Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp

chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

– Nguyên nhân và giải pháp –

Hàn Nguyên Nguyễn Nhã

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenNha1_1.php

17 tháng 7, 2009

1  2  3  4

 

C- HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG HOA, PHÁP TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TỪ THÁNG 8 NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 4 NĂM 1956, KHI PHÁP XÂM CHIẾM TRỞ LẠI

Ngày 19-8-1945 Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, chấm dứt chế độ đô hộ của Pháp.

Sau khi Nhật bại trận, Pháp trở lại đô hộ Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch tiếp quản những nơi quân đội Nhật chiếm đóng từ phía Bắc vĩ tuyến 16. Cả hai nước Pháp và Trung Hoa đều tiếp tục tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam bận lo kháng chiến chống Pháp trong khi quân Pháp làm chủ Biển Đông.

Quân Nhật rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa vào năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam và làm chủ Biển Đông, lập tức cử một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật từ tháng 5/1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27/5/1946, đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26-10-1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa dân quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc Trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thủy đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng ngày 9-10-1946. Ngày 29-11-1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa (mà lúc này Trung Quốc còn gọi là Đoàn Sa, chưa phải mang tên Nam Sa – tác giả nhấn mạnh).

Trong phiên họp ngày 11-10-1946, Ủy ban liên bộ về Đông Dương thuộc Chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm bằng việc xây dựng một đài khí tượng. Đại tướng Juin cho rằng “lợi ích cao nhất” của nước Pháp là phòng ngừa mọi ý đồ của một cường quốc nào muốn chiếm lại các đảo có khả năng kiểm soát việc ra vào căn cứ tương lai Cam Ranh, con đường hàng hải Cam Ranh – Quảng Châu – Thượng Hải [Thư số 199/DN/S. col ngày 7-10-1946 của Đại tướng Juin, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp tại Paris].

Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa dân quốc và ngày 17-10-1947 Thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi một Phân đội lính trong đó có cả quân lính “Quốc gia Việt Nam” đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa). Chính phủ Trung Hoa dân quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25-2 đến ngày 4-7-1947 tại Paris. Tại đây, Chính phủ Trung Hoa dân quốc đã từ chối không chấp nhận đề xuất của Pháp nhờ trọng tài quốc tế giải quyết. Ngày 1-12-1947, Bộ Nội vụ Chính quyền Tưởng Giới Thạch công bố tên Trung Hoa cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Vào cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenôtre 1884 với Pháp. Song Pháp vẫn cho rằng theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, VNDCCH vẫn còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Pháp bổ sung quân sự bằng cách đóng quân và thực hiện quản lý trên hai quần đảo. Điều này chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã được củng cố vững chắc từ thời Pháp thuộc.

Do Chính phủ VNDCCH kháng chiến chống Pháp và hải quân Pháp làm chủ Biển Đông, nên với Hiệp định ngày 8-3-1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với chính quyền Cách mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trên thực tế, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đang làm chủ Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thay mặt nhà nước Việt Nam.

Tháng 4 năm 1949, Đổng lý văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại là Hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài gòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa.

Vào ngày 1-10-1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu rút ra Đài Loan. Tháng 4/1950, đồn lính Trung Hoa dân quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn duy trì. Đến năm 1954, Pháp đã chính thức trao lại quyền quản lý cho Chính phủ Việt Nam.

Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.

Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5-9 đến ngày 8-9-1951 ký kết hòa ước với Nhật. Ngày 5-9-1951, họp khoáng đại, Ngoại trưởng Gromyko đề nghị 13 khoản tu chính. Khoản tu chính liên quan đến việc Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ trong khuôn khổ một Hội nghị quốc tế.

Ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet Nam”.

Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.

Kết thúc hội nghị là ký kết hòa ước với Nhật ngày 8-9-1951. Trong hòa ước này có điều 2, đoạn 7 ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly“.

Song đến đây, tình hình chính trị thế giới đã bắt đầu biến chuyển, chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu và khối Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam. Do đó chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng bị tranh chấp, sự bảo vệ chủ quyền trở nên hết sức khó khăn do có nhiều thế lực quốc tế can thiệp.

Ngày 24-8-1951, lần đầu tiên Tân Hoa xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines, và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.

Khi ra thông báo về bản dự thảo Hiệp ước với Nhật ở San Francisco, ngày 15-8-1951, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai ra bản tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là «tính lâu đời» của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo, trong khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc không hề tham dự hội nghị này.

Cũng lợi dụng cục diện chiến tranh lạnh đang xảy ra, để giành giật thế lực ở Biển Đông, phái đoàn Liên Xô đề xuất giao cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đề nghị này đã không được Hội nghị chuẩn nhận, song vẫn là cái cớ để Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lên tiếng. Dù sao, sau năm 1950, ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài nào chiếm đóng, mà chỉ có lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại.

Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định. Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thỏa hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chánh trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.

Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chánh của chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp. Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.

Tháng 4/1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Miền Nam Việt Nam, Philippines nêu vấn đề chủ quyền.

 

D – HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN VIỆC TRUNG QUỐC, PHÁP, VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ CÁC NƯỚC KHÁC TRONG KHU VỰC TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TỪ NĂM 1956 ĐẾN 1975

Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève 20-7-1954, khiến tháng 4/1956 quân Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam, để lại khoảng trống bố phòng ở Biển Đông. Các nước trong khu vực trong đó có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) và Philippines cho đây là cơ hội tốt để chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Khi ấy, quân đội Quốc gia Việt Nam sau gọi là Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Hoàng Sa (Pattle). Ngày 1-6-1956, Ngoại trưởng chính quyền VNCH Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vài hôm sau, Pháp cũng nhắc lại cho Philippines biết những quyền hạn mà Pháp đã có đối với hai quần đảo trên từ năm 1933.

Ngày 22-8-1956, lục hải quân VNCH đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Sau khi trấn giữ ở các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, ngày 22-8-1956, lực lượng hải quân của Chính phủ VNCH đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương quốc kỳ.

Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (Itu – Aba). Ngày 22-10-1956, sắc lệnh số 143–N của Tổng Thống VNCH thay đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ tại “Nam Việt” (Nam Bộ). Trong danh sách các đơn vị hành chánh “Nam Việt” đính kèm theo sắc lệnh có những thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được gọi là tỉnh Phước Tuy và đảo Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Hoàng Sa cùng tên với quần đảo phía Bắc là Paracels.

Trong khi ấy, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng đã nhanh chóng chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boisée), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, song hành với việc Đài Loan chiếm giữ đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Một tình hình hết sức phức tạp, đen tối cho chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Song từ sau Hiệp định Genève mà Trung Quốc cũng đã ký, chính quyền phía Nam mới là chính quyền có trách nhiệm quản lý chủ quyền Ḥoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này nằm phía dưới vĩ tuyến 17.

Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ ủng hộ Tuyên bố 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, và những biểu hiện khác của Chính phủ VNDCCH vào thời gian này không có giá trị pháp lý quốc tế về sự từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa.

Ngày 13-7-1961, Sắc lệnh số 174–N của Tổng thống VNCH đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang.

Trong sắc lệnh trên, ghi rằng: Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam (Điều 1). Đặt đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải dưới quyền một phái viên hành chính (Điều 2). Tháng 2/1959, nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân VNCH bắt và trả lại phía Trung Quốc.

Ngày 13-7-1971, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH, ông Trần Văn Lắm có mặt ở Manila đã lên tiếng nhắc lời yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho những yêu sách đó trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 6-9-1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền VNCH đã sửa đổi việc quản lý hành chính của Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy mà trước đây vào năm 1956, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đã có sắc lệnh gọi quần đảo Spratly là quần đảo Hoàng Sa.

Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo sự nứt rạn không thể hàn gắn giữa Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang ở giai đoạn gần kết thúc. Cục diện chính trị thế giới biến đổi đã ảnh hưởng đến Việt Nam, đến cả sự bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 11-1-1974, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố việc sáp nhập các đảo của quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy của Việt Nam cộng hòa là sự lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 12-1-1974, chính phủ VNCH tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Ngày 15-1-1974, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bắt đầu triển khai một lực lượng hải quân mạnh mẽ trong đó có nhiều tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá và có phi cơ yểm trợ.

Bộ Tư lệnh hải quân VNCH đã điều động tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đến Hoàng Sa để tuần phòng và canh chừng.

Sau khi phát hiện sự có mặt của quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại vùng Hoàng Sa với cờ dựng trên các đảo Quang Anh (Money), Hữu Nhật (Robert), lực lượng quân đội VNCH được tăng cường với khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng, hộ tống hạm Nhật Tảo. Lực lượng tăng cường của Việt Nam cộng hòa có các toán biệt hải được lệnh đổ bộ đến các đảo hạ cờ của quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Vài vụ xô xát đã xảy ra, súng đã nổ trên đảo Quang Hòa (Duncan) và một đảo khác.

Ngày 16-1-1974, chính phủ VNCH đã ra tuyên cáo bác bỏ luận cứ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đưa ra những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của VNCH trên hai quần đảo này.

Hai bên bắt đầu bố trí toàn bộ lực lượng, các chiến hạm hai bên cách nhau chừng 200 m. Sau đó hai bên bỗng tách rời nhau và cuộc hải chiến bắt đầu diễn ra vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 19-1-1974. Một chiến hạm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bị bốc cháy. Các chiến hạm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mang số 281, 182 dồn sức đánh trả khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh. Sau hơn một giờ giao tranh, hai chiến hạm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chìm, hai chiếc khác bị bắn cháy. Bên lực lượng VNCH ngoài hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, còn có một số chiến hạm bị thương tổn, trong đó có một số binh sĩ bị bắt và mất tích. Một người Mỹ tên Gerald Kosh, là nhân viên dân sự thuộc văn phòng Tùy viên quốc phòng Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài gòn, được biệt phái làm liên lạc viên cạnh Bộ chỉ huy hải quân Quân Khu I Việt Nam cộng hòa cũng bị bắt [Nhật báo Chính Luận, số 2982, ngày 31-1-1974]. Kosh được trao trả lúc 12 giờ trưa ngày 31-1-1974. Ngày 17-2-1974, chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho 43 quân nhân và nhân viên của VNCH tại Tân Giới (Hồng Kông).

Lầu Năm Góc được chính quyền Sài gòn yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Arthur Hummel cho chính quyền Sài gòn biết Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Qua thông điệp ngoại giao được gởi đến tất cả các nước ký Hiệp định Paris (1973), chính quyền VNCH nhắc lại sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, yêu cầu Hội đồng Bảo an họp một phiên họp đặc biệt.

Ngày 1-2-1974, chính quyền Sài gòn quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng ở 5 đảo thuộc Trường Sa. Qua Đại sứ ở Manila, chính quyền Sài gòn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngày 1-2-1974, đoàn đại biểu của VNCH ra tuyên bố tại hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển Caracas khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo, tố cáo Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 30-3-1974, đại biểu chính quyền VNCH khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14-2-1975, Bộ Ngoại giao chính quyền VNCH công bố Sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, Pháp xâm chiếm trở lại Việt Nam, dẫn đến cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Pháp vẫn làm chủ Biển Đông và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp định Genève năm 1954 quy định từ vĩ tuyến 17 trở xuống thuộc Chính quyền phía Nam quản lý. Khi Pháp rút quân tháng 4/1956, xảy ra chiến tranh lạnh giữa Liên Xô đứng đấu phe Xã hội chủ nghĩa và Mỹ đứng đầu phe Tư bản chủ nghĩa, Việt Nam bị chia cắt khiến hai chính quyền bị cuốn hút vào sự đối đầu, không có điều kiện bảo vệ toàn vẹn được chủ quyền để cho Trung Quốc chiếm từng phần rồi toàn thể Hoàng Sa, VNCH chỉ trấn giữ quần đảo Trường Sa song lại để cho Đài Loan chiếm đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, để cho Philippines chiếm một số đảo, đá trong đó có Song Tử Đông ở Trường Sa.

Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các nước trong khu vực tranh chấp chủ quyền của Việt Nam cũng như Trung Quốc chiếm giữ trái phép hoàn toàn Hoàng Sa và Trường Sa trong thời kỳ này chính là những biến động chính trị ở Việt Nam cũng như trên thế giới, do Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, không còn bảo vệ đồng minh VNCH, để cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.

 

(xem tiếp bài kế)

1  2  3  4


Những bài về Trường Sa & Hoàng Sa đăng trong sachhiem.net


"Cuộc chiến" không cân sức giữa giới học giả VN và TQ (Đoan Trang)
Ba "Gọng Kìm" (Nam Quốc)
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu. (Hoàng Nguyên Nhuận)
Cuộc biểu tình của giới trẻ trong nước (CLB Nhà Báo Tự Do)
Công lý lịch sử của Hoàng-Trường Sa, ..đến Tòa Khâm Sứ (Ts. Lý Khôi Việt)
Hai bản đồ quý khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa (TS Nguyễn Xuân Diện)
Huyết Lệ Tâm Thư (Minh Mẫn)
Hãy phản đối hành động xâm lược của TQ (Tin)
Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ (TuanVN)
Hồ sơ Biển Đông: ASEAN-Mỹ tăng cường quan hệ (Trọng Nghĩa/ RFI)
Lăng Ba Vi Bộ Với Kissinger(Hùynh Bất Hoặc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Những người đòi bỏ danh dự Tổ Quốc (NMQ)
Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ  (Lê Minh Nghĩa)
Phải chăng TQ & HK ... (Càphêtối)
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc (Đinh Kim Phúc)
Quan Hệ Việt Nam & Trung Quốc Trong 30 Năm Qua-1 (nxb Sự Thật)
Sắc chỉ Vua Minh Mạng về Hoàng Sa được tìm thấy (tin BBC)
Sức mạnh đồng thuận Việt Nam ...(MinhAnh)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trường Sa và Hoàng Sa (Nguyễn Nhã)
Trường Sa và Hoàng Sa -Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp -1 (Hàn Nguyên Nguyễn Nhã)
Trường Sa và Hoàng Sa -Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp -2 (Hàn Nguyên Nguyễn Nhã)
Trường Sa và Hoàng Sa -Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp -3 (Hàn Nguyên Nguyễn Nhã)
Trường Sa và Hoàng Sa -Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp -4 (Hàn Nguyên Nguyễn Nhã)
Trận Hoàng Sa 34 năm về trước
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc (Phạm Hoàng Quân)
Việt Nam Cộng Hòa dâng Đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng (Đặng Văn Hoa)
Vì Lễ Rước Đuốc Olympic 2008 - Thư gửi Thủ Tướng  (Lê Trung Hành)
Vấn đề tên gọi và chủ quyền quốc gia trên vùng biển đông (Đinh Kim Phúc)
“Sóng” Biển Đông Giữa Lòng Hà Nội (TuanVN)

 

Trang Lịch Sử