KHI NHÀ VĂN LẠM BÀN LỊCH SỬ

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/KNV/LoiMoDau.php

10-07-2008

Toàn tập: 0  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14

 


MỘT SỐ SAI LẦM CỦA NHÀ VĂN
NGUYỄN NGỌC NGẠN
TRONG NHỮNG LỜI TUYÊN BỐ VỀ LỊCH SỬ


 

LỜI MỞ ĐẦU

 

Từ khi bắt đầu làm người điều khiển chương trình (MC) cho các chương trình văn nghệ giải trí của hãng Paris by Night, ông Nguyễn Ngọc Ngạn đã được mọi người ái mộ qua phong cách nói năng và cái "duyên thầm" gói ghém trong văn chương cũng như kỹ thuật kể chuyện. Cũng từ đó, có nhiều độc giả mến mộ ông và bắt đầu nghe truyện băng cassettes, hay đọc các sách truyện tiểu thuyết của ông. Qua nhiều lần trình diễn với nhiệm vụ làm MC, người ta thấy ông tỏ ra chừng mực trong tất cả vấn đề. Điều này đã tạo cho nhiều người sự tin cẩn vào văn tài, khả năng ăn nói trước quần chúng và trình độ kiến thức tổng quát của ông. Thế nhưng, vào những khi đi ra ngoài khả năng chuyên môn của ông, chắc chắn là ông không thể nào tránh được những thiếu sót và sai lầm. Đây là sự thật và sự thật này đã xẩy ra khi ông cường điệu phát ngôn về một vấn đề có liên hệ đến lịch sử ở trong cuốn Paris By 81 cũng như khi ông viết cuốn Xóm Đạo (Đông Kinh, Tân Văn, 2003).

Thánh nhân còn có khi lầm. Ngay cả những trường hợp chỉ nói hay viết về những gì thuộc phạm vi chuyên môn của mình, người ta cũng vẫn còn có thể lầm lẫn. Là một con người bình thường, không phải là một ông thánh, tất nhiên là ông Nguyễn Ngọc Ngạn vẫn có thể phạm phải những sai lầm ngay cả khi ông viết hay phát biểu những gì nằm trong lãnh vực chuyên môn của ông. Ta gọi những sai lầm này là những sơ sót hay thiếu sót phạm phải vì vô tình. Huống chi ông lại “vượt biên”, “xé rào” nhào sang viết và tuyên bố những điều nằm trong lãnh vực lịch sử, một lãnh vực hoàn toàn không có liên hệ đến phạm vi chuyên môn của ông. Tệ hơn nữa, nhiều khi, hứng chí lên, ông lại đóng vai trò của một ông thày thuyết giảng một đề tài có liên hệ đến lịch sử mà ông không điều nghiên, tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Với tình trạng như vậy, làm sao ông không rơi vào tình trạng thiếu sót và sai lầm được?Đây là những trường hợp mà chúng tôi nêu lên trong tập sách này.

Những sai lầm của ông quan trọng hay không là tùy theo cái nhìn của từng người. Theo cái nhìn của những người học sử, hành nghề dạy sử, nghiên cứu sử và viết sử, những sai lầm của ông Ngạn mà chúng tôi nêu lên ở đây được xem là quan trọng vì có thể coi là một hành động bóp méo sự thật của lịch sử để chạy tội cho một thế lực ngoại bang nhân danh là tôn giáo và một nhóm thiểu số người Việt Nam đã từng cấu kết chặt chẽ với kẻ thù của dân tộc Việt Nam là Đế Quốc Thực Dân Xâm Lược Pháp trong suốt chiều dài lịch sử từ đầu thập niên 1850 cho đến tháng 7/1954. Hành động như vậy của ông Ngạn là làm tổn thương đến tình tự đất nước và dân tộc.

Trước đây, khi đọc cuốn Xóm Đạo (Đông Kinh, Nhật Bản: Tân Văn, 2003) của ông, chúng tôi đã thấy ông có một số những sai lầm trong những trường hợp:

1.- Qua nhân vật Thông, ông đã đưa ra lời giải thích không đúng với sự thật lịch sử khi trả lời câu hỏi của “thằng Anh” (em của Trâm) liên quan đến đạo Da-tô và việc Pháp xâm lăng Việt Nam.

2.- Ông đã khẳng định sai lầm về đồng lương hàng tháng của anh em tân binh quân dịch và của giới công chức hạng trung trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam.

3.- Khi nói về tội ác dụ dỗ gái vị thành niên của một tu sĩ Da-tô, ông đã đánh đồng các ông tu sĩ Da-tô với các nhà tu hành Phật giáo bằng câu văn:

“Tôn giáo nào cũng vậy, ông cha hay ông sư mê gái,. người ta cứ lôi đứa con gái ra mà đánh chửi, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nó..” (Trang 43).

Tư tưởng biến thành hành động. Hành động viết câu văn trên đây cho thấy rõ ông hoàn toàn không biết rằng có một sự khác nhau như trắng với đen về chủ đích, phương cách, nếp sống và lề lối tu hành giữa một bên là các chư tăng ni trong đạo Phật và một bên là các ông linh mục trong đạo Da-tô, ông cũng hoàn toàn không biết rằng có một sự khác biệt giữa một bên là cái nhìn thẳng thắn, vô tư, không thiên lệch của Phật giáo đồ đối với các vị tăng ni, su sãi và một bên là cái nhìn đầy thiên lệch của tín đồ Da-tô đối với giới tu sĩ Da-tô  vì họ đã bị điều kiện hóa bằng những lời dạy “Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” mà chính ông đã ghi lại bằng một câu văn rõ ràng hơn trong cuốn Xóm Đạo với nguyên văn như sau:

“Là một tín đồ ngoan đạo, anh (nhân vật Thông) thấy có bổn phận phải giấu kín những chuyện tội lôi, dù có thật, xẩy ra trong giáo xứ, không nên để cho người ngoại đạo biết.” (Trang 320).

Sự khác nhau về những điều trên đây giữa một bên đạo Phật và một bên là đạo Da-tô đã được chúng tôi trình bày đầy đủ trong Mục VI, Phần I trong bộ sách Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác của Giáo Hội La Mã). Bộ sách này đang được lần lần đăng trong báo điện tử giaodiemonline.

Nói cho rõ hơn, ông không biết rằng, ở bên Phật Giáo, không có hoàn cảnh hay môi trường tạo cơ hội cho tu sĩ hủ hóa, và ông cũng không biết rằng khi có một tu sĩ Phật giáo nào hủ hóa thì không có tín đồ hay một thế lực nào dung dưỡng và bao che cho vị tu sĩ đó như ở trong Giáo Hội La Mã. Không biết như vậy mà ông cứ nói ẩu và viết ẩu để đánh đồng các vị tăng ni trong đạo Phật với các ông Linh-mục trong đạo Da-tô như cá mè một lứa thì quả thật là ông đã viết ẩu, nếu không muốn nói là đặc tính Da-tô đã nổi lên lấn át và che lấp hết cả lý trí trong con người của ông.

Ngoài ra, vào đầu tháng 5/2006, khi xem cuốn băng Paris By Night 81, trong mục ông nói về sự phát triển điện ảnh ở Hàn Quốc, người viết lại thấy ông đưa ra một lời phát biểu sai lầm về một số sự kiện lịch sử. Tệ hơn nữa, ông lại còn dựa vào lời phát biểu sai lầm này để đưa ra nhiều ý kiến rất chủ quan và sai lầm khác giống như những chiếc vòng khoen móc nối với nhau trong một sợi giây chuyền. Lời phát biểu sai lầm này của ông được ghi nhận như sau:

“Sau Đệ Nhị Thế Chiến thứ II, trên thế giới có ba nước giống hệt nhau, cùng bị chia đôi, Cộng Sản chiếm đóng một nửa, và một bên là quốc gia, là: Đức, Triều Tiên (tức là Bắc Hàn và Nam Hàn) và Việt Nam. Chúng ta thấy là ba quốc gia giống hệt nhau. Tây Đức đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật. Nam Hàn phát triển cực nhanh và trở thành một tiểu cường quốc trên thế giới, và ngày nay thống trị về điện ảnh. Chỉ còn có mỗi Việt Nam là còn lẹt đẹt mãi.

Tại sao như vậy? Là vì Bắc Hàn không xâm lăng Nam Hàn, Đông Đức không đánh sang Tây Đức, mà người ta lo kinh tế. Nếu miền Bắc Việt Nam không đánh vào miền Nam, tôi nghĩ, Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta ngày nay không thua gì Nam Hàn, là vì trí thông minh của người Việt chúng ta có thể nói là không thua các quốc gia nào tại Á Châu.”

Có lẽ nhiều người không để ý đến những điểm sai lầm trong lời phát biểu trên đây. Nhưng đối với giới nghiên cứu sử, nhất là những người tha thiết với đại cuộc giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị của chế độ đạo phiệt Da-tô tay sai Liên Minh Mỹ - Vatican và sự nghiệp thống nhất đất nước, lời phát biểu này của ông Nguyễn Ngọc Ngạn có hai điều không ổn:

1.- Không đúng với sự thật lịch sử khi ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói rằng: “Bắc Hàn không xua quân tấn công Nam Hàn.”

2.- Thiếu nghiên cứu về lịch sử thế giới, đặc biệt là về bối cảnh lịch sử của 3 quốc gia Đức, Triều Tiên và Việt Nam khi bị chia đôi.

3.- Không biết gì về nội tình của Tây Đức, Nam Hàn và miền Nam Việt Nam từ khi ba quốc gia này bị qua phân.

Thật là một điều sai lầm trầm trọng khi ông chỉ quan sát hời hợt rồi vội vàng kết luận bằng những ý kiến chủ quan của ông mà không cần biết đến bối cảnh lịch sử và nguyên nhân đưa đến tình trạng bị chia cắt của ba nước Đức, Triều Tiên và Việt Nam.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập đến một vài sai lầm căn bản của nhiều người khác trong các tác phẩm của họ có liên hệ đến lịch sử. Đó là:

1.- Một số những sai lầm có chủ tâm bóp méo lịch sử trong cuốn VIỆT NAM Cuộc Chiến Tranh Quốc Gia - Cộng Sản (Santa Clara , CA: Nhân Chứng 2002) của Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Cận Đại gồm các tác giả Dương Diên Nghị, Nguyễn Châu, Lương Văn Toàn, Lê Hữu Phú và Hoàng Đức Phương, và sẽ được trình bày trong phần chính của tác phẩm này.

2.- Một số những sai lầm trong cuốn VIỆT NAM 1945-1995 Tập I (Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004) của tác giả Lê Xuân Khoa. Phần này sẽ được để vào phần Phụ Bản.

Về phương cách viết tập sách này, chúng tôi cố gắng viết theo phương pháp mà chúng tôi đã học hỏi để viết những bài khảo luận khi chúng tôi còn là sinh viên cao học trong ngành sử tại một trường đại học ở Hoa Kỳ, nghĩa là mỗi một luận cứ hay khi khẳng định một điều gì đều phải hoặc là thuận lý (logic) hoặc là phải đưa ra một hay hai hoặc ba tài liệu lịch sử để chứng minh hay để hỗ trợ.

Người viết lúc nào cũng nhớ, khi còn là sinh viên ở Trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, thiếu cả thì giờ, thiếu cả tiền bạc để mua sách báo, và trong thư viện cũng không có nhiều tài liệu để tham khảo. Vấn đề tìm kiếm tài liệu cũng khó khăn vì tình trạng khan hiếm do việc ngăn cấm và giới hạn của chính quyền thời đó (1954-1975 ở miền Nam Việt Nam). Tình trạng này khiến cho việc tra cứu hay kiểm chứng các sự kiện lịch sử trở thành một vấn đề nan giải. Để giúp cho anh em học sinh, sinh viên và những người ham thích đọc sử thoát khỏi tình trạng này, chúng tôi cố gắng ghi lại đây đầy đủ những tài liệu mà chúng tôi đã bỏ nhiều thì giờ và tiền bạc để có được. Có sẵn tài liệu, độc giả sẽ vừa dễ dàng đối chiếu để kiểm chứng, vừa có cơ hội để trau dồi thêm sinh ngữ, vừa tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thì giờ.

Dù đã hết sức cố gắng đến đâu đi nữa, tất nhiên cũng vẫn còn nhiều thiếu sót cả về hình thức lẫn nội dung. Ước mong nhận được sự chỉ dẫn của quý vị.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin mạn phép các chủ trang điện tử, các sách bách khoa, niên giám điện tử mà chúng tôi đã trích dẫn các bài viết hay sử dụng tranh ảnh liên hệ với chủ đề. Sau cùng và quan trọng nhất, chúng tôi xin chân thành cảm tạ tất cả các tác giả có bài viết và các hình ảnh được trích dịch trong tập sách này.

Trân trọng,

Nguyễn Mạnh Quang


 

MỤC LỤC

Thư ngỏ gửi nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

Phần I: Về lời tuyên bố của ông Nguyễn Ngọc Ngạn trong cuốn Paris By Night 81.

Phần II: Về một số sai lầm của ông Ngạn trong cuốn Xóm Đạo.

Phần III: TỔNG KẾT