Sam Harris: Tận cùng của Ðức tin

Lê Quốc Tuấn chuyển Việt

¿ Mục lục toàn bài bản in ngày 24 tháng 12, 2009

CHƯƠNG 3 (tiếp theo)

Lò Thiêu Người Hàng Loạt

Chủ nghĩa xã hội của tất cả chúng ta được neo chặt bởi lòng trung thành tuyệt đối, trong sự quy phục ngài Quốc Trưởng, âm thầm thi hành các mệnh lệnh của ngài mà không cần hỏi đến lý do trong một số trường hợp đặc biệt. Chúng ta tin rằng Quốc Trưởng đã vâng theo một lời gọi cao cả hơn để thành lập lịch sử Ðức quốc. Và không thể có một phê bình nào cho một niềm tin như thế.
(Rudolf Hess, trong một diễn văn đọc tháng Sáu, 1943) [43]
Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Quốc Xã ở Ðức đòi hỏi rất nhiều ở sự “trung thành vô điều kiện”. Lò thiêu người Do Thái đã làm nổi bật sự chấp nhận được những tư tưởng cực kỳ phi lý, vượt xa hẳn cả lòng trung thành (và ngoan đạo) thấp hèn của con người.
Heinrich Himler nghĩ quân đội SS nên có tỏi và nước khoáng cho bữa ăn sáng. Ông nghĩ là có thể làm con người tự thú bằng telepathy. Bắt chước Vua Arthur và và luật bàn tròn, ông chỉ có mười hai người cùng ăn bữa tối. Ông ta tin rằng chủng tộc Aryans không hề tiến hóa từ con khỉ và đười ươi như các chủng tộc khác, mà xuống trần gian thẳng từ thiên đàng, nơi họ được ướp gìn giữ trong băng đá từ thủa ban sơ. Ông thiết lập một tiểu đoàn về khí tượng để chuyên chú vào việc minh chứng sự thể về vũ trụ này. Ông cũng nghĩ rằng mình là tái sinh của Heinrich đệ nhất. Himmler là một trường hợp cực đoan: có lẽ là hình ảnh của một kẻ thật điên loạn. Nhưng một trong những tính cách của y được chia xẻ rộng rãi hơn nhiều-đó là tâm hồn y chưa từng được khuyến khích để phát triển. Tràn ngập bởi các thông tin và các ý kiến, y không hề có được những quyền chỉ trích.  [44]

Tại tâm điểm của mỗi guồng máy chuyên chế, người ta thấy được các học thuyết lạ lùng, cải soạn một cách nghèo nàn, nhưng lại hữu hiệu một cách vững vàng như những bánh răng chuyền trong các công cụ lố bịch của tử thần. Dĩ nhiên, chủ nghĩa quốc xã tiến hoá ra từ một loạt những hệ quả chính trị và kinh tế, nhưng củ nghĩa này cuộn chặt được với nhau bởi một niềm tin về tính thuần chủng và thượng đẳng của dân tộc Ðức. Tôn trọng niềm đam mê với giòng giống này chính là sự tin chắc rằng tất cả các nhân tố không trong sạch-những kẻ luyến ái đồng tính, tàn phế, du mục Gypsy, và, nhất là người Do Thái-là biểu hiện một đe dọa đến tổ quốc. Dù lòng oán thù Do Thái ở Ðức tự thể hiện trong một phương cách nghiêng mạnh về thế tục, nó chính là sự kế thừa trực tiếp từ Kitô giáo trung cổ. Trong nhiều thế kỷ, Những người Ðức ngoan đạo đã nhìn người Do Thái như các sinh vật tệ hại nhất trong những kẻ dị giáo và xem họ như những nguyên nhân mang lại các bệnh hoạn xã hội bằng chính sự tiếp tục hiện diện của họ giữa những người có đức tin. Daniel Goldhagen đã truy tìm căn nguyên nhận thức về Do Thái của người Ðức như là một “chủng tộc” và một “quốc gia”, vốn đã đạt đến đỉnh cao bằng sự hình thành một chủ nghĩa dân tộc triệt để của lòng oán thù Kitô giáo cổ đại.[45] Dĩ nhiên, sự ma quỷ hoá mang tính tôn giáo về người Do Thái cũng là một hiện tượng cùng thời. (Thật ra, chính Vatican đã làm nuôi dưỡng sự phỉ báng huyết thống trong báo chí của họ mãi đến năm 1914). [46] Mỉa mai thay, chính cái sự thật người Do Thái đã bị đối xử tồi tệ ở Ðức (và các nơi khác) kể từ thời xa xưa-từ việc bị ép vào ở trong các ghetto và tước đoạt mất tư cách công dân-đã đem đến sự nổi dậy bộ phận thế tục hiện đại của chủ nghĩa bài Do thái, bởi vì không phải đến các nỗ lực giải phóng của tiền thế kỷ mười chín mà sự oán hận người Do Thái mới tìm được một biến thái rõ rệt về chủng tộc. Ngay cả tổ chức tự xưng là “bạn của người Do Thái”, một tổ chức tìm kiếm sự dung nạp người Do thái vào xã hội Ðức với tất cả quyền lợi công dân đã hành động như thế chỉ trên giả thiết là người Do thái có thể cải tạo và đầu hàng được bằng sự thuần túy chịu gia nhập với dòng giống Ðức. [47] Do đó, những tiếng nói của sự khoan dung thông thoáng trong khuôn khổ của Ðức thì thường cũng bài Do thái như những thành phần bảo thủ đối lập, bởi vì họ chỉ khác biệt trong niềm tin rằng người Do Thái có khả năng thay đổi đạo đức. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, sau khi những thử nghiệm hào phóng đã thất bại trong việc hòa tan người Do Thái trong thứ dung môi xa xưa của niềm khoan dung Ðức, người bạn cũ “Bạn của người Do Thái” đã đi đến chỗ nhìn những người khách lạ này lẫn trong chính mình với sự kinh tởm tương tự mà những kẻ đương thời ít lý tưởng hơn đã cùng nuôi dưỡng. Một phân tích của các tác giả bài Do Thái nổi bật, xuất bản từ năm 1861 đến 1895 hé lộ cho thấy tính tàn sát của những người Ðức chống Do Thái từng hướng đến: hơn hai phần ba những người này có ý muốn mang lại một “giải pháp” cho “vấn nạn Do Thái” công khai tán thành sự hủy diệt tính mạng người Do Thái.- và điều này, như Goldhagen đã vạch rõ, là đã có từ một vài thập niên trước sự xuất hiện của Hitler. Thực thế, khả năng hủy diệt một dân tộc đã được xem xét đến ngay cả trước khi từ ngữ “diệt chủng” có được ý nghĩa rõ rệt của nó, và đã có lâu trước khi sự giết hại trên một bình diện lớn lao như thế cho thấy có thể thực hiện được trong thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai.

Trong khi lời kết án gây ra nhiều tranh cãi của Goldhagen cho rằng người Ðức là những “đao phủ tự nguyện” của Hitler dường như khá công bằng, sự thực chính là các dân tộc ở các đất nước khác cũng tự nguyện tương tự. Chủ nghĩa diệt chủng bài Do Thái đã từng hiện diện đâu đó vào một số thời điểm, đặc biệt ở Ðông Âu. Thí dụ như vào năm 1919, riêng ở Ukraina, có sáu mươi ngàn người Do Thái bị sát hại.[48] Một khi đệ tam Ðế chế của Ðức bắt đầu công khai hành quyết người Do Thái, các cuộc tàn sát chống Do Thái lập tức nổ ra ở Ba Lan, Rumania, Hungary, Áo, Tiệp, Croatia và những nơi khác.[49]

Với việc thông qua luật Nuremberg năm 1935, cuộc chuyển hóa chủ nghĩa bài Do Thái của Ðức đã hoàn tất. Người Do Thái, từng một thời là kẻ thù của nước Đức hùng mạnh trên nguyên tắc, đã được xem như một chủng tộc.Với cương vị như thế, họ không thể cải tạo được về căn bản, bởi khi một người có thể vứt bỏ lý tưởng tôn giáo, ngay cả chấp nhận rửa tội để vào nhà thờ, kẻ ấy cũng không thể làm mất đi chính bản thân mình. Và chính là ở đây mà chúng ta chạm trán với sự đồng lõa không úp mở của giáo hội trong mưu toan giết hại cả một dân tộc. Công giáo Ðức tự lộ ra sự đồng thuận rõ rệt với một tín ngưỡng phân biệt chủng tộc ở những mục tiêu chồng chéo với tối thiểu một trong những niềm tin cơ bản của họ: bởi vì nếu phép rửa tội thực sự có sức mạnh của sự chuộc tội, thì sự hoán cải của người Do Thái nên được cứu rỗi mà không nên có chút cặn bã nào trong ánh mắt của giáo hội. Nhưng, như chúng ta đã thấy, sự nhất quán trong bất cứ hệ thống đức tin nào cũng không bao giờ được hoàn hảo-và Giáo hội Ðức, để duy trì các trật tự trong khi họ hành đạo, cuối cùng đã buộc phải in ấn những truyền đơn khiển trách những bầy chiên của họ đừng công kích người Do Thái đổi đạo trong giờ đang hành lễ. Điều mà dòng giống của một con người không thể hủy bỏ được đã được nhấn mạnh mãi từ năm 1880, trong một văn bản được chuẩn y của Vatican:” Ôi sai lầm và nhơ nhớp làm sao cho những kẻ nghĩ rằng Do Thái giáo chỉ là một tôn giáo như Công giáo, đa thần giáo, Thệ phản giáo, chứ không phải sự thực là một chủng tộc, một dân tộc, một quốc gia !...Bởi vì người Do Thái không phải là người Do Thái chỉ vì cái tôn giáo của chúng...Chúng là những bọn Do thái cũng và chính đặc biệt bởi vì cái dòng giống của chúng”[50] . Các giám mục Công giáo Ðức tự đề ra hướng luật riêng của mình vào năm 1936: “Chủng tộc, đất đai, máu huyết và con người là những giá trị tự nhiên quý báu, mà Thượng đế, đức Thánh thần đã tạo nên và đã đặt tin tưởng vào người Ðức chúng ta để chăm sóc những giá trị ấy”.[51]

Nhưng sự đồng lõa nham hiểm thực sự của giáo hội nằm trong sự tình nguyện của họ để mở hồ sơ gia phả ra cho Ðức quốc xã và vì thế đã cho phép Ðức quốc xã truy tìm được nhánh rẽ tổ tiên dòng tộc Do Thái của từng người. Guenther Lewy, một sử gia của Giáo hội Công giáo, đã viết rằng :

Chính câu hỏi là phải chăng Giáo hội [Công Giáo] nên giúp nước Ðức quốc Xã lọc ra những người có dòng tộc là Do Thái chưa bao giờ được mang ra bàn cãi. Ngược lại. “Chúng ta luôn luôn làm việc không ích kỷ cho dân tộc mà không cần lưu tâm đến sự trả ơn hay vô ơn”, một giáo sĩ đã viết ở Klerusblatt vào tháng chín năm 1934. “Chúng ta cũng nên làm hết sức mình để giúp đỡ trong ích lợi này của dân tộc”. Và sự hợp tác của giáo hội trong sự việc này đã tiếp diễn qua suốt thời chiến tranh, khi cái giá phải trả vì là người Do thái không còn là sự sa thải khỏi các công việc trong chính phủ hoặc thiệt hại đến công ăn việc làm mà là sự trục xuất và tiêu diệt thẳng thừng”.[52]

Tất cả điều này, bất kể sự thật là Giáo hội Công giáo đã ở trong vị trí thực sự đối nghịch với nền tảng của Ðức quốc Xã, cái đã từng cương quyết tước đoạt quyền lực của mình. Goldhagen cũng nhắc nhở chúng ta rằng không một giáo hội công giáo Ðức nào bị rút phép thông công trước, trong và sau cuộc chiến tranh, “sau khi đã phạm một tội ác tày trời trong lịch sử nhân loại”. Ðây thật là một sự kiện phi thường. Trải suốt thời kỳ này, giáo hội vẫn tiếp tục rút phép thông công các nhà thần học, các học giả trong những số người có các quan điểm không chính thống và cấm đoán hàng trăm cuốn sách nhưng vẫn không một thủ phạm nào của sự diệt chủng-những thủ phạm vốn có vô số bằng chứng-có thể hằn được những vến nhăn trên hàng mi khiển trách của giáo hoàng Piuos XII.

Tình hình lạ thường này đáng để được viết ra ngoài lề một chút. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, Vatican đã cố gắng chiến đấu với các kết luận không chính thống của các nhà phê bình Kinh thánh tân tiến bằng nền học thuật nghiêm khắc của mình. Các học giả Công giáo bị thúc đẩy phải theo các kỹ thuật phê bình hiện đại, để chứng minh rằng những kết quả của một nghiên cứu tỉ mỉ và vô tư về Thánh kinh sẽ có thể tương thích được với học thuyết của giáo hội. Phong trào được biết như là một thứ “chủ nghĩa tân thời”, và chẳng bao lâu sau đô lúc đã trở nên vô cùng hổ thẹn, khi nhiều học giả giỏi nhất của Công giáo đã thấy chính họ cũng trở nên ngờ vực về chân lý nghĩa đen của kinh sách. Năm 1893, giáo hoàng Leo XIII công bố :

Tất cả những kinh sách này…mà giáo hội đã xem như thiêng liêng và hợp quy tắc đã được trước tác với tất cả nội dung dưới cảm hứng của Thánh Linh. Hiện nay, ngược với việc thừa nhận sự cùng hiện hữu của các sai lầm, cảm hứng thiêng liêng tự nó loại trừ tất cả sai sót, và điều ấy cũng từ sự cần thiết, bởi vì Thiên chúa, Chân lý tối thượng, không thể có năng lực giảng dậy sai lầm.[53]

Vào năm 1907, giáo hoàng Pius X kết án chủ nghĩa tân thời là một dị giáo, rút phép thông công tất cả bộ phận của họ trong giáo hội, và đặt tất cả các sách vở nghiên cứu phê bình kinh thánh vào danh mục những sách vở bị cấm đọc. Các học giả lỗi lạc gồm Descarte (với một số công trình bị lựa riêng ra), Montagne (các tiểu luận), Locke (Essay on Human Understanding), Swift (Tale of Tub), Swedenborg (Principia), Voltaire (Lettres philosophiques), Diderot (Encyclopédie), Rousseau (Du Contrat social), Gibbon (The Decline and Fall of the Roman Empire), Paine (The Rights of Man), Sterne (A Sentimental Journey), Kant (Critique of Pure Reason), Flaubert (Madame Bovary), và Darwin (On the Original of Species). Tác phẩm Suy tưởng (Meditations) của Descartes bị thêm vào danh mục vào năm 1948 là một trường hợp khiển trách muộn. Với tất cả các sự việc như vậy xảy ra trong đầu thập niên, ta hẳn phải nghĩ rằng Tòa Thánh đã có thể tìm ra những xúc phạm lớn hơn với những thứ để quan tâm đến. Mặc dù không một lãnh tụ nào của Ðức quốc Xã-ngay cả chính Hitler-từng bị rút phép thông công, ngay Galileo không hề được xá tội dị giáo cho đến mãi năm 1992.

Qua chính ngôn từ của vị giáo hoàng đương nhiệm, John Paul II, chúng ta có thể thấy sự tình hiện tại ra sao: “Sự Mặc khải này là cuối cùng; ta chỉ có thễ hoặc là chấp nhận hoặc chối từ . Nếu chấp nhận, nghĩa là công nhận tin vào Thiên chúa, Thánh Cha toàn năng, Ðấng tạo nên thiên đàng và trần thế, và tin Chúa Jesus cứu thế, Con Một của Thiên chúa, với tất cả tính chất như Ðức Chúa Cha và Thánh Thần, là Chúa và Ðấng ban phát sự sống. Hoặc là chối bỏ tất cả mọi điều này.”[54] Dù sự nổi dậy rồi thất bại của chủ nghĩa tân thời trong giáo hội khó có thể được nhìn nhận như một chiến thắng của lẽ phải, nó minh họa được một điểm quan trọng: để biết được thế gian này ra sao, con người phải bị thương tổn bởi chứng cứ mới. Không phải tình cờ mà học thuyết tôn giáo và sự truy tìm lương thiện rất hiếm khi được ở cạnh bên nhau trong thế giới của chúng ta.

Khi chúng ta suy nghĩ đến số ít thế hệ đã đi qua kể từ khi giáo hội ngưng mổ bụng những người vô tội trước sự chứng kiến của gia đình họ, thiêu sống các bà già nơi các quảng trường công cộng, và hành hạ các bậc thức giả đến điên loạn chỉ vì những suy đoán về những hành tinh, có lẽ ít ngạc nhiên là nó đã thất bại để nghĩ ra bất cứ điều gì trở nên quá sức tồi tệ ở Ðức trong những năm chiến tranh. Thật thế, rất nhiều người cũng biết được là một số viên chức Vatican (nổi tiếng nhất là giám mục Alois Hudal) đã giúp đỡ các thành viên của mật vụ SS như Adolf Eichmann, Heinrich Mueller, Franz Stangl, và hàng trăm kẻ khác trốn thoát sang Nam Mỹ và Trung Ðông sau hậu quả của chiến tranh.[55] Nội dung này cũng nhắc ta nhớ rằng những người khác trong Vatican cũng đã có giúp người Do Thái trốn thoát. Điều này có thật. Tuy nhiên, cũng có thật là các trợ giúp của Vatican thường tùy thuộc vào việc những người Do Thái ấy trước đó có rửa tội hay không.[56]

Không nghi ngờ gì là có vô số không kể hết những bằng chứng về việc người Kitô giáo Âu châu hy sinh đến tính mạng mình để bảo vệ những người Do Thái sống giữa lòng mình, và họ đã hành động như thế chính vì tính Kitô giáo của họ.[57] Nhưng con số họ không nhiều đến mức không thể đếm được. Sự thật của việc con người đôi khi cảm hứng được đến các hành động anh hùng của lòng nhân từ bởi các giảng dậy của Kitô giáo không nói lên được điều gì về sự thông thái và sự cần thiết vào niềm tin rằng người ấy, độc nhất, là Con một của Thiên chúa. Thực thế, chúng ta sẽ tìm thấy rằng mình không cần phải tin vào một điều gì thiếu chứng cứ để mà cảm thấy được niềm thương cảm đến khổ đau của tha nhân. Lòng nhân đạo thông thường của chúng ta đủ để bảo vệ đồng loại của mình khỏi các hiểm nguy. Sự bất khoan dung mang tính diệt chủng, mặt khác, không tránh khỏi việc tìm được sự khuyến khích ở một nơi nào đó. Bất cứ nơi nào bạn nghe thấy con người bắt đầu cố tình giết hại những người không vũ khí một cách bừa bãi, hãy tự hỏi chính mình chủ thuyết gì ở sau lưng họ. Những kẻ sát nhân mới toanh này tin vào cái gì ? Bạn sẽ tìm thấy luôn luôn- luôn luôn- là họ tin vào sự phi lý.

Mục đích của tôi trong chương này là gợi ý, trong cách thức càng ngắn gọn càng tốt, một số những hậu quả kinh hoàng đã xãy ra một cách logic và không thể tránh khỏi từ đức tin Kitô giáo. Không may thay, cuốn mục lục liệt kê các điều ghê tởm này đã tăng thêm chi tiết đến vô tận. Auschwitz, dị giáo Cathar, các săn lùng phù thủy - những nhóm chữ này báo hiệu chiều dày của sa đọa và khổ đau của nhân loại chắc chắn vượt quá sự diễn đạt mà một người cầm bút còn có thể làm được công việc nào khác nữa. Khi tung một mẻ lưới rộng lớn trong chương hiện tại, tôi chỉ có thể nài nỉ các độc giả, những người có thể có cảm giác như vừa chạy xe hết tốc lực ngang qua một tai nạn bên đường hãy tra cứu tài liệu về những chủ đề này. Các tham khảo ngoại khóa ấy sẽ vạch ra rằng lịch sử của Kitô giáo chủ yếu là một câu chuyện về nỗi khốn nạn của con người và sự ngu xuẩn hơn là cái tình yêu Thiên chúa đầy ân oán của nó.

Trong khi Kitô giáo hiện nay vẫn còn một số ít quan tòa dị giáo còn sống, Hồi giáo vẫn còn vô số. Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ nhìn thấy vị trí của mình trong thế giới quan của Hồi Giáo, chúng ta đương đầu một nền văn minh với một lịch sử bị chặn đứng lại. Tưởng như cánh cổng chính của thời gian đã được mở ra để lũ người nguyên thủy của thế kỷ mười bốn tràn vào thế giới chúng ta. Bất hạnh thay, hiện nay họ đang được trang bị bằng các vũ khí của thế kỷ hai mươi mốt.

 


Chú thích:

[43] Trích trong J. Glover, Humanity:A Moral History of the Twentieth Century (New Haven:Yale Univ. Press, 1999), 328.

[44] Sách đã dẫn, trang 360-61.

[45] Theo D. J. Goldhagen, Hitler’s Willing Executioners: Ordinary Germans and the Holocaut (New York:Afred A. Knopf, 1996), 24-48.

[46] Theo Kertzer, “Modern Use”.

[47] Sự thể đã trở nên hợp thời thượng để xác nhận rằng cái kinh hoàng thực sự của Lò Thiêu người hàng loạt, ngoài tầm mức lớn lao của nó, là đó chính là một diễn đạt của lẽ phải, và từ đó giải thích được một bệnh lý thuộc về truyền thống Thời đại Ánh sáng của Âu Châu. Chân lý của điều quyết đoán này được nhiều học giả xem như một sự hiển nhiên - bởi vì không ai có thể chối bỏ được rằng khoa học kỹ thuật, bộ máy quan liêu, và tư tưởng quản trị hệ thống đã hiện thực hóa được khát vọng diệt chủng trong chế độ Quốc xã Đức. Cái luận điểm hão huyền ẩn áu ở đây chính là bản thân lẽ phải có một “phía bị che phủ”, và do đó, không có chỗ để quay lại che chở cho hạnh phúc nhân loại. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm trầm trọng về tình thế. Lò thiêu người hàng loạt đánh dấu điểm tột cùng của cung cách ứng xử kiểu bộ lạc của Đức và hai ngàn năm căm giận của Kitô giáo đối với người Do Thái. Lẽ phải chẳng có liên quan gì ở đấy. Đặt một chiếc kính viễn vọng trong tay môt con đười ươi, và nếu nó đập đầu hàng xóm của nó bằng cái ống kính ấy, thì lý do “phía bị che phủ” sẽ được tìm ra tương tự. (Theo K. Wilber, Sex, Ecology, Spirituality [Boston: Shambhala, 1995] , 663-64, cũng nêu ra đồng một quan điểm).

[48] Theo M. Gilbert, The Holocaust:A History of the Jews of Europe during the Second Worl War (New York:Henry Holt, 1985), 22.

[49] Sách đã dẫn,

[50] Câu trích dẫn của G. Wills, “Before the Holocaust” New York Times Book Review, 23, tháng Chín 2001.

[51] Câu trích của Goldhagen, Hitler’s Willing Executioners, 106. Dĩ nhiên, Chính sách bài Do Thái Ủy thác từ Giáo hội không bị giới hạn vào Đức quốc. Hãy xem xét công bố của Giám Mục Công Giáo Balan, Hồng Y Hlond, trong một lá thư năm 1936 ”Chừng nào người Do Thái còn tồn tại khi ấy vẫn còn các vấn nạn về Do Thái .. Đó là một thực tế về việc người Do Thái chiến đấu chống lại Giáo hội Công giáo, ngoan cố trong suy nghĩ phóng khoáng của họ, và là đội quân tiền phong của những kẻ không chúa, bôn sê vích và bọn lật đổ…Đó là thực tế rằng người Do Thái là những kẻ lừa đảo, bòn thuế và mối lái…Đó là thực tế rằng tôn giáo và nền đạo đức ảnh hưởng của lớp trẻ Do Thái lên lớp trẻ ở Ba Lan là một ảnh hưởng tiêu cực ”. Như J. Caroll, trong “The Silence”, New Yorker, ngày 7 tháng Tư, 1997, vạch rõ “Lá thư của Hlond đã cẩn trọng để nói rằng những “thực tế” này không hề bào chữa cho sự giết hại người Do Thái, nhưng khó mà thấy được được làm thế nào mà sự bài chống Do Thái ấy về bên phần của bộ phận lãnh đạo Công giáo Ba Lan không có quan hệ gì đến những gì xảy ra sau đó. Trải qua nhiều thập niên và nhiều thế kỷ của thiên niên kỷ này, lối diễn đạt ẩn ý đó của các lãnh tụ Kitô giáo thực không có gì là bất thường”.

[52] Theo G. Lewy, The Catholic Churh and Nazi Germany (New York:McGrawHill, 1964), 282, câu trích của Goldhagen, trong Hitler’s Willing Exercutioners, 110.

[53] Trích theo L. George Crimes of Perfection:An Encyclopedia of Heresies and Heretics (New York:Paragon House 1995), 211.

[54] Theo Pope John Paul II, Crossing The Thereshold of Hope (New York:Alfred A. Knopf, 1994), 10. Tác phẩm này thực sự là một kiệt tác ngoạn mục về sự ngụy biện, lẩn tránh và tính nhỏ nhen hẹp hòi. Tác phẩm này hầu như chứng minh được luận điểm của tôi trong từng dòng, bất chấp các tham chiếu uyên bác đến Wittgenstein, Feurbach, và Ricoeur.

[55] Theo M. Aarons và J. Loftus Unholy Trinity:The Vatican, The Nazis, and the Swiss Banks, rev. ed. (New York: St. Martin’s Griffith, 1998); và G. Sereny, Into That Darkness:An Examination of Conscienne (New York:Vintage, 1974).

[56] Ðọc Sereny, Into that Darkness, 318.

[57] Ðọc, e.g. Glover, Humanity, chương.40.

 

 

Trang Tôn Giáo