●   Bản rời    

LSHK-25- Thời Đại Máy Móc Làm Biến Đổi Đời Sống Ở Thành Thị Cũng Như Ở Nông Thôn

LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK25.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 26-Jun-2023

(tiếp theo Chương hai mươi bốn)

 

MỤC VIII

NHỮNG HOÀN CẢNH MỚI LÀM THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG HOA KỲ

Các bạn đã theo dõi những tiến bộ của Hoa Kỳ ở trong các mục đầu của sách này. Các bạn đã được biết về việc khám phá ra Mỹ Châu cũng như công cuộc định cư lập nghiệp ở miền đất này, và sự cách biệt với cựu thế giới. Các bạn đã thấy rằng quốc gia trẻ này phát triển mạnh và được các quốc gia khác kính nể. Sau cuộc chiến tranh phân ly tàn hại lan rộng khắp lục địa, quốc gia Hoa Kỳ lại thống nhất trở lại. Các bạn cũng đã được biết những thay đổi về giao thông, chuyển vận, kỹ nghệ và canh nông đã biến đổi Hoa Kỳ thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới.

Nhưng quốc gia là gì ? Một quốc gia được tạo thành bởi những cá nhân nam nữ từ những người lớn tuổi cho đến những thanh thiếu niên như chúng ta. Cái gì đã làm cho quốc gia được hùng mạnh và vĩ đại ? Các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tài đức không thôi cũng chưa đủ, mà còn phải cần có một dân tộc  biết nhìn về tương lai và phải có ý chí để biến một giấc mơ thành sự thật. Lịch sử của một quốc gia đúng ra là lịch sử của những công trình mà dân tộc đó đã tích lũy tạo nên.

Mục này nói về dân tộc Hoa Kỳ.

Chương 25 sẽ bàn về một vài ảnh hưởng và hậu quả của thời đại máy móc đối với dân chúng. Các bạn sẽ thấy rằng từ năm 1865, dân số Hoa Kỳ đã gia tăng một cách nhanh chóng. Trong những năm vào thời kỳ cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX, nhu cầu cần nhiều nhân công cho các nhà máy và các hầm mỏ đã lôi cuốn một số lớn người di cư đến đất nước này. Sự lớn rộng và ồn ào của các thành phố lớn vào bậc nhất của Hoa Kỳ đã làm cho những người mới di cư đến Hoa Kỳ phải kinh sợ. Nhà chọc trời, xe hơi, xe chạy trên cao, tất cả là những dấu hiệu của thời đại máy móc đã làm cho các đô thị của Hoa Kỳ phát triển về cả tầm vóc cũng như về số lượng. Sự phát triển về kỹ nghệ đồng thời cũng làm thay đổi lối sống ở thành thị cũng như ở nông thôn.

Không phải tất cả những thay đổi những lối sống đều tốt cả. Chương 26 sẽ bàn về những cố gắng để vượt qua một vài khó khăn trong đời sống Hoa Kỳ. Đồng thời chương này cũng nói về những thay đổi về giáo dục, văn chương, khoa học, nghệ thuật, vàn hững cách tiêu khiển trong giờ nhàn rỗi.

 

pypypy

CHƯƠNG XXV

THỜI ĐẠI MÁY MÓC LÀM BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG Ở THÀNH THỊ CŨNG NHƯ Ở NÔNG THÔN

Mãi tới tháng 8 năm 1956, người cựu chiến binh cuối cùng của quân đội Liên bang trong thời nội chiến mới từ giã cõi đời này. Ông Albert Woolson, người cựu chiến binh già đó chào đời vào năm 1847 và thọ được 109. Hình như điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là cuộc đời của ông Woolson dài hơn một nửa lịch sử Hoa Kỳ này.

Chúng ta hãy suy nghị về những biến đổi mà ông Woolson đã chứng kiến trong lối sống của chúng ta ! Khi ông chào đời, lúc đó quốc gia này mới có 29 tiểu bang. Dân số Hoa Kỳ lúc đó chỉ có khoảng chừng 23 triệu dân, và thành phố lớn nhất trong toàn quốc chỉ có chừng 500 ngàn dân. Đồng thời vào khi ông Woolson sinh ra đời lúc bấy giờ không có đèn điện, không có điện thoại và dĩ nhiên không có vô tuyến truyền thanh cũng như truyền hình. Khoảng chừng 45 năm sau, người ta mới phát minh ra xe hơi. Và 22 năm sau mới có một đội chơi bóng bầu dục (football) đầu tiên của đại học. Khi ông Woolson được 50 tuổi, người ta mới phát minh ra bóng rổ. Chúng ta còn có thể kể thêm được rất nhiều những biến đổi khác nữa.

Chương này chúng ta sẽ bàn về việc phát triển kỹ nghệ đã lôi cuốn một số người nhập cư vào quốc gia này. Chúng ta cũng sẽ được biết thời đại máy móc đã làm cho đời sống Hoa Kỳ ở thành thị cũng như ở nông thôn thay đổi rất nhiều. Chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây :

1/ Việc phát triển kỹ nghệ đã lôi cuốn dân nhập cư vào quốc gia này như thế nào ?

2/ Từ khi nội chiến, tại sao các thành phố đã phát triển quá mau như vậy?

3/ Lối sống ở trong các thành phố Hoa Kỳ đã thay đổi như thế nào ?

4/ Lối sống ở trong nông thôn cũng như tại các thị trấn nhỏ đã thay đổi ra làm sao ?

PHẦN I

VIỆC PHÁT TRIỂN KỸ NGHỆ ĐÃ LÔI CUỐN DÂN NHẬP CƯ VÀO QUỐC GIA NÀY NHƯ THẾ NÀO ?

- Hoa Kỳ là một quốc gia của những người di cư.

Tất cả chúng ta là những người di cư hay là con cháu của những người di cư. Thật ra, giấc mơ Châu Mỹ được coi là "Mảnh đất của dịp may thứ hai" đã đóng một vài trò rất quan trọng trong việc phát triển quốc gia Hoa Kỳ này. Từ thời kỳ đầu tiên cho đến những người từ các quốc gia khác nhập cư vào Hoa Kỳ trong những những ngày gần đây đều hiểu được những lời lẽ trong những câu thơ dưới đây của William Culln Bryant

"Tự do ở ngay cổng vào của các bạn

Đây là nơi dừng chân của những người bị áp bức,

Nơi tá túc của những người tù tội đang bị truy lùng,

Nơi cung cấp ruộng đất và bánh mì cho những người đói khổ."

Bị thúc đẩy bởi những giấc mơ này, những người di cư từ nhiều nơi trên thế giới đã đến đây để mưu tìm tư do, nơi ẩn náu cũng như công ăn việc làm.

- Lúc đầu không có nhiều người di cư đến Mỹ Châu.

Trong thế kỷ thứ XVIII, người ta phải can đảm lắm mới dám vượt đại dương và đến lập nghiệp ở miền hoang vu thảo dã. Khi mà vùng duyên hải Đại Tây Dương càng ngày càng có nhiều người di cư đến lập nghiệp thì lại càng có nhiều người từ Âu châu đến định cư ở các thuộc địa Anh. Tuy nhiên, kể từ khi có khu định cư đầu tiên của người Anh cho đến 200 năm sau đó, con số những người mới tới đất Mỹ châu này vẫn còn rất ít. Hầu hết những người di cư đến đây lúc đầu đều là những người làm ruộng. Nhưng khi mà các đô thị càng phát triển thì càng có nhiều người quay ra làm nghề buôn bán, thủ công nghiệp, làm luật sư, làm mục sư...

Vì rằng lúc bấy giờ 13 thuộc địa nằm trong vòng kiểm soát của Anh quốc, cho nên hầu hết những người di cư trong thế kỷ thứ XVII là những người từ Anh quốc đến. Tới thế kỷ thứ XVIII có một sốc người Tô Cách Ái Nhĩ Lan và người Đức đến các thuộc địa Anh quốc. Như chúng ta đã được biết trước đây, người Tô Cách Ái Nhĩ Lan trở thành những người nổi tiếng ở vùng biên cương. Họ đi sâu vào trong lục địa ở các vùng như Pennsylvania, Virginia, Carolina, và họ có thể tiến sang cả bên kia dãy núi Appalaches tới tận vùng Kentucky và Tenneessee. Có nhiều người đến định cư ở miền Nam Pennsylvania. Những người Pennsylvania gốc Dutch này thiết lập những căn nhà đá chắc chắn và các nhà kho chứa lúa to lớn ở trong các trại ấp phì nhiêu sầm uất của họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng có một số người không tự ý đến Mỹ Châu này. Đã từ lâu, có nhiều người từ Phi châu bị cưỡng bách đem đến Châu Mỹ. Thay vì đến đây để tìm tự do và mưu tìm một đời sống tốt đẹp hơn thì thực ra họ bị bọn buôn bán nô lệ bắt họ từ Phi Châu đem bán cho người ta làm nô lệ ở Mỹ châu.

- Châu Mỹ phát triển lôi cuốn thêm nhiều người di cư đến.

Không ai biết đúng là có bao nhiêu người đã tới nơi mà ngày nay gọi là Hoa Kỳ. Thực ra là cho đến năm 1820, đã không thực hiện một cố gắng nào để kiểm tra xem có bao nhiêu người di cư đến. Tuy nhiên, từ năm 1820 trở đi có khoảng chừng 45 triệu người gồm cả nam nữ, người lớn và trẻ em đã nhập cư vào quốc gia này.

Tại sao vào đầu thế kỷ thứ XIX chỉ có một số người di cư đến đây mà đến cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX này, con số những người di cư lại trở thành một làn sóng tràn vào đất nước Hoa Kỳ ? Câu trả lời là Mỹ châu đang được phát triển càng ngày càng hiến cho người ta có cơ hội tốt. Một điều nữa là trong thời gian này rất dễ cho người di cư đến Châu Mỹ để tìm kiếm đất canh tác. Khi mà vùng biên cương càng tiến xa hơn về phía Tây thì có  nhiều gia đình mà đa số họ là những người di cư đến lập trại ấp ở các vùng đất mà ngày xưa còn là một khu rừng hay cánh đồng cỏ mênh mông vô tận.

Còn một điều quan trọng hơn nữa torng việc lôi cuốn người di cư đến Hoa Kỳ là việc phát triển k ỹ nghệ. Các bạn còn nhớ rằng trong nửa đầu thế kỷ thứ XIX, các nhà máy kỹ nghệ và các xưởng máy đã mọc lên như nấm ở các miền Đông Bắc. Cần phải có nhiều công nhân để điều hành máy móc trong các xưởng kỹ nghệ. Cũng cần phải có những người khác để chuyên chở và bán các hàng hóa kỹ nghệ này. Việc thành lập và điều hành các đường xe lửa cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm. Sau năm 1865, con số công nhân cần để cung ứng cho các nhà máy kỹ nghệ cũng gia tăng dữ dội. Lúc đó, Hoa Kỳ phải cần tới 2 triệu công nhân đến làm việc trong các hầm mỏ, xây nhà cửa, cầu đường, thiết lập các nhà máy kỹ nghệ và điều hành máy móc cũng như chuyên chở các hàng hóa từ các nhà máy đế nơi người ta có thể sử dụng được.

- Trong thế kỷ thứ XIX, hầu hết dân di cư là người từ Âu châu đến.

Dân từ nhiều nước đổ xô nhập cư vào quốc gia này. Cho đến thập niên 1890, phần lớn những làn sóng của người mới tới là những người từ các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu. Tuy nhiên, dần dần cũng có thêm người di cư từ những nơi khác đế nữa.

+ Một số lớn người Ái Nhĩ Lan di cư đến – Từ thời thuộc địa cho tới sau này đã có nhiều người từ Ái Nhĩ Lan di cư đến. Chẳng hạn như ông John Barry, người gốc Ái Nhĩ Lan, đã từng là một sĩ quan Hải quân xuất sắc trong thời chiến tranh cách mạng. Nhiều người Ái Nhĩ Lan phải rời bỏ quê hương để trốn khách thống trị hà khắc của người Anh. Cũng có nhiều người phải lìa bỏ Ái Nhĩ Lan vào thập niên 1840 vì nạn đói tàn phá quê hương đất nước của họ. Từ năm 1820 đến năm 1850, số người Ái Nhĩ Lan đến Hoa Kỳ lập nghiệp nhiều hơn bất cứ từ quốc gia nào khác.

Phần lớn những người di cư Ái Nhĩ Lan này thích sống ở trong các thành phố Hoa Kỳ. Nhiều người làm các công việc ở nhà máy kỹ nghệ như là cảnh sát và lính cứu hỏa. Vì họ rất chú ý đến các vấn đề chính trị nên có những người khác đã chiếm được những địa vị có ảnh hưởng lớn và bước lên hàng lãnh đạo trong chính quyền Trung ương. Hàng ngàn công nhân Ái Nhĩ Lan làm việc trong các công việc đào kênh, lập đường xe lửa, và như vậy họ là những người đã đóng góp công lao đáng kể vào công cuộc xây dựng nước Hoa Kỳ tân tiến của ngày nay.

+ Những người Đức di cư đến. – Làn sóng di cư khác nữa đến từ nước Đức. Sự bất ổn về chính trị và những thất bại về cách mạng vào cuối thập niên 1840 đã khiến cho nhiều người Đức đi tìm tự do ở Mỹ châu. Ông Carl Schuz, người sau này trở thành một nàh báo và một chính khách, là một trong những người Đức di cư này. Có hàng ngàn người Đức khác tới đây để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ năm 1850 đến năm 1900, người Đức dẫn đầu các nước khác về con số người di cư đến Mỹ châu. Phần lớn những người từ Đức di cư đến lập nghiệp ở miền Trung Tây. Họ trở thành những nhà nông giàu có, và cũng là những người có công trong việc mở mang các tiểu bang mới ở vùng này.

+ Những người từ các quốc gia Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch di cư đến. – Trong khi vẫn có nhiều người từ Đức di cư đến thì cũng có một số lớn người từ các quốc gia Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch di cư đến. Những người từ các quốc gia trên đây đến Hoa Kỳ đông nhật vào thập niên 1880. Giống như những người từ Đức đến,   những người từ Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch đến cũng rất thích trồng trọt. Hầu hết họ lập ngiệp ở các tiểu bang miền Trung Bắc, đặc biệt là tiểu bang Minnesota và Dakota. Những người Hoa Kỳ mới cần cù này đã đến định cư ở đây và tạo nên những ấp trại trù phú.

- Làn sóng người di cư từ miền Đông và miền Nam Âu châu đến

Từ khoảng năm 1890 đến thập niên 1920, hầu hết người di cư đến Hoa Kỳ không phải từ miền Tây và Bắc Âu châu nữa mà từ miền Đông và miền Nam Âu châu đến. Những người mới tới này là những người từ các quốc gia Ý, Nga, Ba Lan và những miền thuộc các quốc gia Áo và Hung Gia Lợi cùng những quốc gia torng vùng bán đảo Balkan. Trong những năm này có nhiều người di cư đến Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.

Hầu hết những người từ miền Nam và miền Đông Âu châu đến kiếm công ăn việc làm ở trong các hầm mỏ và ở trong các nhà máy kỹ nghệ. Như vậy là họ đến lập nghiệp ở trong các thành phố kỹ nghệ. Đây là những năm mà Hoa Kỳ trở thành cường quốc kỹ nghệ.

Không phải tất cả những người mới di cư đều kiếm xông ăn việc làm ở trong các xưởng máy kỹ nghệ. Cũng có nhiều người hoạt động torng ngành kinh doanh ở trong các thành phố lớn, giúp ích cho công cuộc phát triển ngành thương mại của Hoa Kỳ.

- Người Do Thái ở Hoa Kỳ.

Sau năm 1890, nhiều người từ miền Đông Âu châu đến là những người Do Thái trốn bỏ nước Nga đến. Đã từ mấy trăm năm, những người Do Thái không có quê hương sống thành từng nhóm nhỏ ở rải rác nhiều nước. Vì rằng thỉnh thoảng họ bị hết nước này đến nước khác ngược đãi cho nên ngay từ thuở ban đầu người Do Thái đã đến định cư ở Châu Mỹ này.

Thật sự những người Do Thái đầu tiên đã đến đây từ thời trước chiến tranh cách mạng ở Hoa Kỳ. Thời thuộc địa đã có một số người Do Thái đến Rhode Island để được tự do tín ngưỡng. Trong thời chiến tranh cách mạng, ông Haym Salomon, một nhà ngân hàng ở Philadelphia, đã góp một số tiền lớn (Phần lớn số tiền này là của ông) để trợ giúp cho công cuộc chiến đấu giành độc lập cho Hoa Kỳ. Hầu hết họ đến định cư lập nghiệp ở trong các thành phố. Họ trở thành bác sĩ, luật sư, hay các nhà kinh doanh và đã làm cho nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và sân khấu Hoa Kỳ trở nên phong phú.

Những người Do Thái di cư đến Hoa Kỳ không đại diện cho một chủng tộc riêng biệt nào. Trải qua bao nhiêu thế kỷ bị ngược đãi, họ đoàn kết chặt chẽ với nhua và kiên quyết trung thành với đạo Hebrew cổ xưa của tổ tiên họ.

PHẦN II

TẠI SAO TỪ THỜI NỘI CHIẾN, CÁC THÀNH PHỐ ĐÃ PHÁT NHANH CHÓNG NHƯ VẬY ?

Hậu quả rất quan trọng của việc phát triển kỹ nghệ là việc mở mang các thành phố của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là trước năm 1865, đã có nhiều thành phố, và nhiều thành phố đã có từ khi lịch sử của quốc gia này mới bắt đầu. Tuy nhiên, khi mà Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ nghệ thì các thành phố đã phát triển một cách rất mau lẹ về cả con số lẫn tầm vóc.

Mỗi một cộng đồng địa phương có một lịch sử riêng biệt, nhưng trong nhiều phương diện, việc phát triển các thành phố và thị trấn hầu như gần giống nhau. Các đoạn văn dưới đây sẽ cho các bạn thấy việc mở mang một thị trấn ra làm sao.

- Làng mạc được thành lập trên bờ sông.

Trong hậu bán thế kỷ thứ XVIII, người tiền phong đi lập nghiệp vượt qua những khu rừng rậm dừng lại trên bờ một dòng sông. Anh ta phải tìm một nơi để dựng nhà. Sau một ít ngày thăm dò những vùng chung quanh, anh ta quyết định lập một căn lều ở gần dòng sông đó.

Không bao lâu, có thêm một số gia đình mới đến đây lập nghiệp và nơi này phát triển thành một làng. Làng này, ngoài nhà cửa của người định cư ra, còn có một tiệm bán hàng hóa, và các tiệm bán hàng khác. Lại có các nhà máy xay bột, nhờ sức nước của dòng sông này để quay bánh xe quay nước của nhà máy. Đồng thời cũng có một nhà máy cưa được thành lập.

- Tàu chạy bằng hơi nước và một kênh đào đã giúp cho làng được mở mang.

Vào khoảng năm 1825, người ta thường đào một con kênh để nối liền khu định cư này với khu định cư khác, và với một con sông lớn hơn chạy tới Đại Tây Dương. Trên con sông lớn này, có những giang cảng nơi mà các tàu thuyền lớn có thể bốc dỡ hàng hóa được. Nững tàu thuyền nhỏ hơn có thể đi lại trên sông này chạy qua làng. Dân làng nói chuyện về những chiếc tàu chạy bằng hơi nước có thể chạy ngược xuôi qua lại dễ dàng trên nhiều con sông. Họ tự hỏi "Tại sao lại không có tàu chạy bằng hơi nước chạy trên con sông của chúng ra ?" Không bao lâu, tàu chạy bằng hơi nước nhộn nhịp phùn phụt nhả khói, xuôi ngược giữa hai bên bờ sông có hàng cây rủ bóng. Khi mà có nhiều tàu thuyền buôn bán đi lại trên ocn sông này, thì hầu hết các tàu thuyền này ghé bến tàu của làng thôn để bốc dỡ hàng hóa để chuyển vện qua kênh. Rồi thì người ta thiết lập các nhà kho. Càng ngày càng có nhiều người hoạt động về buôn bán mậu dịch.

- Làng trở thành thị trấn, một trung tâm hỏa xa và trung tâm kỹ nghệ.

Sau khi khánh thành con kênh này được mười lăm năm, người ta thấy xuất hiện những người công nhân vạm vỡ ồn ào. Họ khởi công đặt đường xe lửa chạy qua thành phố. Không bao lâu, họ làm xong quãng đường này và họ mở rộng con đường rầy này càng xa hơn về phía Tây. Mọi người đàn ông, đàn bà, và trẻ em trong thành phố kéo  đến tụ tập ở nhà ga xe lửa đầu tiên từ miền Đông phùn phụt phun khói quát tháo ầm ầm chạy đến rồi dừng lại ở nhà ga mới. Tuy nhiên, không bao lâu, các đường xe lửa từ tỉnh này chạy tỏa ra khắp mọi nơi, và xe lửa trở thành một cảnh rất thông thường.

Có thêm nhiều gia đình kéo đến tỉnh này lập nghiệp. Lúc này nơi đây có thể gọi là một thị trấn. Dần dần người ta thiết lập các khu nhà máy chế tạo hàng hóa và các nhà máy khác, vì thị trấn đã có rất nhiều phương tiện chuyên chở. Có hàng trăm công nhân làm việc ở các nhà máy kỹ nghệ. Vì rằng thành phố là nơi nối liền của nhiều đường xe lửa chạy qua, cho nên người ta phải thiết lập một sân ga để bốc dỡ hàng hóa, các tàu nối toa và sửa chữa. Nhiều người làm việc ở torng sân ga xe lửa này. Mỗi một kỹ nghệ mới lại lôi cuốn một số người khác vì rằng một kỹ nghệ mới lại có ích lợi cho những người liên hệ ở gần đó. Khi mà con số công nhân gia tăng thì thành phố cụng tiếp tục phát triển.

- Các thành phố Hoa Kỳ gia tăng về cả tầm vóc lẫn con số.

Việc phát triển thành phố mà chúng ta nói trên đây chỉ là một thí dụ đã xảy ra ở khắp nơi trong đất nước Hoa Kỳ này. Đặc biệt là việc này đã rất đúng trong vòng một trăm năm qua. Chúng ta sẽ thấy một vài nguyên do quan trọng rại sao torng thời kỳ này các thành phố đã phát triển nhanh chóng hơn thời kỳ trước. Những nguyên nhân này có liên hệ đến việc xuất hiện của thời đại máy móc

- Dân số gia tăng góp phần vào việc phát triển các đô thị

Có một điều là việc gia tăng dân số có ảnh hưởng đến các thành phố. Vào năm 1870, chỉ có 38 ½ triệu dân sinh sống ở Hoa Kỳ. Năm 1950, con số này lên đến 150 ½ triệu. Ngày nay chúng ta có hơn 200 triệu dân. Những gì đã tạo nên sự gia tăng nhanh chóng như vậy ? Một phần là do sự sinh đẻ mà ra. Đồng thời lại có một số lớn người Hoa Kỳ mới từ các quốc gia khác di cư đến.

- Phần lớn việc phát triển kỹ nghệ đều ở trong các thành phố.

Bởi sự lối cuốn của nhu cầu quân đội Liên bang trong thời nội chiến, nhiều nhà kinh doanh đã thiết lập các cơ sở kỹ nghệ mới và các nhà kho mới. Khi mà kỹ nghệ Hoa Kỳ càng phát triển có thêm các đường xe lửa tỏa ra tới các thành phố thì con số các nhà máy và cơ sở kinh doanh càng gia tăng gấp bội. Các thành phố trở nên ồn ào và bận rộn hơn. Có những cột khói đặc sệt phun ra từ các cột ống khói của các nhà máy. Từ sáng sớm, trên các đường phố đã có đầy những người vội vã đi đến sở làm. Các buổi chiều, dòng lưu thông trên các đường phố cuồn cuộn chảy từ các nhà máy tỏa về các gia đình. Lẽ tự nhiên là những người làm việc ở trong các nhà máy và các cửa tiệm là phải sống ở trong các thành phố, nơi mà các nhà máy kỹ nghệ được thiết lập ở đó. Sau này, phần lớn các công việc kinh doanh và cơ sở kỹ nghệ không những được mở mang ở miền Đông Bắc, mà còn được mở rộng ở khắp nơi trong đất nước Hoa Kỳ nữa.

- Người di cư và dân ở nông thôn đến định cư ở thành phố.

NNhững công ăn việc làm mới ở các nhà máy kỹ nghệ càng ngày càng lôi cuốn thêm dân chúng đến đô thị để sinh sống. Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, những người di cư từ Ái Nhĩ Lan tới lập nghiệp ở trong các thành phố. Giống như vậy, hầu hết những người từ miền Đông và Nam Âu châu đến lập nghiệp ở các thành phố kỹ nghệ như Chicago, Cleveland, và Buffalo. Thêm vào đó lại có dân chu1nf từ các vùng nông thôn kéo đến cư ngụ ở trong các thành phố. Những phát minh và những phương pháp canh tác mới giúp cho nông dân có thể sản xuất được nhiều nông phẩm hơn mà lại ít tốn công hơn. Kết quả là nhu cầu canh tác cần ít nhân công hơn mà vẫn sản xuất cho đất nước đủ lúa mì, bắp, gia súc cũng như các loại thực phẩm khác.

- Những phát minh mới cũng giúp cho việc mở mang các thành phố.

Các thành phố lớn không thể tồn tại được nếu không xử dụng nhiều tư tưởng mới có từ năm 1865. Thí dụ như một trong những bộ mặt quen thuộc của thành phố của chúng ta là các tòa "nhà chọc trời". Khi mà người ta chưa có thể sử dụng được sắt và thép một cách rộng rãi vào công việc kiến trúc thì không thể tạo nên được những tòa nhà cao chọc trời như vậy được. Lại nữa, dân chúng không ai muốn trèo lên trèo xuống những cầu thang có quá nhiều bậc. Cho nên những tòa nhà cao chọc trời như vậy cần phải có thang máy. Năm 1857, người ta thiết lập một chiếc thang máy với những đặc tính an toàn và được đặt trong một tòa nhà trong thành phố Nữu Uớc. Mười lăm năm sau, người ta phát minh ra được chiếc thang náy hoàn hảo hơn, và những tòa nhà cao trở nên thực dụng hơn .

Khi mà các thành phố được mỡ mang rộng lớn thì cũng cần phải có những phương tiện giao thông hoàn hảo hơn. Những công trình phát minh của người Hoa Kỳ đã cung ứng được cho nhu cầu này. Thành phố có những xe lửa chạy bằng hơi nước kéo các toa xe chạy trên các đường rây ở bên trên đường phố. Chẳng bao lâu, người ta dùng điện thay thế cho hơi nước để chạy xe. Các xe lửa chạy ở bên  trên thành phố không còn tỏa tàn lửa xuống những người đi bộ ở dưới nữa, cũng như nó không còn phun khói thổi vào các cửa sổ những căn nhà lân cận. Một công trình sáng chế quan trọng khác nữa là điện thoại được phát minh  vào thập niên 1870. Nhờ vậy mà dân thành phố có thể trực tiếp nói chuyện với nhau. Người ta không cần phải tùy thuộc vào các cậu thiếu niên chạy thư nữa.

- Hoa Kỳ trở thành một quốc gia của những người dân thành thị.

Đã từ nhiều năm, Hoa Kỳ vốn là một quốc gia của nông dân và của người dân tỉnh nhỏ. Hồi năm 1880, chỉ có hai trong số 10 người sống sống ở trong các thành phố lớn có 2 ngàn 500 dân. Nhưng tới cuối thế kỷ thứ XIX, số người sinh sống ở thành thị bắt đầu gia tăng. Vào khoảng năm 1920, đã có tới 5 trong mỗi 10 người sinh sống trong các thị trấn đông hơn 2 ngàn 500 dân. Ngày nay có tới hơn 7 trong mỗi 10 người sống trong những cộng đồng đông đúc như vậy.

Dân số gia tăng trong các thành phố

PHẦN III

NHỮNG LỐI SỐNG Ở TRONG CÁC THÀNH PHỐ HOA KỲ ĐÃ BIẾN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO ?

Đối với các du khách, hình như là các thành phố luôn luôn giống nhau : bận rộn, ồn ào, và đông đúc. Tuy nhiên, từ thập niên 1880 đến nay, các thành phố đã thay đổi nhiều. Để có ý miện về những sự thay đổi này, chúng ta hãy đến thăm một thành phố vào năm 1880 và một thành phố của ngày nay. Cuộc viếng thăm một thành phố vào thập niên 1880 sẽ được đặt giả thử với một du khách tưởng tượng tên là ông John Nhà Quê.

* MỘT THÀNH PHỐ VÀO THẬP NIÊN 1880

            - Du khách đi đến thành phố bằng xe lửa.

Ông Nhà Quê chưa bao giờ được ở thành thị. Lần này, ông quyết định đi thăm thành phố. Một hôm, ông khởi hành chuyến đi bằng xe lửa. Ông phải đi một chặng đường dài nhiều dặm. Ông đã dành chỗ sẵn ở trong một toa Pullman có sẵn những ghế có thể biến thành những giường ngủ về ban đêm. Loại toa Pullman này rất thông dụng trong những năm trước đó. Những toa Pullman này rất rộng rãi, tiện nghi và có đèn sáng đầy đủ.

Khi ông Nhà Quê vẫn còn ở trên lộ trình xe chạy, ông có thể lựa các món ăn của ông. Xe lửa sẽ ngừng lại ở các nhà ga chừng 20 phút để ăn sáng hay ăn trưa và ăn chiều. Hoặc nếu muốn, ông cũng có thể ăn những bữa ăn thong thả hơn ở ngay trong toa phòng ăn ở trên xe lửa.

Sau cùng ông Nhà Quê tới thành phố. Từ trên xe lửa, ông bước xuống một nàh ga rộng lớn. Đây là một trong những nơi trưng bày của thành phố, với những tường đá có trang hoàng và trần nhà cao hơn thường. Đối với ông Nhà Quê thì hình như hầu hết hành khách đều kinh ngạc. Ông ta đi ra khỏi nhà ga và đáp chiếc xe có ngựa kéo đi đến khách sạn.

- Người du khách từ đồng quê nhìn thấy những cảnh lạ của thành phố vào năm 1880.

Đối với ông Nhà Quê thì thành phố hơn 100 ngàn dân có vẻ như quá rộng lớn. Ngày nay, một thành phố vào cỡ này hình như là không rộng. Nhưng vào năm 1880, toàn quốc chỉ có 19 thành phố có độ 100 ngàn dân. Trong số đó thì chỉ có ba thành phố là có dân số lên tới hơn nửa triệu. Đó là New York, Philadelphia và Chicago.

Ông du khách Nhà Quê vào năm 1880 chắc chắn là phải kêu lên ngạc nhiên về những tòa nhà cao. Tòa nhà cao nhất lúc bấy giờ có thể tới 12 tầng lầu. Ông ta cũng thấy rằng đường phố đông đúc  có đủ loại xe ngựa kéo. Những chiếc xe có ngựa kéo chạy trong các đường phố, (lúc bấy giờ chưa phát minh ra xe điện) và những xe hàng chuyên chở hàng hóa.

Ở bên trên các xe cộ và người ta thì có các dây thép chằng chịt. Nếu ông Nhà Quê lùi cuộc du lịch này trong ít năm sau thì ông có thể đã nhìn thấy những đường dây điện thoại và dây điện. Nào là những cột mọc lên tua tủa với những cây chắn ngang và những đường dây thép như muốn che kín cả mặt trời. Thật ra trong ít năm sau, một số thành phố đã đòi rằng các đường dây thép phải được chôn xuống đất. Nếu ông Nhà Quê đến viếng thành phố New York thì có lẽ ông còn được xem cái gì khác hơn ở trên đầu người. Xe lửa chạy ở bên trên đầu người, mà người ta thường gọi là "EL". Loại xe này đầu tiên được chế tại vào năm 1869/

- Nhiều người sống trong những khu nhà ổ chuộc.

Khi vào torng thành phố, ông Nhà Quê được thưởng thức những ngọn đèn dầu thắp sáng con đường ông đi vào khi mặ trời lặn. Ban ngày ông nhận thấy rằng có những khu vực tốt đẹp của thành phố chỉ có một gia đình trong một căn nhà. Tuy nhiên, ở trong những khu vực khác khi nhìn thấy tình trạng của người ta sinh sống ông phải kinh ngạc.Trongn hững khu này, có những khu chung cư rộng lớn, bẩn thỉu, dơ dáy. Đây thường là những tòa nhà ọp ẹp chứa rất nhiều gia đình. Những khu chung cư đông đúc của các thành phố biến thành những căn nhà ổ chuột, nơi của những người nghèo khó, chen chúc, túm tụm sống với nhau.

Muốn biết rõ ông Nhà Quê đã thấy được những gì ở trong những khu nhà ổ chuột, chúng ta hãy đọc vài đoạn văn của một người đã tích cực hoạt động để báo động với dân chúng Hoa Kỳ thời thế kỷ thứ XIX về vấn đề này. Ông Jacob Riis, từ Đan Mạch đến Hoa Kỳ sinh sống từ khi ông mới 21 tuổi. Khi mới khởi lập ở quê hương mới này, ông sinh sống trong những căn nhà ổ chuột trong thành phố New York. Không những trở thành phóng viên nhà báo, mà ông còn viết khá nhiều sách về các vấn đề ở trong các thành phố lúc bấy giờ. Dưới đây là một bài điển hình mà ông viết về những tình trạng trong các khu nhà ổ chuột.

"Vào nửa đêm ... Khi tôi đi dạo trong các khu phố Essex, Hester và Ludlow... tôi đã đếm thường có tới 4, 5, có khi tới 6 trẻ em nằm trên một cái giường... Tring một gia đình mà tôi đến thăm vào lúc rất khuya, toàn thể gia đình nằm ngộn ngang trên một cái giường, ba đứa nằm ở dưới giường, tất cả nằm  trên giường ngoại trừ một cậu nhỏ chừng 10 hay 12 tuổi là không có chỗ cho cậu ta. Với tất cả quần áo, cậu ta chui vào trong đống giẻ rách ở sát phía bên trong cửa vào. Hàng ngày cũng như hàng đêm, tôi thường đến thăm gia đình này, hình như tôi vẫn nghĩ rằng cái gia đình đầy nhóc trẻ em này không thể sống được trong một căn nhà lụp xụp bẩn thỉu như vậy. "

Đồng thời ông Jacob cũng viết những điều dưới đây :

" Có tới 360 người ở trong một dãy chung cư (vào năm 1888) và trong đó có tới 40 người là con nít mới sinh. Tôi không biết rõ có bao nhiêu trẻ em đang nô đùa ầm ĩ ở đây, còn cái sân mà bọn trẻ thường chơi rộng chừng 5 bộ chiều dài và 10 phân Anh chiều rộng, và phải bước hơn chục bậc để đi xuống con đường ở dưới đó. Ngăn đựng quần áo của toàn thể dãy nhà là cái hầm ở đằng sau nhà, trông ra cái sân chơi của trẻ em. Cái hầm này luôn luôn tối tăm ẩm thấp như là hầm chứa tù vậy."

* THÀNH PHỐ HOA KỲ NGÀY NAY

            - Ngày nay chúng ta có nhiều thành phố lớn.

Ngày nay thành phố của chúng ta khác hẳn với thành phố ngày xưa mà ông Nhà Quê đi thăm viếng hồi năm 1880 biết chừng nào. Dĩ nhiên là có sự khác biệt rõ ràng, nhất là các thành phố của chúng ta ngày nay rộng rãi hơn nhiều. Năm 1970, Hoa Kỳ có 6 thành phố có hơn một triệu dân, 20 thành phố có từ 5 trăm ngàn dân tới một triệu dân. Tất cả có tới 153 thành phố có hơn 100 ngàn dân.

- Các khu ngoại ô được mở mang ở gần các thành phố.

Một sự khác biệt nữa là thành phố của chúng ta ngày nay thường được mở rộng về các vùng ở chung quanh. Các thành phố bành trướng mau chóng vào cuối thế kỷ thứ XIX rất là đông đúc, ồn ào đầy những khói dơ bẩn. Chúng ta có thể nào nghĩ rằng có một số người dân thành thị làm việc ở trong các cơ sở ở trong thành phố mà vẫn sống ở nơi đồng quê xanh mướt êm đềm ở vùng lân cận được không ? Vào giữa thế kỷ thứ XIX đã có mười lăm người, sau giờ làm việc đáp xe lửa từ New York về Greenwick, Connecticut. Khi xe lửa chầm chậm băng qua cầu gần nhà họ, họ nhảy tọt xuống đất. Sáng sáng họ lại đáp xe lửa đi New York để làm việc.

Từ nơi nhỏ lúc khởi đầu này đã mở mang thành khu ngoại ô rất quan thuộc đối với Hoa Kỳ ngày nay. Các cộng đồng đã được phát triển ở chung quanh các thành phố lớn. Sáng sáng các công nhân từ các vùng ngoại ô đi vào thành phố để làm việc, và chiều chiều lại trở về nhà. Lúc đầu người ta đi về bằng xe lửa, sau này người ta dùng xe điện; và những năm gần đây người ta dùng xe buýt và xe hơi. Sáng chiều xe cộ tấp nập đi về trên các con đường xa lộ mới hoàn thành xong, hàng hàng lớp lớp xe cộ ngược xuôi đi tỉnh, và về nhà.

Nói một cách khác, các thành phố Hoa Kỳ ngày nay đã phát triển đến độ mà chúng ta gọi là "Metropolitan areas" (Những vùng trung tâm thành phố). Trung tâm của những khu vực này nằm trong giới hạn của thành phố lúc đầu. Các vùng ở ngoài đường biên giới đó là các khu ngoại ô ở khắp mọi ngã chung quanh thành phố. Ngày nay số dân sống ở trong thành phố ít hơn so với số dân sống ở trong các vùng ngoại ô. Thành phố New York là thành phố lớn nhất và cũng là thành phố có các khu ngoại ô rộng lớn có tới 2 triệu 2 trăm ngàn dân sinh sống ở trong thành phố có nhà ở các khu ngoại ô. Nhưng ở Boston và Pittburgh cứ một người có nhà ở trong thành phố thì có tới hơn 4 người có nhà ở các vùng ngoại ô.

- Các thành phố cung cấp các dịch vụ cần thiết.

Những thành phố nhỏ của ngày xưa không đòi hỏi phái có những dịch vụ mà ngày nay chúng ta cho là dĩ nhiên phải có. Tuy nhiên, khi mà các thành phố càng trở nên rộng lớn hơn thì cần phải có một số lớn nước trong sạch, hệ thống cống rãnh hoàn hảo, và đường phố phải được trải đá và tráng nhựa cẩn thận. Thành phố cũng cần phải có những phương tiện điều hành và tiêu thụ rác, cần phải có cảnh sát và đoàn quân cứu hỏa. Một vài dịch vụ sau này mới có. Thí dụ như nước thường được dẫn từ các hồ nước hay từ các dòng sông ở nơi xa xăm qua các ống dẫn vào thành phố. Công việc dẫn nước này không những cung cấp nước uống cho dân thành phố, mà còn cung cấp cả nước tắm rửa, nước để cứu hỏa và nước để dùng trong các nhà máy kỹ nghệ nữa.

- Người ta cho xây những tòa nhà cao hơn.

Nhiều thành phố tân kỳ của ngày nay có những tòa nhà chọc trời cao vọt lên hẳn với những thành phố ngày xưa. Khi ông Nhà Quê đi thăm thành phố vào năm 1880, thì các tòa nhà rộng lớn được xây bằng đá hay gạch. Việc sử dụng những loại vật liệu này giới hạn chiều cao các tòa nhà. Tòa nhà Monadnock ở Chicago hoàn thành vào thập niên 1890 có bức tường dày 15 bộ để chịu đựng chống đỡ sức nặng của 16 tầng nhà.

Khi mà càng có thêm các cơ sở kinh doanh tập trung ở trong các thành phố thì đất đai ở trong thành phố càng trở nên hiếm và càng trở nên mắc mỏ. Chỉ có một cách để có thêm nhà cho các cơ sở kinh doanh là phải thiết lập những tòa nhà cao hơn. Tới khi người ta sử dụng các vật liệu kiến trúc mới như như sắt và thép thì người ta mới có thể kiến trúc được những tòa nhà cao hơn mà không cần phải có những bức tường dày. Ngày nay chúng ta có những tòa nhà chọc trời cao tới hơn một trăm tầng lầu.

- Thay đổi về các phương tiện chuyên chở và đèn chiếu sáng.

Giống như ông Nhà Quê, du khách ngày nay có thể dùng xe lửa để đi tới thành phố, nhưng người ta cũng có thể đi bằng máy bay hay dùng xe hơi của mình và tự mình lái đi đến tỉnh. Khi tới thành phố, người ta sẽ thấy hàng hàng lớp lớp xe hơi cuồn cuộn chạy trong dòng lưu thông. Xe lửa chạy trên cao mà ngày nay là xe điện vẫn còn sử dụng chạy ở trên đầu. Ngoài ra, trong các thành phố lớn, người ta còn có thể thấy các xe lửa chạy ở bên dưới các thành phố (subway). Ở trong thành phố, người tta đã dùng xe buýt thay thế các thành phố của ngày xưa.

Trong các thành phố của chúng ta ngày nay được chiếu sáng bằng đèn điện. Tiệm hàng có đèn chiếu sáng các quầy hàng trưng bày cho tới khuya. Những dấu hiệu quảng cáo có hệ thống chớp điện hay chiếu sáng như đập hẳn vào mắt những người qua lại. Mãi tới thập niên 1920, người ta mới phát minh ra loại đèn Nê-ông. Tất cả đèn này đều trắng cả. Ngày nay, các bạn thấy có đủ loại màu sắc của các dấu hiệu bằng đèn điện : màu đỏ, màu xanh nước biển, màu xanh lá cây, và các màu khác.

- Các thành phố đang được sửa sang.

Trong những năm gần đây, nhiều thành phố đã cố gắng nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề. Những khu nhà ọp ẹp được thay thế bằng những tòa nhà mới. Mỗi khi có việc sửa sang thành phố (còn được gọi là tân trang) đôi khi có những tranh chấp dữ dội. Dân chúng trong những vùng được sửa sang này phải tháo dỡ nhà cửa thường chống đối, không chịu rời bỏ nhà cửa của họ. Có khi có những người đã đi khỏi căn nhà cũ của họ mà không thể nào có đủ khả năng tìm được một căn nhà mới. Kinh nghiệm với những khó khăn như vậy đã giúp cho những người soạn thảo ra kế hoạch tân trang thành phố phải để tâm nhiều hơn đến nhu cầu của dân chúng.

Chính quyền Liên bang cũng như chính quyền tiểu bang và các tòa đô chính thường chi rất nhiều tiền cho các chương trình tân trang. Một vài thành phố có tới toàn thể khu ổ chuột bị triệt hạ để xây các tòa nhà và các cơ sở theo kiếu mới. Người ta cho mở rộng các đường phố, và cho làm những dải đất trồng cỏ, trồng hoa trông rất đẹp mắt. Những căn nhà có giá trị lịch sử được sửa sang để cho du khách đến thưởng lãm. Người ta cũng đã cố gắng hoạt động để cho thành phố không còn bị những làn khói ở các nhà máy kỹ nghệ quấy rày nữa. Với t6at1 cả những thay đổi này, thành phố, những nơi mà chúng ta ngày nay sinh sống ở đó trở thành những nơi thích thú hơn nhiều.

- Các thành phố phải vật lộn với vấn đề lưu thông.

Xe hơi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người ta phải sứa sang thành phố. Lúc đầu xe hơi không gây khó khăn gì cả, ngoại trừ tiếng kêu của động cơ làm cho ngựa đi qua phải sợ thôi. Tuy nhiên, ngày nay ở đâu cũng có xe hơi. Biết bao nhiêu triệu xe hơi của chúng ta cần phải có không biết bao nhiêu dặm đường rộng rãi và phải được lót đá, trải nhựa cho phẳng nhẵn. Ngoài ra, xe hơi còn gây ra vấn đề tắc nghẽn lưu thông. Người ta đang thiết lập xa lộ tốc hàng để cho các xe hơi chạy vào cũng như đi ra khỏi các thành phố được mau lẹ hơn. Thường thường có nhiều tòa nhà bị triệt hạ để làm thêm đường mới và các khu vực cho xe hơi đậu. Dù sao thì vấn đề lưu thông vẫn còn là một vấn đề khó khăn.

PHẦN IV

LỐI SỐNG Ở NÔNG THÔN VÀ CÁC TỈNH NHỎ ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO ?

Ngay khi mà những phát minh mới làm thay đổi lối sống ở các thành phố thì lối sống ở nông thôn cũng thay đổi. Trong chương XXIV, chúng ta đã thấy rằng những máy móc mới và những phương pháp canh tác mới đã ảnh hưởng đến tình trạng làm việc ở nông thôn như thế nào. Nhưng thời đại máy móc đã làm thay đổi đời sống hàng ngày của những người nông dân và gia đình họ ra sao ? Nó đã ảnh hưởng đến đời sống của họ trong những giờ nhàn rỗi như thế nào ? Muốn có ý miện về sự khác biệt này, ta hãy so sánh đời sống ở nông thôn vào thập niên 1880 cùng với đời sống ở một nông trại ngày nay.

- Một nông trại ở Iowa trong thập niên 1880.

Đó là lúc ban đêm ở trong vùng Iowa. Bóng tối dày đặc đã làm ngăn cách hẳn một nông trại với gia đình lối xóm. Nông trại hình như cô quạnh lạnh lùng lẻ loi như một con tàu lênh đênh ngoài biển cả. Trong nhà ông Jones và gia đình ngồi quanh ngọn đèn dầu ít phút rồi đi ngủ. Chính ông Jones thì đọc tờ báo nông dân. Sau một ngày làm việc cực nhọc, chỉ có mấy con ngựa và vài cái máy phụ giúp, ông cảm thấy mệt nhọc. Bà Jones ngồi bên cạnh ông. Bà đang cặm cụi bên đống quần áo lo việc khâu vá. Nhà chỉ có một cái bếp đốt củi gỗ. Sau những giờ nấu ăn chính bà cũng cảm thấy mệt nhọc. Bà ta mệt là vì phải lấy nước đun nóng để tắm giặt trong một cái chậu bằng gỗ. Lũ con ông ta đang cặm cụi để chuẩn bị cho ngày mai đi học.

Ông John Jones và gia đình thường không gặp các bạn bè. Muốn đi thăm họ, ông phải buộc ngựa vào xe rồi cho ngựa kéo đi chậm cháp qua những con đường gồ ghề. Gia đình ông thường gặp các bạn láng giềng ở nhà thờ vào mỗi buổi sáng chủ nhật. Đôi khi ông đi đến tỉnh gần bên để bán các nông phẩm ở các tiệm hàng hóa và mua vài món cần thiết. Đôi khi ông dự buổi họp của hội vựa lúc. Những khi có bầu cử thì gia đình ông đến dự các buổi đại hội để nghe người ta nói chuyện.

- Một nông trại ở Iowa vào thập niên 1970.

Giờ đây cũng là chiều tối ở Iowa vào khoảng 90 năm sau. Ông Albert Jones cháu nội của ông John Jones ngày xưa, cùng với gia đình ngồi trong phòng ăn đầy đủ tiện nghi. Đèn điện sáng choang ở trong nhà, và hai đứa cháy con của ông con trong tuổi thiếu niên đang mải coi vô tuyến truyền hình. Trước đó ông bà Jones đã nghe Tổng thống nói về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, sau đó ông lại nghe bản tin giờ chót. Và giờ thì ông Jones đang đọc tờ tin tức nông dân nói về công chức mới cho bò ăn. Bà Jones đang gọi điện thoại nói chuyện với nhân viên ủy ban dự thảo cho buổi họp kỳ tới của hội giáo chức và phụ huynh tại trường trung học địa phương. Bà có thì giờ để tham gia hoạt động như vậy là vì nhà bà có máy hâm nước nóng, có ống dẫn nước nóng và nước lạnh, có các đồ dùng bằng điện để làm các công việc cực nhọc ở trong nhà.

Đời sống ở nông thôn không còn lẻ loi, hiu quạnh lạnh lùng như 90 năm về trước. Điện thoại đã giúp cho gia đình ông Jones  được dễ dàng tiếp xúc với bà con lối xóm. Đi mua bán ở Des Moines hay ở Chicagocu4ng không còn là một sự khó khăn nữa, vì gia đình có xe hơi. Thứ bảy tuần này cả gia đình sẽ đi Iowa City để xem football.

Về phần ông Jones, radio mang đến cho ông những bản báo cáo thị trường và tin tức tiên đoán thời tiết hàng ngày. Các xe vận tải, xe máy kéo, máy cày, máy hái bắp và các máy móc khác giúp cho ông có thể điều hành một nông trại rộng 480 mẫu còn dễ hơn là ông nội của ông điề hành một nông trại rộng chỉ có 160 mẫu. Sự thật, ông Albert Jones ngày nay cũng có những khó khăn mà ông nội của ông ngày xưa không bào giờ gặp phải. Ông phải lưu giữ hồ sơ sổ sách một cách cẩn thận để còn báo cáo thuế lợi tức với tiểu bang và chính quyền Liên bang. Nhưng ngày nay còn có phân bón tốt và hạt giống tốt hơn để cải thiện nông phẩm của ông. Đồng thời các máy móc cũng đã làm cho công việc nông trại được dễ dàng hơn nhiều.  

- Có nhiều thay đổi ở các tỉnh nhỏ.

Giống như ở các thành phố và ở nông thôn, trong thế kỷ này, ở các tỉnh nhỏ cũng đã thay đổi rất nhiều. Muốn biết có những thay đổi nào, chúng ta hãy tượng là đi thăm một tỉnh nhỏ. Chúng ta sẽ cùng đi với cô Lisberth Brown về thăm bà nội của cô ta ở quê nhà, người đã sống suốt đời ở tỉnh nhỏ này. Khi họ vừa ngồi xuống, cô Lisberth yêu cầu bà nội Brown kể chuyện về đời sống ở trong tỉnh từ khi bà còn trẻ đã thay đổi như thế nào.

Bà Brown nói : "Khi tôi còn là một thiếu nữa trẻ, tỉnh Waterville nhỏ hơn bây giờ. Tỉnh này đã không phát triển quá nhiều như các tỉnh lớn, nhưng cũng mở mang ít nhiều. Nhưng sự thay đổi lớn nhất là ngày nay chúng ta có những tiện nghi...

... Khi tôi còn trẻ, tôi phải làm những công việc cực nhọc. Một căn nhà giữa một bãi cỏ. Chúng tôi phải bơm nước ở giếng lên bằng bơm tay. Chỉ có một ít người mới có hệ thống sưởi ở trong nhà. Phần lớn các gia đình chỉ có bếp nấu và lò sưởi đốt bằng củi gỗ. Ngay dù chúng tôi có hệ thống sưởi đi nữa, chúng tôi cũng phải xúc than đổ vào lửa (làm bằng tay). Đèn soi sáng ban đêm là đèn dầu."

- Đường phố thì gồ ghề, công việc thì khó khăn.

Bà già Brown lại nói tiếp: "Đường phố của chúng tôi lúc bấy giờ không được rải đá. Mùa hè rất là dơ bẩn, mùa xuân và mùa đông thì nhơ nhớp. Nếu chúng tôi phải đi ban dêm thì ở ngoài đường chỉ có một vài ngọn đèn dầu để soi đường đi thôi. Trong các vùng quê ở ngoài tỉnh thì tối đến dày đặc. Về vấn đề giải trí thì chúng tôi tự lo liệu giải trí lấy. Chúng tôi tập trung với nhau trong những bữa tiệc vui và ca hát hay cùng chơi một vài trò chơi. Khi nào có đoàn xiếc hay đoàn trình diễn nào về tỉnh thì khi đó thật là vĩ đại đối với chúng tôi."

Cô Lisberth hỏi: "Bà ơi, lúc đó bà không thấy lẻ loi và buồn tẻ sao?"

Bà Brown trả lời: "Không, thật vậy, nhưng dù sao thì sự thực là đời sống ở trong tỉnh ngày nay thích thú hơn thuở tôi còn là con gái. Ngày nay chúng ta có vô tuyến truyền hình, máy thâu thanh và chúng ta có thể cùng xem hay cùng nghe những thứ tiêu khiển như những người sinh sống ở trong các tỉnh lớn. Chúng ta và những người khác cũng được coi một loại phim ảnh. Thưở tôi còn là con gái, ngoại trừ xe lửa ra, tôi không thể nào đi xa được...

... Khi tôi còn là con gái, muốn may quần áo, tôi phải cần đến nhiều thợ may ở trong tỉnh. Họ tới nhà để may quần áo cho chúng tôi. Ngày nay, nhà hàng ở các nơi bán cùng thứ quần áo cho mọi người mua, hoặc là chúng ta có thể đi đến thành phố lớn để mua quần áo."

Bà già Brown ngồi yên lặng một lúc rồi lại nói : "Đời sống đã thay đổi rất nhiều ở Waterville này. Đời sống chúng ta ngày nay được thoải mái hơn ngày xưa nhiều. Chúng ta có tất cả mọi tiện nghi mà dân ở thành phố lớn có. Tuy nhiên những người trẻ này có khuynh hướng đi xa. Họ đi đến sinh sống ở các thành phố lớn. Họ nghĩ rằng ở đây họ sẽ tìm được nhiều dịp may, hoặc là đời sống ở đó sẽ thú vị hơn. Tôi lo ngại không biết tỉnh nhỏ này của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không tìm cách cầm giữ những người trẻ ở lại."

 

 

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-05-08 - CDBHB3663. Không thể để cho những kẻ tự cho mình là “vùng cấm”! -

2024-05-08 - CDBHB3660. Đàm Vĩnh Hưng thiếu trách nhiệm tôn trọng lịch sử đất nước -

2024-05-08 - Kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc Chiến thắng ĐBP - Nhận diện - VNews -

2024-05-08 - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thăm đồi A1, hầm Đờ Cát | Tiền Phong TV -

2024-05-05 - VTV Đặc biệt: Vòng vây lửa - Hồ sơ mật của Pháp về Điện Biên Phủ lần đầu được giải mã -

2024-05-05 - Em bé “được cưng nhất” lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ -

2024-05-05 - Tập Cận Bình thử máy … alô … “đuổi cổ” Blinken về Mỹ nghen. Họp mật căng thẳng … Tiktok -

2024-05-03 - Dự án kênh đào Funan Techo đầy tham vọng của Campuchia làm dấy lên mối lo ngại gần xa - “Một số người có nhiều đất nên dù bị ảnh hưởng bởi dự án này vẫn có thể di chuyển. Nhưng tôi không có mảnh đất nào khác”, người dân huyện Koh Thom, tỉnh Kandal cho biết. “Người thân của tôi khi đến thăm đều bật điện thoại lên để nghe tin tức về con kênh này. Tôi đã bảo họ đừng nghe.”

2024-05-03 - Phó thủ tướng Campuchia bày tỏ về các quan ngại quanh dự án kênh đào Funan Techo - Sun Chanthol, Phó thủ tướng Campuchia, cho biết dự án sẽ không ảnh hưởng đến môi trường ở Campuchia hay Việt Nam.

2024-05-03 - Diễu Binh Kỷ Niệm 70 Năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>