THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (KT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

18 tháng 1, 2010

Chương II

BINH THÁNH GIÁ, NẠN NHÂN CỦA ĐẠO QUÂN THÁNH GIÁ

1. THẬP GIÁ ĐI CHUNG VỚI NGÔI SAO HAY CHỐNG LẠI NGÔI SAO?

Sao vàng trên nền đỏ là quốc kỳ của nươc Việt Nam độc lập. Nhưng nền đỏ cũng chỉ cho hiểu rằng Mặt Trận Việt Minh chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam do Cụ Hồ Chí Minh, mà dân chúng thường gọi là Bác Hồ, đứng đầu chỉ huy.

Cụ Hồ Chí Minh, tự Nguyễn Ái Quốc, từ thuở nhỏ thiếu thời đã cống hiến đời mình cho một mục tiêu duy nhất là nền độc lập của Việt Nam. Trên cuộc hành trình đầy muôn vàn truân chuyên, vào tuổi 33, Người đã gặp được con đường Damas của mình: Muốn giải phóng quê hương, nhất thiết phải nhờ chủ nghĩa Mác-Lênin. Là một chiến sĩ yêu nước bất khuất, một nhà macxít hăng say, cụ Hồ Chí Minh đã lập ra Đảng cộng sản Đông Dương năm 1930 và mặt trân Việt Minh năm 1941, nhằm qui tụ tất cả những ai chiến đấu vì nền độc lập nước nhà không phân biệt đảng phái, tôn giáo.

Năm 1945, Người là Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Giám mục, linh mục và giáo dân Công giáo Việt Nam, tất cả đều ủng hộ Người. Cả thiên hạ, kể cả những kẻ thù lùc bấy giờ và sau này, đều thừa nhận rằng Bác Hồ là người vừa Quốc Gia vừa Cộng Sản. Nhưng kẻ thù của Bác và kẻ thù của nền Độc lập Việt Nam đã gặt được một cớ hay để chống lại Bác, rằng Bác là cộng sản. Như thế người cộng sản không yêu được tổ quốc và chiến đấu cho tổ quốc vậy!

Đối với giáo hội Công giáo, cụ Hộ Chí Minh đã tỏ ra hết sức có tình có lý. Chỉ hai tháng sau ngày độc lập, linh mục Lê Hữu Từ được phong làm đoàn chính phủ gồm 4 vị bộ trưởng đến tham dự, trong đó có những cán bộ cao nhất của Việt Minh là ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, và vị cố vấn tối cao của Người là cựu Hoàng Bảo Đại. Trong thư chúc mừng giám mục mới, người tỏ sự vui sướng vì «có một nhà lãnh đạo mới của người Công giáo đi theo chân đức Giêsu chịu đóng đinh hầu giúp giáo dân biết hy sinh và chiến đấu bảo vệ tự do và độc lập của đất nước». Ngày 25.2.1946, chính Người đích thân đi một mình không có đoàn bảo vệ, đến ngay Phát Diệm để long trọng tuyên bố: Từ nay, giám mục Lê Hữu Từ sẽ là «Cố vấn tối cao của Chánh phủ».

Nhưng năm 1946 là năm khó khăn nhứt trong biến chuyển của Cộng hòa trẻ tuổi này. Khai sinh từ cách mạng, nước Việt Nam lúc đó chưa có một cơ chế quốc tế nào. Tuy nó được quản lý bởi một chánh phủ gồm phần lớn là cán bộ Cộng sản. Việt Nam lúc đó chưa được một nước nào trên thế giới công nhận, kể cả Liên Xô mà đành tới ngày 30.1.1950 mới công nhận. Cụ Hồ Chí Minh đã phải thương lượng rất vất vả, sẽ lại chịu một vài nhượng bộ để đạt được cái hiệp định nghèo nàn ngày 6.3.1946, theo đó «Chính Phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nước tự do... ở trong liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp» và «Chính phủ nước Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đón tiếp thân tình quân đội Pháp» ở mạn Bắc vĩ tuyến 16.

Đối với Pari, hiệp định kể trên chỉ là cách cho phép họ đổ quân lên Bắc Việt hầu chuẩn bị việc tái chiếm toàn cõi Việt Nam, theo một kế hoạch đã vạch sẵn và được tiết lộ qua một thông tri của tướng Vanluy (Valluy), Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp, đề ngày 10-4-1946 rằng: «Kế hoạch ban đầu bao gồm, một đàng là công việc bảo vệ liên tục các trại đông quân vào thành phố... Một khi kế hoạch đó được thiết lập và triển khai những nét chính rồi, cần phải sớm bổ sung bằng cách nghiên cứu một loạt biện pháp nhằm mục đích thay đổi nó từng bước tuần tự và biến một cuộc hành quân thuần túy thành một cuộc đảo chánh».

Quân Pháp cố tình gây ra những đụng độ tại Hải Phòng (đàn pháo hạm đội của họ bắn như mưa vào thành phố, làm 6.000 người chết), tại Hà Nội và tại nhiều tỉnh, dẫn tới cuộc bùng nổ gây chiến toàn diện ngày 19-12-46.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của cụ Hồ Chí Minh để lộ rõ sự yếu kém về mặt quân sự của đất nước, đối diện với quân thù và sự quyết tâm của chính phủ không chịu nhượng bộ:

«Người có súng thì cầm súng, kẻ có gươm thì dùng gươm. Và nếu không có gươm thì dùng cuốc và gậy gộc. Mỗi người hãy đem hết sức mình đánh trả bọn thực dân để cứu lấy tổ quốc».

Đạo quân cách mạng hầu như chẳng có ai là sĩ quan chuyên nghiệp, nhà giáo dậy sử Võ Nguyên Giáp bỗng nhiên thành vị tổng tư lệnh. Và đối với nhiều người khác cũng thế: Mới hôm qua chỉ là chuyên gia, học sinh, công nhân, nông dân, nay trở thành sĩ quan và bộ đội.

Chính trong những năm khó khăn đó, các vị lãnh đạo cũng như lớp cán bộ cấp dưới, không sao tránh khỏi những vấp váp sai lầm, quân thù của chế độ tìm cách làm cho dân chúng mất lòng tin với chính phủ, nhất là đưa ra «nguy cơ đỏ» kích động người Công giáo. Cụ Hồ Chí Minh là một người cộng sản, nơi nơi cứ đồn ra như thế. Mà đối với đạo Công giáo thì Cộng sản là kẻ thù số một. Bởi thế, sớm muộn gì Cộng sản cũng sẽ tiêu diệt người Công giáo.

Ở một số địa bàn Công giáo tiêm nhiễm nội dung chống Cộng của thông điệp Divini Redemptoris của Piô XI, nên người ta phải sống trong một thứ hoang mang, thời gian để lại những hậu quả rất nghiệm trọng. Một vài lãnh tụ Công giáo đã vạch ra một đường lối xử thế, mà nhiều người rồi đây đã thấy là xảo quyệt gian manh.

Mgr. Anselm Tadeus Lê Hữu Từ, O. Cist.
Cố Giám Mục Phát Diệm, http://tinhthan.tripod.com/cgvn/hdgmvn/gmvn/dc-lehuutu.htmlTrước hết, họ lập ra cái gọi là Việt Nam Công giáo Cứu quốc: về mặt chính thức ở ngoài, tổ chức đó là một hiệp hội thành viên của mặt trận Việt Minh, nhưng nó lại không chịu Việt Minh lãnh đạo, mà chỉ có những quan hệ chiều ngang với mặt trận thôi. Hiệp hội này được nhà nước công nhận. Mục đích công khai của nó là chiến đấu chống ngoại xâm vì nền độc lập của tổ quốc, đồng thời bên trong nó lại chuẩn bị chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần. Một trong những sáng lập viên hiệp hội, sau này đã tuyên bố: «Chúng tôi đứng trong hàng ngũ Việt Minh cũng chẳng sao, bởi vì đối với bọn ma quái, để che mắt chúng mình phải làm trò ma quái. Điều quan trọng là liệu cho có được cơ chế hợp pháp, rồi mình cứ theo đuổi mục tiêu của mình».

Giám mục Lê-Hữu-Từ, trong ngày thụ phong, cũng đã đích thân nói xa gần với cựu Hoàng Bao-Đại rằng «Thưa hoàng thượng, Ngài có phương án bí mật nào chăng? Cứ thử đi, và chúng tôi sẽ đứng sau lưng ủng hộ Ngài." Bảo Đại thở dài: "trong điều kiện hiện nay, có thể lên phương án nào được? » Giám mục chưng hửng bèn đáp lại: «Ngài tầm thường quá! ».

Tuy vậy, giám mục Lê Hữu Từ đã chấp nhận vai trò «Cố vấn tối cao của Chính phủ» để, theo chính lời ông nói: «Có thể dùng gậy cộng sản đánh vào lưng cộng sản».

2 ─ HỒ CHÍ MINH VÀ LÊ HỮU TỪ

Sau khi đã vào chiến khu, cụ Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thư từ với một cố vấn tối cao của Người. Sau đây, là vài lá thư hết sức quan trọng:

«Thưa Đức Cha. Từ lâu tôi không được gặp Đức Cha, tôi buồn lắm. Từ ngày thực dân Pháp vi phạm các hiệp định đã ký, gây chiến tranh, toàn thể đồng bào ta đều một lòng đứng lên chống lại chúng để bảo vệ tổ quốc của mình. Lần này, như các vụ xảy ra ngày 6 tháng 4 và 14 tháng 9. Tôi tin rằng Đức Cha đã lấy tư cách công dân, cố vấn tối cao của chính phủ và là bạn thân của tôi, mà giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách của ta và khuyên bảo bà con can đảm tham gia công cuộc toàn quốc kháng chiến. Xin Đức Cha cầu nguyện cùng Chúa cho tổ quốc và xin nhận lời chào thân ái của tôi». (ký tên Hồ Chí Minh, ngày 23-1-1947).

Vào năm tháng cuối năm 1946, một vụ rắc rối xảy ra tại một số nơi giữa giáo dân cứu quốc và Việt Minh. Vài người Công giáo đã bị bắt giữ. Đáp lại một kháng thư của Lê Hữu Từ, cụ Hồ Chí Minh Viết: «Thưa Đức Cha, xin cảm ơn đức cha về bức thư của Ngài đề ngày 11-1-1947. Xin lỗi đức cha, tôi chậm phúc đáp đức cha, chỉ vì lúc này liên lạc khó khăn. Trong hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm hiến pháp và khiêu khích bà con Công giáo sẽ bị xử lý. Đức cha chưa bao giờ tin rằng Việt Minh bách hại công giáo, tôi dám chắc như vậy, bởi vì đức cha biết rằng Mặt trận Việt Minh tìm cách đoàn kết toàn thể đồng bào để lo cho nền độc lập của tổ quốc, chứ không phải gây chia rẽ hay là chống lại các tôn giáo. Về phần tôi, tôi không bao giờ tin rằng đồng bào Công giáo chống lại Việt Minh, đồng bào Công giáo tha thiết với nền độc lập của Tổ quốc và tự do tín ngưỡng thật đầy đủ; và tôi cũng tin rằng mọi người tuân theo khẩu hiệu «phụng sự Thien Chúa và Tổ Quốc». Những vụ đụng độ nhỏ giữa đồng bào với nhau là điều đáng tiếc, bởi nó xảy ra do thiếu giáo dục đạo đức và nhiệm vụ công dân, nhưng không thể làm hại tình đoàn kết của chúng ta. Như Đức Cha đã nhấn mạnh trong thư, tôi tin rằng vị cố vấn thân ái và đáng kính của tôi sẽ làm hết sức mình đã tạo sự hiệp nhất giữa mọi người, không phân biệt tôn giáo, nhằm chống lại bọn ngoại xâm. Xin đức cha cầu Chúa ban phúc lành cho đất nước ta, để cuộc kháng chiến của ta đạt thắng lợi. Thân ái kính chào» (Ngày 1-2-1947).

Các vụ «đụng độ nhỏ» mà Cụ Hồ Chí Minh nói tới đã không chấm dứt tại Phát Diệm, cũng như tại nhiều địa phận khác. Với khoảng cách thời gian, có thể nói rằng các vụ rắc rối đó có nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng chủ yếu là sự nghi kỵ lẫn nhau giữa chính quyền địa phương và những vị lãnh đạo tôn giáo ở cơ sở, và đàng khác cũng do quan điểm giáo điều, cho rằng bất cứ một sự sai phạm nào của phía Việt Minh thì đều được tính toán sắp xếp với ác ý từ trước.

Điều không thể hiểu và không thể tin được, là tư tưởng cho rằng Chính phủ Hồ Chí Minh, đứng trước sự đe dọa của một đạo quân nước ngoài vượt xa mình về hỏa lực cũng như về kinh nghiệm quân sự, mà lại cố tình gây ra những vụ bách hại tôn giáo, chỉ làm hoen ố tên tuổi của họ nơi dư luận quốc tế và quốc nội và chỉ làm giảm sút sức chiến đấu của nhân dân đi thôi. Đàng khác, xét theo phương diện con người, thì cũng không một chính quyền nào chỉ gồm những cán bộ tập sự, chưa được huấn luyện và chưa có kinh nghiệm, mà có thể hành động, nhất là ở cấp cơ sở, luôn luôn với đầy đủ sự khôn ngoan, tế nhị và hữu hiệu. Bởi thế, các vụ việc xảy ra tại Văn Hải, Phúc Nhạc, Tằng Điền, Bình Sa v.v.. chẳng qua chỉ là những chuyện rủi ro trên đường đi lên của một chính sách của Cộng sản chống phá tôn giáo. Song bọn thù nghịch vủa Việt Nam lợi dụng những sơ hở đó để tuyên truyền xuyên tạc, đôi lúc gây ảnh hưởng xấu tới những người Công giáo.

Một số thư Cụ Hồ Chí Minh gửi cho Giám mục Lê Hữu Từ, soi sáng giúp hiễu rõ chính sách tôn giáo của Người. Chẳng hạn những dòng sau đây: «Thưa Đức cha, xin cám ơn thư Đức cha gửi cho tôi đề ngày 17-2-1947. Tôi đã ra lệnh thả bảy người được Đức cha bảo lãnh. Về vấn đề Văn Hải, tôi sẽ làm như đã thống nhất với nhau: thả 3 người, giữ lại 4 người trong một thời gian. Dưới đây, tôi xin nói riêng cho Đức cha biết mấy điều: tôi hiện có trong tay một số tài liệu. Sau khi xem xét kỹ các tài liệu ấy, tôi nhận thấy có ba sự kiện sau đây: 1) Đồng bào Công giáo thù ghét bọn thực dân Pháp và họ rất có lòng yêu nước. 2) Họ cũng thù ghét Cộng sản. 3) Có những kẻ lợi dụng sự dể tin của một số đồng bào Công giáo, đã gieo rắc chia rẽ trong cách nói với họ rằng: «Chính phủ là Việt minh và Việt minh là Cộng sản».

Điều thứ nhất thì đã rõ, khỏi cần bàn vô ích. Điều thứ hai, chủ nghĩa duy linh và chủ nhĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế. Nhưng chính Ngài và tôi, chúng ra đồng ý với nhau rằng: trong một nước của mình, có sự tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, nhưng không được vu khống kẻ khác. Tự do tuyên truyền không phải là tự do vô lễ. Điều thứ ba, một đàng có những người Công giáo nhẹ dạ dễ tin: đàng khác, có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu kinh nghiệm. Những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên nhằm tạo ra một bầu không khí không lành mạnh. Nếu Chính phủ là Việt minh, thì tại sao lại có những bộ trưởng không thuộc đảng phái nào? Nếu chính phủ là Cộng sản, thì tại sao chúng ta lại có những vị tối cao cố vấn như Đức cha?

Đường lối và mục đích của Chính phủ có ba mục tiêu sau đây:

1. Giải phóng nhân dân khỏi đói, khỏi rét (khổ sở) và khỏi dốt.

2. Đem lại cho nhân dân sự tự do, tự do sống, tự do tín ngưỡng.

3. Bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Nếu Cộng sản mà thực hiện những việc nêu trên đây, tôi tin chắc rằng mọi người sẽ chấp nhận thứ Cộng sản đó. Kết luận: một đàng, chúng ta cần giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương chính sách của Chính phủ, như chính Đức cha đã làm. Đàng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ, như bản thân tôi cũng đang làm. Như vậy thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết toàn dân sẽ được thực hiện. Tôi kính chúc Đức cha mạnh khỏe và xin Đức cha nhận nơi đây những lời chào thân ái và những lời chúc tất thắng». (Hồ Chí Minh, ngày 2.3.1947).

Tái bút: «Từ sáng nay, bọn thực dân đã đẩy cuộc tấn công ra vùng ngoại ô, điều mà chúng tôi đã thấy trước. Tôi đã có dịp cho Đức cha thấy rằng trong giai đoạn đầu, chúng nó sẽ ra sức chiếm đóng cá thành phố và các trục giao thông, điều đó khiến chúng ta phải phân tán lực lượng ra và chúng ta sẽ dễ đánh du kích hơn».

«Những kẻ gây rối» mà cụ Hồ Chí Minh nói tới đây, sống đầy dẫy tại các vùng đông Công giáo như Phát Diệm và Bùi Chu. Họ nằm trong các đảng phái chống Chính phủ, như Duy Dân, Việt Quốc, Việt Cách, Dân Tộc, Xã Hội. Theo lời thú nhận của linh mục Đoàn Độc Thư, tổng tuyên úy Hội Công giáo Cứu quốc và làm giám đốc phòng thông tin của Liên đoàn địa phận thì «các đảng viên đó, có trình độ và dũng cảm hơn… nên giành được sự tín nhiệm của các vị phụ trách Liên đoàn các xứ và các hạt. Xoáy vào chủ nghĩa chống cộng, người Công giáo đã không phát hiện được mưu đồ bí mật của bọn họ. Dựa vào nhãn hiệu chống cộng, bọn họ đã lợi dụng danh nghĩa Liên đoàn để phạm tội ác, như sát hại cán bộ Việt minh… Khi các tội đó bị phát giác, những người phụ trách bên Công giáo mới té ngửa ra và phải gánh chịu tất cả trách nhiệm và hậu quả».

Giám mục Lê Hữu Từ cũng thừa nhận các sự kiện nói trên trong một Thư chung gửi cho các linh mục ngày 23 tháng 3 năm 1947, như sau: “Các cha biết một vài người cộng tác của chúng ta và nhiều giáo dân đã bị bắt và giam giữ nhiều ngày, vì họ đả bị nghi là đảng viên của các đảng phái chống Chính phủ. Nhiều người bị bắt do ông Huệ, một thầy giảng địa phận Thanh Hóa ẩn núp trong địa phận chúng ta, tung ra những tin đồn lung tung và thậm chí dám mạo danh tôi đánh lừa dân chúng. Cảnh sát truy nã ông ấy khắp nơi. Các cha đừng để nó tự do qua lại trong các xứ đạo của mình và nếu phát hiện thì hãy bắt và nạp giải cho tôi. Kẻ nào tiếp tục liên lạc với ông ấy, hoặc che giấu nó thì đừng phân bua rằng mình vô tội khi bị cảnh sát bắt làm khó dể. Hơn bao giờ hết, toàn dân phải một lòng đoàn kết chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để vấn đề các đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với các cha, lần này nữa, tôi xin các cha hãy nghe lời tôi

Trong cùng một thư đó, giám mục đã bảo các linh mục chớ nói đến chính trị trong các nhà thờ và cũng hãy cảnh giác đối với những người lạ mặt thường lảng vảng vào các xứ đạo để thám thính hay tuyên truyền ủng hộ Pháp. Bọn đó là những tên phản quốc.

Cụ Hồ Chí Minh có thành thật trong các thư Cụ viết, có thật tôn trọng tín ngưỡng và tin tưởng người Công giáo chăng? Không có một dấu hiệu nào cho phép trách được rằng Người nói dối. Suốt cuộc đời tham chính của Người, Cu Hồ là một người yêu nước trên hết mọi sự. Hơn nữa, trong bài viết cũng như trong bài nói. Ngưởi luôn luôn nhấn mạnh về thực tiễn mac-xít hơn là về biện chứng. Các lời lẽ Cụ phê phán Giáo hội không bao giờ chạm tới khía cạnh Đức tin, nhưng chỉ nằmg ở phạm vi các vấn đề cơ chế và chính trị.

Nhà Thờ Huyện Sĩ ở Sài GònTháng 7 năm 1924, tại Đại hội V Cộng sản Quốc tế, thanh niên Hồ Chí Minh lúc đó gọi là Nguyễn Ái Quốc, đã lên tiếng tố cáo chủ nghĩa thực dân bóc lột và vai trò của Giáo hội trong chuyện này. «Chỉ một mính Nhà chung Công giáo mà chiếm hết một phần tư đất trồng trọt Nam kỳ. Phương thế làm để chiếm hữu các đất đai đó rất đơn giản: là dùng tham nhũng, hối lộ và cưỡng ép. Đây là một vài ví dụ rõ ràng. Nhà chung lợi dụng khi mất mùa để cho nông dân vay tiền, rối bắt họ phải đem đất ruộng làm của cầm. Tiền lời cho vay rất nặng, nên con nợ sẽ không thanh toán nổi, khi tới ngày trả và như thế là đất cầm trở thành đất Nhà chung. Giáo hội không từ một việc nào để nắm được những giấy tờ hệ lụy bí mật và nhờ đó dọa dẫm các quan chức, bắt họ phải làm theo ý mình muốn. Giáo hội cũng liên minh với những tay tài phiệt để khai thác các vùng đất nhượng cho không và những thửa ruộng cướp được của nông dân. Giáo hội có người của mình nắm những vai trò thế giá trong Chính quyền thuộc địa…».

Ai cũng biết, những lời phê bình kể trên rất phải hợp với một phần sự thật, Pôn Mané (Pual Manale) trong cuốn «Pháp và Annam ở giữa hai lằn đạn» (Pari 1928) không nói ngược lại. Ông viết: «Mọi Nhà chung Thừa sai được tổ chức hùng mạnh tại Nam kỳ. Nhà chung rất giàu có, chiếm hữu nhiều vùng đất bao la và có nhiều bỗng lộc quan trọng tại phần lớn các xí nghiệp địa phương, nhờ những khoản tiền vốn Nhà chung bỏ vào đó, nhân danh Nhà chung hoặc phần nhiều là qua trung gian người thứ ba. Trong thời gian Pháp xăm lăng Việt Nam, Nhà chung đã đóng một vai trò quan trọng như ai cũng biết. Nhà chung đã biết tổ chức một hệ thống tình báo hoàn bị, cung cấp tin tức cho biết tất cả những gì liên hệ tới những con người, những công ty, những công cuộc, những hành động và phương án chính trị Đông Dương. Nhà chung đã đặt được người thân tín của mình vào tất cả các cơ quan, vào hầu hết các xí nghiệp, tại các trung tâm lớn cũng như tận cùng những tỉnh xa xôi…»

Trong một báo cáo mật gửi lên Toàn quyền Đông Dương, viên thông sứ Nam kỳ đã trình với quan Pháp rằng: «Không nên quên rằng từ những năm đầu trong cuộc chiếm đóng của chúng ta, Nhà chung đã giành cho được tại Nam kỳ những tài sản khổng lồ. Nhà chung có tất cả 28,500 hecta ruộng, không kể đất đai ở thành thị cũng như các bất động sản của cải khác. Tại miền Tây Nam kỳ, Nhà chung làm chủ những vùng đất lớn rộng tới ba bốn, hoặc sáu ngàn hecta». (Sàigòn 14-12-1934).

Thái độ thực tế của Cụ Hồ Chí Minh cũng lộ ra trong những buổi gặp gỡ, mà sự chân tình và tính khôi hài của Cụ luôn luôn đáng khâm phục.

Trong hồi ký của linh mục Cao Văn Luân, một người chống Cộng xác tín, xuất bản tại Sài Gòn, tác già thuật lại những lần ông được gặp Chủ tịch Hố Chí Minh, trong thời gian đầu của vị lãnh đạo Nhà nước ghé tại Pari, mùa hè năm 1946, nhân Hội nghị Phongtênnơnbờlô (Gontainebleau). Linh mục Luận lúc đó đang là tuyên úy các sinh viên công giáo tại Pari. Trong lần hội ngộ đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh nói với ông về lòng yêu nước của đồng bào Công giáo và về sự hòa hợp giữa các tôn giáo và chính phủ trong một nước Việt Nam độc lập, rồi Cụ nhận xét như sau: «Chúng tôi phải nói thật với ông rằng, trong Giáo hội Công giáo tại Việt Nam chưa có sự độc lập. Trên toàn quốc, có 15 địa phận, mà chỉ có hai địa phận do giám mục người Việt coi sóc, còn tất cả các địa phận khác đều ở trong tay người nước ngoài. Tôi nghĩ rằng những linh mục trẻ tuổi như ông phải hành động một trật với chúng tôi, là đòi cho được sự độc lập của các địa phận Việt Nam. Linh mục nghĩ sao? ».

Người đối thoại đáp rằng: «đó là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam tiến hành đề nghị với Vatican, giao các địa phận cho giám mục Việt Nam coi sóc». Cụ Hồ trả lời: Không phải việc của Chính phủ. Điều chúng tôi quan tâm là liệu sao người Công giáo Việt đừng cứ phải cầu nguyện dưới sự điều khiển của các linh mục người Pháp. Bởi vì thiên hạ có cảm giác rằng, người Kitô hữu vẫn còn chịu ách nô lệ người Pháp, trong lúc toàn dân đã nỗi lên đòi cho kỳ được nền độc lập đối với họ». (Người ta cũng biết rằng từ Pari, hồi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một điệp văn yêu cầu Giáo hoàng ủng hộ nền độc lập của Việt Nam).

Trong một cuộc tiếp tân bốn ngày sau đó, Cụ Hồ Chí Minh lại tuyên bố trước một nhóm linh mục và tín hữu Kitô giáo rằng: «Mục đích Chính phủ ta đeo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho toàn dân. Song để đoạt tới hạnh phúc đó cho mọi người, cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Giêsu sinh ra thời đại chúng ta và phải phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đồng thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm cứu khổ loài người».

Linh mục Luận chống lại quan điểm này. Cụ Hồ nói thêm: «Giáo hội Công giáo luôn luôn bênh đỡ nhà giàu. Khi có đám tang nhà giàu thì đánh chuông, làm những nghi lễ long trọng, còn đối với đám tang của nhà nghèo thì êm ru. Trong trường hợp thứ hai đó, làm cách nào cho Chúa biết được mà đến rước họ lên Thiên đàng? ».

Giọng nói hài hước và phê phán vốn dựa trên cơ sở thực tế đã cho thấy Cụ Hồ Chí Minh không phải là một người mác-xit giáo điều, cũng không phải là một người chống lại Công giáo kiểu rẻ tiền. Việc nhắc tới «Tạo hóa» trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, việc liên tưởng hoài tới Chúa trong các thư gửi cho Giám mục Lê Hữu Từ và cho Xanhtơny («chúng ta cầu Chúa cho chúng ta thành công», thư ngày 24.2.1947) cho thấy rõ Người tôn trọn niềm tin của những người khác.

Ông Xanhtơny nói với chúng ta về cụ Hồ Chí Minh, một người ông biết rõ mà không có thống nhất quan điểm, như sau: «Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dầu rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi, hoặc chế diễu đối với bất kỳ một tôn giáo nào. Và tôi không thể quên được tháng 6 năm 1946, thời gian Người phải nán ngụ tại Biarit (Biarritz), khi tôi thăm dò Người về chương trình của Người, thì Người đã xin tôi tổ chức cho Người đi thăm Lộ Đức. Bao giờ cũng tọc mạch tìm hiểu, bao giờ cũng lịch thiệp, cụ tỏ ra chú ý kính trọng trong lúc nói chuyện với giám mục Tê-át (Théas) của Lộ Đức, là người đã rất tha thiêt muốn gặp Cụ».

«Sau nữa, điều lý thú nên biết là con người duy vật này nghĩ rằng mình sẽ tái ngộ với mấy bậc tôn sư tư tưởng sau khi từ trần, vì Cụ đã ghi trong bản Di chúc rằng: «Tôi để lại mấy dòng này trước khi tới ngày tôi sẽ đi gặp các bậc đáng kính là Các Mác, Lê-nin và những bậc đàn anh cách mạng của chúng ta». Quả là một lời tuyên bố lạ kỳ do một người vô thần... Nhưng có lẽ không nên nói về vô thần với người Viễn đông theo nghĩa chúng ta quen nghĩ về tiếng đó tại châu Âu. Nơi mọi người châu Á sẵn có một tính chất tôn giáo bằng bạc, khiến cho những liên tưởng tới Chúa nơi miệng người như Hồ Chí Minh không đáng bỡ ngỡ lắm». (Đối diện với Hồ Chí Minh, trang 155-156).

Nếu chúng tôi đã nói khá nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các mối quan hệ của Người với giám mục Lê Hữu Từ và người Công giáo Việt Nam trong thời gian hai năm đầu của nền độc lập, là chỉ muốn nêu rõ rằng Chủ nghĩa chống Cộng tại Việt Nam là sản phẩm của óc giáo điều Kitô giáo và của ngành tuyên truyền Pháp.

Năm 1946, vừa ra khỏi sự câm nín ban đầu - do lo sợ sự phản ứng của người Công giáo Việt Nam - đã lên tiếng «hoan nghênh cảnh hừng đông» khi «các toán quân dũng cảm của Pháp đã giải phóng Hà Nội». Ngành báo chí thừa sai liên kết với báo chí thực dân lên tiếng nhằm soi sáng cho tín hữu Việt Nam và Pháp cảnh giác về nguy cơ Cộng sản, về cơn kinh hoàng đỏ, về những cuộc bách hại tôn giáo sẽ đổ ập xuống trên Giáo hội.

3 ─ THẬP GIÁ BIẾN THÀNH ĐẠI BÁC

Với sự ủng hộ của giám mục Se-giơ (Chaize) Hà Nội, các giám mục Ac-ta-ras (Artaraz) Bắc Ninh, Ubiec-na (Ubierna) Thái Bình, Cô-man (Cooman) Thanh Hóa, Gô-mes (Gomez) Hải Phòng, và phép lành của giám mục Drapiê (Drapier) Khâm mạng Toà thánh, giám mục Lê Hữu từ quyết định vũ trang cho giáo hữu của mình. Người ta có thể đọc trong tập hồi ký của ông như sau: «Vào thời ấy, hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải có một lực lượng tự vệ hùng mạnh để có thể «nói chuyện» với chính phủ Cộng sản. Vì thế, lợi dụng tình hình, chúng tôi đã có các toán du kích địa phương và lợi dụng đường lối chiến tranh nhân dân do ông Hồ Chí Minh công bố, tôi đã xin phép được mua súng đạn. Hố Chí Minh không thể từ chối tôi việc này, bèn đề nghị tôi gặp ông Phan Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, đã được ông Hồ mớm cho việc tìm lý do, ra những điều kiện, để đừng phải cấp cho tôi giấy phép. Nhưng với cái phép miệng, tôi đả gửi người lên Móng Cáy mua vũ khí.

«Tuy vậy, việc chuyên chở vũ khí được tiến hành một cách bí mật và phải dùng mưu mẹo mới qua được. Nhiều lần, xe ôtô của tôi chở vũ khí đã có thể qua các trạm gác vốn được kiểm soát rất nghiêm nhặt, vì tôi đưa ra cái thẻ «Cố vấn Tối cao của Chính phủ» và tôi nhất quyết không cho khám xe. Tôi nói với bọn cảnh sát: Chủ tịch đã chọn tôi làm Cố vấn vì Người tin tưởng ở tôi; nếu Người không tin tôi, tôi sẽ từ chức. Và bởi vì tôi là Cố vấn Tối cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chẳng ai có quyền khám xét tôi mà không có lệnh rõ ràng của Chủ tịch. Một khi súng đạn đã được tới nơi yên ổn, tôi thông báo cho Ủy ban Nhân Dân và cảnh sát biết rằng, tôi đã mua vũ khí với sự đồng ý của Hồ Chí Minh.

«Khi súng ống và đạn dược về tới Hải Phòng thì bị quân Pháp giữ lại, bọn này chỉ chịu trao cho tôi khi chính tôi phải đích thân can thiệp và bọn họ còn cấp thêm súng đạn (để mua chuộc tôi). Tuy nhiên, nguyên tắc của tôi là nhận khí giới từ bất cứ phía nào, kẻ cả ngay phía Nga hay Tàu Cộng sản, để chống lại Cộng sản. Tôi đã vay tiền nơi Đức Cha Gomez, một người Tây Ban Nha giám mục Hải Phòng và đã xin Ngài vui lòng hỗ trợ tôi trong chuyện này. Sau khi đã bàn hỏi Đức khâm mạng Drapiê, Ngài đã cho tôi mượn một khoản tiền lớn (1.000.000 đồng) và đã cung cấp cho tôi một lượng súng đạn quan trọng». Vì Cụ Hồ Chí Minh đã nhường cho vị cố vấn Lê Hữu Từ việc quản lý thị trấn Phát Diệm (một bề chỉ 1km và bề kia dài 3km), giám mục đã biến nó thành một «khu an toàn» có quân lính riêng canh gác. Khu an toàn này sẽ trở nên cứ điểm, qui tụ những kẻ chống lại Cụ Hồ Chí Minh, hoặc làm chỗ núp ẩn cho bọn hoạt động chính trị, bọn mưu đồ lật đổ v.v...

Cùng lúc đó, quân Pháp, sau khi đã chiếm phẩn lớn các tỉnh quanh Hà Nội, bắt đầu gặp phải một cuộc kháng cự mạnh mẽ của du kích và của dân chúng. Cái hy vọng tái chiếm nhanh cả nước bị lu mờ. Các làng «tề» vừa thấy quân đội Pháp rời đi là thoát ly khỏi sự kiểm soát của chúng.

Chính trong tình hình này mà nhà cầm quyền Pháp tìm một giải pháp «chính trị» bằng cách phái Bôinơ (Bullnert) sang thay đô đốc Đắcgiăngliơ. Ngày 10-9-1947, viên Cao ủy mới đưa ra tại Hà Đông lời kêu gọi: Kháng chiến hãy hạ khí giớ và «tất cả các gia đình thiêng liêng người Việt» hãy hợp nhau lại để giải quyết cuộc tranh chấp. Sau cùng, ngày 18-9-1947, kêu gọi Cựu Hoàng Bảo Đại chấp nhận lập ra một chính phù «quốc gia» của nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp. «Giải pháp Bảo Đại» khởi xướng từ 1947 chỉ đưa tới năm 1949 một kiểu độc lập bù nhìn.

Trong vòng hai năm, đạo quân viễn chinh, vốn mạnh hơn quân đội Cách mạng rất nhiều về vũ khí cũng như tiếp vận, phải nếm thất bại khác tại các vùng rừng núi, nơi tập trung các đơn vị nòng cốt của lực lượng Việt Nam do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trái với sự trông chờ, việc thành lập chính phủ Bảo Đại không lôi kéo được những người yêu nước «quốc gia» nằm trong Việt Minh, cũng không thuyết phục được thành phần nông dân mà bộ tuyên truyền của Pháp cứ nghĩ là phò Bảo Đại. Bị đánh thua trong các miền rừng núi, quân Pháp ra sức kiểm soát vùng đồng bằng là vựa lúa và là nơi dân chúng sống tập trung, thành những vùng du kích quân tự do hoạt động như «cá lội trong nước». Trận chiến ở đồng bằng nếu rõ bộ mặt thật của cuộc chiến tranh này:

a) Gieo sự kinh hoàng vào các vùng bị chiếm bằng cách ném bom, thảm sát, tàn phá, với mục đích «giết cho được cá bằng cách phá hủy nước».

b) Phá hủy lúa gạo để làm cho dân chúng đói.

Trong một Thư chung đề ngày 25 tháng Giêng 1949, giám mục Lê Hữu Từ cũng nhận định rằng: «Quân lính Pháp, với một sự dã man tột độ, đã phá hủy tất cả, không trừ một thứ gì, kể cả nhà thờ. Trong vòng một năm, gần 300 nhà thờ đã bị bom đánh phá... »

Người Công giáo bị kẹt vào giữa hai cực, tiến thoái lưỡng nan: hoặc là hợp tác với Việt minh Cộng sản (thực ra, nói chịu sự lãnh đạo của Cộng sản thì đúng hơn) thì nguy cơ phản Giáo hội, vào thời Giáo hoàng Piô XII khi mà chủ nghĩa chống Cộng được coi như là một tín điều; hoặc là liên hiệp với Pháp, để phản bội Tổ quốc lần nữa. Nhiều yếu tố đã xô đẩy họ tới một lựa chọn bí mật, vừa muốn trung thành với Giáo hội, vừa muốn trung thành với Tổ quốc Việt Nam.

Một tài liệu của Vatican sắp được đưa ra lúc đó gây tác động, dầu muốn dầu không, cũng có lợi cho quân Pháp. Ngày 1 tháng 7 năm 1949, trả lời những thắc mắc liên quan đến chính trị nội bộ của riêng nước Ý, thánh bộ Đức tin tuyên bố rằng: «Những người Cộng sản đương nhiên bị vạ tuyệt thông tức khắc, rằng tất cả những ai hợp tác với Đảng Cộng sản, hoặc bỏ phiếu cho Cộng sản, hoặc đọc, xuất bản, phân phối báo chí Cộng sản, hoặc giúp đỡ bất kỳ cách nào cho Đảng Cộng sản, đều bi khai trừ khỏi các bí tích». Lập tức, quân Pháp đã làm những trận mưa truyền đơn mang nội dung đó của thánh bộ, rải hàng triệu tấm xuống các làng Công giáo. Người ta biết rằng vốn liếng thần học của các linh mục và giáo dân Việt Nam thời đó là rất sơ sài, nên họ phải hoang mang giao động trước chỉ thị đó của Vatican. «Rôma đã phán dạy, vậy ai củng phải vâng theo», họ nói với nhau như thế. Đàng khác, hàng giáo sĩ vốn đã quen đóng khung giáo dân vào cái rọ trí thức được bảo vệ rất chắc bởi sách giáo lý Công đồng Tridentinô và bởi không tìm ra được những lời đáp thỏa đáng cho những vấn đề do chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa thuần thế và chủ nghĩa mác-xit đặt ra, nên họ cảm thấy lo sợ trước cuộc Cách Mạng xã hội được phong trào Việt minh đề xướng. Thẩm nhiễm giáo lý của Sắc lệnh «Mirari vos» (Chống lại Tân phái) «mà mỗi linh mục khi chịu chức phải thề tuân thủ các linh mục và nhất là giáo dân, đều bị lôi cuốn vào cuộc chiến chống Cộng, bắt đầu là về mặt tư tưởng, tiếp đến là cả bằng quân sự, do chính quân Pháp tuyên truyền cho. »

Ba tháng sau, quân Pháp đánh chiếm Phát Diệm, đươc coi như là «đồn lũy của Giáo hội vùng đồng bằng», bởi vì giám mục Phát Diệm là Lê Hữu Từ cũng đồng thời cai quản cả Bùi Chu, điều khiển một cộng đồng lên tới 400.000 linh hồn. Căn cứ vào các nguồn thông tấn Pháp, Becna Phan (Bernard Fall) thuật lại biến cố đó trong cuốn «Việt Minh» rằng: «Ngày 15-10-1949, Việt minh lấy sáng kiến định đánh vào tòa giám mục Phát Diệm. Quân lính dù và lính bộ của Pháp đã kịp thời tránh được cho giám mục khỏi bị tù và chiến tranh từ đó bắt đầu thật sự xảy ra giữa Việt minh và Công giáo, đám người này từ đây cũng phần đông chạy sang hàng ngũ của Pháp».

Sự thật hoàn toàn khác, như chúng ta được nghe chính vị giám mục đính chính lại điều đó ngày 20 tháng 10 năm 1949, cũng như trong tập Hồi ký của ông sau này. Do tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi buộc lòng dịch mấy đoạn dài sau đây.

Thư chung ngày 20.10.1949 viết «theo hãng thông tấn AFP, các cuộc hành quân đó đã được tiến hành vì có lời yêu cầu của tôi gừi chính phủ Bảo Đại, lời yêu cầu có lý do; một đàng bởi những rắc rối tôi đã gặp nơi chính phủ Hồ Chí Minh và đàng khác bởi Sắc lệnh mới ra của Vatican nói về Cộng sản. Điều đó hoàn toàn trái với sự thật. Tôi không bao giờ có thể có ý nghĩ xin bọn lính Pháp can thiệp để cứu chúng tôi khỏi bất kỳ sự khó khăn nào. Tôi chưa hề có quan hệ với chính phủ Bảo Đại... Vì vậy tôi khẳng định lại với anh em một lần nữa: trước mặt Thiên Chúa, tôi chưa bao giờ nói hoặc làm một việc gì có thể coi như kêu gọi sự can thiệp của Pháp. Tất cả những thứ đó hoàn toàn ở ngoài ý muốn của tôi».

Trong tập Hồi ký, giám mục Lê Hữu Từ kể lại cuộc đổ bộ của quân Pháp, rồi việc đại úy Vỹ tìm tới (sau này Vỹ là tướng 3 sao của quân đội Nam Việt Nam), như sau: «Ông ta trao cho tôi bức thư của Bảo Đại, trong đó có viết đại khái thế này: Sau khi biêt được chuyện Việt Minh gây áp lực vào Phát Diệm và tỏ ý muốn phá hủy Phát Diệm, tôi vội phái quân lính Pháp - Việt đến để cứu Đức cha, mà không có giờ báo trước cho Đức cha hay. Một khi vùng này được bình định xong, tôi đề nghị Đức cha chỉ định một người làm tỉnh trưởng và đặt liên lạc với tôi, v.v... Đọc bức thư xong tôi tức giận và trả lời cứng rắn với ông rằng: Nếu vì lợi ích của nhân dân và vì dân tộc và vì độc lập của Tổ quốc mà Bảo Đại muốn đập tan Cộng sản và giải phóng nhân dân khỏi cảnh nô lệ Pháp, thì vua cứ lo bình định các vùng khác đi; ngày nào đất nước đã giành lại độc lập, chúng tôi không bị lệ thuộc bọn Pháp, mà vẫn đánh lại Cộng sản. Còn các anh đến đây với quân lính Pháp - Việt thì làm cho người ta có cảm tưởng là chúng tôi đi theo bọn Pháp. Chúng tôi không chịu điều đó. Mời ông rời khỏi đây, còn nếu chúng tôi không đủ mạnh để xua đuổi quân Pháp thì tôi sẽ đi trốn».

Tuy nhiên, với lời năn nỉ của các linh mục địa phận, giám mục Lê Hữu Từ vẫn còn ở lại Phát Diệm hồi đó. Mặc dù có đưa ra những lời phân bua thiện chí của mình, Phát Diệm vẫn bị các nhà cầm quyền cách mạng coi là ăn cánh với Pháp, nhất là khi thấy giám mục nhận cả súng đạn của Bảo Đại để trang bị cho trên 10 ngàn lính Công giáo. Thế là giám mục Lê Hữu Từ sa vào bẫy của bọn Pháp.

4 ─ VÀ CÁI BẪY TAI HẠI BIẾT BAO!

Những người Công giáo đã vạch ra một đường lối lý thuyết trung lập «chống lại thực dân và đánh lại cộng sản», thấy mình đứng giữa hai ngã đường. Điều nghịch thường và trái với tất cả các luận điệu tuyên truyền chống Cộng ồn ào, là chẳng phải người cộng sản đã bắt ép họ lựa chọn - bởi vì Cụ Hồ Chí Minh chỉ làm một việc là kêu gọi lòng yêu nước của họ - nhưng lại chính là bọn Pháp, khi chúng phân phát súng Mỹ cho họ, khiến họ mang tội liên lụy trước mắt đồng bào của mình. Lẽ ra người Công giáo phải đọc lại lịch sử những năm 1873-1883.

Hồi đó, Pôn Mút (Paul Mus) đã thấy sự nguy hiểm: «Khi người công giáo nhận thấy mình chỉ là một thiểu số nhỏ... thì về mặt tôn giáo, họ coi như mình gặp thử thách và bị xúi giục... Nhưng, trên bình diện chủ nghĩa yêu nước, cơn thử thách mới là nặng nề, vì đi ngược lại bản năng đoàn kết và hiệp nhất dân tôc, và thế là việc xúi giục hóa ra hàm hồ. Người ta sẽ thắc mắc rằng, lòng yêu nước của họ sao không thể được cũng cố và chu toàn chung quanh một chính quyền do người Pháp chúng ta đặt ra và đưa lên chính trường quốc tế, vào trong những cuộc hội nghị và có sự quan tâm của chính Tòa thánh? Nhưng đây là một trong những quốc gia mà dân chúng rất khó nghĩ được rằng chủ nghĩa yêu nước của một thiểu số lại có thể đi ngược với đa số dân chúng đang đối đầu và do dự. Nếu thêm vào đó, bộ phận thiểu số kia lại khoanh mình ở trong cái khung chật chội của tôn giáo, thì xét theo giá trị bên ngoài, một thứ đạo từ ngoại quốc được đem vào lại đặt họ vào một thế tế nhị trước con mắt của một xã hội, mà theo truyền thống thì không nên sống khác những người khác. Đó là sa vào một thế mỉa mai, vốn là một nét sâu sắc của tính tình người dân trong nước và có thể bộc lộ ra thành chính sách. Việc Công giáo chọn lựa theo phe phái là môt nguy cơ lớn, chẳng phải để rồi quân Kháng chiến suy nghĩ lại, nhưng là chính mính lại đánh mất đi hay là xô ngã hẳn về phía cộng sản, vốn đã trở thành lớp người tiên phong của bên đối lập, cả khối quần chúng những người thấy mình khác với thành phần Công giáo và tự coi mình là những người đúng đắn duy nhất trên đất nước mình, loại trừ Công giáo ra.

Phản ứng của cộng đồng Công giáo trong trường hợp này là đặc biệt theo kiểu Việt Nam. Ở cấp làng xã, người ta đã tổ chức được toán vũ trang tự vệ dễ dàng. Tinh thần làng xã, phân chia vấn đề quốc gia thành những đơn vị địa phương, thích nghi với tình hình đó. Hơn nữa, tại các làng đó, nước Chúa đã đến rồi, chẳng lạ gì nếu tại đó nước Chúa bị đe dọa thì họ phải bảo vệ. Ở một cấp cao hơn, chính sách của tòa giám mục Phát Diệm, từ lâu đã nằm trong một vùng không còn do dự, cũng làm theo tinh thần nói trên: về lý thuyết, các cộng đoàn này đứng về phía Dân chủ Cộng hòa là kẻ cầm đầu mặt trần thế, nhưng chính họ lại tự giải quyết lấy các vấn đề địa phương” (Việt Nam, Cái nhìn xã hội học về một cuộc chiến, trang 358).

Trọng điểm liên hiệp của giám mục Lê Hữu Từ, cố vấn tối cao của Cụ Hồ Chí Minh, đã vượt ra ngoài ranh giới địa phận, bởi từ lâu Phát Diệm vẫn là điểm nhắm của tất cả người Công giáo miền Bắc. Phát Diệm lại chẳng phải là địa phận đầu tiên được trao vào tay giáo sĩ Việt Nam đó sao? Phát Diệm, từ hai năm qua, đã chẳng phải là đồn lũy chống lại lý thuyết cộng sản đó sao? Sự liên hiệp thật hay chỉ là sách lược của giám mục Lê Hữu Từ là một thắng lợi lớn của chính sách Pháp, vởi vì chẳng mất một tên lính nào, nước Pháp đã làm chủ tình hình cả phần phía Nam tỉnh Phát Diệm (trở thành tỉnh Phát Diệm tự trị), một phần đất tỉnh Nam Định (trở thành tỉnh Bùi Chu tự trị) và nhiều vùng Công giáo thuộc các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Hơn nữa, người Pháp cũng có thể dựa vào hàng chục ngàn dân quân tự vệ Công giáo được vũ trang, mà chẳng phải trả tiền nong gì. Và có loại dân quân tự vệ đáng kính này!

Đồng thời việc liên hiệp đi với Pháp như thế cũng là một đòn đau cho Cụ Hồ Chí Minh. Vị cố vấn tối cao số 1 của Cụ đã phản bội Cụ để trở thành «Hoàng đế Bảo Đại», Chủ tịch «quốc gia». Còn vị cố vấn tối cao số 2 của Cụ thì sắp sửa nhận từ vị số 1 danh hiệu 'Đại diện Chủ tịch quốc gia, Tổng tư lệnh lực lượng Công giáo Phát Diệm - Bùi chu».

Một yếu tố thứ ba thúc đẩy người Công giáo lấy một chọn lựa quyết định: đó là ngày 3 tháng Giêng năm 1950, Vatican công nhận chính phủ Bảo Đại, với lời sau đây của giáo hoàng: «Gửi đến Ngài phép lành của tôi cho công cuộc Ngài đang chu toàn». Chúng ta nên nhớ rằng phải chờ đến sau đó, chính phủ Hồ Chí Minh mới được công nhận. Bắc Kinh (15-1-1950), Mascơva (31-1-1950), Praha (2.2), Buraret (3.2), Buđapet (4.2), Xôphia (5.2), Tirana (13.3). Ấy thế, nhưng chẳng phải Bảo Đại, mà chính bọn Pháp mới cần tới phép lành nói trên của giáo hoàng. Cuộc phản công mà Võ Nguyên Giáp tung ra năm 1950 đã phá tan tành tất cả chương trình bình định và chiếm đóng, mà các nhà chiến lược tài giỏi nhất của Pháp đã đặt ra. Lúc đó người ta đã phải bàn tán về sự «đánh mất Đông Dương». Nước Pháp đã gửi sang Việt Nam người binh sĩ giỏi nhất của mình là tướng Đơ Lát đờ Tatxigni (de Latte de Tassigny).

Vị tướng này được Đức cha Montini (sau là giáo hoàng Phaolô VI) gọi là «nhà luật sư đại tài», đã sang Mỹ và qua Vatican để bào chữa cho sự nghiệp nước Pháp năm 1951. Trước mặt những người cầm quyền của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, Đơ-Lát đã đem trò chơi Domino ra hù dọa. Thấy người Mỹ tỏ ra uể oải không mấy sốt sắng, ông đặt câu hỏi: các vị có thấy phải trả cái giá chiến lược chi cho chiến tranh Đông Dương bao nhiêu không? Hãy nhìn vào bản đồ này. Một khi để mất Bắc kỳ, thì sẽ không còn gì che chắn trước kênh Xuyet (Suzez) nữa. Xét về mặt quân sự, việc để mất Bắc kỳ sẽ mở đường cho Cộng sản xâm lăng Thái Lan và Xingapua. Việc để mất Đông Nam Á có nghĩa là đem dân vào tay Cộng sản, những kho nguyên liệu chiến lược thiết yếu, kinh tế Nhật Bản sẽ chẳng bao giờ có thể cân đối được. Mất Đông Dương là mất toàn bộ châu Á, là làm cho vùng Bắc Phi rung chuyển, là làm cho các căn cứ chiến lược châu Âu sớm bị đe dọa».

Tại Vatican, ông đưa ra bức ảnh khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản vô thần. Trong một sứ điệp gửi cho đức Piô XII trước khi được tiếp kiến riêng, vị đại tướng tuyên bố: «Trong tất cả nước vùng Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nhiều tín hữu Công giáo hơn cả, chừng hai triệu. Nhờ vào số đông, nhờ uy tín của các vị chủ chăn họ, người Công giáo tại đấy có thể đóng một vai trò quyết định. Nhưng việc bảo vệ đạo Công giáo tại Việt Nam lại gắn liền với sự hiện diện của nước Pháp. Bởi vì phải nhờ những hy sinh tình nguyện của nước Pháp mới có thể ngăn chặn không để Việt Nam rơi vào quỹ đạo của cộng sản quốc tế. Nươc Pháp vì thế rất có lý khi họ yêu cầu ngưới Việt Nam Công giáo tiếp sức với họ. Trong lúc góp phần và chiến thắng của Pháp, người Công giáo cũng chiến đấu cho chính sự tồn tại của họ và họ sẽ nắm giữ một vị trí có tính quyết định trong việc lèo lái đất nước họ».

Kế đó, vị tướng yêu cầu giáo hoàng nhắc nhở các giám mục Việt Nam phải lên án chủ nghĩa cộng sản, nhắc nhở bằng thông tấn Fides phải nhấn mạnh những liên hệ ràng buộc Việt minh với Mascơva. Ông cũng đề nghị nâng tòa khâm mạng lên hàng Khâm sứ.

Sau cuộc tiếp kiến, đức Piô XII nói với ông tướng: «Tôi chúc lành cho đạo quân Pháp mà Ngài đang chỉ huy và đại diện, bởi vì nó đang bảo vệ nền văn minh Kitô giáo bên đó».

Được nắm chắc viện trợ quân sự của Oasinhtơnm (Washington) và sự ủng hộ tinh thần của Vatican, Đơ Lát trở lại Sài Gòn, tăng cường «cuộc thánh chiến chống cộng» vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.

 

Trang Tôn Giáo