Sống với tinh thần Einstein

Vô Danh lượm lặt

12 tháng 11, 2007

 

Sống với tinh thần Einstein

TTCN - Dấu ấn của Einstein có trong mọi lĩnh vực tuy đậm nhạt khác nhau. Điều mà tất cả diễn giả đều tâm đắc (*) là sự đột phá mang tính cách mạng trong tư duy khoa học của Einstein.

Ông không chỉ đưa những hiểu biết của vật lý học đến một chân trời mới mà còn đảo lộn nhận thức của loài người, thách thức những tín điều tưởng như là “chân lý vĩnh cửu”. Trong vật lý học, “lý thuyết tương đối của Einstein không phải là sự bổ sung cho cơ học Newton mà là sự thay thế hệ thống khái niệm của cơ học Newton bằng những ý niệm mới” (Nguyễn Văn Trọng).

Về phương diện con người, một trong những nét tính cách của Einstein mà ông Lê Đăng Doanh ca ngợi là “cứng đầu cứng cổ”, không hoàn toàn đồng tình với các bậc lão làng và không đi theo những lối mòn trong tư duy khoa học. Như Einstein từng nói: “Khuất phục trước quyền uy là kẻ thù của chân lý”, suốt đời ông tôn trọng tự do và độc lập, kể cả trong đời sống thường nhật.

“Einstein căm ghét mọi sự trói buộc gò bó, ông không bao giờ chịu cúi đầu để thay đổi quan điểm của mình. Ông luôn có khả năng đặt ra những câu hỏi, suy nghĩ về những vấn đề mà người khác cho rằng đã trở thành chân lý” (Lê Đăng Doanh). Có lẽ đó là một trong những tư chất lớn nhất của thiên tài khoa học Einstein.

Từ phương Đông, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy ở Einstein những nét gần gũi với triết học Lão - Trang, với Phật học. Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Tường Bách tâm đắc với “sự minh triết của lương năng”, cảnh báo về sự suy tôn quá mức vai trò của duy lý như Einstein đã từng phản đối René Descartes.

“Nếu phải chọn theo một tôn giáo thì tôi sẽ theo đạo Phật vì triết lý Phật giáo không có điều gì trái với khoa học”, ông Nguyễn Ngọc Giao dẫn lời Einstein nói như vậy vào những năm tháng cuối đời, để chứng minh sự gần gũi giữa tư duy khoa học Einstein với các nhà hiền triết phương Đông. Tuy vậy, đây là một vấn đề lớn, được các nhà khoa học tham gia hội thảo bàn cãi sôi nổi nhưng cần có sự nghiên cứu lâu dài và công phu.

Ở góc độ kinh tế, ông Trần Kiêm Đoàn (Mỹ) gửi tới hội thảo bài tham luận “Từ tâm lý tiểu xảo đến nếp nghĩ thị trường”, xác định Einstein là một nhà kinh tế - khoa học vì ông có một trực giác thị trường (marketing intuition) rất mạnh. Ông không chỉ có tầm nhìn xa, thấy được những khả năng và nhu cầu của con người trong mối tương quan với môi trường sống, mà còn đề xuất tinh thần khai phá và dự phóng là những khía cạnh tích cực làm nên đạo đức khoa học mới.

Theo ông Trần Kiêm Đoàn, người Việt Nam - nhất là thế hệ trẻ - cần chia tay với tâm lý tiểu xảo hình thành trong xã hội tiểu nông để làm quen với khuynh hướng tâm lý thị trường (sự cạnh tranh, nhu cầu thường xuyên thay đổi, mạnh dạn loại bỏ cái cũ, không có sự tôn sùng tuyệt đối, coi trọng tự do và điệu sống cá nhân, loại bỏ mọi biên giới đối với tri thức...) vì đó chính là căn bản cho những điều kiện và nguyên tắc giao lưu quốc tế.

Và đó cũng là sống với tinh thần Albert Einstein!

 

● Các bài viết của Vô Danh

Hai Khuôn Mặt - Hai Tấm Lòng (Vô Danh)
Những Lời Châu Ngọc về Thánh Kinh
Sống với tinh thần Einstein (Lượm lặt)

Trang Chính Trị Xã Hội