LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK07.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 12 tháng 9, 2009

(tiếp theo Chương sáu)

MỤC III

CÁC TÂN QUỐC GIA ĐƯỢC THÀNH LẬP
TRONG KHI TÂN THẾ GIỚI LÀM RUNG CHUYỂN
CÁC CHÍNH QUYỀN ÂU CHÂU

Mục III sẽ nói về Tân thế giới cắt đứt những liên hệ với cựu thế giới như thế nào. Đây là những chuyện ly kỳ về những trận chiến và những cuộc đấu tranh anh dũng cho tự do. Những người can đảm đã liều chết chống lại bất công để chiến đấu cho những gì mà họ tin tưởng là phải. Các cựu đế quốc mất đi và các Tân quốc gia được thành lập trong khi tinh thần tự do lan tràn khắp Tân thế giới.

Vào năm 1763, Anh quốc làm chủ lãnh thổ rộng lớn chạy dài từ Đại tây dương tới sông Mississippi và từ vịnh Mễ Tây Cơ tới vịnh Hudson. Tất cả những người sống trong lãnh thổ này đều là thần dân cuả Anh quốc và phải có bổn phận trung thành với Anh hoàng. Nhưng rồi chỉ 12 năm sau, tại sao lại xảy ra cảnh tượng quân đội Anh hoàng và dân quân Bắc Mỹ lăm lăm cầm súng đương đầu đối diện với nhau. Hiển nhiên là vào năm 1783 Anh quốc rất vững mạnh ở Mỹ châu nhưng cũng mất đi phần lớn các thuộc địa ở Mỹ. Trong một thời gian dài hơn, vào khoảng ba trăm năm, Tây Ban Nha đã thống trị một đế quốc chạy dài từ California tới mũi cực Nam Nam Mỹ. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ XIX, quốc gia này cũng không còn nắm quyền kiểm soát đế quốc ấy nữa. Một lần nữa, biến cố đã xảy ra như thế nào?

Ba chương đầu của mục này sẽ nói về những biến cố xảy ra ở 13 thuộc địa của Anh. Chương VII sẽ nói về hình thức chính phủ phát triển ở các thuộc địa Anh và những liên hệ với nhau và với Mẫu quốc... Chương VIII sẽ nói về những luật lệ khắt khe do chính phủ Anh ban hành khiến cho người dân thuộc địa ngày càng trở nên chống đối mạnh mẽ về những ngôn từ mở đường cho cuộc chiến vào khi dân quân thuộc địa đương đầu với quân sĩ chính quy Anh ở Lexington và Concord. Chương IX sẽ nói về công cuộc chiến đấu giành độc lập của 13 thuộc địa.

Chương cuối cùng của mục III sẽ nói về những biến cố xảy ra liền sau đó tại các nơi khác ở Tân thế giới. Chúng ta sẽ tìm hiểu một nhóm nhỏ lãnh tụ nhiệt tâm lãnh đạo các thuộc địa Tây Ban Nha giành độc lập như thế nào. Và chúng ta cũng sẽ tìm hiểu Gia Nã Đại đã giành được quyền kiểm soát nội bộ như thế nào dẫu rằng Gia Nã Đại vẫn còn nằm trong đế quốc Anh.

“... Cho nên, chúng tôi, những người đại biểu của Hiệp Chủng Quốc...long trọng tuyên bố những thuộc địa hợp nhất này phải là những xứ độc lập và tự do”. (Trích trong bản Tuyên ngôn Độc Lập).

pypypy

CHƯƠNG VII

NGƯỜI ANH ĐÃ CAI TRỊ CÁC THUỘC ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn là người Hoa Kỳ, có bao giờ bạn suy nghĩ rằng các bạn có những quyền nào không? Thí dụ như bạn và gia đình bạn đi nhà thờ, không có luật nào của Hoa Kỳ bắt các bạn phải đi nhà thờ nhất định nào. Các bạn có quyền quyết định cách thức và nơi chốn mà các bạn muốn đi lễ. Nói cách khác, đối với người Hoa Kỳ, tự do tín ngưỡng là một trong những quyền hành xử của họ. Hãy giả thử rằng thân phụ của bạn không thích một luật nào do Quốc hội đề nghị, nếu ông ấy muốn, ông ấy có thể chỉ trích hành động của Quốc hội với bạn bè của ông ấy. Ông ấy cũng có thể viết thư đến một tờ báo để nói lên những điều ông ấy nghĩ. Hay là nếu ông ấy muốn, ông cũng có thể thuê hội trường để làm nơi diễn đàn phản đối công khai. Đây là một thí dụ về tự do ngôn luận, và cũng là một quyền rất quý báu đối với người Hoa Kỳ. Có lẽ bạn cũng có thể suy nghĩ về các quyền lợi khác mà bạn đang được hưởng.

Chúng ta đã có những quyền đó như thế nào? Một vài quyền đó đã phát triển ở Mỹ châu. Chúng ta sẽ đọc trong chương này, dân đi lập nghiệp người Anh đã mang đến thuộc địa một số quyền khác mà họ rất quý báu. Chúng ta sẽ tìm hiểu các chính quyền cai trị những người dân thuộc địa. Chúng ta sẽ thấy rõ rằng những luật lệ của thuộc địa được soạn thảo bởi các cơ quan lập pháp của thuộc địa.

Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu Anh quốc điều hành công cuộc mậu dịch ở các thuộc địa như thế nào, và mẫu quốc đã bất đồng chính kiến với các thuộc địa về chính quyền thuộc địa và về công việc mậu dịch như thế nào. Dưới đây là những đề tài:

1. Dân thuộc địa đã du nhập những quyền nào vào Tân thế giới?

2. Hình thức chính phủ nào đã được bành trướng ở các thuộc địa Anh?

3. Tại sao Anh lại bất đồng chính kiến với các thuộc địa về các công việc của thuộc địa?

¨

PHẦN MỘT

DÂN THUỘC ĐỊA ANH ĐÃ DU NHẬP NHỮNG QUYỀN NÀO VÀO TÂN THẾ GIỚI?

- Đời sống dân thuộc địa của các quốc gia Tây Ban Nha, Pháp và Anh khác hẳn nhau

Chúng ta hãy đi thăm ba người sống vào năm 1750 ở rải rác ba nơi khác nhau ở Tân thế giới. Người thứ nhất là dân thuộc địa Tây Ban Nha tên là Fernando. Fernando là một thương gia sinh sống ở thị trấn Mexico. Như chúng ta đã thấy ở chương ba, Fernando có rất ít tự do. Mặc dầu ông ta là người Tây Ban Nha trung thành và là một người công giáo tốt, ông ta cũng không được tham dự vào chính quyền ở Tân Tây Ban Nha hay chính quyền của thị trấn Mexico. Các chính quyền này do vị phó vương kiểm soát tất cả. Fernando không được tự do phê bình chính phủ hay nhà vua. Ngay cả các công việc của ông ta cũng bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

Bây giờ chúng ta hướng về túp lều trong một đồn điền rộng lớn ở vùng thung lũng sông St. Laurence. Đây là gia đình của ông Pierre ở Tân Pháp. Đời sống của ông Pierre cũng không có nhiều tự do cho lắm. Giống như Fernando ở Tân Tây Ban Nha, ông Pierre là một người trung thành với giáo hội công giáo cũng như đối với nhà vua, nhưng ông cũng không có quyền được tham dự vào chính quyền. Các vị đại diện của nhà vua hầu như nắm trọn quyền cai trị tất cả những người dân sinh sống ở Tân Pháp. Ông Pierre cũng không làm chủ một miếng đất nào cả. Ông ta sinh sống trong một đồn điền cảu một vị điền chủ thế lực. Ông chỉ được phép giữ lại một phần hoa lợi mà ông ta trồng trọt, nhưng lại có nhiều bổn phận đối với vị điền chủ. Ngay đến việc hôn nhân của ông ta, ông cũng phải chấp nhận lời khuyên của ông chủ.

Sau cùng, chúng ta hãy ghé lại căn nhà nhỏ bé của ông Jonathan Blake ở thuộc địa Massachusetts. Jonathan là một người tự do từ Anh tới với hy vọng cuộc mưu sinh sáng sủa hơn và đời sống của ông ta ở Mỹ châu có nhiều tự do hơn đời sống của Fernando hay Pierre. Ông làm chủ một căn nhà và một sớ đất canh tác. Ông tự do điều hành công việc như ý muốn. Hơn nữa, ông có quyền tham dự vào chính quyền thuộc địa. Ông có thể bỏ phiếu để bầu đại diện vào cơ quan lập pháp cho toàn thể thuộc địa. Cơ quan lập pháp này quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó bao gồm cả vấn đề thuế khóa mà người dân thuộc địa phải đóng góp. Jonathan có một số quyền lợi khác. Thí dụ như ông không thể bị trừng phạt vì một tội nào đó trừ trường hợp ông ta bị một nhóm người đồng hương gọi là bồi thẩm đoàn xác nhận ông có tội.

Chính Jonathan đã không làm gì để có nhiều tự do hơn Fernando hay Pierre, mà chính những vị tổ tiên người Anh của ông, những người yêu chuộng tự do, đã khẳng định những quyền này và truyền lại cho ông. Dưới đây chúng ta hãy tìm hiểu những diễn tiến về những quyền này.

- Dân Anh giới hạn quyền lực của nhà vua

Vào thời kỳ người ta đổ xô đến Tân thế giới để định cư thì các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha đều là những nước quân chủ. Nhưng trong khi các vị vua chúa các nước Pháp và Tây Ban Nha nắm trọn quyền cai trị trong nước thì nhân dân Anh đã từ từ giới hạn quyền lực của nhà vua. Một khi nhà vua cố ý xâm phạm đến quyền nào mà dân Anh cho là quyền tự do riêng tư của họ thì họ phản đối. Chúng ta sẽ nói về ba vụ phản đối dưới đây là những bước tiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh giới hạn quyền lực của các vị vua chúa Anh quốc và để tăng thêm các quyền lợi của người dân Anh.

1. Vụ thứ nhất của những bước tiến này đã xảy ra khá lâu, đó là vào năm 1215. Vào lúc ấy, một vị bạo chúa bất tài tên là John cai trị Anh quốc. Ông muốn cai trị đất nước theo ý thích của ông. Nhưng một nhóm nhà quý tộc đã buộc ông phải xác nhận một tài liệu chính thức thành văn gọi là Magna Carta, chữ Latin, có nghĩa là “Đại Hiến Chương”. Trong bản Magna Carta, vua John phải chấp nhận những giới hạn về quyền lực của ông. Ông đồng ý rằng các nhà quý tộc và các chủ điền sẽ không còn bị trừng trị do ý muốn trong lúc bốc đồng của nhà vua nữa, mà chỉ có thể bị đưa ra trước một bồi thẩm đoàn để xét xử theo luật về đất đai. Nhà vua cũng phải đồng ý là phải tham vấn với đại hội đồng quý tộc và các vị chức sắc trong giáo hội về nhiều vấn đề. Để cho được chắc chắn, các nhà quý tộc cũng phải tự kiểm soát họ trong khi họ cưỡng bách nhà vua phải chấp nhận tài liệu này. Tuy nhiên, vào lúc đó tất cả những quyền lợi xác định trong bản Đại Hiến Chương được áp dụng cho hết thảy mọi người dân Anh.

2. Một vị vua khác bị buộc phải chú trọng đến ý nguyện của dân chúng là vua Charles I. Vua Charles I là người cai trị đất nước theo ý muốn của ông. Ông lên trị vì đúng vào lúc người Thanh giáo lìa bỏ Anh quốc. Ông hầu như không chú ý đến Quốc hội, một cơ quan lập pháp gồm các nhà quý tộc và các vị đại diện dân chúng. Ông cũng thâu thuế mà không cần sự ưng thuận của Quốc hội. Sự phản đối chống lại hành động độc đoán của ông dữ dội đến nỗi chính vua Charles I phải chấp nhận bản tuyên ngôn mệnh danh là bản “Thỉnh nguyện quyền” (Petition of rights). Bản thỉnh nguyện quyền này định rằng nhân dân Anh sẽ không phải đóng thuế nếu không có sự đồng ý của Quốc hội. Sau này, khi vua Charles thất hứa không tuân hành những điều đã được ấn định trong bản thỉnh nguyện quyền trên đây, dân Anh nổi dậy lật đổ và sát hại ông.

3. Một vị vua Anh khác nữa tên là James II cũng chà đạp lên quyền lợi của Quốc hội và dân chúng Anh. Năm 1689, sau khi James II buộc phải trốn khỏi Anh quốc thì một bản tài liệu mệnh danh là bản Dân quyền (Bill of rights) được soạn thảo. Từ đó không còn vị Anh hoàng nào còn xâm phạm thật sự đến quyền lợi của nhân dân Anh đã được ghi trong bản Dân quyền.

- Những quyền hành của dân Anh được du nhập sang Châu Mỹ

Bản thảo Magna Carta viết năm 1215Chấp nhận những tài liệu quan trọng trên đây – bản Đại hiến chương (Magnata Carta hay Greqt Charter), bản Thỉnh nguyện quyền (Petition of right), bản Dân quyền (Bill of rights)- Các vị hoàng đế Anh đã nhìn nhận rằng nhân dân Anh có những quyền quan trọng. Chẳng hạn như dân Anh (nếu chẳng may bị cáo) có quyền được xét xử công bằng và vô tư bằng một bồi thẩm đoàn, và có quyền gửi khiếu nại lên nhà vua. Nhân dân có quyền tuyển chọn đại biểu vào Quốc hội. Quốc hội có quyền thông qua các đạo luật và có quyền ấn định các sắc thuế. Các quyền hành này đối với chúng ta thật là quan trọng vì rằng người Anh đi lập nghiệp ở Mỹ châu sẽ đòi hỏi những quyền hành tương tự như vậy ở Tân thế giới. Trong những bản sắc dụ cấp phép khởi lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ, nhà vua tuyên bố rằng người dân đi lập nghiệp ở Bắc Mỹ sẽ có “những quyền tự do...giống như họ cư ngụ và sinh sống ở trong lãnh thổ Anh quốc”. Đó là lý do tại sao Jonathan được hưởng nhiều tự do hơn Pierre và Fernando. Trong chương tới, chúng ta sẽ thấy rằng những quyền lợi này thật là vô cùng quan trọng đối với nhân dân thuộc địa Anh, cho nên họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của họ.

- Tinh thần tự do phát triển ở Mỹ châu

Dân thuộc địa Anh không những có tất cả các quyền lợi của người dân Anh mà họ còn được hưởng tự do rộng rãi ở Tân thế giới hơn là đồng bào của họ được hưởng ở Anh quốc. Không có gì khó hiểu vì đó là sự thật. Như chúng ta biết, có một điều là công cuộc định cư ở các thuộc địa Anh phần lớn được thực hiện do các công ty mậu dịch và các nhà điền chủ thế lực. Khởi đầu các vị Anh hoàng ít chú ý đến những gì xảy ra ở Tân thế giới. Họ rất bận rộn với các công việc ở chính quốc nên không để tâm chú ý đến dân định cư vật lộn tranh đấu ở nơi hải ngoại. Sự việc chính quyền Anh ít chú ý tới các thuộc địa khiến cho dân định cư ở đây được tự do rộng rãi trong việc điều hành công việc nội bộ của họ.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng các thuộc địa cách xa Anh quốc hàng ba ngàn dặm đường biển. Người ta phải mất nhiều tuần lễ có khi nhiều tháng vượt Đại tây dương mới tới được thuộc địa. Dĩ nhiên là các thuộc địa này được hưởng tự do rộng rãi để tự trị hơn là mọi việc đều phải chờ mệnh lệnh ban hành từ Anh quốc gửi đến. Và chính Tân thế giới với những vùng đất rộng bao la bát ngát có biết bao nhiêu cơ hội khích động tinh thần tự do. Dân thuộc địa tin rằng đã có công trèo đèo vượt suối, thắng gian nguy ở chốn hoang vu thì họ phải có tiếng nói trong chính quyền của họ.

Tuy nhiên, thật là nhầm lẫn nếu nghĩ rằng người dân thuộc địa Anh được hoàn toàn làm chủ chính họ. Họ không có một số quyền lợi mà người dân Hoa Kỳ ngày nay coi đó như là dĩ nhiên phải có. Chẳng hạn như thật là dễ nguy hiểm cho người nào dám lớn tiếng chỉ trích nhà vua hay các viên chức của Hoàng gia. Hơn nữa, có nhiều dân thuộc địa như những người nô lệ da đen hay những công nhân có ký giao kèo (da trắng) không có tự do. Và ở một vài thuộc địa, dân định cư có ít tự do hơn là ở những thuộc địa khác. Nhưng dầu sao, vào năm 1750, chính quyền ở khắp các thuộc địa Anh đã cho dân chúng được hưởng tự do rộng rãi hơn mọi nơi nào khác ở Tân thế giới hay nhiều nơi ở Âu châu. Chúng ta sẽ bàn xem chính quyền ở các thuộc địa như thế nào.

¨

PHẦN HAI

HÌNH THỨC CHÍNH PHỦ NÀO ĐƯỢC PHÁT TRIỂN Ở

CÁC THUỘC ĐỊA ANH?

Hãy tưởng tượng rằng chúng ta từ cựu thế giới đến thăm thuộc địa Massachusetts vào năm 1750. Cũng giả sử rằng chúng ta có thư của ông anh của Jonathan ở Anh quốc giới thiệu chúng ta với Jonathan. Khi chúng ta gõ cửa căn nhà nhỏ bé tầm thường và đưa lá thư giới thiệu đó ra cho ông ta coi, ông ta sẽ mời chúng ta ngồi trên những chiếc ghế đẩu hay trên chiếc ghế dài trước ngọn lửa bập bùng trong bếp sưởi to lớn. Nếu chúng ta hỏi ông ta những gì về chính quyền các thuộc địa Anh thì ông tra sẽ trả lời như sau:

- Các chính quyền của các thuộc địa rất giống nhau

“Chính quyền của một thuộc địa có thể hơi khác chính quyền của một thuộc địa khác, nhưng tình trạng của các thuộc địa giống như chính quyền ở Anh trên một bình diện nhỏ bé hơn. Mỗi một thuộc địa có một vị thống đốc đứng đầu giống như Anh hoàng lãnh đạo Anh quốc. Mỗi một thuộc địa có một cơ quan lập pháp giống như Quốc hội ở Anh. Thêm vào đó có những tòa án để phân xử các vụ tranh tụng giống như các tòa án ở Anh quốc. Tuy nhiên, các chính quyền thuộc địa không có quyền tối hậu trong công cuộc điều hành sự việc. Các thuộc địa phải nhận lệnh từ Anh quốc. Chẳng hạn như quốc hội Anh có thể thông qua những đạo luật mà các thuộc địa ở Mỹ châu phải tuân hành. Nhưng những đạo luật do cơ quan lập pháp của một thuộc địa thông qua có thể bị Anh quốc bác bỏ. Tuy nhiên điều đó không thường xảy ra. Các chính quyền các thuộc địa thật ra có nhiều quyền hành để thực thi các công việc của thuộc địa”.

- Các vị Thống đốc của các thuộc địa được tuyển chọn bằng nhiều cách

Các vị thống đốc của các thuộc địa không thừa hưởng các chức vụ thống đốc như Anh hoàng. Các vị này cũng không được tuyển chọn cùng một cách như nhau. Ở Rhode Island và ở Connecticut, các cử tri bầu cử để tuyển chọn thống đốc của mình. Như vậy dân chúng ở các thuộc địa này được hưởng nhiều quyền hành hơn chúng ở các thuộc địa khác. Ở trong ba thuộc địa khác: Maryland, Pennsylvania và Delaware- các vị điền chủ tuyển chọn các vị thống đốc. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, vị thống đốc do các vị điền chủ tuyển chọn phải được sự chấp thuận của nhà vua”.

“Bạn có thể muốn biết về các thuộc địa còn lại là: Massachusetts, Virginia, New Hamsphire, New York, New Jersey, North và South Carolina và Georgia. Hầu hết các thuộc địa này được thành lập do các công ty mậu dịch hay các nhà điền chủ, và lúc khởi đầu họ có quyền tuyển chọn các vị thống đốc. Nhưng sau này vì một lý do nào đó, nhà vua đã nắm quyền kiểm soát các chính quyền thuộc địa. Từ đó các vị thống đốc của các thuộc địa này do nhà vua bổ nhậm và phải chịu trách nhiệm với nhà vua. Cho nên các bạn thấy rằng người dân thuộc địa không có quyền nói lên tiếng nói về việc tuyển chọn các vị thống đốc”.

- Các cử tri tuyển chọn các nhà lập pháp

“Các vị thống đốc của chúng ta là những người rất có quyền thế và rất quan trọng”, Jonathan tiếp tục kể: “nhưng họ cũng chia sẻ công việc với cơ quan lập pháp. Đa số các cơ quan lập pháp có hai viện – Thượng viện và Hạ viện- thường được gọi là Hội đồng Lập pháp. Thượng viện là một cơ quan nhỏ. Các vị Thượng nghị sĩ do vị thống đốc bổ nhậm hơn là được bầu lên, và Thượng viện thì không quan trọng bằng Hạ viện. Hạ viện gồm các đại biểu do cử tri bầu lên. Mỗi tỉnh trong thuộc địa đều được bầu vào Hạ viện một hay nhiều đại diện. Cho nên qua các đại diện, dân chúng có tiếng nói trong việc làm luật và thông qua các đạo luật cũng như ấn định các sắc thuế.

“Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều có quyền bầu đại diện vào Hội đồng Lập pháp. Phụ nữ không được đi bầu. Tất cả nam cử tri dưới hai mươi tuổi cũng không được đi bầu. Thường thường chỉ những người tự do hay những ai làm chủ một số đất đai hoặc các tài sản khác mới được hưởng quyền đi bầu này. Ở một vài nơi khác, chủ nhân có tài sản cũng phải thuộc về một giáo hội nào đó mới được đi bầu. Ở thuộc địa Massachusetts Bay vào buổi đầu chỉ những tín hữu của giáo hội Thanh giáo mới được phép đi bầu”.

- Dân thuộc địa điều hành chính quyền địa phương của họ

Jonathan nói: “ Tôi hy vọng rằng tôi đã cho bạn một hình ảnh rõ ràng về chính quyền thuộc địa. Nhưng chắc chắn rằng bạn cũng muốn biết các địa phương được cai trị ra sao? Ở miền Tân Anh, mỗi tỉnh tự đảm nhiệm lấy các công việc riêng. Thỉnh thoảng có những phiên họp thành phố gọi là các phiên họp đại hội thành phố. Trong các cuộc đại hội này, tất cả các cử tri của làng xóm hay thành phố đều có thể tham dự vì thành phố thì rất nhỏ. Các cử tri có thể nói lên ý kiến của mình, bầu các viên chức địa phương, và quyết định phải làm gì cho công việc địa phương mình. Các bạn thấy rằng đại hội thành phố đã cho phép phần lớn các quyền tự trị địa phương”.

“ Dĩ nhiên, tôi đã không bao giờ đi khỏi nhà. Nhưng người ta thường nói với tôi rằng ở các thuộc địa miền Nam dân chúng không có đại hội thành phố. Bởi vì các đồn điền thì quá rộng lớn, dân chúng ở rải rác ở các miền đồng quê và có rất ít làng định cư. Cho nên chính phủ địa phương của họ để các tỉnh điều hành, và mỗi tỉnh bao gồm cả một miền rộng lớn. Công việc điều hành chính quyền của tỉnh thì nằm trong tay của vị cảnh sát trưởng (Sheriff), một vị sĩ quan và nhiều vị thẩm phán trị an. Những viên chức này do vị thống đốc bổ nhậm chứ không phải do dân bầu lên. Ở các thuộc địa miền Trung có sự trộn lộn của chính quyền thành phố và chính quyền tỉnh. Chính tôi cũng cảm thấy sung sướng được sống ở miền Tân Anh, nơi mà chúng tôi có đại hội thành phố”.

- Xung đột thường xuyên xảy ra trong chính quyền thuộc địa

Jonathan nói tiếp: “ Dĩ nhiên dù rằng cuộc sống của chúng tôi khá thuận thảo, nhưng chúng tôi cũng thường có những xung đột và tranh chấp. Đôi khi viên thống đốc cũng hành động theo ý muốn của ông ta mà không cần biết đến ý nguyện của dân chúng. Tuy nhiên, Hội đồng Lập pháp của mỗi thuộc địa đều có quyền bỏ phiếu về các dự luật thuế khóa. Và ở hầu hết các thuộc địa, hội đồng lập pháp bỏ phiếu quyết định về lương bổng của vị thống đốc. Cho nên các ông thống đốc không thể nào hành động quá độc đoán được.

“Và dân chúng cũng không phải là luôn luôn thỏa thuận với nhau đâu. Có thể có những bất đồng ý kiến giữa những người sinh sống ở các đô thị lớn và những người sinh sống ở các nông trại. Hoặc là có những sự tranh biện, cãi vả giữa những người định cư ở miền dọc theo duyên hải và những người sinh sống ở miền biên cương. Sự tranh chấp cũng có thể xảy ra giữa những người giàu có và những người khác. Không phải ai cũng hành động theo ý riêng của mình. Nhưng trên bình diện tổng quát, hình thức tổ chức chính quyền của chúng tôi tiến hành rất tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng chúng tôi rất may mắn được tham dự vào chính quyền tự trị của chúng tôi”.

۞

Jonathan đã nói rất rõ ràng vào năm 1750, dân thuộc địa Anh đã tiến được một đoạn khá dài trên đường tiến tới chính quyền tự trị. Dân thuộc địa đã quen sống với một số quyền hành và quen với việc tham dự vào chính quyền của họ. Đó là những quyền hành quý báu, và những ai có quyền này sẽ không bao giờ chịu từ bỏ. Như chúng ta đã thấy người dân thuộc địa đã bảo vệ những quyền lợi này, và họ đã chiến đấu, và họ đã đổ máu cho quyền lợi này, và truyền lại những quyền lợi này cho con cái họ. Do đó, chúng ta ngày nay được thừa hưởng một gia tài quý báu mà chúng ta coi đó như là tự nhiên phải có.

¨

PHẦN BA

Mặc dầu dân thuộc địa Anh có những quyền hành và tiếng nói trong chính quyền của họ nhưng họ cũng bị mẫu quốc kiểm soát. Thật ra, Anh quốc có những ý tưởng rất rõ rệt về các thuộc địa và cách thức điều hành cai trị các thuộc địa. Những ý tưởng này như thế nào? Và cảm nghĩ của dân thuộc địa về những ý tưởng này ra sao?

¨ ANH QUỐC CHO RẰNG CÁC THUỘC ĐỊA TỒN TẠI VÌ QUYỀN LỢI CỦA ANH QUỐC

Dân ở chính quốc Anh tin rằng các thuộc địa tồn tại cho quyền lợi của mẫu quốc. Họ lý luận rằng Anh quốc đã khởi lập các thuộc địa. Vì Anh quốc đã cho phép nên người dân thuộc địa mới được hưởng một số quyền hành, kể cả quyền tự trị. Anh quốc đã cung cấp vũ khí, tàu thuyền để trợ giúp công cuộc bảo vệ các thuộc địa chống lại người da đỏ và người Pháp. Cho nên cảm nghĩ người dân Anh ở chính quốc là các thuộc địa đã mang nợ mẫu quốc rất nhiều, và do đó các thuộc địa phải sẵn sàng tuân hành các luật lệ nhằm có lợi cho Anh quốc.

- Mậu dịch có nghĩa là làm giàu cho Anh quốc

Anh mong muốn các thuộc địa phải làm những gì? Anh quốc muốn các thuộc địa phải làm giàu cho mẫu quốc. Chắc chắn là Anh quốc không khám phá được mỏ vàng, mỏ bạc nào ở các thuộc địa để làm giàu như Tây Ban Nha. Tuy nhiên, có một cách mà các thuộc địa có thể làm giàu cho mẫu quốc, đó là việc buôn bán. Chẳng hạn như các thuộc địa phải sản xuất những hàng hóa và phẩm vật theo ý muốn của Anh quốc trong đó có thuốc lá, chàm, lúa gạo, và các vật liệu cần thiết cho việc đóng tàu. Mặt khác, dân thuộc địa cũng cần nhiều hàng hóa kỹ nghệ như quần áo, nồi xoong, chảo, vũ khí và các dụng cụ khác

Vì nhiều lý do, Anh quốc muốn rằng các thuộc địa ở Mỹ châu phải bán cho mẫu quốc hầu hết các nguyên liệu, và phải mua của Anh tất cả những sản phẩm kỹ nghệ nào mà họ cần dùng. Việc bán nhiều sản phẩm kỹ nghệ cho các thuộc địa sẽ mang lại công ăn việc làm cho nhiều người ở Anh, cũng như mang lại rất nhiều lợi cho các kỹ nghệ gia. Nếu việc chuyên chở các nguyên liệu và hàng hóa kỹ nghệ từ các thuộc địa về Anh và từ Anh sang các thuộc địa bằng các tàu thuyền của người Anh hay tàu thuyền chế tạo ở các thuộc địa Anh thì các chủ tàu và chủ đóng tàu cũng như các thương gia Anh sẽ hưởng lợi rất nhiều. Người Anh nghĩ rằng làm thế nào để họ có thể duy trì việc mậu dịch chỉ có lợi cho riêng họ như vậy được?

- Anh quốc thông qua các đạo luật để kiểm soát các thuộc địa

Để bảo vệ việc mậu dịch với các thuộc địa, Quốc hội Anh đã thông qua các đạo luật về hàng hải. Hai đạo luật quan trọng nhất trong các đạo luật này được Quốc hội Anh thông qua vào thập niên 1660. Các luật lệ hàng hải gồm các luật lệ (điều khoản) dưới đây:

1. Dân thuộc địa chỉ được xuất cảng một số sản phẩm sang Anh hay sang các thuộc địa khác của Anh. Lúc đầu chỉ có một số ít sản phẩm như đường, thuốc lá, và chàm để bán cho Anh quốc. Nhưng dần dần về sau dân thuộc địa lại sản xuất và xuất cảng thêm nhiều loại sản phẩm khác.

2. Tất cả các hàng hóa nhập cảng từ các quốc gia khác đến các thuộc địa, trước hết phải chở qua Anh quốc. Thí dụ như tàu chở trà từ Trung Hoa phải ghé qua Anh quốc trước đã rồi mới được đưa qua Philadelphia.

3. Mọi hàng hóa do các thuộc địa xuất nhập cảng đều phải được chuyên chở bằng tàu thuyền đóng tại Anh quốc hay tại các thuộc địa của Anh. Luật hàng hải định rằng ba phần tư thủy thủ đoàn của các tàu thuyền này phải là người Anh hay là dân thuộc địa Anh.

- Anh quốc kiểm soát việc sản xuất hàng hóa kỹ nghệ ở các thuộc địa

Lúc đầu dân định cư ở các thuộc địa có rất ít thời giờ và cơ hội để sản xuất các hàng hóa kỹ nghệ. Nhưng dần dần khi các thuộc địa ngày càng trở nên rộng lớn hơn, và càng ngày dân càng đến định cư đông đảo hơn thì một số thuộc địa bắt đầu sản xuất hàng hóa. Hàng hóa lúc bấy giờ không được chế tạo tại các cơ xưởng kỹ nghệ như ngày nay, mà trái lại được chế tạo tại ngay trong nhà của các kỹ nghệ gia. Tới khi việc sản xuất hàng hóa bành trướng đến độ có thể trở thành mối nguy hại cho việc bán hàng hóa chế tạo tại Anh quốc, Quốc hội Anh lại thông qua một số đạo luật khác để bảo đảm rằng các hàng hóa chế tạo ở các thuộc địa sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các hàng hóa của Anh . Thí dụ như dân thuộc địa có thể sản xuất quần áo để cho chính họ dùng, nhưng họ không được sản xuất những quần áo và mũ để bán sang các thuộc địa khác hay sang các quốc gia khác. Dân thuộc địa cũng có thể sản xuất sắt, nhưng họ không được phép biến chế sắt thành các hàng hóa.

Tuy nhiên, các đạo luật kiểm soát mậu dịch và sản xuất hàng hóa này đã không gây thiệt hại nhiều cho dân thuộc địa như các bạn tưởng. Vì rằng dân thuộc địa tin chắc Anh quốc là một thị trường tốt đẹp cho một số hàng hóa của họ. Việc đóng tàu và chuyển vận bằng tàu cũng được gia tăng vì các hàng hóa phải được chuyên chở bằng tàu của Anh hay tàu của thuộc địa. Sự thật là các luật lệ chế định ở các thuộc địa của Anh tương đối rất ít khắt khe nếu so với các thuộc địa của Tây Ban Nha. Nhưng dầu sao đi nữa thì Anh quốc đã tự ý điều hành công cuộc mậu dịch và sản xuất hàng hóa ở các thuộc địa mà rất ít chú ý đến ý nguyện của người dân thuộc địa.

¨ DÂN THUỘC ĐỊA CHO RẰNG CÁC THUỘC ĐỊA TỒN TẠI CHO CHÍNH QUYỀN LỢI CỦA HỌ

Dân định cư ở Mỹ châu không đồng ý rằng mục đích của các thuộc địa là làm giàu cho Anh quốc. Sự thực họ cho rằng họ không mắc nợ Anh quốc. Họ nhớ lại rằng khi vượt đại dương đến định cư ở Mỹ châu, họ đã phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Họ phải làm việc cực nhọc để tạo dựng nhà cửa ở giữa chốn hoang vu, và phải chiến thắng bọn người dã man thù nghịch. Mặc dù Anh quốc đã trợ giúp họ trong cuộc chiến chống Pháp, nhưng chính họ cũng tự đóng góp tiền bạc và quân sĩ vào cuộc chiến này. Thực ra dân thuộc địa cho rằng chính họ đã thực hiện hầu hết việc thiết lập tân đế quốc ở Mỹ châu. Vì lý do này mà họ tin rằng Anh quốc không nên điều hành công việc mậu dịch của họ.

- Nhiều luật lệ về thương mại không được dân thuộc địa tuân hành

Đã nhiều năm, những luật lệ của Anh về việc điều hành thương mại ở thuộc địa không gây ra những xáo trộn trầm trọng. Anh quốc vì quá bận rộn với các công việc ở tại chính quốc cũng như dồn hết nỗ lực để đánh bại Pháp quốc, nên không có đủ thì giờ để chú ý đến việc thực thi các luật lệ thương mại này. Mặc dầu một số viên chức được bổ nhậm để thực thi các luật lệ hàng hải, nhưng có nhiều người chẳng bao giờ vượt đại dương đi tới các thuộc địa để thi hành bổn phận (nhiều người chẳng bao giờ đến các thuộc địa nhậm chức). Các vị sĩ quan đồn trú tại các hải cảng thuộc địa lại không cố gắng hết mình để ngăn chặn dân thuộc địa khỏi buôn bán với các quốc gia khác. Cho nên việc buôn lậu xảy ra rất thường và rất có lợi cho dân thuộc địa. Chẳng hạn như thương gia thuộc địa đã nhập cảng lậu trà từ Hòa Lan thay vì mua trà của các thương gia người Anh với giá cao hơn. Khi các thương gia thuộc địa và các nhà trồng tỉa thuộc địa tụ tập ở quán rượu hay bàn tán với nhau bên cạnh lò sưởi, họ thường phàn nàn về các luật lệ của Anh quốc, nhưng họ cũng chỉ phàn nàn thôi.

- Dân thuộc địa bất đồng chính kiến với Anh quốc về chính quyền thuộc địa

Anh quốc và các thuộc địa ở Mỹ châu cũng có những ý kiến dị biệt về cách thức cai trị các thuộc địa. Mặc dầu dân thuộc địa trung thành với nhà vua nhưng họ tin rằng họ phải có quyền điều hành các công việc riêng của họ. Tinh thần tự do ở Mỹ châu rất mạnh, và Anh quốc thì quá xa đối với Mỹ châu. Dân thuộc địa cho rằng người Anh ở chính quốc kể cả nhà vua và luôn các vị cố vấn của nhà vua hiểu biết rất ít về tình hình ở Mỹ châu. Mặt khác, Anh hoàng và Quốc hội Anh lại nghĩ khác. Họ tin rằng Anh quốc có những quyền hành rộng rãi đối với dân định cư ở Mỹ châu. Một viên chức chính phủ Anh khi nói về các thuộc địa thì họ coi như là “những đứa con Mỹ châu này đã được chúng ta gây dựng, nuôi nấng cho đến trưởng thành và được bảo vệ trong vòng tay của chúng ta”.

Tuy nhiên, trước năm 1763 Anh quốc thường không khẳng định sử dụng quyền hành của chính quyền đối với thuộc địa. Chắc chắn là đôi khi có thể xảy ra một thuộc địa hay vị chủ nhân của thuộc địa bị thâu hồi mất bản hiến chương ban đặc quyền (giấy phép của nhà vua cho phép thiết lập thuộc địa), và chính quyền Anh vẫn tiếp tục đòi quyền đánh thuế dân thuộc địa mà không cần đếm xỉa đến những luật lệ do các thuộc địa thông qua. Tuy nhiên, ít khi Anh quốc sử dụng đến quyền hành này.

۞

Tóm lại dân thuộc địa hoàn toàn không đồng ý với Anh quốc về việc mẫu quốc có quyền kiểm soát các chính quyền và công việc mậu dịch của họ, tuy nhiên thường không xảy ra những xung đột thật sự. Nhưng có điều rất dễ nhìn thấy là bất cứ một hành động nào của Anh quốc muốn thi hành các luật lệ mậu dịch hay cai trị một cách chặt chẽ hơn ở các thuộc địa đều đưa đến xáo trộn.

 

(xem tiếp : Chương VIII) sẽ đăng sau

 

Trang Lịch Sử