Từ Chùa Báo Thiên đến Tòa Khâm Sứ

Sách Hiếm

http://sachhiem.net/TONGIAO/TOAKHAM/ChuaBaoThien2.php

28 tháng 5, 2008

1  2  3  4

Diễn tiến sự cố

 

Tổng hợp có chọn lọc từ các nguồn tin Tây phương thân Vatican (Đài Á châu Tự do RFA của Mỹ và BBC của Anh), của các cơ quan chính thức và cá nhân Công giáo trong và ngoài nước (Vatican, Hội đồng Giám mục, Catholic News Agency), của Việt Nam (Ủy ban Nhân dân Tp Hà Nội, báo Hà Nội Mới)

§     Hàng ngàn giáo dân tập trung yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm Xứ / RFA (22.12.08)

§     Tăng áp lực trong vụ Tòa Khâm sứ / BBC (06.01.08)

§     Thư của UBND Tp Hà Nội gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam/ UBND-TpHN (11.01.08)

§     Dừng ngay những hành vi gây mất trật tự công cộng / Hà Nội Mới (26.01.08)

§     Tòa TGM phải chấm dứt ngay những hành động vi phạm pháp luật / Hà Nội Mới (27.01.08)

§     Thư Quốc Vụ khanh Vatican gửi TGM Ngô Quang Kiệt / Vatican (30.01.08)

1- Hàng ngàn giáo dân tập trung yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm Sứ

-2007.12.22

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA (Radio Free Asia – “Đài Á châu Tự do” của chính quyền Mỹ)

Theo bản tin trên chương trình Thông tin Công giáo Việt Nam tại Hải ngoại, tức VietCatholicNews, trong hai ngày 18 và 20 vừa qua, lần đầu tiên từ hai đến năm ngàn người Thiên Chúa Giáo ở Hà Nội đã tập trung trong khuôn viên Đại Chủng Viện rồi tự động kéo sang Toà Khâm Sứ bị chính quyền trưng thu từ năm 1957.Tại đây mọi người đặt tượng Đức Mẹ rồi cầu nguyện để Toà Khâm Sứ được trả về lại cho Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Linh mục Trần Công Nghị, Giám đốc chương trình VietCatholic, cho biết nguyên nhân dẫn đến cuộc tụ tập và cầu nguyện nhiều ngàn tín hữu tại Hà Nội:

"Hà Nội thì có khu vực như thế này - Nhà Thờ Chính Toà, cạnh Nhà Thờ Chính Toà là Đại Chủng Viện, cạnh Đại Chủng viện là Toà Giám Mục ở Hà Nội có một khuôn viên rất là lớn. Rồi đối diện với lại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội là Toà Khâm Sứ của Toà Thánh (Vatican). Toà Khâm Sứ Toà Thánh trước đây thuộc về đất của Tổng Giám Mục Hà Nội.

Từ năm 1950 lúc bấy gìơ Đức Thánh Cha Pio XII đặt Đức Cha người Ái Nhĩ Lan làm Khâm Sứ Toà Thánh và có đặt trụ sở Toà Giám Mục ở đó. Năm 1957 lúc bấy giờ họ (chính quyền VNDCCH) tịch thu đất đó và họ đuổi Khâm Sứ ra khỏi nước, cũng như các nhân viên khác bị trục xuất ra khỏi nước Việt Nam.

Từ đó cho đến nay cũng đã nhiều lần Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như Toà Tổng Giám Mục Hà Nội muốn đòi lại cái cơ sở đó để sử dụng bởi vì rất cần thiết có một cái nơi để sinh hoạt cho những mục tiêu tôn giáo. Nhưng mà chính phủ cũng chần chừ mãi, không trả lời một cách rõ ràng như thế nào.

Gần đây nhất thì cái khu đó nó biến chứng, đầu thì làm quán phở, sau đó mở cái nơi để mà làm chỗ giải trí, rồi dancing, rồi gần đây nữa thì họ lại mở cái nơi đó cho đậu xe rất là ồn ào, rồi những người nghiện xì ke ma tuý vào đó, cho nên trở thành một chỗ rất là tồi tệ như vậy.

Mới đây thì nghe tin rằng họ muốn sử dụng cái nhà đó để mở nhà băng. Chính vì lý do như vậy thì Đức Tổng Giám Mục Hà Nội - Ngô Quang Kiệt vào ngày 15 tháng 12 vừa qua đã viết một cái thư gửi cho các linh mục nam nữ tu sĩ cũng như giáo dân Hà Nội để xin cầu nguyện làm thế nào cho Toà Khâm Sứ nhanh chóng được trả lại cho tổng giáo phận Hà Nội.


Đến ngày 18 tháng 12 vừa qua thì nhân có cuộc trình diễn thánh ca Giáng Sinh mời tất cả người Công Giáo, các cấp chính quyền và những người thích nhạc đến nghe Đại Hội Giáng Sinh, thì có 4 ngàn người tới nghe đêm thánh ca Giáng Sinh vào ngày 18 tháng 12, từ 7 giờ cho đến 10 giờ.

Sau khi nghe thánh ca xong thì đang khi người ta ra về như vậy thì có một người nào đó đứng lên loan báo rằng Đức Tổng Giám Mục mới gửi cho chúng ta một cái thư để xin cầu nguyện cho đất của Toà Khâm Sứ nhanh chóng được trả lại, chúng ta hãy cùng nhau tiến sang bên Toà Khâm Sứ để cầu nguyên.

Lúc bấy giờ cả đoàn 4 người cầm nến người ta đi và 2 ngàn người còn lại người ta tiếp tục sang bên đó người ta cầu nguyện. Không có đả đảo, không có hô hào, không có bạo động, rất là nghiêm trang, hát kinh hoà bình."

 

 

2- Tăng áp lực trong vụ Tòa Khâm sứ

BBC - 06 Tháng 1 2008 - Cập nhật 13h03 GMT

Hàng trăm người theo Công giáo tiếp tục thắp nến cầu nguyện bên ngoài nơi từng là tòa Khâm sứ tại số 40 Nhà Chung, Hà Nội, trong dịp cuối tuần này.

Dù trời rét, các giáo dân này vẫn tới đây đặt hoa, thắp nến và hát thánh ca bên ngoài tòa Khâm sứ cũ để đòi lại khu đất mà chính quyền lấy quản lý từ 50 năm trước.

Khu vực này gồm một tòa biệt thự kiểu Pháp và khoảng một hécta đất xung quanh, từng được cho sử dụng để kinh doanh và cả làm bãi để xe.

Nay người Công giáo muốn đòi lại phần đất mà trước kia đại diện tòa thánh Vatican dùng làm trụ sở.

Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn rằng đây là đất của tòa Giám mục cho Đức Khâm sứ mượn, vì vậy tòa Giám mục có quyền đòi lại.

Các cuộc cầu nguyện, bắt đầu từ dịp Giáng Sinh tới nay, diễn ra một cách hòa bình và ngày càng thu hút sự chú ý của bên ngoài cộng đồng Công giáo, đồng thời tạo áp lực lớn lên giới chức địa phương và trung ương.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn tấn Dũng hôm 30/12/2007 đã tới thị sát nơi này khi tới thăm tòa Giám mục Hà Nội.

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức về khu đất này.

 

Trụ sở Khâm sứ

Theo thông tin trên trang mạng Viet Catholic, vào năm 1951, Giáo hoàng Pius XII đã bổ nhiệm đức Giám mục John Jarlath Dooley làm đại diện của Giáo hoàng tại Đông Dương.

Văn phòng của Ngài được đặt tại 40 phố Nhà Chung cho tới khi Ngài rời Hà Nội vào tháng Ba 1959 vì lý do sức khỏe.

Linh mục người Ái Nhĩ Lan Terence O'Driscoll tạm thời lãnh vị trí Khâm sứ trong lúc chờ lệnh từ Vatican. Tuy nhiên ngay sau đó vài tuần, Hà Nội đã trục xuất Cha O'Driscoll và giải tán văn phòng Khâm sứ.

Tòa Khâm sứ cũ được chuyển cho Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm quản lý cho tới nay.

Viet Catholic cũng cho biết các đời Tổng giám mục Hà Nội, từ đức Hồng y Joseph-Marie Trịnh Văn Căn tới đức Hồng y Paul Joseph Phạm Đình Tụng đều đã đề đạt nguyện vọng lấy lại khu trụ sở này cho tòa Giám mục nhưng không thành.

Tới nay tuy Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao một cách chính thức, liên hệ song phương trong những năm gần đây đã dần ấm lại.

Thủ tướng Việt Nam đã có chuyến thăm lịch sử tới Roma một năm trước đây và tiếp kiến Giáo hoàng Benedict XVI. Với sáu triệu tín đồ, Việt Nam là quốc gia có cộng đồng Công giáo lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.

3. Vi phạm của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Số : 273/UBND-VX

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 2008

V/v vi phạm của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà

Kính gửi : - Ngài Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam

Đồng kính gửi : - Ngài Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội xin gửi tới Ngài Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và Ngài Tổng Giám Mục Hà Nội lời chào trân trọng!

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tòa tổng Giám Mục và giáo dân như: Lễ đón tiếp Hồng Y Crescenzio Sepe – Tổng trưởng Bộ truyền giáo Vatican đến thăm giáo hội tại Việt Nam, Lễ thụ phong linh mục cho các Tu sỹ tại Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, lễ Noel hàng năm và các buổi lễ trọng trong chương trình mục vụ của Hội đồng Giám Mục. Nhất là mới đây, đã đảm bảo cho Đại hội X – Đại hội Hội đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra tốt đẹp tại Hà Nội. UBND Hà Nội rất vui mừng và đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của các giáo sỹ và cộng đồng giáo dân vào các hoạt động của thành phố.

Tuy nhiên chúng tôi rất lấy làm tiếc là thời gian gần đây Tòa tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng giáo dân, vi phạm các quy định hoạt động tôn giáo và pháp luật. Cụ thể :

Đối với Toà tổng Giám Mục Hà Nội: Ngày 15/12/2007, Ngài Tổng Giám Mục đã gửi thư không chỉ cho các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội mà còn gửi tới các giáo dân khác kêu gọi các giáo sỹ và giáo dân tham gia việc đòi lại nhà đất tại 42 phố Nhà Chung; kêu gọi giáo dân đến cầu nguyện tại 42 phố Nhà Chung là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin, Nhà Văn hóa và Trung tâm Thể dục Thể thao quận Hoàn Kiếm. Tối ngày 18/12/2007 và liên tục trong các ngày tiếp theo trong tháng 12 năm 2007, sau các buổi lễ, Tòa Tổng Giám Mục đã kêu gọi giáo dân đến tổ chức cầu nguyện tại khu đất 42 Nhà Chung; đưa ra tượng Đức Mẹ sang đặt tại khu đất 42 Nhà Chung; kèm theo việc phân phát tờ rơi với nội dung có tính chất xuyên tạc chính quyền. Trong những ngày gần đây, Tòa Tổng Giám Mục vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động tập trung đông giáo dân, giáo sỹ cầu nguyện trước cửa số nhà 42 phố Nhà Chung gây mất trật tự giao thông công cộng.

Đối với Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, giao thông công cộng; Giáo xứ Thái Hà đã huy động giáo dân tự ý lấn chiếm đất xây dựng nhà không phép trên đất hiện do Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty cổ phần vật tư vận tải xi măng quản lý thuộc địa bàn phường Quang Trung; Chưa xin phép Chính quyền đã tự ý đục tường, xây cổng ra ngách 49 ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng thuộc địa phận phường Ô Chợ Dừa; Đã để một số giáo dân phá đổ tường rào bảo vệ, phá hoại tài sản của Công ty cổ phần may Chiến Thắng vào đêm ngày 5/1/2008. Từ ngày 6/1/2008 cho đến nay, Giáo xứ Thái Hà tiếp tục để cho giáo dân, giáo sỹ đi treo hàng chục ảnh Đức Mẹ và Thánh Giá vào hàng rào bảo vệ của Công ty cổ phần may Chiến Thắng, tụ tập đông người cầu nguyện ngoài cơ sở thờ tự, gây mất trật tự giao thông công cộng.

Về phía Công ty cổ phần may Chiến Thắng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp nhắc nhở , yêu cầu phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của thành phố về các vấn đề có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp và đã có văn bản gửi ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, Linh mục Trịnh Ngọc Hiên và một số giáo sỹ, song những việc làm trên vẫn tiếp diễn gây mất trật tự công cộng, làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục và chính quyền địa phương; tạo cớ cho kẻ xấu kích động, tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa cộng đồng giáo dân với chính quyền; làm ảnh hưởng đến hình ảnh Đạo Thiên Chúa trong cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang được cải thiện giữa nhà nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican.

Những việc làm trên vi phạm khoản 2 điều 11 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ngày 29/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều 26 Nghị định 22/2005/NĐ-CP của chính phủ ngày 1/3/2003 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật xây dựng, Luật đất đai và gây ra những bức xúc trong quần chúng nhân dân cũng như trong bà con giáo dân trên địa bàn.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa có văn bản trao đổi, phê phán những việc làm sai trái nói trên; đồng thời đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ đạo và yêu cầu Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà chấm dứt ngay những việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về hoạt động tôn giáo, đồng thời sớm khôi phục, trả lại nguyên trạng, di chuyển tượng Đức Mẹ và Thánh Giá ra khỏi khu vực 42 phố Nhà Chung; Tháo dỡ phần diện tích xây dựng không phép trên diện tích đất của Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty cổ phần vật tư vận tải xi măng quản lý; chuyển ảnh Đức Mẹ, Thánh Giá ra khỏi tường bảo vệ của Công ty cổ phần may Chiến Thắng, nếu tiếp tục để xảy ra những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Về đề nghị giải quyết vấn đề nhà đất tại 42 phố Nhà Chung, UBND Thành phố Hà Nội đang xem xét và đề nghị Chính phủ giải quyết thấu đáo, có lý, có tình, theo đúng quy định của pháp luật.

Về đơn khiếu nại của Linh mục Trịnh Ngọc Hiên và một số Linh mục thuộc Giáo xứ Thái Hà, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn trả lời số 122/UBND-ĐCNN, ngày 8/1/2008, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã Quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất, trật tự xây dựng, trật tự giao thông công cộng tại khu vực này theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp Công ty cổ phần may Chiến Thắng có các vi phạm, thành phố sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh, UBND Thanh phố Hà Nội sẽ thông báo tới các quý Ngài biết.

Việc tổ chức khánh thành nhà nguyện 7 tầng của Giáo xứ Thái Hà, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Linh mục Trịnh Ngọc Hiên thực hiện theo đúng quy định Luật thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt không tập trung đông người làm ảnh hưởng trật tự giao thông công cộng và trật tự an toàn xã hội tại khu vực.

Chúng tôi cho rằng những vi phạm nói trên cần sớm được chấm dứt. Việc chấp hành pháp luật và sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà với chính quyền sở tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Thanh phố Hà Nội báo cáo với Chính phủ giải quyết vấn đề nhà đất 42 phố Nhà Chung, các kiến nghị của Giáo xứ Thái Hà và các vấn đề khác có liên quan đến mối quan hệ giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội với chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô, tiếp tục góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa Thánh Vatican.

Một lần nữa xin gửi tới Quý Ngài Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và Ngài Tổng Giám Mục Hà Nội lời chào trân trọng!

Nơi nhận

-     Như trên;

-     Văn phòng Chính phủ;

-     Các Bộ: CT, XD, CA, NG;

-     Ban Tôn giáo Chính phủ;

-     TTTU, HĐND TP;

-     Đ/c CT UBND Thành phố;

-     Các đ/c PCT UBND TP;

-     UBMTTQ TP;

-     CATP, Ban TG TP, Sở TNMT&NĐ

-     UBND quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa;

-     Ông Trịnh Ngọc Hiên số 180/2 phốNguyễn Lương Bằng, Đống Đa (để biết)

-     CPVP, VX, NN, TH;

-     Lưu VT

Tại 42 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

 

4- Dừng ngay những hành vi gây mất trật tự công cộng

26/01/2008 22:58

(HNMO) - Những ngày này không khí xung quanh khu đất 42 Nhà Chung khá căng thẳng, giáo dân từ các tỉnh, thành khác kéo về, đập phá tường rào, dựng lều, bạt che mưa, dựng cây Thanh giá và rước tượng Đức Mẹ vào trong khuôn viên khu đất và ở lì trong đó. Đã xảy ra xô xát giữa nhân viên bảo vệ của các cơ quan của quận Hoàn Kiếm đang sử dụng khu đất đó với giáo dân. Phố Nhà Chung và một số phố xung quanh thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông...

Cánh cổng sắt đã bị các giáo dân dỡ bỏ và dựng lều, hành lễ trái phép trong khuôn viên cơ quan Nhà nước

 

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên, chúng tôi được ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sáng 25-1-2008, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn Chúa, mừng kỷ niệm 45 năm giám mục, 60 năm linh mục và thượng thọ 90 tuổi cho Hồng y Phạm Đình Tụng. (Về việc mừng thượng thọ Hồng y Phạm Đình Tụng, trước đó, chúng tôi đã được tham dự Đoàn dại biểu của thành phố do ông Chủ tịch UB MTTQ thành phố dẫn đầu đến Toàn Tổng Giám mục để thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng; Bí thư Thành ủy cũng đã gửi thiếp chúc mừng thượng thọ Hồng y Phạm Đình Tụng). Trước khi Tòa Tổng Giám mục tiến hành Thánh lễ, ngày 24-1-2008, theo thẩm quyền và chức năng Nhà nước quy định, UBND quận Hoàn Kiếm đã gửi công văn khẳng định việc tổ chức Thánh lễ là việc làm có ý nghĩa đối với giáo hội, đồng thời đề nghị, để buổi lễ được tổ chức tôn nghiêm, Tòa Tổng Giám mục tổ chức các hoạt động tại buổi lễ theo đúng quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn bà con giáo dân và giáo sỹ về dự lễ giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm không ảnh hưởng đến giao thông công cộng, vệ sinh môi trường cảnh quan chung của địa phương. Chính quyền quận cam kết và trên thực tế đã làm tốt việc hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, tạo điều kiện để buổi lễ do Tòa Tổng Giám mục tổ chức ngày 25-1 được diễn ra tốt đẹp.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, sau khi buổi lễ kết thúc, một số giáo sỹ và rất đông bà con giáo dân đã kéo sang cầu nguyện tại khu vực 42 Nhà Chung. Đây là khu đất hiện do 3 cơ quan là Phòng Văn hóa - Thông tin, Nhà Văn hóa và Trung tâm TDTT quận Hoàn Kiếm được giao quyền sử dụng. Một số giáo dân đã tự ý dùng kìm cộng lực, búa, xà beng (không biết họ đã chuẩn bị từ bao giờ và tại sao đi hành lễ lại phải mang những thứ đó?) đập phá hàng rào bảo vệ của 3 cơ quan nói trên. Khi các nhân viên bảo vệ của các cơ quan ra can ngăn đã bị một số giáo dân quá khích đánh bị thương phải đi cấp cứu.

 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, 3 cơ quan đang sử dụng khu đất 42 Nhà Chung đã có công văn gửi UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, khu vực 42 Nhà Chung đang được các cơ quan quản lý, sử dụng để làm trụ sở và địa điểm để hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân và thiếu nhi trong quận. Thế nhưng, ngày 25-1, ngay sau buổi lễ, phía Tòa Tổng Giám mục đã có những lời nói kích động trên loa phát thanh, sau đó một số giáo dân quá khích đã trèo qua hàng rào sắt ngoài cổng trước cửa cơ quan để mang hoa vào đặt tại bức tượng Đức mẹ (ngày 20-12 họ đã tự ý đặt tượng vào vị trí cây đa trong sân cơ quan). Các nhân viên bảo vệ của cơ quan đã yêu cầu các giáo dân này ra ngoài, nhưng không ai chịu ra, một số người đã gây sự, chửi bới và đánh nhân viên bảo vệ các cơ quan. Phía bên ngoài, các giáo dân đã xé rách và phá các biển giới thiệu hoạt động của Trung tâm TDTT, đẩy và phá 3 cánh cổng ra vào để tràn vào khu vực sân, tiếp tục đuổi đánh nhân viên của các cơ quan, đồng thời tháo dỡ biển tên của các có quan tại trụ sở làm việc. Tiếp sau đó, Tòa Tổng Giám mục đã cho linh mục và giáo dân dựng lều bạt, cho xây bệ để dựng Thánh giá ngay lối vào cơ quan Phòng Văn hóa quận; các giáo dân được bố trí thay phiên nhau ở trong các lều bạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cơ quan tại khu vực này.

Ngay trong ngày 25 và 26-1, có rất nhiều Đoàn đại biểu của UBND quận, của phường, của nhân dân các khu vực xung quanh phố Nhà Chung vào kiến nghị ông Tổng Giám mục vận động bà con giáo dân dừng ngay các hoạt động vi phạm nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại 42 Nhà Chung,  tháo dỡ lều bạt, di chuyển ngay tượng và Thánh giá ra khỏi khu vực 42 Nhà Chung... nhưng không lần nào gặp được ông Tổng Giám mục? Tòa Tổng Giám mục chỉ cử một số đại diện ra tiếp và nói các giáo dân chỉ rút khi thành phố giải quyết kiến nghị về đất tại 42 Nhà Chung.

 

Về vấn đề đất tại 42 Nhà Chung, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 6-11-2007, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Tòa Tổng Giám mục nêu rõ: Thực hiện chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa, ngày 24-11-1961, Linh mục Nguyễn Tùng Cương (đại diện quản lý) đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a, nay là số nhà 42 Nhà Chung qua Nhà nước thống nhất quản lý. Căn cứ Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước ngày 1-7-1991 thì cơ sở nhà đất 42 Nhà Chung hiện giao cho UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quản lý, sử dụng, thuộc sở hữu Nhà nước. Do vậy, việc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có đơn xin giao lạikhu đất 42 Nhà Chung mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng là không đủ cơ sở để giải quyết và không phù hợp với Nghị quyết số 23 của Quốc hội.

Trung tâm TDTT và Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm tại số 42 Nhà Chung đã hoạt động liên tục trên 40 năm nay và hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở nhà đất tại 42 phố Nhà Chung cho các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư vẫn là cần thiết, cần được tiếp tục duy trì sử dụng ổn định. Trong trường hợp Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có nhu cầu thực sự cần thiết về diện tích làm việc thì có văn thư và lập Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét để được giải quyết theo quy định của Luật đất đai năm 2004 và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng của thành phố Hà Nội.

Có thể khẳng định, những việc làm tại 42 Nhà Chung của Tòa Tổng Giám mục và những giáo dân quá khích đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Điều 2 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 có quy định: Chức sắc, nhà tu hành và công dân có tín ngưỡng, tôn giáo được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Không chỉ không làm tròn nghĩa vụ công dân, các giáo dân gây rối trật tự công cộng tại 42 Nhà Chung còn vi phạm vào Điều 143 Bộ Luật hình sự về tội hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản và Điều 245 về tội gây rối trật tự công cộng. Tất cả các giáo dân tụ tập tại khu vực 42 Nhà Chung đều vi phạm Luật cư trú, không chịu khai báo, xuất trình giấy chứng minh nhân dân khi các cơ quan chức năng kiểm tra. Không những thế, họ còn vi phạm pháp luật khi cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ, xây dựng trái phép, cầu nguyện không đúng nơi thờ tự...

Việc Tòa Tổng Giám mục dùng mọi cách thức lôi kéo, kích động các giáo dân tụ tập gây rối trật tự công cộng tại 42 Nhà Chung trong mưa phùn, rét hại những ngày áp Tết Mậu Tý là điều cần phê phán nghiêm khắc. Trước cách giải quyết có thiện chí, hợp tình hợp lý của các cấp chính quyền, họ lại tỏ ra coi thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên lấn tới với các hành vi ngày càng nguy hiểm.

Những việc làm có tính toán của họ không những đã vi phạm nghiêm trọng các qui dịnh của pháp luật mà còn đi ngược lại lời răn dạy của Chúa là các giáo dân phải sống tốt đời đẹp đạo, góp sức mình vào sự nghiệp cao cả xây dựng quê hương, đất nước. Bà con giáo dân cần tỉnh táo, tranh bị kích động, bị lôi kéo vào những việc làm sai trái.

Hiện nay trong khuôn viên 42 Nhà Chung vẫn còn lều bạt và một số giáo dân đang ở trong đó. Phố Nhà Chung có 6 trường học, có rất nhiều cơ quan đóng trên địa bàn, việc có rất đông giáo dân từ các địa phương khác kéo đến gây mất trật tự công cộng khiến người dân ở đây rất bức xúc, đã có rất nhiều đơn kiến nghị của nhân dân, các cơ quan, các ngành, đoàn thể và của bà con giáo dân sinh sống tại Hà Nội gửi đến UBND quận Hoàn Kiếm, gửiđến thành phố, yêu cầu phải dừng ngay những hành vi cố tình gây mất trật tự công cộng ở khu vực 42 Nhà Chung, trả lại sự bình yên cho con phố vốn nổi tiếng về sự bình an và yên tĩnh này.

Dương Hà

 

5- - Tòa Tổng Giám mục phải chấm dứt ngay những hành động vi phạm pháp luật

27/01/2008 22:39

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, lúc 11 giờ 30 ngày 25/1/2008, sau Lễ quan Thầy mừng Hồng y Phạm Đình Tụng thượng thọ 90 tuổi, khoảng hơn 100 linh mục và rất đông giáo dân từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã kéo sang số nhà 42 Phố Nhà Chung là trụ sở của 3 cơ quan thuộc quận Hoàn Kiếm, họ đã dùng búa, xà beng, gậy sắt đẩy đổ hàng rào, đuổi đánh bảo vệ, tràn vào khuôn viên khu vực 42 Nhà Chung, dựng tượng, Thánh giá, dựng lều bạt và ở lì trong đó… 

Nỗi khổ của các giáo dân!

Chiều ngày Chủ nhật 27/1, theo sự kích động trên các báo mạng điện tử của Giáo hội, nhiều giáo dân các địa phương lợi dụng việc hành lễ thường nhật tại Nhà Thờ lớn, tiếp tục kéo về nhằm bổ sung lực lượng, gây sức ép với chính quyền.

16 giờ chiều cùng ngày, phóng viên báo Hànộimới đã vào khu vực khuôn viên 42 Phố Nhà Chung, nơi có hàng trăm giáo dân và linh mục tụ tập trong các lều bạt. Thoạt nhìn bên ngoài chúng tôi tưởng tất cả đều đang chú tâm cho việc cầu nguyện, nhưng khi vừa thấy chúng tôi bước vào, nhiều người đã quay ra, vẻ mặt rất phấn khởi nói: "May quá, các bác đã đến thay phiên để chúng em về". Nhiều người đã lầm tưởng chúng tôi là những giáo dân từ các giáo xứ khác đến thay phiên "trông" khu đất 42 Nhà Chung để họ được về nhà, nhưng khi biết chúng tôi chỉ là khách qua đường tò mò vào xem, họ tỏ ra vô cùng chán nản. Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lại đến dựng lều trại, chiếm giữ trái phép khu đất này, có biết đây là đất đang do các cơ quan Nhà nước quản lý và sử dụng không thì một số giáo dân cho biết họ nghe một số người nói khu đất này sẽ được xây vũ trường hay trung tâm thương mại gì đó, như thế sẽ làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Nhà thờ; một số khác cho rằng đây là khu đất thuộc quyền quản lý của Tòa Giám mục…

Về mục đích sử dụng đất, UBND Thành phố đã khẳng định, số 42 phố Nhà Chung do Trung tâm TDTT và Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm quản lý và đã hoạt động liên tục trên 40 năm nay và hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở nhà đất tại 42 phố Nhà Chung cho các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư vẫn là cần thiết và cần được tiếp tục duy trì sử dụng ổn định. Còn về nguồn gốc đất, căn cứ Nghị quyết số 23 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về nhà dất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước ngày 1/7/1991 thì cơ sở nhà đất 42 Nhà Chung hiện giao cho UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quản lý, sử dụng, thuộc sở hữu Nhà nước. Do vậy, việc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có đơn xin giao lại khu đất 42 phố Nhà Chung mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng là không đủ cơ sở để giải quyết và không phù hợp với Nghị quyết số 23 của Quốc hội.

Rõ ràng là đa số giáo dân đang ngày đêm phải chịu đựng mưa phùn, gió bấc với cái rét tê tái tại 42 Nhà Chung đều là bị ép buộc, hoặc do bị kích động, không nắm được bản chất của sự việc. Những ngày giáp Tết như thế này, ở quê còn bấn bao việc cần sự thu vén của những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng…thế mà các gia đình giáo dân lại phải cắt cử thay phiên nhau ngồi cầu nguyện giữa trời mưa gió, đúng là cực chẳng đã. Đa số giáo dân biết việc làm của mình là trái pháp luật, trái với những lời Chúa dăn dạy phải sống hòa hiếu, bằng an, sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa nhưng cũng phải phụng sự quốc gia…

 Không biết Tòa Tổng Giám mục có thấu hiểu nỗi khổ của các giáo dân, những bức xúc của các cơ quan đóng trên địa bàn và nhân dân sinh sống xung quanh khu vực 42 Nhà Chung?

Không được làm sự việc phức tạp thêm  

Trước tình hình căng thẳng như vậy, chiều ngày 26/1, UBND Thành phố đã có Công văn 673 gửi Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong đó nhắc lại nội dung Công văn 273 ngày 11/1/2008 gửi ngài Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và ngài Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội. Nội dung chính của Công văn 273 là yêu cầu Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chấm dứt ngay những việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về hoạt động tôn giáo, đồng thời sớm khôi phục lại hiện trạng, di chuyển tượng Đức Mẹ và Thánh giá ra khỏi khu vực số 42 phố Nhà Chung. Tuy nhiên, sau khi nhận được Công văn 273, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội không những không thực hiện mà còn cố tình đẩy tình hình diễn biến phức tạp thêm.

Những hành vi của một số giáo sỹ và giáo dân tại khu vực 42 Nhà Chung đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là họ đã vi phạm vào các tội cố ý hoại tài sản của Nhà nước; lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép; treo khẩu hiệu trái quy định của Luật; tập trung đông người và cư trú bất hợp pháp, làm mất trật tự giao thông công cộng và nơi làm việc của cơ quan Nhà nước khu vực số 42 Nhà Chung; có hành vi xúc phạm, lăng mạ và gây thương tích cho cán bộ nhân viên Nhà nước; tổ chức cầu nguyện trái quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng Tôn giáo. Công văn 673 của UBND Thành phố nêu rõ: Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và trực tiếp là một số giáo sỹ đã trực tiếp tham gia kích động, tụ tập các giáo dân, giáo sỹ để thực hiện, làm ảnh hưởng xấu, tạo cớ cho kẻ xấu kích động, chia rẽ quan hệ cộng đồng giáo dân với chính quyền. UBND Thành phố yêu cầu Tòa Tổng Giám mục Hà Nội chủ động hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động và yêu cầu các giáo sỹ, giáo dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; phải di chuyển tượng, Thánh giá, khẩu hiệu, lều bạt và các vật dụng khác có liên quan và giải tán toàn bộ giáo dân, giáo sỹ ra khỏi khuôn viên 42 Nhà Chung.

Mặc dù UBND Thành phố đã khẳng định chủ trương hợp tác với Tòa Tổng Giám mục giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung theo đúng chức năng và quy định của pháp luật, không để tình hình phức tạp thêm, thế nhưng đến 21 giờ tối 27/1, Tòa Tổng Giám mục vẫn không cho giải tán số giáo dân đang tụ tập trái phép. Tại số nhà 42 Nhà Chung vẫn còn hàng trăm giáo dân đứng dưới trời giá buốt cầu nguyện, tiếng loa phóng thanh ầm ĩ cả quãng phố. Lại thêm một đêm dài người dân phố Nhà Chung mất ngủ…

Nhóm phóng viên Nội chính

6- Thư Quốc vụ khanh Vatican gửi TGM Ngô Quang Kiệt ngày 30/1/08

HY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Giuse Đặng Văn Kiếm Thư Ký Văn Phòng Chủ Tịch PHỦ QUỐC VỤ KHANH

Số 915/08/RS/FAX

Kính gửi:

Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà nội Vatican, ngày 30 tháng Giêng năm 2008

Thưa Đức Cha,

Như Đức Cha có thể biết, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hằng ân cần theo dõi sát sao những biến cố xẩy ra trong những ngày này tại Hà Nội, liên quan tới những mối căng thẳng vốn có từ lâu giữa Tổng Giáo Phận của Ngài và các cấp Chính Quyền địa phương về quyền sở hữu và sử dụng tòa nhà kế cận tòa Tổng Giám Mục, từng được dùng làm nơi cư ngụ cho phái đoàn Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam nhiều năm trời.

Tôi hết sức thán phục lòng mộ mến sốt sắng và tình gắn bó sâu xa với Giáo Hội và Tòa Thánh của hàng ngàn tín hữu, ngày ngày họp nhau cầu nguyện trong hòa bình trước tòa nhà, đã trở thành biểu tượng này, để mong các cấp Chính Quyền dân sự lưu tâm đến những nhu cầu của cộng đồng Công giáo.

Nhưng, mặt khác, nếu cứ tiếp tục tụ họp như vậy có thể chỉ gây thêm lo âu, vì, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, việc không kiểm soát được tình hình và biến những buổi tụ họp ấy thành bạo động trong lời nói cũng như hành động là một nguy cơ thực sự.

Vì thế, nhân danh Đức Thánh Cha, người thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xẩy ra, tôi xin Đức Cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự chung và giúp tình hình trở lại bình thường. Nhờ đó, trong bầu khí lắng dịu hơn, việc đối thoại với các cấp Chính Quyền sẽ được nối lại, để tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này.

Tôi xin đoan chắc với Đức Cha rằng, về phần mình, Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn truyền đạt những khát vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam lên Chính Phủ của nước Ngài.

Xin chân thành cám ơn sự cộng tác của Đức Cha và trong tâm tình cầu nguyện gắn bó với Ngài, xin Đức Cha nhận nơi đây lòng chân thành và tận tụy của tôi.

+ Hồng Y Tarcisio Bertone

(Ký tên) Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

 

 

Bản tiếng Pháp

 

 


Trang Tôn Giáo