●   Bản rời    

Đừng Ngộ Nhận Về Trương Vĩnh Ký!

Đừng Ngộ Nhận Về Trương Vĩnh Ký!

Nguyễn Văn Thịnh

http://sachhiem.net/NGVTHINH/NguyenvThinh_LS05.php

18-Sep-2019

LTS: Trương Vĩnh Ký là nhân vật có diện mạo khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sự đặc biệt ấy không phải do đương sự tạo nên mà do giới cầm quyền thực dân kết hợp với giáo hội Công giáo tô vẽ cho ông nhằm đánh lạc hướng tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Sau này, các thế lực chính trị đủ màu sắc lại dựa vào đấy nhằm phụ họa cho những ý đồ riêng của họ.. (SH)

Được biết ngày 6/6/2019, bà Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, có công văn  số 93/KH-ChLHP trình Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề “Xin đặt lại tượng Trương Vĩnh Ký tại khuôn viên trường, bên cạnh tượng của nhà cách mạng yêu nước Lê Hồng Phong”.

Chẳng là từ năm 1928, nhân dịp Thống đốc Nam Kỳ cho khánh thành tượng đồng Petrus Ký, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ cho mở thêm trường bậc trung học thứ 3 tại Sài Gòn và đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong, đến năm 1990, đổi tên thành trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong.

Lập luận của bà Hiệu trưởng như sau :

“Về nhân thân của Trương Vĩnh Ký, hiện nay cũng còn nhiều ý kiến, nhưng chúng tôi nhận thấy nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo gần đây đã có những nhận định đúng đắn về sự đóng góp to lớn của Trương Vĩnh Ký đối với văn hóa dân tộc”“Việc đặt tượng nhà văn hóa và nhà cách mạng yêu nước mà trường được vinh dự mang tên hơn 90 năm qua sẽ góp phần hoàn thiện truyền thống nhà trường, lưu giữ lịch sử vẻ vang của trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong qua nhiều thế hệ”.

 Thật ra, ý tưởng đó không phải đến lúc này mới nảy nói ra. Tất nhiên nó không khỏi tác động tới số người chấp nhất hoặc ít có điều kiện tìm hiểu đến ngọn ngành. Cần sự tỉnh táo và nghiêm cẩn khi tìm hiểu những giá trị của tiền nhân, đặc biệt trong một thời kỳ hàng trăm năm biến động lịch sử thăng trầm của dân tộc ta.

Sau đây là lược sử về hai con người ấy: 

1/ LÊ HỒNG PHONG (1902–1942)

thuộc lớp tiền bối cách mạng khai sơn phá thạch, tìm con đường cứu dân cứu nước trong đêm dài nô lệ.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng nước ta. Ông được học tập về quân sự và chính trị một cách hệ thống tại  các Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu, Trường Lý luận quân sự và đào tạo phi công của lực lượng không quân Xô viết, Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mascơva.

Trước sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, tháng 3/1934, Lê Hồng Phong cùng Hà Huy Tập và một số đồng chí thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (có chức năng như một Ban chấp hành trung ương lâm thời). Ban Chỉ huy ở nước ngoài triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao – Trung Quốc (từ 27 – 31/3/1935). Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, một số văn kiện quan trọng khác và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương do Lê Hồng Phong đứng đầu. Ông là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương (1935 – 1939) sau Trần Phú (1930 – 1931). 

Năm 1935, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva – Liên Xô (từ 25/7 đến 25/8). Tại đây, Đại hội đã thông qua quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phận bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải, ông triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển", chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào.

Năm 1937, ông bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng. Ngày 22/6/1939, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa ông về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, đồng ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn, năm 1940 bị đày ra Côn Đảo.

Biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man, nhưng ông luôn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập và những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, ngày 6/9/1942 ông đã trút hơi thở cuối cùng, để lời nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm liên tục hoạt động cách mạng, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: suốt đời hy sinh cho độc lập của tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân, thủy chung son sắt với sự nghiệp, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

2/ TRƯƠNG VĨNH KÝ(1837 – 1898):

Những bài viết về ông thì nhiều. Tất nhiên thời ngoại bang thống trị, phương tiện truyền thông chính thống mặc sức tôn vinh như “bậc vĩ nhân” không chỉ của một vùng lãnh thổ Nam Kỳ, mà còn là của toàn nhân loại. Trong khi dư luận của người dân bản xứ thì dè bửu khinh khi: Hay tám vạn tư mặc kệ / Không Quân–Thần–Phụ–Tử đếch ra người! Khi nước nhà giành lại được độc lập chủ quyền, thì sự thật về con người này được phanh phui. Bà Hiệu trưởng có ngộ nhận không khi đưa ra ý kiến trên?

Trương Vĩnh Ký là nhân vật có diện mạo khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sự đặc biệt ấy không phải do đương sự tạo nên mà do giới cầm quyền thực dân kết hợp với giáo hội Công giáo tô vẽ cho ông nhằm đánh lạc hướng tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Sau này, các thế lực chính trị đủ màu sắc lại dựa vào đấy nhằm phụ họa cho những ý đồ riêng của họ.

Tư liệu về họ Trương còn lưu nhiều, đặc biệt trong thư khố Pháp quốc. Công luận dù có trái chiều nhau, tựu trung không thể xóa được án phê là con người vong bản. Xin nêu ra vài dẫn chứng:

a/ Trương Vĩnh Ký là “bậc vĩ nhân”?

- Thầy dòng trẻ Pétrus Ky 22 tuổi vừa từ trường Dòng Penang chân ướt chân ráo về quê chịu tang mẹ viết ngay bức thư gửi viên trung tá J.B. Jaureguiberry đang giữ thành Gia Định: “Tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Kitô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi… Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta”. Tất nhiên “kẻ thù của chúng ta” đây là quân của triều đình An Nam và “chúng tôi” là số giáo dân mê muội biến thành tay sai của số giáo sỹ phương Tây, đến nỗi viên tướng Genouille – Tư lệnh quân viễn chinh, cũng phải thốt lên: “Không một nền cai trị nào dù là phục vụ đạo Kitô lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên, ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ”.

- “Ngay từ đầu Trương đã dấn thân, nhận cộng tác với Pháp một cách hình như không đắn đo, không day dứt, không hối tiếc, vẫn luôn luôn đi tới, là điều hết sức quý giá đối với người Pháp bởi vì họ từ xa tới, lạ đất, lạ người. Nếu không có người cộng tác từ bên trong thì khó mà xâm lược được Việt Nam” (Linh mục Trương Bá Cần). Đúng như Tổng Giám mục bề trên Pugignier nói toạc ra: “Không có các giáo sỹ và giáo dân thì quân đội Pháp như con cua bị bẻ hết cả chân, càng.”!

- Là bề dưới, Trương chẳng cần che đậy: “Không một người Việt Nam nào theo Kito giáo lại ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp. Ông vua Việt Nam không theo đạo (Kito), không phải là vua của họ”! Bà con ở phía Nam ta còn nhớ, sau khi lật đổ Bảo Đại, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống Đệ nhất cộng hòa Việt Nam. Một số nhân sỹ hân hoan yết kiến, thỉnh nguyện xin được dựng đền thờ tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương, thì ngài Tân Tổng Thống tỉnh bơ đáp: “Tổ của các ông chớ đâu phải là Tổ của tui!”. Dòng dõi vua Đavít ở mãi đâu mà dám mang nước Nam đã “rành rành định phận tại sách Trời” này dâng cho kẻ khác, thì sao tồn tại được?

- Nhiều lần Trương bộc lộ gan ruột mình ra với ông chủ thực dân: “Tôi là người Pháp từ trái tim và sẵn sàng để trở thành người Pháp thực sự”… “Tôi càng phải tỏ ra biết ơn nước Cộng hòa (Pháp) không những đã công nhận tôi là đứa con nuôi mà thôi, lại còn cho tôi nhiều vinh dự, và nhất là đã tin cẩn tôi lắm lắm!”… “Nước Pháp mà tôi phụng sự và hoàn toàn thuộc về nó”… “Tôi sẽ không bao giờ còn lợi ích cho nước Pháp mà tôi phục vụ và gắn bó. Bởi vì nếu nhập tịch tôi sẽ mất hết uy tín, mất hết ảnh hưởng, từ đó không còn sự tin tưởng của nhà vua, của triều đình và của dân chúng An Nam”… “Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp”…

Dù rất thông cảm với những người tài phải sống trong hoàn cảnh éo le của lịch sử: “… Khi đã không có một minh chủ, một lãnh tụ có khả năng tập hợp và tổ chức, thì người dân bình thường, kể cả kẻ sỹ, vẫn phải chấp nhận thực tế để tiếp tục sống và làm cái gì đó có ích cho đời” (Linh mục Trương Bá Cần). Nhưng đọc những lời trao qua đổi lại trong thư Trương Vĩnh Ký, người ta không khó nhận ra đó là “khẩu khí của kẻ tay sai” hay là “nguyên khí của bậc hiền tài”:

- “Tôi xin nhắc lại ngài cái dự án bình định với những phương tiện hành động đã được mật ước, để tiến tới thành quả mà chúng ta có thể phô trương. Về phần tôi, ngài có thể luôn luôn cậy vào sự giúp sức nhỏ yếu của tôi, vì dù sao những cảm tình của giờ phút đầu tiên đã trở thành một mối nhiệt tâm chân thành đối với ngài”.

- “Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ mật viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được ý tốt của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp

- “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (là người có tư tưởng chống Pháp), sẽ bao vây lấy nhà vua. Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng cho Viện cơ mật

- “Bọn phiến loạn (nghĩa quân Cần vương) không đáng sợ; họ chỉ có những khí giới cổ lỗ của chính quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa

- “Tất cả quý vị (sỹ phu Bắc Kỳ) đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Quý vị phải hiểu rằng quý vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy” và “Tin chắc rằng nếu nước Pháp muốn lấy xứ này, có thể làm mà không phải mất nhiều khó khăn, tốn kém” (Thư Trương gửi từ Bắc Kỳ về Sài Gòn).

- “Xứ Viễn đông xa xôi và cô tịch thành ra già cỗi đủ thứ nên đã đến cái lúc phải cải cách làm cho chúng tái sinh. Thượng đế đã tin cẩn giao cho nước Pháp cái quyền ủy nhiệm ấy và tôi lấy thế làm hoan hỷ lắm… Tôi chỉ còn đợi sự bình định để bước vào vai trò đặc biệt thích hợp với tôi và sẽ được việc cho cả hai nước”.

b/ Trương đóng góp gì vào sự nghiệp văn hóa của dân tộc?

Nhiều công trình nghiên cứu về giá trị học thuật trong các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký của nhiều học giả, không ít vị từng sống ở miền Nam trước đây, hiện đang định cư ở nước ngoài. Sơ lược nêu ra vài ý để bạn đọc tham khảo: 

- “Bảo rằng Petrus Ky là “nhà bác học kỳ tài đa năng, đa diện trên nhiều lãnh vực” nhưng không đưa ra bất cứ tác phẩm khoa học, văn chương tiêu biểu nào của Petrus Ky? Không tìm được tổ chức nào đã liệt Petrus Ky vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, thậm chí đứng hàng đầu các danh nhân thế giới?” và: “Pétrus Ký thậm chí được tôn vinh vào hàng vĩ nhân là ý đồ của giới chức cầm quyền thực dân và giáo hội Công giáo. Chỉ những người thiếu hiểu biết mới dễ tin thôi!” (TS Trần Chung Ngọc)

- “Trong suốt 28 năm sáng tác, Trương Vĩnh Ký cho ra đời 121 tác phẩm Việt có, Pháp có. Hầu hết các tác phẩm của ông đều phục vụ cho quyền lợi của nhà nước thuộc địa và chính ông cũng đã công khai nhìn nhận chủ đích này” (Phạm Long Điền).

Khi cầm bút hay khi đứng trên bục giảng, Petrus ký luôn tâm niệm một điều là: “Về phương diện chính trị và kinh tế, người Pháp là kẻ đi đồng hóa, còn người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Người yếu cần dựa vào người mạnh để đưa mình lên bằng người khỏe. Đó chính là mục đích cần phải theo đuổi và đạt tới. Bằng cách nào? Bằng cách đồng hóa. Và đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn”. Thật sự là suốt đời ông ta tận tâm tận tụy “chưa bao giờ đi lệch mục tiêu đã định sẵn. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam” (Thư ngày 12/1/1882 gửi Hội đồng thuộc địa để xin tiền in sách).

Đúng là Trương hăng hái đi đầu trong việc dùng Quốc ngữ nhưng không nhằm mục đích thức tỉnh đám dân bản xứ “mọi rợ”, nâng cao dân trí, mà chỉ nhằm mau chóng “đồng hóa” đồng bào mình, phục vụ mưu đồ sâu xa của kẻ “đi đồng hóa” là quan thầy thực dân và bậc chủ chăn bề trên của nhà thờ Công giáo. Trên các văn tự còn lưu, rõ ra điều ấy:

- “Tất cả những gì ông (Trương Vĩnh Ký) đã dịch từ Hán ra chữ Quốc ngữ đều không có mục đích nào khác là làm cho người Nam chấp nhận mẫu tự La tinh và giảm bớt dùng chữ Hán…Việc đó ông Trương Vĩnh Ký đáp ứng đúng với yêu cầu của các vị Đô đốc-Thống đốc đã từng bày tỏ ngay từ lúc Pháp mới chinh phục Nam Kỳ” (Sử gia Jean Bouchot).

- “Ngày nào còn sỹ phu, ngày đó ta còn lo sợ vì họ là những người yêu nước, làm sao chấp nhận được sự đô hộ của ta?” (Quan cai trị Lanessan)

- “Thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ, Hội Thừa sai nhằm cô lập các giáo hữu. Những người này cũng không thể thư từ gì được với bất cứ sỹ phu Tàu hay Ta nào, các thầy giảng người bản xứ sẽ chỉ có thể đọc một số hiếm những sách do các thừa sai viết bằng Quốc ngữ cho họ dùng và trong đó chỉ bàn đến những vấn đề thuần túy tôn giáo” (Giám mục Puginier)

Mặc dù Trương biết “trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề” và hơn thế là “có nhiều người ganh ghét tôi, ngu ngốc thậm chí là hung ác, họ có thể và biết cách hãm hại tôi”. Nhưng bởi “người bề tôi tận tâm và vâng lời” ấy luôn trung thành với chủ tới mức: “Tôi xả thân làm bốn mảnh vì ngài và vì sự thành công của nhiệm vụ cao cả của ngài” (Thư gửi Paul Bert)…

Mời bạn đọc xem vài dòng các quan thuộc địa trao đổi với nhau về kẻ bầy tôi của họ:  

- “Tôi nhận thấy ở Huế, ông Trương Vĩnh Ký đã tận lực làm tròn sứ mạng công việc trong triều đình và ít nhiều ảnh hưởng trên nhà vua. Trong những điều kiện đó, tôi tin rằng sẽ có lợi cho người Pháp hiện thời nếu giữ ông ta ở lại Huế trong một thời gian tôi không dám xác định, nhưng chắc chắc cũng khá lâu” (Thư Toàn quyền Paul Bert gởi Thống đốc Nam kỳ ngày 20/5/1886,).

- “Petrus Ky có nhiệm vụ thuyết phục nhà vua và triều đình hợp tác một cách thẳng thắn và trung thành với Pháp. Petrus Ký hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cực kỳ tinh tế này và hòa bình yên ổn được thiết lập ở An Nam trong vòng 60 năm… “Trương Vĩnh Ký, người đồng hành với Phan Thanh Giản trong suốt cuộc hành trình trên, người đã chia sẻ những điều sâu kín với quan đại thần này, có cùng suy nghĩ như ông”  (Pierre Vieillard).

- “Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa và gương mẫu duy nhất mà chúng ta có. Sự trợ giúp của ông thật rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung” (Luro – thanh tra, giám đốc Trường Sư phạm thuộc địa Pháp ở Việt Nam).

Đó chỉ là một số trong nhiều căn cứ không thể phản bác được để TS Bùi Kha đưa ra nhận định: “Trương Vĩnh Ký thay vì được lưu danh thiên cổ trở thành kẻ bị lưu xú vạn niên”. Vậy mà vẫn có người cứ khăng khăng ngộ nhận! Vì sao?

** Đương nhiên, đánh giá một con người không thể tách ra hoàn cảnh xã hội mà họ đang sống. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm đã nhận định về Trương như sau:

- “Với thành tích ấy, còn xa mới đứng vào hàng “nhà bác học danh gia toàn cầu”. Dù sao trong bối cảnh lịch sử thời ấy, họ Trương vẫn xứng đáng là học giả hàng đầu của nước Nam ta hiểu biết sâu rộng nền văn hóa Tây phương (Trần Thanh Ái – Xưa & Nay số 488-tháng 10/2017)

- “Dù sao thì Trương Vĩnh Ký cũng là một tài năng thực sự của đất nước. Ông sống vào thời buổi cực kỳ gay cấn của nước nhà nhưng suy cho cùng thì không phải kiến thức định đoạt giá trị một con người mà chính là ở hành động của người ta. Thật quá đáng tiếc đứa con tài năng của đất Nam kỳ đã đi hoang theo tiếng gọi của ông thầy mẫu quốc!” (TS Nguyễn Sinh Duy)

- “Phản bội, phản quốc là tội danh chẳng kẻ náo dám nhận. Càng là người có học vấn, có tri thức mà sa vào con đường ấy thì càng có nhiều luận điệu bào chữa xảo trá, tinh vi. Đối với những nhân vật này lúc đương thời thì ranh giới phải trái thường khá rõ ràng. Song về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với những người cùng não trạng, sự đánh giá có khi lại trở nên phức tạp, rối rắm, gây nhiều tranh cãi. Như con người này, vào thời buổi ấy, với tài năng ấy, thân phận ấy, tâm tư ấy, để lại cho đời sau nhiều bài học. Như một tấm gương để tôn vinh cảm phục thì không, song để cảm thông xót thương thì có” (Gs Trần Thanh Đạm). 

- Nhà giáo lão thành Nguyễn Thái An, học trò trường Trương Vĩnh Ký thập niên 1950, từng một thời coi tiền nhân Trương Vĩnh Ký như là thần tượng, đã cùng bè bạn gom nhặt tư liệu và các huyền thoại về ông, nhập thế lại theo nghiệp làm thầy, dạy môn Kiến thức xã hội tại trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức nổi tiếng từ 1965 đến 1975, hiện định cư ở Mỹ. Trải một đời tìm hiểu và chiêm nghiệm, ông đưa ra nhận xét như sau:Người học giỏi có nhất thiết đồng nghĩa là người yêu nước? Trong lịch sử Việt Nam đầy dẫy những tên tuổi trí thức lớn mà hợp tác đắc lực với quân cướp nước bức hại đồng bào. Những người ủng hộ ông Trương Vĩnh Ký đã tâng bốc, bôi bóng ông ta đến mức lố bịch. Thực ra Trương chỉ là một bộ mặt sáng láng trong đám collabo thời đó? (collabo đồng nghĩa với aide à l’ennemi, có nghĩa là tay sai cho kẻ thù). Cái việc người Pháp đặt tên trường Petrus Ky không phải là để vinh danh công trình sáng tác đa dạng của ông ta mà là để đề cao một thuộc hạ tận tâm với nhà nước thực dân.

- Trên tinh thần ấy, ông Trần Huy Liệu – nhà sử học cách mạng xuất thân từ giới nho sỹ, nhận xét tổng quát rất đúng đắn như sau: “Với khối lượng tác phẩm đồ sộ của Trương, lột bỏ những tư tưởng phản động, nó có đóng góp một phần nào cho kho tàng văn học nước nhà. Dù nó ngoài ý muốn của tác giả nhưng có giá trị cho việc tham khảo và nghiên cứu. Một sự kiện nữa cũng không thể bỏ qua là việc xuất bản tờ báo đầu tiên ở nước ta là Gia Định báo, đành rằng về nội dung cũng như về tác dụng thì tờ báo này chỉ là công cụ tuyên truyền cho thực dân Pháp khi mới đánh chiếm nước ta. Nhưng trên lịch sử báo giới đó là một tồn tại khách quan mà chúng ta phải kể đến… Tuy nhiên, về phẩm cách cá nhân của một sỹ phu lúc ấy, chủ yếu là phải lấy thái độ đối với dân tộc, đối với giặc nước làm tiêu chuẩn. Là người học rộng, Trương không làm tay sai như kiểu Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc…, mà đóng vai trò mưu sỹ bày cho giặc những thủ đoạn thâm trầm dùng người bản xứ trị người bản xứ, dùng danh nghĩa Nam triều để đánh nghĩa quân. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu…”.

** Khái niệm “con người văn hóa” luôn bao hàm cả nội dung tri thức và hành vi của họ. Không thể có một “con người văn hóa” thông tuệ về tri thức mà lại làm những việc bất nhân, bất nghĩa. Câu nói nổi tiếng của Napoléon Bonapart “Đạo đức lớn nhất của một con người là lòng yêu nước” luôn đúng mọi lúc, mọi nơi. Ông bà ta từ ngày đầu cho con cháu cắp sách tới trường không quên căn dặn: Cho bay đi “học chữ, học nghĩa”. Chữ là kiến thức. Nghĩa là trách nhiệm làm người. Chữ, Nghĩa luôn phải tương xứng với nhau – Đấy là Văn hóa. Có Nghĩa mà Dốt Chữ thì vô dụng. Có Chữ mà Bất Nghĩa là mầm đại họa! Không điều Nghĩa nào lớn hơn trách nhiệm với dân, với nước. Những người được coi là “hiền tài”, là “nguyên khí quốc gia” càng không thể quên điều ấy. Người hiền để cho cái tâm làm sáng cái tài. Phường giá áo túi cơm để cho cái tài làm tối cái tâm.

Lịch sử hàng trăm năm của cuộc kháng chiến trường kỳ chống ách đô hộ phương tây, nhiều thế hệ sỹ phu trí thức Việt Nam, trong đó có không ít thầy trò trường Petrus Ky, dù bị đặt trong hoàn cảnh xã hội trớ trêu, đã đồng hành tiếp bước cùng dân tộc, phát huy truyền thống quật cường giữ nước của cha ông. Xin nêu vài gương sáng:

1 – Cùng thời với Trương Vĩnh Ký có ông Lê Khiết (Lê Tựu Khiết 1857-1908), đỗ Cử nhân năm Canh Ngọ (1882) dưới triều vua Thiệu Trị, từng làm quan đến chức Bố chánh, Tuần phủ. Là môn hạ thân tín theo Nguyễn Thân, đàn áp khốc liệt các phong trào chống Pháp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An. Vì vậy, ông bị giới sỹ phu và nhân dân Trung kỳ thời bấy giờ rất khinh ghét và xem như “kẻ bán hồn cho quỹ dữ”. Trong cuốn Việt Nam vong quốc sử, cụ Phan Bội Châu nêu đích danh “Lê Khiết làm chó săn đắc lực cho Pháp”. Khi đọc đến đoạn viết về mình, Lê Khiết buông sách ôm mặt khóc, rồi thốt lên: “Thương thay, trước đây ta lầm, đúng là chó vậy. Từ nay ta xin trở lại làm người”. Năm 1897 Lê Tựu Khiết từ quan, về quê nhà, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước, là thủ lĩnh phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Ông cùng nhiều người lãnh đạo bị bắt. Chính quyền thực dân dụ dỗ mua chuộc nhưng không khuất phục được, ngày 23/4/1908 (22 tháng 3 Mậu Thân), giặc Pháp đem ông cùng ba vị Nguyễn Bá Loan, Trần Chót, Nguyễn Đến ra xử chém tại bãi nam sông Trà Khúc, thuộc địa phận làng Ba La, phủ Tư Nghĩa. Lúc sắp bị đem đi chém, Lê Tựu Khiết vẫn giữ vẻ ung dung, thanh thản và nói: “Cái vết dơ trong nửa đời người của ta, nay xin lấy máu cổ mà rửa”.

Nghe tin Lê Tựu Khiết bị giết, cụ Phan Bội Châu, người đã từng nặng lời với ông, tỏ lòng xót xa, thương tiếc và có thơ viếng, lời lẽ xúc động:

Nô lệ nửa đời đã xấu xa

Ngoảnh đầu nay lại nhận ra ta

Thời chống Pháp, nhân dân Liên khu V đánh giá cao quá trình phấn đấu “từ chó trở lại làm người” của ông, vẫn một lòng kính trọng và lấy tên LÊ KHIẾT đặt cho một trường Trung học trong vùng kháng chiến, đến nay là Trường chuyên nổi tiếng ở miền Trung, vẫn mang tên ông. 

2 – Sau Trương, lớp trẻ Việt Nam ngày một nhiều qua du học Pháp (số đông ở Nam kỳ). Đỗ đạt thành danh, về nước, nhiều người phục vụ đắc lực cho bộ máy cai trị của chính quyền bảo hộ, được vinh thân phì gia. Tuy nhiên cũng không ít người có chí khí nặng lòng với nước, như:

- Người thanh niên giàu tâm huyết Nguyễn An Ninh (1900-1943), lấy bằng Cử nhân Luật ở Trường Đại học bảo hộ bản xứ, anh hăm hở qua Pháp với mục đích giành tấm bằng Tiến sỹ chính danh mẫu quốc. Khi tiếp xúc với những tư tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái và phong trào cách mạng phương Tây, anh sẵn sàng từ bỏ giàu sang danh vọng, hăng hái tham gia các cuộc vận động quần chúng, làm báo tố cáo tội ác của giặc, giác ngộ đồng bào mình, đòi các quyền tự do dân chủ, thức tỉnh lòng yêu nước, chuẩn bị lực lượng quần chúng khi thời cơ đến thì đứng lên đấu tranh giải phóng. Bằng nhiều cách đe dọa và khủng bố, chính quyền thực dân không khuất phục được nhà yêu nước kiên cường. Cuối cùng chúng đầy ải và hãm hại ông tại nhà tù Côn Đảo. Nhân dân cả nước luôn kính trọng và tưởng nhớ ông như một chí sỹ lớn, để lại danh thơm muôn thuở.

http://ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Giao-su-Tran-Van-Giau-mot-hoc-gia-lon-mot-nhan-cach-lon-1-490-12134

- Người thanh niên thuộc lớp đàn em Trần Văn Giàu (1911-2010), học giỏi, chí lớn, xin cha cho du học Pháp với lởi hứa sẽ giành hai bằng Tiến sỹ. Nhưng chính tại đây anh mới hiểu ra thế nào là tự do, bình đẳng? thế nào là dân chủ với dân quyền? thế nào là thực dân và thuộc địa? Anh nhận ra đồng bào của anh chỉ là dân nô lệ vong quốc, bị áp bức và bóc lột đến tận cùng. Từ đó cuốn hút anh vào các cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, dân sinh, bình đẳng, bình quyền, trước hết là cho đồng bào anh, tổ quốc của anh. Nước mẹ trục xuất anh về xứ. Anh cúi đầu nhận lỗi thất hứa trước cha. Nhưng cha nhìn anh hài lòng bảo: “Biết lấy Trung thay Hiếu là việc làm Đại Nghĩa”! Đấy là điểm tựa để anh tiếp bước dấn thân vào con đường đấu tranh lâu dài, đầy chông gai gian khổ của một nhà cách mạng. Bản thân anh cũng gặp những điều oan trái cho đến cuối đời vẫn chưa được giải minh thỏa đáng. Ông trở thành vị thầy sử gia cách mạng, người trí thức anh hùng được xã hội kính trọng. Những tác phẩm của ông rất có giá trị trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống con người Việt Nam, đưa đất nước bình đẳng hòa nhập với cộng đồng thế giới. Cuối đời ông thỏa mãn vì đã đồng hành cùng dân tộc suốt chặng đường lịch sử chống ngoại xâm cứu nước. 

VĨ THANH:

Kẻ sỹ xưa luôn “coi trọng điều liêm sỉ”. Sống chính trực và biết hổ ngươi với người và với chính mình, sẽ giữ được mình, được nhà, được nước. Đó là truyền thống của sỹ phu Đại Việt.

Trương Vĩnh Ký “xét về Chữ, ông là tấm gương sáng; xét về Nghĩa, ông là tấm gương mờ”. Gương càng sáng, người soi càng thấy rõ mình. Gương mờ, người soi nhìn mãi chẳng thấy chi. Con người ấy chỉ để lại dấu vết chứ không thể là dấu son cho hậu thế. Một người tài ba như thế, mưu mô như thế, hãnh tiến như thế mà sao trước lúc lâm chung lại dự cảm ngỏ lời yếm thế: Sống là con mọt sách. Chết là cái quan tài! Chỉ xin một chút tình thương: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei”!

Bậc chính nhân “Xả thân dĩ thủ nghĩa”, “Hữu xạ tự nhiên hương” – Cứ việc nghĩa mà làm, hay dở thiên hạ biết. Cần chi phải đến cửa phán quan? Sự nghiệp mình làm là trả nghĩa cho đời, xác thân lại về nguồn cội. 

Nhìn gần xa xưa nay đều vậy. Giới học giả, văn nhân đều biết: Trần Ích Tắc vừa là hoàng thân, vừa là kẻ sỹ lớn rất có ảnh hưởng trong xã hội đương thời nhưng vì khiếp nhược trước sức mạnh bạo cường của giặc Nguyên-Mông, đã phản bội quê hương nòi giống, lê tấm thân tàn, gửi xương nơi xứ người xa lạ, để lại tấm gương xỉ nhục muôn đời.

Giới tân học Việt Nam thời thuộc Pháp sao quên nhà văn Bonnard, Tổng trưởng Giáo dục trong chính phủ Vichy, bị treo cổ trước đám đông dân chúng hò reo xỉ vả khi quân đội của Tướng De Gaulle theo chân quân đội Đồng minh về giải phóng Paris. Thế giới không xa lạ tên tuổi Paul de Man – nhà văn, triết gia, nhà tư tưởng nổi tiếng người Đức giữa thế kỷ XX, nhưng khi bị phát hiện từng cộng tác với chính quyền Quốc xã bài Do Thái, ông và toàn bộ sự nghiệp bị đắm đò! Một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng những năm 1950-1960 là Kurd Vanheim, từng là Tổng thư ký LHQ, mãn nhiệm kỳ hai khóa, về nước, ông ra ứng cử chức Tổng thống Áo, bị lật tẩy từng theo đuôi quân phát-xít, liền thân bại danh liệt ngay từ đấy, đời sau không còn nhắc tới!

Lời dạy của thánh nhân còn đó: “Người hiểu biết chưa hẳn là người học rộng. Kẻ học rộng chưa hẳn là người hiểu biết”, “Những khởi đầu tốt đẹp thường đưa tới đoạn kết bi thảm”.

Viết đến phần cuối bài, tình cờ đọc báo Tuổi Trẻ số 231/2019 đưa tin: Chiều 27/8/2019, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink lần đầu tiên viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Sau khi cùng vị đại diện địa phương thỉnh 9 tiếng chuông, để một phút mặc niệm và thắp nhang lên những nấm mồ, ông nói: “Chuyến thăm này là để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước”. Hai câu chuyện xưa, nay cách nhau hàng thế kỷ tưởng chẳng thể nhặp với nhau, nhưng với người có tư duy lịch sử thì coi đó như một thông điệp nhân văn: Nước chỉ có một và lòng yêu nước cũng chỉ có một thôi! Coi như đây là kết thúc tất yếu một giai đoạn lịch sử oanh liệt vẻ vang bi tráng nhất của nước Việt Nam ta.   

Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Số 563 Thứ năm ngày 12 tháng 9 năm 2019

______________

** Chuyện xưa: ông Phan Điện – một nhà nho yêu nước, người cùng xã Tùng Ảnh với Hoàng Cao Khải. Khi hay tin họ Hoàng cho dời đền Trung liệt đến gò Đống Đa (Trước kia đền Trung Liệt ở khu Văn Tân, thờ trung thần liệt sĩ Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao và có tài liệu thêm cả ông Đoàn Thọ và Trương Quốc Dụng) rồi rắp tâm đổi tên thành Trung lương (nghĩa là trung thần và lương tướng) nhằm để dân thờ luôn cả Hoàng Cao Khải đang sống. Phan Điện bèn có thơ rằng:

“Các cụ liều thân bỏ chiến trường

Ai đem Trung liệt đổi Trung lương

Thờ bên trung trực bên gian nịnh

Thế cũng đền đài cũng khói hương!

Thơm thúi lẫn nhau mùi tắc họng

Ngọt ngào đầu lưỡi miệng không xương

Nhà nho lại có thằng nào đó

Luồn cúi vào ra bợ cụ Hoàng”

Nguồn: Bản MS-Word do tác giả gửi

________________________

Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/NGVTHINH/ListNVTh.inc.php

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>