THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (LT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

12 tháng 4, 2009

(xem Lời Nói Đầu)

 

Chương I

HƯƠNG LIỆU VÀ CÁC LINH HỒN

1. HƯƠNG LIỆU VÀ ĐẠI BÁC

Năm 1492, Kristôp Côlông (Christophe Colom) khám phá ra những vùng đất mới mà ông nghĩ là Ấn Độ. Một nữa thế kỷ trước đó, thương thuyền Bồ Đào Nha cũng đã chạy dọc theo bờ biển phía Tây Châu Phi. Ít năm sau, năm 1497, Vaxcô đơ Gama người Bồ Đào Nha đã phát hiện đúng con đường sang Ấn Độ.

Ngày 4 tháng 5 – 1493, qua sắc chỉ “Inter caetera”(“Giữa những điều khá”), Giáo hoàng Alech-xăng thứ 6 giao quyền chinh phục các vùng đất kể trên mà các dân phương Tây chưa từng biết, cho các triều đình nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha có quyền đi chiếm tất cả các đất đai gặp được ở một trăm dặm kể từ quần đảo Axo (Axores), còn Bồ Đào Nha, tất cả các nước nằm ở mạn Đông đường ranh đó (quần đảo Axo nằm ở mạn giữa cắt đôi Đại Tây Dương).

Tuy nhiên, quyền lợi của Bồ Đào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ “Giáo hoàng Rôma” (Romanus Pontifex) do Đức Nicôla V ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền của Tòa thánh, Đức Giáo hoàng ban cho triều đình Lisbông (Bồ Đào Nha) “toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Xarađanh (Sarrasins tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn”.

Khi ban quyền cho người Bồ Đào Nha được chiếm đoạt mọi thứ lợi lộc kể trên, Giáo hoàng đồng thời muốn mở mang nước Chúa sang các miền xa xôi. Và để nhà vua Bồ Đào Nha yên tâm hơn, Giáo hoàng ra lệnh cấm không một ai khác được phép đặt chân đến các vùng đất ấy nếu không có phép nhà vua, dành cho nhà vua độc quyền buôn bán và ra vạ tuyệt thông tức khắc cho bất kỳ ai dám hành động ngược lại.

Nước Tây Ban Nha, sau khi được Giáo hoàng chúc lành, đã tung ra một đoàn chiến thuyền hùng hậu và đạo quân kỵ binh hung tợn, lên đường đánh chiếm châu Mỹ, và chỉ sau một thời gian ngắn đã lập nên một đế quốc bao la. Về phía mình, người Bồ Đào Nha cũng thâu được những kết quả lừng danh ngay bước đầu. Ngày 17 tháng 2 năm 1511, Anphông Danbuyket (Alphonse ở Albuquerque) chiếm thành Goa, một đô thị thuộc loại quan trọng nhất của Ấn Độ, nổi tiếng là nơi bọn lái buôn hương liệu và ngựa Thổ Nhĩ Kỳ hay đổ tới, và thiết lập thành kinh đô của tất cả cơ sở Bồ Đào Nha tại miền Ấn Độ dương. Năm sau đó, Ông chiếm Malắcca, thị trấn của tất cả các hải đảo vùng Nam cực, thị trường lớn buôn bán ma túy, hương liệu, và các sản phẩm ngoại lai. Nữa thế kỷ sau, cờ nước Bồ Đào Nha bay phất phới trên Ma cao, ngay bên hông Trung quốc cho phép họ buôn bán với các hải khẩu Trung quốc và Nhật Bản.

Thời ấy, người ta tin rằng có sự phù trợ của Chúa che chở nhóm Kitô hữu tí hon đó trong cuộc mạo hiểm chinh phục thế giới. Chíng từ Goa và Macao, những nhà truyền giáo đầu tiên đã tìm tới Việt Nam. Lúc đầu chỉ là các tuyên uý của các thuyền buôn, lợi dụng thời gian bốc hàng, họ lên bộ, tìm cách đưa một vài người nghèo theo đạo, nhờ bọn thông dịch làm trung gian, chẳng hạn hỏi họ “có muốn vào trong lòng người Bồ Đào Nha chăng” hoặc sau này là “ trong lòng người Bồ Đào Nha” chăng (1).

Những người đồng ý đều được rửa tội cách giản đơn, nhưng lúc nào cũng được các “ Thầy phương Tây” ban tặng ít qùa. Sau những kết qủa sơ khởi đó, nhiều linh mục dòng Tên đã đến và trú ngụ tại Việt Nam.

Hồi thế kỷ XVI và XVII, Việt Nam là một nước, triều đại nhà Lê. Nhà vua đang ngự trên ngai nhưng không có thực quyền cai trị. Mọi quyền hành nằm trong tay các chúa, chúa Trịnh ngoài Bắc, chúa Nguyễn trong Nam, cả hai cai trị dân nhân danh nhà vua. Việc các chúa tranh hùng tranh bá là có lợi cho hoạt động của các nhà truyền giáo. Cả hai chúa Trịnh và Nguyễn đều cần vũ khí hiện đại, súng đại bác và đạn pháo do các tàu buôn Bồ Đào Nha chở tới. Họ cho các nhà truyền giáo được phép trồng cả cây thập giá lên trước các hải cảng, bởi vì, theo người Kitô giáo, thập giá “ từ xưa là một thứ cờ mà người Bồ Đào Nha cung kính, nên ở cảng nào thấy cờ thập giá là họ sẵn sàng chở tới các loại hàng tốt nhất”. Nhưng do tình hình sự việc như vậy mà việc truyền giáo cũng chịu cảnh thăng trầm theo nhịp độ tàu bè lui tới. Hễ đại bác tới thì các thừa sai được tự do giảng đạo và các giáo hữu được tự do hành đạo; nhưng nếu vì lý do gì mà các tàu thuyền Bồ Đào Nha không cập bến đúng hẹn, thì nhà cầm quyền dọa trục xuất các thừa sai và cấm dân theo đạo “ Tây dương”.

Đừng kể trường hợp ngoại lệ, các thừa sai hồi đó thường ra sức làm cho các giáo hữu sống theo kiểu Bồ Đào Nha. Tại Ấn Độ, giáo dân buộc phải bỏ y phục xứ mình mà ăn mặc như người Bồ Đào Nha; tại Trung quốc, những ai trở lại đạo đều phải cắt tóc ngắn, bởi tóc dài bị coi là không hợp với đạo mới; khắp nơi tại Ấn Độ cũng như tại Việt Nam, những người chịu rửa tội phải bỏ tên “ ngoại đạo” của mình để nhận tên “ có đạo”. Dầu các thừa sai tỏ ra bình dân và nhiều khi đáng kể là người uyên bác, đạo mới cũng chỉ kiếm thêm dăm người theo từ đám dân chúng nghèo khổ và phụ nữ. Theo các nhà truyền giáo ghi nhận trong các “ tâm thư” hoặc các bản báo cáo chính thức, thì số người chịu phép rửa rất cao. Chẳng hạn giáo sĩ Alexăng đờ Rốt (Alexandre De Rhodes) cả quyết rằng năm 1642 một mình ông đã rửa tội được 6,000 người lương theo đạo; nên năm 1646, nhân dịp linh mục Cabơran (Cabral), dòng Tên sang thăm, có 24,000 người lương chịu rửa tội. Năm 1658 Cha Riva (Rivas) đi thăm tỉnh Quảng Bình, đã rửa tội 700 người lớn. Năm 1665, Cha Hanh-cơ (Hainques) một mình cũng rửa tội 4,440 tân tòng.

Đứng trước sự phát triển tín đồ như thế, Giáo sĩ Alexăng Đờ Rốt đã trình về Rôma năm 1650 một báo cáo dài về sự tiến triển của việc truyền giáo tại Việt Nam và đề xuất một phương án tách việc truyền giáo tại Việt Nam ra khỏi quyền hành Bồ Đào Nha. Vì từ trước tới thời điểm này, các nhà truyền giáo thuộc bất kỳ quốc tịch nào, đều phải đi qua Lixbôn học tiếng Bồ Đào Nha và tuyên thệ phục quyền vua Bồ, Rôma đã can thiệp đúng lúc.

Lực lượng Bồ Đào Nha bắt đầu suy giảm. Từ đầu thế kỷ XVII, người Hòa Lan, theo Tin Lành, chẳng quan tâm tới việc Giáo hoàng phạt vạ tuyệt thông, đã lên đường mạo hiểm sang Ấn độ dương và vùng biển Trung quốc chẳng mấy chốc đã bắt đầu cướp của vương quốc vạn an đó. Năm 1619 họ lên đảo Java, lập thành Batavin vượt xa Goa về sự giàu có thịnh vượng. Ngày 12 tháng Giêng năm 1641, họ chiếm Malắcca, phá vỡ thế độc quyền buôn bán hương liệu mà Lixbôn từng nắm giữ suốt một thế kỷ qua.

Rôma quay nhìn sang nước Pháp.

Năm 1659, hai giám mục Pháp được phái sang coi sóc địa phận truyền giáo tại Việt Nam. Đó là giám mục Pan-luy (Pallu) và giám mục Lame đờ la Mốt (Lambert de la Motte). Những điều Rôma căn dặn họ thật là khôn ngoan và đúng với Tin mừng: các giám mục khi coi sóc tín hữu phải căn cứ vào 4 điểm nền tảng sau: a. Đào tạo linh mục và giám mục người bản xứ; b. Tuân lệnh của Rôma; c. Không nhúng vào lãnh vực chính trị; d. Tôn trọng các nền văn minh và phong tục địa phương. “ Các Ngài cẩn thận giữ mình, đừng ra sức bảo các dân tộc ấy từ bỏ nghi lễ, tập tục, phong cách của họ, miễn là điều đó không ngang nhiên ngược với đạo thánh và phong hóa tốt. Bởi vì có gì vô lý hơn là việc đưa nước Pháp, Tây Ban Nha, hay nước Ý, hay một phần đất nào của châu Âu vào nhà người dân Trung quốc? Đó không phải là cái các Ngài phải đem vào, hãy đem đức tin vào, mà đức tin thì không phủ nhận và cũng không gây tổn thương đến các nghi lễ và phong tục địa phương, miễn là nó không phải chuyện gì xấu xa, trái lại đức tin muốn các nghi lễ và phong tục đó được bảo tồn”. Cùng lúc, Rôma chỉ thị cho giám mục truyền giáo chỉ lo việc các linh hồn thôi và hãy quên đi những lợi ích riêng tư của chính nước họ.

2 – NHỮNG VIỆC CHÚA LÀM QUA BÀN TAY CỦA NGƯỜI PHÁP.

Tiếc thay những lời khuyên nhủ đầy tinh thần Tin mừng và trong sáng như thế đã bị bỏ lơ quá sớm. Giám mục Pa-luy đã nhanh nhẹn quan hệ với công ty Ấn Độ mà nước Pháp mới thiết lập, nhằm cạnh tranh với công ty Đông Ấn với Hòa Lan. Ông trở thành nhà cố vấn và báo cáo viên của nó. Trong bản báo cáo gởi ngày 14 tháng 3 năm 1667 cho ban giám đốc công ty, ông đề xuất việc sử dụng biện pháp quân sự chống lại đối thủ: “ Tôi chắc rằng sắp tới đây phải rành rõi với bọn họ (người Hòa Lan), nhất là nếu ta muốn được nếm quế Xrilanka, hoặc đinh hương của Amboadơ (Amboise) hay đậu khấu của đảo Banđa”. Ông khuyến khích Công ty của nhà vua tiến hành thực hiện “ phương án vinh quang đưa dân mọi rợ trở lại đạo thánh và qua đó mà thánh hóa việc thương mại của mình, để vừa mở mang giáo hội vừa làm giàu cho nước Pháp”.

Nước Pháp cần mở một thương điểm tại Việt Nam, bởi vì có thể dựa vào các cố thừa sai: “Ngài có thể tin chắc rằng tại Ấn Độ Ngài sẽ gặp được nhiều người nhiệt tình cho công cuộc phát triển và mở mang của công ty cũng bằng con số các giám mục, giáo sĩ và tu sĩ, không những của nước Pháp mà cả các nước khác đang hoạt động cho sự phát triển đức tin.

Đứng trước sự ỳ ạch của Công ty, ngày 2 tháng Giêng năm 1672, Giám mục Pan-luy đã viết thư cho Côn-be (Colbert) Thanh tra tài chánh của Luy XIV rằng: “ Đức Cha Lămbe đơ la Mốt đã khéo sắp xếp các việc ở đây, nên Ngài đã được nhà vua ban phép qua trung gian hai vị giáo sĩ giả dạng lái buôn, để ở lại và cho xây cất một ngôi nhà… với hy vọng là Công ty sẽ có thể đến tiếp nhận một cơ sở, Ngài đã viết về việc ấy, đưa tin cho các ông tổng giám đốc, và đã gởi cho họ các bản lược trình và khả năng buôn bán tại đó”. Ngài năn nỉ ông Cônbe lòng đạo đức, “Công việc này chỉ có thể đem lại lợi ích rất lớn cho Công ty”. Đức Cha Pan-luy còn tính cả việc mở mang thương mại của Pháp sang tới biên thùy Trung quốc (thư viết cho Cônbe ngày 26-3-1681).

Không nên xét đoán cách cư xử như thế của các giám mục đầu tiên qua Việt Nam, bởi vì thời bấy giờ ở Pari cũng như tại Lixbon, lợi ích các linh hồn đều gắn liền với lợi lộc thương mại với Viễn Đông. Vì tìm cách hất cẳng Bồ Đào Nha và cạnh tranh với Hòa Lan, nước Pháp mau mắn cung cấp viện trợ cho Hội Thừa Sai Pari (MEP). Không kể những đóng góp của Hội Thánh Thể, của Hội Giáo Sĩ và của một số các bề đạo đức, “ Nhà Vua với mỗi vị giám mục một khoản bổng mãn đời 1000 đồng quan, sau này nâng lên tới 3000”. Công ty Ấn Độ (điều XIII ngày 16 tháng 2 năm 1669) bảo đảm tiếp nhận các giám mục “ cùng các vị thừa sai, đầy tớ và đoàn tùy tùng mà không đòi khoản tiền nào cho việc chở hành lý đem thoe, việc ăn uống dọc đường và sẵn sàng cho họ đổ bộ lên tại một hay nhiều điểm ở Bắc kỳ, Nam kỳ hay Trung quốc tùy ý họ”.

Dầu muốn dầu không, Giáo hội Việt Nam, ngay từ những bước sơ khai đã dính líu vào những chuyện trần thế này rồi, mà chẳng bao lâu đã ảnh hưởng tới việc truyền giáo. Bởi vì sắp sửa có những giám mục được cử làm sứ thần Vua nước Pháp bên cạnh các Hoàng đế châu Á. Tài năng được làm tông đồ Đức Kitô nơi họ coi như được đội triều thiên vinh hiển, nhất là tại triều đình Phanarai, vua nước Xiêm. Công việc sắp xếp về lễ tân phải mất hơn 3 tháng mới xong cho cuộc tiếp rước hai vị giám mục năm 1673. Vị thủ tướng nhấn mạnh các giám mục theo đúng nghi lễ triều đình, cởi dép đi chân không và sụp lạy sát đất. Các giám mục không chịu, bởi vì “ họ không được chấp nhận, họ được quyền miễn trừ khỏi những gì có thể phương hại đến danh dự tôn giáo, của nhân vị mình, cũng như vinh quang của nước Pháp mà hoàng đế lúc đó mới dành được những chiến thắng lẫy lừng vang dội đến tận cùng trái đất”.

Tại Việt Nam, mặc dầu có vụ tranh chấp công khai giữa dòng Tên Bồ Đào Nha, tay chân của Lixbon, và các giáo sĩ người Pháp, dầu có sự cạnh tranh giữa các thừa sai Pari và tu sĩ các hội dòng khác, việc truyền giáo đã thâu đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên sự bành trướng của Kitô giáo lúc đó vấp phải nhiều điều khó khăn.

Thứ nhất, đạo Kitô giáo chống lại việc thờ cúng tổ tiên vốn là nền tảng của tín ngưởng dân gian. Người Việt Nam không có cùng một quan niệm về đạo như các dân tộc thuộc văn hóa Do thái – Kitô giáo. Ở đây không có quốc giáo, cũng chẳng có thứ tôn giáo với những điều tin lý minh bạch rõ ràng. Khổng giáo thì không phải là một tôn giáo chính danh. Trong học thuyết của Khổng tử được truyền đạt và giải thích bởi môn sinh của Ngài tại Trung quốc cũng như tại Việt Nam, đạo hay đường là một từ dị nghĩa: lúc thì chân lý tối cao lúc lại có nghĩa là qui luật điều khiển cả vũ trụ lúc lại biểu là đạo lý hướng dẫn cuộc sống con người ta. «Đạo không ở ngoài con người, Khổng tử viết; kẻ nào đặt ra một con đường ở bên ngoài con người, thì không thể làm nên một con người đích thực. Người lương thiện chỉ lo biến đổi con người, chỉ có thế thôi». Người ta dể hiểu tại sao đạo Khổng không có kinh, không có bí tích, không kêu cầu Thiên Chúa. Khái niệm Ông Trời rất mông lung. Nó không chỉ quyền uy tối cao hay là một vị thần đích thân. Thế nhưng dẫu chẳng người Việt Nam nào đi theo «tôn giáo» «Khổng tử», thiên hạ ai cũng là của đức Khổng, chẳng những người văn nho quen ngẩm nghĩ các văn bản cổ điển, hoặc học thuộc long để mong được làm quan, mà cả người nông dân cùng Sống theo luân thường của đức Khổng. Cả nhân dân đều thấm nhiểm nền nhân bản đó, trên cơ sở sự bao dung đối với tha nhân, lòng trung tín, biết cách luôn luôn giữ thái độ trung dung, sự can đảm chu toàn phận sự và chỉnh tề đúng với lễ nghi.

Mỗi người dân Việt cũng là phật tử cũng như họ thờ đức Khổng. Ở đây người phương tây bị mất hướng khi đứng trước sự phức tạp của tình hình đạo phật ở Việt Nam. Đạo phật được đưa vào từ phía Ấn độ, và một phần lớn qua ngả Trung quốc, đạo phật một đàng có phần phụng tự, với những chùa chiền, tượng đài, nghi lễ, sư sãi, đàng khác là khía cạnh tinh thần (như thiền) thiên văn học và niết bàn. Với bản chất mềm mỏng, đạo phật vừa không bất dung vừa không độc tôn. Trong bối cảnh Việt Nam, nó thừa nhận giá trị của các hệ tôn giáo khác, lúc đầu vốn chẳng liên quan gì tới nó, như việc tôn thờ nhà vua, thờ cúng tổ tiên, kinh cầu siêu cho vong linh. Vào thế kỷ XVII và XVII, Phật giáo xét về mặt chính trị, không còn mạnh như hồi thế kỷ X và XIV, các vị sư không còn đóng vai trò lãnh tu như họ đã làm dưới các triều đại Lý và Trần. Tuy nhiên, mỗi người Việt Nam có thể tự coi là phật tử, cho dầu không đi Chùa (hơn nữa việc đi chùa, việc tham dự nghi thức phụng tự không bắt buộc).

Người Việt Nam, vừa là phật tử vừa theo đạo Khổng như thế, vẫn có thể chấp nhận Lão giáo, một học thuyết triết lý đối nghịch với Khổng giáo, nhưng lại cũng bổ sung cho nó. Các thầy pháp của Lão giáo, chủ vốn là phù thủy, chiêm tinh, bối toán. Có thể nói rằng đạo Lão đã mất đi tính chất của nó và trở nên một dạng mê tín dị đoan trong dân gian.

Nhưng mặc dầu có sự pha trộn tôn giáo, nghi lễ về tín ngưỡng khác nhau như thế, người Việt Nam rất tôn trọng sự thờ cúng tổ tiên, họ coi như là đặc tính riêng của đời sống tôn giáo. Việc thờ cúng này sát nhập một cách tài tình nhuần nhuyễn vào cả ba tôn giáo đã du nhập từ ngoài. Nó lan rộng thành một thứ đạo lý không ghi thành sách, nhưng rất phổ biến khiến toàn dân chấp nhận nó một cách tự nhiên. Cơ sở uyên thâm của đạo lý này nằm trong hệ thống xã hội và kinh tế truyền thống, trong đó gia đình không những là sợi dây tình cảm mà còn là hạt nhân của đời sống, là thành lũy tạo sức mạnh cho mỗi cá nhân, là sợi chỉ linh thiên nối kết mỗi người thế giới bên kia không một ai am tường.

Người Việt Nam có thể đón nhận dễ dàng đạo Ki-tô như họ đã chấp nhận 3 tôn giáo ngoại lai kia. Nhưng cái khó không thể vượt qua đối với nhiều người là sự lên án việc thờ cúng ông bà. Hồi đầu, các linh mục dòng Tên có cho phép tín hữu phục lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhưng các cố thừa sai Pari, các tu sĩ dòng Đa-minh lại chống đối và cấm đoán điều đó. Cuối cùng, năm 1715 đức Clêmen (Clément) XI đã kể việc thờ cúng đó là hoàn toàn dối trá và ngược với Kitô giáo.

Từ đó, có thề hiểu tại sai người Việt Nam tỏ ra đối nghịch với cái đạo «bất lương» dám từ chối lòng hiếu thảo đối với ông bà và như thế cũng muốn xóa bỏ tất cả những mối quan hệ của một dân tộc với một quá khứ của mình. Người Kitô hữu bị coi là những kẻ phản bội gia tộc, đồng thời là những kẻ phản bội quê hương. Bời vì Quê hương người Việt Nam cũng đặt nền tảng nơi đạo hiếu vốn làm cho toàn thể công dân như cùng một gia tộc. Chúng ta không nên quên rằng theo tục truyền, dân tộc Việt Nam thuở sơ khai đã từ một bọc trứng nở thành một trăm con.

Cái khó khăn thứ hai thuộc phương diện xã hội học. Trong lịch sử nước này, tuy lúc này lúc khác đã có nhà truyền giáo phật tử người Ấn hoặc Trung quốc, song các sư phật giáo cũng như thầy pháp đạo Lão xưa nay vốn chỉ là người Việt Nam thôi. Vì thế, dân chúng vẫn cảm giác rằng hai tôn giáo đó đã phát xuất ngay tại Việt Nam. Đối với công giáo thì trái lại. Cho tới năm 1668, tất cả các linh mục đều là người châu Âu. Sau thời điểm ấy, nhà thờ có áp lực của Rôma, các vị thừa sai đả đào tạo linh mục Việt Nam, nhưng cứ coi họ thuộc loại cấp dưới, trợ tá thôi. Người Tây cho họ là ngu dốt quá và bắt linh mục người Việt phải sống theo kiểu Âu Tây. Mặc dầu Rôma đã cho phép các miền truyền giáo được làm lễ bằng tiếng bản xứ, người thanh niên Việt Nam cứ phải học xong môn tiến latinh mới được nhận chức linh muc. Tại chủng viện của Hội Thừa sai, thiết lập ở Thái Lan, trường duy nhất dành cho linh mục Việt Nam học ở thế kỷ XVII, tiếng latinh là ngôn ngữ bắt buộc phải tập nói mỗi tuần 5 ngày. Một nhà truyền giáo thời đó kể lại các tự hào về đời sống tại chủng viện rằng: «ở đây người ta nói tiếng latinh như tiếng mẹ đẻ: một vài tháng sau khi đến, người ta thấy một cậu bé chơi trò đánh ô với bạn cùng tuổi và nói tiếng latinh trôi chảy tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, nhất là khi chúng tức nhau».

Giáo sĩ được đào tạo kiểu đó hóa ra con người bị bóp méo. Tây hóa nữa vời, người ấy xuất hiện giữa đồng bào mình như kẻ lai căng. Đàng khác, dương sự lại mang mặc cảm tự ti đối với bạn học người Tây. Thành thử từ thế kỷ XVIII, có hai loại giáo sĩ: giáo sĩ hạng bề trên, gồm các linh mục thừa sai và giáo sĩ hạng bề dưới, gồm các linh mục bản xứ.

Tình hình thực tế đó bị người lương Việt Nam coi là dấu hiệu vong thân của người Kitô hữu không thể dung thứ trong thời bình, mà lại nguy hiểm khi hạm đội nước ngoài đến đe dọa xứ sở.

 

(xem tiếp ®)

 

Trang Tôn Giáo