Trao đổi về bài viết ...

Trả lời bài viết của Hoàng Cúc

nguồn : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12523&rb=0401

Trương Công Khanh

Gửi bài này cho bạn bè 15 tháng 3, 2008

 

 

Sau khi đọc bài “Trao đổi...” của Hoàng Cúc với tôi, tôi không muốn nói là Hoàng Cúc không chỉ ưa “kết luận” khống về lịch sử mà còn ưa kết luận về người khác là “lưu manh”, “thiếu trí thức”...

Trong bài viết trước, tôi có viết về nhầm lẫn của Hoàng Cúc như sau: “Điều nhầm lẫn của Hoàng Cúc chính là mượn vào bức ảnh (nhầm lẫn) đó để “phủ định” những dư luận cho rằng Phật giáo mới là sở hữu chủ thực sự của mảnh đất Tòa Khâm sứ (vốn là Chùa Báo Thiên). Nên Hoàng Cúc viết: “Những bằng chứng có vẻ như lịch sử” (có nghĩa là không phải lịch sử?), phải chăng để nhằm phủ định những “cáo trạng lịch sử” mà người Phật tử đã đưa ra?”.

Nhưng không hiểu sao ở bài trao đổi vừa rồi Hoàng Cúc chỉ trích dẫn: “Điều nhầm lẫn của Hoàng Cúc chính là mượn vào bức ảnh (nhầm lẫn) đó để “phủ định” những dư luận cho rằng Phật giáo mới là sở hữu chủ thực sự của mảnh đất Tòa Khâm sứ (vốn là Chùa Báo Thiên)”, mà bỏ qua phần tôi nhấn mạnh ở sau, tức là Hoàng Cúc coi một số tranh luận của người Phật tử chỉ là những chứng cớ “có vẻ như lịch sử”.

Sở dĩ tôi đưa phần trích dẫn theo André Masson (NQT dịch), để chứng minh việc “san bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất”, có nghĩa rằng có một ngôi Chùa Báo Thiên hiện diện thực sự, chứ nó không phải là một khu đất trống:

“San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…, tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với Giám mục [Puginier, NQT, ct.] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy. Thoạt tiên, ông cho điều nghiên xem có ai là hậu duệ của người sáng lập ra chùa, đã chết hai thế kỷ trước, và lẽ dĩ nhiên, không tìm ra ai. Thứ đến ông chỉ thị cho các công dân lãnh đạo trong phường, được chọn lựa có vẻ như là do sự may rủi giữa các người Công giáo, đến thẩm lượng mức kiên cố của ngôi chùa; họ không ngần ngại xác quyết rằng, ngôi chùa đã mục nát có thể sập gây nguy hiểm cho người qua lại. Bây giờ mọi việc đã đâu vào đấy, san bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất…” (André Masson, The Transformation of Hanoi, 1873-1888, Madison, WI: Center for Southeast Asian Studies. University of Wisconsin-Madison, 1983, 51, NQT dịch).

Đoạn trích tiếp theo mà tác giả Hoàng Cúc đưa thêm vào như sau: “Cho phá hủy ngôi chùa, trưng thu mảnh đất vô chủ vì lợi ích công quyền, theo tập tục An Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào; đó là điều ông Tổng đốc đã làm”.

Để xác minh về sự hiện diện của ngôi chùa (bằng xương bằng thịt), tôi có thể chỉ cần trích dẫn câu: “San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…” ở ngay đoạn đầu mà không nhất thiết phải dẫn thêm nữa. Đoạn này đã được trích dẫn đầy đủ trên phattuvietnam.net: “Chùa Báo Thiên có bị thực dân Pháp và tay sai phá đi xây Nhà thờ Lớn?”, và dĩ nhiên, nó cũng phần nào khác với Hoàng Cúc về mặt chữ nghĩa.

Hoàng Cúc có đưa ra thêm những dẫn chứng của Lê Điều về tác phẩm “Mẫu thượng ngàn”, nhưng chỉ xin đọc lại bài viết “Vụ phá Chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh” (phattuvietnam.net).

Có thể tác giả muốn thêm đoạn trích để “hợp thức hóa” việc chiếm phá này. Nhưng xin thưa, nếu nó “hợp pháp” thì chẳng ai như Công sứ Bonnal phải “e ngại” vì “sự lạm quyền” kiểu đó. Và cách tốt nhất mà ông ta không nên dính vào mà nhờ ông Nguyễn Hữu Độ (rất tâm đầu ý hợp với Giám mục Puginier) giúp việc chiếm phá chùa. Ở phần cuối bài viết “Những bài học ứng xử cần thiết”, sau khi dẫn một vài chứng cớ về việc xây nhà thờ trên đất chùa và bị triều đình triệt phá trả về cho Phật giáo, tôi có viết, nhẽ ra ông Nguyễn Hữu Độ phải báo cáo với triều đình về việc sửa sang, tu bổ lại chùa, thì ông lại cùng Giám mục Puginier chiếm phá chùa. Tôi còn nói vì Chùa Báo Thiên ở quá xa kinh thành nên “nước xa không chữa được lửa gần”.

Đây là một sự thật lịch sử và việc làm của Nguyễn Hữu Độ, nói như Công sứ Bonnal là “lạm quyền”, cho nên nó không thể là hợp pháp. Chúng ta nghĩ sao, nếu một vị chủ tịch tỉnh nào đó, chiếm nhà của người này rồi ngang nhiên cấp sổ đỏ cho người khác sử dụng bất chấp luật pháp, và người có sổ đỏ đến ở và vỗ ngực tự xưng vì mình có mảnh giấy “hợp pháp”? Người lấy nhà bị cướp đó có lương tâm để ung dung mà ở đó không? Đó là thứ “công lý” mà các giám mục và tay sai thường sử dụng hay sao? Còn cái gọi là vì “lợi ích công quyền”, đó là thứ công quyền nào? Chẳng lẽ đó là thứ “công quyền” của quân xâm lược?

Theo tác giả Hoàng Cúc “Phải hiểu những sự kiện này trong bối cảnh Hà Nội vào nửa cuối thế kỷ XIX, với hai lần quân Pháp tấn công thành Hà Nội vào năm 1873 và 1882”. Nếu đã hiểu sự kiện lịch sử của thời điểm này thì xin hãy xâu chuỗi và nhìn một cách toàn diện về các sự kiện, để tránh thiên lệch. Việc Hoàng Cúc nói đến “Quân Cờ Đen” và “Văn thân” một cách phiến diện để nói đến việc bách hại Công giáo có lẽ còn ít hơn nhiều việc Công giáo bách hại người lương và đốt phá chùa chiền.

Để nhận diện chân dung về một người có thế lực và hiếu chiến nhất tại Bắc Kỳ, chúng ta không khó để tìm hiểu chính sách xâm lược, thống trị, đồng hóa của vị Giám mục Puginier này đã diễn ra như thế nào. Bài viết của Trần Điều “Từ việc chiếm phá Chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn tìm hiểu bộ mặt thật của Giám mục Puginier” (phattuvietnam.net) đã phần nào chỉ ra điều đó. Từ đó chúng ta có thể hiểu thêm về vụ chiếm phá Chùa Báo Thiên, đó có phải là một “hệ thống ý thức chiếm phá chùa chiền” như tôi đã nói hay không.

Hoàng Cúc chứng minh việc Giám mục Puginier làm lễ ở ngôi nhà nguyện bằng gỗ vào thời điểm 1-1-1873 (đoạn sau bài viết lại ghi là ngày 1-1-1870) và chứng minh việc giáo dân sống ở khu vực này để cho rằng “khu vực này đã do người Công giáo quản lý”.

Ngôi nhà nguyện này (Hoàng Cúc có “chua” thêm một tấm hình trong bài để “đánh tráo” với Tòa Giám mục hiện thời) là “Tòa Giám mục Tây Đàng ngoài ở Kẻ Sở”, còn Tòa Giám mục sau này là Tòa Giám mục nằm trên đất Chùa Báo Thiên.

“Năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, giao toàn bộ ngôi chùa tháp này cho Giám mục Puginier làm nơi ở và làm việc tạm thời khi giám mục về Hà Nội trực tiếp làm thông ngôn và cố vấn cho Garnier. Lúc đó, giám mục Puginier dựng mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa để ở và làm việc cho gần Garrnier đóng quân tại Trường Thi gần đó, còn Tòa Giám mục (khi đó gọi là Tòa Giám mục Tây Đàng ngoài) thì vẫn đóng ở Kẻ Sở (nay là vùng Ngã tư Sở). Năm 1882, Henry Riviere đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Năm 1883, theo yêu cầu của Công sứ Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu chùa này cho Giám mục Puginier phá đi để kiến tạo Nhà thờ Chính toà Hà Nội. Năm 1887, khi Pháp đã đặt vững nền cai trị ở Bắc Kỳ, Giám mục Puginier mới cho xây dựng mới Nhà thờ Lớn và các toà nhà khác của Nhà Chung bằng những vật liệu kiên cố rồi dời Toà Giám mục Hà Nội về đây” (vi.wikipedia.org).

Hoàng Cúc viết: “Như vậy, tuy có một số khác biệt về mặt dữ liệu giữa André Masson và Joseph Villebonnet, nhưng theo các tài liệu trên đây, có thể xác định được rằng khu vực Toà Giám mục Hà Nội hiện nay cùng với Toà Khâm sứ cũ đã được các vị linh mục Bonfils và Landais mua trước năm 1876, lúc đó quyền cai trị miền Bắc, cụ thể hơn là Hà Nội, vẫn còn nằm trong tay quan lại nhà Nguyễn, dù ít nhiều đã có những sức ép từ phía các quan chức người Pháp. Khu vực Chùa và Tháp Báo Thiên mà vào năm 1883 Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ trưng thu và qua Bonnal trao cho Giám mục Puginier ít nhất cũng phải nằm ở phía bắc toà nhà xây năm 1876 trong ảnh, theo tôi khu vực đó có thể gồm hang đá Đức Mẹ, một phần sân chủng viện, khu trường học (nay là Trường Trung học Cơ sở Hoàn Kiếm - Tân Trào) được nhà nước “mượn”, khu vực nhà xứ và Nhà thờ Lớn hiện nay”.

Tòa Khâm sứ có được mua hay không? Tại sao khi dẫn về hai tác giả André Masson và Joseph Villebonnet, Hoàng Cúc không “trích” luôn một đoạn về việc “mua bán” tòa Khâm sứ này để người đọc tường tận, mà lại viết “có thể xác định được rằng”. Ai “có thể” xác định vậy?

“Sau khi xâm chiếm Việt Nam, thiết lập chế độ cai trị, thực dân Pháp tiến chiếm một số chùa chiền lấy đất đai để xây dựng công sở và giao cho giáo hội xây dựng nhà thờ và các cơ ngơi phục vụ cho giáo hội. Năm 1873, được sự đồng ý của chính quyền thuộc địa, giáo hội chiếm một khu đất thuộc Báo Thiên Tự và cho xây dựng ở đây một nhà thờ bằng gỗ. Đến năm Năm 1883 chùa Báo Thiên hoàn toàn được phá bỏ để xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội, thay thế cho ngôi nhà thờ bằng gỗ. Tòa Khâm sứ Hà Nội là một cơ ngơi của Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ Chính toà của Tổng Giáo phận Hà Nội), nằm cạnh Toà Giám mục trong khuôn viên đất nhà thờ.

Năm 1950, khi Hà Nội đã là thủ đô của Việt Nam, Khâm sứ John Dooley chuyển trụ sở ra Hà Nội, được Tòa Tổng giám mục Hà Nội cho mượn cơ ngơi để làm Toà Khâm sứ. Năm 1959, chính phủ của ông Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với Công giáo, ra lệnh cho các giáo sĩ ngoại quốc phải rời khỏi miền Bắc. Tòa Khâm sứ của Vatican tại Hà Nội bị tịch thu, một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám mục Hà Nội và Toà Khâm sứ đã được chính quyền dựng lên. Sau đó Tòa Khâm sứ đã được sử dụng vào nhiều mục đích phục vụ công ích khác nhau, có thời kỳ dùng làm nhà văn hóa thiếu nhi.” (vi.wikipedia.org)

Với từ “theo tôi…” của Hoàng Cúc ở lời cuối bài (nói phải có chứng cớ mới là thái độ lương thiện lịch sử và trí thức, nếu không sẽ trở thành ngụy tạo lịch sử), chỉ mong Hoàng Cúc đọc thêm: “Hồ Gươm bây giờ bé hơn rất nhiều (khoảng bằng 1/3) so với hồ Gươm khi xây Tháp và Chùa Báo Thiên, và cả so với thời điểm trước khi xây nhà thờ Lớn. Riêng đoạn bờ hồ phía tây thì ăn sâu vào, men từ ngã năm Hàng Đào xuôi theo Hàng Trống, áp sát Chùa Bà Đá, kéo dài qua đường Tràng Thi. Bờ hồ phía đông thì ra đến khu Ngô Quyền, Hàng Chuối... Chùa Lý Triều Quốc Sư vốn là một ngôi đền nhỏ thờ Quốc sư Minh Không trong khuôn viên Chùa Báo Thiên, dựng đời nhà Lý. Chùa Bà Đá cũng thuộc khuôn viên Chùa Báo Thiên, dựng đời Lê Thánh Tông khi phát hiện ra pho tượng đá cổ, khi đó Tháp Báo Thiên thời Lý - Trần đã bị phá một phần sau 20 năm thuộc nhà Minh.” (“Thư trao đổi gửi ngài Nguyễn Văn Sang – Giám mục Thái Bình”, phattuvietnam.net).

Như chúng tôi đã nói, một cuộc hội thảo nghiêm túc về Chùa Báo Thiên nên được diễn ra càng sớm càng tốt. Cuối cùng, chúng tôi xin dẫn lời của Trần Điều: “Cái gì đã là di sản thì dù nó có nằm sâu dưới lòng đất, chúng ta cũng phải đưa nó lên và bảo quản”.

Trương Công Khanh

Cùng tác giả: 1 2 3

 


Các bài viết cùng đề tài

 

Trang Chính Trị Xã Hội