LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK08.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương bảy)

pypypy

CHƯƠNG VIII

DÂN THUỘC ĐỊA MỸ CHÂU CHỐNG LẠI SỰ KIỂM SOÁT
GẮT GAO CỦA ANH QUỐC

Nếu năm 1775 có các đài truyền thanh và truyền hình thì có lẽ hai bản tin dưới đây đã được loan báo:

(Tháng 3 ngày 23) Chúng tôi tạm ngưng chương trình để gửi đến quý vị một bản tin đặc biệt. Hôm nay một vị lãnh tụ ở Virginia đã khuyên dân Mỹ chuẩn bị chiến tranh. Trong bài diễn văn trước hội nghị Virginia, ông Patrick Henry, một chính khách tiếng tăm đã nói rằng không còn hy vọng gì cho hòa bình nữa. Ông tuyên bố nếu người Mỹ muốn được tự do thì phải chiến đấu, và ông đã chấm dứt bài diễn văn nảy lửa của ông bằng những lời lẽ thách đố: “Tôi không biết những người khác sẽ tính toán hành động ra sao, còn về phần tôi thì hoặc là cho tôi được tự do hoặc là để cho tôi chết!”.

(Tháng 4 ngày 19) Tin mới nhất từ Boston. Hôm nay có đụng độ giữa dân thuộc địa Mỹ và quân đội Anh. Một toán quân sĩ Hoàng gia Anh tiến vào Concord, Massachusetts để tiêu hủy các đồ quân lương, quân cụ và đụng độ với dân thuộc địa tập trung ở làng Lexington. Súng nổ và nhiều dân thuộc địa bị giết. Sau đó có kịch chiến dữ dội ở cầu Concord.

۞

Chiến tranh đã bùng nổ giữa Anh quốc và dân thuộc địa Anh ở Mỹ châu. Mười hai năm trước đó, khi cuộc chiến với người Pháp và người da đỏ chấm dứt vào năm 1763, không ai có thể nghi ngờ rằng cơ sự đã xảy ra như thế này. Vậy thì phải có những lỗi lầm trầm trọng mới gây ra những lời lẽ thách đố cũng như hành động dữ dội như vậy. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về những biến cố xảy ra trong những năm 1763-1775 đưa đến cuộc chiến giữa mẫu quốc và các thuộc địa ở Mỹ châu. Để giúp cho chúng ta dễ dàng tìm hiểu rõ những biến cố này, chúng ta nên tìm hiểu các câu hỏi sau đây:

1. Anh quốc đã cố gắng kiểm soát chặt chẽ 13 thuộc địa như thế nào?

2. Dân thuộc địa Mỹ châu đã phản ứng lại sự kiểm soát chặt chẽ của Anh quốc ra làm sao?

3. Những việc gì đã xảy ra khi Anh quốc trừng phạt dân thuộc địa về công cuộc kháng chiến của họ?

¨

PHẦN MỘT

ANH QUỐC CỐ GẮNG KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ 13 THUỘC ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

- Anh quốc nghiên cứu những kế hoạch mới cho các thuộc địa

Nếu chúng ta có mặt tại cuộc họp Hội đồng Bộ Trưởng của nhà vua ở London vào khi cuộc chiến với người da đỏ trong năm 1763, thì có lẽ chúng ta đã nghe thấy Thủ tướng George Grenville nói với Hội đồng những lời lẽ sau đây:

“Thưa quý vị, trận đại chiến vừa chấm dứt. Sau những năm chiến đấu trường kỳ gian khổ, chúng ta đã đánh bại được kẻ thù hùng mạnh của chúng ta là nước Pháp. Chiến thắng đã mang lại cho chúng ta một giải đất rộng lớn ở Mỹ châu. Bây giờ Anh quốc đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông một đế quốc vĩ đại nhất trên thế giới.

“Tất cả đã làm cho chúng ta hài lòng. Nhưng chiến thắng này đồng thời cũng đặt chúng ta trước một vấn đề phải giải quyết. Hiện giờ chúng ta đã thâu đoạt được thêm đất đai ở Mỹ châu, chúng ta phải quản trị những vùng đất này. Chúng ta sẽ phải gửi quân đội đến các vùng đất mới này để duy trì trật tự.

“Quản trị các thuộc địa ở Mỹ châu của chúng ta và duy trì một đạo quân ở nơi đó sẽ rất tốn kém. Trong cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã tổn phí rất nhiều rồi. Chúng ta đã phải vay tiền, và giờ đây chỉ còn có một cách để trả món nợ này là chúng ta phải tăng thuế. Nhưng khi yêu cầu đóng thuế thêm thì các nhà điền chủ ở nước Anh này lại phàn nàn rằng họ phải đóng thuế nặng. Tôi không muốn bắt dân Anh phải chịu thuế thêm nữa. Hơn nữa, tôi tin rằng các thuộc địa phải đóng góp cho chúng ta một ít ngân khoản. Có những lý do mà các thuộc địa phải nên đóng góp. Nếu chúng ta duy trì một đạo quân ở Châu Mỹ thì dân thuộc địa sẽ chẳng hưởng lợi nhiều hơn người dân đóng thuế ở nước Anh này sao?”

Thật ra thủ tướng Grenville đã không nói những lời lẽ trên đây, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng người ta đã nói đúng những gì mà ông ta đang suy nghĩ lúc bấy giờ. Theo quan điểm này, ông Grenville đã lý luận rất hợp lý. Ông và các nhân viên trong chính phủ Anh cho rằng các thuộc địa phải được cai trị một cách hữu hiệu hơn, và chính các thuộc địa phải đóng góp nhiều tiền hơn để trang trải chi phí. Trong khi thủ tướng Grenville đang xúc tiến một kế hoạch nhằm để tăng cường quyền lợi của Anh ở Mỹ châu thì tin tức đưa về lại càng khiến cho ông tin rằng ông đã hành động đúng.

- Cuộc chiến của Pontiac khiến cho Thủ tướng Grenville tin là ông đang hành động hợp lý

Các bạn còn nhớ là có nhiều người định cư tiến đến lập nghiệp ở vùng Ohio, phía bên kia dãy núi Allegheny. Việc này làm cho người da đỏ ở vùng này trở nên giận dữ vì họ cho rằng vùng đất này là của họ. Mùa xuân năm 1763, họ thống nhất hành động trong một kế hoạch đánh đuổi người da trắng ra khỏi vùng đất của họ.

Lãnh tụ của người da đỏ là một quân nhân tên là Pontiac. Ông ta thuyết phục nhiều bộ lạc khác ở phía Tây nên tấn công các đồn ải của người Anh và các làng định cư ở vùng Ohio. Hành động như vậy cùng một lượt, người da đỏ sẽ đánh đuổi được người Anh ra khỏi vùng. Lúc đầu, các cuộc tấn kích của họ đều thành công. Hầu hết các đồn ải bị chiếm, nhiều dân định cư bị giết hại và nhà cửa bị thiêu rụi. Tuy nhiên, sau đó, quân đội Anh được gửi đến tăng viện cho dân định cư ở miền biên cương, và Pontiac bị đánh bại.

Thủ tướng Grenville nói cuộc chiến của Pontiac chứng tỏ rằng rất cần phải có một đạo quân ở Châu Mỹ để khống chế người da đỏ. Ông cũng cho rằng nếu dân định cư và dân da đỏ ở cách xa nhau, và nếu công cuộc định cư ở vùng Ohio được đình hoãn lại thì sẽ ít có xáo trộn lôi thôi hơn.

- Thủ tướng Grenville thi hành tân kế hoạch áp dụng cho các thuộc địa

Thủ tướng Grenville và chính phủ Anh xúc tiến việc kiểm soát gắt gao các thuộc địa ở Mỹ châu:

1. Bản tuyên cáo 1763. Năm 1763, Thủ tướng Grenville công bố một bản tuyên cáo nói rằng trừ trường hợp có giấy phép, không một làng định cư nào được thiết lập ở phía Tây dãy núi Allegheny. Nếu trước đây đã có những làng định cư ở vùng này rồi, thì dân làng ở vùng này phải di tản khỏi ngay tức khắc. Chính phủ Anh sẽ kiểm soát chặt chẽ mọi việc buôn bán với người da đỏ. Thủ tướng Grenville cũng đề nghị sẽ gửi 10 ngàn binh sĩ sang trú đóng ở các thuộc địa Mỹ châu để canh giữ biên thùy.

2. Thi hành nghiêm chỉnh các đạo luật hàng hải. Thủ tướng Grenville cũng kêu gọi phải thi hành nghiêm chỉnh các đạo luật hàng hải. Ông nhận định rằng nếu chặn đứng được mọi việc buôn lậu thì thương gia và kỹ nghệ gia người Anh sẽ hưởng lợi rất nhiều. Phải đánh thuế thêm vào các hàng hóa. Để thi hành kế hoạch của ông, nhiều sĩ quan được gửi sang Mỹ châu với chỉ thị nghiêm chỉnh ruồng bỏ bọn buôn lậu và trừng phạt những người phạm luật.

3. Luật con niêm. Cuối cùng, theo đề nghị của Thủ tướng Grenville, năm 1765, Quốc hội Anh thông qua luật con niêm để thâu thêm tiền của thuộc địa. Theo luật này thì các khoản giấy tờ hợp pháp, báo chí, niên giám và các loại bài giải trí đều phải dán con niêm do chính phủ Anh bán. Một vài loại con niêm chỉ đáng giá vài xu, nhưng những khoản khác thì thật hết sức mắc.

Chính phủ Anh cho rằng luật con niêm và các đạo luật khác là hợp lý. Nhưng họ đã không ngờ rằng bão tố đã nổi lên ở các thuộc địa.

¨

PHẦN HAI

DÂN THUỘC ĐỊA Ở MỸ CHÂU ĐÃ PHẢN ỨNG LẠI VIỆC

KIỂM SOÁT GẮT GAO CỦA ANH QUỐC NHƯ THẾ NÀO?

- Kế hoạch của Thủ tướng Grenville làm cho dân thuộc địa căm tức

Mỗi phần kế hoạch của Thủ tướng Grenville không bị nhóm này thì cũng bị nhóm khác của dân thuộc địa thù ghét. Thí dụ như dân định cư ở vùng Ohio thù ghét bản tuyên cáo 1763. Sau khi người Pháp bị đánh bại trong cuộc chiến giữa người Anh và người Pháp và với người da đỏ thì dân thuộc địa ở vùng Ohio nghĩ rằng họ sẽ được tự do đến vùng Ohio lập nghiệp. Họ không muốn một chính phủ ở nơi xa hàng ngàn dặm xen vào quấy rầy công cuộc làm ăn của họ. Cho nên họ coi thường bản tuyên cáo 1763 và tiếp tục đến lập nghiệp ở bất kỳ nơi nào họ muốn. Các thương gia và các chủ tàu chuyên chở ở thuộc địa thì lại không muốn luật lệ hàng hải được thi hành, bởi vì việc buôn lậu đã mang lại cho họ một nguồn lợi lớn lao.

s DÂN THUỘC ĐỊA HOẠT ĐỘNG CHỐNG LẠI LUẬT CON NIÊM

- Không thể đánh thuế nếu không có đại diện

Luật con niêm đã gây nên xúc động dữ dội nhất trong các thuộc địa. Người Anh ở chính quốc thì đồng ý với Thủ tướng Grenville rằng các thuộc địa phải đóng thuế để trả chi phí cho quân đội trú đóng ở Mỹ châu và các khoản chi phí khác, và luật con niêm đối với người Anh ở chính quốc là một điều hợp lý. Tuy nhiên, quan điểm của dân thuộc địa lại hoàn toàn khác hẳn. Họ cho rằng mọi thuế khóa phải được cơ quan lập pháp dân cử của thuộc địa quyết định. Họ chống lại việc Quốc hội Anh đánh thuế mà họ không có tiếng nói của đại diện họ trong cơ quan này. Nếu Quốc hội Anh đánh thuế con niêm mà không cần sự ưng thuận của dân thuộc địa thì trong tương lai nhiều món hàng khác rất có thể bị đánh thuế. Một người ở Boston, ông Samuel Adams, đặt câu hỏi “Tại sao đất đai của chúng ta lại không bị đánh thuế? Tại sao những nông phẩm và tất cả những gì chúng ta làm chủ hay chúng ta sử dụng lại không bị đánh thuế? Nếu gánh nặng thuế khóa cứ giáng lên đầu lên cổ chúng ta mà không cần có tiếng nói của đại diện hợp pháp của chúng ta thì có phải là chúng ta, những người tự do, đã bị coi như những tên nô lệ khốn khổ hay không?”.

Nhiều dân thuộc địa khác phản ứng ầm ĩ luật con niêm và chống lại việc đánh thuế mà không có tiếng nói của đại diện. Ông Patrick Henry, một đại biểu ở miền biên cương tại Hội đồng nghị viện ở Virginia, đã đứng lên phản kháng mạnh mẽ luật con niêm. Dù chưa đầy 30 tuổi, ông Patrick Henry đã nói lên với tất cả sức mạnh và quyền lực. Ông tuyên bố rằng dân thuộc địa có quyền quyết định về mọi thứ thuế mà họ phải đóng góp. Bị khích động bởi lời nói của ông, Hội đồng nghị viện Virginia lên án luật con niêm. Tin tức về hành động táo bạo này lan tràn khắp các thuộc địa gây nên tranh luận sôi nổi ở nhiều nơi.

- Hội nghị Đặc biệt về luật Con Niêm để phản kháng

Cuối năm đó (1765) một Hội nghị đặc biệt về luật con niêm nhóm họp ở New York. Đại biểu của chín (9) thuộc địa đến tham dự. Hội nghị soạn thảo một bản kháng thư chính thức gửi đi Anh quốc. Trong bản phản kháng này, các đại biểu cũng tỏ lòng trung thành với mẫu quốc. Nhưng họ tuyên bố rằng quyền đánh thuế dân thuộc địa không thuộc về Quốc hội Anh, mà thuộc về các hội đồng lập pháp của dân chúng thuộc địa.

- Tổ chức “Những Người Con Của Tự Do” được thành lập

Không phải thế là xong. Dân ở nhiều thuộc địa kết hợp thành từng nhóm gọi là “Những Người Con Của Tự Do” để bảo vệ quyền lợi của họ. Dân chúng quay ra thù ghét chống đối các viên chức phân phối con niêm đáng ghét. Tại Boston, dân chúng đã nổi loạn treo cổ hình nộm Andrew Oliver, người được chỉ định để bán con niêm ở đây. Đám đông dân chúng đập phá văn phòng của Andrew Oliver và nhà cửa của các viên chức người Anh có tên tuổi. Những người bán con niêm ở các thuộc địa khác cũng bị hăm dọa. Nhiều người bán con niêm phải từ chức. Dân thuộc địa còn tiêu hủy con niêm và ngăn cản không cho con niêm du nhập vào Mỹ châu.

- Cuộc tẩy chay của dân thuộc địa đưa đến việc hủy bỏ luật con niêm đáng ghét

Dân thuộc địa còn phản kháng chống lại luật con niêm ở dưới nhiều hình thức khác nhau nữa. Nhiều dân thuộc địa từ chối không mua hàng hóa nhập cảng từ Anh quốc. Đây là cuộc tẩy chay hay từ chối không mua hàng hóa của Anh quốc. Cuộc tẩy chay này đã có tác dụng lớn nhất ở Anh. Các vị Bộ Trưởng của Anh hoàng tuy không cảm thấy phải bận tâm phiền muộn cho lắm về “Những Người Con Của Tự Do” hay sự phản kháng của Hội Nghị bàn về việc chống lại luật con niêm. Nhưng khi việc buôn bán với các thuộc địa sụt giảm mạnh mẽ thì các thương gia và kỹ nghệ gia Anh quốc bắt đầu kêu ca phàn nàn.

Năm 1776, Quốc hội Anh hủy bỏ luật con niêm. Tuy nhiên, ngay khi đó, Quốc hội Anh lại tuyên bố rằng Quốc hội có quyền và đầy đủ quyền hành thông qua các đạo luật, quản trị các thuộc địa trong bất cứ trường hợp nào. Nói một cách khác, Quốc hội Anh vẫn còn nhấn mạnh rằng nếu cần Quốc hội (Anh) vẫn có quyền đánh thuế các thuộc địa dù rằng các thuộc địa không có đại diện ở Quốc hội. Tuy nhiên, nhân dân ở châu Mỹ rất ít chú ý đến lời tuyên bố này. Điều quan trọng đối với họ là cái đạo luật con niêm đáng ghét đã được hủy bỏ. Khắp trong các thuộc địa hiện lên niềm hân hoan vui sướng. Chuông nhà thờ lanh lảnh ngân vang mừng thắng lợi. Từng đám đông tụ họp reo hò, và dân chúng ở trong khắp các thuộc địa tuyên bố tỏ lòng trung thành với mẫu quốc.

s NHỮNG ĐẠO LUẬT MỚI LÀM KHUẤY ĐỘNG CÁC VỤ PHẢN KHÁNG MỚI Ở TRONG CÁC THUỘC ĐỊA

Đáng lẽ chính phủ Anh đã rút được một bài học qua kinh nghiệm về luật con niêm. Dân thuộc địa Mỹ châu đã khẳng định rõ ràng rằng họ sẽ chống lại bất kỳ một sự can thiệp nào vào quyền lợi của riêng họ. Nhưng Anh hoàng George III và các vị Bộ Trưởng của ông không hài lòng vì bị nhóm dân thuộc địa ở bên kia bờ đại dương ngăn chặn kế hoạch của ông. Hơn nữa, chính phủ Anh vẫn còn cho rằng Mỹ châu cần phải đóng góp tiền bạc để trả chi phí cho việc cai trị và bảo vệ các thuộc địa.

- Luật Townshend làm cho dân thuộc địa căm giận

Chưa đầy một năm, sau khi hủy bỏ luật con niêm, Quốc hội Anh lại thông qua một số đạo luật để điều hành các thuộc địa. Vì đạo luật này do một vị Bộ trưởng của nhà vua tên là Townhend đề nghị nên người ta gọi là đạo luật Townshend. Townshend tỏ ra không có thiện cảm với dân thuộc địa. Thái độ của ông là “Cứ để xem người Mỹ có dám không tuân hành những đạo luật này và chúng ta sẽ biết ai tài giỏi”.

Mọi điều khoản trong luật Townshend đều làm cho dân thuộc địa căm giận. Đạo luật này như thế nào và tại sao dân thuộc địa lại phản đối luật Townshend?

1. Một lần nữa, luật hàng hải phải được thi hành nghiêm chỉnh. Để người Anh có thể lục soát hàng lậu, các viên chức có thể sử dụng giấy phép lục soát tổng quát gọi là lệnh trợ giúp (writs of assistance). Những tờ giấy lệnh (hợp pháp) này sẽ cho phép các viên chức vào trong bất cứ nhà nào lục soát. Khi hay tin là nhà cửa có thể bị lục soát bởi bất kỳ một viên chức nào có lệnh trợ giúp thì dân chúng thuộc địa cảm thấy vô cùng đau buồn và căm giận.

2. Luật Townshend đánh thuế một số hàng nhập cảng vào các thuộc địa. Đó là chì, giấy, sơn, thủy tinh, và trà. Mục đích của các sắc thuế này là thâu tiền. Dân thuộc địa thù ghét căm giận dữ dội, bởi vì đạo luật này đánh thuế họ mà không cần sự đồng ý của họ.

3. Tiền thâu thuế nhập cảng này dùng để trả lương các viên chức người Anh ở Mỹ châu kể cả các vị thống đốc của các thuộc địa hoàng gia. Dân thuộc địa chống lại kế hoạch này dữ dội, bởi vì nó đã cướp đi cái quyền của hội đồng lập pháp thuộc địa kiểm soát lương bổng các viên chức thuộc địa.

4. Lại còn một đạo luật khác cấm Hội đồng lập pháp New York nhóm họp. Luật này có ý định trừng phạt hội đồng lập pháp New York vì đã không bỏ phiếu chấp thuận ngân khoản tài trợ binh sĩ Anh trú đóng tại thuộc địa. Dân thuộc địa nghĩ rằng nếu điều này đã xảy ra cho New York thì các thuộc địa khác trong một ngày gần đây lại không bị tước mất hội đồng lập pháp hay sao?

- Dân thuộc địa chống lại luật Townshend

Lại một cơn bão tố phản kháng nổi lên ở trong các thuộc địa. Từng nhóm người tụ tập ở ngoài đường phố hay ở trong các quán rượu bàn tán sôi nổi chống lại luật Townshend. Hội đồng lập pháp của thuộc địa Massachusetts, dưới sự lãnh đạo của Samuel Adams, gửi thư đi các thuộc địa khuyến khích, thúc giục phải liên kết hành động chống lại luật Townshend của Quốc hội Anh. Tuy nhiên, như trường hợp luật con niêm, dân Mỹ không phải chỉ toại nguyện với những lời lẽ không thôi. Họ bắt đầu tẩy chay toàn bộ các hàng hóa của Anh. Các thương gia thỏa thuận với nhau không mua và không bán hàng hóa của Anh. Hậu quả là việc buôn bán giữa Anh quốc và các thuộc địa lại sụt giảm ghê gớm.

- Vụ tàn sát ở Boston đẩy mạnh các cuộc chống đối

Ở Boston, thuộc địa Massachusetts, sự chống đối càng lên cao. Quân sĩ Anh được gửi đến để duy trì trật tự tại đây lại càng làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Quân sĩ Anh mặc đồng phục đỏ bị dân Boston mắng nhiếc là “quân lưng tôm áo đỏ”. Trong một đêm tuyết rơi, vào tháng ba năm 1770, có súng nổ báo động khiến cho nhiều người kéo ra ngoài đường. Một đám đông con trai bắt đầu ném tuyết vào lính gác. Một số binh sĩ khác vội vã đến trợ giúp lính gác, tức thì đám đông xúm lại hăm dọa. Một vài người lính bắn vào đám đông, một số người bị sát hại. Vụ này gọi là vụ tàn sát Boston. Dân chúng Boston phẫn nộ mãnh liệt đến độ quân sĩ Anh phải rút vào đồn lũy ở trong hải cảng.

Tin tức vụ tàn sát ở Boston lan tràn nhanh chóng trong các thuộc địa. Nếu ngay lúc đó Quốc hội Anh đã không quyết định hủy bỏ các loại thuế nhập cảng do luật Townshend ấn định thì có lẽ đã không thể đoán được những gì sẽ xảy ra. Thuế này được hủy bỏ không phải vì dân thuộc địa đã phản kháng mạnh mẽ, mà vì cuộc tẩy chay hàng hóa Anh làm tổn thương đến quyền lợi của giới thương gia và kỹ nghệ gia Anh quốc. Nhưng khi hủy bỏ luật Townshend, Quốc hội Anh vẫn còn giữ thuế ba xu đánh vào trà để chứng tỏ rằng Quốc hội Anh vẫn có quyền đánh thuế dân thuộc địa.

- Vụ trà gây thêm nhiều xáo trộn

Sau khi luật Townshend được hủy bỏ vào năm 1770, dân thuộc địa lại có thiện cảm với mẫu quốc. Nhưng đột nhiên, năm 1773, chính phủ Anh lại hành động thiếu khôn ngoan để lại một lần nữa gây thêm xáo trộn. Chính phủ Anh cho phép công ty Đông Ấn (một công ty Anh buôn bán với Viễn Đông) chuyên chở trà thẳng đến Mỹ châu. Nói một cách khác cho rõ là tàu chuyên chở trà của công ty Đông Ấn không phải ghé qua Anh quốc trước khi đi Mỹ châu và không phải trả thuế nặng như thường lệ. Sự sắp đặt này đã giúp công ty Đông Ấn có thể bán được trà với giá rất hạ. Tuy nhiên, dân thuộc địa vẫn phải trả thuế trà ba xu.

Mặc dầu dân thuộc địa vẫn có thể mặc cả giá cả của trà, nhưng họ vẫn cảm thấy không được hài lòng. Họ đặt câu hỏi một cách nghi ngờ rằng “Phải chăng đây là một trò bịp bợm để cho chúng ta quên rằng chúng ta đang phải đóng thuế trà”. Thương gia Mỹ cũng lo sợ. Những người bán trà lậu mua từ Hòa Lan không thể nào hạ giá trà để có thể bán tranh khách với công ty Đông Ấn được. Họ sợ rằng công việc làm ăn của họ sẽ bị phá sản.

- Vụ Boston phá hủy trà

Các thương gia và các nhà ái quốc thuộc địa quyết định rằng công ty Đông An không được phép bán trà ở các thuộc địa nữa. Ở một vài nơi, tàu chở trà tới bến, trà được đưa lên bờ và được đưa vào kho khóa lại. Ở một vài hải cảng khác, các tàu của công ty Đông Ấn phải quay trở về Anh quốc. Tại Boston, nơi dân chúng sôi sục hơn cả, đã xảy ra lộn xộn. Vào một đêm tối trời trong năm 1773, một nhóm người ăn mặc như người da đỏ nhảy lên các tàu trà bỏ neo ở hải cảng Boston. Chúng ta hãy nghe câu chuyện về vụ phá hủy trà ở Boston do một người tham dự vào vụ này kể lại:

“Lúc bấy giờ là chiều tối, tôi vội vã mặc đồ như người da đỏ và võ trang bằng búa... và gậy. Sau khi bôi mặt và tay bằng bụi than đen xì ở một tiệm thợ rèn, tôi đi đến Griffins Wharf (bến tàu) nơi mà các tàu trà còn bỏ neo nằm đó. Tôi đi ra đường và nhập bọn trong đám người cùng hóa trang và trang bị như tôi, và đi trong hàng ngũ tiến đến nơi chỉ định... Ngay khi chúng tôi tới nơi, vị chỉ huy của đội chúng tôi hạ lệnh cho chúng tôi nhảy lên tàu... Tôi được lệnh đi gặp vị thuyền trưởng để đòi lấy các chìa khóa, và đi đến cửa hầm tàu với một lô đèn cầy. Vị thuyền trưởng trao cho tôi tất cả những gì mà tôi yêu cầu, nhưng đồng thời ông ta cũng xin tôi đừng phá tàu và các đồ trang bị. Vị chỉ huy hạ lệnh cho chúng tôi mở hầm tàu và mang tất cả các thùng trà vất bỏ đi. Chúng tôi tuân hành lệnh của vị chỉ huy chúng tôi. Trước hết chúng tôi dùng búa rìu chặt bỏ và khui các thùng trà để cho chắc rằng trà có thể bị thấm nước được. Tính từ lúc chúng tôi nhào lên tàu đã có đến ba hay bốn giờ rồi, gặp thùng trà nào là chúng tôi cũng phá vỡ và vứt bỏ xuống biển. Các thùng trà khác cũng bị phá hủy tương tự như vậy. Các chiến tàu của người Anh bao vây quanh chúng tôi nhưng không thấy họ làm gì để chống đối lại chúng tôi. Rồi thì chúng tôi lặng lẽ rút về, không ai nói chuyện với ai, và cũng không ai cố gắng tìm xem ai là người đã cùng tham dự hành động với mình”.

Tin tức về vụ phá hủy trà ở Boston lan tràn khắp các thuộc địa gây nên nhiều sôi động. Nhiều dân thuộc địa vui mừng khi hay tin hành động can đảm của nhân dân Boston. Họ tán đồng với những câu thơ dưới đây của một thi sĩ người Hoa Kỳ:

When a certain great king, whose initial is G,

Shall force stamps upon paper, and folks to drink tea;

When these folks burn his tea and stamp paper, like stubble.

You may guess that this king is then coming to trouble.

(Có Đại Đế tên G khởi sự

Buộc dán niêm trên các giấy tơ,

Bắt dân uống trà, chớ thờ ơ.

Bạn thử đoán ra sao vì Đại Đế?

Khi dân đốt cả trà, niêm

Như ai đốt rạ, ắt điềm Đế rơi.)

Nhưng các dân thuộc địa khác lại lấy làm lo ngại. Họ cho rằng dân thuộc địa có quyền chống lại những luật lệ bất công, nhưng không thể tự mình nắm lấy pháp luật. Họ không tin rằng dân thuộc địa có quyền phá hủy tài sản như vậy.

¨

PHẦN BA

NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA KHI ANH QUỐC TRỪNG PHẠT

DÂN THUỘC ĐỊA VÌ CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA HỌ?

- Những luật lệ dự trù trừng phạt Massachusetts khuấy động dân thuộc địa

Khi tin vụ phá hủy trà ở Boston tới Anh quốc, hầu hết dân Anh cho rằng dân thuộc địa đã đi quá trớn. Anh hoàng George III và các vị Bộ Trưởng của ông rất là giận dữ và quyết định phải dạy cho dân thuộc địa ngang ngược một bài học. Vì vậy mà nhiều đạo luật được thông qua trong năm 1774 để trừng phạt Massachusetts. Một trong những đạo luật này là quyết định phong tỏa hải cảng Boston khiến cho dân Boston không thể buôn bán giao dịch với các địa phương và các quốc gia khác cho tới khi các ông chủ của các tàu trà được bồi thường thiệt hại. Một đạo luật khác quyết định tước bỏ mất nhiều quyền tự trị của Massachusetts. Nhiều quân sĩ được gửi đến Boston và vị chỉ huy của đoàn quân này là tướng Thomas Gage đồng thời cùng được bổ nhậm làm Thống đốc Massachusetts.

Đối với dân thuộc địa, những đạo luật này quả là tàn nhẫn đến độ mà họ gọi là the Intolerable Acts (có nghĩa là luật không thể chịu đựng được). Khi tin tức về đạo luật quá quắt này lan truyền sang các thuộc địa khác, dân chúng cảm thấy thương cho dân Massachusetts, và căm giận chính phủ Anh. Các thuộc địa dồn dập gửi thực phẩm và các đồ tiếp liệu đến Boston. Hội đồng lập pháp Virginia tuyên bố dành một ngày cầu nguyện và nhịn ăn để phản kháng luật Intolerable.

- Các nhà ái quốc khắp các thuộc địa liên kết hành động

Chắc các bạn lấy làm ngạc nhiên là làm thế nào để các thuộc địa khác có thể hay tin vụ trừng phạt Massachusetts và phản ứng một cách mau lẹ như vậy. Những người dân thuộc địa chống lại việc người Anh kiểm soát chặt chẽ các thuộc địa được gọi là các nhà ái quốc. Ngay trước khi luật Intolerable ra đời, các nhà ái quốc đã liên kết hành động. Ông Samuel Adams đề nghị rằng phải thành lập một ủy ban liên lạc và đáp ứng ở Boston để tiếp nhận và đáp ứng với nhân dân các tỉnh khác. Ủy ban này sẽ loan báo cho mọi người biết mọi tin tức xảy ra hay những gì mà họ tin rằng cần phải làm để bảo vệ quyền lợi của dân thuộc địa. Chẳng bao lâu các nhà ái quốc ở các tỉnh khác (Ở Massachusetts) cũng thành lập ủy ban tương tự như vậy. Ủy ban này được gọi là ủy ban liên lạc và đáp ứng (Committees of Correspondence). Các ủy ban ở các thuộc địa khác cũng bắt đầu tham khảo với nhau. Vào khi luật Intolerable thông qua, khắp các thuộc địa đã tổ chức xong ủy ban liên lạ c và đáp ứng.

- Hội nghị lục địa đệ nhất nhóm họp

Vì những biến cố đang xảy ra ở Massachusetts, dân thuộc địa quyết định nhóm họp để bàn về:

1. Cách thức bảo vệ quyền lợi dân thuộc địa.

2. Phải giải quyết những khác biệt giữa dân thuộc địa và mẫu quốc.

Tháng chín năm 1774, hơn 50 đại diện của 12 thuộc địa nhóm họp tại Tòa thị sảnh Carpenter ở Philadelphia. Cuộc họp này về sau được gọi là “Đệ nhất Hội nghị Lục Địa”. (dân chúng thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ thường được người Anh gọi là dân lục địa).

Các đại biểu trong Đệ Nhất Hội Nghị lục địa tự coi họ như là người Anh và họ muốn bảo vệ quyền lợi của họ như là quyền lợi của người dân nước Anh. Họ cho rằng những đạo luật như là con niêm, luật Townshend và luật Intolerable rất là bất công đối với các thuộc địa. Tuy nhiên họ không thể đồng ý với nhau về vấn đề phải hành động như thế nào? Một số người can đảm táo bạo hơn trong đó có Patrick Henry và Samuel Adams nghĩ rằng cần phải cương quyết hành động. Họ cho rằng cần phải cho Anh hoàng George Đệ tam và quốc hội Anh thấy rằng quyền lợi của dân thuộc địa phải được tôn trọng. Những đại biểu khác lại khuyến cáo rằng mọi hành động phải thận trọng. Họ không muốn làm cho mẫu quốc buồn giận hơn nữa hoặc là họ không muốn làm nguy hại đến việc buôn bán giữa các thuộc địa và mẫu quốc. Không có một đại biểu nào lúc bấy giờ lại nghĩ đến việc các thuộc địa phải ly khai với mẫu quốc.

Trước khi tan nhóm ra về, các đại biểu của Đệ nhất Hội Nghị lục địa thỏa thuận rằng Massachusetts không nên tuân hành luật Intolerable, và nếu cần thì dùng võ lực chống lại các đạo luật này. Hội nghị cũng soạn thảo một kháng thư gửi lên Anh hoàng trong đó nói rõ rằng luật Intolerable là “bất công” và “tàn ác”. Hội nghị cũng phản kháng việc bị đóng thuế mà không có tiếng nói của dân thuộc địa. Hơn nữa, Hội Nghị lại đề nghị một kế hoạch tẩy chay các hàng hóa của Anh ở khắp các thuộc địa. Mỗi tỉnh nên thành lập một ủy ban để công bố những người không cộng tác kế hoạch này. Sau hết, Hội nghị thỏa thuận rằng nếu sự liên lạc giữa thuộc địa và mẫu quốc không được tốt đẹp hơn thì sẽ triệu tập một hội nghị khác nhóm họp vào tháng năm năm 1775.

- Các thuộc địa chuẩn bị chiến đấu

Trong quá khứ, các cuộc phản kháng và tẩy chay hàng hóa Anh của các thuộc địa đã mang lại kết quả. Luật con niêm đã bị hủy bỏ. Luật Townshend cũng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, lần này chính phủ Anh lại cứng rắn. Hoặc là nhân dân thuộc địa phải nhường bước, hoặc họ phải chiến đấu. Họ sẽ chọn con đường nào? Tình hình vào cuối năm 1774 sang đầu năm 1775 lại càng khiến cho nhiều dân thuộc địa tin tưởng rằng họ phải chiến đấu. Khắp các thuộc địa, từng nhóm người tập họp để thao luyện quân sự. Massachusetts thách đố Thống đốc Thomas Gage và bắt đầu tổ chức quân đội.

Hầu hết dân thuộc địa vẫn còn không muốn ly khai với Anh quốc. Họ nghĩ rằng chỉ cần chống lại mạnh mẽ những luật lệ mà họ không thích, và có lẽ chiến đấu một chút ít thì sẽ khiến cho chính phủ Anh nhận thức được ý nghĩa. Những đạo luật đáng ghét phải được sửa đổi, và người Mỹ sẽ tiếp tục là dân thuộc địa trung thành của Anh quốc như trước đây. Họ còn có thể hy vọng như vậy được không? Đứng trước Hội đồng Đại biểu Virginia nhóm họp ngày 23 tháng 3 năm 1775, ông Patrick Henry nóng nảy la lớn:

“Quý vị có thể kêu gào hòa bình, hòa bình – nhưng không có hòa bình. Chiến tranh thật sự đã bắt đầu. Đại pháo và kiếm sắt đang gào thét từ miền Bắc còn văng vẳng bên tai chúng ta. Anh em chúng ta đang chiến đấu ngoài tiền tuyến, nỡ nào chúng ta còn bình thản ngồi yên ở đây. Quý vị còn muốn gì nữa? Phải chăng người ta đã quá ham sống mà thèm khát hòa bình đến nỗi phải mua chuộc bằng kiếp đời xiềng xích nô lệ. Thượng đế cấm như vậy. Tôi không biết người ta sẽ hành động như thế nào, chứ riêng về phần tôi thì hoặc là cho tôi tự do hoặc là bắt tôi phải chết”.

- Người Anh hành động

Người Anh không thể khoanh tay ngồi yên trong khi dân Massachusetts tập trung vũ khí và đạn dược được thách đố chính phủ. Tháng 4, tướng Thomas Gage quyết định gửi một nhóm quân sĩ đến thị xã Concord cách Boston chừng 18 dặm để thiêu hủy các đồ tiếp liệu chiến tranh của các nhà ái quốc tích trữ tại đó. Đồng thời ông cũng có ý định là đem quân đi bắt các nhà lãnh tụ ái quốc Samuel Adams và John Hancock đang ở thị trấn Lexington, nằm giữa đường từ Boston đi Concord. Đêm 18 tháng 4 tướng Thomas Gage hạ lệnh cho quân sĩ của ông từ Boston tiến đến Lexington và Concord.

- Paul Revere báo động các nhà ái quốc

Tuy nhiên, các nhà ái quốc đã đề cao cảnh giác. Quân sĩ của dân thuộc địa gọi là minutemen (dân quân), vì rằng họ có thể tập trung một cách mau lẹ ở ngay trong làng xóm. Người luôn luôn sẵn sàng đi hô hào và truyền lệnh cho dân quân là một thợ bạc ở Boston tên là Paul Revere và người đồng hành của ông ta là William Dawes. Thi sĩ Longfellow viết về Paul Revere:

Ông ta nói với các bạn của ông ta rằng “Nếu đêm nay quân Anh từ tỉnh tiến vào làng bằng đường bộ hay đường biển,

Hãy treo đèn lên cao trên vòm cửa sổ ở tháp cao nhà thờ.

Bắc đường để làm dấu hiệu,

Nếu quân Anh tiến vào đường bộ thì treo một ngọn đèn, nếu đi bằng đường biển thì treo hai ngọn;

Và chính tôi sẽ ở bên kia sông,

Và sẵn sàng đem tin báo động cho mọi người.

Đi xuyên qua các làng và nông trại trong tỉnh Middlesex,

Để dân chúng ở các miền quê thức dậy và sẵn sàng giữ thế khí giới cầm tay.

Người bạn quan sát ở Boston cho hay rằng quân Anh đang sửa soạn lên đường tiến quân. Nhà thơ viết tiếp:

Trong khi đó (quân Anh) vội vã nhảy lên yên thúc ngựa chạy nước phi,

Ở phía bên kia bờ sông, Paul Revere cũng cất bước...

Nhìn lên cửa sổ tháp chuông nhà thờ

Ngọn đèn le lói rồi vụt bừng sáng!

Và đến lượt ông ta nhảy lên ngựa,

Nhưng vẫn còn nhìn chăm chăm về phía tháp chuông.

Ngọn đèn thứ hai trong tháp chuông nhà thờ bừng cháy sáng!...

Cho nên Paul Revere đã phi ngựa chạy suốt đêm.

Và suốt trong đêm, tiếng kêu báo động của ông đã vang động trong các làn xóm và nông trại trong tỉnh Middlesex.

Thi sĩ đã không nói với chúng ta như vậy, nhưng Paul Revere sau khi tới Lexington báo động cho Adams và Hancock rồi thì bị quân Anh bắt sống. Cả Revere và Dawes đều không tới được Concor, nhưng người đưa tin thứ ba tiếp theo đó đã thành công. Người đưa tin này đã báo động cho nông dân dọc đường đi đến Concord và báo động cho dân trong tỉnh hay tin quân Anh đang di chuyển.

­- Một phát súng nổ “Cả thế giới đều nghe”

Sáng sớm ngày 19 tháng 4 năm 1775, khi tiến tới làng Lexington quân Anh gặp một toán dân quân chặn đường. Súng nổ,tám nhà ái quốc bị sát hại và 10 người bị thương. Quân Anh còn tiến xa hơn Concord 6 dặm. Chúng đốt tòa án và phá hủy các đồ tiếp liệu chiến tranh của dân thuộc địa tích trữ ở đây. Tại đầu cầu và phía bên tỉnh, quân Anh gặp một toán dân quân khác. Cả hai bên đụng độ, và súng nổ từng loạt, và từng loạt vẫn còn đánh nhau. Ngay khi quân Anh rút về Boston thì nhiều nhóm quân ái quốc (quân lục địa hay là quân của các thuộc địa) khác võ trang chiếm các vị trí dọc bên đường. Nấp từ sau tường đá và các lùm cây, quân Mỹ bắn xối xả vào quân Anh. Trước khi về tới Boston, quân Anh bị giết, bị thương và mất tích gần 300 người.

Tiếp theo đó là những gì sẽ xảy ra? Cả hai bên cùng đổ máu. Có thể là dân thuộc địa lại quay trở lại chống đối những luật lệ mà họ không thích bằng những thư và truyền đơn phản kháng, những diễn văn nẩy lửa. Tuy nhiên, dân thuộc địa không buông súng. Thực ra, họ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của họ và thành lập tân quốc gia. Vì lý do trên đây mà thi sĩ Ralph Waldo Emerson viết về cuộc chiến ở Concord. Bài thơ có ý nghĩa như sau:

Dưới cầu tuôn chảy máu đào,

Ngọn cờ phất gió nhẹ vào tháng tư.

Nông dân chiến đấu bấy chừ,

Súng rền vang nổ nghe từ khắp nơi.

*

(xem tiếp : Chương IX)

 

Trang Lịch Sử