●   Bản rời    

Nhạc Trịnh với vấn đề cái chết

Nhạc Trịnh Với Vấn Đề Cái Chết

Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan12.php

30-Jul-2021

Giữa những ngày đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy căng thẳng, khốc liệt này, nhân loại nghĩ nhiều đến lằn ranh sinh tử mong manh, đến cái chết u ám bủa vây. Lúc bình thường, phần đông nhân loại dĩ nhiên theo bản năng là ham sống sợ chết, nhưng chắc cũng không nghĩ gì nhiều về cái chết. Riêng với các nhà triết học, nhất là với triết học hiện sinh, cái chết là một vấn đề triết học, một vấn đề nhân sinh hệ trọng. Trước vấn đề cái chết, con người nhận ra giới hạn của cuộc đời, ngộ ra lẽ tử sinh còn mất. Riêng với Trịnh Công Sơn, gần như trong suốt cuộc đời làm nhạc của mình, người nhạc sĩ tài hoa lừng lẫy này luôn ưu tư về cái chết, suy niệm, triết lý không mệt mỏi trước vấn đề cái chết.

Ảnh Washingtonpost.com: Covid-19 makes us think about our mortality

Trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19 này, khi mọi người ở nhà, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó, có thời gian rỗi, nghe nhạc Trịnh cũng là để… chống dịch sẽ được ủi an, sẻ chia đến thấm thía về cảnh huống tự cách ly giờ đây: “Người nằm co như loài thú khi mùa đông về, người nằm yên không kêu than buốt xương da mình” (Phúc âm buồn), “Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình” (Tình xa), “Bỗng một hôm qua phố hoang tàn, tôi quen như tôi đã có lần” (Gần như niềm tuyệt vọng), “Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa” (Đêm thấy ta là thác đổ), “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không, bàn im hơi bên ghế ngồi, ngày đi đêm tới đã vắng bóng người” (Nghe những tàn phai).  

Ảnh thuvienhoasen.org trong "Cái Chết, Phật Giáo Và Chủ Nghĩa Hiện Sinh Trong Nhạc Trịnh Công Sơn"

Vì sao nhạc Trịnh cực nhạy với đề tài cái chết. Điều này vừa có căn nguyên sâu xa, vừa có căn nguyên nhãn tiền. Sâu xa là nhạc sĩ bị ám ảnh từ thuở bé trước cái chết bi thương của thân phụ mình (thân phụ nhạc sĩ mất vì tai nạn giao thông tại Quảng Trị). Nhãn tiền là nhạc sĩ phải chứng kiến cảnh chết chóc tang thương bởi chiến tranh thảm khốc.

Với cái nhìn thấu thị của một người đốn ngộ, Trịnh Công Sơn nhìn thấy trong sự sống đương độ sinh nở, sung mãn vẫn tiềm ẩn sự chết: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ” (Cỏ xót xa đưa), “Trong xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần như niềm tuyệt vọng).

Có cái chết đến đúng theo quy luật, theo hạn định của đời người: “Chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát bụi).

Có cái chết bất định, bất ngờ giữa cõi đời vô thường. Một vết mực nhỏ nhoi mà xóa một đời người (hồi trước, khi trong nhà có người mất, người nhà đến báo tang với người nắm hộ tịch để người này mở sổ, lấy bút mực dò tên người đã mất rồi xóa đi): “Ôi cát bụi phận này, vết mực nào xóa bỏ không hay” (Cát bụi).  

Có cái chết thảm thương tột cùng, chắc chỉ có trong chiến tranh Việt Nam, được nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn diễn tả với nỗi đớn đau, bi phẫn: “Một ngày mùa đông, hai bên là rừng, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần thịt da nát tan”  (Ngụ ngôn của mùa đông).  

Giữa những ngày Covid-19 hoành hành trên quả đất này, người đời sẽ thấy thấm thía hơn, bừng thức hơn về cái điều mà nhạc Trịnh đã thấu tỏ cực nhạy: “Một ngày còn sống chiếc bóng lung linh” (Vẫn nhớ cuộc đời)

Biết thế. Nhưng không hề tuyệt vọng. Điều đặc biệt là, trong cõi Trịnh, cái chết được coi như chuyện nằm mơ, chuyện thí dụ: “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh), “Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống này” (Rơi lệ ru người). Điều này thể hiện tâm thế chủ động của con người trước vấn đề nghiệt ngã vô cùng là cái chết. Rõ ràng, có suy ngẫm, trầm tư về cái chết, nói theo nghĩa triết học là có “ngộ” về sự chết mới biết sống, mới thực sự sống, sống với chữ Sống viết hoa (“sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi”), sống có chất lượng Sống, đó là thông điệp bất hủ của nhạc Trịnh.

Để chống chọi với tuổi già và cái chết ập đến, con người biết “thu xếp lại” cuộc đời, biết tận hưởng thời gian qua mau, biết sống có chất lượng hơn: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những lúc yêu người” (Chiếc lá thu phai). Và tình yêu, tình người là báu vật truyền đời mạnh hơn cái chết. Nên khi ở giữa vòng sinh tử, giữa “giòn vang tiếng cười”, bỗng nghe tiếng của buổi chia lìa  “điệu kèn ai buốt trong tôi”, nhạc Trịnh vẫn cất lên niềm yêu đời thiết tha, bên bờ vực của đau thương: “Mùi hương phấn người, một hôm nhớ lại, hẹn ngày sau sẽ mua vui” (Chiếc lá thu phai), “Trong gian nan nên cất tiếng cười” (Gần như niềm tuyệt vọng), “Dù còn phút cuối xin em nụ cười” (Vẫn nhớ cuộc đời) “Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm” (Hãy yêu nhau đi).  

Và như thế, nghe nhạc Trịnh, quả đúng như cảm nghiệm rất lạ của một nhà văn: Khi nghe bài hát “Một cõi đi về”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cảm thấy không sợ chết nữa. Nhạc Trịnh, với sức sống “vượt thời gian”, mãi ru đời, ru người, nhất là trong những lúc nghịch cảnh, bất an, vô thường, ủi an, chia sẻ, gieo niềm tin yêu, hy vọng vào cái Đẹp, vào chữ Tâm, vào Ngày Mai Quê Hương Sáng Chói!

 

 NGUYỄN HOÀN