●   Bản rời    

Vài Suy Nghĩ Khi Đọc Tiết “QUÂN PHÁP ĐÁNH ĐÀ NẴNG” Trong Sách VIỆT NAM SỬ LƯỢC của Trần Trọng Kim

Vài Suy Nghĩ Khi Đọc Tiết “QUÂN PHÁP ĐÁNH ĐÀ NẴNG”

Trong Sách VIỆT NAM SỬ LƯỢC của Trần Trọng Kim

TS. Phan Văn Hoàng

http://sachhiem.net/LICHSU/P/PhanvHoang_04.php

01-Aug-2018

Công giáo hoá không phải là mục tiêu cuối cùng mà là bước đầu tiên để thuộc địa hóa Việt Nam, đúng như giám mục Paul Francois Puginier đã viết: “Khi một quốc gia Thiên chúa giáo nào đó [chỉ nước Pháp] đã thành công trong việc đưa tôn giáo của mình vào các thuộc địa, quốc gia ấy có thể hoàn toàn yên tâm… Sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng một thuộc địa đã [được] Thiên chúa giáo hóa lại phản bội nước mẹ để liên minh với một xứ vô đạo chống lại chính quốc"

Mở đầu tiết 1 “Quân Pháp đánh Đà Nẵng” của chương VII sách Việt Nam sử lược, tác giả TrầnTrọngKim viết:“Trong thời đại khó khăn như đời vua Dực Tông [tức Tự Đức] mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ, không biết theo thời mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp mà khai hóa dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước và đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi những sự lỗi lầm ấy cho nên người Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người giáo sĩ bị hại”(1) . Tác giả lên án vua quan đời Tự Đức là “làm điều tàn ác”(2) , “làm điều trái đạo”(3).

Lập luận của sử gia họ Trần không có gì mới. Được đào tạo trong nhà trường của Pháp, ông phê phán chính sách của các vua đầu triều Nguyễn không khác mấy so với các sử gia Pháp như Pierre Cultru, Andrien Charles Lauray, Louis Eugène Louvet, Charles B. Maybon…

Sách Việt Nam sử lược xuất bản lần đầu năm 1920. Trong hơn nửa thế kỷ sau đó, dưới các thời Pháp đô hộ, Quốc gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng hòa, sách được tái bản nhiều lần (có lần do Cơ quan viện trợ Mỹ USAID tài trợ), vì vậy sách ảnh hưởng không ít tới nhận thức của nhiều thế hệ người đọc.

Nhân kỷ niệm 160 năm sự kiện Pháp nã đại bác vào bán đảo Sơn Trà (1-9-1858), chúng tôi đọc lại tiết “Quân Pháp đánh Đà Nẵng”, trong trí nảy ra hai câu hỏi:

Pháp tấn công Đà Nẵng ngày 1-9-1858

Câu hỏi thứ 1: Có phải “vì sự sùng tín” đối với Nho giáo mà các vua đầu Nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa ?

Nhiều nhà Việt Nam học nước ngoài bác bỏ ý kiến đó. Chẳng hạn:

- “Việt Nam là một xã hội đa tôn giáo…trước khi người Thiên Chúa giáo đến, Việt Nam có 3 tôn giáo nổi tiếng toàn thế giới: đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng… Ba tôn giáo đó ở Việt Nam cùng tồn tại, sống hòa bình bên nhau phần lớn thời gian. Trong chừng mức nào đó, các tôn giáo này hòa hợp với nhau làm một, một nơi thờ tự được dựng lên nhằm thờ chung dưới một mái nhà các vị sáng lập 3 đạo sống ấy” (Vietnam was, in religious terms, a pluralistic society…There were three world-famous religions in Vietnam prior to the arrival of the Christians: Buddhism, Taoism, and Confucianism…Vietnam’s three religions coexisted, living peacefully side by side most of the time. To a certain extent they were even fused into one, with the same religious temple build to honor collectively the founders of all three ways of life under one roof - Helen B. Lamb)(4) .

- “Truyền thống tôn giáo Việt Nam thường mang tính chiết trung và khoan dung một cách rộng rãi đối với những tín ngưỡng khác” (Vietnamese religious tradition was usually eclectic and broadly tolerant of other beliefs - Patrick J. N. Tuck)(5).

- “Ở người Việt Nam có một sự khoan dung lớn về mặt tôn giáo” (Philippe Devillers)(6).

- “Tại Việt Nam, nơi có tinh thần hòa đồng tôn giáo đã thấm sâu vào xã hội, không có lý do gì, nhất là khi vẫn có trật tự xã hội, lại đi bách hại đạo Công giáo với tính cách là một đạo giáo” (Yoshiharu Tsuboi)(7) .

Để hiểu mối quan hệ giữa các vua đầu triều Nguyễn với các giáo sĩ Pháp, chúng ta nhắc lại cuộc gặp gỡ mang tính định mệnh vào năm 1784 giữa Nguyễn Ánh và giám mục Pierre Pigneau khi hai người đang trốn chạy quân Tây Sơn trên các hòn đảo trong Vịnh Thái Lan.

Trước tình cảnh khốn cùng của Nguyễn Ánh, Pigneau (còn gọi là Bá-đa-lộc, lúc đó là đại diện tông tòa ở Đàng Trong) đề nghị Nguyễn Ánh cầu viện vua Pháp Louis XVI. Nguyễn Ánh đồng ý. Bá Đa Lộc đòi phải cho hoàng tử Cảnh (con trai trưởng của Nguyễn Ánh, lúc đó mới 4 tuổi) cùng sang Pháp để làm tin. Nguyễn Ánh đành nghe theo.

Nhà sử học Hàn Quốc Choi Byung Wook nhận xét: “Từ quan điểm của Pigneau, đây là một cơ hội hoàn hảo để tạo dựng nên một ông vua tương lai theo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam(8). Jean Raoul Clémentin giải thích thêm: Các giáo sĩ Pháp muốn “đưa Việt Nam trở lại đạo Gia-tô từ trên xuống [người trích nhấn mạnh] bằng cách làm cho nhà vua theo đạo trước, rồi nhà vua sẽ áp đặt tín ngưỡng mới của mình cho các sĩ phu, và qua các sĩ phu, đến tận nhân dân”(9) .

Mục tiêu cải đạo đầu tiên mà Pigneau nhắm đến là Nguyễn Ánh. Có một lúc, Pigneau đã tạo được cảm tình ở Nguyễn Ánh. Linh mục Louis Eugène Louvet kể: “Thánh lễ được cử hành thường xuyên [vào] ngày chúa nhật trong cung [của Nguyễn Ánh] cho các viên chức của triều đình và các quan lại Công giáo”. Tuy không phải là giáo dân nhưng Nguyễn Ánh “thường tham dự và cung kính lắng nghe các bài giảng của giám mục [Pigneau]”(10).

Trong thư ngày 10-7-1778, Pigneau để lộ ý đồ Công giáo hóa xứ Đàng Trong khi viết: “Tôi rất thân với ông hoàng sẽ lên trị vì [tức Nguyễn Ánh] và các ông quan lớn ở đây. Hãy cầu nguyện Chúa Trời cho việc này, bởi đó có thể sẽ là rường mối cho việc thu phục Nam Hà [tức Đàng Trong] theo đạo Chúa(11). Trong thư ngày 31-7-1780, Pigneau khoe: “Chính nhà vua và ông quan đầu triều [vào] ngày Tết thường đem quà tặng tôi, điều mà họ không làm cho bất cứ một ai khác(12). Việc Nguyễn Ánh “tỏ ra có ít nhiều thiện cảm với Công giáo làm cho các thừa sai tràn đầy hy vọng rằng ông sẽ trở thành một Constantin hay Clovis của Việt Nam”(13).

Công giáo hoá không phải là mục tiêu cuối cùng mà là bước đầu tiên để thuộc địa hóa Việt Nam, đúng như giám mục Paul Francois Puginier đã viết: “Khi một quốc gia Thiên chúa giáo nào đó [chỉ nước Pháp] đã thành công trong việc đưa tôn giáo của mình vào các thuộc địa, quốc gia ấy có thể hoàn toàn yên tâm… Sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng một thuộc địa đã [được] Thiên chúa giáo hóa lại phản bội nước mẹ để liên minh với một xứ vô đạo chống lại chính quốc(14).

GM Paul Francois Puginier

Hoàng tử Cảnh là mục tiêu cải đạo thứ hai, dễ thành công hơn vì tuổi đời còn non nớt. Trong thư viết ngày 20-3-1785 khi dừng chân ở Pondichéry (Ấn Độ) trên đường sang Pháp, Pigneau viết: “Tôi muốn dạy [Cảnh] theo truyền thống đạo Thiên Chúa”. Tuy mới sống chung với Pigneau hơn 3 tháng mà Cảnh “đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo(15) .

Bốn năm sau, tháng 7-1789, Pigneau đưa Cảnh (lúc này 9 tuổi) về lại Việt Nam.

Một sự cố xảy ra: “trong buổi lễ trình diện trước bàn thờ tổ tiên, hoàng tử Cảnh nhất định không chịu lạy, và trước sự chứng kiến của đông đủ triều thần, cứ nhất quyết cho rằng trên đó chỉ là ‘những con quỷ sứ’, bất chấp cái bạt tai của mẫu hậu(16). Còn Nguyễn Ánh thì “đau khổ, tủi nhục và tức giận, vứt bỏ phẩm phục, mũ miện, nói rằng ông là một người cha bất hạnh”(17) . Sau đó, ông phàn nàn với Pigneau về việc Công giáo “dạy người ta quên ông bà” và khẳng định: “Tôi phải giữ tục thờ cúng tổ tiên như tôi đã nói rõ, vì theo tôi, đó là cơ sở của nền giáo dục ở xứ tôi(18) .

Tối nào, Cảnh cũng “lén đọc kinh lầm rầm [trước] lúc đi ngủ…vẫn tiếp tục tiến xa hơn trên con đường bày tỏ đức tin Thiên Chúa [như] Cảnh vạch hai dấu thập tự trên tượng Phật của mẹ, rồi kế đó, lại bày cho bà này lấy phân bò bôi lên tượng Thích Ca(19) .

Không chỉ mộ đạo, Cảnh còn tỏ ra thân Pháp. Trong thư gửi Letondal, Laurent Barisy khen Cảnh: “Đông Cung [tức Cảnh] là người đã ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, đã bảo vệ cho đạo Thiên Chúa… đích thực là một người bạn thành thật” của người Pháp(20) .

Tượng Pierre Pigneau (một tay dẫn hoàng tử Cảnh, một tay cầm Hiệp ước Versailles) được Pháp dựng trước Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, đã bị nhân dân hạ xuống năm 1945.

Trước tình cảnh đó, để xóa dần ảnh hưởng của Pigneau đối với Cảnh, Nguyễn Ánh “quyết định cho hoàng tử ra ở riêng(21) . Năm 1793, ông cử các nhà nho Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm thị giảng, Ngô Tòng Châu làm phụ đạo để giảng kinh sử cho Cảnh, đặt ra chức thị học để theo dõi việc học hành của Cảnh, “Đông Cung nói câu gì, làm việc gì, thị học chép hết cả(22) để báo cáo lên Nguyễn Ánh. Mùa đông năm đó, ông dặn dò Phạm Văn Nhơn: “Đông Cung đương tuổi còn trẻ, việc giúp đỡ, bảo ban là trách nhiệm của ngươi…, hàng ngày đem lời nói việc làm chính đáng để bảo ban(23) . Giáo sĩ Le Labousse hằn học gọi các vị quan nói trên là “những thượng thư của Quỷ Satan” (les ministres de Satan)(24) .

Cũng trong năm 1793, tuy lập hoàng tử Cảnh (con của bà nguyên phi Tống Thị Lan) làm Đông Cung thái tử, Nguyễn Ánh lại đưa hoàng tử Đảm (con của bà thứ phi Trần Thị Đang) làm con nuôi của bà Lan, trong khi bà Đang vẫn còn sống. Việc đưa hoàng tử Đảm từ con dòng thứ lên làm con nuôi dòng đích được nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Chân Quỳnh giải thích: “Phải chăng vì vương [Nguyễn Ánh] nhận thấy hoàng tử Cảnh quá mộ đạo Thiên Chúa, có quá nhiều cảm tình với người Tây Dương, tính tình lại nhu nhược, nếu lên ngôi có thể sẽ đánh mất chủ quyền, nên chọn sẵn hoàng tử Đảm [tức vua Minh Mạng sau này] để phòng hờ trường hợp phải loại hoàng tử Cảnh ra(25) .

Ngoài việc giáo dân bị cấm thờ cúng tổ tiên, còn một lý do khác khiến Nguyễn Ánh dị ứng với Công giáo. Theo linh mục Trương Bá Cần, ông “nghi ngờ và lo sợ là Công giáo sẽ trở thành một tập thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, một nước trong một nước(26).

Theo thông lệ hàng năm, vào dịp đầu xuân, tất cả các làng đều cử hành long trọng lễ Kỳ yên để cầu cho quốc thái dân an. Không ai bảo ai, mọi người đều tham gia tổ chức buổi lễ, kẻ góp công người góp của. Nhưng theo linh mục Trương Bá Cần, “người Công giáo cho rằng đóng góp như thế là tham gia vào mê tín dị đoan, nên tìm cách lẫn tránh”. Đích thân Pigneau trực tiếp can thiệp, “xin Nguyễn Ánh ban một sắc chỉ miễn cho người Công giáo không phải đóng góp vào dịp lễ Kỳ yên”. Nguyễn Ánh không muốn một mình quyết định nên đưa vấn đề ra hỏi ý kiến triều thần, nhưng “tất cả đều không đồng ý”. Để không mất lòng cả hai bên, Nguyễn Ánh đưa ra kết luận: “Làng nào muốn tha thì có quyền tha, muốn bắt thì có quyền bắt, vì đây là một tục lệ có từ lâu đời(27) .  Kết quả: không có làng nào tha, vì các hương chức đều thấm nhuần văn hóa cổ truyền.

Năm 1794, chính quyền Đàng Trong trùng tu Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) ở Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Pigneau và các giáo sĩ lại đề nghị “giáo dân sẵn sàng đóng góp cho quốc gia, nhưng đừng buộc họ phải phụng sự Khổng Tử”. Lần này, Nguyễn Ánh bác bỏ ngay lập tức đề nghị đó “song các giáo sĩ lại gửi thư đi khắp nơi xúi giục con chiên cương quyết không nộp tiền”(28) cho việc trùng tu Văn Miếu.

Càng ngày vua và các sĩ phu càng “nhìn thấy ở Thiên Chúa giáo trước hết là một hệ thống quan niệm chống lại tổ chức xã hội mà họ xây dựng, một chuẩn mực lối sống phủ nhận các quan hệ xã hội mà họ đề cao(29).

Trong bản tường trình ngày 29-8-1786, giáo sĩ Darcet cũng thừa nhận: “Phần đông [giáo dân] sống như là người ngoại kiều trên quê hương mình: không đi xem kịch [tuồng, hát bội], không tham dự các trò chơi công cộng hay các lễ hội rất quen thuộc đối với những người không Công giáo(30) .

Linh mục Trương Bá Cần nhận định: “Từ những vụ việc cụ thể đó đã dần hình thành trong tâm trí ông [Nguyễn Ánh] một sự nghi ngờ, một sự lo ngại rằng Công giáo là một mối đe dọa đối với uy quyền của ông và đối với trật tự xã hội” của nước mình(31).

Do đó, Nguyễn Ánh thay đổi thái độ đối với Công giáo. Các giáo sĩ cho biết: “Tôi tin là không bao giờ nhà vua sẽ theo Ki-tô giáo” (giáo sĩ Le Labousse, 1792)(32) ; “Hiện nay, ông tỏ ra ít dễ dãi với đạo hơn mấy năm trước” (giáo sĩ Lavoué, 1795)(33); “Chúng tôi phải chịu một cuộc bách hại ngẩm ngầm… Bách hại do nhiều vị quan đang tìm mọi cơ hội để làm hại chúng tôi và trả thù những người Công giáo mà họ cho là đã xúc phạm đến thần linh của họ khi những người Công giáo không chịu quỳ gối trước các thần linh… Sau hết, bách hại do chính nhà vua, lúc nào có dịp là tỏ rõ sự hận thù đối với đạo chúng ta, ông còn chưa ra tay là bởi còn nể nang đức cha Adran [tức Pigneau]”(giáo sĩ Le Labousse, 1796)(34).

Nguyễn Ánh cũng thay đổi cách đối xử với nhóm người Pháp do Pigneau chiêu mộ:  “Vua sai đuổi hết [những người Pháp đánh thuê], không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ” (giáo sĩ Le Labousse, 17-6-1792)(35); “Nhà vua bất bình với những người Pháp, cho đuổi tất cả trong những ngày đầu tháng 5; hay là những người Pháp bất bình với vua xin đi và được chấp nhận ngay lập tức” (giáo sĩ Lavoué, 16-6-1792)(36) .

Không chỉ Nguyễn Ánh mà các quan văn võ trong triều cũng không ưa Pigneau. Chẳng hạn, vệ úy Trần Đại Luật dâng sớ lên Nguyễn Ánh, tố cáo Pigneau rao giảng Công giáo “để lừa dân ngu không có tình thân cha - con, nghĩa lớn vua - tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông Cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo” và đề nghị “chém đầu hắn [Pigneau] treo ở cửa chợ để tạ cả nước mà bỏ được sự mê hoặc của mọi người”. Nguyễn Ánh đồng ý với Trần Đại Luật, nhưng nói: “Tạm hãy để đó” vì giữa lúc còn đang chiến tranh thì “kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng(37).

Ngày 9-10-1799, Pigneau chết. Một năm rưỡi sau, ngày 21-3-1801, hoàng tử Cảnh cũng qua đời. Thế là ý đồ “dựng lên một Constantin hay một Clovis cho Đàng Trong” tan thành mây khói.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, đặt niên hiệu là Gia Long. Chỉ hai năm sau, trong chỉ dụ ngày 4-3-1804, vua Gia Long gọi Công giáo là “tà đạo”, là “đạo dị đoan”. Tuy không cấm giáo dân hành đạo, song ông tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Công giáo bằng cách ra lệnh “từ nay trong các tổng, các làng có nhà thờ của người Thiên Chúa giáo, cấm sửa chữa hoặc xây dựng lại những ngôi nhà thờ đã bị hư hại; còn cất nhà thờ mới ở những nơi chưa có [thì] tuyệt nhiên cấm hẳn”(38).

Trong thư ngày 12-5-1806 gửi cho một giáo sĩ, Jean Baptiste Chaigneau – một trong mấy người Pháp ở lại Việt Nam sau thời nội chiến – viết: “Về tôn giáo, con nghĩ dưới thời vua này thì các giáo sĩ và giáo dân còn được tạm yên, mặc dù cả vua lẫn quan đều không ưa đạo”(39) nhưng ông dự cảm: “Con nghĩ, đến một ngày, ông ta sẽ chiều ý các quan, đàn áp đạo Thiên chúa”(40).

Cuối đời, vua Gia Long quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Đảm (mà ông đã chuẩn bị từ năm 1793), thay vì cho cháu nội dòng đích. Sử gia Pháp A. Schreiner giải thích: “Có lẽ Gia Long sợ rằng tư tưởng của Pigneau có thể ảnh hưởng đến con trai của hoàng tử Cảnh”(41).

Từ khi lên ngôi, vua Minh Mạng tiếp tục chính sách của vua cha đối với Công giáo. Ông tiếp tục phê phán các giáo sĩ dạy tín đồ “không kính thần minh, chẳng thờ tổ tiên”, như thế là “rất trái với chính đạo…trái luân lý, hại phong hóa…phạm đến pháp luật” và kết luận Công giáo “là tà đạo hơn đạo nào hết”(42).

Quan lại và giới sĩ phu tán thành nhận định đó của vua. Nhà nghiên cứu Georges Taboulet chép lại “bản kiến nghị [dâng lên vua] dưới đây tóm tắt những điều mà các sĩ phu trách cứ những người theo Công giáo:

- từ bỏ việc thờ cúng tổ tiên,
- làm đảo lộn phong tục tập quán,
- lỗi lầm về đạo đức,
- hội họp khả nghi,
- lập ra một hệ thống cấp bậc riêng biệt, bên ngoài những hệ thống đã có,
- từ chối tham gia các lễ nghi, vv…”(43)
Với giáo dân trong nước và với các giáo sĩ Pháp, Minh Mạng có những cách đối xử khác nhau.

Theo ông, giáo dân “phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối”(44) nên ông chỉ thị cho Bộ Hình “phải nên một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới”(45) vì “cái đạo dạy dân tất phải dùng giáo hóa trước, dùng hình phạt sau. Nếu chưa dùng giáo hóa mà dùng hình phạt ngay thì thực chưa nỡ”(46). Suy nghĩ như vậy nên ông biên soạn “Mười điều giáo huấn” như trọng luân lý (đôn nhân luân), giữ phong tục cho thuần hậu (hậu phong tục), chuộng học đạo chính (sùng chính học), vv…

Trong khi đó, ông nghiêm khắc phê phán “các giáo sĩ đã dụ dỗ và làm thác loạn nhân tâm, làm hư hỏng và suy đồi thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải là một tai ương lớn lao cho đất nước chúng ta hay sao? Vì vậy cần phải chống lại những sai lầm đó để đưa dân chúng trở lại con đường chính”(47).

Coi thường các lệnh cấm của Triều đình, các giáo sĩ vẫn bí mật xâm nhập vào Việt Nam, lén lút đi truyền đạo nhiều nơi. Do đó, vua Minh Mạng chỉ thị cho các quan địa phương tổ chức canh gác các cảng biển để ngăn ngừa người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp vào đất liền; đồng thời tập trung các giáo sĩ Pháp đang có mặt ở Việt Nam về kinh đô Huế nói là để giúp Triều đình phiên dịch các tài liệu tiếng Pháp. Những giáo sĩ này “được nhà vua tiếp đãi tử tế, phong chức hành nhân”(48), được cấp lương hàng tháng gồm 20 quan tiền và 5 đấu gạo(49) (mỗi đấu khoảng 13 lít).

Trong thư gửi về Pháp tháng 12-1830 (tức 10 năm sau khi Minh Mạng lên ngôi), giáo sĩ M. Marette kể: “Từ khi tôi đến Đàng Ngoài cho đến hôm nay, tôi vẫn được bình yên… Người ta [chỉ vua quan Việt Nam] không ghét đạo Thiên Chúa, mà chỉ ghét người Âu Châu; do đó, các linh mục hoạt động rất tự do… Việc hành đạo được phần nào tự do và mọi nghi lễ được người ta [tức giáo dân] cử hành khá trọng thể ngay ở một đất nước ngoại đạo”(50)

Tiểu kết:

Hai sử gia Việt Nam ở Pháp có cùng nhận định:

“Việc truyền đạo trên đất Việt Nam có thể gây nguy cơ đảo lộn phong tục và luật lệ của xứ sở và do đó, đảo lộn luôn cả lâu đài tôn giáo, xã hội và chính trị quốc gia… Vì thế, hành động của nhà vua [Minh Mạng], đối với trách nhiệm làm vua của ông, là hoàn toàn đứng đắn khi ông chống lại hoạt động của một số giáo sĩ Ki-tô…Những sắc lệnh [cấm đạo] nói trên đây thực tế chỉ nhằm mục đích bảo vệ sự thống nhất tinh thần và chính trị của đất nước mà thôi, đó hoàn toàn không phải là một biểu hiện của sự cuồng nhiệt tôn giáo, vì cái cuồng nhiệt tôn giáo này, đối với người Việt Nam, không có gì xa lạ cho bằng” (Nguyễn Xuân Thọ)(51).

“Xã hội [Việt Nam] cũ đặt nền tảng trên ba mối quan hệ then chốt [TAM CƯƠNG], đó là quan hệ vua - tôi, phụ - tử và phu - phụ. Thế nhưng, người ta lại thấy người Công giáo từ chối việc thờ cũng tổ tiên và chống lại bổn phận đối với xã tắc và quốc gia. Không phải là sự cuồng tín tôn giáo - vốn rất xa lạ với tinh thần của người Việt Nam - mà là ước muốn duy trì sự thống nhất luân lý và chính trị đã thúc đẩy nhà vua và triều đình ban các sắc chỉ cấm đạo” (Lê Thành Khôi)(52).

Nhà nghiên cứu người Pháp Georges Taboulet đồng ý với hai giáo sư người Việt:  “Các vua ở Huế chống lại tôn giáo của phương Tây không phải vì những lý do thuộc về hệ tư tưởng, mà vì họ thấy trong tôn giáo này mầm mống của sự hỗn loạn và vô chính phủ. Thật vậy, đạo Thiên Chúa làm đảo lộn một cách triệt để tất cả những phong tục và các định chế bản xứ, nó phá hoại đạo thờ Trời Đất – tôn giáo chính thức do nhà vua làm đại đạo sư, tục thờ Thành hoàng và tục thờ cúng tổ tiên, nó làm lung lay và có thể làm tan rã các nền tảng mà Nhà nước, gia đình và toàn bộ xã hội Việt Nam đặt trên đó” (Ce n’est pas tant pour des raisons idéologiques que les souverains de Hué s’opposent à la religion d’Occident, mais c’est parce qu’ils voient dans cette religion un ferment de désordre et d’anarchie. Le christianisme, en effet, bouleversa de facon révolutionnaire toutes les coutumes et les institutions locales ; il sape la religion officielle du Ciel et de la Terre, dont le Roi est le grand-prêtre, le culte des génies tutélaires de la cité, le culte des ancêtres ; il ébranle et risque de désagréger les fondements mêmes sur lesquels reposent l’État, la famille et toute la société vietnamienne)(53) .

Trong khi đó, học giả người Anh G. N. Curzon phân tích hành động của các giáo sĩ: “Các thừa sai lấy thái độ thù nghịch không nhân nhượng đối với tất cả tôn giáo và tất cả luân lý bản xứ… Đạo đức của Khổng giáo bao gồm bổn phận của con đối với gia đình [HIẾU] và bổn phận [của dân] đối với quốc gia [TRUNG]. Các thừa sai buộc họ [giáo dân Việt Nam] cải đạo bằng cách từ khước ngay cả bản chất công dân, buộc họ phải nhận điều kiện tiên quyết là chối bỏ nguyên tắc đầu tiên làm điểm tựa cho mọi đạo đức Khổng giáo”, rồi đặt câu hỏi: “Ví thử có người truyền đạo nào đó của một tôn giáo mới nào đó đổ bộ lên nước Anh… và ví thử họ bắt đầu tuyên truyền bằng cách tấn công vào quyển Thánh kinh và bài xích lòng tin vào các tông đồ, ta sẽ đón tiếp người đó như thế nào nhỉ?”(54).

Câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời: trong tình thế đó, người Anh cũng sẽ hành động như người Việt Nam thế kỷ XIX.

Câu hỏi thứ 2: Có phải vì nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa "cho nên người Pháp mới dùng binh lực" đánh chiếm Ðà Nẵng?

Theo nhà sử học Pháp Phillippe Devillers, vua Minh Mạng thường kể cho các quan trong triều nghe mẩu đối thoại giữa một quan chức Nhật Bản với một người Tây Ban Nha năm 1600:

- "Làm sao một ông vua [tức vua Tây Ban Nha] có thể chiếm được nhiều đất đến thế trên thế giới?"

- "Bằng tôn giáo và bằng vũ khí. Các nhà tu hành của chúng tôi mở đường bằng cách quy đạo Thiên Chúa cho các dân tộc. Sau đó, bắt họ thần phục nước Tây Ban Nha chỉ còn là một trò chơi đối với chúng tôi"(55) .

Trong tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu cho thấy các giáo sĩ Pháp hành động cùng một kiểu với các đồng đạo Tây Ban Nha:

Chước khôn chẳng những một phương

                        Muốn gồm muôn nước theo đường làm tôi.
                               Dân người về đạo Tây rồi
                        Nước người, Tây lấy mấy hồi nhọc lo.

Các giáo sĩ "thay vì giới hạn vai trò của mình trong lĩnh vực tôn giáo, lại đã xen vào chuyện chính trị"(56). Một mặt, các giáo sĩ “yêu cầu người Công giáo Việt Nam đừng thừa nhận quyền lực nhà vua và pháp luật nước họ. Các giáo sĩ nói với các con chiên: Ðức giáo hoàng ở La Mã (Rome) mới là vị vua tối cao duy nhất của họ, họ chỉ tuân phục quyền lực Toà Thánh Vatican"(57). Mặt khác, các giáo sĩ "tìm cách kích động các người theo đạo chống lại chính quyền hợp pháp để chuẩn bị một chế độ có thiện cảm với Ki-tô giáo"(58). "Vậy đây không còn là vấn đề truyền giáo nữa mà đơn giản là một mưu đồ làm cho chính quyền của xứ sở này bị mất ổn định"(59).

Mưu đồ công khai đầu tiên là việc giáo sĩ Joseph Marchand tham gia cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1833 ở Gia Ðịnh.

Về chuyện Marchand, Trần Trọng Kim gieo hoang mang cho người đọc khi viết: "Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá-đa-lộc [tức Pigneau] để giúp Lê Văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên Chúa ở Gia Ðịnh; người thì bảo ông ấy bị Lê Văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy vẫn phân vân không rõ hẳn ra thế nào"(60). Nếu tác giả họ Trần đọc lá thư do chính Marchand viết hay lời khai của đồng đảng của ông ta, thì ông chẳng còn nên phân vân nữa.

Lưu Hằng Tín, một người trong nhóm cầm đầu cuộc nổi loạn, thừa nhận: "Khôi nổi dậy là do sự xúi giục của Marchand và các giáo sĩ nhằm đưa lên ngôi [hoàng tôn An Hòa], người con của hoàng tử Cảnh, môn đồ cũ của giám mục Bá-đa-lộc. Vị hoàng tôn này hứa sẽ theo đạo Thiên Chúa và Marchand ở lại xứ này [Gia Ðịnh] cốt để tập họp giáo dân thực hiện mưu đồ đó... Marchand là linh hồn cuộc nổi loạn ở trong nước"(61).

Trong thư ngày 24-9-1834 gửi giám mục Taberd, đại diện tông tòa tại Nam Kỳ(62), Marchand tự xưng mình là "chiến sĩ của những người nổi dậy " (soldat des révoltés) và gọi thủ lĩnh cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi là "ông hoàng" (le prince)(63).

Marchand không giấu diếm mục đích của cuộc nổi loạn: "Nhờ ơn Thượng Ðế mà những người nổi loạn thắng cuộc thì chúng ta có thể hy vọng được trông thấy Vương quốc An Nam này hoàn toàn biến thành một quốc gia Thiên Chúa giáo"(64). "Hy vọng" đó của Marchand được nhiều sử gia Pháp ghi nhận:

Cuộc nổi loạn nhằm "tách các tỉnh Nam Kỳ ra khỏi xứ An Nam để lập nên ở phía Nam một quốc gia độc lập, dựa vào Hội truyền giáo, nghĩa là liên kết với nước Pháp" (M.Gaultier)(65).

"Có thể Marchand, với nhiệt tình của mình, đã mơ uớc được giúp đỡ Khôi để xây dựng ở Gia Ðịnh một vương quốc Công giáo như mơ ước của Bá-đa-lộc ngày trước" (P.J. Silvestre)(66) .

Trong thư gửi Taberd, Marchand cho biết một số hoạt động của mình. Chẳng hạn: "Các thủ lĩnh [cuộc nổi loạn] đã yêu cầu tôi chỉ cho họ cách làm các cờ hiệu giống như cờ hiệu của Constantin(67)... Họ nói rằng giờ đây họ tin ở đức Chúa Trời... [Khôi] cử một phái đoàn gồm các tín đồ Thiên Chúa giáo sang Xiêm(68), đã giao cho tôi viết thư mời các cha phụ trách Xiêm và Nam Kỳ hãy trở về đây [Gia Ðình] trong sự yên ổn"(69) .

Vua Minh Mạng cử quan quân vào chiếm lại các tỉnh Nam Kỳ, bao vây quân nổi loạn trong thành Phiên An, đến tháng 8-1835 thì hạ được thành.

Marchand bị dẫn ra Huế, bị Tòa án của triều Nguyễn khép vào 3 tội lớn:

"- Ðã vào thành Phiên An bày mưu tính kế cho quân phiến loạn chống lại nhà vua ...

- Ðã tự tay viết thư cho người Xiêm và người Anh yêu cầu họ đến cứu viện,
- Ðã xúi giục giáo dân chống lại lời kêu gọi của nhà vua khuyên họ ra đầu hàng"(70).

Ngày 30-11-1835, Marchand bị xử lăng trì.

Việc Marchand và giáo dân tham gia cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi "làm cho Minh Mạng thêm xác tín rằng các thừa sai đã đóng một vai trò trong việc gây rối loạn tại quốc gia do ông cai trị và thêm xác tín ở chủ trương ly khai của người Công giáo"(71).

Từ đó, Minh Mạng siết chặt hơn nữa việc cấm đạo. Tuy nhiên, các giáo sĩ và giáo dân vẫn bất chấp lệnh cấm, cố tình vi phạm pháp luật. Do đó một số bị bắt giam, một số khác bị xử tử. Giới Công giáo gọi vua Minh Mạng là "bạo chúa khát máu", ví vua với Néron(72). "Song trong khoảng hai thập niên duới thời Minh Mạng, không hề diễn ra những cuộc tàn sát lớn đối với dân Công giáo... Số giáo dân bị chết... không nhiều đến mức có thể gọi là những cuộc tắm máu"(73) như một số sử gia Công giáo Pháp phóng đại, "chẳng thấm tháp gì... so với các giàn hỏa của Tòa án truy tà của Ki-tô giáo, các cuộc bách hại sau khi bãi bỏ Chiếu chỉ Nantes"(74).

Thấy dùng luật pháp không ngăn cấm được giáo sĩ, Minh Mạng cử một sứ bộ sang Pháp để thương thảo trực tiếp với Chính phủ Pháp một giải pháp hợp tình hợp lý. Phái đoàn đến Pháp tháng 11-1840. Hội truyền giáo nước ngoài Paris “giới thiệu Minh Mạng như kẻ thù của tôn giáo và đòi có sự can thiệp bằng quân sự”(75) chống Việt Nam. Từ La Mã, giáo hoàng Grégoire XVI đòi đuổi phái đoàn Việt Nam về nước. Trước sức ép của dư luận Công giáo, vua Louis Philippe không tiếp sứ bộ.

Sau khi vua Minh Mạng qua đời (21-1-1841), người kế vị là vua Thiệu Trị, một người có bản tính nhu hòa. "Dưới triều đại của ông, không xảy ra một vụ giết hại người châu Âu nào"(76). Ông thường "giơ cao" nhưng "đánh khẽ". Chẳng hạn, năm 1841, 5 giáo sĩ Pháp vi phạm luật pháp, bị Tòa án tuyên án tử hình để làm gương cho kẻ khác, nhưng vua ra lệnh giải họ về kinh đô quản thúc, sau đó trao trả cho thiếu tá Hải quân Favin Lévêque trên tàu Héroine ở Ðà Nẵng (17-3-1843). Nhưng sau đó, trong hai năm 1844 và 1846, 2 trong 5 giáo sĩ ấy là Miche và Duclos lại lén trở lại Việt Nam. Nhưng người coi thường luật pháp Việt Nam nhiều nhất lúc đó là giám mục Dominique Lefèbvre. Ông này bị bắt (3-10-1844), bị kết án tử hình (1845) nhưng chỉ bị giam ở Huế, sau đó được trao trả cho Fortier du Plant, thuyền trưởng tàu Alcmène (12-6-1845). Tháng 4-1846, Lefèbvre lén trở lại Việt Nam, mang theo 1 giáo sĩ và 3 chủng sinh. Lại bị bắt, bị kết án tử hình lần thứ hai nhưng chỉ bị trục xuất. Thế nhưng ông ta lén trở lại Việt Nam một lần nữa, sống lẫn tránh ở Nam Kỳ. Khi Rigault de Genouilly đưa quân từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn, Lefèbvre bí mật đến gặp viên tướng Pháp (15-2-1859). Nhờ những tin tức do ông cung cấp, de Genouilly tổ chức tấn công thành Gia Ðịnh ngày 17 và hạ thành vào ngày hôm sau.

Tưởng Lefèbvre vẫn còn bị giam(77), phía Pháp cử hai tàu Victorieuse (do trung tá Hải quân Rigault de Genouilly chỉ huy) và Gloire (do đại tá Hải quân Augustin de Lapierre chỉ huy) đến Ðà Nẵng trong hai ngày 17 và 23-3-1847 để yêu cầu thả Lefèbvre. Phía Việt Nam trả lời rằng Lefèbvre đã được vua Thiệu Trị phóng thích và trục xuất, nhưng họ không tin. “Nổi giận vì thái độ do dự của Triều đình Huế, hai chiến hạm pháo kích Đà Nẵng ngày 15-4 và phá huỷ năm chiếc tàu Việt Nam”(78). Theo Philippe Devillers, vụ nổ súng này “làm cho 10.000 người [Việt Nam] chết(79) (Trần Trọng Kim không nêu con số tổn thất nhân mạng này trong sách của ông).

Các sử gia bình luận: “Trận công phá đó đã ghi dấu bước đầu sự xung đột giữa Việt Nam và Pháp”(80). Nó “thực sự đã phá hết những cơ may cuối cùng của một cuộc hoà giải giữa nhà thờ Gia-tô giáo và triều nhà Nguyễn(81). Theo linh mục Trương Bá Cần, “nó cũng dập tắt ý tưởng tốt đẹp dành cho Ki-tô giáo và phương Tây vừa manh nha trong suy nghĩ của Thiệu Trị”(82). Trước mối đe dọa ngoại xâm ngày càng rõ nét, vua tuyên bố trong một cuộc họp của Viện Cơ mật: “Ðạo Gia-tô là tà giáo, cái hại rồi đến bởi chuyện ngoài biên, mở đường chinh chiến(83). Vì vậy, trước khi qua đời (4-1-1847), vua quyết định chọn hoàng tử thứ hai Hồng Nhậm (sau đó là vua Tự Ðức) để nối ngôi, loại bỏ người con cả Hồng Bảo vì “bị nghi ngờ quá dễ dãi đối với những người ngoại quốc và người Thiên Chúa giáo”(84).

Trong các dụ cấm đạo, vua Tự Ðức gọi giáo dân trong nước là “những kẻ ngu muội đáng thương... bị các thầy tu [người Âu] mê hoặc”, chỉ thị cho các quan “phải thương xót họ. Vì vậy, trong sự yêu mến nhân dân mình, nhà vua ra lệnh từ nay họ sẽ không bị tội chết, lưu đày hay giam cầm. Các quan sẽ chỉ trừng trị họ một cách nghiêm khắc rồi trả họ về cho gia đình của họ”. Khoan dung với giáo dân nhưng vua lên án “những thầy tu người Âu là những kẻ phạm tội nhất” vì họ “lén lút vào vương quốc [của] Trẫm, đi lại trong các tỉnh, lừa lọc và mê hoặc tâm trí của nhân dân(85). Theo Philippe Devillers, “tối đại đa số các quan và các nhà Nho đều tán thành phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống những người Thiên Chúa giáo”(86).

Theo lời một quan chức của Triều đình Huế, “khi mới lên ngôi, vua Tự Ðức rất niềm nở với [giáo dân]; ngài cũng đã ra lệnh là đối với những vi phạm nhỏ, những tội nhỏ, các quan địa phương nên rộng lượng với họ. Nhưng những người Gia-tô, được hướng dẫn bởi những thừa sai, đã hỗn xược đến nỗi không cần biết gì đến uy quyền của các quan; họ nổi loạn công khai, tuyên bố rằng tín đồ Gia-tô không thể vâng lời các tín đồ của một tôn giáo khác; họ gây xáo trộn ở khắp nơi... và cứ như vậy, các thừa sai hoặc điều khiển, hoặc nhân danh mình, bao che các cuộc nổi loạn đó; họ lại còn xen vào các tổ chức bí mật chống vua, kể cả các tổ chức đốn mạt nhất(87).

Một trong những cuộc nổi loạn đó do Hồng Bảo cầm đầu. Trong thư ngày 26-11-1848, giám mục Pellerin, đại diện tông tòa tại Bắc Ðàng Trong (tức ba tỉnh Bình – Trị –  Thiên), viết: “Tôi biết rằng ông ta [tức Hồng Bảo] đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngai vàng mà đáng lẽ ông đã được hưởng theo quyền thế tập, và ông đã muốn lôi kéo chủ yếu là giáo dân theo phe mình bằng cách hứa với họ chẳng những quyền tự do hành đạo mà cả sự ủng hộ của chính thế lực của ông để cải giáo toàn thể vương quốc theo đạo Thiên Chúa(88).

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Vị hoàng tử bất mãn này âm mưu chống đối và bí mật yêu cầu các thừa sai Pháp giúp đỡ qua sự trung gian của các giáo dân(89); “Ðồng đảng của ông trao tiền trước cho các thừa sai hầu được sự trợ giúp của người Tây phương(90).

Sau mấy năm chuẩn bị, Hồng Bảo định thực hiện âm mưu của mình trong dịp Tết Tân hợi (cuối tháng 1-1851) nhưng bị bắt tại trận. Linh mục Galy kể: “Người ta tìm thấy nhiều vũ khí và lương thực đủ loại, nên không còn nghi ngờ gì nữa về những ý định của ông hoàng định giành ngôi(91). Tòa án của Triều đình tuyên xử Hồng Bảo án lăng trì (tương tự hình phạt đối với giáo sĩ Marchand trong vụ nổi loạn nhằm lật đổ ngai vàng 16 năm trước), nhưng vua Tự Ðức nghĩ tình anh em, đã giảm án tử hình thành tù chung thân. Theo nhà sử học Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi, “việc Hồng Bảo tìm sự ủng hộ của người Công giáo đã gây ra phản ứng dữ dội của Tự Ðức đối với các thừa sai và giáo dân: đối với chính quyền Tự Ðức, không còn nghi ngờ gì về sự thông đồng chính trị giữa Hồng Bảo và người Công giáo, và từ đó vua coi người Công giáo như một nhóm chủ yếu có tính chất chính trị và chống lại uy quyền của mình(92).

Chưa hết, “giám mục Retord muốn đưa ra một ông vua theo đạo Thiên Chúa dưới sự bảo trợ của nước Pháp”(93). Người được chọn là Pierre (Phê-rô) Tạ Văn Phụng, từng được “nuôi dưỡng ở trụ sở của giáo hội tại Pinang”(94) ở Mã Lai, “xuất hiện trước mắt các thừa sai như một người Công giáo xuất sắc nhất”(95), mạo xưng là hậu duệ của nhà Hậu Lê dưới cái tên giả Lê Duy Phụng. “Chính giám mục Retord đã khuyến khích Pierre Lê Duy Phụng cầm đầu phong trào nổi loạn chống Tự Ðức”(96).

Giám mục Pellerin nhận xét: sở dĩ vua Tự Ðức đẩy mạnh việc cấm đạo “chính là vì sợ những người công giáo sẽ giúp cho Pháp chống Việt Nam”(97).

Chính phủ Pháp cử De Montigny sang Việt Nam để bàn việc ký một hiệp ước giữa hai nước. De Montigny cho tàu Catinat tới cảng Ðà Nẵng ngày 16-9-1856 để đưa thư. Khi thấy Việt Nam không trả lời thư, thuyền trưởng Lelieur de Ville-sur-Arc nã đại bác vào các đồn lũy và cho một toán 50 quân đổ bộ lên bờ cướp phá (26-9). Sau đó, tàu Capricieuse lại vào cảng Ðà Nẵng (24-10). Giám mục Pellerin ăn mặc giả lính, trốn xuống tàu. Mãi đến 23-1-1857, De Montigny mới tới Việt Nam. “Nước An Nam tuy có chấp nhận thảo luận về một hiệp ước thương mại và hàng hải, nhưng tuyệt đối từ chối đề cập đến vấn đề  tự do tôn giáo là một lĩnh vực mà họ coi là thuộc chủ quyền của họ. Và sức ép từ bên ngoài, nhất là lại có kèm theo những đe dọa vũ trang, chỉ có thể làm kịch phát thêm sự chống đối và coi những người Thiên Chúa giáo là những tay chân của nước ngoài(98). Thất bại, De Montigny rời Việt Nam ngày 7-2.

Ngày 22-4, vua Napoleon III thành lập Ủy ban Cochinchine(99) để xem xét vấn đề  can thiệp vũ trang vào Việt Nam.

Về Pháp đầu tháng 5, giám mục Pellerin kêu gọi nước Pháp mở cuộc viễn chinh chống Việt Nam. Ông ra trình bày trước Ủy ban Cochinchine (16-5) rồi gửi cho Ủy ban một bản điều trần chi tiết (21-5). Ông hai lần (21-5 và 30-8) gửi kiến nghị lên vua và được vua tiếp kiến. Tại Pháp, ý kiến của ông được tổng giám mục Bonnechose, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye... hưởng ứng. Ông còn qua La Mã để vận động Tòa thánh Vatican và được giáo hoàng Pie IX ủng hộ.

Pellerin

Pellerin soạn ra một kế hoạch quân sự - chính trị để xâm chiếm Việt Nam. Ông khuyên “quân đội Pháp chọn Ðà Nẵng làm điểm nổ súng mở màn cho cuộc xâm lược, vì theo Pellerin, đó là vị trí dễ chiếm, khí hậu tốt, lương thực nhiều”(100). Sau khi chiếm Đà Nẵng, quân Pháp sẽ tiến ra Huế, “bắt giữ vua [Tự Đức] và để lại cho vua một quyền hữu danh vô thực”, buộc vua phải ký một hiệp ước thừa nhận “một sự chiếm đóng hay một nền bảo hộ của Pháp”(101).

            Để thuyết phục mọi người chấp nhận kế hoạch trên, Pellerin quả quyết rằng việc đánh chiếm và cai trị Việt Nam sẽ diễn ra một cách dễ dàng, vì “dân chúng [Việt Nam] bị đè nén dưới sự áp bức của triều đình và quan lại Huế, sẽ đón tiếp người Pháp như những người giải phóng”(102) và “quốc gia An Nam [sẽ] chấp nhận một cách vui mừng sự bảo hộ”(103) của Pháp. Đặc biệt “600.000 con chiên [Việt Nam] sẽ giúp đỡ người Pháp”(104) trong cuộc tiến công này và “những thầy giảng [Việt Nam] – do các thừa sai [Pháp đào tạo] – biết phong tục tập quán và hầu như rành ngôn ngữ của chúng ta [tức tiếng Pháp], có khả năng trở thành nơi đào tạo để chúng ta tuyển những quan lại mới”(105) cho chế độ bảo hộ.

Để khuyến khích giới tư sản ủng hộ cuộc viễn chinh, Pellerin không quên đề cập đến những lợi ích kinh tế khi “nhấn mạnh trên khả năng trồng cà-phê và khai thác mỏ vàng, mỏ than, mỏ đồng và mỏ sắt(106) ở Việt Nam.

Linh mục Trần Tam Tỉnh gọi Pellerin là “người cổ vũ chủ chốt việc Pháp xâm chiếm Việt Nam”, bình luận rằng “chưa từng có luận điệu tuyên truyền tài tình, tinh vi đến mức ấy! Bọn tư sản gặp được nơi những lời khẳng định lặp đi lặp lại đó những cuộc viễn chinh dễ dàng như thế(107) .

Kế hoạch của Pellerin đưa ra trong bối cảnh “Anh chiếm trọn Ấn Độ đến tận Singapour (…), [còn] tàu bè của chúng ta [tức Pháp] hình như đang lang thang phiêu bạt khắp vùng Viễn Đông này(108) vì Pháp chưa có thuộc địa trong khu vực này.

Tham vọng của giới Công giáo Pháp phù hợp với chính sách thực dân của nền Đế chế thứ II nên cuối cùng vua Napoléon III quyết định mở cuộc viễn chinh ở Việt Nam. Chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly được giao quyền chỉ huy với nhiệm vụ “đánh chiếm vịnh biển và lãnh thổ Đà Nẵng” sau đó buộc chính phủ Việt Nam “thông qua một hiệp ước đi đến sự thừa nhận nền bảo hộ của nước Pháp”(109) .

Pellerin không chỉ là người đề xuất kế hoạch, ông còn trực tiếp tham dự cuộc viễn chinh. Là người từng sống ở Việt Nam mười mấy năm, hiểu rõ tình hình mọi mặt của đất nước này, nên khi hạm đội Pháp nã đại bác vào cảng Đà Nẵng ngày 1-9-1858, ông có mặt trên tàu chiến, ngay bên cạnh Rigault de Genouilly như một cố vấn của viên chuẩn đô đốc.

Từ Bắc Kỳ, “giám mục Retord gởi tới đô đốc mấy con chiên để làm hướng đạo cho quân viễn chinh(110) cùng với lời khuyên: “Nếu ông đô đốc muốn làm các chuyện một cách chắc chắn và lâu bền, vẻ vang cho nước Pháp và cho tôn giáo, ông nên chiếm nước này nhân danh nước Pháp và vì lợi ích của nước Pháp, hay đặt một ông vua theo Công giáo dưới sự bảo hộ của nước Pháp, nước Pháp sẽ giữ vĩnh viễn cảng Đà Nẵng và các đảo [gần đó]” (Si monsieur l’amiral veut faire les choses d’une facon solide et durable, glorieuse pour la France et la religion, il faut qu’il s’empare du pays au nom et pour le compte de la France, ou qu’il mette un roi chrétien sous la protection de la France qui garderait le port et les iles de Tourane à perpétuité)” (111) .

THAY LỜI KẾT

            Một học giả viết: “Các giáo sĩ thừa sai và nhà cai trị thuộc địa đã liên kết nhau trong một nỗ lực chung biến Việt Nam thành một mảnh đất [của] Pháp và Gia-tô giáo ở Viễn Đông... Vấn đề thuộc địa và vấn đề tôn giáo dính liền nhau, không thể tách rời được… [Cho nên] viết về lịch sử chiếm thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam mà né tránh vai trò của các thừa sai là không viết gì cả… Nếu sự khôn ngoan khuyên hãy nên dè dặt, thì trái lại lòng yêu khoa học thúc đẩy nói lên sự thật(112) .

Vâng, chính lòng yêu khoa học khiến chúng ta không hài lòng với kết luận của sử gia họ Trần (“Ấy cũng tại vua quan mình làm điều trái đạo, giết hại những người theo đạo Gia-tô nên mới có tai biến như vậy”(113)) và tiếp tục tìm hiểu đâu là nguyên nhân thực sự của việc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858.

GS Cao Huy Thuần giải thích: “Bành trướng thuộc địa hồi thế kỷ XIX có lý do chủ yếu là kinh tế (tìm thị trường cho kỹ nghệ đang mở mang) hoặc chính trị (không để cho một nước Âu châu khác nhanh chân hơn chiếm trước)”(114) [người trích in nghiêng]. Charles Gosselin, đại úy trong đạo quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam, viết cụ thể hơn: “[Nước Pháp] bị mất Ấn Độ trong thế kỷ XVIII, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, [điều đó] bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu  không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh bỉ”(115).

Tuy nhiên, nhiều sử gia Pháp muốn che đậy bản chất xâm lược thực dân của cuộc viễn chinh năm 1858, nên tìm cách đánh lừa dư luận ở Pháp, như Gosselin đã chỉ ra: “Đồng bào ta [tức người Pháp] không thông hiểu lịch sử, cho rằng nước Pháp đã bị lôi kéo can thiệp vào nước Nam chỉ vì muốn hỗ trợ các giáo sĩ hay muốn trả đũa những hành động gây hấn đối với họ và sự tàn sát đạo Thiên Chúa. Thực ra, những giáo sĩ chỉ là cái cớ [người trích in nghiêng] để chúng ta tấn công nước Nam(116) .

Đến lượt một số sử gia Việt Nam được đào tạo dưới mái trường của Pháp tiếp tục sử dụng cách lập luận lừa dối đó của các đồng nghiệp Pháp nói trên. Họ không biết rằng, ngay từ nửa sau thế kỉ XIX, linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) đã vạch rõ: “Nay bọn giặc Tây Dương xâm phạm nước ta, lại mượn câu ‘xin bỏ lệnh cấm đạo’ làm danh nghĩa. Chẳng qua bọn nó mượn điều này để lừa gạt công luận của thiên hạ mà thôi. Nhưng xét những việc chúng làm thì đều là cậy sức mạnh hung tàn, ngang dọc lung tung, há người theo đạo Thiên Chúa lại có thể coi bọn đó là đồng tâm, đồng đạo? Chính lý phải coi bọn đó là cừu thù, xông ra ngoài cõi chiến trường, sửa sang giáo mác súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung, bay còn thì tao mất, bay mất thì tao còn. Có đánh tan được bọn giặc Pháp thì cái lòng căm giận của người anh hùng mới tiêu tan, đâu lại có thể phản bội nước mình mà làm nội ứng cho bọn đó được sao?” (117).

Ngay như các giáo sĩ Pháp cũng thừa nhận vai trò của giáo sĩ và giáo dân trong việc Pháp xâm chiếm và thống trị Việt Nam: “Người Công giáo…là bạn bè của người ngoại quốc, là kẻ phản bội và phản nghịch, từng kêu gọi quân xâm lăng đến chiếm lĩnh nước mình (linh mục Louvet) (118), “Nếu không có thừa sai và giáo dân thì người Pháp khác nào như những con cua đã bị bẻ hết càng” (Sans les missionnaires et les chrétiens, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes - giám mục Puginier) (119).

Nhiều sử gia đã đưa ra những nhận định trung thực:

Giáo sĩ thừa sai và giáo dân “là kẻ phục vụ cho lợi ích của nước Pháp, vì giáo sĩ thừa sai không chỉ là linh mục, mà còn là kẻ thừa hành cho cuộc chiếm đóng, vì giáo dân không chỉ là tín đồ, mà còn là kẻ phản bội đối với Tổ quốc mình” (Étienne Võ Đức Hạnh) (120) .

Người ta không thể phủ nhận vai trò của các giáo sĩ trong việc Việt Nam mất độc lập và việc Pháp đã xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa… Chúng ta đã thấy các giáo sĩ xúi giục nhân dân nổi loạn và thường xuyên ngấm ngầm phá hoại chính quyền nhà Nguyễn, làm cho nó sớm bị sụp đổ, để giúp cho công cuộc xâm lăng của quân Pháp được dễ dàng” (Nguyễn Xuân Thọ) (121) .

Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước này” (Georges Coulet) (122).

Ngày càng có nhiều sử gia Việt Nam có những đánh giá khách quan hơn chính sách đối với Công giáo của các vua đầu nhà Nguyễn:

Các giáo sĩ “mở đường cho Pháp tới chiếm Việt Nam. Do đó mà khá nhiều linh mục đã bị kết án, không phải vì họ truyền giáo, mà vì bị cáo buộc làm gián điệp và âm mưu gây mất trật tự xã hội…Ước muốn duy trì sự thống nhất luân lý và chính trị đã thúc đẩy nhà vua và triều đình ban các sắc chỉ cấm đạo” (Lê Thành Khôi) (123).

Triều đình vẫn duy trì chính sách cấm ngặt Thiên Chúa giáo. Điều này có thể hiểu được, vì …đằng sau nó là mối đe dọa thường trực của một cuộc xâm lược vũ trang, cụ thể là sự xâm lược của thực dân Pháp đang tới gần” (Nguyễn Văn Kiệm) (124) .

Cấm đạo “sự thực chỉ là những biện pháp tự vệ mà mọi nước bị ngoại xâm và nội loạn đe dọa đều bị buộc phải dùng đến, nếu nó không muốn nhận chịu nguy cơ sụp đổ” (Cao Huy Thuần) (125).

“Nếu chúng ta tự đặt mình vào địa vị của các vị vua ấy và vào cái khung cảnh tâm lý thời đó thì có lẽ chúng ta khó có thể làm khác hơn” (Lý Chánh Trung) (126) .

Trước những kết luận đó, cách lập luận của tác giả Việt Nam sử lược trong tiết “Quân Pháp đánh Đà Nẵng” (không những không lên án thực dân Pháp, mà ngược lại còn biện minh cho tội ác xâm lược của chúng bằng cách lớn tiếng phê phán vua quan Việt Nam “làm điều tàn ác”, “làm điều trái đạo”) trở nên lạc lõng./-

__________

GHI CHÚ:

 

(1) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, quyển II, tr.253

(2) Trần Trọng Kim, sđd, quyển II, tr.242.

(3) Trần Trọng Kim, sđd, quyển II, tr.254.

(4) Helen B.Lamb, Vietnam’s Will to Live, Monthly Review Press, New York, 1972

(5) Patrick J.N.Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914 – A Documentary Survey, Liverpool University Press, 1987.

(6) Philippe Devillers, Người Pháp và người An Nam: bạn hay thù (Ngô Văn Quỹ dịch), NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006, tr.73.

(7) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu và nnk dịch), Ban Khoa học Xã hội Thành ủy TP Hồ Chí Minh, 1990, tr.68.

(8) Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (Lê Thùy Linh và nnk), NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr.57.

(9) Jean Raoul Clémentin, Thái độ chính trị của các tổ chức Công giáo ở Việt Nam, trích dẫn bởi Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897, Tác giả xuất bản,Saint Raphael, 1994, tr.434.

(10) Louis Eugène Louvet, Mgr. Adran, notice biographique, trích dẫn bởi Trương Bá Cần, Công giáo Đàng Trong thời giám mục Pignea 1771-1799, Tủ sách Đại Kết, TP Hồ Chí Minh, 1992, tr. 49.

(11) Thụy Khuê, Vua Gia Long & người Pháp, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr.147.

(12) Trương Bá Cần, sđd, tr.57.

(13) Trương Bá Cần, sđd, tr.131. Constantin (trị vì từ năm 306 đến 337) là hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Thiên chúa. Clovis I là vua đầu tiên của Vương quốc Frank (từ năm 481 đến 511) cải đạo. Cả hai ông đã giúp đạo Thiên chúa phát triển mạnh ở nước mình. Ở Việt Nam, Pháp tạo điều kiện để vua Bảo Đại cưới một thiếu nữ Công giáo mang quốc tịch Pháp (Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh Marie Thérèse). Các con (trai cũng như gái) của Bảo Đại đều rửa tội ngay khi sinh ra. Nếu chế độ quân chủ không bị Cách mạng tháng Tám 1945 chấm dứt thì Bảo Long sẽ là vua đầu tiên theo Công giáo khi nối ngôi Bảo Đại.  Bản thân Bảo Đại vào cuối đời cũng theo Công giáo với tên thánh Jean Robert.

(14) Puginer, Notes sur le Tonkin trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.231.

(15) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Đông Cung nhật trình chimviet.free.fr/lichsu/chquynh_dongcungnhattrinh.htm

(16) Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr.80.

(17) Trương Bá Cần, sđd, tr.132.

(18) Cao Tự Thanh, sđd, tr.83.

(19) Cao Tự Thanh, sđd, tr.80.

(20) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, bđd.

(21) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, bđd.

(22) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế,1993, tập II, tr.46.

(23) Quốc sử quán Triều Nguyễn, sđd, tập II, tr.130.

(24) Cao Tự Thanh, sđd, tr.91.

(25) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, bđd.

(26) Trương Bá Cần, sđd, tr.137.

(27) Trương Bá Cần, sđd, tr.136.

(28) Cao Tự Thanh, sđd, tr.84.

(29) Cao Tự Thanh, sđd, tr.86.

(30) Trương Bá Cần, sđd, tr.109.

(31) Trương Bá Cần, sđd, tr.133.

(32) Trương Bá Cần, sđd,tr.135.

(33) Cao Tự Thanh, sđd, tr.89.

(34) Trương Bá Cần, sđd, tr.130.

(35) Thụy Khuê, sđd, tr.201.

(36) Thụy Khuê, sđd, tr.201.

(37) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, sđd, tập II, tr.278-279.

(38) Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, Cứu Thế tùng thư, Sài Gòn, 1958, tập I, tr.188.

(39) Thụy Khuê, sđd, tr.599.

(40) Thụy Khuê, sđd, tr.597.

(41) A.Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, Sài Gòn, 1906.

(42) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập XI, tr.136.

(43) Georges Taboulet, La geste francaise en Indochine, NXB Adrien Maisonneuve, Paris, 1955, tập I, tr.323.

(44) Quốc sử quán Triều Nguyễn, sđd, tập XI, tr.136.

(45) Quốc sử quán Triều Nguyễn, sđd, tập XI, tr.236.

(46) Quốc sử quán Triều Nguyễn, sđd, tập XI, tr.136.

(47) Georges Taboulet, sđd, tập I, tr.322.

(48) Nguyễn Văn Kiệm,Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.210.

(49) Georges Taboulet, sđd, tập I, tr.326.

(50) Nguyễn Văn Kiệm, sđd, tr.210.

(51)  Nguyễn Xuân Thọ, sđd, tr.17.

(52) Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Nguyễn Nghị dịch), NXB Thế Giới, Hà Nội, 2014, tr.433.

(53) Georges Taboulet, sđd, tập I, tr.321

(54) G. N. Curzon, Problems of the Far East trích dẫn bởi Cao Huy Thuần, sđd, tr.15-16.

(55) Philippe Devillers, sđd, tr.77-78.

(56) Lê Thành Khôi, sđd, tr.433.

(57) Nguyễn Xuân Thọ, sđd, tr.17.

(58) Lê Thành Khôi, sđd, tr.433.

(59) Nguyễn Xuân Thọ, sđd, tr.17.

(60) Trần Trọng Kim, sđd, quyển II, tr.208.

(61) Louis Eugene Louvet, La Cochinchine religieuse, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An 1833-1835, NXB Văn Học, Hà Nội, 2002, tr.167

(62) Trước khi cuộc nổi loạn bắt đầu, Taberd cùng một số giáo sĩ Pháp rút sang Chantaboum (Xiêm). Sau khi cuộc nổi loạn thất bại, Taberd không dám quay về Nam Kỳ nữa, sang Singapour rồi Bengale, đến ngày 31-7-1840 thì chết ở Calcutta (Ấn Ðộ).

(63) Georges Taboulet, sđd, tập I, tr.332.

(64) Thư ngày 23-9-1833 gửi giáo sĩ Régéreau, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd, tr.165.

(65) M. Gaultier, Minh Mang, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd, tr.99.

(66) P. J. Silvestre, L’insurrection de Gia Dinh – La révolte de Khoi, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd, tr.157.

(67) Xem chú thích số 13 ở  đoạn trước.

(68) Phái đoàn gồm 23 tín đồ Công giáo, trong đó có 15 người Pháp. Tất cả đều bị chặn bắt ngoài khơi Hà Tiên.

(69) Georges Taboulet, sđd, tập I, tr.332

(70) Nguyễn Phan Quang, sđd, tr.159-160.

(71) Lê Thành Khôi, tr.434.

(72) Néron là hoàng đế La Mã, cai trị từ năm 54 đến năm 68, tàn sát nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo.

(73) Nguyễn Văn Kiệm, sđd, tr.211, 212

(74) Tòa án truy tà (còn gọi là Tòa án dị giáo): do Giáo hội Công giáo lập ra để kết án những người có ý kiến khác với giáo lý Công giáo. Các nạn nhân thường bị tra khảo dã man, bị giết hay bị đưa lên giàn hỏa. Ðiển hình là nhà toán học - thiên văn học nổi tiếng Giordano Bruno (1548-1600) bị Tòa án này thiêu sống.

Chiếu chỉ Nantes: Trong thế kỷ XVI, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo tách khỏi Giáo hội Công giáo, lập ra đạo Tin Lành. Nhiều tín đồ của giáo phái mới này bị giết (riêng tại Paris, từ 24-8 đến 17-9-1572, có khoảng 20.000 người bị tàn sát), nhiều người khác phải chạy trốn ra nước ngoài.

Ngày 13-4-1598, vua Henri IV ban hành Chiếu chỉ tại Nantes cho phép người Pháp tự do theo đạo Tin Lành. Nhưng từ 1621, tín đồ Tin Lành bị khủng bố trở lại. Đến năm 1685, vua Louis XIV bãi bỏ Chiếu chỉ Nantes, ấn định Công giáo là tôn giáo duy nhất ở Pháp. Tín đồ Tin Lành lại bị bách hại khiến khoảng 1 triệu người phải lưu vong sang các nước khác.

(75) Lê Thánh Khôi, sđd, tr.435.

(76) Philippe Devillers, sđd, tr.79.

(77) Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr.99.

(78) Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr.99.

(79) Phillipe Devillers, sđd, tr.47.

(80) Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr.99.

(81) Phillipe Devillers, sđd, tr.48.

(82) Trương Bá Cần , Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ 1862-1874, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr.32.

(83) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tập XXVI, tr.277.

(84) Phillipe Devillers, sđd, tr.80.

(85) Philippe Devillers, sđd, tr.81.

(86) Philippe Devillers, sđd, tr.82.

(87) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914 (Nguyên Thuận dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 85-86.

(88) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.171.

(89) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.260.

(90) Cao Huy Thuần, sđd, tr. 33.

(91) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.172.

(92) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.177.

(93) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.250.

(94) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.250.

(95) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.72.

(96) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.72.

(97) Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.68.

(98) Philippe Devillers, sđd, tr.49.

(99) Trước năm 1802, từ Cochinchine chỉ Đàng Trong hay Nam Hà. Sau 1802, người Pháp tiếp tục dùng (một cách không chính xác) từ này để chỉ nước Việt Nam thống nhất.

(100) Nhiều tác giả, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội và Ủy ban Tôn giáo TP Hồ Chí Minh xuất bản, 1988, tr.19.

(101) Cao Huy Thuần, sđd, tr.51.

(102) Cao Huy Thuần, sđd, tr.48-49.

(103) Philippe Devillers, sđd, tr.54.

(104) Cao Huy Thuần, sđd, tr.49.

(105) Cao Huy Thuần, sđd, tr.49.

(106) Cao Huy Thuần, sđd, tr.47.

(107) Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm (Vương Đình Bích dịch), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1988, tr.36-37.

(108) Trích thư của linh mục Legrard de la Liraye gửi vua Napoléon III (tháng 12-1857), trích dẫn bởi Cao Huy Thuần, sđd, tr.42.

(109) Nguyễn Xuân Thọ, sđd, tr.30.

(110) Étienne Võ Đức Hạnh, La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1851 à 1870,  trích dẫn bởi Yoshihara Tsuboi, sđd, tr.72.

(111) www.crc-resurection.org của tổ chức La Contre-Réforme Catholique au XXIè siècle.

(112) Cao Huy Thuần, tr.389, 390.

(113) Trần Trọng Kim, quyển II, tr.254.

(114) Cao Huy Thuần, tr.11.

(115) Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, trích dẫn bởi Thụy Khuê, sđd, tr.34.

(116) Charles Gosselin, sđd,trích dấn bởi Thụy Khuê, sđd, tr. 34

(117) Nhiều tác giả, Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Ban Tôn giáo của Chính phủ xuất bản, Hà Nội, 1988, tr. 106.

(118) Louis Eugene Louvet, La Cochinchine religieuse, trích dẫn bởi Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr. 67.

(119) Louis Eugene Louvet, Vie de Mgr Puginier, trích dẫn bởi Yoshiharu Tsuboi, sđd, tr.82.

(120) Étienne Võ Đức Hạnh, La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1851 à 1870,  trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 2001, tr. 240.

(121) Nguyễn Xuân Thọ, sđd, tr.432.

(122) Georges Coulet, Cultes et religions de l’Indochine annamite, trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, sđd, tr.231

(123) Lê Thành Khôi, sđd, tr. 433.

(124) Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, sđd, tr.225.

(125) Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, NXB Hương Quê, Los Angeles, 1988, tr. 474.

(126) Lý Chánh Trung, Tôn giáo và dân tộc,  NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1973, tr.189.

TS. Phan Văn Hoàng

Nguồn Tác giả gửi MS Word ngày 1/8/2018

___________

Phụ đính:

Kỷ niệm GS Nguyễn Mạnh Quang với TS Phan Văn Hoàng năm 2020:

 

 

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-05-03 - Dự án kênh đào Funan Techo đầy tham vọng của Campuchia làm dấy lên mối lo ngại gần xa - “Một số người có nhiều đất nên dù bị ảnh hưởng bởi dự án này vẫn có thể di chuyển. Nhưng tôi không có mảnh đất nào khác”, người dân huyện Koh Thom, tỉnh Kandal cho biết. “Người thân của tôi khi đến thăm đều bật điện thoại lên để nghe tin tức về con kênh này. Tôi đã bảo họ đừng nghe.”

2024-05-03 - Phó thủ tướng Campuchia bày tỏ về các quan ngại quanh dự án kênh đào Funan Techo - Sun Chanthol, Phó thủ tướng Campuchia, cho biết dự án sẽ không ảnh hưởng đến môi trường ở Campuchia hay Việt Nam.

2024-05-03 - Diễu Binh Kỷ Niệm 70 Năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ -

2024-05-02 - Chương trình đọc báo: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc -

2024-05-02 - Chơi kỳ … tưởng nhớ 30-4 lại là ngày vinh danh bà Trùm phản chiến Jane Thân Cộng -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG TRẦN THỊ MỸ - Tham khảo Vietnam: A Television History; Interview with Tran Thi My, 1981

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG TRẦN VĂN LAI - Tham khảo Vietnam: A Television History; Interviwe with Tran Văn Lai, 1981 (Part of The Vietnam Collection)

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG NGUYỄN HỮU THỌ -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG NGUYỄN THỊ CHIÊM -

2024-05-01 - NGÔ ĐÌNH DIỆM KẺ KHÁT MÁU | NHÂN CHỨNG PHẠM THANH GIÒN -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>