●   Bản rời    

Ngụy Tạo Và Xuyên Tạc Về Cuộc Tự Thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức

Ngụy Tạo Và Xuyên Tạc Về Cuộc Tự Thiêu

Của Hòa Thượng Thích Quảng Đức - Tại Sao ?

Pháp Lạc và Nguyễn Kha

NguyenKha01.php

18-Nov-2011

Trong cuồng vọng muốn thiết lập một chế độ giáo trị tương lai ở Việt Nam (theo Tông huấn của Vatican thúc giục qua Tông huấn Á châu Ecclesia In Asia 1999 do Giáo hoàng Gioan Phao lồ 2 phát động), những người Công giáo hoài Ngô đó lại càng phải tìm cách phá hoại Phật giáo mà họ xem là phên dậu văn hóa vững chắc của dân tộc Việt. Từ đó, và thô bạo nhất, họ tìm cách bôi nhọ cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, biểu tượng bất bạo động và cao điểm tố cáo tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm. Vì vậy, bài viết nầy cũng nhằm vạch ra một số ngụy tạo và xuyên tạc về cuộc Tự thiêu của Hòa thương Thích Quảng Đức. Đồng thời, trong phần cuối bài viết, cố gắng giải thích vì sao có những ngụy tạo và xuyên tạc đó. (SH trích đoạn từ bài viết để tóm lược)


1- MỤC ĐÍCH BÀI VIẾT:

Bài viết nầy có ba mục đích:

  • Trước hết, vào đầu thập niên 60’ của thế kỷ trước, Cuộc vận động đòi bình đẳng Tôn giáo và Tự do Tín ngưỡng năm 1963 của Phật giáo đồ tại miền Nam Việt Nam là một biến cố lịch sử to lớn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lâu dài không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Đó là lúc dân tộc đang đối diện vời sự bành trướng của chủ nghĩa nước lớn tại Việt Nam, và riêng Phật giáo tại miền Nam thì đang phải chịu đựng một sách lược Công giáo hóa miền Nam mà trong đó Phât giáo trở thành đối tượng hàng đầu phải bị khống chế và tiêu diệt. Đã có nhiều tài liệu của người Việt và người ngoại quốc viết về lần trở mình bi hùng đó của Phật giáo tại miền Nam. Tuy nhiên, một công trình quy mô và chính thức của Phật giáo Việt Nam thì cho đến nay vẫn chưa có. Song song, lại có nhiều “tài liệu” của những thế lực  xem Phật giáo là kẻ thù được tung ra làm nhiễu loạn sự thật lịch sử. Do đó, trong niềm ao ước được thấy một hồ sơ như thế vào năm 2013, kỷ niệm 50 năm của biến cố 1963, chúng tôi quyết định hoàn thành bài viết nầy để góp một số thông tin vào hồ sơ đó.
  •  Thứ đến, sau 1975, tại hải ngoại, lợi dụng tình trạng thiếu thốn tài liệu và mất dần nhân chứng, một số tàn dư của chế độ Ngô Đình Diệm, mà tuyệt đại đa số là các tín đồ Công giáo, đã tìm cách mạo hóa lịch sử để vinh danh chế độ Ngô Đình Diệm. Một trong những nỗ lực nầy là cố ngụy tạo lịch sử để chứng minh rằng ông Diệm còn thì miền Nam không “rơi vào tay Cọng sản” và bây giờ muốn lấy lại miền Nam thì phải “phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm”. Luận điểm nầy đẩy Phật giáo lên thành đối tượng bị đánh phá hàng đầu vì trong biến cố 1963, họ cho rằng chính Phật giáo (chứ không phải vì chế độ thì độc tài chính trị, xã hội thì bất công thảm nhũng, còn quốc sách “chống Cọng” thì phụ thuộc rồi phản bội đồng minh) đã làm sụp đổ Ngô triều. Thêm vào đó, trong cuồng vọng muốn thiết lập một chế độ giáo trị tương lai ở Việt Nam như các Tông huấn của Vatican thúc dục (nhất là tư tưởng chủ đạo của Tông huấn Á châu Ecclesia In Asia 1999 mà Giáo hoàng Gioan Phao lồ 2 phát động), những người Công giáo hoài Ngô đó lại càng phải tìm cách phá hoại Phật giáo mà họ xem là phên dậu văn hóa vững chắc của dân tộc Việt Nam. Từ đó, và thô bạo nhất, họ tìm cách bôi nhọ cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, biểu tượng bất bạo động và cao điểm tố cáo tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm. Vì vậy, bài viết nầy cũng nhằm vạch ra một số ngụy tạo xuyên tạc về cuộc Tự thiêu của Hòa thương Thích Quảng Đức. Đồng thời, trong phần cuối bài viết, cố gắng giải thích vì sao có những ngụy tạo và xuyên tạc đó.
  • Cuối cùng, đặc biệt bài viết sẽ trả lời luận điệu vu khống cụ thể sau đây của một số người Công giáo hoài Ngô thù ghét Phật giáo:  Đó là "Hoà thượng Thích Quảng Đức đã bị ông Nguyễn Công Hoan, vốn là một điệp viên của Việt Cọng, đầu độc từ trước, và với sự chỉ đạo của giới lãnh đạo Phật giáo đấu tranh năm 1963, đã thiêu sống Hoà Thượng khi Ngài đã hoàn toàn mê man". Luận điệu vu khống nầy là nhằm triệt tiêu giá trị cao cả của cái chết của Ngài Quảng Đức, đồng thời cũng biện hộ cho lời tuyên bố “nướng sống” (“barbecued”) của bà Ngô Đình Nhu lúc đi “giải độc dư luận” tại Mỹ là đúng. Và quan trọng hơn, là nhằm thực hiện lời nguyền “tôi chết trả thù cho tôi” của người đồng đạo và cũng là lãnh tụ chính trị của họ là ông Ngô Đình Diệm để, theo lời một số giáo dân tại hải ngoại, dọn đường cho Vatican phong thánh ông trong tương lai.

Đáng lẽ ra người cáo buộc phải trưng dẫn bằng cớ, nhưng cho đến nay (2011), chúng tôi chưa thấy những kẽ hoài Ngô đưa ra được bất kỳ một tài liệu hoặc nhân chứng nào khả tín cả. Tuy vậy, những cáo buộc nầy cũng có những tác động nhất định trên một số người nhẹ dạ, hoặc một số người không chịu nghiên cứu, chỉ thích nghe những gì mình muốn nghe, hoặc những người đóng chốt trong không gian Internet, cứ lập đi lập lại mãi một điều để tẩy não người đọc như Đức Quốc xã và Vatican đã từng làm. 

Bài viết nầy, do đó, sẽ nhằm chấm dứt các tác hại đó bằng cách khẳng định lại và chứng minh rằng  (i) Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã đơn phương có ý định tự thiêu từ trước, và cho đến phút chót, Ngài vẫn tỉnh táo với hành động bật lửa tự thiêu của mình, và (ii) Người tưới xăng lên đầu và thân thể Ngài Quảng Đức là Đại đức Thích Chơn Ngữ, thế danh Hùynh Văn Hải, chứ không phải “ông Việt Cọng” Nguyễn Công Hoan.

 

2- QUYẾT ĐỊNH TỰ THIÊU:

2.1 Ai cũng biết rằng ngay từ đầu, phương thức đấu tranh của phong trào Phật giáo là bất bạo động. “Tự thiêu” là một khái niệm xa lạ trong phương thức đấu tranh của Phong trào Phật giáo lúc bấy giờ. Giáo sư Lê Cung ghi nhận như sau:

    “Tuân thủ những nội dung trên đây của lý thuyết bất bạo động, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 ngay từ đầu đã khẳng định phương pháp đấu tranh là bất bạo động… Thật vậy, Trong cuộc hội nghị mật vào tối 7-5-1963 tại chùa Từ Đàm (Huế), giới lãnh đạo Phật giáo khẳng định phương pháp đấu tranh là bất bạo động. Tiếp theo, phương pháp đã khẳng định lại một lần nữa trong “Bản phụ đính” bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 được công bố vào ngày 23-5-1963. Bất bạo động bằng hình thức tự thiêu vẫn chưa được đặt ra, mặc dầu trong những cuộc tuyệt thực đầu tiên của Tăng Ni trên toàn miền Nam vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-1963, giới lãnh đạo đã dự tính rằng: “Nếu kéo dài các cuộc rước linh và tuyệt thực một cách nhàm chán thì phong trào tự nó cũng bị xẹp vì thiếu những hình thức mới mẻ, gây xúc động mạnh nuôi dưỡng” (Theo Nguyễn Khải, Sư già chùa Thắm và ông Đại tá về hưu, Báo Lao Động, số 24, ngày 25-3-1993.).  Song hình thức mới mẻ là gì vẫn chưa được tìm ra, ngay cả khi giới lãnh đạo Phật giáo nhận được bức tâm thư đề ngày 27-5-1963 của Hòa thượng Thích Quảng Đức với nội dung xin tự thiêu để bảo vệ Phật pháp, họ vẫn không chấp thuận. Trên thực tế, giới lãnh dạo Phật giáo còn “thật lúng túng, cũng không biết tự thiêu như thế nào!” (Theo Thích Thông Bửu. Tư tưởng Bồ tát Quảng Đức, trong “Đại lễ kỷ niệm năm thứ 37 ngày tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức”. Tổ đình Quán Thế Âm ấn hành, tr.15).”

    [Nguồn: Lê Cung - http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-135_4-13730_5-50_6-1_17-23_14-1_15-1/  ]

2.2 Nhưng trước thái độ ngoan cố của chính quyền Diệm không thật tâm muốn giải quyết “5 Nguyện Vọng” của Phật giáo, thậm chí còn gia tăng mức độ đàn áp chùa chiền và Tăng tín đồ, HT Thích Quảng Đức đã gửi cho Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc một lá thư đề ngày 27/5/1963,  nói rõ tâm nguyện muốn được tự thiêu của mình, tâm nguyện vốn đã được ấp ủ từ khi chính quyền Diệm tiến hành chính sách kỳ thị Phật giáo, đặc biệt khốc liệt nhất tại 5 tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định trong ba năm 1960, 1961 và 1962. Rồi tâm nguyện đó lại càng thúc bách hơn khi lá cờ biểu tượng của Phật giáo bị lăng nhục và sau đó máu tử đạo của Phật tử đổ ra tại Huế. Lá thư như sau:  

    Phật lịch 2507, Sài Gòn ngày 27-5-1963

    Kính bạch Hòa Thượng Hội Chủ, Thượng Tọa Trị Sự Trưởng

    Chư Thượng Tọa, Ðại Ðức trong Giáo Hội Tăng Già Việt Nam

    Kính bạch quý Ngài,

    Nhìn lại quá trình lịch sử truyền thống dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã ghi đậm những nét son huy hoàng trong mọi lãnh vực: học thuật, văn hoá, chính trị, quân sự, kiến thiết, đã hòa một nếp sống của quần chúng. Qua các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần, quốc gia hưng thịnh, Phật giáo đã là cương lĩnh của chính quyền, của nền pháp trị bình đẳng. Nhưng Phật giáo không vì sự đóng góp hữu dụng vào quốc sách dân sinh một cách tích cực và chân chính mà khuynh loát, đàn áp các tôn giáo khác. Ngược lại, Phật giáo đã dung hoà mầu nhiệm cùng với các tôn giáo khác để cung ứng những tinh ba thuần túy cho sự ích quốc lợi dân.

    Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc: Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy. Ðiều này lịch sử đã minh nhận.

    Nhưng hơn một thế kỷ nay, nhất là trong giai đoạn hiện tại, Phật giáo Việt nam luôn luôn nằm trong tình trạng hổn mang, bi thảm đau thương: nào bị đàn áp, nào bị đối xử bất công, ngược đãiPhật giáo đồ bị bức bách khuynh loát một cách trắng trợn, có nơi bị chôn sống, bị tù đày, có nơi bị cản trở ngăn cấm cả về hành đạo, tu tập, tụng niệm (như vùng Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh). Quyền tự do tín ngưỡng, một quyền bất khả xâm phạm của con người, đã bị tổn thương chà đạp.

    Cao quý thay lòng ẩn nhẫn của Phật tử Việt Nam! Vốn được giáo thụ, un đúc tính từ bi cao thượng của Ðấng Chí Tôn, Phật giáo đồ chúng ta đã âm thầm nhẫn nhục chịu đựng một cách chân thành, nhưng kẻ manh động đã cố tình lợi dụng cử chỉ cao đẹp ấy của chúng ta, gieo mãi thương đau cho Phật giáo đồ Việt Nam.

    Mùa Phật Ðản 2507 - 1963 tại Cố đô Huế, một cảnh tang thương đã xảy ra cho Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật giáo thế giới và nhân loại nói chung là máu Phật tử đã chảy, xương thịt Phật tử đã nát tan trước họng súng bạo tàn của kẻ ác độc, vô nhân đạo. Thế là những sinh mạng đã ngã gục và những thân mạng đã mang thương tích trên mình, tất cả đều muốn phát lộ ý chí của người Phật tử: bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ quyền sống của những con người tin đạo, bảo vệ lá cờ Phật giáo quốc tế mà một phần ba nhân loại tôn thờ. Ai có thể chối cãi được sự thật của nguyên nhân chính ấy là: lá cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi công điện số 9195 phát xuất từ Phủ Tổng thống, ngày 6-5-1963.

    Trước sự kiện thảm thương ấy, Phật giáo Việt Nam đã đến lúc bắt buộc phải đứng lên tranh đấu cho lý tưởng tự do tín ngưỡng của mình, được minh định rõ ràng trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và đường lối dân chủ pháp trị, cộng đồng đồng tiến xã hội của Chánh phủ do Tổng thống Ngô Ðình Diệm chủ trương.

    Với tính cách ôn hòa bất bạo động, kỷ luật trong sự tranh đấu hợp tình hợp lý, người Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam cần phải có một ý niệm sáng suốt, tiêu biểu ý niệm chân chánh, trong giai đoạn vô tiền khoán hậu của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

    Vậy tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh Thị Thủy, pháp hiệu Thích Quảng Ðức, tu sĩ Giáo hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703, cấp tại quận Tân Bình ngày 21-12-1962. Hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng:

    1.Năm nguyện vọng tối thiểu ghi trong Bản tuyên ngôn của Tăng tín đồ Phật giáo là phản ảnh tinh thần chân chính của Phật giáo Việt Nam.

    2.Nguyện luôn luôn son sắc bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.

    3.Triệt để tuân theo và ủng hộ các cấp lãnh đạo Phật giáo.

    Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân này nếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản tuyên ngôn là phản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.

    Phật giáo Việt Nam bất diệt!

     Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ!

    Và xin quý Thượng Tọa chấp thuận, chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: " Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo."

    Kính
    Tỳ khưu Thích Quảng Ðức

     
    (Nguyễn Văn Khiết- đóng dấu và ký tên)

    [Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-139_4-5380_5-50_6-1_17-46_14-1_15-1/  ]

2.3 Vài ngày sau đó, vị Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Việt Nam là Thượng Tọa Thích Tâm Giác, đã từ chối nguyện vọng “tự nguyện thiêu đốt thân nầy” của Ngài trong một lá thư nguyên văn như sau [trích từ bài viết của ông Trần Kim Cường]:

    “Kính gởi Đại Đức Tỳ Khưu Thích Quảng Đức (Nguyễn Văn Khiết).

    Kính bạch Đại Đức

    Tôi trân trọng tin để Đại Đức rõ, sau khi tiếp nhận văn thư của Đại Đức đề ngày 27-5-1963 xin Giáo Hội cho phép được thiêu đốt thân xác để cúng dường lên Tam Bảo nhân vụ biến động ở Huế, vì lý do lá cờ Phật Giáo bị triệt hạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong ngày Đại Lễ Phật Đản mà tại Huế đã có 9 người chết và nhiều người bị trọng thương. Với quyết tâm bảo vệ Phật pháp, Đại Đức nguyện hiến xác thân phẩm này bằng cách thiêu đốt để phản đối chính sách bất bình đẳng Tôn giáo với nhà cầm quyền và nêu tỏ thái độ hy sinh vì Đạo cao cả mà mình đã tôn thờ.

     Giáo Hội rất thông cảm trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc pháp lý (Luật Phật đã định cũng như Luật Pháp thế gian) Giáo Hội không thể chấp nhận điều nguyện thiêu đốt thân xác của Đại Đức được. Vậy xin Đại Đức hoan hỉ và cầu chúc Đại Đức vô biên an lạc.

    Trân trọng kính chào Đại Đức.

    Thượng Tọa Thích Tâm Giác ký tên.

Qua lá thư của chính Ngài Quảng Đức và thư trả lời của Giáo Hội Tăng Già, người ta thấy rõ ràng là Ngài Thích Quảng Đức đã có ý nguyện tự thiêu từ trước. Không ai có thể cáo buộc Ngài bị thiêu đốt, kể cả các ký giả ngoại quốc cũng không biết chuyện này. Ngoài ra, cũng theo văn thư trả lời thì Giáo Hội Tăng Già đã không chấp thuận cho Ngài Thích Quảng Đức tự thiêu, vậy thì không thể có sự việc cắt đặt người với tên tuổi đàng hoàng lãnh trách nhiệm tẩm xăng cho Ngài, còn nếu Ngài có nhờ các đệ tử giúp đỡ trong các công việc, thì những việc làm ấy không phải là các sự việc được chánh thức sắp xếp, để cho ngày nay các ông cứ phải bàn cãi, cò kè với nhau.

Vậy thì rõ ràng là cuộc tự thiêu của Thượng Tọa Thích Quảng Đức không do ai tổ chức cả, khi Ngài muốn điều gì thì các đệ tử của Ngài chiều theo ý của Ngài mà thôi. Và do việc Giáo Hội không chấp thuận qua văn thư như trên, nên phải xác định rõ ràng rằng Giáo Hội không có chủ trương việc tự thiêu của Thượng Tọa, vậy thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không có lỗi lầm gì trong biến cố này, và cũng do đó mà Chánh phủ Ngô Đình Diệm đã không có lý do gì để truy tố Giáo Hội Phật Giáo.”

[Nguồn: Trần Kiên Cường - http://quocsam2009.blogspot.com/2011/07/su-that-nao-sau-vu-tu-thieu-lich-su.html#!/2011/07/su-that-nao-sau-vu-tu-thieu-lich-su.html ]

2.4 Trong lúc đó, theo vị Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống thời Ngô Đình Diệm là ông Đoàn Thêm (trong “Hai mươi năm qua” và “Những ngày chưa quên”, Đại Nam, 1969)  thì ngày 29 tháng 5, lực lượng an ninh Huế vẫn siết chặt vòng vây “nội bất xuất ngoại bất nhập” ở chùa Từ Đàm , nơi mà sinh viên và Phật tử thường tụ họp đông đảo để ủng hộ cho những đòi hỏi của Phật giáo, đồng thời chính quyền cho cắt điện và nước ở ngôi chùa này.

Trước hành động đàn áp đó của Chính phủ, ngày 30 tháng 5, Phật giáo tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tại chùa Xá Lợi và chùa Ấn Quang, các Tăng Ni và Phật tử tuyệt thực 48 giờ, đồng thời 300 Tăng Ni biểu tình trước Quốc hội với những khẩu hiệu yêu cầu Chính phủ thỏa mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo.

Thấy tình hình bắt đầu căng thẳng, ngày 1 tháng 6, Chính phủ Diệm thay vị Đại biểu Trung phần Hồ Đắc Khương, Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng, là những người mà Chính phủ cho là nhu nhược thân Phật giáo, bằng các ông Nguyễn Xuân Khương và Thiếu tá Nguyễn Mâu (một si quan Công giáo ở trong đảng Cần Lao) để hai nhân vật này hành động quyết liệt hơn trong việc đàn áp Phật giáo.

Vì tình hình nghiêm trọng đó, chính phủ đã thành lập ủy ban Liên Bộ và Phật giáo hình thành Ủy ban Liên Phái để thương nghị với nhau. Trong khi hai ủy ban đang tiến hành những buổi họp đàm phán thì lực lượng an ninh vẫn bao vây chùa chiền và gia tăng các biện pháp cắt điện, cắt nước tại các chùa lớn ở Huế và Đà Nẵng. Riêng tại chùa Tỉnh Hội Nha Trang, cảnh sát và công an còn chăng kẽm gai chận đường các Phật tử vào chùa và cản trở việc đi lại của các Tăng Ni từ Sài Gòn về các tỉnh và ngược lại. Cho đến ngày 7 tháng 6, trước phản đối của Phật giáo, Ủy ban Liên Bộ mới công nhận hành động thiếu thiện chí đó và gởi văn thư trả lời cho Ủy ban Liên Phái là đã cho cấp lại điện nước và quân đội không chận đường vào chùa nữa.

Nhưng dù có văn thư chính thức của Ủy ban Liên Bộ, những hành động chống phá Phật giáo vẫn tiếp tục xảy ra càng lúc càng thô bạo tại các địa phương và ngay giữa thủ đô Sài Gòn. Độc hại hơn nữa, chính quyền đã cho một số công an và cảnh sát cạo đầu, giả vờ mặc áo nâu hay áo lam của tăng sĩ để ra chợ chọc gái, ăn thịt, uống rượu, mua hàng không chịu trả tiền,... rồi đưa lên báo nhằm bôi lọ các nhà sưxuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo.

Ngày 8 tháng 6, trong một thông cáo gửi cho Phong trào Phụ nữ Liên Đới, bà Nhu còn công khai lên án và hăm dọa Phong trào Phật giáo khi tố cáo những người trong phong trào Phật giáo là hợp tác với Cọng sản và yêu cầu chính quyền phải có biện pháp quyết liệt với phong trào đấu tranh.

Để ứng phó với thái độ phá hoại và không có thiện chí giải quyết nguyện vọng đó của chính quyền, Phật giáo đành phải lấy những hành động hy sinh quyết liệt hơn mong cảnh tỉnh và khai thông đầu óc giáo điều của cấp lãnh đạo Chính phủ. Trong một ngôi chùa vắng lặng giữa Sài Gòn sôi động, Ngài Thích Quảng Đức đã lấy một quyết định làm chuyển đổi cả một chế độ và đẩy lịch sử Việt Nam lên một chiều cao bi hùng mới.

Quyết định đó được trình bày một cách thấu tình đạt lý của một ngưòi vừa là Phật tử vừa là công dân trong “Lời Nguyện Tâm Quyết”, nguyên bản được viết bằng chữ Nôm, và được dịch ra tiếng Việt Latinh để phổ biến trong giai đoạn đó. Sự hình thành của văn bản đó được kể lại như sau: 

“Về một bức thủ bút chữ Nôm của Hòa thượng Thích Quảng Đức” của Phạm Quý Vinh (nguồn: Tạp Chí Sông Hương số 227 - 2008) đăng lại với phiên bản điện tử năm 2009 trên http://tapchisonghuong.com.vn/  

  

SongHuongtapchi    

  ban chu Tau 

Trước lúc tự thiêu, Thích Quảng Đức có để lại một bức thủ bút bằng chữ Nôm(2). Đây là một văn bản rất ít người được biết đến và chính là lời tâm nguyện của Thích Quảng Đức trước lúc đi về miền Tây phương cực lạc. Bởi vì, nó không những nêu lên được ước nguyện của một con người mộ đạo, mà nó còn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khó trả lời: Tại sao trong lúc chữ Quốc ngữ đang thịnh hành thì Thích Quảng Đức lại dùng chữ Nôm (loại chữ do dân tộc Việt Nam sáng tạo) để viết? Phải chăng là Thích Quảng Đức đã đề cao bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam!

Với những giá trị về lịch sử của văn bản, chúng tôi xin được giới thiệu bức thủ bút của Thích Quảng Đức. Vì bản photocopy có đôi chỗ mờ nhạt nên trong quá trình chế bản vi tính sẽ không tránh được những thiếu sót nhất định, hy vọng là những ai quan tâm và hiểu biết sẽ đóng góp những ý kiến chân tình để cho bản vi tính và phiên âm được hoàn chỉnh hơn. Nội dung của bức thư cụ thể như sau:

Phiên âm:

    Lời nguyện tâm quyết

    Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm Phú Nhuận Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa. Tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên toạ thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dưỡng chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức, Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

    Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

    Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

    Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.

    Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

    Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

    Nam Mô A Di Đà Phật

     Làm tại chùa Ấn Quang ngày bốn tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba.

    Tỳ kheo Thích Quảng Đức thủ ký.

Bằng lời lẽ nhẹ nhàng, cô đúc nhưng lại giàu tính thuyết phục, Thích Quảng Đức đã gởi gắm tâm nguyện của mình vào bức thư tuyệt mệnh với mong ước bảo vệ Phật giáo ở Việt Nam. Đó quả là một tấm gương một lòng vì đạo pháp mà xưa nay hiếm vậy.

P.Q.V

(2) Văn bản này chúng tôi vừa sưu tầm được từ một thượng tọa ở chùa Thiền Lâm (Biết chúng tôi có hiểu biết về Hán Nôm, nên thượng tọa đã tặng chúng tôi một bản photocopy bức thủ bút này).”

Như vậy, qua ba lá thư nói trên (thư xin tự thiêu ngày 27/5, thư trả lời của Giáo hội Tăng Già, thư “Lời nguyện Tâm quyết”  4/6), chúng ta thấy quyết định tự thiêu của Ngài Thích Quảng Đức là một quyết định xuất phát từ những động cơ sâu sắc, có suy nghĩ chính chắn. Quyết định lại đi theo một trình tự hợp lý, biến thiên theo mức độ trầm trọng của tình hình. Và dù bị từ chối, cá nhân Ngài vẫn quyết tâm hoàn thành cho được tâm nguyện. Quyết tâm đó, tâm nguyện đó, không chứa một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào mà trái lại còn thấm nhuần tình thương và hy vọng thì, lúc đó cũng như bây giờ, những kẻ ngoại đạo hay giáo gian mang tâm cảnh hận thù làm sao hiểu được, lại càng làm sao chấp nhận được.

Đó là về phần Hòa thượng Thích Quảng Đức. Còn diễn biến cuộc tự thiêu thì sao ?

 

3- NĂM NHÂN CHỨNG BẤT KHẢ PHỦ BÁC:

Về cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức, chúng ta có gần cả ngàn nhân chứng nhìn chăm chú vào nhất cử nhất động của Ngài. Không những nhìn bằng mắt mà còn “nhìn” bằng máy chụp ảnh và máy quay phim nữa. Họ là hơn 500 Tăng Ni và hàng trăm Phật tử và đồng bào Sài Gòn có mặt tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt vào buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963. Cũng có mặt hôm đó, ngoài nhân viên mật vụ chìm và nổi của chế độ Diệm có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của phong trào Phật giáo, có lẽ cũng có những nhân viên “đặc biệt” của những tổ chức cũng “đặc biệt” không kém của chính quyền nước ngoài như Mỹ và Vatican, vốn là hai nước gắn bó chặt chẻ và có nhiều quyền lợi thiết thân với chế độ Diệm ở Việt Nam.

Nhưng trong số gần cả ngàn nhân chứng đó, để tái dựng lại cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức một cách trung thực, có năm vị mà chúng tôi cho là có độ khả tín cao, có thể tin vào lời chứng hoặc hình ảnh của họ. Đó là hai tu sĩ Phật giáo có trực tiếp đóng vai trò trong động thái tự thiêu (TT Thích Đức Nghiệp và ĐĐ Thích Chơn Ngữ), một nhân viên làm việc cho cơ quan Mỹ và/hoặc chính quyền Diệm được giao nhiệm vu theo dõi và báo cáo (ông Nguyễn Văn Thông), và hai ký giả nước ngoài chuyên nghiệp làm việc cho các cơ quan truyền thông uy tín quốc tế (nhiếp ảnh gia / nhà báo Malcolm Browne và nhà văn / nhà báo David Hamberstam). Họ là những người có mặt tại chỗ, chức năng của họ là ghi nhận sự kiện một cách trung thực và sau đó, bằng cách nầy hay cách khác, phổ biến một cách công khai trên toàn thế giới.

3.1 – Sau đây là trích đoạn Hồi ký của Thượng tọa Thích Đức Nghiệp, nhân chứng thứ nhất, người chịu trách nhiệm sao cho cuộc Tự thiêu được hoàn thành:

    Vào 14 giờ, ngày 30-5-1963, đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở Huế đã ra chỉ thị cho các cấp Phật giáo phải tổ chức tuyệt thực đòi hỏi chính quyền thực thi năm nguyện vọng. Tại Sài Gòn, Ủy Ban Liên Phái chúng tôi tuân luyện tổ chức ngay một cuộc biểu tình tại Công trường Lam Sơn trước quốc hội, từ 12 giờ 5 phút tới 5 giờ chiều, rồi diễn hành, căng biểu ngữ, về tới chùa Xá Lợi tuyệt thực suốt 48 giờ. Dịp này có Hòa thượng Thích Quảng Đức tham dự và Ngài có gởi một bức tâm thư xin tự thiêu lên Ủy Ban Liên Phái, đề ngày 27-5-1963. Tuy nhiên, Ủy Ban Liên Phái bác bỏ nguyện vọng tự thiêu này.

    Sau cuộc tuyệt thực đó, Ủy Ban Liên Phái lại tổ chức rước linh hàng tuần vào mỗi buổi sáng ngày chủ nhật, để luân phiên cầu siêu tại các chùa trong Sài Gòn; Chợ Lớn, Gia Định, là trụ sở chính của mỗi giáo phái trực thuộc Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam.

     Thế nhưng, về phía chính quyền, ông Diệm vẫn cứ trơ trơ trước dư luận lên án gắt gao của nhân dân Việt Nam và thế giới. Độc ác và bất nhân hơn nữa là ông Diệm lại còn hạ lệnh bắt bớ thêm, phong tỏa thêm các chùa trên toàn quốc, thậm chí ông còn cho những thuộc quyền thẳng tay cắt đứt điện nước và tuyệt đường lương thực của các chùa chủ yếu.

    Bởi vậy, vào 8 giờ tối ngày 10-6-1963, hai Thượng tọa Tâm Châu và Thiện Hoa có cho xe vào Ấn Quang, mời tôi (Thích Đức Nghiệp) ra Xá Lợi bàn Phật sự gấp. Khi tới Xá Lợi, tôi gặp hai vị Thượng tọa đang ngồi phòng khách.
    Thượng tọa Thiện Hoa nói là:

    - Phật giáo mình đương bị lâm nguy quá, nhất là tại Huế hiện nay...

    Thượng tọa Tâm Châu nói theo:

    - Ngày mai, buổi sáng chủ nhật, tới phiên tôi rước linh và cầu siêu tại chùa Phật Bửu Tự, do Hòa thượng Thích Minh Trực tổ chức, tại đường Cao Thắng, Quận 3. Vậy Thầy về hỏi lại ý nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức, hiện đương tụng kinh Pháp Hoa tại Ấn Quang. Nếu Hòa thượng  đồng ý, thì ngay sau khóa lễ ở Phật Bửu Tự, trên đường về Xá Lợi, Thầy tìm mọi cách có hiệu quả nhất, để Hòa thượng  Quảng Đức được tự nguyện tự thiêu, đồng thời để cứu nguy cho Phật giáo hiện nay.

    Khi về, tôi gặp ngay Hòa thượng Quảng Đức ở chùa Ấn Quang

    Sau khi tôi hỏi :

    - Hòa thượng  còn giữ nguyện tự thiêu như lá thơ Hòa thượng đã gởi cho Liên Phái trước đây không ?

     Hòa thượng mừng rỡ trả lời : Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện của Phật giáo

     Tôi (Thích Đức Nghiệp) nói thêm:

     - Vậy Hòa thượng  hãy đi nghĩ và sáng mai, con sẽ tổ chức cho Hòa thượng tự thiêu cho Hòa thượng được thành tựu viên mãn.

     Song Hòa thượng nói thêm:

     - Đại đức cho tôi được lễ tạ Phật và Thượng tọa Thiện Hoa, tôi sẽ nói: Ngày mai tôi phải đi xa vì Phật sự, đồng thời cho tôi viết một lá thơ gởi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

    Tôi trả lời đều được cả, nhưng tuyệt đối Hòa thượng không nên để cho ai biết việc tự thiêu này. Sau đó, tôi đến phòng Thượng tọa Thiện Hoa mới ở Xá Lợi về để xin ít tiền mua sắm xăng để thiêu và vải để viết biểu ngữ cho sáng ngày mai. Tiếp theo tôi gọi anh lái xe ô tô Austin của Phật tử Trần Quang Thuận gởi ở Ấn Quang và nhờ anh ta đi mua xăng và vải, đồng thời tôi nhờ anh ấy chở Hòa thượng Quảng Đức đi dự lễ tại Phật Bửu Tự.

    Kế đó, tôi họp ngay mấy Thầy lại để phân công vào việc sáng mai :

     Thầy Chân Ngữ có trách nhiệm đổ hết xăng từ đầu tới chân Hòa thượng Quảng Đức khi cùng ngồi trên xe Austin để đi tới ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước tòa Đại sứ Cao Mên.

     Thầy Trí Minh phải ngồi cùng hàng ghế trước để bảo anh lái xe phải dừng lại ở ngã tư đường nói trên, rồi làm bộ chữa xe để Hòa thượng bước xuống đường và ngồi tự thiêu.

     Thầy Hồng Huệ giữ trật tự, Tăng Ni đi thành hai hàng và xe của Hòa thượng từ từ đi ở giữa.

     Tôi (Thích Đức Nghiệp) đi bên cạnh xe của Hòa thượng. Khi xe ngừng lại Hòa thượng bước xuống, tôi trao tay Hòa thượng bao quẹt và bao diêm để Hòa thượng tự bật lửa thiêu.

     Bùng cháy ! Ngọn lửa ngất trời ! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đứng xung quanh ! Lệ rơi ! Tiếng khóc vang lên !

    Lập tức, tôi yêu cầu hai mươi vị Tăng Ni ra nằm chặn ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Biết rằng trong lúc tự thiêu này, có cả Simon Michaud, đại diện hãng thông tấn AFP của Pháp; Malcome Browne, đại diện AP của Mỹ và Neel Shihanm, đại diện UPI; đều chứng kiến tận mắt và xe của Đại tướng Hawkins Mỹ cũng tới chỗ hỏa thiêu này.

    Sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Tới cổng chùa ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều kính cẩn đưa tin tự thiêu này.”

    [Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-139_4-5393_5-50_6-1_17-46_14-1_15-1/ ]

(Ghi chú: Bài phỏng vấn nầy được thực hiện hơn 40 năm sau biến cố Tự thiêu nên có vài danh xưng TT Đức Nghiệp đã dùng không chính xác. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những điểm quan trọng khác thì đều đáng tin vì ăn khớp với dữ kiện của các nhân chứng còn lại)

3.2 - Đại đức Thích Chơn Ngữ, người tưới xăng lên mình Ngài Quảng Đức, là nhân chứng thứ nhì:

Đại đức Thích Chơn Ngữ, thế danh Huỳnh Văn Hải, vốn là đệ tử của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân tại Huế. Đại đức người Huế, vào khoảng 30 tuổi vào năm 1963, người tương đối cao lớn nên được phân công đổ xăng lên thân thể Hoà thượng Quảng Đức.

Vì tham gia vào vụ tự thiêu trong vai trò đó, ĐĐ Chơn Ngữ đã bị chính quyền Diệm bắt giam để khảo cung, và bị tra tấn tàn bạo làm hư hại bộ phận sinh dục không thể có con. Sau khi chế độ Diệm sụp đổ, ĐĐ Chơn Ngữ được một học bổng đi du học và tốt nghiệp Tiến sĩ đệ tam cấp (Docteur Troisième Cycle) tại Pháp. Cuối năm 1973 hay đầu năm 1974, ĐĐ về nước và dạy tại Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, sinh viên ghi danh theo học lớp của ĐĐ khá đông. Sau 1975, trong tình hình mới nhiều phức tạp, Đại đức cởi áo xuất tu, trở lại với thế danh Huỳnh Văn Hải. Rồi khoảng năm 1981, theo phong trào boat people, ông vượt biển đến Indonesia. Ông được nhập cư vào Mỹ, sống ở Los Angeles một thời gian và cuối cùng về định cư tại thành phố San Jose ở bang California. Hiện nay (2011), ông Huỳnh Văn Hải đã già yếu, gần 80 tuổi nên thị lực kém, và đang ở vùng Bay Area. Ông có một số bà con ở tại Orange County, miền nam California và ở Houston, tiểu bang Texas.

Năm 1985, trả lời cho tạp chí Chấn Hưng do một số cư sĩ Phật giáo ở Los Angeles chủ trương, ông Huỳnh Văn Hải (nguyên là Đại đức Thích Chơn Ngữ), người vừa là nhân chứng vừa đóng vai trò quan trọng trong cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức, đã kể lại như sau:

“... Ngày 15 tháng 5, Tổng thống Diệm bất đắc dĩ phải tiếp phái đoàn Phật giáo gồm 5 vị: Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hành Trụ, Tâm Châu và Đôn Hậu, nhưng ông Diệm đã không thực tâm giải quyết vấn đề. Do đó, ngày 16 lại có nhiều cuộc tuyệt thực khác và biểu tình rầm rộ trước Quốc Hội, nhưng chính quyền vẫn không đả động gì đến những yêu cầu của Phật giáo đồ... Bây giờ câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là việc tự thiêu, người hưởng ứng đầu tiên là Ngài Quảng Đức.

... Lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, tôi dìu Ngài ra đến cổng chùa, thầy Đức Nghiệp mở cửa chiếc xe Austin đã đậu sẵn, mời Ngài lên. Xe gặp đường Phan Đình Phùng quẹo phía trái là đường Lê Văn Duyệt, tài xế dừng xe lại, xung quanh tôi các tăng ni đã đứng chật ních bao vây ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng.

Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già” tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật.

Tiếng niệm Phật rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao, phủ kín cả người Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai tay trước ngực.

Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng Tọa Thích Tâm Châu mà nay là Hòa thượng tu hành tại nước Pháp.

Ngài Quảng Đức đã hiến mình cho Đạo Pháp bằng cách an nhiên tọa thuyền trong biển lửa cao ngút. BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC đã tự đốt mình để bảo vệ Đạo Pháp lúc lâm nguy và để bảo vệ quyền Tự Do Tín Ngưỡng. Hành động can đảm và tuyệt vời này của Ngài đã làm cả thế giới khâm phục và đã thức tỉnh lương tri nhân loại rằng đàn áp, chém giết chỉ gieo rắc thêm hận thù. Bạo lực sẽ thất bại trước TỰ DO, CÔNG BẰNG, TÌNH THƯƠNG và lòng KHOAN DUNG.

Trích từ “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” - Nguyệt san Chấn Hưng số 4, tháng 8 năm 1985, trang 2, 3 và 19. Los Angeles, Hoa Kỳ.”

Lúc bấy giờ, nguyệt san Chấn Hưng chủ yếu được phổ biến trong các chùa và cộng đồng cư sĩ Phật giáo ở Mỹ. Và  24 năm trước đây, phần trích đoạn ở trên của bài viết “Cuộc Tự Thiêu Lịch Sử” đã được cụ Hoành Linh Đỗ Mậu in lại trong tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Phụ Lục A, số thứ tự 27, trang 1083 và 1084, ấn bản 1987, và được tiếp tục duy trì trên các ấn bản tiếp theo, kể cả ấn bản điện tử 2007.

VNMLQHT  trang 1083  trang 1084

Ấn bản 1987 của tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Phụ Lục A, số thứ tự 27, trang 10831084

 

[Nguồn:

- http://www.sachhiem.net/HOANHLINH/VNMLphlucA.php ;

- http://www.giaodiemonline.com/2008/vnmlqht/phuluca.htm

- http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article
&id=5036:y-kien-nhan-si-ve-hoi-ky-do-mau&catid=2:khaocuu&Itemid=4
]

3.3 -  Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông, nhân chứng thứ ba, người được một cơ quan Mỹ (cũng có người nói ông làm cho mật vụ  của chính quyền Diệm) “thuê” chụp ảnh các cuộc biểu tình của Phật giáo tại Sài Gòn, và đã có mặt để ghi lại bằng ảnh cuộc Tự thiêu của Ngài Quảng Đức. Có ba người đã gặp ông Nguyễn Văn Thông để nghe ông kể lại chi tiết vụ tự thiêu năm 1963 của Ngài Quảng Đức:

3.3.1 “Hôm 30/5/2010, nhà nhiếp ảnh Duy Anh, phụ trách Cate Nhiếp ảnh (GoNews), đã đến thăm đồng nghiệp lão thành Nguyễn Văn Thông tại nhà riêng của ông ở Cư xá Đô thành, Quận 10, TP.HCM. Ông là tác giả bức ảnh Tự thiêu, đã đoạt Giải Ngân hài bạc Anh quốc, và Huy chương đồng Phần Lan 1964. (Ảnh: Cẩm An)

Tác giả Nguyễn Văn Thông kể với GoNews: “Chiếc xe hơi dừng giữa đường, giả như hư máy, các tăng ni chặn kín các ngả đường… Sau khi người đẫm ướt xăng, Hòa thượng bật quẹt (đá lửa) do ướt xăng nên không cháy, nên ông nhận cái hộp quẹt khác rồi bật tiếp. Lửa cháy… Tôi chụp và khóc, tay run lên… vì thấy nhà sư cao cả quá! Sau đó, tôi phóng một tấm lớn 50x60cm tặng cho nhà chùa. Năm sau (1964), tôi mới gởi ảnh ấy đi dự thi...".

[Nguồn: Trần Kiên Cường -  http://quocsam2009.blogspot.com/2011/06/anh-thoi-su-vi-ai-nhat-moi-thoi-ai.html#!/2011/06/anh-thoi-su-vi-ai-nhat-moi-thoi-ai.html ]

nhiepanhgiaDuyAnh  TQDlantranghat

Nhiếp ảnh gia Duy Anh và ông Nguyễn Văn Thông, ngồi bên phải. - Ảnh T1 chụp Ngài Quảng Đức lần tràng hạt và bắt đầu niệm: "Nam mô A Di Đà Phật" trước khi tự tay châm lửa. Mọi nguời chung quanh bắt đầu hoảng hốt.

photocuaNgVThong 
TQDvanngoikietgia

Khi ngọn lửa rừng rực bùng lên, Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn tự tại ngồi kiết già, gương mặt không lộ chút đau đớn - ảnh T2T3 của Nguyễn Văn Thông. Ảnh được Giải Ngân hài bạc Anh quốc, Huy chương đồng Phần Lan 1964, Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP.HCM 1990.

3.3.2 Một người thứ nhì cũng gặp ông Nguyễn Văn Thông sau nầy đã kể lại như sau:

“Ở bên ngoài, chính ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ theo dõi hoạt động đấu tranh của Phật giáo và chứng kiến từ đầu đến cuối vụ tự thiêu, cũng công khai bác bỏ sự xuyên tạc Bồ tát Thích Quảng Đức bị chích thuốc mê.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn xúc động khi nhớ lại: “Chúng tôi đã theo sát vụ tự thiêu này ngay từ đầu ở chùa Xá Lợi. Chính mắt tôi và các cảnh sát khác đều thấy ngài Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, quay mặt xá tứ phương, rồi ngồi kiết già trước khi chính tay mình châm lửa tự thiêu. Những hành động bình thản của một nhà tu hành thượng đẳng như vậy không thể là người bị thuốc mê. Còn các nhà sư khác chỉ đứng vòng quanh tụng kinh cho ngài và ngăn chặn cảnh sát. Không có bàn tay nào tác động, xâm phạm đến hành động tự thiêu của ngài”.

Đặc biệt, khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông Thông đã đem những bức hình mình chụp cận cảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu tặng Phật giáo Sài Gòn. Một loạt ảnh đầy đủ từ lúc lửa chưa bùng lên trên thân thể Bồ tát Thích Quảng Đức đến lúc ngài ngã xuống. Đến lúc đó người ta mới chính thức biết có một người Việt nữa đã chụp hình được sự kiện thiêng liêng này ngoài nhà báo Malcolm Browne.

Và những tấm hình đó như một chứng nhân quan trọng cho hậu thế biết sự thật cuộc vị pháp thiêu thân!”

[Nguồn: http://www.quangduc.com/BoTatQuangDuc/57mothuyenthoai.html ]

3.3.3 Người thứ ba, ông Quốc Việt, cũng đã gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông tại Sài Gòn và cho biết:

“Kể lại cuộc tự thiêu này, nhân chứng phía bên kia là ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ đặc trách theo dõi hoạt động Phật giáo thời đó, nhớ lại: “Tin tình báo gửi về cho biết sẽ có biểu tình lớn từ chùa Ấn Quang đến công trường Lam Sơn và sẽ có nhà sư mổ bụng. Sau này tôi mới biết đó là tin giả để đánh lạc hướng chuẩn bị trấn áp của cảnh sát”.

Ông Thông kể sáng đó nhóm cảnh sát mật của mình gồm bốn người mặc thường phục đi trên một chiếc ô tô. Ông Thông phụ trách hình ảnh, một người viết báo cáo, người khác trực điện đài. Họ chuẩn bị bám theo các tăng ni đến công trường Lam Sơn (Nhà hát lớn TP ngày nay) và không biết gì về cuộc tự thiêu sắp diễn ra. Lúc đó, ông Thông còn là cộng tác viên của hãng Ảnh xã nên ngoài chiếc máy ảnh cảnh sát trang bị, ông luôn mang thêm chiếc máy ảnh riêng.

Khi chiếc xe Austin chở Bồ tát Thích Quảng Đức từ chùa Ấn Quang dừng lại ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, tài xế bước xuống giả vờ sửa xe và nhóm cảnh sát chìm vẫn tưởng thật. Thậm chí khi Bồ tát Thích Quảng Đức bước xuống xe, ngồi kiết già trên đường, ông Thông vẫn không nghĩ ngài tự thiêu. Chỉ đến lúc thân ngài bốc cháy như ngọn đuốc ông Thông mới sững sờ.

Theo phản xạ ông đưa máy ảnh lên chụp, nhưng tấm đầu tiên bị nhòe vì ông xúc động run tay. Đến tấm thứ hai ông lấy được nét. Đó cũng là tấm phim cuối cùng của chiếc máy ảnh riêng của ông. Ông liền sử dụng chiếc máy ảnh thứ hai được cảnh sát trang bị để chụp tiếp đến cảnh lửa tắt, bồ tát ngã xuống.

Theo ông Thông, có ít nhất ba người chụp được hình tự thiêu xúc động này là nhà báo Malcome Browne của Hãng thông tấn AP, một nhà sư và ông. Tuy nhiên, sau đó chỉ có hình của Malcome Browne lan truyền ra thế giới. Còn ông Thông phải nộp ảnh cho nha cảnh sát và lặng lẽ giấu đi mấy tấm khác vì lúc đó ông vẫn còn là nhân viên chính quyền nhà Ngô.

Năm nay đã 86 tuổi, ông Thông hồi tưởng chi tiết cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức:

Lửa bao trùm thân ngài nóng đến mức chiếc can để gần đó phải chảy ra, nhưng bồ tát vẫn tĩnh tại ngồi thiền, thản nhiên đón nhận cái chết. Đặc biệt, khi lửa gần tàn, thân đã cháy đen nhưng ngài vẫn gật đầu về hướng tây mấy lần như lạy Phật rồi mới bật ngửa ra chứ không ngã sấp xuống.

Xe cứu hỏa, cảnh sát đổ đến. Các nhà sư nằm chặn trước bánh xe, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cuộc vị pháp thiêu thân. Nhiều nhân vật chủ chốt của ngành cảnh sát chế độ Sài Gòn bấy giờ cũng có mặt nhưng chỉ đứng nhìn, không thể phản ứng được gì trước ngọn lửa chính nghĩa...”.

 

[Nguồn: http://www.quangduc.com/BoTatQuangDuc/57mothuyenthoai.html#Kỳ_3:_Vị_pháp_thiêu_thân_]

 

(xem tiếp --->>)

 

Trang Tôn Giáo




Đó đây


2024-05-03 - Dự án kênh đào Funan Techo đầy tham vọng của Campuchia làm dấy lên mối lo ngại gần xa - “Một số người có nhiều đất nên dù bị ảnh hưởng bởi dự án này vẫn có thể di chuyển. Nhưng tôi không có mảnh đất nào khác”, người dân huyện Koh Thom, tỉnh Kandal cho biết. “Người thân của tôi khi đến thăm đều bật điện thoại lên để nghe tin tức về con kênh này. Tôi đã bảo họ đừng nghe.”

2024-05-03 - Phó thủ tướng Campuchia bày tỏ về các quan ngại quanh dự án kênh đào Funan Techo - Sun Chanthol, Phó thủ tướng Campuchia, cho biết dự án sẽ không ảnh hưởng đến môi trường ở Campuchia hay Việt Nam.

2024-05-03 - Diễu Binh Kỷ Niệm 70 Năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ -

2024-05-02 - Chương trình đọc báo: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc -

2024-05-02 - Chơi kỳ … tưởng nhớ 30-4 lại là ngày vinh danh bà Trùm phản chiến Jane Thân Cộng -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG TRẦN THỊ MỸ - Tham khảo Vietnam: A Television History; Interview with Tran Thi My, 1981

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG TRẦN VĂN LAI - Tham khảo Vietnam: A Television History; Interviwe with Tran Văn Lai, 1981 (Part of The Vietnam Collection)

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG NGUYỄN HỮU THỌ -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG NGUYỄN THỊ CHIÊM -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG PHẠM THANH GIÒN -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>