●   Bản rời    

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam - Hiệp Ước Sài Gòn (1862)

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam

Hiệp Ước Sài Gòn (1862)

TS Nguyễn Xuân Thọ

http://sachhiem.net/NGXUANTHO/BuocMoDau_04.php

| ¿ trở ra mục lục| 13-Feb-2023

Chương 3 - Việc Chuẩn Bị Và Ký Kết Hiệp Ước Sài Gòn (1862)

Trước sự kiện hầu như bỏ lỡ của đạo quân viễn chinh quá mỏng manh của thiếu tá d’Ariès tại Nam kỳ, triều đình Huế đã có thể nuôi hy vọng rằng, cũng như Tourane, trước sau rồi quân Pháp - Tây Ban Nha cũng sẽ rút đi mà không đánh nhau.

Khi thấy Đô đốc Charner trở lại với một lực lượng mạnh trong tay, cùng lúc với chiến dịch Trung Hoa kết thúc, làm cho khả năng về quân số cũng như về quân nhu của phía Pháp trở nên dồi dào, rồi lại thấy ông ta tiến lên một cách mạnh mẽ, thì niềm hy vọng đó không thể còn duy trì được nữa.

Tất nhiên, trong thành Huế có vẻ như hoàn toàn bảo đảm tránh được một cuộc tiến công bất ngờ ấy, Tự Đức có thể ra lệnh tổ chức một cuộc kháng chiến quyết liệt, thắng thì khen ngợi, tặng quà và chức tước, thua thì cách chức, không cần kiểm tra. Những người chiến đấu, dù có tài năng và dũng cảm, cũng đã thấy khó khăn chồng chất và cuối cùng thấy rõ mình hoàn toàn bất lực. Họ tâu lên, vua chỉ biết đáp lại bằng những câu động viên và những lời tin tưởng, khẳng định quan sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Nhưng điều ấy không phải bao giờ cũng đủ sức mạnh để làm nghiêng cán cân lực lượng được.

Sau khi Gia Định thất thủ, Tự Đức giao cho quan Thượng thư bộ Tài chính Nguyễn Bá Nghi làm một điều tra về tình hình chung của Nam kỳ.

Nguyễn Bá Nghi vừa đến nơi liền cố gắng nghiên cứu những điều kiện để ký với nước Pháp một hòa ước. Ông không giấu giếm vua những ý định của mình; cuối cùng Tự Đức cho phép ông ta dâng lên nhà vua những bản điều trần quyết định. Nguyễn Bá Nghi nghĩ rằng trong vấn đề Nam kỳ, tốt nhất là sớm mở chung cuộc đàm phán sáng suốt với những người đại diện của chánh phủ Pháp để ký một hòa ước. Trong thời gian sớm nhất, ông dâng lên Tự Đức một bản tường trình, trong đó chủ yếu, ông viết:

“… Nếu chúng ta tiếp tục chiến tranh với người Pháp, chúng ta không thể đưa vào lực lượng hải quân của ta vì nó quá nhỏ nhoi so với hải quân của họ, cũng không thể đưa vào bộ binh của ta vì trong trường hợp rút lui, không thể tìm được một nơi ẩn náu chắc chắn trên vùng thượng du.

Nếu chúng ta yêu cầu thẳng thắn với người Pháp đề ra những điều kiện để ký kết một hòa ước có giá trị lâu dài thì có thể hy vọng họ sẽ trả lại cho ta tỉnh Gia Định. Như vậy, chúng ta sẽ có thể bằng một vài nhượng bộ không quan trọng, giữ vững được sự thống nhất giang sơn của chúng ta chăng. Nếu trái với điều chúng ta mong đợi, họ quyết chiếm đứt Gia Định như một điều kiện tiên quyết của hòa ước đi chăng nữa thì như vậy chúng ta cũng chỉ mất đi một tỉnh mà thôi. Đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng đang đe dọa chúng ta, chúng ta không còn có quyền chần chừ nữa. Chúng ta định kéo dài thêm một chiến tranh mà kết thúc sẽ là chúng ta mất nốt toàn bộ Nam kỳ ư?...”(1)

Sau khi nghiên cứu bản tường trình, Tự Đức phê vào những ý kiến sau đây, rồi gửi trở lại bản tường trình cho Nguyễn Bá Nghi:

“Trẫm cũng nghĩ như khanh, rằng tình thế hiện nay đang đặc biệt nghiêm trọng. Khanh hãy tỏ ra ngang tầm với nhiệm vụ cao cả của mình. Khanh hãy phát huy hết tất cả những phẩm chất thông minh và dũng cảm của khanh. Chỉ sau cơn giông to người ta mới biết được sức mạnh chống đỡ của một cây to”(2).

Ít lâu sau ngày Bonard đến Nam kỳ, Nguyễn Bá Nghi tiếp xúc với ông ta: sau những cuộc thương thuyết ấy, ông gửi về cho vua một bản báo cáo nhấn mạnh một cách kính trọng về sự cần thiết phải ký kết ngay một hiệp ước và xin ý kiến vua về một dự thảo hiệp ước do Page chuyển cho ông qua trung gian các nhà chức trách Việt Nam ở Gia Định. Bản báo mật ấy được vua Tự Đức phê như sau:

“Một chính sách hòa dịu không hề loại trừ bạo lực, và bạo lực vẫn còn là biện pháp tốt nhất để sớm dẫn tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình. Nhưng bỏ lỡ hoạt động quân sự để chạy theo một nền hòa bình tai hại, tức là đi vào một đường lối chính trị sai lầm, bởi trong trường hợp ấy chúng ta còn biết lấy gì làm chỗ dựa để bắt buộc kẻ thù phải ký kết với ta?

… Trẫm tin tưởng vào khanh và chờ đợi nhiều ở khả năng xử sự khôn khéo của khanh. Khanh hãy cố gắng vận dụng hết tài năng của mình để xứng đáng là người có công với vua, với nước; và khanh sẽ được tặng thưởng xứng đáng với công lao của mình. Nhưng nếu khanh không làm sao xóa được nổi nhục của những thất bại vừa qua thì khanh sẽ mất lòng tin cậy của Trẫm và sẽ bị nhục mạ suốt đời”(3).

Tự Đức muốn đàm phán trên thế mạnh để khỏi bị kẻ thù áp đặt, như thực tế bao lần chứng minh. Ý định ấy đáng ca ngợi và làm vinh dự cho nhà vua; nhưng không may cơ cấu chế độ quân chủ chuyên chế đang đè nặng lên đất nước Việt Nam lúc này không thuận lợi chút nào cho trách nhiệm của nhà vua. Vua Tự Đức luôn luôn nghi ngờ lòng thành thật của người Pháp nên không tỏ ra có thái độ hòa giải. Trước cuộc nổi loạn của Tạ Văn Phụng ở Bắc kỳ, được các giáo sĩ Tây Ban Nha ủng hộ, vua càng trở nên cứng cỏi trong thái độ của mình, xuống chỉ cho các quan hàng tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ những người theo đạo Kitô: đàn ông, đàn bà, ông già, tất cả phải khắc lên da thịt của mình những dấu hiệu riêng cho phép người ngoài phân biệt người Kitô giáo với tất cả những người dân khác. Những làng không theo Công giáo phải được giám sát chặt chẽ để tránh sự “lây lan” do những cuộc tiếp xúc xảo trá. Các giáo sĩ, cũng như linh mục phải bị truy nã quyết liệt, bị bắt giam và quản chế nghiêm ngặt.

Nguyễn Bá Nghi xin được từ chức nhưng không được chấp thuận. Ông bèn cùng với Trần Đình Túc làm một tờ trình lên cho nhà vua về tình thế khốn đốn của Nam kỳ; không mặt nào tiến triển được chút nào cả, hành quân không, đàm phán hòa bình không. Hai người đề nghị rút các doanh trại quân đội Việt Nam và cầu viện nước ngoài. Nhà vua trả lời bằng câu khiển trách đối với cả hai viên quan ấy, bởi họ muốn có hòa bình mà không kháng chiến và họ tìm mọi cách để tránh trách nhiệm.

Rồi một vài thắng lợi nhỏ tại địa phương nào đấy lại làm thay đổi tư tưởng nhà vua; Nguyễn Bá Nghi được khen ngợi có ghi tên ở bảng vàng danh dự của các chiến công, sau đó lại được phục chức.

Tự Đức gửi mật chỉ cho ông ta quy định rõ: đề nghị giảng hòa chỉ là một cái cớ nhầm đánh lừa cảnh giác của quân Pháp thôi; chiến tranh vẫn là mục đích chính của mọi hoạt động của Việt Nam tại Nam kỳ. Vả chăng các tỉnh đều có gửi chi viện, nhờ đó Nguyễn Bá Nghi có thể bất cứ bằng giá nào giữ được tỉnh Biên Hòa và đồn Thạch Hãn là cái chốt của cả tỉnh này.

Nhưng Nguyễn Bá Nghi chỉ thấy lối thoát ở sự giảng hòa mà lơ là các biện pháp thận trọng cảnh giác tối sơ giản do hoàn cảnh đặt ra; ông hoàn toàn tay không khi quân Pháp tấn công vào tỉnh Biên Hòa. Mặc dù quân Việt Nam bảo vệ thành chiến đấu dũng cảm, có mở những cuộc phản công cảnh giác, những chỉ đạo kém; hậu phương bị cắt đứt nhanh chóng, họ đành phải lui quân để thoát chết, bỏ lại cho kẻ thù toàn bộ tỉnh Biên Hòa.

Tự Đức trong cơn thịnh nộ bừng bừng, đã cách chức tất cả các quan có liên can trong vấn đề này, nhưng vẫn duy trì trách nhiệm của họ vì chiếu cố đến công lao trong quá khứ. Vua chỉ thị cho họ phải chống cự đến cùng, bất chấp tất cả, trong những thành trì và công sự kiên cố thỉnh thoảng đánh ra vài trận có chuẩn bị chu đáo và chỉ đạo một cách khéo léo. Đồng thời vua ra lệnh tuyển thêm những binh lính tình nguyện mới để tiến hành một cuộc chiến tranh quyết liệt chống bọn xâm lăng, hứa hẹn ban chức tước và danh vọng cho mọi thắng lợi, mọi thành công. Người nào chiếm được một phủ hoặc một huyện mặc nhiên được bổ nhiệm làm tri phủ hoặc tri huyện, phủ, huyện đó; người nào chiếm lại được từ trong tay người Pháp một tỉnh hoặc một trấn sẽ ngay tức thời trở thành Tuần vũ, một chức tước mà người được có thể truyền lại cho con cháu. Những binh lính nào lập được chiến công sẽ được trọng thưởng; họ phải được nhận ân huệ vua ban trong thời gian gần nhất, sẽ đạt tới đỉnh cao vinh quang và danh vọng qua đường tên mũi kiếm, hoặc ngã xuống sa trường mặt nhìn thẳng quân thù. Một cuộc tổng nổi dậy khắp nơi ở những vùng bị quân Pháp chiếm đóng phải được chuẩn bị hết sức chu đáo và thực hiện vào một thời cơ thuận lợi. Phải dùng chiến tranh tiêu hao và du kích liên tục tấn công truy quét địch, không để cho chúng có một giờ phút nào yên, làm cho chúng lâm vào tình thế không thể nào chịu nổi, buộc chúng phải rời bỏ những nơi chúng đã chiếm. Có thể hy vọng rằng quân Pháp mỏi mệt vì những cuộc tiến công không ngừng của quân Việt Nam, sẽ nghĩ đến việc rút lui và không còn nuôi hy vọng chiếm đóng Việt Nam vĩnh viễn.

Rủi thay, những lời công bố đẹp đẽ, những phần thưởng cao quý nhất xen lẫn những lời chê trách, hoặc trừng phạt nặng nề ấy, nhất là khi nó thốt ra từ miệng một ông vua không bao giờ rời khỏi cung điện của mình, ẩn náu giữa bốn bức tường của một thành trì kiên cố, xa dân chúng, thì quả là không đủ sức mạnh để mang trở lại cho quân Việt Nam những vũ khí họ không còn nữa và niềm tin họ đang mất đi.

Dần dần, người ta càng ngày càng mong muốn hòa bình, kể cả những hàng quan lại yêu nước.

Ký Kết Hiệp Ước Sài Gòn (1862)

“… Tôi không giấu giếm rằng những thắng lợi mà tôi mong ước đạt được, sau khi đã nhiều lần trải qua thử thách như một quân nhân, trước hết là thắng lợi hòa bình, bởi vì chiến tranh tuy cần, tuy không thể thiếu được trong một số trường hợp, vẫn gây đổ vỡ, điêu tàn. Chỉ duy nhất hòa bình mới có thể xây dựng lên được một cái gì vững bền và tích cực. Những tờ thông báo hòa bình không được vẻ vang cho bằng, nhất là ở Pháp; nhưng dù có phải chịu mang tiếng là kẻ phản bội đi nữa, tôi tuyên bố sẽ rất hài lòng được đặt dưới chân Hoàng thượng một bản thông báo xinh xinh về một đất nước đã được khôi phục hòa bình, đã được ổn định tổ chức và đang trên đường phát triển phồn vinh, hơn là thông báo về một thành trì chiếm được, hay bị triệt hạ tan tành…”(4)

Bức thư này là của một Đô đốc hải quân Pháp, tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh gửi cho Bộ trưởng của ông là Chasseloup-Laubat, ngày 14/4/1862. Bức thư đó của Bonard đến Sài Gòn thay cho Charner, không theo phong cách quen thuộc của các báo cáo. Nó bộc lộ rất cụ thể tính cách cũng như ý đồ của người viết, tức chính người đã xin được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội tại Nam Kỳ.

Những mục đích đầu tiên đã đạt. Đạo quân viễn chinh cần được nghỉ ngơi trước khi tiến hành những chiến dịch khác; những vùng chiếm đóng cần được tổ chức lại để khai thác những lợi ích đầu tiên.

Cũng như những người trước ông, Bonard đã được Napoléon III ban cho toàn quyền hành động, qua bức thư đề ngày 19/8/1861.

“… Vì mong muốn thấy được lập lại và củng cố những mối quan hệ hữu nghị và tốt đẹp bị gián đoạn giữa đế quốc Pháp và vương quốc Nam kỳ, ta cho rằng phương tiện bảo đảm nhất để đạt tới kết quả đó là gửi sang tại chỗ một trong những tướng lĩnh giỏi nhất của hải quân, mà về mặt này, đã hoàn toàn nắm chắc những ý đồ của ta.

Vì mục đích ấy, tin tưởng hoàn toàn khả năng, ở sự khôn ngoan, ở sự nhiệt tình và sự tận tụy của ông Phó Đô đốc Bonard,… ta bổ nhiệm ông và đặt ông làm phái viên đặc mệnh toàn quyền của ta, nhằm mục đích đưa ra giải quyết những chuyện bất bình mà chúng ta cần trách cứ phía chánh phủ An Nam, và nhận được sự đền bù thỏa đáng về những hành vi khủng bố chống các giáo sĩ để xây dựng một quy chế ổn định và thường trực về những quyền lợi tôn giáo, chính trị và mục đích của cả hai nước. Để đạt được kết quả mong muốn ấy một cách chắc chắn hơn, cũng như để đảm bảo tốt hơn những quyền lợi của nền văn minh, phải thiết lập chế độ bảo hộ của nước Pháp đối với Nam Kỳ, và cuối cùng là tận dụng mọi biện pháp ký kết mọi giấy tờ có tác dụng mang lại những kết quả mà chúng ta đề nghị vì quyền lợi chung của hai bên…”

Cần lưu ý rằng khi trao những quyền lợi ấy, trái với xu hướng của các triều thần, Napoléon III không tìm cách chiếm đất. Ông chỉ thị rõ ràng là “thiết lập nền bảo hộ của Pháp” trên đất Nam Kỳ, chứ không phải thôn tính làm thuộc địa.

Vả lại, hình như ông Đô đốc chẳng nhận được, ngoài văn bản chính thức ấy ra, những chỉ thị cụ thể nào quy định rõ những giới hạn mà ông ta phải giữ đúng, không được vượt qua.

Vậy là Bonard tự coi mình như một người binh lính và một người cai trị, hơn là một người chỉ đạo chiến tranh. Ngoài ra, có thể ông thừa nhận rằng quân lực của ông, tuy rất đầy đủ để đánh chiếm đất đai trong vùng ven biển và có thể được sự hỗ trợ của hạm đội, nhưng không đủ để thọc sâu vào một xứ sở rất hiếm đường xá giao thông… Ông ta dường như cũng không mấy quan tâm đến chuyện giúp đỡ những quân nổi loạn ở Bắc kỳ mà ông rất có thể làm được, hoặc nhận sự giúp đỡ mà họ có thể mang lại cho ông.

Ông ta thực hiện những cuộc hành quân ông cho là cần thiết để không còn phải sợ bị tấn công bất ngờ; bằng cách chiếm Biên Hòa và vùng phụ cận. Ông bảo đảm cho biên giới Nam kỳ được an toàn; ông ta tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng chĩa vào kinh đô Huế, nhằm thúc đẩy triều đình phải đàm phán và ông dừng lại ở mức độ đó.

Trong lúc chờ đợi cơ hội tốt để đàm phán, ông thực hiện những sửa đổi trong vấn đề cai trị. Ông nhận thấy rằng những biện pháp đã được Đô đốc Charner vận dụng, như chỉ định những sĩ quan Pháp phụ trách những “công việc bản xứ” đã không mang lại kết quả gì: điều này có thể thấy trước được vì những sĩ quan người Pháp ấy hoàn toàn chẳng biết gì về công việc người Việt Nam cả. Vậy là ông giao quyền hành ấy cho các “quan phủ” và “quan huyện”, dưới sự kiểm soát của các sĩ quan bây giờ chỉ còn là những “thanh tra công việc bản xứ”. Ông ta giải tán phần lớn các doanh trại Pháp, giờ đây chỉ còn làm nhiệm vụ cảnh sát mà thôi.

Nhiều lần, trong thời gian chiến dịch, một vài cuộc đàm phán không đậm đà lắm được tiến hành nhằm ký một hòa ước; mỗi lần đàm phán đều thất bại, vì chẳng bên nào thực tình mong muốn gì điều họ đang đàm phán. Người Việt Nam từ chối, không nhận người Tây Ban Nha vào bàn đàm phán. Phía người Pháp cũng có thái độ tương tự: khi ông Đô đốc cử phái viên của mình đi mở đầu những cuộc đàm phán đó, ông ta luôn luôn “quên” cử một sĩ quan Tây Ban Nha cùng tham gia. Và bản dự thảo hòa ước mà ông ta đề nghị với phía Việt Nam bao giờ cũng là “nhân danh Hoàng đế người Pháp” mà quên luôn vị “Nữ hoàng rất ngoan đạo” Tây Ban Nha. Điều đó gây nên những trận mưa công hàm đi, công hàm lại, và những báo cáo cho Bộ trưởng, những chỉ thị cho các đại sứ, để rồi kết thúc bằng một lời cam kết của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khẳng định rằng trong những cuộc đàm phán quyết định cuối cùng, Nữ hoàng [Tây Ban Nha] sẽ được chính thức đại diện và sẽ là một thành viên Hiệp ước ngang hàng với Hoàng đế [Pháp].

Những tháng đầu năm 1862, tình hình quân sự của Tự Đức không đến nỗi xấu hơn trước. Sự có mặt của kẻ thù tại Nam Kỳ, xa Huế, không gây cho vua quá nhiều phiền hà. Bởi phong trào vũ trang kháng chiến của người dân Nam kỳ, vua vẫn luôn nuôi hy vọng sẽ thấy quân Pháp và Tây Ban Nha buộc lòng phải bỏ Sài Gòn mà đi như họ đã bỏ Tourane.

Nhưng trong khi tại miền Nam, ý chí kháng chiến của các thủ lĩnh quân đội Việt Nam kích động các tầng lớp nhân dân, thì ở miền Bắc bọn “câu nước đục” xúi giục dân tình nổi loạn từ bên trong. Các giáo sĩ, những người Công giáo, nhóm Tạ Văn Phụng mở rộng hoạt động nguy hiểm luôn luôn đe dọa lòn lén. Triều đình Huế rất lo lắng. Đúng ngay lúc đó, Nguyễn Bá Nghi gửi cho Tự Đức bản báo cáo về một công hàm của Charner gửi. Charner yêu cầu Huế gửi một phái viên đặc mệnh toàn quyền, nhằm ký kết hòa ước đã nói. Và chiến hạm “Forbin”, do thiếu tá hải quân Simon chỉ huy, nhằm hướng Thuận Hóa đi tới.

Viên sĩ quan Pháp trao cho triều đình Huế một bức thư của Đô đốc yêu cầu chủ yếu gửi một đại sứ Việt Nam sang Pháp trả một số tiền chiến phí và nộp số tiền 100.000 quan (khoảng 100.000 francs Pháp) làm tiền bảo lãnh cho những cuộc thương thuyết hòa bình.

Lần này, Tự Đức không khước từ ngay lập tức. Vua hội ý kiến các quan lớn trong triều: Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đều thuộc phái chủ hòa và cả hai phát biểu ý kiến rất tán thành đàm phán. Trương Đăng Quế cho rằng việc cử một sứ thần Việt Nam là rất có thể chấp nhận. Lâm Duy Hiệp có ý kiến nên cử ngay vị sứ thần ấy sangPháp và đóng đầy đủ số tiền đòi hỏi. Điểm này được bàn cãi sôi nổi, người đề nghị năm ngàn lượng bạc, kẻ đề nghị mười ngàn.

Trương Đăng Quế, công khai đồng ý kiến với Lâm Duy Hiệp, cho rằng trong tình thế hiện tại, có hòa bình tốt hơn là tiếp tục chiến tranh nhiều. Ông lưu ý mọi người rằng những điều kiện hòa bình khá hợp lý; nếu phía Việt Nam không biết lợi dụng những điều kiện tâm lý tương đối thuận lợi của Pháp để chấp thuận các điều khoản hòa ước đó thì có thể đem lại những chuyện phức tạp mà hậu quả khó lường trước.

Toàn bộ các triều thần đứng về quan điểm của Lâm Duy Hiệp và khẩn thiết trình bày với Tự Đức, coi như trong hoàn cảnh hiện tại thì đây là giải pháp duy nhất có thể có ưu thế hơn cả. Tự Đức cuối cùng chấp nhận; chắc chắn là không phải bây giờ đây nhà vua tin hơn trước rằng việc ký kết một hiệp ước sẽ là khâu giải quyết cuối cùng; chắc chắn là nhà vua chỉ nghĩ chuyện tranh thủ thời gian để rồi lại tiếp tục chiến tranh, một khi hoàn cảnh cho phép. Dù sao thì Tự Đức cũng đã nhận nguyên tắc thương lượng.

Việc chọn một sứ thần đặc mệnh toàn quyền không có gì khó khăn. Cầm đầu phái đoàn ngoại giao Việt Nam là một trong những “đại thần” có uy tín nhất, Phan Thanh Giản, mà tài năng, lòng dũng cảm và lòng yêu nước đã khiến chính kẻ thù cũng phải kính trọng. Ông cầm đầu phái đoàn có Lâm Duy Hiệp đi cùng và được trao toàn quyền quyết định.

Ngày xuất hành của các sứ thần đặc mệnh toàn quyền, Tự Đức mở tiệc chiêu đãi. Cuối buổi tiệc, nhà vua mời người một ly rượu ngự và nói với họ những lời cảm động:

“Đất nước hôm nay bị dồn vào ngõ cụt khó khăn; muốn đưa nó thoát ra, chỉ có bàn tay của những người tôi trung tài năng và tận tụy.

Có hai điểm cơ bản các khanh cần luôn luôn ghi nhớ: vấn đề nhường đất và vấn đề hành đạo Cơ đốc giáo. Về hai điểm quan trọng hàng đầu ấy, các khanh đừng nhẹ dạ trong việc ký kết. Đừng vì một sự yếu đuối hay vội vàng nào đó mà làm thiệt hại đến vận mệnh và danh dự của cả giang sơn đang được giao phó vào tay các khanh. Các khanh phải xác định đinh ninh như vậy và dù bất cứ vì lý do nào và bất cứ giá nào cũng đừng đi chệch cái chương trình đã vạch. Các khanh đi! Và cầu trời cho những lời ước nguyện của Trẫm luôn luôn theo bước các khanh! Cầu mong cho hai khanh được sớm trở về, đầy vinh quang vì đã bảo vệ danh dự của non sông và gìn giữ được sự vẹn tròn lãnh thổ. Đây là lời cầu chúc duy nhất của Trẫm cho các khanh trước lúc lên đường”(5).

Với một đoàn tùy tùng gồm 100 lính thân binh, phái đoàn Việt Nam đến Sài Gòn 26/5 trên một chiếc thuyền mành do tàu “Forbin” kéo. Phái đoàn được đón tiếp chính thức bởi đại úy hải quân Rieunier và thiếu tá Olabe.

Số tiền bảo lãnh 100.000 quan đã được giao nộp. Hôm sau là lễ đón tiếp chính thức và trình quốc thư của hai sứ thần đặc mệnh toàn quyền mà người ta coi như một nghi thức thông thường chẳng mấy ai để ý.

Các cuộc thương thuyết bắt đầu ngay từ hôm 28/5. Được Bonard chỉ đạo khẩn trương, ngày 03/6 thương thuyết xong. Ngày 5/6/1862, tại Camp des Lettres - Sài Gòn đã diễn ra cuộc trao đổi sơ bộ các chu kỳ vào bản hiệp ước.

Ông Đô đốc có thể hoàn toàn thỏa mãn: những mục đích mà đã tự đích thân ông đề nghị trong bức thư ngày 14/4 đã đạt. Tuy nhiên ông cũng chẳng được hưởng một vinh quang bất diệt từ việc ký kết đó – còn lâu – bởi cách ông dắt dẫn những cuộc thương thuyết đó sẽ sinh ra bao nhiêu chuyện phiền phức đủ loại.

Dĩ nhiên, việc ký kết hiệp ước này vọng về triều đình Huế, làm dội lên những phản ứng hoàn toàn khác.

Ngày 7/6/1862, các sứ thần Việt Nam rời Sài Gòn trở về Huế tường trình nhiệm vụ của sứ bộ: kết quả đáng buồn, chẳng đáp ứng được bao nhiêu với ước vọng của nhà vua.

Đất nước bị cắt mất ba tỉnh miền Đông: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa; người ta buộc một nước đã bị xơ xác vì bao nhiêu nạn chiến tranh và chiếm đóng phải trả một số chiến phí quá đổi nặng nề: 4 triệu đồng bạc, tức khoảng 2.800.000 lượng bạc. Sau nữa là chuẩn y mười hai điều khoản liên quan đến vấn đề hành đạo Kitô và mở cửa đất nước cho việc buôn bán đối ngoại. Dĩ nhiên là trong bữa tiệc tiễn đưa sứ đoàn, tuy có vẻ lạc quan bên ngoài, triều đình chẳng ai hy vọng họ trở về với những thắng lợi lớn. Nhưng không ai có thể nghĩ rằng họ sẽ ký kết một hòa ước tai hại như vậy.

Tự Đức khi đọc văn bản hòa ước ấy chỉ còn biết thở dài:

“Than ôi! Nào Trẫm có làm nên tội tình gì cho đến nỗi nhân dân phải chịu một số phận tàn khốc đau thương như vậy đổ xuống trên đầu?

Còn các khanh, những sứ thần khốn khổ, các khanh đã làm gì? Các khanh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình như vậy đó sao?

Chao ôi! Các khanh không chỉ là những kẻ mang trọng tội dưới triều đại của Trẫm mà các khanh sẽ phải chịu hậu quả nặng nề về tội lỗi của mình trước lịch sử muôn ngàn đời!”(6)

Phan Thanh Giản, phó ngự sử đại thần, chủ tịch, tòa án lễ nghi, Thượng thư, chủ tịch tòa án tài chánh, tổng giám đốc quốc sứ quân và trường Quốc Tử Giám của Hàn lâm viện Hoàng gia, bị hạ chức làm Tổng trấn tỉnh Vĩnh Long.

Lâm Duy Hiệp, chủ tịch tòa án binh, Thượng thư, phó chủ tịch ủy ban phòng thủ kinh thành mặt biển, cũng bị hạ chức và đi làm Tổng trấn tỉnh Bình Thuận.

Cả hai người nhận được lệnh phải cố gắng nối lại thương thuyết với người Pháp, nhằm chuộc lại những sai lầm nghiêm trọng họ đã phạm phải vừa qua, khi nhận những điều kiện nhục nhã cho cả non sông đất nước như vậy.

Trước mắt, những văn bản hiệp ước mà họ đã ký đang vượt sóng sang Pháp và Tây Ban Nha để nhận chữ ký của quốc vương hai nước. Hai vị “sứ thần toàn quyền ấy”, giờ đây, chẳng có thể mang lại được kết quả gì cho công sức của họ, nhất là khi Bonard đã bắt đầu nghi ngờ triều đình Huế ngầm ủng hộ quân du kích tại Nam kỳ. Dự định thực hiện những cuộc thương thuyết mới thất bại ngay từ đầu; nhất là khi những cuộc thương thuyết ấy đều không chính thức và chánh phủ Pháp không hề lưu ý chút nào.

Phan Thanh Giản, một lần nữa, lại phải chịu đựng cơn thịnh nộ của nhà vua và bị cách chức vì bất lực về nghiệp vụ, cũng như vì đã phụ lòng tin mà nhà vua và cả đất nước Việt Nam đã đặt vào ông.

TS Nguyễn Xuân Thọ

___________________

(1) Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12/1937, trang 381-396.

(2) Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12/1937, trang 381-396.

(3) Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12/1937, trang 381-396.

(4) Lưu trữ Bộ Hải quân, Paris - SH, bìa 81.

(5) Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12/1937, trang 381-396.

(6) Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12/1937, trang 381-396.

 

Nguồn: (Alpha Books - Ebook) Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Tại Việt Nam 1858-1897

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>