Hà Nội: Từ Chùa Báo Thiên Đến Nhà Thờ Lớn

nguồn: Khởi Hành, và Giao Điểm Online

Nguyễn An Tiêm

http://sachhiem.net/TONGIAO/TOAKHAM/.php

11 tháng 1, 2008

 

Lời Tòa Soạn 

 

 

 

KHỞI HÀNH, năm thứ XI - số 122 – tháng 12.2006 (Midway City, California - USA) xin được là một lời nhắc nhở, và cũng là một cảnh báo, cho những ai còn nặng lòng với sự sống còn văn hóa của dân tộc ta.

Chùa Báo Ân và Nhà Thờ Lớn Hà Nội (nhà thờ Saint Joseph) chụp lại trên bưu thiếp in năm 1905, do bác sĩ Ch. E. Hocquard chụp vào khoảng 1884-1885. Chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân … bị Pháp tàn phá trong khoảng thời gian ngay sau khi chụp, hoặc môt hai năm kế tiếp. Nhà thờ lớn Hà Nội xây trên nền chùa Báo Thiên cũ. Hình và chú thích của Nguyễn An Tiêm, Khởi Hành.

(Phần in đậm trong bài dưới đây là của GĐ muốn nhấn mạnh)

¨

 

- Nhà thờ lớn Hà Nội có từ bao giờ?

- Nhà thờ lớn Hà Nội hay nhà thờ Saint Joseph bắt đầu xây từ năm 1884, khánh thành ngày 24.12.1986.

- Đất xây nhà thờ St Joseph là đất công hay đất tư?

- Tại địa điểm này, năm 1057, thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông cho khởi công xây tháp Đại Thắng  Tư Thiên, gọi tắt là Tháp Báo Thiên, thuộc nền Chùa Sùng Khánh, hay Chùa Báo Thiên, kinh đô Thăng Long. Theo nhiều tài liệu khác nhau thì trong khi Tháp Báo Thiên bị phá để xây Nhà thờ lớn thì Chùa Báo Ân cũng bị phá để xây Nhà Bưu Điện Hà Nội. Cả hai ngôi chùa này đều là hai chùa lớn bên hồ Hoàn Kiếm.

- Có tài liệu nào viết về vụ phá chùa để xây cất nhà thờ này không?

- Có. Gần nhất là một bản tin trong Thời Sự Khởi Hành số 66, tháng 4.2002 (số báo đặc biệt in màu nguyên hai trang KH Bản Đồ Việt Nam 1838 là năm lúc Pháp chưa đánh chiếm Việt Nam.)

 Xin trích dẫn lại như sau:

“Thực dân Pháp cũng như bọn bành trướng phương Bắc luôn luôn muốn hủy diệt văn minh sông Hồng (cái nôi của Việt Nam), bằng cách này hay cách khác, kể cả việc o bế, bắt tay với các bộ lạc sau lưng miền Bắc, sau lưng các triều đại giòng dõi Hai Bà, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Trần Lê, … [là các triều đại đã nổi lên dựng nền độc lập cho V.N.] để chọc vào cạnh sườn Phong Châu, Tản Viên, lấp sông Tô Lịch, đổi dòng sông Hồng, sông Bạch Đằng … và phá Hòn Vọng Phu ở Đồng Đăng, xiết nợ Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc …[Không phải vô tình mà cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào (tháng 11.06) khi đến Việt Nam đã đáp xuống Đà Nẵng, xuống bơi ở China Beach Đà Nẵng]...

“Đọc lại sách vỡ cũ, người Việt yêu nước Việt thở dài: biết bao đền đài kiến trúc cổ bị phá sập, … như ngôi chùa Báo Thiên nguy nga và tôn nghiêm ở thủ đô Thăng Long đã bị giám mục Puginier chọn, và trên đó mọc lên một nhà thờ công giáo.

“Trong bài nói về vai trò của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp với các di tích lịch sử Thăng Long, viết bởi France Mangin, có đọan sau đây của André Masson (Hà Nội dưới thời kỳ chinh phục 1873-1888):

“Phải hủy ngối chùa và chiếm đất vào cái thời gọi là chinh phục mà chúng ta đã trải qua đó, nhìn bề ngoài thì không có gì dễ dàng bằng, nhưng tôi cảm thấy một sự ghê tởm nào đó khi phải lạm dụng quyền lực một cách như vậy.”

“Bài báo viết: “Sự đắn đo của ông Bonal đã được xoa dịu nhờ sự giúp đỡ của tổng đốc Nguyễn Hữu Độ và những trở ngại trong việc phá dỡ ngôi chùa đã được giải quyết nhanh chóng … Tiếp đó miếng đất đã được cho không Đoàn Truyền Giáo, và ông Bonal đã “hài lòng giao lại cho vị giám mục giấy tờ chính thức xác nhận quyền sỡ hữu (miếng đất).”

“Giám mục Puginier mở cuộc Xổ Số lấy tiền xây ngôi nhà thờ trên nền Chùa Báo Thiên, và hoàn thành ngôi nhà thờ năm 1886: đó là Nhà Thờ Lớn hiện nay tại Hà Nội.”

Thấy việc này thành công, trong những năm tiếp theo, nhiều ngôi chùa khác tại Hà Nội bị phá hủy: chùa Táo (xây vào thế kỷ X, chùa Liên Trì (hay chùa Báo Ân, xem hình) đền Huyền Trân (xây thế kỷ XVI)...” [Phần dịch bài của France Mangin là của Đào Hùng.]

- Được gọi là một trong “tứ đại khí” của Việt Nam, tháp Báo Thiên như thế nào, và vì sao nay không còn nữa?

- Tháp Báo Thiên cao 20 trượng, gồm 12 tầng, ngọn bằng đồng hình tựa ngọn núi, cao chót vót trên nền trời Thăng Long. Tháp được xếp vào một trong bốn Đại Nam Tứ Khí, bốn vật báu của đất nước; mà ba (kiến trúc điêu khắc) qúi giá khác là chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, và chuông Quy Điền. Sự tích tháp Báo Thiên đã được hai danh sĩ Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án viết như sau trong sách Tang Thương Ngẫu Lục:

“Cây Tháp Đại Thắng Tư Thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều [Lê Lợi] tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành-sơn-hầu Vương Thông phá hủy cây tháp [lấy vật liệu] chế ra sung đồng để giữ thành [1414]. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên … Năm Giáp dần [1791] lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá.

Những hòn gạch hoa, hòn nào cũng thấy khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình [1054-1058], tứ niên tạo,” tức là “Đúc trong năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý.”

- Có sử sách gì khác viết về Tháp Báo Thiên không?

- Có. Nhà thơ Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV), người Hải Dương, tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông [1314-1329], người cực kỳ hay chữ, đã làm bài thơ như sau về Tháp Báo Thiên:

Trấn áp đông tây củng đế kỳ

Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy

Sơn hà bất động kình thiên bút

Kim cổ nam ma lập địa chùy

Phong bãi chung linh thời ứng đáp

Tinh di đăng chúc dạ quang huy

Ngã lai dục tủy đề thi bút

 Quản lãnh xuân giang tác nghiễn trì.

 Nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm thoát dịch như sau trong tập Thơ Văn Lý Trần mà ông đang biên soạn:

 

 ĐỀ THÁP BÁO THIÊN

Trấn áp đông tây giữ đế kỳ

Một mình cao ngất tháp uy nghi

Chống trời cột trụ non sông vững

Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy

Chuông khánh gió đưa vang đối đáp

Đèn sao đêm đến rực quang huy

Đến đây những muốn lưu danh tính

Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.

 Các tài liệu sau này cũng có, song chỉ có tính cách địa dư chí. Ví dụ, trong Từ điển đường phố Hà Nội của Đại Học Hà Nội xuất bản có cho biết rằng Chùa Báo Thiên thuộc thôn Báo Thiên, tổng Tiên Túc, (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Sách này viết:

Nền nhà thờ hiện nay nguyên là nền đất chùa Báo Thiên rất nổi tiếng, ở đây có ngôi tháp gọi là Tháp Báo Thiên. Ngoài ra tại phố này (Phố Nhà Thờ, Avenue de la Cathédrale), còn có một ngôi chùa cổ, là Chùa Bà Đá. Tương truyền vào đời Lê Thánh Tông ở thôn Báo Thiên Tự có một người đào được một pho tượng Phật Bà bằng đá. Người đó liền lập một miếu nhỏ để thờ. Sau dân làng thấy thiêng mới xây thành ngôi chùa và gọi là chùa Bà Đá, tên chữ là Linh Quang Tự. Pho tượng đã bị mất trong một vụ cháy thời Pháp thuộc.”

 

Nguyễn An Tiêm


 

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Bá Lăng: Chùa Xưa Tích Củ, Lá Bối, S. Di.,1988; Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam, Hoa Cau,1989.

Phạm Ðình Hỗ-Nguyễn Án: Tang Thương Ngẫu Lục, Sài gòn, 1962.

Trần Văn Giáp: Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, Hà nội, 1962.

Nguyễn Khắc Cần: - Nguyễn Ngọc Ðiệp:  Encyclopedia, Hà Nội, Việt Nam, 2000.

Nguyễn Hoài - Nguyễn Loan - Nguyễn Tuệ: Từ Ðiển Ðường Phố Hà Nội, 2000.

Tô Hoài, Nguyễn Vĩnh Phúc: 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, 2000

Charles Edouard Hocquard: Các Carte Postales      về Tonkin, 1884-1885. Ðào Hùng, Tạp chí Xưa và Nay, 2002

 


 


Trang Tôn Giáo