Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió

Bút ký 3 - Lắng Tiếng Chuông Chùa

Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan10_TS.php

24-Jan-2015

Ngày 5/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1) tại thềm lục địa phía Đông Nam nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Nhiều nhà dàn đã được dựng nên trên biển cả. Do bão táp hung dữ hoành hành, một số nhà dàn đã bị đổ trong những năm từ năm 2000 trở về trước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chống chọi cùng sóng gió bão táp, sống chết với nhà dàn đến hơi thở cuối cùng.

Đến với Trường Sa. Ảnh của VĂN DŨNG

Trên hành trình đến với các nhà dàn, đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Trong hương hoa tưởng niệm ngát thơm mặt biển, lời tri ân của đoàn đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp nhà dàn được xướng lên thiết tha, vang vọng như thấu tận thẳm sâu lòng biển: “Một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, trong trắng, thủy chung, sáng ngời”.

Trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương và niềm cảm khái dâng đầy, đoàn đã cùng nhau ôn lại những tấm gương xả thân vì đồng đội, vì Tổ quốc. Trong bão táp nguy kịch, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Bí thư Chi bộ vẫn nhường miếng lương khô cuối cùng và chiếc phao cá nhân của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội để rồi thanh thản chìm vào lòng biển khơi. Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh. Khi nhà giàn đổ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng chỉ kịp gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” rồi chìm vào sóng biển. Chuẩn úy Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ và đứa con đỏ hỏn mới chào đời mà anh chưa kịp biết mặt. Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, các chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền đã chấp hành mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh để tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn.

Quân dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh của VĂN DŨNG

Qua thử thách, trải nghiệm với thời gian, những nhà dàn bị đổ đã được dựng lại, gia cố trụ dàn chắc chắn hơn, vững chải hơn. Ngồi trên nhà dàn DK1/17 lộng gió, Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Phó đoàn công tác chạnh niềm nhớ lại lúc anh đến với những nhà dàn đã bị đổ. Năm 1997, lúc đó anh đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171, Quân chủng Hải quân ở Vũng Tàu, khi đến nơi một nhà dàn bị đổ, bao cảm xúc nghẹn ngào, nhớ tiếc trào dâng trong anh, khiến anh động bút làm bài thơ Những cánh thư màu tím” để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc.

Tứ thơ của bài thơ này sau đó được dựa vào để dựng nên một tiết mục hoạt cảnh và tiết mục này đã nhận được Huy chương Vàng tại hội diễn của Quân chủng Hải quân năm 1988. Anh khẽ đọc bài thơ, đúng hơn là anh đang đọc lại lòng mình quặn thắt cho tôi nghe, với giọng đọc trầm lắng, giàu suy tưởng:

Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả
Những cánh thư mực tím tựa hoa đào
Hơi biển ấm xuân về hương cỏ mật
Thơm góc trời nơi anh ở xôn xao

Các anh sống gần mây hơn gần đất
Sóng mênh mông nửa nước với nửa trời
Trời với nước chia đôi nhà ở giữa
Thành chiến hào đảo thép giữ giàn khoan

Nhà dàn trong mây canh một hướng tây nam
Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng
Biển có bao giờ im lặng
Để lòng thu xếp chút riêng tư

Tàu đến dần tọa độ hiểm nguy
Thuyền trưởng không tin ngỡ mình đi chệch hướng
Nhà dàn đâu rồi chỉ một trời gió biển
Các anh về đâu các anh ở đâu

Người chiến sĩ thả chồng thư xuống biển
Gửi theo sóng những lời đưa tiễn
Nước mắt nhòa trong sóng vấn vương
Nước mắt nhòa trong sóng biển quê hương

Anh bỗng thấy ngàn cánh thư màu tím
Rơi tím chiều Tổ quốc phía đường biên. 
 

*Lắng tiếng chuông chùa

Nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa mà tôi được đến thăm như Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa… đều có chùa. Giữa mênh mông trùng dương, giữa sóng gió, bão táp, những ngôi chùa Việt đứng đó với phong thái cổ kính, thanh thoát, an nhiên tự tại. Đến với chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa, tôi đã được thấy tượng Phật ngọc màu xanh biếc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng cho chùa. Đây là tượng Phật ngọc do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng tại chùa Vàng Shwedagon, thủ đô Yangon, Myanmar, trong dịp Thủ tướng thăm chính thức Myanmar. Tôi đã gặp đại đức Thích Giác Nghĩa, người đã từng trụ trì hai năm ở chùa Trường Sa, dù đã hết thời gian trụ trì ở chùa này, đại đức vẫn ra lại với Trường Sa vì còn lo một số công việc nhưng cái chính hẳn là vì duyên nợ không dứt được.

Tác giả bài viết với Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì chùa đảo Sinh Tồn. Ảnh của VĂN DŨNG

Nhân thầy Thích Giác Nghĩa ra trụ trì ở chùa Trường Sa, thầy Thích Tâm Trí ở chùa An Dưỡng, tỉnh Khánh Hòa đã làm thơ tiễn. Bài thơ với từng câu không dài, chỉ một, hai, ba chữ, chắc nịch, ngắn gọn, như lời niệm câu thần chú, như lệnh truyền từ tâm qua tâm, chất chứa bao niềm thiết tha, gửi gắm, niềm thúc giục lên đường vì sứ mệnh thiêng liêng:

Đi
Hãy ra đi
vì biên cương
biển đảo

Đi
ra đi
Cỡi sóng
Vượt trùng dương

Đi
Đi đi
Cho yên bình
hiện hữu     

Đi
bước đi
để ổn cố sơn hà

Chùa Trường Sa luôn gắn liền với mạch nguồn truyền thống, với linh khí của đất nước đã hun đúc và trao truyền. Năm 2013, thầy Thích Giác Nghĩa đã rước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ra thờ ở chùa này. Năm 2014, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao di ảnh Đại tướng cho chùa để thờ.

Sau khi thầy Thích Giác Nghĩa thôi trụ trì ở chùa Trường Sa, đại đức Thích Pháp Đạt, Ủy viên Ban Hoằng pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã đến trụ trì ở chùa này. Cùng với thầy Đạt, còn có đại đức Thích Như Đạo, phó trụ trì. Một sớm thong thả, thư thái, tôi ngồi đàm đạo việc đời, việc đạo với đại đức Thích Pháp Đạt bên chén trà tỏa hương ngào ngạt, trong sân chùa Trường Sa, dưới tán cây rợp mát. Đại đức tâm sự: 

- So với đất liền, ở đây thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng chúng tôi khắc phục khó khăn. Tùy duyên mà làm việc. Hai anh em chúng tôi ra đây là phát nguyện đi vùng sâu, vùng xa. Nơi nào cần, nơi nào khó khăn, mình đến. Sau này, mình đến với những nơi khác sẽ cảm thấy dễ hơn. Khó khăn lớn vượt qua được thì những khó khăn khác cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.   

Đại đức Thích Pháp Đạt quê ở Phan Thiết, từng tu học ở thành phố Hồ Chí Minh, hành đạo ở Nha Trang, Khánh Hòa. Theo đại đức cho biết, đại đức có hướng sẽ ra tu ở miền Bắc, sau này. Nhân chuyện thầy Nghĩa rước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ra thờ ở chùa Trường Sa, chuyện thầy Đạt dự định mai kia sẽ ra đất Bắc, tôi và thầy Đạt cùng nhớ về truyền thống giúp đời, góp phần dựng nước của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thời Trần nói riêng, nhớ về công lao to lớn của vua Trần Nhân Tông, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba thắng lợi, cũng là vị Phật hoàng đã lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thầy Đạt như thăng hoa trong dòng mạch cảm khái, giọng tha thiết:

- Yêu nước là niềm tự hào của người con Phật. Đạo pháp luôn đi cùng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.

Mỗi sáng, mỗi chiều và khi đêm xuống, tôi nghe tiếng chuông chùa Trường Sa ngân nga, thao thức, đồng vọng cùng tâm nguyện của quân dân Trường Sa một lòng son sắt với Tổ quốc, gìn giữ hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Một trong những biểu hiện đặc biệt, đầy cảm động của tâm nguyện đó thể hiện qua nghĩa cử cao đẹp của ông Hoàng Văn Sáu, quê ở làng Nam Thượng, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trú tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Sáu đã cung tiến xây dựng trên đảo Trường Sa công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, với tổng số tiền là 9.986.681.000 đồng, khánh thành ngày 28/6/2010.

Đài xây hình tháp thanh thoát, vút cao trên nền trời hòa bình xanh ngắt của đảo Trường Sa. Ở bên ngoài khuôn viên, phía trước Đài tưởng niệm, một tượng Phật Quan Âm được dựng lên để chung niềm sẻ chia, thấu tỏ và đồng vọng với cõi yên nghỉ vĩnh hằng của Đài tưởng niệm. Nét đặc biệt ấn tượng của kiến trúc tượng Phật này là, khác với các bức tượng Phật thường tạc tay Phật cầm bình nước cam lồ, Phật Quan Âm ở đảo Trường Sa không cầm bình nước cam lồ mà cầm, chính xác hơn là nâng trên tay cánh chim bồ câu như nâng niu, gìn giữ niềm vui hòa bình. Đứng trước tượng Phật Quan Âm mang hình ảnh biểu trưng cho hòa bình này, nghe tiếng chuông chùa dóng dả vì quốc thái dân an, thiết tha cùng vận nước ở Trường Sa, tôi nhớ đến hình ảnh tượng Phật Quan Âm ở quần đảo Hoàng Sa mà tôi đã xem trong một tài liệu về Hoàng Sa, xuất bản tại Sài Gòn, tháng 3/1974.

Theo tài liệu này, khoảng cuối năm 1938, ông André Faucheux, Trưởng Ty Công chánh tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng cùng một phái bộ của chính quyền Pháp đã đến dựng bia chủ quyền của triều đình Huế trên quần đảo Hoàng Sa. Ông André Faucheux cho biết:Chúng tôi lại nhận thấy có một tượng Phật Quan Âm bằng đá cao lối 4 tấc. Sau đó chúng tôi được biết tượng Phật Quan Âm do các ngư phủ Việt Nam thường đến quần đảo để săn rùa dựng lên”. Ông khẳng định: “Chúng tôi không hề thấy một người Tàu nào trên quần đảo cả. Vả lại, sau khi trồng bia chủ quyền xong, tôi cũng không hề nghe có chính phủ Trung Hoa hoặc bất cứ chính phủ nào khác phản đối. Như thế, theo tôi nghĩ Hoàng Sa phải là một phần đất của Việt Nam”. Ông nói rằng ông sẵn sàng nêu sự thật như trên trước một tham cấp (instance) quốc tế, nếu được yêu cầu. Vậy đó, những câu chuyện, những kỷ niệm, những hình ảnh về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ nằm sâu trong tâm thức của người Việt mà còn nằm sâu trong ký ức và lương tri của cả nhiều người nước ngoài.

(Xem tiếp Bút Ký 4)

_______________

Bài đọc thêm:

- Những bài về Trường Sa & Hoàng Sa đăng trong sachhiem.net (SH)

Các bài cùng tác giả


 ▪ Trịnh Công Sơn Với Quê Hương Thần Thoại - Nguyễn Hoàn

Con Người Minh Triết Trong Nhạc Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Chiều kích đặc biệt của con người ... - Nguyễn Hoàn

Về cái gọi là “học thuật” của Ban Mai trong nghiên cứu Trịnh Công Sơn - Nguyễn Hoàn

Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn

Để hiểu đúng câu Kiều về chữ “tâm” của Nguyễn Du - Nguyễn Hoàn

Festival Huế - Nguyễn Hoàn

Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn

Những sai lệch, thiếu sót trong “Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng” - Nguyễn Hoàn

Chân trời Mỹ Thuỷ - Nguyễn Hoàn

Gặp Chủ Nhiệm Đề Án Mới Trên Hành Lang Kinh Tế Đông Tây - Nguyễn Hoàn

Lễ Bộ Thượng Thư Lê Trinh - Nguyễn Hoàn

Tư tưởng đổi mới của TBT Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Chân Lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” của Lê Duẩn - Nguyễn Hoàn

Thư Tình Gửi Một Người: cuốn sách giải mã ca từ TCS - Nguyễn Hoàn

Hoàng Nhuận Cầm với lời nguyền từ chiến hào Thành Cổ - Nguyễn Hoàn

Trường Sa Nơi Đầu Sóng Ngọn Gió - Đảo Là Nhà, Biển Là Quê Hương - Nguyễn Hoàn

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, Giống và Khác - Nguyễn Hoàn

Nhạc Trịnh Với Vấn Đề Cái Chết - Nguyễn Hoàn

Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng - Bút ký - Nguyễn Hoàn


▪ 1 2 >>>

Trang Văn Học Xã Hội