Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông

Vân Hạc

25 tháng 8, 2010

 

Đấy là con sông Thạch Hãn chảy bên thành cổ Quảng Trị, thành cổ năm 1972 đã được coi là: “Cối xay thịt” và con sông hiền hòa trong xanh kia là: “Dòng sông máu”, xương thịt và máu của bao chiến sỹ anh hùng đổ xuống cho quê hương đất nước.

Từ ngày xuất ngũ, hình ảnh Quảng Trị những ngày máu lửa trong chúng tôi không lúc nào nguôi. Ngày ấy những bạn bè đồng trang lứa chúng tôi ra chiến trường như trẩy hội, lòng phới phới niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. Khó có thể nói hết những hiểm nguy rình rập từng giây, bom, đạn, B525, chất độc mầu da cam, pháo kích, biệt kích, sốt rét rừng… bao đồng đội của tôi đã ở lại vĩnh viễn trên mảnh đất này.

Những ngày máu lửa năm 1972 ấy, chúng tôi ở trung đoàn 38 pháo binh tầm xa, đóng ở miền tây Quảng Trị với nhiệm vụ chi viện cho việc bảo vệ thành cổ, nhìn xuống khu thành cổ mà xót xa vô cùng. Không phút nào ngớt tiếng đạn bom, trên bầu trời khu thành cổ nhỏ bé lúc nào cũng mù mịt khói bụi như một cột nấm khổng lồ, vậy mà vẫn thấp thoáng bóng mũ tai bèo, đây đó vang lên những điểm xạ AK quen thuộc, những phát B41 đanh gọn… Nhưng ngày đó, tại thị xã nhỏ bé có chu vi hơn 2. 184m  này, địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 – 170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần máy bay B52, 12 – 16 tàu khu trục, tuần dương hạm, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn… Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác.

Bao năm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Đây Vĩnh Linh. Đây Cồn Tiên Dốc Miếu, Cam Lộ. Phía xa kia là La Vang, Tích Tường, Hải Lăng, Triệu Phong… Chúng tôi không sao kìm được nỗi xúc động cứ từng đợt dâng nghẹn trong lòng. Đây Cam Lộ là nơi Nguyễn Xuân Quang bạn của chúng tôi, người lính đầu tiên đợt ấy nằm lại bên sông. Đây là nơi anh Vải, anh Sình… bị bom dội trúng, và bao chiến sỹ chúng tôi không biết tên không bao giờ trở về quê hương yêu dấu được nữa. Các anh đã hòa vào đất mẹ, trở thành da thịt của Tổ quốc thân yêu.

Tượng đài trái tim

Bên đầu cầu sông Thạch Hãn vươn cao lồng lộng tượng đài 20 trái tim của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca. Bao tháng năm những trái tim vẫn đỏ tươi nhiệt huyết. Những trái tim như những nốt nhạc ngân giữa đất trời tự do, vang mãi khúc quân hành, như những giọt nước mắt đau thương của đất trời khóc cho một thời lửa đạn, đất nước chia cắt như thân thể bị chia lìa.

Dòng Thạch Hãn êm đềm trong xanh, sóng nước lao xao như thấp thoáng những bóng mũ tai bèo. Đôi bờ cỏ xanh vô tư ngập tràn bờ bãi kia có bao đồng đội của chúng tôi và những người dân hiền lành đã nằm lại? Dòng nước mặn mòi kia hòa bao máu của bao người? Những hạt phù xa ươm vàng mùa no ấm kia có bao xương thịt của những người lính trẻ? Đâu đây như vẫn cất lên từ sâu thẳm tiếng gọi: “Mẹ ơi!” của những đứa con yêu trước khi bị dòng nước xiết cuốn đi. Bao gia đình yên vui hạnh phúc hôm nay đã thấm những trang thư tâm huyết của những người lính trẻ viết vĩnh biệt Mẹ, vĩnh biệt người yêu, vĩnh biệt thầy giáo, vĩnh biệt bạn bè, vĩnh biệt đồng lúa bờ tre trước khi đi vào chiến trận? Để rồi khi đọc lại vần thơ của người cựu chiến binh trở về viếng đồng đội, chúng tôi không ai cầm được nước mắt:

Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

(Lê Bá Dương)

Ôi có nơi nào trên trái đất này có nghĩa trang không một nấm mồ, không rõ số lượng người hy sinh, không biết tên những người đã mất? Dòng sông bao dung dang tay ôm các anh vào lòng. Các anh hóa tượng đài bất diệt trong lòng Tổ Quốc!

Dòng sông Thạch Hãn - hoa lửa

 

Chúng tôi mời các vị cao tăng cầu siêu cho các linh hồn liệt sỹ và các oan hồn trên sông Thạch Hãn. Tiếng cầu kinh như lay động đất trời, con thuyền bát nhã và những ngọn đèn cứ trôi quanh con thuyền hành lễ, mãi không chịu xuôi dòng. Ôi! Có phải linh hồn các anh thấu cho lòng thành, quyến luyến bên đồng đội.

Đã có bao nhiêu cuộc đại lễ cầu siêu như thế. Linh hồn những người lính trẻ có siêu thoát và hoàn sinh? Chỉ biết rằng đất nước có được như hôm nay có sự hy sinh to lớn của các anh trên chiến trường ngày ấy! Chúng tôi thắp nén hương trầm, thả con thuyền Bát Nhã cùng những ngọn đèn trên sông, cầu mong cho các hương linh về tịnh độ. Trong đêm dòng sông như dòng sông lửa, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để sống, chiến đấu thay cho cả các anh.

Trần Vân Hạc  

 

Những bài cùng tác giả:

Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Lịch Sử