THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (KT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

22 tháng 3, 2010

Chương IV

GIÁO HỘI TRONG KHÁNG CHIẾN

(tiếp theo)

5 - NHỮNG CUỘC ĐỤNG ĐỘ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Cuộc đụng độ đầu tiên giữa chính phủ Hồ Chí Minh và Giáo hội đã xảy ra vào dịp có cuộc cải cách ruộng đất. Như đã thấy ở chương trên, dưới thời thực dân, Giáo hội là một nhà đại gia chủ. Hơn nữa, cuộc cải cách ruộng đất này hầu như chỉ đụng tới Giáo hội Công giáo, bởi vì từ thời thực dân cho tới năm 1954, Giáo hội Công giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất có pháp nhân và được quyền sở hữu.

Cần ghi nhận rằng Việt Nam là một nước chủ yếu nông nghiệp. Tám mươi phần trăm dân số là nông dân và chỉ sinh sống nhờ thu nhập từ nông nghiệp. Thế nhưng, có tới 61,5% nông dân không hề có được một tấc đất.

Nhằm áp dụng chính sách «người cày có ruộng» và nhằm đảm bảo điều kiện sinh nhai tối thiểu cho mỗi người dân, chính phủ Hà Nội đã tiến hành phân bố lại đất đai nhờ việc trưng thu của thực dân, của Giáo hội (đồng thời vẫn để lại cho Giáo hội một phần đất đủ lo việc thờ tự và bảo đảm đời sống cho các giáo sĩ), các địa chủ và phú nông (nhà nước trả cho những người có tinh thần dân chủ, kháng chiến và không phản động những khoản bồi thường dưới dạng công trái, có tiền lời hằng năm là 1,5%).

Cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành một cách máy móc, do những cán bộ thiếu kinh nghiệm, với các tòa án đặt biệc về cải cách ruộng đất, gây ra nhiều điều sai phạm. Do đó mà nhiều người đã bị oan ức.

Chính phủ đã sớm thấy các điều sai sót đó và đã nhận lỗi. Ngày 17-8-1946, cụ Hồ Chí Minh thừa nhận: «Trong việc thực hiện thống nhất lại các vùng nông thôn, đã xảy ra những điều sai sót... Đảng vá Chính phủ đã nghiêm túc sửa chữa những thiếu sót đó và đã vạch ra một chương trình chỉnh đốn lại.

«Những người bị qui thành phần địa chủ và phú nông không đúng, phải được phục hồi lại cho đúng qui cách. Các đảng viên, cán bộ và nhân dân đã là đối tượng của việc xét xử sai lầm, phải được phục hồi lại trong các chức vụ và quyền lợi của họ và danh dự của họ phải được công nhận lại... »

Nhưng việc đó quá trể, nên không ngăn chặn kịp sự tức giận của dân chúng. Tháng 11 năm 1956, nông dân Nghệ Tĩnh đã nổi loạn. Cụ Hồ Chí Minh đã phải bãi bỏ các tòa án đặc biệt, bãi miễn chức vụ của ông Trường Chinh và những người có trách nhiệm về sự thất bại nói trên. Tiếp đó, một «chiến dịch sửa sai» được phát động.

Trước Cải cách, đất trồng trọt miền Bắc được phân phối như sau:

THÀNH PHẦN

DIỆN TÍCH MẪU

TỈ LỆ % SO VỚI TOÀN DIỆN

Thực dân Pháp

15.952,05

1

Giáo Hội

23.928,07

1,5

Đất công và bần công

398.801,25

25

Địa chủ

390.825,22

24,5

Phú nông

113.259,22

7,1

Trung nông

462.520,50

29

Bần nông

169.520,50

10

Bần cố nông

17.447,25

1,1

Những lao động khác

12.461,64

0,8

Theo báo Nhân Dân ngày 13-8-1967, thì 30% nông dân kết án địa chủ không đúng. Theo G. Chaliand (Nông dân Bắc Việt và chiến tranh) thì «những sai lầm có thể do hai vi phạm về chính sách:

─ Những tiêu chuẩn qui định thành phần đã không được tuân thủ. Cho nên phú nông bị cho là địa chủ, trung nông bị liệt là phú nông và cả người bần nông cũng bị đánh. Có những địa chủ yêu nước đã bị ngược đãi như địa chủ phản quốc.

─ Đã có những vi phạm do tín ngưỡng trong các vùng có đông Công giáo và khẩu lệnh về cải cách ruộng đất đã được áp dụng máy móc tại những vùng dân tộc thiểu số.

Trong số những nạn nhân của sai lầm về về cải cách ruộng đất như Bác đã nói rõ, có đảng viên, có người gần gũi với chế độ và khỏi phải nói là có những người Công giáo, các Linh mục và cả Giám mục.

Trong vụ nổi loạn của nông dân tại Nghệ An xảy ra ngay sau đợt «sửa sai», giáo dân Quỳnh Lưu, địa phận Vinh, đã đòi tự do cho những giáo sĩ đã bị bắt giữ, phục hồi danh dự cho các linh mục và giáo dân đã bị hành hạ phỉ báng trong cải cách, hoàn lại của cải cho địa phận và các xứ đạo đã bị chính phủ tước đoạt hoặc tịch thu. Trước những sự kiện đó, Ủy ban Liên lạc Công giáo đã họp tại Hà Nộ từ 14 đến 16-11-1956 và trong bản tuyên bố bế mạc, đã không ngần ngại phê phán những sai lầm của các cán bộ thực hiện cải cách ruộng đất: «Những sai phạm trong cải cách ruộng đất đã vi phạm chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng Lao Động và của Chính phủ và chà đạp lên các quyền linh thiêng của tín hữu».

Phái đoàn của Ủy ban đã được cụ Hồ Chí Minh tiếp và Người đã biểu lộ sự chân thành buồn tiếc về những sai trái xảy ra, và để sửa chửa, Người quyết định cấp cho những khoản tiền quan trọng sửa chửa các nhà thờ và chủng viện lại. Sau khi đã sửa chửa những sai sót rồi, chính phủ không vì thế mà hủy bỏ nền tảng của chính sách xã hội của mình để hoàn trả lại Giáo hội các đất đai - phương tiện sản xuất - tương đương với 1,5% diện tích trồng trọt của toàn miền Bắc. Làm thế tức là lại tỏ ra bất công đối với đa số dân chúng chưa từng có được tất đất nào.

Trong việc áp dụng có sửa đổi cuộc cải cách ruộng đất, theo tinh thần sắc lệnh về tôn giáo (Điều 10) mỗi xứ đạo có linh mục được phân bổ cho trung bình một héc-ta, và mỗi xứ không có linh mục được trung bình từ 4 đến 5 sào. Cũng nên biết rằng, với tất cả thiện chí trên, chính phủ cũng chỉ có thể cấp cho mỗi đầu người bình quân 1 sào đất thôi, bởi vậy dân số miền Bắc là 13 triệu vào năm 1954, và 23 triệu vào năm 1973, còn diện tích đất có thể trồng trọt chỉ có 1605,305 héc-ta. (Nhờ nổ lực phục hóa đất bỏ hoang, năm 1973 diện tích đất lên tới 2 triệu héc-ta).

Cuộc cải cách ruộng đất, dầu có sửa chửa cho hết các điều sai sót đáng tiếc, thì cũng không làm vui lòng Giáo hội được, bởi vì Giáo hội coi của cải mình là «của thánh, bất khả xâm phạm». Người ta đồn rằng có giám mục đã công khai tuyên bố «giáo dân nào đã canh tác trên đất ruộng trước kia thuộc về Giáo hội, thì sẽ phải sa hỏa ngục đời đời», có linh mục từ chối không làm các phép «cho những ai ăn cướp trực tiếp hoặc gian tiếp đất đai thuộc về Giáo hội!»

Năm 1958, thủ tướng Phạm văn Đồng đã mời các Giám mục họp lại, để thảo luận với ông về vấn đề liên quan giữa Giáo hội và Nhà nước. Đức cha Trịnh như Khuê, giám mục Hà Nội, đã trả lời rằng, không có thể có đối thoại, bao lâu chính phủ chưa hoàn trả cho Giáo hội của cải đã tịch thu.

Sau cuộc cải cách, bà con nông dân đã được kêu gọi xây dựng hợp tác xã. Việc hợp tác xã hóa, một cách cần thiết trong một nước, mà năm 1954 đất đai bị chia nhỏ ra tột độ - 14 triệu mảnh ruộng có bờ ngăn - không sao đem cơ giới vào được, thì đối với lãnh đạo Giáo hội lại là một hình thức Cộng sản, bị Rôma lên án. «Với các hợp tác xã, của tư hữu sẽ không còn, đó là điều ngược với nguyên tắc quyền sở hữu mà thần học vẫn dạy». Thế là không sao tránh khỏi đụng độ giữa Giáo hội và Nhà nước. Có vị giám mục ra vạ tuyệt thông những giáo dân nào tham gia hợp tác xã, hay ít là từ chối không cho họ chịu các phép. Có linh mục dạy cho giáo dân rằng, hợp tác xã là hình thức canh tác ngược với luật của Giáo hội. Do vậy, người ta thấy giáo dân tham gia hợp tác xã chậm hơn người bên Lương. Chính quyền địa phương cũng có ở đó một phần trách nhiệm, như Tạp chì Học Tập, tạp chí chính thức của Đảng Lao Động, đã đang tải một bài tự phê liên quan đến vấn đề đó.

«Tại một số nơi, tư tưởng giai cấp phong kiến, luật lệ khắt khe của một vài tôn giáo, cũng như những việc làm phản động tinh vi của một số kẻ đội lốt thầy tu, đã ngăn cản nhiều việc gây ý thức công và về việc làm chủ tập thể nơi nhiều giáo dân. Đàng khác, chính quyền và cán bộ có trách nhiệm bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, cũng có những sai phạm. Chẳng hạn nhiều đơn vị cơ sở chưa biết quan tâm nâng cao ý thức quyền làm chủ tập thể cho giáo dân, chưa biết giúp đở họ một cách cụ thể trong việc chống lại các lực lượng phản động trong Giáo hội, nhiều cán bộ có thái độ quan liêu hách dịch đối với dân chúng, có những thành kiến hẹp hòi và tỏ ra phân biệt đối xử những công dân thuôc một tôn giáo nào đó... Vì thế, muốn phát triển mạnh mẽ các quyền dân chủ của tín đồ, cần phải rõ ràng, phần đông dân có đạo đã tham gia các hợp tác xã nông nghiệp và chẳng qua họ là những xã viên hợp tác nông nghiệp có niềm tin tôn giáo. Do đó, ngoài các tự do dân chủ bình thường, một đàng phải bảo đảm quyền làm chủ tập thể của họ trong kinh tế, chính trị và xã hội như mọi xã viên nông nghiệp khác, và đàng khác, cần hiểu rõ các đặc tính riêng của những xã viên có đức tin và bảo vệ sự tự do tín ngưỡng của họ.

Thoạt nhìn, người ta khó thấy tại sao lại có vấn để xảy ra giữa các hợp tác xã và tự do tín ngưỡng. Và cũng có người lấy làm lạ khi nghe cụ Hồ Chí Minh tuyên bố năm 1962 rằng «các sinh hoạt tôn giáo không được gây hại cho sản xuất». Muốn hiễu điều này, cần phải sống, hoặc quan sát sinh hoạt thường nhật của người Công giáo Việt Nam. Dân chúng Công giáo Việt Nam thiết tưởng là quần chúng mộ đạo nhất thế giới. Hàng ngày họ đi dự kinh lễ sớm chiều rất đông và thích rước kiệu, làm tuần tam nhật và làm nhiều việc đạo đức sùng kính khác, không những vào ngày chủ nhật, mà cả các ngày trong tuần. Tại các họ đạo nông thôn, kinh lễ buổi mai kéo dài hai ba giờ, cuộc rước dài cả buổi, cũng như các tuần Tam Nhật, thường cản trở việc sản xuất của hợp tác xã, vốn theo một lịch trình khoa học hơn. Vì thế, trong các báo chí Hà Nội, những linh mục quản xứ nào mà rút vắn giờ lễ, hoặc đổi giờ làm lễ và chầu Thánh Thể, để giáo dân tiện việc lo sản xuất, thì bị tiếng là yêu nước và cấp tiến. Có những linh mục bảo thủ còn chỉ trích các hợp tác xã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của xã viên, vì bắt buộc họ phải đi lao động vào các giờ, lẽ ra họ phải đi lễ hay đi đọc kinh.

6 - TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI

Trong lãnh vực tài sản của Giáo hội, còn có một đụng độ khác đào rộng theo cái hố ngăn cách giữa Giáo hội và Nhà nước. Trong cuộc cải cách ruộng đất, chính phủ chỉ trưng thu các tư liệu sản xuất, còn các loạt bất động sản và động sản khác, như nhà thờ, chủng viện, tòa giám mục, nhà xứ, nhà hội, bàn ghế, đồ thờ, áo lễ thì không bị đụng tới. Nhiều Giám mục và Linh mục căn cứ vào pháp luật bảo vệ các cơ sở tôn giáo, nên ra sức bám giữ các của đó một cách quá sốt sắng. Về vấn đề này, chúng tôi ghi lại đây những gì đã biết trong chuyến về thăm miền Bắc Việt Nam:

Khi về thăm Nam Định, một thành phố bị tàn phá đến 80% do bom đạn Mỹ, tôi trông thấy hàng ngàn cháu phải học hành trong những mái nhà tranh dược dựng sơ sài, bên cạnh tòa nhà hay lầu lớn bỏ không. Mấy nhà này là Đại chủng viện Thánh Anbé trước kia, trường Thánh Tôma và nhà xứ Khoái Đồng. Cảnh đối chọi càng nổi rõ hơn, và cả nhà trường bằng tranh kia (mái tranh vách đất) đang bị đe dọa vào mùa mưa, còn học sinh thì phải đi học ba ca vì thiếu chỗ, ca sớm, ca chiều và ca tối. Tôi hỏi ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tại sao không sử dụng các tòa nhà lớn bỏ không đó làm trường học. Ông trả lời tôi với cái mỉm cười lịch sự: «Các tòa nhà đó là của Giáo hội. Chúng tôi không dám đụng tới. Mặc dầu có tôn trọng các cơ sở như thế, mà chúng tôi vẫn bị mang tiếng là phá đạo. Nếu chúng tôi đem các cháu vào học trong đó, thì sẽ càng bị tố cáo hơn. Rồi ông thêm: «các ngôi nhà đó bắt đấu hư hỏng rồi. Tuy vậy, Giáo hội vẫn từ chối không cho mượn, dầu là làm bệnh xá, chưa nói đến chuyện cho những người không có nhà vào ở».

Trong giáo xứ G.L địa phận Bùi Chu, bên cạnh nhà thờ, có một nhà hội lớn xây bằng gạch bỏ không hoài đấy. Năm 1972, Ủy ban xã quyết định mở thêm các lớp trung cấp cho hết hệ 10 và đã đến xin mượn nhà hội đó cho các em học đỡ, đang lúc chờ xây nhà mới. «Nhà hội, nhà xứ chỉ được phép cho sinh hoạt thuần túy tôn giáo thôi». Và điều trớ trêu là 75% các em học sinh là con nhà Công giáo».

Về việc sử dụng các cơ sỡ tôn giáo - nhà thờ, nhà nguyện, nhà hội, sân nhà thờ - trong một thư mục vụ đề ngày Lễ Thánh năm 1961, Giám mục Thái Bình đã ra vạ tuyệt thông tức khắc cho các linh mục, giáo dân nào sử dụng, hoặc cho phép sử dụng, hoặc cho mượn các cơ sở đó và những sinh hoạt không trực tiếp liên hệ tới việc thờ phụng. Giám mục đó đã phạt vạ nhiều người chức việc giáo xứ, vì đã cho hợp tác xã phơi lúa trên sân nhà thờ. Trong một thư chung ngày 1-1-1973, giám mục ấy còn lặp lại lệnh cấm đoán đó và cả vạ tuyệt thông.

Trong các vụ ném bom tàn bạo nhất của Mỹ, người ta mong được các giám mục cho nhờ các tòa Giám mục rộng lớn, các nhà chủng viện, để chứa những nạn nhân bị bom, hoặc những người đã cháy mất nhà cửa hay là bị thương.

7 ─ CÁC CỐ THỪA SAI

Ngoài việc trưng thu đất ruộng nhà chung, còn một số dữ kiện góp phần cho các vị lãnh đạo Giáo hội tin rằng chính phủ không chịu tôn trọng tự do tín ngưỡng và thờ cúng, như Sắc lệnh 14-6-1955 đã đảm bảo. Chẳng nói gì những sai phạm hồi cải cách ruộng đất, mà nạn nhân không những là các địa chủ, mà cả nhiều cán bộ của Đảng và ủy viên các Ủy ban hành chánh, cần nhắc lại việc từ chối không gia hạn cư trú cho hai Giám mục thừa sai và một tá linh mục thừa sai Pháp và Canada.

Chính sách «bài thừa sai» đó xảy ra 30 năm sau mối lo lắng của đức Piô XII, đã tiên đoán rằng có ngày những kẽ bị trị «sẽ trục xuất khỏi nước họ binh lính và thừa sai, để xác lập chủ quyền của họ trên đất nước mình (Rerum Eeclesiae)”. Đàng khác, quá khứ không mấy vinh dự của hoạt động truyền giáo tại Việt Nam, nhưng trong tư tưởng các thừa sai thì lại nằm trong quĩ đạo của lịch sử.

8 ─ SỰ ĐÁP TRẢ CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC BÀN TAY ĐƯA RA

Khỏi cần nhắc lại rằng, những người kháng chiến bị hành hạ tại nhiều nơi do người Công Giáo, nhân danh tôn giáo, nhân danh cuộc thánh chiến chống Cộng. Cử chỉ hòa giải đầu tiên của Cụ Hồ Chí Minh là đã phải khóc khi có dịp dựa vào vai của Giám mục Trịnh Như Khuê. Sau đó, Cụ đã ra lệnh ân xá cho tất cả những người Công giáo đã từng cầm súng đánh Việt Minh. Nhằm tránh các vụ trả thù cá nhân hoặc tập thể những làng lương đối với các làng giáo đã từng được Pháp vũ trang để tiêu diệt Cộng sản, Bác đã phái tới các vùng Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình những toán cán bộ chuyên môn, để giải thích cho bà con bên lương chính sách khoan hồng và hòa giải của Chính Phủ.

Tại những làng mà cha xứ quá hung hăng đã hạ tượng Phật xuống và đặt tượng Chúa và Đức Mẹ lên thay thế, cán bộ Việt minh đã thuyết phục được người lương đừng phá các tượng của bên giáo, nhưng kêu giáo dân tới hạ tượng xuống và rước về nhà thờ mình. Các Linh mục, từng là cụ xứ - đại úy, vẫn được đứng đầu giáo xứ và tiếp tục được thi hành chức vụ, chỉ trừ một số ông đã phạm những tội ác quá nặng nề - như chôn sống du kích, bắn giết bừa bãi nam nữ và trẻ em - đã bị giam trong trại cải tạo. Nhờ một đường lối hết sức khôn ngoan, nhờ sự áp dụng rộng rãi ân xá, khá đông các Linh mục từng thề nguyền không đội trời chung với Công sản đã trở thành những người yêu nước. Việc mục vụ của các Linh mục ấy lại rất cần cho Giáo hội vì vụ băng hoại di cư 1954-1955. Muốn biết tình hình Giáo hội miền Bắc, chỉ cần xem bản liệt kê sau đây:


ĐỊA PHẬN

TRƯỚC DI CƯ

SAU DI CƯ

GIÁO DÂN

LINH MỤC

GIÁO DÂN

LINH MỤC

Hà Nội

200.000

168

150.000

53

Bắc Ninh

74.000

64

36.000

8

Bùi Chu

330.000

200

165.000

30

Hải Phòng

120.000

87

59.000

8

Hưng Hóa

78.000

54

71.000

30

Lạng Sơn

5.000

18

2.500

5

Phát Diệm

139.000

168

59.000

25

Thái Bình

160.000

92

80.000

13

Thanh Hóa

65.000

88

47.000

26

Vinh

219.000

188

177.000

120

TỔNG CỘNG

1.390.000

1.127

846.500

318

Bảng thống kê trên đây cho thấy rằng sau di cư, số Linh mục còn lại so với giáo dân rất thấp, nhất là tại các địa phận Thái Bình, Bùi Chu, Bắc Ninh, Phát Diệm, Hải Phòng. Cần thêm rằng, cuộc di cư đã bứng hầu như hết các nam nữ thanh niên, hầu hết các chủng sinh, chỉ trừ Vinh.

Để vá các lỗ trống và tái thiết Giáo hội và đáp trả bàn tay đưa ra của Cụ Hồ Chí Minh, lẽ ra Giáo hội phải có một đường hướng hòa dịu hơn. Tiếc thay, năm 1955, người ta vẫn sống trong bầu không khí chống Cộng của Piô XII, còn được hâm nóng lên bởi cuộc chiến «thế giới tự do» chống lại «thế giới Cộng sản». Theo đề xuất của khâm sứ Đu-lây, Rôma đã thay thế các mục tử bỏ chạy bằng các Giám mục có thể nói là không thân thiện gì với chế độ, cũng không cởi mở gì trong các vấn đề của Giáo hội sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa: Giám mục Phạm Năng Tĩnh, cựu thư ký và cánh tay phải của Giám mục Phạm Ngọc Chi, lãnh tụ của Đạo quân Công giáo Bùi Chu trước kia, hai vị cựu đại úy và hai nhân vật chủ chốt tổ chức di cư hồi 1954.

 Trong một nước bị chia cắt, mà đế quốc Mỹ chi phối mạnh mẽ cả miền Nam, cử chỉ nói trên của Vatican là vụng về, nếu không muốn nói là thù địch, khiến Hà Nội phải cảnh giác, đối với Hàng Giáo phẩm, nhất là từ 1961. CIA tăng cường các hoạt động bí mật chống phá miền Bắc bằng cách gởi ra Bắc các toán biệt kích, gồm hầu như toàn người Công giáo gốc miền Bắc di cư vào Nam. Kế hoạch thả truyền đơn nhằm tuyên truyền chống Cộng, thả dù những toán phá hoại và dò thám, đã được Ken-nơ-di (Kennedy) phê chuẩn ngày 23-4-1961, như tài liệu mật Lầu năm góc đã tiết lộ. Tài liệu này còn trình bày chi tiết hơn các «hoạt động dưới nước, các hoạt động tâm lý chiến và các hoạt động thả dù» thực hiện năm 1964, sử dụng ưu tiên người Công giáo, các cựu chủng sinh, để dể tiếp xúc được với các cha xứ và giáo dân miền Bắc. Theo nguồn tin Bắc Việt, các hoạt động đã bị thất bại, vì người dân Công giáo ở miền Bắc đã ý thức hơn và không để mắc bẫy đế quốc như hồi 1940 nữa. Phần lớn các toán biệt kích nhảy dù hoặc đổ bộ đã bị bắt, chính bà con Công giáo đã giao nộp lại cho công an. Tuy nhiên, thái độ của hàng Giáo phẩm và một phần giáo sĩ vẫn không được rõ ràng.

Bài báo Học Tập được nhắc tới trên kia ghi nhận lại tình hình như sau:

«Nói chung, các Giáo hội Phật giáo, Cao đài và Tin lành đều thống nhất về quan điểm chính trị với đa số tín đồ của họ, phát triển ngày càng tốt lòng yêu nước và ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Tại nhiều tỉnh, huyện hoặc giáo xứ, bà con Công giáo cùng với những người phụ trách và các linh mục yêu nước đã xây dựng giáo hội địa phương của họ phù hợp với luật pháp Nhà nước» và đã có những sinh hoạt yêu nước. Nhưng, tại một vài nơi, Giáo hội Công giáo chưa cùng đứng về một phía với giáo dân trong con đường cách mạng, một số phần tử xấu trong Giáo hội vẫn còn lợi dụng cách sinh hoạt tôn giáo, để ngăn cản giáo dân tham gia các phong trào và tổ chức cách mạng».

Từ 20 năm nay, Giáo hội miền Bắc giống như một tấm vải, trên đó sợi ngang thì mới mà sợi dọc thì cũ. Nhiều vị lãnh đạo Giáo hội đã thưởng thức quá lâu thứ rượu cũ dành riêng cho giai cấp ưu đãi, nên khó mà vui lòng với thứ rượu mới chung với toàn dân. Các vị lãnh đạo Nhà nước, tại nhiều cấp, là những người đã từng chịu cơ cực qua nhiều trong quá khứ, đã từng nếm mùi cay đắng ghê gớm của chủ nghĩa chống cộng, nên khó mà quên nhanh được. Hơn nữa, nguy cơ của thực dân, không phải là chuyện quá khứ có thể bỏ qua luôn, nhưng nó còn là chuyên trước mắt, chính phủ nào cũng lo ngăn ngừa. Việc từ chối gia hạn cư trú cho thừa sai nước ngoài - tuy có thể bàn cãi về cách xử sự riêng với ca này ca nọ - việc giới hạn tự do đi lại của các Giám mục và một số Linh mục, đều là hậu quả của một bối cảnh lịch sử.

Một nhân chứng từng trải các vấn đề miền Bắc nói với tôi: «Việc thành lập tại miền Nam các toán biệt kích Công giáo theo hướng «Bắc tiến», những cuộc viếng thăm qua lại của Hồng y Xpenman, việc Vatican công nhận Ngô đình Diệm, tất cả những điều đó lộ ra một thái độ hàm hồ dị nghĩa, hay đúng hơn, thiên vị của Giáo hội. Tại miền Bắc, hồi còn khâm sứ Dulây và sau đó, hàng Giáo phẩm vẫn tiếp tục áp dụng nghiêm nhặt thư chung 1951, tuyệt thông với Cộng sản, từ chối bí tích cho người kháng chiến chống Pháp và những người Công giáo tham gia hợp tác xã, hoặc hợp tác với chế độ. Tệ hơn nữa, tại một số địa phận, các Giám mục còn từ chối không làm các phép cho cha mẹ nào gửi con đi học trường công».

Từ lúc Mỹ bắt đầu các cuộc ném bom ào ạt năm 1965 cho tới khi chấm dứt và cuối tháng chạp 1972, Giáo hội chính thức đã giữ im lặng một cách kỳ lạ, mặc dầu nhiều thành phố làng mạc bị tận diệt, mặc dầu nhiều nhà thờ, chùa chiền, nhà thương, bệnh viện bị tàn phá, hàng ngàn người vô tội bị giết. Một số Giám mục còn nói rằng nếu Mỹ có ném nom nhà thờ (575 nhà thờ bị phá hủy hoặc hư hại) thì đó là do chiến thuật của Cộng sản dùng bom Mỹ để phá tôn giáo (1). Phải chăng họ hy vọng rằng, những «toán Công giáo Mỹ» đến dùng vũ lực để giải thoát họ khỏi ách Cộng sản như Giám mục Puginê và Pelơranh thế kỷ 19? Phải chăng họ đã quá tin vào các buổi phát thanh của các đài «Tiếng nói tự do» và nhiều đài «đen» khác do CIA thiết lập để loan báo mỗi ngày cho họ rằng giờ giải thoát đã gần? Chẳng biết nói rằng đúng hay nói rằng không?

9 ─ NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN THỨ HAI

Điều chắc chắn là từ sự cố Vịnh Bắc Việt năm 1964 và những trận ném bom trả đủa đầu tiên của Mỹ, toàn miền Bắc được đặt trong tình trạng báo động. Cuộc tấn công xâm lược của Mỹ, trái với sự tính toán của mật vụ Mỹ, đã đẩy thành phần Công giáo hòa nhập với cả nước vì sự sống còn của Tổ quốc, như Davit Sơnbrăn (Sonrun), Đanien Berigan (Berrigan) và các nhà quan sát nước ngoài đến thăm Hà Nội trong thời gian Giônxơn (Johnson) cho ném bom, đã ghi lại, và như các tờ báo miền Bắc kể cả tờ Chính Nghĩa của Ủy ban Liên lạc Công giáo cho thấy.

Thành phố Hải Phòng tan hoang dưới bom Mỹ - Ảnh tài liệu

 

Một số giáo xứ đã lập tức hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ Chí Minh. Những người khác sau này cũng đã thức tỉnh, khi thấy máy bay Mỹ ném bom bừa bãi, bất kể chùa chiền nhà thờ, bệnh viện và toà Giám mục. Linh mục Trịnh minh Giá, cụ già thất tuần của Phát Diệm đã nói: Qua những cơn thử thách gian truân, chúng tôi nhận thấy hàng Giáo sĩ nói chung là đi sau quần chúng giáo dân và các Giám mục thì đi sau Linh mục. Đó chẳng phải là bước đầu của một biện chứng trong khái niệm chân thực về Giáo hội, nghĩa là sự thức tỉnh của Giáo hội từ cơ sở đi lên? (Chính Nghĩa 18.10.1973).

Đúng thế, thời gian 8 năm trời, người Công giáo đã xả thân đi vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng hăng say như mọi thành phần khác. Chứng cớ là người Công giáo đã được biểu dương và tặng nhiều huân chương trong lãnh vực này. Chẳng hạn, trong địa phận Phát Diệm, 6.000 gia đình Công giáo đã được công nhận là gia đình gương mẫu, 3 xứ đạo và 14 công đoàn tín hữu không có Linh mục đã được biểu dương là tiên tiến. Muốn làm một gia đình gương mẫu, tất cả mọi người trong gia đình phải thật xuất sắc trong kháng chiến, trong sản xuất và trong tác phong đời sống. Muốn cho mội Giáo xứ được kể là tiên tiến phải có 60% gia đình xứ đạo đó hay của họ đạo là gương mẫu. Trong vùng Hà Nội, người ta tìm đếm được 1.463 gia đình gương mẫu và 25 giáo xứ tiên tiến. Trong bà con Công giáo, cũng có những anh hùng nhân dân, một danh hiệu rất cao quí, cả nước chỉ có mấy chục người được tặng danh hiệu đó.

Xứ đạo được nhiều bằng khen nhất là Kẻ Sặt, địa phận Hải Phòng, với ba huân chương về sản xuất và chiến đấu, một huân chương về ủng hộ Mặt trận Giải phóng, hai huân chương chiến đấu do chính Cụ Hồ Chí Minh đề bạt cho hai thiếu nữ đã bắn rới máy bay Mỹ. Nhiều Linh mục đã được gắn huy chương Kháng chiến chẳng phải vì họ đã cầm súng tham gia trực tiếp chiến đấu, nhưng vì đã nâng đỡ tinh thần giáo dân để họ kiên trì kháng chiến. Quả vậy, trong chiến tranh nhân dân, không có sự khác biệt giữa người chiến sĩ ngoài mặt trận và những người đứng ở phía sau.

Trong cuộc chiến mà lực lượng không cân đối giữa Mỹ và Việt Nam, các Giáo hội Phật Giáo, Tin Lành và Cao đài có nhiều tín đồ dũng cảm tham gia kháng chiến. Chỉ có Giáo hội Công giáo, đã im lặng. Hàng giáo phẩm phải chăng quan niệm sự sống còn của đất nước là một vấn đề không liên can gì tới đời sống Kitô giáo? Hay là Giáo hội cơ cấu lo sợ phải hợp tác với Cộng sản, sự hợp tác bị Vatican cấm đoán theo Sắc lệnh ngày 1.7.1949 và bị lên án bởi Thư chung các Giám mục năm 1951?

Nếu chính phủ miền Bắc buồn phiền vì sự im lặng đó, nhưng vẫn tôn trọng sự tự do thờ tự và vẫn cấp ngân khoản cho Giáo dân xây dựng lại, hoặc gây hư hại. Tháng 3-1971, tại Hà Nội có lễ phong chức cho Linh mục Nguyễn Năng làm Giám mục địa phận Vinh, có hàng chục ngàn giáo dân và đông đảo Linh mục tới tham dự. Nhà thờ Chánh tòa Hà Nội lại có những cuộc lễ long trọng như những năm trước chiến tranh. Sau lễ truyền chức, Giám mục mới đã được thủ tướng và một phái đoàn đại biểu Quốc hội chính thức tiếp đóm. Cử chỉ đó cho thấy Chính phủ vẫn đặt nặng việc làm cho người Công giáo tham gia cộng tác vào chuyện chung, nhất là địa phận Vinh, nằm trên vĩ tuyến 17, là địa phận đã bị bom đạn tàn phá nặng nề nhất nhà thờ chánh tòa, tòa giám mục, chủng viện đã bị phá sập tan tành.

10 ─ THÁNH LỄ VÀ RƯỚC KIỆU

Tại miền Bắc Việt Nam, việc giữ đạo vượt xa các cộng đoàn tín hữu lâu đời của châu Âu. Việc giữ đạo này gồm chủ yếu việc đi lễ đông đảo, đọc kinh chung cả sớm và tối, rước kiệu, các tuần Tam Nhật và các việc đạo khác có nguồn gốc từ truyền thống trung cổ của Tây Ban Nha. Đức tin trung cổ, đúng là tiếng phải dùng để nói và kiểu giữ đạo ở đây, nhung một nhà báo của tờ LaCroix đã nói năm 1955, khi tìm ra một tiếng phù hợp với thực tế: cả một loạt những nhà thờ khổng lồ mọc lên ở giữa một rừng nhà tranh rách nát tồi tàn. Ông đã kết luận: «Đạo Công giáo Việt Nam có nhiều phương tiện thật giống như Giáo hội phương Tây thời Trung cổ. Hay nói đúng hơn, nó giống như một cơ cấu truyền thống của xã hội ở đây, nơi nó được trồng cấy vào. Chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam hoàn toàn không phải chỉ là một mớ lý thuyết Trung cổ lỗi thời. Có lẽ phải nhìn ra chỗ yếu thật sự của Giáo hội Công giáo Việt Nam là sự co cụm và thiếu cởi mở». Nếu nhà báo đã thăm Bắc Việt 28 năm sau, và nếu ông lại đi dự thánh lễ, rước kiệu, ông sẽ kinh ngạc nhận thấy rằng, mặc dầu đã có đảo lộn xã hội do cách mạng xã hội chủ nghĩa tạo ra, đạo Công giáo Việt nam đã chẳng thay đổi mấy về lãnh vực này.

Trong thời gian có ném bom, thường thánh lễ được cử hành ban đêm, đôi khi phải làm trong hang động, trong hầm núp được biến thành nhà thờ và những nhà này bao giờ cũng chật người. Khi đã dứt các cuộc ném bom, đời sống trở lại bình thường, sau đó các nhà thờ lại đầy cứng người đi lễ. Nếu anh về thăm Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm cả sớm lẫn chiều, anh sẽ được nghe chuông đối đáp nhau vang khắp cả vùng như dội lại tiếng kinh chung tại các nhà thờ. Đọc kinh dài, đó là một chuyện thành như thần thoại cổ truyền. Ngày thường, nó dài chỉ ít cũng hai giờ, ngày chủ nhật và ngày lễ ít ra cũng ba giờ mới xong.

Trong chiến tranh, chính quyền đã yêu cầu Công giáo ngưng việc rước kiệu. Sau hiệp định Pari, các cuộc rước kiệu lại tái phát cách long trọng như thường, nhưng giới hạn tự do rước kiệu này mà một số Giám mục và linh mục nghĩ rằng Nhà nước cấm đoán tự do thờ tự.

Việc rước kiệu đã được qui định bởi các sắc lệnh ngày 10.5.1957 và 14.6.1957, theo đó, các cuộc biễu thị tín ngưỡng được tự do tổ chức trong các nơi thờ tự, còn ra ngoài thì phải xin phép, ít ra phải được sự đồng tình của chính quyền địa phương. Một số lãnh đạo Giáo hội coi những giới hạn đó là vi phạm tự do biểu thị lòng tin? Một ít người vẫn nuối tiếc thới xa xưa, khi các cuộc rước linh đình được tổ chức trên các đường phố, đường làng tùy thích của người Công giáo. Vài người thèm thuồng nhìn vào miền Nam, vì ở đấy có những cuộc rước khổng lồ được tổ chức với sự giúp đỡ của nhà nước hay quân đội, thướng có cả trung tá tỉnh trưởng hoặc quận trưởng dẫn đầu Giáo sĩ đi cuối, chiếm lĩnh đường phố hàng giờ. Đối với đạo Công giáo Việt Nam bảo cổ, hình như vẫn có sự đụng chạm nổi ra giữa Nhà nước và Nhà thờ chung quanh một vấn đề mà bên phương Tây không còn nữa. Đọc một bức thư chung mới đây thôi - 1.5.1987 - chúng ta có thể hiểu được cái giá của tự do thờ tự tại Bắc Việt: Theo tình hình hiện nay, khiến anh em không nên tổ chức rước kiệu ra bên ngoài các lối đi xung quanh nhà thờ hoặc sân nhà thờ. Tổ chức ra ngoài ranh giới đó, tức đã ra khỏi nơi thờ tự điều mà luật pháp Nhà nước cấm. Anh em sẽ gặp khó khăn nếu không xin phép chính quyền. Hơn nữa, xin phép hoặc thông báo như thế thì không xứng đáng với Thượng đế vốn thực chẳng cần gì các cuộc rước đó.

«Tốt hơn là hãy tuân thủ luật pháp và chỉ đi kiệu trong nơi thờ phượng. Mà luật pháp thì nói: «Trong các ngày lễ thông thường và trong nơi thờ tự». Trước hết là nơi thờ tự chứ không phải «nhà thờ». Tiếp đến, đây nói về các lễ thông thường và tất cả những gì không bị cấm trong các cuộc lễ thông thường đó thì kể như được phép, như hội kèn đồng, âm nhạc, trống chiêng, múa v.v... Nếu chúng ta sử dụng các thứ đó, thì không ai có thể tố cáo là «qua mặt chính quyền» bởi vì mọi sự đã được pháp luật cho phép làm. Tuy nhiên cần phải theo lời dạy của Chúa Kitô, rằng chúng ta phải «đơn sơ mà khôn ngoan». Vì thế, ở đâu có khó khăn hoặc nguy hiểm thì hay hơn là đừng sử dụng các khí cụ nói trên, thay vì đi xin phép hoặc thông báo. Lý do như đã nói trên kia.

«Anh em thân mến, chúng ta là Công giáo, nhưng chúng ta cũng là công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chúng ra phải giữ luật kể trên, bởi vì luật đảm bảo «tự do tín ngưỡng». Tự do tín ngưỡng có nghĩa là tự do biểu lộ ra ngoài tôn giáo của chúng ta, nếu không thì luật kể trên vô ích».

Qua nội dung và từ ngữ của Thư chung đó, chúng ta hiểu được sự căng thẳng chưa được hòa dịu liên quan đến rước kiệu.

Đối với việc đọc kinh chung cũng thế. Nhằm cổ vũ việc hòa hợp giữa những người dân khác nhau về tôn giáo, chính quyền đã cho giáo quyền biết nên bỏ đi một đoạn kinh vốn làm cho người ngoài Công giáo khó chịu, chẳng hạn đoạn sau đây «Ai là người tốt, ai là kẻ xấu? - Tốt là người Công giáo có đức tin, có hành đạo, xấu là những người ngoài Công giáo và những người Công giáo mà không giữ đạo» (và kẻ xấu bị án phạt lửa hỏa ngục đời đời) hoặc kinh «Cầu cho dân ngoại trở lại», trong đó gọi người ngoại giáo kia là «những kẻ thờ ma quỉ và thần dữ» hay là các kinh Đức Mẹ Fatima, «cho Trái Tim Mẹ chiến thắng Cộng sản». v.v...

Thư trả lời của giáo quyền nói: «Không nên bỏ các kinh của Giáo hội». Giám mục Thái Bình còn đi xa hơn nữa, trong thư chung ngày 07.12.1971, «Kẻ nào cấm đọc những kinh đó không được chịu các phép, trừ phi kẻ ấy đền tội xứng đáng và phải xưng tội công khai để xóa gương mù».

Các kiểu tranh luận như thế chẳng giải quyết được vấn đề quan hệ giữa Giáo hội với Nhà nước. Giáo hội còn trách Nhà nước đã vi phạm tự do đào tạo Linh mục. Như chúng tôi đã ghi rõ trên kia, năm 1955, tất cà các chủng viện, trừ của địa phận Vinh, đều đã di cư vào Nam. Giáo hội miền Bắc phải bắt đấu lại từ số không, nhất là khi số giáo sĩ đã giảm đi nghiêm trọng, xuống còn 28% so với ngày trước di cư, không còn đủ sức đào tạo hữu hiệu các chủng sinh trẻ về văn hóa cũng như về tinh thần. Tuy vậy, số chủng sinh năm 1960 cũng lên tới 600. Dĩ nhiên đây là học sinh chủ yếu của các tiểu chủng viện, theo mẫu mực Công đông Tridentinô, trong đó chỉ lo học xong trung cấp và tiếng la tinh thôi. Cuộc tranh chấp nổ ra giữa các Giám mục khước từ chương trình của Nhà nước và Chính quyền dân sự tố cáo Giám mục dùng chủng viện để đào tạo những tên phản động. Cuối cùng, chỉ trừ địa phận Vinh, các giám mục đã ra lệnh đóng cửa lần lượt các chủng viện. Cuộc tranh chấp kéo dài cho tới 1973, khi một số chủng viện mở cửa lại, với một hình thức kiểm soát nào đó của Nhà nước. Muốn đi tới gốc của vấn đề, cần nhất trí rằng tất cả những chuyện đó chứa đựng tìềm tàng một vấn đề có tính chất chính trị hơn là tôn giáo. Quả thật cả hai phía đều muốn có những phần tử chắc và được đào tạo. Đối với Giáo hội, những «phần tử chắc» là những người «không bị tiêm nhiễm bởi Cộng sản dưới bất kỳ dạng nào, về giáo dục hoặc về tinh thần yêu nước», khiến cho những phần tử bị Nhà nước đánh giá là «phản động» thì được Giáo hội coi là tốt nhất, và ngược lại. «Đào tạo cho chắc chắn» nghĩa là một cuộc đào tạo 100% giống như dưới thời thực dân, cuộc đào tạo có nhiều mặt đáng phê phán trong một đất nước đang làm cách mạng.

 

 

(xem tiếp muc 11)...>>>

Trang Tôn Giáo