết sức vô tư, để kết luận rằng Sáng Thế Ký chẳng qua là một bộ huyền sử, và lịch sử của dân tộc Do Thái mà thôi. Giá trị của nó cũng như chuyện Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ.

Tôi đi đến kết luận đó nhờ câu chuyện Vòm Trời, nhờ chuyện Hồng Thủy, và nhờ những Mâu Thuẫn Nội Tại giữa các mẫu chuyện khác nhau và về Hồng Thủy, nhờ sự so sánh các niên kỷ của Sáng Thế Ký về Sáng Tạo và của Khoa Học. Càng ngày tôi càng không tin Cựu Ước là do Chúa soi sáng để viết ra, vì nếu quả thật như vậy, thì những điều Ngài mô tả về chính Ngài hết sức là lẫn thẩn, kỳ quặc, hết sức tàn ác. Ngài rát mô hồ về Thiên văn. Ngài là Chúa của một bộ lạc, một dân tộc nhỏ, đã vì Israel mà gieo tai giáng họa cho Ai Cập; mà tàn sát các dân trong vùng đất Canaan, khi Do Thái được lệnh vào chiếm đoạt vùng này. Ngài là Chúa có hình dáng một con người, có lưng, mặt, tay chân như người, có lúc đã từng xuống vật nhau với Jacob và điểm huyệt Jacob (Gen 32:3-33). Ngài cũng phàn nàn hối hận, cũng ghen tuông, giận dữ như con người, cũng để cho dân riêng mình bị vua Babylon bắt đi đày, đền thờ mình bị phá hủy, rồi đạo mình lập ra cũng bị chính những người theo đạo con mình phỉ báng và coi là tà đạo… Không có lý nào khi Chúa đã dựng nên vũ trụ này từ 15 tỉ năm nay, mà Ngài lại có thể nói lầm là mới dựng nên cách đây có hơn 6.000 năm.

Sự mặc khải đối với tôi, được thường xuyên liên tục diễn ra, như là một hồng ân cho tất cả những người có lòng tha thiết tìm cầu. Và CHÂN LÝ là của chung nhân loại chứ không có ai có quyền sở hữu riêng tư, độc sản về chân lý.

Sở dĩ các người sáng lập đạo Công Giáo đã đoan quyết rằng Cựu Ước là hoàn toàn đúng, vì họ cần dúng Cựu Ước để chứng minh rằng Chúa Giê Su chính là đấng Cứu Thế đã được các tiên tri trong Cựu Ước tiên tri từng li từng tí. Trong khi viện dẫn các lời Cựu Ước thấy câu nào không hợp với Chúa Giê Su thì thông qua, thấy câu nào có thể dùng được thì lấy ra, thì cắt xén đi hoặc dịch lại cho phù hợp. Thực là cả một công trình tinh vi, tuyệt diệu. Một người đã làm được chuyện ấy là thánh Matthew. Phúc Âm Matthew chuyên môn dùng Kinh Thánh cũ để áp dụng vào Chúa Giê Su, để huyền thoại hóa Chúa Giê Su. Khi muốn dùng Thánh Kinh cũ để chứng minh Chúa Giê Su là đấng Cứu Thế đã được tiên tri từ ngàn xưa, tuyệt đối sẽ lượt bỏ qua những câu lớn lao như:

“Này đây lời Yahvê, vua Isreal, đấng Cứu Chuộc Isreal, Yahvê các đạo binh. Ta là đầu, là cuối. Ngoài ta ra không có Chúa nào khác. Ai là người giống Ta, hãy đứng lên, nói xem..” (Isaiah, 43:6-7).

“Chính ta, Yahvê, đã làm nên tất cả. Ta một mình đã căng trời, bện đất. Nào có ai giúp Ta?” (Isaiah, 44:24).

“Và các ngươi hiểu rằng chính là Ta. Trước Ta không có Chúa nào, và sau Ta, cũng không có Chúa nào. Chính Ta là Yahvê, không có Đấng Cứu Rỗi nào ngoài Ta. Không ai có thể cứu khỏi tay Ta. Ta làm, thì không có ai có thể kháng cáo.” (Isaiah 43:11-13).

“Ta là Yahvê, chẳng có ai bằng; ngoài Ta ra, không có Chúa nào khác.” (Isaiah 45:5).

“Chính Ta là Yahvê, ngoài Ta ra, không có Chúa nào khác.” (Isaiah 45:21).

“Hãy quay về với Ta, từ mút cùng mặt đất, vì Ta là đấng chẳng ai bằng.” (Isaiah 45:22).

Chắc chắn những câu đó chủ trương Yahvê độc tôn vô đối, duy nhất bất nhị, không bao giờ có Ba Ngôi. Thảo nào mà dân Do Thái, không thể nào tin Chuá Giê Su là Thiên Chúa giáng trần, là Ngôi Hai Thiên Chúa được. Đối với họ, Chúa Yahvê là chí tôn, vô đối. Không làm gì có thứ tội mà bị phạt cả đến trăm nghìn đời, vì Chúa chỉ phạt tối đa là ba đời (Deuteronomy 5:9); sau Ngài lại đổi ý, chỉ phạt một đời, ai làm tội, người ấy chịu mà thôi (Ezechiel 18:3-4).

Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái chờ mong, sẽ làm vua dân Do Thái, và sẽ có nhiệm vụ đem vinh quang lại cho dân Do Thái, chứ không như Chúa Giê Su đã đem thống khổ, xỉ nhục lại cho dân Do Thái từ mấy nghìn năm nay. Họ nói không phải là không có lý.

Khi Matthew muốn chứng minh là Chúa Giê Su đã được sinh ra do Đức Mẹ đồng trinh, ông đã viết như sau:

“… Bà sẽ sinh ra một người con và sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính người sẽ cứu dân người cho khỏi tội khiên; mà tất cả để thực hiện lời tiên tri của Chúa: “Này đây có một người nữ đồng trinh sẽ mang thai và sẽ sinh con, đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta” (Mat. 1:21-23).

Dở Isaiah ta thấy câu chuyện như sau:

“Lúc ấy vua Achaz đang bị hai vua Syria và Ireal uy hiếp. Chúa mới dùng tiên tri Isaiah đến trấn an vua Achaz, rằng hai vua kia sắp sửa bị tiêu diệt rồi, chỉ trong vòng ít năm nữa mà thôi. Isaiah nói như sau: “Ví thử có một người nữ, mà bây giờ có mang, và sẽ sinh ra một người con. Con trẻ này sẽ được đặt tên là Emmanuel. Nó sẽ ăn sữa và ăn mật ong. Đến khi nó phân biệt lành dữ, thì đất đai của hai vua mà Ngài sợ sẽ hoang, quạnh quẽ…” (Isaiah 7:14-17).

Isaiah vâng lệnh Thiên Chúa đến nói với Achaz câu chuyện đó có một mục đích hẳn hoi, có một ý nghĩa hết sức rõ ràng. Chắc Isaiah cũng không thể ngờ được rằng câu nói của mình lại có thể biến hóa được đến như vậy. Và có thể Chúa Yahvê cũng không ngờ được là sẽ có chuyện kỳ dị như vậy.

Nguyên bản là NGƯỜI NỮ. Thánh Jerome dịch thành NGƯỜI NỮ ĐỒNG TRINH (Virgo), là vì Matthew đã chót hiểu như vậy. Ngày nay, ai cũng cho rằng thánh Jerome đã dịch sai, và các bản Kinh Thánh mới dịch lại là “người nử”. Tôi không nghĩ rằng đã dịch sai, mà chính là cố ý ngụy tạo nguyên bản.

Ví dụ Kinh Thánh cũ có câu: “Khi Israel còn nhỏ, ta yêu thương nó, và ta gọi con ta từ Ai Cập trở về, nhưng ta càng gọi chúng càng xa ta, và chúng đã tế lễ thần Baal (Osea 11:12).

Câu này dĩ nhiên là Chúa nhớ lại chuyện đã đem dân Israel từ Ai Cập trở về. Matthew chỉ cần lấy ra câu “Ta gọi con ta từ Ai Cập trở về”, và nhân đó bày ra chuyện Chúa đã trốn sang Ai Cập mấy năm, sau đó trở về (Mat. 2:15), một chuyện mà theo Luke, chắc chắn không thể nào có (Luke 2:30).

Thật ra, tôi phục nhất là Matthew đã biết dùng Kinh Thánh cũ để chứng minh rằng nhất cử nhất động của Chúa Giêsu đã được tiên tri, tiên đoán trong Cựu Ước.

Trong Mat. 2:23, Matthew cho rằng người ta gọi Chúa Giêsu là dân Nazareth, để làm trọn các lời tiên tri xưa. Tôi cho các nhà bình giải kinh thánh đã cố đi tìm xem câu tiên tri đó ở sách nào trong Cựu Ước, nhưng cho đến bây giờ cũng không tìm ra ... Chuyện đó có sao đâu!

Tôi cũng rất bái phục Giáo Hội Công Giáo, đã biết dùng Cựu Ước để củng cố đạo Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo đã long trọng tuyên bố rằng Cựu Ước chẳng qua cốt là để dọn đường cho sự quang lâm của Chúa Kitô. Hiến chế lời Thiên Chúa, số 15 viết:

“Nhiệm vụ Cựu Ước có được ấy cốt là để dọn đàng cho cuộc quan lâm của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc muôn loài, và Nước cánh chung của Người, bằng lời tiên tri loan báo, và bằng các hình bóng nhiều kiểu” (Kinh Thánh, Nguyễn Thế Thuấn, tr. XI).

Sau khi đã dùng Kinh Thánh cũ và Kinh Thánh mới để ngụy xưng Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa giáng trần, đạo Công Giáo chính là đạo thật duy nhất, và Giáo Hoàng chính là đại diện của Chúa Giêsu, người nắm quyền sinh sát thực sự ở gian trần này, thì đạo Công Giáo bắt đầu tuyên bố các luật đạo Do Thái là luật Maisen (chứ không phải của Đức Chúa Cha); đạo Do Thái là đạo Maisen, chứ không phải là đạo của Đức Chúa Cha, nên đã lạc hậu, đã lỗi thời. Người Công Giáo từ nay không phải theo các lề luật cũ của đạo Do Thái. Thậm chí mười điều răn Thiên Chúa, Công Giáo cũng vất đi hai. Chúa tuyệt đối cấm thờ ảnh tượng. Chúa dạy giữ ngày thứ bảy, Công Giáo dạy giữ ngày Chủ Nhật. Chúa dạy rằng dân Do Thái là dân riêng của ngày mãi mãi, trừ khi nào mặt trời mọc ban đêm, mặt trăng mọc ban ngày lúc ấy mới thôi (Jeremiah 33:24-26). Các Giáo Hoàng dần dần dùng chữ Tà đạo “Perfidia” để chỉ đạo Do Thái(8).

Đặc biệt nhất là mấy chữ PRO PERFIDIS JUDAEIS đã được chép vào Kinh Thánh Lễ Công Giáo ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để cầu cho bọn tà đạo – bọn theo đạo đức Chúa Cha sớm trở về với đạo Công Giáo – đạo Đức Chúa Con. Ba chữ vàng son đó, sau khi đã ngự trị trong sách Thánh Lễ Công Giáo cả nghìn năm, dến thời Công Đồng Vatican II, tức là khoảng năm 1965 mới được bỏ đi…(9).

Rồi dần dần Giáo Hội công khai tuyên bố rằng dân Do Thái là dân hèn hạ, vô tín ngưỡng, thứ dân giết Chúa, cần phải đọa đày, hành hạ cho sánh danh Thiên Chúa, và đạo Do Thái là thứ đạo lầm lạc. Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hoàng và các vua chúa Công Giáo đã dùng võ lực bắt buộc người Do Thái phải bỏ đạo mình mà theo đạo Công Giáo, nếu không sẽ bị trăm điều khốn nạn. Tôi không những thương dân Do Thái, mà còn thương cả Đưc Chúa Cha, vì đạo Ngài lập ra, sau này lại bị những người theo đạo Con Ngài phỉ báng cho là tà đạo. Và tôi liên tưởng đến những vị vua cha khi đã già nua, con cái lên cầm quyền chẳng còn coi mình ra gì nữa.

Dẫu sao thì ai theo đạo Do Thái hay theo đạo gì ngoại đạo Công Giáo cũng sẽ xuống hỏa ngục! Điều này đã được giảng dạy từ mấy nghìn năm nay, và nếu không còn giảng dạy như thế nữa họa chăng từ 1965, nghĩa là sau Công Đồng Vatican 2.

Nếu tôi không lầm, thì các Giáo phụ Công Giáo như Augustine, Origen, Cyprian đã nhất mực tuyên bố: Ngoài Giáo hội, không được cứu rỗi (Extra Ecclesiam, nulla salus). Augustine viết: “Ai sống ngoài Giáo hội sẽ phải chịu hình phạt đời đời, dẫu người đó tự thiêu nhân danh Chúa Kitô”(10).

Công đồng Florence (1442) đã dõng dạc tuyên bố: “Thánh Giáo hội La Mã tin chắc, tuyên xưng và công bố rằng ngoài Giáo Hội Công Giáo, không một ai có thể được sống đời đời, dù nó là ngoại đạo, là Do Thái giáo, vô thần, hay tách rời khỏi Giáo Hội: Nó sẽ làm mồi cho lửa đời đời dành cho ma quỷ và thủ hạ ma quỷ, nếu nó không trở về với Giáo hội Công Giáo trước khi chết”(11).

Giáo hoàng Pius IX, trong tập tà Thuyết Kỷ Yếu (Syllabus of Errors), công bố vào tháng 12, 1864 cũng phi bác không chấp nhận rằng bất kỳ sống trong đạo giáo nào, con người cũng có thể tìm được sự sống đời đời và không chấp nhận rằng con người có thể tùy thích chọn tôn giáo mình ưng để mà theo(12).

Công Đồng Chung Vatican I, năm 1870 tuyên xưng như một “tín lý” rằng không ai có thể cứu rỗi, ngoài Giáo Hội(13).

Tới Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965), ta thấy Giáo Hội Công Giáo đã đổi chiều và trở nên khiêm tốn, dè dặt hơn. Trong thông điệp Lumen Gentium, Giáo hội Công Giáo bắt đầu phân biệt Giáo Hội Chúa Kitô và Giáo hội Công Giáo. Thông điệp viết:

“Đó là Giáo hội Chúa Kitô duy nhất, mà chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công cộng và do các Tông đồ, mà Chúa Cứu Thế chúng ta sau khi Ngài sống lại đã gửi gấp cho Peter cùng các Tông Đồ khác quảng bá và chủ trì .. Giáo hội này, được sáng lập và tổ chức thành một cộng đoàn ở trong thế giới hiện nay, hiện TIỀM TÀNG trong Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo đã được cai trị bởi đấng kế thừa thánh Peter, và bởi các Giám mục đồng tâm, đồng chí với Ngài. Tuy nhiên có nhiều yếu tố thánh thiện và chân lý đã thấy được ngoài giới hạn, phạm vi hữu hình khả kiến của Giáo hội đó. Vì đó là những ân sủng thuộc Giáo hội Chúa Kitô, nên đó là những hoạt lực thúc đẩy tiến tới sự hợp nhất Công Giáo”(14).

Ta đọc văn bản trên, thấy giọng điệu quanh quất, úp mở, tuy nhiên đã bớt có vẽ độc tôn. Giáo hội đã hữu ý dùng chữ SUBSISTS IN thay vì chữ IS tức là đã không dám coi mình là giáo hội duy nhất nắm giử chân lý, và đã muốn mở một con đường mới để đi đến chổ cộng tác với Tin Lành và Chính thống giáo. Thực ra đó cũng là một sự nhượng bộ, một sự thay chiều đổi hướng rất lớn lao của Giáo Hội La Mã rồi.

(tiếp theo  )

 

bản điện tử của: http://chuyenluan.net/200703/SUY_NGHI_VE_TCG.pdf

Trang BS Nguyễn Văn Thọ