CÔNG GIÁO CHÍNH SỬ

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net//TCN/TCNtg/CGchinhsu/CGCS0.php

đăng ngày 21 tháng 10, 2007

Các bài trong tập này: 1   2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  

 


CHƯƠNG DẪN NHẬP

 

 

Cuốn sách này là kết quả sưu khảo về thực chất đạo Ca Tô Rô Ma, phiên âm từ Roman Catholic, mà gần đây người Việt thường biết dưới cưỡng từ Công giáo, và tác dụng của đạo này trên thế giới trong gần 2000 năm, và đặc biệt trên dân tộc Việt Nam trong mấy thế kỷ vừa qua.

Cuốn sách này thành hình sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo. Đắn đo suy nghĩ vì hai lý do. Thứ nhất, viết về những sự thực của một tôn giáo đầy quyền lực thế tục và giàu có về tiền bạc, của cải vật chất, như đạo Ca Tô Rô Ma, những sự thực mà giáo hội không bao giờ muốn cho các tín đồ biết tới, quả thật không dễ. Với kinh nghiệm của gần 2000 năm, Giáo hội Ca Tô Rô Ma, qua bộ máy tuyên truyền tinh vi với đầy đủ phương tiện truyền thông và qua những cán bộ truyền giáo (linh mục, giám mục, tổng giám mục v..v..), một hình ảnh khác hẳn thực chất của đạo Ca Tô Rô Ma đã được truyền bá trên toàn thế giới, đặc biệt là trong đám tín đồ kém hiểu biết, ít học, hay vô học. Do đó, khi đưa ra một hình ảnh không hợp với những điều "Giáo hội dạy rằng", người viết khó tránh được phản ứng của những tín đồ vẫn còn đức tin của thời Trung Cổ, còn sót lại trong một số địa phương, phần lớn ở trong những quốc gia nghèo khổ nhất trên thế giới. Những lời xuyên tạc vu khống như: kẻ thù của giáo hội, chống phá tôn giáo, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, bôi nhọ tôn giáo v...v..., luôn luôn sẵn sàng để chụp lên đầu những ai viết ra những sự thực trái ngược với những hình ảnh mà Giáo hội đã cấy vào trong đầu óc của số tín đồ này. Thứ nhì, viết về những sự thực của Ca Tô La Mã Giáo thì có lợi ích gì? có thay đổi được gì? có tạo được sự hòa hợp tôn giáo trong đại khối dân tộc như lòng mong ước, hay lại gây thêm chia rẽ?

Nhưng trước những sự xuyên tạc lịch sử của một số tín đồ Ca Tô Việt Nam, nào là "công ơn" của Alexandre de Rhodes, nào là những sự đóng góp cho quốc gia của Pétrus Ký, Nguyễn Trường Tộ v...v...; trước mưu đồ gây chia rẽ trong đại khối dân tộc Việt Nam qua vụ phong 117 Thánh trong đó có một số có tội với dân tộc Việt Nam; trước những bài viết có tính cách mạ lỵ những anh hùng dân tộc như Vua Quang Trung, lãnh tụ Văn Thân Phan Đình Phùng v...v...; trước những cuốn sách phóng đại sự việc, đổ lên đầu các vua triều Nguyễn trách nhiệm cấm đạo và tàn sát giáo dân; trước những lời kinh nhật tụng có tính cách xúc phạm đến ông bà, tổ tiên và mọi tôn giáo khác ở Việt Nam v...v..., tôi nghĩ không có gì phải đắn đo suy nghĩ nữa, đã đến lúc phải đi đến quyết định đưa ra ánh sáng thực chất của Ca Tô Giáo Rô Ma: thứ nhất, để đánh đổ những mưu toan xuyên tạc lịch sử, lấy lại công bằng lịch sử, và thứ nhì, với hi vọng những sự thật này sẽ giải phóng một số người có đầu óc tiến bộ, cởi mở, và tôn trọng sự thật. Nhưng làm sao có thể nói hết được sự thật trong phạm vi một cuốn sách nhỏ? Cho nên, tôi chỉ có thể nói lên một phần nhỏ những điều tôi biết và hi vọng các bậc học giả chuyên ngành sẽ bổ túc thêm những thiếu sót không thể tránh được.

Cuốn sách này cũng còn có một mục đích rõ rệt: giúp cho những tín đồ Ca Tô Việt Nam hiểu rõ tại sao Giáo Hoàng John Paul II lại răn dạy các tín đồ Ca Tô phải ăn năn thống hối, xưng tội với lịch sử và dân tộc, trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, dù những lời dạy này thực chất chỉ là những lời nói đãi bôi, đầu môi chót lưỡi, vì trái ngược với những hành động của giáo hoàng và tòa thánh Vatican, và nhất là vì Giáo hội Ca Tô không đưa ra một sự đền bù nào cho những tác hại mà Giáo hội đã gây ra cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hi vọng những tài liệu lịch sử trong cuốn sách này sẽ giúp họ nhận rõ thực chất của Ca Tô Giáo Rô Ma.

Có một số người cho rằng: "Chúng ta không bao giờ nên phê phán, chỉ trích tôn giáo của người khác," dù nhiều khi những cái gọi là "phê phán" hay "chỉ trích" chỉ là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ nhận. Tôi tôn trọng quan niệm "không nên dính vào chuyện của người ta" của họ. Nhưng sống trong một xã hội mà mọi sự đều liên hệ tới nhau, và tôn giáo thường có ảnh hưởng tới mọi vấn đề xã hội, thái độ này có hại nhiều hơn là có lợi. Thật vậy, trong cuốn Nền Tự Do của Mỹ và Quyền Lực Ca Tô, trg. 4 (American Freedom and Catholic Power), Paul Blanshard viết như sau:

"Anh không bao giờ nên chỉ trích tôn giáo của người khác," cái giáo lý nghe có vẻ vô hại đó, phát xuất từ những tình cảm cao quý, nhưng thật là nguy hại cho lối sống dân chủ. Nó không biết đến bổn phận phải bênh vực sự thực trong mọi ngành tư duy của mọi công dân tốt. Nó không xét đến sự kiện là phần lớn cái mà con người gọi là tôn giáo cũng là chính trị, lành mạnh xã hội và kinh tế. Giữ yên lặng về "tôn giáo của người khác" có thể đưa đến nền y tế hạng hai, nền giáo dục thấp kém, và chính quyền phản dân chủ.

Tôi tin rằng mọi công dân Mỹ - CaTô và phi-CaTô - đều có bổn phận phải nói lên vấn nạn Ca Tô, vì những vấn đề liên hệ tới CaTô đi vào trọng tâm của nền văn hóa và quốc tịch của chúng ta. Nói thẳng về vấn nạn này có thể bị nhiều nguy hiểm cay đắng, hiểu lầm và ngay cả sự cuồng tín, nhưng những nguy hiểm của sự yên lặng lại còn lớn hơn. Bất cứ người nào phê phán về những chính sách của hệ thống quyền lực CaTô đều phải gồng mình lên đội cái mũ "chống CaTô", vì đó là một phần trong sách lược chống đỡ của hệ thống CaTô: chụp cái nhãn hiệu này lên những người đối lập; và họ cũng phải cam chịu mang danh hiệu là kẻ thù của dân CaTô, vì hệ thống CaTô luôn luôn đồng hóa những tham vọng của giới giáo sĩ với những cái mà họ cho là ước muốn của tín đồ."

(You should never criticize another man's religion", that innocent-sounding doctrine, born of the noblest sentiments, is full of danger t o the democratic way of life. It ignores the duty of every good citizen to stand for the truth in every field of thought. It fails to take account of the fact that a large part of what men call religion is also politics, social hygiene and economics. Silence about "another man's religion" may mean acquiescence in second-rate medicine, inferior education and anti democratic government.

I believe that every American - Catholic and non-Catholic - has a duty to speak on the Catholic question, because the issues involved go to the heart of our culture and our citizenship. Plain speaking on this question involves many risks of bitterness, misunderstanding and even fanaticism, but the risks of silence are even greater. Any critic of the policies of the Catholic hierarchy must steel himself to be called "anti-Catholic," because it is part of the hierarchy's strategy of defense to place that brand upon all its opponents; and any critic must also reconcile himself to being called an enemy of the Catholic people, because the hierarchy constantly identifies its clerical ambitions with the supposed wishes of its people.)

Ý thức được những điều trên và chấp nhận những nhãn hiệu có thể chụp lên đầu và cả những lời trách cứ của những người không muốn dính vào "tôn giáo của người khác", sau đây tôi sẽ cố gắng đưa ra một số sự thực về đạo Ca Tô Rô Ma, dựa theo những tài liệu khả tín hiện hữu. Làm công việc bạc bẽo này với mục đích gì? Chẳng qua chỉ theo lời dạy của Đức Khổng Tử: "Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, tốt hơn là thắp lên một ngọn đèn nhỏ". Sự thắp lên một ngọn đèn nhỏ này tuyệt đối không có mục đích truy cầu bất cứ cái gì cho bản thân, cũng như tuyệt đối không bắt nguồn từ quan niệm cách biệt tôn giáo, mà phát xuất từ lòng mong muốn khai sáng một vấn đề quan trọng của lịch sử, ngõ hầu đưa tới một sự hiểu biết đúng đắn về vấn đề tôn giáo và do đó hi vọng có thể tránh được sự vấp lại những sai lầm lịch sử mà hậu quả là sự chia rẽ trong đại khối dân tộc.

Tôi quan niệm rằng, nếu những tài liệu mà tôi dẫn chứng trong cuốn sách này hiện có đầy trong các thư viện của các trường đại học, trong các thư viện công cộng, trong các tiệm sách, trong Internet v...v.. mà không tạo thành "vấn đề" ở Âu Mỹ, ở trong những quốc gia mà đa số theo KiTô Giáo, thì không có lý do gì chúng lại trở thành "vấn đề" đối với người dân Việt Nam trong đó chỉ có khoảng 6-7 % theo CaTô Giáo RôMa. Do đó, mọi mưu toan chối bỏ hoặc xuyên tạc các tài liệu trên là chống Ca Tô, gây bất hòa giữa các tôn giáo, chia rẽ tôn giáo v..v.., hay những mưu toan ngăn chặn phổ biến các tài liệu này là những hành động lạc hậu, phản trí thức của thời Trung Cổ ở Âu Châu, đi ngược lại trào lưu mở mang dân trí của người dân, giữ dân tộc Việt Nam trong vòng ngu muội, đặt quyền lợi tôn giáo, phe phái lên trên quyền lợi của dân tộc. Người Việt Nam, cũng như người dân trong mọi quốc gia tân tiến khác, có quyền biết về những sự thực lịch sử, dù những sự thực lịch sử này liên hệ đến vấn đề tế nhị tôn giáo và tín ngưỡng, vì tôn giáo không thể đứng ngoài dân tộc. Chỉ có như vậy, dân trí mới mở mang, không vấp lại những sai lầm hại dân hại nước, và sự hòa đồng dân tộc mới có hi vọng thực hiện, sự hòa đồng mà chúng ta đã thấy trong các nước văn minh tiến bộ nhất.

Lẽ dĩ nhiên, trong cái việc làm tế nhị, dễ bị đụng chạm và dễ bị xuyên tạc này, những trở ngại như đã nêu ở trên là điều không thể tránh. Nhưng nếu chỉ vì những trở ngại ngoài mặt này mà chúng ta, những con người trí thức, cứ tiếp tục bịt mắt bịt tai người dân, thì chúng ta quả là mang tội với dân tộc vì như vậy là chúng ta đã chặn bước tiến của dân tộc. Các nước tân tiến trên thế giới sở dĩ văn minh tiến bộ là vì nơi đây các chính phủ đều tôn trọng quyền tự do trình bày tư tưởng và phát biểu ý kiến, đặc biệt là những tác phẩm có tính cách nghiên cứu. Lịch sử tôn giáo cho thấy giáo hội CaTô RôMa đã tìm mọi cách để ngăn chặn quyền tự do này nhưng đã thất bại và ngày nay giáo hội chỉ có thể thực thi sự ngăn chặn này, được chừng nào hay chừng ấy, trong nội bộ mà thôi. Cho nên, đã đến lúc không nên để cho người dân tiếp tục bị lừa dối bởi những mưu toan xuyên tạc lịch sử, người dân phải biết những sự thực lịch sử để có thể nhận rõ đâu là con đường dân tộc, và đâu là con đường phi dân tộc, phản dân tộc, và do đó, định cho mình một thái độ.

Thật ra, ý định thực hiện cuốn sách này là một ý định đã có từ hơn mười năm về trước, khi tôi đọc câu dưới đây của Linh mục Lương Kim Định, nguyên giáo sư đại học Văn Khoa Saigon, trong cuốn Cẩm Nang Triết Việt, trg. 57:

"..sự truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam gặp quá nhiều xui xẻo bất hạnh gây nên những vụ bắt bớ đổ máu rất đau thương, và đưa đến sự chia khối dân tộc đang thống nhất thành hai phe lương giáo làm cho sự liên lạc giữa đôi bên trở nên nhức nhối đầy e dè nghi kỵ. Đấy là một tai nạn lịch sử mà thời gian tuy có làm giảm đi nhưng xem ra không sao xóa sạch được."

Câu viết trên của một người thuộc thành phần trí thức lãnh đạo Thiên Chúa Giáo Việt Nam đã cho chúng ta biết một sự thật: đó là, đại khối dân tộc Việt Nam đang thống nhất trong tinh thần "Tam Giáo đồng nguyên" từ cả hơn ngàn năm nay, đã trở thành chia rẽ vì sự du nhập của Thiên Chúa Giáo vào Việt Nam. Vậy, làm sao xóa bỏ được sự chia rẽ trên, lấy lại được tinh thần hòa hợp cố hữu của dân tộc, nếu chúng ta không đủ can đảm đối diện với sự thực? Ngoài ra, có một vấn đề cần được sáng tỏ: có thật Thiên Chúa Giáo đã gặp quá nhiều xui xẻo bất hạnh khi truyền vào Việt Nam, hay là Thiên Chúa Giáo đã mang đến cho Việt Nam bao sự xui xẻo bất hạnh?

Muốn trả lời những câu hỏi này, thiết tưởng không có cách nào khác là tìm hiểu lịch sử một cách cặn kẽ để tìm ra sự thực... Bưng bít, che dấu sự thực thì vấn đề vẫn còn nguyên, vậy chúng ta phải trực diện đối đầu với vấn đề để tìm cách giải quyết. Cuốn sách này hi vọng có thể đưa ra phần nào những sự thực lịch sử tôn giáo trong thời cận đại ở Việt Nam, hay nói cho đúng hơn, trả lại công bằng cho lịch sử, một lịch sử đã bị xuyên tạc, diễn giải theo chiều hướng của chế độ thực dân cùng tay sai bản địa, hoặc của một lực lượng tôn giáo đã nổi tiếng trong dân gian là phi dân tộc, trong những giai đoạn đen tối của dân tộc.

Hơn 100 năm qua, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua một giai đoạn lịch sử rất đau thương. Trước hết là gần 100 năm bị Pháp đô hộ. Tiếp theo là 8 năm kháng chiến chống Pháp khi Pháp muốn lập lại nền đô hộ ở Việt Nam. Rồi tới 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do ngoại bang chỉ đạo và nắm quyền thao túng. Trong cuộc chiến gọi là quốc cộng này thì hai bên còn dồn hết nỗ lực vào một cuộc chiến thắng quân sự. Ngoài Bắc thì chính quyền tập trung mọi nỗ lực vào mục đích thống nhất quốc gia, cần sự đoàn kết của mọi thành phần dân tộc. Trong Nam thì Mỹ đã tạo dựng một chính quyền Ngô Đình Diệm mà sử sách đã gọi là một chính quyền Ca-Tô-Giáo độc tôn, độc đảng, gia đình trị, với mưu đồ Ca Tô hóa miền Nam bằng cường quyền và bạo lực; và tiếp theo là một chế độ Diệm không Diệm, kéo dài cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hiển nhiên trong khoảng thời gian đầy đau thương này, không mấy ai nghĩ đến chuyện tìm hiểu vấn đề Ca-Tô-Giáo ở Việt Nam vì đây là một đề tài rất tế nhị, có thể đưa tới những phản ứng xáo trộn trong xã hội vì đụng chạm đến tín ngưỡng của những người cuồng tín, thiếu hiểu biết về ngay chính tôn giáo của mình, khoan kể đến chính sách đàn áp những người ngoại đạo của những chính quyền Ca Tô ở miền Nam. Hơn nữa, trong một bối cảnh lịch sử như trên, một cuộc nghiên cứu nghiêm túc về toàn bộ vấn đề Ca Tô Giáo ở Việt nam quả là khó thực hiện.

Trong thời Pháp thuộc, ngoài những sách viết bởi người Pháp, chúng ta có hai cuốn sử được coi là có giá trị: cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh. Vì viết trong thời kỳ Pháp đô hộ nên những sự việc liên quan đến vai trò của các giáo sĩ thừa sai và người Việt Nam theo Ca Tô Giáo trong cuộc xâm lăng của Pháp không có nhiều. Đặc biệt, các sự kiện về đàn áp đạo Ca Tô đều dựa vào sách của Pháp và theo luận điệu của các giáo sĩ thừa sai đương thời, cho nên không phản ánh trung thực vấn đề. Thường thì người Pháp và các giáo sĩ thừa sai chỉ đưa ra một mặt của vấn đề, nghĩa là có sự đàn áp Ca Tô Giáo nhưng không đưa ra nguyên nhân, hoặc đưa ra những nguyên nhân sai lạc với những mưu đồ đen tối. Với những tài liệu mới được phanh phui ra sau khi chế độ thực dân ở Đông Dương cáo chung, càng ngày người ta càng tìm ra những luận cứ trái ngược với những nhà viết sử thực dân hay những nhà viết sử dựa hoàn toàn vào tài liệu của họ.

Thí dụ, thư loại tham khảo kê trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim gồm cuốn Cours d'Histoire Annamite của Pétrus Trương Vĩnh Ký, một đại Việt gian theo Ca Tô Giáo Rô Ma đặc biệt trung thành với Pháp, đã viết thư yêu cầu Pháp đánh chiếm Việt Nam (xin đọc cuốn Pétrus Trương Vĩnh Ký Tuyển Tập của Lê Trọng Văn và cuốn Pétrus Trương Vĩnh Ký Nhìn Từ Những Khía Cạnh Và Nhận Thức Khác Nhau của 8 tác giả), và 9 cuốn khác của các tác giả Pháp, và tất cả chỉ có vậy. Một thí dụ khác là, theo sự phê bình của Giáo sư sử học Mark W. McLeod trong cuốn The Vietnam Response to French Intervention, 1862-1874 thì cuốn Việt Nam Giáo Sử của Linh Mục Phan Phát Huồn hoàn toàn dựa theo những nhà viết sử thực dân và những giáo sĩ thừa sai chuyên xuyên tạc, phóng đại và bi thảm hóa vấn đề cấm đạo dưới Triều Nguyễn cho nên chứa nhiều chi tiết sai hẳn sự thực. Lẽ dĩ nhiên, cuốn sử của Trần Trọng Kim chỉ có một giá trị tương đối thời đại, và cuốn sử của Phan Phát Huồn thì không thể kể là có giá trị nào đáng kể, vì những sự kiện và quan niệm cá nhân viết trong đó chỉ có giá trị khi chúng không thể bị phản bác bởi những công cuộc khảo cứu hiện đại của nhiều người khác về cùng những vấn đề.

Rất may là sau khi thực dân Pháp mất quyền đô hộ ở Việt Nam, và trong thời gian Mỹ tham chiến ở Việt Nam mà khía cạnh tôn giáo không thể phủ nhận, điển hình là Hồng Y Spellman đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa Ngô Đình Diệm về nắm chính quyền miền Nam cũng như đã nhiều lần tới Việt Nam để ủy lạo binh sĩ Mỹ và khẳng định với binh sĩ Mỹ là họ đang chiến đấu để bảo vệ nền văn minh Ki Tô Giáo trong một nước mà hơn 90 phần trăm dân chúng đã từ chối nền "văn minh" này, và nhất là 9 năm cầm quyền của Ngô Đình Diệm với chính sách độc tôn thiên vị Ca Tô Giáo, chủ trương tiêu diệt các tôn giáo khác (sau khi Diệm tiêu diệt các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, những người gia nhập đảng Cần Lao Công Giáo, đảng phái duy nhất được phép thành lập dưới sự bảo trợ của chính quyền miền Nam, phải tuyên thệ là phải diệt trừ "Phật Giáo ma quỷ") thì có nhiều học giả quan tâm đến Việt Nam và muốn tìm hiểu nguyên nhân xa của các cuộc chiến này, cho nên đã khởi công nghiên cứu lịch sử Việt Nam một cách khá tường tận, nhất là về vai trò của các giáo sĩ thừa sai Ca Tô ở Việt Nam, dựa trên những văn kiện lưu trữ trong các văn khố ngoại quốc, kể cả bộ thuộc địa Pháp và thư viện của hội truyền giáo Pháp, mà tính cách xác thực của những tài liệu này không ai có thể nghi ngờ hay phủ nhận. Trong những thiên khảo cứu này, tài liệu tham khảo vô cùng phong phú và minh bạch, vì với phương pháp khảo cứu và kiểm chứng ngày nay, tác giả khó có thể ngụy tạo văn kiện hoặc viết vu vơ, vì nó có thể phạm tới uy tín của người viết, phần lớn là học giả, giáo sư đại học, hoặc những người viết luận án Tiến Sĩ Quốc Gia.

Luận án Tiến Sĩ Les Missionnaires et la Politique Coloniale Francaise au Việt Nam của Cao Huy Thuần (bản tiếng Việt: Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam); luận án Tiến Sĩ L'Empire Vietnamien Face à la France et à la Chine (Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp và Trung Hoa) của Yoshiharu Tsuboi; cuốn The Vietnamese Response to French Intervention: 1862-1874 (Phản Ứng của Việt Nam Trước Sự Can Thiệp của Pháp: 1862-1874) của Mark W. McLeod, giáo sư đại học Gonzaga, tiểu bang Washington; cuốn French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914: A Documentary Survey (Những Thừa Sai Ca Tô Pháp và Chính Trị Chủ Thuyết Đế Quốc ở Việt Nam, 1857-1914: Một Cuộc Nghiên Cứu Qua các Tài Liệu) của Patrick J. N. Tuck, giáo sư đại học Liverpool, Anh Quốc; cuốn Les Missions Étrangères et la Pénétration Francaise au Vietnam (Những Hội Truyền Giáo Hải Ngoại và Sự Thâm Nhập của Pháp vào Việt Nam) của Nicole Dominique Le, thuộc Viện Nghiên Cứu và Khảo Cứu các Nhân Chủng và Văn Hóa khác nhau tại Paris, Pháp; bộ La Geste Francaise en Indochine (Thái Độ của Pháp ở Đông Dương) của Georges Taboulet, Paris; cuốn Histoire de la Pénétration Francaise au Viet Nam: 1858 - 1897 (bản tiếng Việt: Bước Mở Đầu của sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)) của Nguyễn Xuân Thọ; cuốn Catholicisme et Sociétés Asiatiques (Chủ Thuyết Ca Tô và Những Xã Hội Á Đông) của Alain Forest và Yoshiharu Tsuboi; những cuốn Catholic Imperialism and World Freedom (Chủ Thuyết Đế Quốc Ca Tô và Nền Tự Do của Thế Giới) và cuốn Vietnam: Why Did We Go (Việt Nam: Tại Sao Chúng Ta Phải Tới Đó) của Avro Manhattan v..v.. là những công trình khảo cứu rất có giá trị với rất nhiều tài liệu dẫn chứng, trong đó có những tài liệu mới được mở ra cho công chúng tham khảo, những tài liệu mà tính chất chính xác của chúng không ai còn có thể nghi ngờ, bàn cãi. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến hàng trăm cuốn sách viết về cuộc chiến tại Việt Nam, trong đó có những phần viết về vai trò của đạo Ca Tô RôMa tại Việt Nam. Tuy cơ quan truyền giáo của Pháp còn giữ kín nhiều tài liệu mật, không cho phép các chuyên gia khảo cứu tham khảo (theo Nicole Dominique Le), nhưng xuyên qua những tài liệu đã được phanh phui, chúng ta cũng có thể nhìn ra những sự kiện lịch sử liên hệ tới toàn bộ vấn đề CaTô Giáo RôMa (Công giáo) ở Việt nam.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào viết về Giáo hội CaTô RôMa ở Việt Nam một cách chính xác nếu chúng ta không hiểu gì về bản chất của CaTô Giáo RôMa toàn cầu mà cơ quan đầu não là Tòa Thánh Vatican, về Thánh Kinh của Ki Tô Giáo, nền tảng của giáo lý CaTô, về sách lược truyền đạo của CaTô Giáo trên thế giới, nhất là ở Á Châu, và về những gì mà Ca Tô Giáo RôMa đã mang tới cho nhân loại trong gần 2000 năm qua. Cho nên, để trình bày vấn đề cho đầy đủ, cuốn sách này sẽ gồm có những chương sau đây:

- Nhận Định Tổng Quát về Ca Tô Giáo RôMa

- Lịch Sử Thành Lập Ca Tô Giáo RôMa: Từ Huyền Thoại đến Thực Chất.

- Lịch Sử Phát Triển của Ca Tô Giáo RôMa ở Âu Châu

- Sách Lược Bành Trướng Của Ca Tô Giáo RôMa Trên Thế Giới

- Thánh Kinh Ki Tô Giáo.

- Học Thuật Ca Tô (Catholic Scholarship)

- Những Phép Lạ Trong Ca Tô Giáo RôMa

- Sự Du Nhập Của Ca Tô Giáo RôMa vào Việt Nam

Cuốn sách này thực ra chỉ là một tập hợp những tài liệu khả tín hiện hữu, phần lớn do các giới chức trong Ca Tô Giáo RôMa như linh mục, giám mục v..v.. và các học giả Ca Tô, giáo sư đại học chuyên về tôn giáo viết. Những tác phẩm nghiên cứu của những vị trên được viết ra để cho những tín đồ có đầu óc khai phóng, nhận rõ thực chất của tôn giáo mình để đi đến những cải cách tốt đẹp hơn. Trong cuốn sách này, tôi không làm gì khác hơn là xếp đặt những tài liệu thành hệ thống theo các chủ đề, với mục đích trình bày cùng quý độc giả nào quan tâm đến vấn đề mở mang dân trí với lòng mong muốn đưa nước nhà lên mức văn minh tiến bộ của thế giới, và nhất là quan tâm đến vấn đề hòa hợp trong đại khối dân tộc trong đó sự hòa hợp tôn giáo là một yếu tố vô cùng quan trọng để cho mọi người dân ý thức được nhiệm vụ của mình, đặt lòng yêu nước, yêu dân tộc lên trên hết, theo truyền thống độc lập, không lệ thuộc ngoại bang, về tư tưởng cũng như về vật chất, của người Việt Nam trong bao thế kỷ qua. Do đó, cuốn sách này có mục đích trình bày một số sự thực về Ca Tô Giáo RôMa để cho mọi người chúng ta cùng rút kinh nghiệm, tránh tái vấp phải những sai lầm lịch sử, và từ đó hi vọng sẽ tạo thêm được hòa khí giữa những người khác tín ngưỡng trong đại khối dân tộc Việt Nam. George Santayana đã chẳng nói: "Những kẻ nào không biết đến lịch sử thì thường hay vấp lại những sai lầm của lịch sử" hay sao? Tôi tuyệt đối tôn trọng tín ngưỡng của bất cứ ai nếu tín ngưỡng này chỉ là thuần túy tín ngưỡng. Tuy nhiên, tôi không thể không chống những hành động gây tác hại cho nhân loại nói chung, cho dân tộc Việt Nam nói riêng, dù những hành động tác hại này bắt nguồn từ một tín ngưỡng, bất kể đó là tín ngưỡng nào. Những hành động tác hại này thực sự đã đi ra ngoài phạm vi tín ngưỡng, ảnh hưởng đến trật tự và sự an sinh của các xã hội. Trong thế giới văn minh tiến bộ đa tôn giáo này, không một tôn giáo nào có quyền cho rằng tôn giáo của mình là chân thật duy nhất, nắm trong tay chân lý duy nhất, và do đó có những mưu toan bành trướng bằng những sách lược tàn bạo, vô đạo đức, để thu nhặt tín đồ cũng như để tiêu diệt các tôn giáo khác.

Vì xử dụng khá nhiều tài liệu trong cuốn sách này cho nên khi trích dẫn, để tôn trọng quyền tác giả, tôi bắt buộc phải dịch nguyên văn những đoạn trích dẫn. Do đó, nếu trong những đoạn dịch quý độc giả có thấy những danh từ nghe có vẻ khó nghe, không được nhẹ nhàng và có tính cách xúc phạm thì xin quý độc giả thông cảm, và nếu có trách thì xin quy trách cho những tác giả của những sử liệu đã được dẫn chứng. Tôi cố gắng dịch cho sát nghĩa nhưng vì không phải là một chuyên gia về ngoại ngữ nên rất có thể có những danh từ tôi dịch không được chỉnh hoặc không được rõ ràng. Vì vậy, tôi luôn luôn kèm theo văn bản gốc để quý độc giả so sánh và nắm được ý của tác giả.

Hi vọng cuốn sách này đóng góp được một phần nhỏ trong những công trình nghiên cứu về Ca-tô Giáo Rô-ma ở Việt nam, sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Tôi xin hoan hỉ đón nhận mọi phê bình đứng đắn và trí thức, nếu có.


Các bài tôn giáo cùng tác giả

 

Trang Trần Chung Ngọc