KHI NHÀ VĂN LẠM BÀN LỊCH SỬ

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/KNV/PhanII4.php

10-07-2008

Toàn tập: 0  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14

 


PHẦN II


NHỮNG NHẬN XÉT SAI LẦM CỦA TÁC GIẢ
TRONG CUỐN XÓM ĐẠO

(Đông Kinh, Nhật Bản, Tân Văn, 2003)

 


IV.- VỀ CHUYỆN 130 NGÀN GIÁO DÂN BỊ SÁT HẠI

Trong phần 2 trong đoạn văn được nêu lên ở trên, qua nhân vật thày giáo Thông, tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn đưa ra lời tuyên bố khẳng định rằng:

“Chính triều đình và phong trào Văn Thân giết 130 nghìn giáo dân đã gây nên cái hố chia rẽ càng ngày càng trầm trọng!”

Đây là một trong những luận điệu đã được hầu hết cán bộ tuyên truyền đạo Da tô thường đưa ra để chạy tội cho Giáo Hội La Mã và cho tín đồ Da-tô người Việt đã có những hành động chống lại tổ quốc và dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Luận điệu này cũng đã từng được Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận nêu lên trong cuốn Chứng Nhân Hy Vọng bằng một câu văn tuyên bố khẳng định với nguyên văn như sau:

“Tôi đã nghĩ tới các cuộc bách hại trong 350 năm tại Việt Nam, đã cống hiến cho Giáo Hội bao nhiêu vị tử đạo không được biết tới: khoảng 150,000 vị.” TGM F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng (Garden Grobe, CA: Công Đoan Đức Mẹ La Vang, 2000), tr 169.[1]

 

Lời tuyên bố khẳng định hàm hồ thiếu chứng cớ như trên của Giám-mục Nguyễn Văn Thuận bị cô Nguyễn Thúy Loan phản bác lại bằng mấy đoạn văn như sau:

 

“Trong cuốn Chứng Nhân Hy Vọng (California, 2000) có một số bài giảng hay, nhưng có nhiều điều bịa đặt, thiếu sử liệu và thiếu logic. Trang 169, GM Nguyễn Văn Thuận kể rằng “Ông cố nội tôi khi mới 15 tuổi mỗi ngày đã phải đi bộ 30 cây số để tiếp tế cho cha một tí cơm và ít muối.”

 

Một người mạnh khỏe đi bộ giờ đầu là 5 cây số, giờ kế tiếp chỉ còn 4 cây số. Còn trẻ em 15 tuổi đi bộ trung bình 3 cây số một giờ. Với ba chục cây số, ông cố nội của Giám-mục Nguyễn Văn Thuận (lúc đó mới có 15 tuổi)  phải đi bộ mất 10 giờ đi và 10 giờ về. Tổng cộng là 20 giờ, còn 4 giờ, chú bé ngủ, ăn… Và mỗi ngày đều như vậy thì làm sao chú bé 15 tuổi có thể sống được? Viết thiếu logic chứng tỏ câu chuyện không có thực. Cũng trang 169 đó, GM Nguyễn Văn Thuận cho biết trong 350 năm tại Việt Nam giáo dân tử đạo là 150 ngàn người (trang 169), facts? Từ lúc tiến vào Việt Nam đến lúc Pháp cai trị toàn nước vào khoảng năm 1880 dân số Việt Nam bao nhiêu? Tổng số con chiên bao nhiêu mà tử đạo đến 150 ngàn người! Và phong thánh chỉ có 117 người có bất công không? Trang 170, GM Nguyễn Văn Thuận viết: “Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885, giáo dân toàn giáo xứ bị thiêu sống trong nhà thờ…”

 

Ông ngoại tôi tức là Ngô Đình Khả (?), tỉnh Quảng Bình và năm 1885 tức là triều vua Đồng Khánh là một ông vua Việt gian, Pháp cho lên làm vua. Trong cơ mật viện thì có Linh-mục Nguyễn Hoằng và cựu giáo sinh Pétrus Trương Vĩnh Ký bám sát ông vua này, (với tình trạng như vây) thì làm gì có chuyện giáo dân bị sát hại kiểu đó? Sách sử cho thấy chỉ có thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức mới có việc cấm đạo. Còn thời Đồng Khánh thì guồng máy cai trị của Pháp đã tỏa khắp Đông Dương, làm gì có việc giáo dân toàn xứ bị thiêu sống? Thưa Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cháu phải nhận lỗi hỗn hào để phê bình rằng ngài nói không có chứng cớ, facts đâu? Cuốn sách Chứng Nhân Hy Vọng của ngài có vô số điều bịa đặt, rất hại cho uy tín của ngài. Trên đây cháu nhận xét chỉ có hai trang trong sách của ngài.”  Mười tác giả, Bản Chất Các Phản Ứng Về Bài Giảng Của H.T. Nhất Hạnh (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2001), tr 149-150.[2]

 

Vì những sai lầm  nói trên có liên hệ đến những sự thật lịch sử của nước nhà, chúng tôi mới nêu lên đây để rộng đường dư luận. Thiết nghĩ rằng khi làm thơ, viết chuyện hoang đường giả tưởng, thì muốn nói nhăng nói cuội gì cũng được, không ai rồi hơi bắt bẻ cả. Thế nhưng, khi viết hay tuyên bố những gì liên hệ đến lịch sử, nhất là những vấn đề chính trị thì phải có kiến thức chuyên môn về lịch sử, “nói phải có sách, mách phải có chứng”, thì mới có giá trị.


[1] TGM F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng (Garden Grobe, CA: Công Đoan Đ?c M? Lavang, 2000),  tr 169.

 

[2] Mười tác giả, Bản Chất Các Phản Ứng Về Bài Giảng Của H.T. Nhất Hạnh (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2001), tr 149-150.