●   Bản rời    

Chân trời Mỹ Thuỷ (Nguyễn Hoàn)

Chân trời Mỹ Thuỷ

  Ghi chép - NGUYỄN HOÀN

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoanXH00.php

31 tháng 1, 2010

Hai năm trở lại đây, cái tên Mỹ Thuỷ đã xuất hiện ngày một nhiều trong các hội nghị, hội thảo bàn về những kế sách mang tính chiến lược mới, đột phá mới của tỉnh Quảng Trị, đã vang lên đầy hấp dẫn, mới mẻ trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với các đối tác nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Trị, đặc biệt, cái tên ấy đã ghi dấu ấn, đã đọng lại trên bàn giấy của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Mỹ Thuỷ, tên của một miền quê đau thương mà anh dũng, quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm, tên của một vùng biển thân thương của Quảng Trị đã hồi sinh trên hoang tàn, đổ nát chiến tranh và đang từng bước khởi sắc thay da đổi thịt. Cái tên nghe quen thuộc tự bao giờ, thế mà nay, cái tên ấy lại vang lên đầy mới mẻ, như thể Mỹ Thuỷ vừa mới được sinh ra trong một cuộc khai thiên lập địa. Đúng vậy, Mỹ Thuỷ và nói rộng ra là cả tỉnh Quảng Trị vừa mới được phát hiện, được khám phá lần đầu về tiềm năng địa-kinh tế độc đáo mới, có một không hai của mình trên hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).

Dễ có người hỏi lại, tiềm năng địa-kinh tế, lợi thế so sánh của Quảng Trị trên EWEC đã được phát hiện lâu rồi, sao giờ đây lại bảo là lần đầu tiên được phát hiện, được khám phá?

Cảng Calais (Pháp) - mô hình nghiên cứu điển hình để xây dựng cảng Mỹ Thuỷ tại Khu Kinh tế Đông Nam - Quảng Trị - Ảnh tư liệu

Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị và Khu vực dự kiến dựng Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị

 

Câu trả lời nằm ngay ở chính Mỹ Thuỷ.

Sáng kiến về EWEC do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản khởi xướng từ năm 1998, trong khuôn khổ chiến lược hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), được 4 nước Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan ủng hộ. Hành lang này trải dài qua 1.450 km đường bộ, với cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine, Myanmar và cực Đông là cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Đó là một hành lang được nhận diện khi tiềm năng, lợi thế của vùng biển Mỹ Thuỷ chưa được phát hiện.

Giờ đây, với lợi thế “kép” mở ra, đó là lợi thế về phát triển cảng biển nước sâu của Mỹ Thuỷ đã được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện, gắn với lợi thế khai thác nguồn khí đốt ngoài khơi Cồn Cỏ, Quảng Trị (mỏ khí này đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát hiện) đưa vào Mỹ Thuỷ nay mai, xây dựng Khu Kinh tế Đông-Nam Quảng Trị đặt cạnh cảng này, có thể nói, EWEC đã được phát hiện mới, được làm phong phú thêm về vận hội và tiềm năng phát triển.

Với việc mở cảng Mỹ Thuỷ, Quảng Trị mở thông con đường ngắn nhất ra Thái Bình Dương cho EWEC, cụ thể là cung đường vận chuyển từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan về Mỹ Thuỷ chỉ còn khoảng 320 km, rút ngắn khoảng 150 km so với cung đường từ Đông Bắc Thái Lan vào Đà Nẵng và ngắn hơn rất nhiều so với cung đường từ Đông Bắc Thái Lan đi Bangkok ra biển. Không dừng lại ở chuyện rút ngắn cung đường, giảm phí vận tải (một trong những lý do của sự ra đời EWEC), Mỹ Thuỷ-Quảng Trị còn mở ra các cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo cho các địa phương dọc EWEC, biến EWEC từ “hành lang giao thông” thành “hành lang kinh tế thương mại”.

Cũng như mọi con dân Quảng Trị đang ngày đêm trăn trở, mơ ước, tìm kiếm về một “cú hích” chủ lực tạo ra sự phát triển có tính đột phá cho Quảng Trị sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên giàu mạnh, tôi đem niềm thao thức về dự cảm Mỹ Thuỷ chia sẻ nhiều lần với tiến sĩ Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

Trong thư mail cho tôi, tiến sĩ kể lại ngọn ngành của việc phát hiện Mỹ Thuỷ: “Đề xuất xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thuỷ bắt nguồn từ nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học kinh tế biển thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu này, bờ biển khúc Mỹ Thuỷ-Gia Đẳng hội đủ các điều kiện để xây dựng một cảng biển nước khá sâu, có thể nhận tàu 40-50 ngàn tấn. Đường đẳng sâu 11 m nước chỉ cách bờ khoảng 500 m. Ở đây, trước kia, Mỹ đã xây dựng cảng cầu.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có các cảng biển đào mà giá thành xây dựng còn rẻ hơn cảng cầu. Điều quan trọng là vùng đất trên bờ rất rộng, thuận tiện cho việc đào cảng và phát triển khu công nghiệp. Hiện nay có nhiều cảng nhưng cảng có thể cho tàu trên 30-40 ngàn tấn vào thì rất ít. Thực tế là ta đang thiếu cảng, hàng hoá bị tắc nghẽn rất nặng. Cảng Mỹ Thuỷ có thể đón hàng từ phía Tây và xuất hàng từ khu kinh tế. Nghĩa là cảng có hai chức năng: cảng kinh tế và cảng thương mại”.

Tôi đề nghị tiến sĩ phân tích về mối tương quan giữa việc xây dựng cảng Mỹ Thuỷ và việc phát hiện, khai thác khí đốt ngoài khơi Cồn Cỏ đưa vào Mỹ Thuỷ, phát triển Khu Kinh tế Đông-Nam Quảng Trị với ngành công nghiệp chủ lực là khí-điện-đạm, tiến sĩ cho biết: “Việc PVN (tức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tìm ra mỏ khí vừa rồi có tác động nhất định đến tiến trình xây dựng dự án cảng và khu kinh tế.

Nhưng không phải vì có mỏ mới tính chuyện xây cảng và khu kinh tế. Xây được cảng hay không là do điều kiện tự nhiên, không phải muốn mà được. Còn mỏ khí ở cấu tạo Báo Vàng hiện chưa khẳng định được trữ lượng vì chỉ mới khoan một giếng. Khả năng có thể có 30-40 đến 100 tỉ mét khối khí, nhưng con số cuối cùng phải đợi đến khi khoan thêm 2-3 giếng nữa mới khẳng định được. Nếu chỉ đạt được 30-40 thì cũng đã quý lắm rồi; lượng khí đó tương đương 30-40 triệu tấn dầu. Khoảng cách từ mỏ khí vào Quảng Trị là gần nhất”.

Vai trò, vị trí của Mỹ Thuỷ đối với Quảng Trị và EWEC đang được nhận diện rõ dần. Ngày 26/8/2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đồng ý chủ trương bổ sung cảng nước sâu Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 để tỉnh Quảng Trị có căn cứ kêu gọi và thu hút đầu tư theo các hình thức thích hợp.

Đối với các đề nghị liên quan khác của tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành xem xét: Về đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đưa nguồn khí ngoài khơi biển Quảng Trị vào tỉnh Quảng Trị, giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nghiên cứu phương thức khai thác, sử dụng mỏ khí, nếu hợp lý và có hiệu quả thì triển khai, thực hiện; về đề nghị cho phép Tập đoàn Giant Group (Malaysia) khảo sát, thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt Lao Bảo-Đông Hà-Cảng Mỹ Thủy, giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất của tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; về việc thành lập Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh rà soát theo các tiêu chí về Khu kinh tế, nếu đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế của cả nước.

Trước thềm xuân mới, nhiều tin vui lớn và sốt dẻo đã đến với Mỹ Thuỷ và Quảng Trị. Ngày 24/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2190/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong Danh mục cảng biển quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định này, có khu bến Mỹ Thuỷ, với công năng phân loại là “chuyên dùng có bến tổng hợp”, cỡ tàu 20-50 DWT, được xếp vào nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Nhóm này có tiềm năng được nêu rõ: lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng 41 đến 46 triệu tấn/năm (2015), 81 đến 104 triệu tấn/năm (2020), 154 đến 205 triệu tấn/năm (2030). Theo Quy hoạch, cảng chuyên dùng có chức năng: “Phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù chuyên biệt (dầu thô, sản phẩm dầu, than quặng, xi măng, clinke, hành khách...) và là một hạng mục trong tổng thể cơ sở công nghiệp mà nó phục vụ”. Cảng Mỹ Thuỷ thuộc loại cảng chuyên dùng, với việc phân loại công năng cảng như vậy, Quy hoạch đã tiên liệu cho Mỹ Thuỷ về sự hình thành các cơ sở công nghiệp tập trung, sử dụng khí đốt để phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến dầu khí.

Cùng với việc nhận diện vóc dáng cảng Mỹ Thuỷ, một con đường lớn về cảng Mỹ Thuỷ đang được khởi động. UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị. Đường dài 13.761 m, nền đường nơi rộng nhất là 12 m, mặt đường nơi rộng nhất là 11,5 m, tổng mức đầu tư 607.354.372.000 đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Ngày 3/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 2086/TTg-KTN đồng ý chỉ định thầu xây dựng con đường huyết mạch về Mỹ Thuỷ này. Vậy là việc chuẩn bị cho sự ra đời của cảng Mỹ Thuỷ nay mai đã được khởi động tích cực. Vấn đề trọng tâm từ nay là tập trung giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển cảng biển Mỹ Thuỷ để kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài vào việc xây dựng cảng Mỹ Thuỷ và Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Về Mỹ Thuỷ giờ đây, ta thấy trong từng bờm sóng tung bờ dậy lên sinh lực mới, ta nghe trong từng cơn gió biển mặn mòi dậy lên niềm reo ca mới. Anh Trương Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tâm sự với tôi về tâm tư, nguyện vọng của dân trước dự án cảng Mỹ Thuỷ đang mở ra: “Dân rất phấn khởi, vì được có thêm công ăn việc làm, được tạo thêm nguồn nhân lực. Hải Khê có 170 hộ nằm trong vùng dự án cảng nước sâu Mỹ Thuỷ phải di dời. Quen sống với nghề biển rồi, khi tái định cư đến nơi mới, bà con lo không biết có được làm nghề hợp với nghề truyền thống hay không”.

Về Mỹ Thuỷ, sống với niềm dự cảm mới, lòng bỗng nghẹn ngào, bồi hồi nhớ về một thuở đau thương mà bi tráng. Nhằm mưu đồ hòng dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân, trong hai ngày 19/3/1948 và 8/4/1948, giặc Pháp đã mở cuộc càn quét quy mô lớn, giết hại 526 người dân Mỹ Thuỷ. Trên địa điểm xảy ra vụ thảm sát man rợ, đau đớn ấy, nay được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, Đền tưởng niệm 526 người dân bị giết hại đã được dựng lên cho muôn đời khắc ghi ơn sâu cái giá máu xương mà ông cha đã đổ vì đất đai quê nhà.

Về Mỹ Thuỷ, tôi ngỡ như tìm lại được trên cát bỏng, dưới hàng dương đâu đây, dấu chân của người nữ anh hùng Trần Thị Tâm. Trong trận chiến đấu với một tiểu đoàn địch có máy bay, xe tăng yểm trợ, chị đã cùng hai đồng chí anh dũng đánh trả địch suốt một ngày, diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, ngăn cản cuộc hành quân của địch càn quét xã Hải Quế và chị đã anh dũng hy sinh, ngày 11/1/1972. Máu đào bao thế hệ yêu nước đã đổ xuống quyện với đất biển xứ này, cho đất trở thành đất tiềm năng, cho biển trở thành biển lớn hội nhập.

Tôi nhớ trong lần UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với tạp chí “Thế giới và Việt Nam” của Bộ Ngoại giao về việc phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế trong năm 2010 về đầu tư-thương mại-du lịch vào Quảng Trị, ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã nhắc lại chuyện cũ thời chiến về cảng Mỹ Thuỷ: “Thời chiến tranh, Mỹ đã xây dựng cảng Mỹ Thuỷ. Tàu rất lớn, đưa dầu vào qua ống phi 500, bơm suốt ngày đêm ra Ái Tử. Chúng tôi đã vác súng bắn thủng ống dầu, mà phải dùng súng AK, CKC mới bắn thủng được, chứ súng các-bin bắn không thủng. Dầu chảy lai láng giữa đồng, dân múc về nấu lò sô. Dầu rất nhạy, làm cháy nhà và bỏng lột da người”. Dầu cảng Mỹ Thuỷ của địch ngày trước đốt nóng lò lửa chiến tranh xâm lược mà ta phải đập tan tành. Còn dầu cảng nước sâu Mỹ Thuỷ nay mai thắp sáng cả chân trời Mỹ Thuỷ, chân trời Quảng Trị xán lạn, huy hoàng!

Thềm Xuân Canh Dần 2010

Nguyễn Hoàn

 

Bài liên quan đến cảng Mỹ Thủy:

- Chân trời Mỹ Thuỷ

- Gặp Chủ Nhiệm Đề Án Mới Trên Hành Lang Kinh Tế Đông Tây