Vui buồn trên đường dâng sách

Trần Vân Hạc

09 tháng 2, 2010

Đúng trước ngày giỗ Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ 4 ngày, cuốn “Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ” do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm văn hóa Tràng An và Hội những người Yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xuất bản, sọan giả Gia Dũng, hoàn thành. Đây là món quà vô giá dâng lên Anh linh người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm đại lễ của dân tộc 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Theo truyền thống của người Việt, Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ” cùng Trung tâm văn hóa Tràng An, soạn giả - nhà thơ Gia Dũng cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… tổ chức dâng sách ở đền thờ hai Cụ ở Tân Lễ - Thái Bình; Lệ Chi Viên - Bắc Ninh; Khuyến Lương và Nhị Khê - Hà Nội, trong đó có hóa hai cuốn tại Tân Lễ và Nhị Khê.

Khó có thể nói hết niềm vui của những người có tâm, biết hướng về cội nguồn dân tộc. Bởi cái tầm của Cụ Nguyễn Trãi lớn quá, nhiều mặt đi trước thời đại. Còn với Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, đây được coi là ngày giỗ công khai đầu tiên sau 567 năm oan khuất. Hai Cụ mãi mãi đi vào lịch sử trong “tấn bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ và chật hẹp”.

Đến Tân Lễ - Thái Bình, cả đoàn vô cùng phấn khởi vì các cấp Đảng, Chính quyền và bà con không phân biệt tôn giáo chung tay xây dưng khu đền ngày một khang trang. Khu đền không chỉ là nơi thờ cúng hai Cụ, mà còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa: Thành lập và sinh hoạt đều “Câu lạc bộ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ”, lập quĩ khuyến học, động viên khen thưởng những học sinh xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó, những người con của quê hương trên khắp mọi miền Tổ Quốc có công với quê hương đất nước… Bên cạnh đấy, câu lạc bộ còn tổ chức xây dựng tủ sách về Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi… Thường xuyên tổ chức các cuộc đọc sách báo, ngâm thơ… Giúp nhau trong việc xây dựng gia đình văn hóa mới, kinh nghiệm làm giàu, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh, gia đình hạnh phúc, tổ chức các cuộc tham quan danh lam thắng cảnh, những địa điểm tâm linh, thông qua đó tăng cường tình yêu quê hương đất nước, hướng con người đến cái đích của chân, thiện mỹ.

Các cấp Đảng và chính quyền cùng nhân dân nơi đây còn lập một kế hoạch dài hơi, để khu đền trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. Khi ngọn lửa hóa sách bùng lên, trong làn khói huyền ảo, mọi người như thấy hai Cụ mỉm cười độ lượng, bao dung trước tấm lòng của con cháu.

Trên đường đến Lệ Chi Viên, trên xe có Phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Trọng Báu, nhà văn Mai Thục, Luật sư Bùi Phúc Hải - giám đốc Trung tâm văn hóa Tràng An…Càng gần đến Lệ Chi Viên, mỗi người tự nhiên đều kể về những kỷ niệm, những công trình viết về Lệ Chi Viên và Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Khó có thể diễn tả được tấm lòng của những người con của đất nước Việt Nam trước tài năng và tâm đức sáng tựa sao Khuê của hai Cụ, cùng sự tiếc nuối, xót xa, đau đớn trước án oan thảm khốc chưa từng có trong lịch sử.

Mải nói chuyện, xe chúng tôi theo một lộ trình khác với xe dẫn đường từ lúc nào. Chưa nói rằng những người ngồi trên xe đa phần tuổi đã cao, làng quê thay đổi từng ngày nên rất khó nhận biết, nên đành vừa đi vừa hỏi. Song tất cả những người từ già đến trẻ, cả những em đang độ tuổi học sinh PTTH khi được hỏi đều lắc đầu không biết Lệ Chi Viên, nơi có đền thờ Nguyễn Trãi ở đâu. Thậm chí khi xe chỉ còn cách đền thờ có 500m cũng không ai biết, mọi người chỉ biết Thôn Đại Lai, xã Đại Lai. Thậm chí ở thôn Trung Thành, cùng xã Đại Lai cách đường vào đền 500m ở phía trên lại có biển chỉ dẫn: “Lệ Chi Viên cách 50m” (!). Trên xe ai cũng lắc đầu cho sự thiếu hiểu biết về lịch sử. Còn cái biển chỉ đường sai kia có những căn nguyên sâu xa của nó: Đó chính là sự thiếu hiểu biết, cái tâm còn chưa được trong sáng, muốn mượn danh Lệ Chi Viên làm đẹp cho tính cục bộ địa phương của mình (!).

Một cán bộ xã nói với chúng tôi: “Chúng tôi cũng biết đấy là biển chỉ đường sai nhưng chưa dỡ đi được vì đó là văn hóa”. Xin thưa với các anh chị cán bộ xã Đại Lai: Nếu còn để cái biển chỉ đường sai kia mới là thiếu văn hóa. Việc nhân dân không biết Lệ Chi Viên ở đâu là do trách nhiệm của nhiều cơ quan ban ngành, không thể trách những người dân hiền lành, chỉ biết một nắng hai sương, tần tảo mưu sinh; không thể trách các em học sinh khi chúng không được dạy một cách chu đáo, không được các thầy cô giáo đưa đến thăm viếng đền.

Chúng tôi cũng rất thông cảm với các anh chị cán bộ xã, bởi việc xây dựng Lệ Chi Viên quá lớn, đòi hỏi sự chung tay của nhiều lực lượng trong tỉnh và cả nước, trong khi các anh chị tuy đã cố gắng rất nhiều nhưng lực bất tòng tâm. Còn việc giáo dục cho người dân biết về lịch sử đất nước, hiểu về lịch sử quê hương có tầm quan trọng như thế nào ai cũng biết, song thực hiện được và được chú ý ở mức nào sao mà khó đến thế. Đây là một minh chứng cho câu hỏi: Tại sao ở các kỳ thi đại học, điểm môn sử bao giờ cũng rất thấp. Chúng tôi đề nghị với lãnh đạo xã nhiều việc, trong đó có việc xây dựng Lệ Chi Viên xứng với tầm vóc lịch sử và tháo dỡ cái biển chỉ đường sai kia xuống, dựng một biển chỉ đường đúng chỗ, bởi đấy không chỉ là biển chỉ dẫn thông thường, mà đó còn là một trong những cách giáo dục thường xuyên, để Lệ Chi Viên đi vào lòng người. Còn hôm ấy sau khi dâng sách và trao bản thiết kế tổng thể khu Lệ Chi Viên cho xã ra về, trong lòng mọi người cứ day dứt một câu hỏi: “Lệ Chi Viên ở đâu”?

Đền thờ Cụ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê có từ lâu đời nên thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước, nhiều em học sinh đến kính lễ, cầu mong vầng sao Khuê sẽ soi rọi những trang sách và tiếp lửa cho niềm tin và nghị lực của các em trong bước đường học tập, rèn luyện và phấn đấu. Khu đền đã được phê duyệt mở rộng, nâng cấp. Trong lễ hóa sách, tất cả đều kính cẩn chắp tay thành kính cúi đầu, cả những du khách nước ngoài khi hiểu được ý nghĩa cao đẹp ấy cứ xuýt xoa cảm phục.

Tại Khuyến Lương, nơi xưa Cụ Nguyễn Trãi lui về “Góc thành nam, lều một gian”, nơi duy nhất có đền thờ riêng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, mà nếu không nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đứng ra vận động quyên góp tôn tạo thì đã trở thành phế tích từ lâu. Ai cũng tiếc nuối nếu như được UBND TP Hà Nội quan tâm đúng mức, thì khuôn viên và tầm vóc khu đền sẽ lớn hơn hơn nhiều, xứng với tầm vóc lịch sử của những người con của dân tộc đã ngã xuống vì sự trường tồn của non sông đất nước. Các cán bộ địa phương cùng đến dự lễ dâng sách cùng đoàn.

Chúng tôi gặp cô gái trẻ Thạch Thanh Thủy, làm nghề kinh doanh ở 130 Lĩnh Nam, Hà Nội nhớ ngày giỗ hai Cụ đã đến thắp hương với tất cả lòng thành kính của mình. Cô gái đưa cho chúng tôi cuốn tạp chí: “Phong cách” tháng 9. 2009 có bài: “Nguyễn Thị Lộ và những nỗi niềm” của tác giả Bùi Anh Tấn (trang 181 – 182), Thanh Thủy hỏi: “Các bác ơi! Sao cho đến bây giờ vẫn có người nói những lời không đúng về Cụ, mà tại sao tạp chí ấy lại đăng những bài như thế ạ?”. Chúng tôi cùng đọc bài của Bùi Anh Tấn, tuy tác giả có mở ngoặc là “tóm lược”, nhưng tất cả những cái gọi là ‘tóm lược” ấy chỉ để phục vụ mục đích của cá nhân ở phần cuối với cái tiểu mục: “Vĩ thanh - những nỗi niềm còn lại”. Trong phần này tác giả chỉ trích: “Sự suy tôn quá đáng, biến bà Nguyễn Thị Lộ thành bậc thần thánh bằng những danh xưng Thánh Mẫu, Đức Bà… rất giống những ông hoàng bà chúa… của tín ngưỡng dân gian đồng bóng”. Tác giả còn dẫn ra những tình tiết không trung thực, bỉ bôi những việc làm đầy tình nghĩa của những người có lòng yêu kính Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, tỏ rõ thái độ coi thường hai Cụ như: “Chuyện trước khi đắp tượng bà, người ta đã ngồi thiền hai ngày để xin “Đức Bà” hiện về cho thấy dung nhan… Sau đó một nhà ngoại cảm (khá tên tuổi) đã đến khấn vái gọi hồn Nguyễn Trãi lẫn bà Nguyễn Thị Lộ lên nói chuyện. Kết quả hai ông bà đã về tâm sự những điều rất hay, rất chính trị”. Kết bài tác giả hạ một câu: “Thánh Mẫu, Đức Bà hay Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, cuối cùng có hơn chăng là hạnh phúc của cô bán chiếu gon ven đường sống cùng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi… Bà đã là nhánh lan rừng rực rỡ, thơm ngát ôm lấy cây bách Nguyễn Trãi cùng tỏa hương cho đời. Sá gì một danh xưng phải không thưa bà Nguyễn Thị Lộ?”.

Người viết bài này tin chắc tác giả bài viết kia không biết rằng đã có cuộc hội thảo khoa học lớn về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ do lãnh đạo xã Trần Phú, nơi có đền thờ riêng Cụ Nguyễn Thị Lộ, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam do Tổng thư ký Hội Dương Trung Quốc, Giáo sư Vũ Khiêu làm đồng chủ tọa, ngày 19-12-2002 và sau đó ra đời tập Kỷ yếu nhan đề: “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004). Trong đó có nhiều bài tham luận rất quan trọng, có giá trị đặc sắc và có sức thuyết phục cao của nhiều nhà trí thức hàng đầu Việt Nam, như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Tiến sỹ Đinh Công Vĩ… Chính thiếu tướng, nhà văn Chu Phác, trong bài: “Không phải chỉ có đền to phủ lớn mới linh thiêng…” đã kể lại chuyện nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cùng họa sỹ Trịnh Yên ngồi thiền mấy đêm liền rồi may mắn được Đức Bà hiển linh, kịp cho họa sỹ Trịnh Yên ghi lại dung nhan. Hình ảnh ấy cũng trùng hợp với vong linh đã đón và đưa thiếu tướng, nhà văn vào đền trước đó. Còn chi tiết tác giả nêu mời một nhà ngoại cảm gọi hồn hai Cụ, thì xin thưa hôm đó có sự chứng kiến của Giáo sư Vũ Khiêu cùng nhiều nhà nghiên cứu đáng kính khác. Tác giả Bùi Anh Tấn cũng chưa hiểu thấu đáo cuộc đời và vai trò lịch sử của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, cũng như Thái hậu Dương Vân Nga, An Tư công chúa…

Liệu sự học cùng tài và tâm của tác giả Bùi Anh Tấn có bằng giáo sư Vũ Khiêu, thiếu tướng - nhà văn Chu Phác, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cùng rất nhiều nhà khoa học đã tham gia Hội thảo minh oan, trả lại chân giá trị cho Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ hay không? Nhân dịp ngày giỗ hai Cụ, tác giả không viết được một lời tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, lại có những lời lẽ tỏ ý miệt thị cay nghiệt và vô lễ như vậy có nên chăng?

Thật đáng buồn cho người cầm bút khi hiểu biết có hạn, lại cộng với cái tâm không trong sáng thì hậu quả khôn lường, bởi “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm thầy địa lý mà lầm thì giết một họ, làm chính trị mà lầm thì giết một nước, làm văn hoá mà lầm thì giết cả một đời”.

Còn cô gái Thanh Thủy cùng nhân dân cả nước đều có thể gọi Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ với danh xưng: “Thánh Mẫu” hoặc “Đức Bà” mà không e ngại ai đó nói là sự tôn sùng quá đáng theo kiểu “đồng cô bóng cậu”. Bởi nhân dân ta luôn công bằng và biết trân trọng sự hy sinh của những người anh hùng dân tộc. Chính những vị thần trong “Tứ bất tử” cùng nhiều vị thần, thánh khác trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, phần lớn đều là những người anh hùng dân tộc được nhân dân ta tôn vinh. Đấy là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”.

Chuyến đi dâng và hóa sách đem lại niềm vui, lòng tự hào, sự thanh thản và củng cố niềm tin cùng nghị lực cho bao người. Song cũng man mác nỗi buồn, chẳng khác nào đang thưởng thức khúc nhạc về tình yêu cuộc sống tuyệt vời bỗng lạc vào một âm thanh chói tai, phá đám, dẫu không thể làm hỏng cuộc vui, nhưng cũng làm cho mọi người nhăn mặt khó chịu.

6.10.2009

 

PS: Thư của tác giả gửi SH liên hệ đến việc dâng sách:

(ngày: Sunday, October 18, 2009 3:01 PM)

Ngày 16.8 âm là ngày giỗ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ, Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ phội hợp in cuốn Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ, tổ chức đi dâng sách ở các đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, hóa sách ở hai nơi: Tân Lễ, Thái Bình, nơi có tượng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ và đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Hà Nội, tuần sau chúng tôi đi dâng sách ở Côn Sơn.

Trân trọng!

 

Trần Vân Hạc


Bài liên hệ:

- Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)

- Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)

- Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)

- Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)

 

Những bài của tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học Xã Hội