●   Bản rời    

Lê Văn Tám Có Thật, Không Phải Truyền Thuyết - 1

Lê Văn Tám Có Thật, Không Phải Truyền Thuyết - 1

Cao Đức Trường/ TBVN_TPHCM

http://sachhiem.net/LICHSU/T/TuanBaoVanNghe.php

14-Dec-2020

Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào. Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.

Dân ta gan dạ anh hùng

Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn. (Tố Hữu)

Chuyện về nhân vật Lê Văn Tám – cây “đuốc sống” – đã gây ra cuộc tranh luận suốt trong hơn 10 năm qua. Cho đến tận bây giờ, trong công luận vẫn còn là vấn đề nghi vấn của nhiều người. Người thì cho rằng nhân vật Lê Văn Tám là một anh hùng nhỏ tuổi đã dũng cảm hy sinh trong chiến đấu ngay từ những ngày đầu kháng Pháp sau ngày 23/9/1945 ở Nam bộ, người thì cho rằng đó là chuyện bịa đặt để tuyên truyền và nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật.

Chúng ta bắt đầu từ bài viết của ông Trần Trọng Tân (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy – Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy) đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23/9//2008. Bài viết có đoạn: “Đêm 17/10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong, mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa, đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của một thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước”.

“… Có người đã gởi cho tôi một tài liệu được lấy trên mạng thông tin điện tử, trong đó giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”.

Sau bài viết của ông Trần Trọng Tân tôi có tìm hiểu thêm về ý kiến của ông Phan Huy Lê và được biết câu nói trên được ông Phan Huy Lê phát ra trong một cuộc họp từ cuối tháng 2/2005 tại Hãng phim truyền hình Việt Nam (có nhà sử học Dương Trung Quốc và một số phóng viên báo chí cùng dự). Và sau bài viết của ông Trần Trọng Tân, mãi đến một năm sau, trên báo Xưa & Nay số tháng 9 và tháng 10/2009, ông Phan Huy Lê mới có hai bài viết với nội dung tương đồng nhau. Ông lặp đi lặp lại “lời dặn” của GS. Trần Huy Liệu: “Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10-1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS. Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch” (Theo ông Phan Huy Lê, lời dặn nầy xảy ra vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước).

Cuối bài viết trên Xưa & Nay số tháng 10/2009, ông Phan Huy Lê đã chốt lại câu sau đây: “Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám”.

Tóm lược hai bài viết của ông Trần Trọng Tân và ông Phan Huy Lê, tôi có mấy ý kiến sau:

Phần I: Về tính biểu tượng của nhân vật lịch sử Lê Văn Tám

Trong bài viết của ông Trần Trọng Tân trên Báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 2008 có dẫn câu nói của ông Phan Huy Lê từ mạng thông tin điện tử: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”. Không biết vì sao trong bài viết tháng 9 và tháng 10/2009 trên Xưa & Nay ông Phan Huy Lê không hề đụng chạm tới câu nầy. Có phải vì đã lỡ nói rồi nên nói lại, đính chính một thông tin đã lan truyền quá rộng là một việc không thể, bất tiện quá chăng? Từ đó, trên Diễn đàn Việt Nam Nhân quyền Dân chủ Tự do đặt tít lớn: “Lật tẩy sự dối trá của chế độ “Ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám không có thật!”. Không biết khi đọc được câu nầy tâm trạng ông Phan Huy Lê ra sao, buồn hay vui? Riêng tôi thì… bị sốc nặng.

Bản thân tôi cũng đã phải đối diện với không biết bao nhiêu người (trong đó có cả những người đã từng vào sanh ra tử, dũng cảm, trung kiên một lòng với cách mạng), họ cũng nói với tôi câu: “Chuyện Lê Văn Tám không có thật”. Từ đó, tôi thấy rằng một câu nói về sử học của một người đang ở vị trí đầu ngành Sử học có sức nặng và hậu quả thật khó lường.

Dù rằng từ năm 2008 tới nay ông Phan Huy Lê không hề nhắc lại câu nói đó lần nào nữa nhưng trong hai bài viết của ông trên Xưa & Nay cũng có một phần xác nhận lại câu nói đó. Ông viết: “Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì tổ quốc có thật. Đó là biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Và liền theo đó ông viết: “Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám”. Như vậy sự kiện kho xăng địch bị đốt cháy là có thật và một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc là có thật, một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng là có thật. (Vậy thì “trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng” là trả lại cái gì? Và “ông Trần Huy Liệu “dựng lên” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng…” là dựng lên cái gì?), không thấy ông Phan Huy Lê nói tới và trong câu viết trên đây của ông Phan Huy Lê chỉ còn cái tên Lê Văn Tám là không có thật.

Từ cách nói, cách viết của ông Phan Huy Lê đã tạo một luồng dư luận không nhỏ. Với một người có quá trình được Đảng và Nhà nước tin tưởng như ông Phan Huy Lê lẽ nào ông lại không thấy được hệ quả của câu ông viết:

“Lúc bấy giờ, GS. Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng lên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta”.“Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng nầy là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám”. Hoặc “… nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS. Trần Huy Liệu) đã dựng lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét” (có nghĩa là nguồn gốc của biểu tượng đang có là không thật từ nhận thức không khoa học, không khách quan nên cần trả lại nguồn gốc thật của nó và GS. Trần Huy Liệu chính là người đã dựng lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét. “Cách đấy mấy chục mét” là chữ của ông Phan Huy Lê chứ thật ra tôi chưa thấy tài liệu nào nói như vậy. Mấy chục mét là mấy chục? Ông Phan Huy Lê còn dẫn lại lời bình luận của đài BBC của Anh. Lời bình của đài BBC đâu có giúp ích gì cho ta trong khi thực tế kho xăng đã cháy rồi). Từ những câu viết nầy, nó đẻ ra biết bao nhiêu sự suy diễn, biết bao điều bất lợi cho biểu tượng Lê Văn Tám, cho uy tín của Đảng và Nhà nước.

Ai cũng biết một biểu tượng không chỉ có cái tên người, ví dụ như một đoạn báo Cờ Giải Phóng ngày 5/11/1945 trong mục Mặc niệm (trích lại tin của tờ Kèn gọi lính) mà chính ông Phan Huy Lê đã đọc được: “Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói rõ tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.

Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.

Chừng đó thôi, theo tôi, sự kiện và hình tượng người chiến sĩ nhỏ tuổi – theo những dòng tin trên đã đủ để làm nên một biểu tượng anh hùng, một gương hy sinh, dũng cảm xả thân vì Tổ quốc.

(Cần lưu ý, tiếp theo câu trên, ông Phan Huy Lê còn viết câu sau đây: “Dưới tin có ghi chú “Kèn gọi lính”, ngày 8/10/1945. Như vậy báo (Cờ giải phóng – NV) đưa tin theo tin của báo “Kèn gọi lính” ngày 8/10/1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8/10/1945, ít ra là ngày 7/10/1945”. Việc ông Phan Huy Lê khẳng định ngày kho đạn bị đốt trước ngày 8/10/1945 là không đúng vì theo hình ảnh kèm theo bài viết của ông trong mẫu tin của báo Kèn gọi lính có ghi: Ngày 8/10/1945. Chúng ta chú ý khoảng cách giữa chữ ngày và số 8 không hợp lý vì phải thêm một chữ số nữa mới hợp lý nhưng vì báo đã quá cũ nên bị nhòe mất một chữ số mà đến nay ta không đọc được. Tôi giả định: Ngày 18/10/1945 hoặc ngày 28/10/1945. Tôi nghiêng về ngày 18/10/1945 vì báo Kèn gọi lính là tờ báo tại chỗ nên đưa tin kịp thời. Sự kiện xảy ra ngày 17 thì ngày 18 báo đưa tin là hợp lý. Tôi cố gắng phục hồi lại hình trong bài viết của ông Phan Huy Lê để bạn đọc tham khảo).

Từ năm 2005 đến 2009, biểu tượng Lê Văn Tám gần như bị sụp đổ, đến lúc đó ông Phan Huy Lê mới viết bài trong đó có câu:

Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật nầy”.

Ông Phan Huy Lê đã đạp đổ, đập phá tan nát rồi 4 năm sau ông lại “nghĩ rằng vẫn giữ nguyên”. Sao lại “hoàn toàn không có thật” rồi lại “vẫn giữ nguyên”? Tôi thấy rằng việc làm của ông Phan Huy Lê rõ ràng có một dụng ý khác thường nhưng không đến mức không thể hiểu được.

Trong lúc mọi chuyện đang dần ổn định trở lại thì gần đây trên trang web Đài Á châu Tự Do ngày 19/4/2017 có đăng bài “Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lịch sử cần được nhìn lại”, trong đó có câu: “Tôi lấy thí dụ một câu chuyện mà cũng trở thành băn khoăn của mọi người: nhân vật Lê Văn Tám chẳng hạn! Rõ ràng nó là một truyền thuyết của thời hiện đại. Có những người muốn tin nó là thật, nhưng có những người cảm thấy khó tin. Nhưng lúc đó nó phản ảnh một nhu cầu là tinh thần chống giặc ngoại xâm”.

Câu nói nầy của ông Dương Trung Quốc rơi vào trường hợp “chị hát em vỗ tay” hoặc sát hơn là “Không ghét kẻ đốt nhà bằng người huýt gió”, khi lửa mới nguôi thì thổi gió vào cho lửa tiếp tục bùng lên. Trường hợp nầy có lẽ phải dùng lại từ “ác độc” của ông Phạm Hùng trong một bài viết mà tôi mới được đọc. Nhưng tréo ngoe ở chỗ chính ông Phan Huy Lê sau bốn năm đã lỡ dùng cụm từ “hoàn toàn không có thật” đã xác nhận lại “… một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Thì nay ông Dương Trung Quốc lại cho đó là “một truyền thuyết của thời hiện đại”.

Chúng ta có thể cho rằng một sự kiện có tính thời sự trong chiến tranh mà hàng loạt báo, đài đã loan tin rầm rộ ngay sau ngày 17/10/1945 là một truyền thuyết hay không?

Có thể liệt kê một số báo mà chính ông Phan Huy Lê đã sưu tầm được như:

- Báo Thời mới.

- Báo Kèn gọi lính.

- Báo Cờ Giải phóng.

- Báo Quyết chiến.

Ngoài ra, ông Lý Châu Hoàn (Nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ VH, TT và DL tại TP. Hồ Chí Minh) đã sưu tầm và công bố trong bài viết đăng trên báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 383 ngày 10/12/2015, có thêm các tờ báo sau đây:

- Báo Độc lập.

- Báo La République (xuất bản bằng tiếng Pháp ở Hà Nội).

- Báo Cứu quốc (hai lần đăng sự kiện nầy; lần thứ nhứt, ngày 19/10/1945 đã đăng bài được đóng khung nổi bật “Một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt” có nội dung:

“… một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông Pi-ê-tờ-ri (Simon Piétri) của địch. Lập tức kho dầu bị bắt lửa. Và lửa đã bốc cháy dữ dội suốt hai ngày đêm”. Lần thứ hai, ngày 23/10/1945 – chỉ 6 ngày sau sự kiện kho xăng bị đốt – đăng lại ý kiến của Bác Hồ khi trả lời các nhà báo về thái độ hiện thời của Chính phủ Việt Nam đối với Trung Hoa và Pháp, trong đó có một đoạn liên quan tới vụ đốt kho xăng, tôi sẽ trích lại trong sách “Hồ Chí Minh toàn tập” dưới đây.

Về báo chí chắc hẳn là chưa đủ nhưng trong thời điểm tháng 10/1945 chừng đó báo đăng sự kiện đốt kho xăng và nhân vật thiếu niên anh hùng như vậy cũng đã là quá cụ thể, khá nhiều và quý lắm rồi.

Đài Phát thanh thì có 2 đài đưa tin là:

- Đài phát thanh Sài Gòn (của Pháp).

- Đài BBC (của Anh).

Còn về sách cũng vậy, chúng tôi chỉ nêu một số sách tiêu biểu:

- Hồ Chí Minh toàn tập (in lần thứ 3, tập 4, tr.85) với những dòng sau đây: “sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cử chỉ phi thường của một chiến sĩ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được” (Báo Cứu quốc, ngày 23/10/1945).

- “Con đường theo Bác” của Hoàng Quốc Việt, Nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh hoạt động bên cạnh Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam bộ (Cần lưu ý, ông Hoàng Quốc Việt là lãnh đạo cao nhất của Đảng trong những ngày đầu kháng chiến ở Nam bộ lúc bấy giờ) có câu: “Thanh niên và thiếu niên Sài Gòn chiến đấu với tinh thần “bóp nát quả cam” noi gương Trần Quốc Toản năm xưa. Hình ảnh em thiếu niên Lê Văn Tám dũng cảm đốt cháy kho xăng địch tại Thị Nghè để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhìn kho xăng bốc cháy, tiếng đạn nổ, khói lửa mịt mùng ai cũng tự hào về sức sống mãnh liệt của một em thiếu niên nghèo khổ Sài Gòn (NXB Thanh niên HN – 2003, tr.160).

- Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Thiếu nhi nước ta mầm non tươi tốt của dân tộc, noi gương Kim Đồng, Lê Văn Tám, hăng hái tiếp bước cha ông, làm rạng rỡ tương lai đất nước” (Diễn văn tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).

- “Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm” xuất bản năm 1985 của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (người đã 2 lần làm Bí thư Đặc khu ủy thời kháng chiến chống Pháp và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) có viết: “Em bé Lê Văn Tám tẩm dầu đốt kho đạn Thị Nghè”.

- “Tuyển tập Trần Văn Giàu”. NXB Giáo dục – 2001 viết: “chỉ nói đến các trận đánh thường là lẻ tẻ của đội tự vệ, dân quân, xung kích, biệt động. Ở loại hình chiến tranh nầy, lúc đầu, vũ khí được sử dụng rất thô sơ như súng lục “bắn ghen”, hộp diêm và chai xăng đốt kho, lưỡi dao cạo râu của người thợ cắt tóc dạo thiến cổ lính lê dương trên vỉa hè…” (Theo ghi chú của ông Trần Hữu Phước, Nguyên Giám đốc văn phòng Bộ VH-TT và DL phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh: “Súng lục bắn ghen là khẩu súng 6,35 ly của nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Lan (Lan Mê Linh), 17 tuổi, ám sát tên Hiền Sĩ chủ bút tờ báo phản động Phục Hưng, ngày 12/3/1946. “Lưỡi dao cạo của người thợ cắt tóc” là của Võ Hồng Tâm, 18 tuổi, đội viên ban công tác thành số 1, cắt cổ tên Đại tá Pháp Hans Imfelt trong phòng số 28 của Hôtel des Nations ở đường Charner. “Hộp diêm và chai xăng đốt kho” là của người chiến sĩ biệt động đốt cháy kho xăng Simon Piétri).

- “Miền Nam thành đồng đi trước về sau” của Thượng tướng Trần Văn Trà (Nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ). NXB QĐND – 2006, tr.146-147 đã viết: “Ngày 17/10/1945, cùng với chiến công chặn đứng quân Anh tiến lên Hóc Môn, chiến công của em bé Lê Văn Tám đã lọt vào kho vũ khí Thị Nghè châm lửa đốt phá hủy hoàn toàn… “Em bé tẩm dầu”, “Em bé đuốc sống” là một tấm gương sáng mãi với tháng năm và dân tộc”.

- “Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến” (1945-1975) do Thiếu tướng Trần Hải Phụng và Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng) chủ biên, có đoạn: “Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát, đêm 17/10/1945 Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bị tiêu diệt”.

- “Việt Nam những sự kiện (1945-1975)” của Viện Sử học – NXB Khoa học Xã hội – HN – 1975 có ghi: “Ngày 17/10/1945, em Lê Văn Tám tẩm xăng tự thiêu chạy vào kho dầu Simon Piétri của bọn thực dân Pháp ở Thị Nghè, Sài Gòn. Toàn bộ kho dầu bị bốc cháy suốt 2 ngày”.

- “Mùa thu rồi ngày hăm ba”. NXB CTQG – HN – 1996. Tập 11, tr.67 ghi: “Đêm 17/10/1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công nầy là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn”.

- “Đứng lên đáp lời sông núi” – Hồi ký của Trần Thắng Minh (Nguyên Ủy viên Trung ương Đoàn TNCSVN). NXB Thanh niên – 1995 viết: “Lê Văn Tám là bạn trong Đội thiếu niên ở Da Kao với tôi”.

Về báo, đài, sách vở, trong đó có nhiều sách lịch sử, kể cả hai câu thơ tôi dẫn ở đầu bài: “Dân ta gan dạ anh hùng/ Trẻ làm đuốc sống già xông lửa đồn” là hai câu trong một bài thơ dài mà Tố Hữu đã viết về một giai đoạn lịch sử của Đảng, hay nói cách khác là lịch sử Đảng được viết bằng thơ. Tất cả những thứ đó có phải là truyền thuyết không? Chuyện xe lọt hố, lật xuống ruộng có người chết mà báo đăng thì đâu phải là truyền thuyết huống chi việc tường thuật lại một trận đánh mà cả ta và địch đều đưa tin công nhận. Chữ truyền thuyết của ông Dương Trung Quốc rõ ràng đã “nâng cấp” cho câu nói nguy hiểm của ông Phan Huy Lê.

Khi dùng từ “truyền thuyết” trong trường hợp Lê Văn Tám có lẽ ông Dương Trung Quốc muốn biến Lê Văn Tám giống như chuyện Thánh Gióng mới ba tuổi đã đánh giặc; mẹ Âu Cơ đẻ 100 trứng hay như chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh… (Chính ông Phan Huy Lê cũng đã viết trên Xưa & Nay, tháng 10/2009: “Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Con Rồng – Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm… kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng). Từ những ý nghĩ đó của ông Dương Trung Quốc, Phan Huy Lê, tôi thấy các ông hiểu về cuộc chiến đấu ở miền Nam còn quá sơ lược, đặc biệt là tấm lòng được gởi gắm qua từng câu chữ của các ông. Các ông đã tới nơi đặt bia tưởng niệm mặt trận Thị Nghè chưa? Hơn một tháng đánh nhau với giặc, trang bị quá kém, thô sơ, sự hy sinh đâu có ít, vậy mà đâu có cái tên nào được khắc ở đây và đâu phải vì vậy mà biểu tượng về lòng quả cảm của các chiến sĩ ta lúc đó kém phần thiêng liêng và nhân dân đâu có quên các chiến sĩ vô danh đã ngã xuống vì sự sống còn của Tổ quốc, trong đó có chúng ta đang sống hôm nay.

Ông Dương Trung Quốc nói về biểu tượng Lê Văn Tám: “… Có những người muốn tin nó là thật, nhưng cũng có người cảm thấy khó tin…”. Câu nói nầy của ông Dương Trung Quốc đã xúc phạm nặng nề tới những người có lòng yêu kính với biểu tượng anh hùng, dám dùng thân mình tấn công vào cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt của kẻ thù. Viết tới đây tôi nhớ tới một đoạn văn của nhà văn Trần Bạch Đằng trong quyển “Kẻ sĩ Gia Định”: “Không ở đâu mà tính tự nguyện cao bằng trong cuộc chiến đấu ở miền Nam, trong nhân dân miền Nam. Tính tự nguyện đó đã thành như một thứ đạo đức, một nền luân lý, một thói quen, một nhu cầu đối với mọi người”. Và “… những con người miền Nam có thật, bình thường mà vĩ đại”. Hoặc “Chúng ta cũng sẽ có tội, nếu như không phản ánh đúng con người miền Nam ấy”.

Các ông luôn nói đến chữ khách quan nhưng khi nói “nhân vật lịch sử Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật” hoặc “nhân vật Lê Văn Tám là một truyền thuyết của thời hiện đại”, trước bao nhiêu chứng cứ như đã nêu trên, tôi cũng xin được nói rằng các ông đã không tôn trọng sự thật khách quan. Ông Dương Trung Quốc lại dùng chữ muốn trước tấm lòng của những người khi đứng trước một biểu tượng thiêng liêng như anh hùng Lê Văn Tám. Nếu như anh Lê Văn Tám xả thân một cách tự nguyện thì việc tôn thờ tấm gương hy sinh dũng cảm ấy cũng tự nguyện vì nó xuất phát từ nền luân lý, từ đạo đức như bài viết của ông Trần Bạch Đằng mà tôi đã trích ở trên. Người chiến sĩ khi ra trận, không ai nghĩ tới bia đá, tượng đồng mà biểu tượng ấy vẫn luôn khắc vào tâm khảm, vào tấm lòng của bà con, của nhân dân một cách sâu sắc nhứt vì không phải muốn hay không muốn khi bản chất của sự việc là như vậy, sự thật lịch sử là như vậy thì cách ứng xử cũng tương xứng và tự nguyện như vậy.

15/11/2017

(xem Phần II: Về tính khoa học và về tên của Lê Văn Tám.)

 

Cao Đức Trường

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 477

Nguồn http://tuanbaovannghetphcm.vn/le-van-tam-khong-phai-truyen-thuyet-so-477/

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>