Chuyện Ngôi Mộ Của Niềm Hóa Giải
Bút ký - NGUYỄN HOÀN
http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan17.php
31-May-2024
Ngôi mộ người phi công nước ngoài mà gia đình anh Duy đã lập qua ba lần, trong đó có hai lần di dời là ngôi mộ của tình nhân loại, ngôi mộ của niềm hóa giải đau thương, mất mát, thù hận, ngôi mộ của thông điệp Vì Hòa Bình.
Ở nơi nào đó tại những nước từng tham chiến với Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, chắc có những người mẹ hằng đau đáu đứt ruột về những đứa con của mình đã chết trong cuộc chiến này. Chết vì làm lính đánh thuê cho Mỹ. Chết một cách vô nghĩa. Chết mất hết tung tích. Nhưng có điều nằm ngoài sức tưởng tượng, có một người mẹ (nếu còn sống) sẽ không ngờ rằng, đứa con máu thịt của mình, đứa con từng gieo chết chóc, hận thù vô cớ với người Việt Nam vẫn đang được yên giấc ngàn thu với mồ yên mả đẹp ở Quảng Trị.
Đó là câu chuyện có thật ở thôn Tân Xuân, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Biết được câu chuyện vào loại hiếm có này, tôi đã tìm đến với gia đình anh Đào Xuân Duy ở thôn Tân Xuân, đây là gia đình đã cất bốc hài cốt một người lính nước ngoài, được cho là người Hàn Quốc, rồi làm mộ, di dời mộ qua nhiều lần cho ổn định và chăm sóc, hương khói chu đáo.
Tác giả và anh Đào Xuân Duy.
Đường đến nhà anh Duy có những quãng vắng vẻ, hun hút cây rừng, cảm giác như đến với một vùng bán sơn địa. Nhà anh Duy khang trang, sân vườn râm mát bóng cây. Anh tiếp tôi dân giã, chân tình bên bàn trà làm giả gỗ đặt trước hiên nhà, lối tiếp như thể với người quen đã lâu.
Qua chuyện trò, tôi được biết anh Duy từng là người lính. Năm 1977, anh đi bộ đội, năm 1981, anh xuất ngũ về quê, làm Ủy viên thư ký UBND xã Cam Thủy. Sau đó, anh kinh qua nhiều chức vụ chủ chốt ở xã Cam Thủy như: Bí thư Đảng ủy xã (1996 - 2000), Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã (2000 - 2004), rồi làm Chủ tịch UBND xã 11 năm, hơn 2 nhiệm kỳ (2004 - 2015).
Năm 1989, anh tham gia nhóm 5 người đến nơi có xác máy bay rơi trong xã để tìm kiếm, cất bốc hài cốt một phi công người nước ngoài bị bắn rơi trong chiến tranh ở Việt Nam. Anh là người lo liệu chính của nhóm. Anh kể:
- Máy bay do phi công này lái chở hàng từ Lào về và bị bắn rơi năm 1968. Khi máy bay rơi, xác phi công nằm cạnh. Khoảng năm 1976 - 1977, bà con làm ruộng, xác bị đẩy xuống hầm bom. Năm 1989, nhóm của tôi đã đào lên, lấy hài cốt phi công này về. Vậy là sau hai mươi năm kể từ khi máy bay rơi, hài cốt phi công này được cất bốc, an táng. Hồi đó, khi cất bốc còn xương đùi, xương tay, xương khá to, có mũ phi công, còn xương đầu đã bị bấn.
Nếu nói rằng “vạn sự do duyên” thì quả thật, giữa người phi công nước ngoài này và gia đình anh Duy dù âm dương cách biệt nhưng như có cái duyên gắn kết. Sau khi đã tìm kiếm, làm mộ chôn cất hài cốt người phi công này rồi, gia đình anh Duy dù bận rộn bao nhiêu công việc, việc công, việc tư, rồi chuyện làm ăn, chuyện mưu sinh vẫn luôn dành thời gian dõi theo “số phận” ngôi mộ này, không để mộ bị mất dấu, bị vùi quên qua năm tháng.
Anh Đào Xuân Duy và ngôi mộ của người phi công.
Ngôi mộ này có một “số phận” khá đặc biệt: trải qua ba lần làm mộ, trong đó có hai lần di dời, lần sau an táng ổn định hơn lần trước. Tất cả từ bàn tay nỗ lực của vợ chồng anh Duy. Lần đầu tiên, năm 1989, khi bốc hài cốt người phi công này về, anh Duy đem bỏ vào cái lon gô Mỹ, loại lon to, rồi chôn ở chỗ mép đồi, bên ruộng lúa cho dễ nhớ, dễ tìm. Anh nghĩ sớm muộn gì người Mỹ cũng sẽ đến tìm và cất bốc hài cốt này (lúc này, anh vẫn nghĩ rằng đây là hài cốt của lính Mỹ). Khoảng 4 năm sau, năm 1994, gia đình anh Duy đã di dời mộ này, đưa hài cốt đến chôn ở địa điểm mới, mộ được đặt cạnh cây bạc hà cho dễ nhớ và cũng gần với mộ chị dâu của anh Duy. Gia đình anh Duy đã làm hòm gỗ để chôn cất người phi công này, thay vì bỏ hài cốt vào lon gô Mỹ như trước. Khoảng từ năm 1998 - 1999, có nhiều đoàn tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (Missing in action - MIA) tại Việt Nam đã tìm đến xã Cam Thủy để tìm hiểu thông tin. Lúc đó, nhờ người Mỹ xác định, anh Duy mới biết hài cốt người phi công nước ngoài mà anh đã chôn cất không phải là lính Mỹ. Các đoàn MIA cho đó là lính Hàn Quốc. Anh Duy kể về cách làm khá kỹ của các đoàn MIA trong thu thập, phân tích thông tin:
- Các đoàn MIA, 3 - 4 đoàn, đoàn nào cũng đến xem chỗ máy bay rơi, xem mộ người phi công cạnh cây bạc hà nhưng rồi họ đều trả lời rằng đây không phải là mộ chôn lính Mỹ. Họ xem thực địa, chấm tọa độ, xác định thời điểm máy bay rơi, nguồn gốc máy bay, từ đó họ cho rằng, máy bay này là của Úc, còn xác phi công là người Hàn Quốc.
Các đoàn MIA của Mỹ đến rồi đi. Còn gia đình anh Duy cứ làm cái việc nghĩa hiếm có của mình, cái việc của “tình nhân loại” là chăm lo, hương khói cho phần mộ của người lính nước ngoài từng đánh thuê cho Mỹ.
Từ lần di dời mộ về chỗ cạnh cây bạc hà, cạnh mộ chị dâu, khoảng 15 năm sau, anh Duy lại một lần nữa di dời mộ này về gần mộ ba mẹ mình. Lúc này, anh Duy cho chuyển hài cốt từ hòm gỗ sang tiểu sành. Cơn cớ của việc dời mộ lần này là do từ một… con mương. Để ngăn không cho trâu bò vào phá chỗ vườn cây lâm nghiệp, người dân đã đào con mương chạy qua sát chỗ mộ cạnh cây bạc hà. Con mương này đã chạy cả vào trong giấc ngủ của anh Duy, khiến anh trằn trọc, mộng mị không yên. Thế là thêm một lần nữa phải dời mộ cho người phi công này.
Chị Trần Thị Thúy Mai, vợ anh Duy nãy giờ ngồi trên thềm nhà nghe anh Duy và tôi nói chuyện việc nghĩa, chỉ ngồi nghe nhưng ra chiều tâm đắc và xúc động lắm, giờ bỗng góp chuyện, giọng thiết tha khi ký ức về một chi tiết liên quan nào đó với câu chuyện anh Duy kể đã thức dậy trong chị:
- Khi đào lên, hòm gỗ đã bị mối ăn, chỉ còn cái túi ni lon. Xương trong túi ni lon lúc đó còn nguyên. Chị không tháo ra, vì tháo ra sợ bị lộng gió.
Năm 2015, anh Duy xây lăng cho ba mẹ mình, nhân đó, anh tôn tạo lại ngôi mộ người phi công nước ngoài luôn, ốp gạch lên vỏ mộ.
- Để mộ người phi công nằm sau cây bạc hà, cạnh mộ chị dâu là tội. Mình đưa lên gần mộ ba mẹ và ốp gạch đàng hoàng - Vẫn với giọng tha thiết, chị Mai thổ lộ nỗi lòng - Lúc mình già đi, không thắp hương được thì có con cái mình đến thắp hương kẻo tội!
Thế rồi, thông tin về ngôi mộ này đã được người Hàn Quốc biết đến. Anh Duy cho biết, ngày 15/8/2023, anh đã tiếp một đoàn của Đại sứ quán Hàn Quốc, gồm 4 người (2 nữ, 2 nam), trong đó có 3 người Hàn Quốc và 1 người Việt Nam làm phiên dịch. Đoàn này đã đến xem ngôi mộ, đến chỗ máy bay rơi, chụp ảnh rồi đi. Nhớ lại những lần bốc mộ, dời mộ, chị Mai kể về nỗi băn khoăn, lo lắng canh cánh bên lòng:
- Mỗi lần bốc mộ, chuyển hài cốt sang địa điểm mới, anh chị đều giữ hài cốt nguyên gói trong ni lon. Cứ sợ hài cốt có bị nát ra không, có bị lộng gió không.
Rồi nhân có chuyện người Hàn Quốc đến tìm xem ngôi mộ, chị vừa mong lại vừa lo:
- Chị trông họ đưa được hài cốt người phi công này về nước. Sợ không biết có được không? Sợ đào lên lấy mẫu ADN không đúng, phải chịu cảnh đào lên, lấp xuống, tội. Đã yên ổn rồi. Đào lên phải đúng người thì người ta mới đem về. Sợ không đúng người, phải bỏ lui lại, tội!
“Đã yên ổn rồi”, đó cũng chính là ý nghĩ của anh Duy. Việc phía người nước ngoài có cất bốc hài cốt người phi công ở ngôi mộ này về nước trong thời gian đến hay không, anh Duy không mấy bận tâm nữa, vì ngôi mộ này lâu nay đã được gia đình anh coi như là mộ phần của mình rồi.
Anh Duy dẫn tôi ra thăm viếng, thắp hương cho mộ ba mẹ anh và mộ người phi công đặt gần đó. Phía trước lăng mộ khang trang của ba mẹ anh, chếch về bên trái một tý là ngôi mộ của người phi công được xây ốp gạch vỏ mộ, nền mộ lát gạch đỏ. Điều đặc biệt là ngôi mộ này có chiều dài dài hơn so với mộ của người Việt. Việc thiết kế chiều dài như vậy hàm ý là để phù hợp với khổ người nước ngoài cao to. Trên bia mộ khắc mấy dòng chữ: “Phần mộ không biết tên. Quốc tịch: Hàn Quốc (Phi công). Mộ táng tại Tân Xuân, Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị. Người lập mộ: Đào Xuân Duy”.
Khi cùng anh Duy đứng bên mộ người phi công nước ngoài, tôi như vẳng nghe lại lời chị Mai kể với tôi ban nãy trong nhà chị về chuyện chăm lo hương khói mộ phần này: “Hàng năm, gia đình đều lo lễ cúng cho mộ anh phi công. Tết là lo một mâm cúng đàng hoàng, khi thịt gà, khi thịt heo, có thêm giấy áo, tiền đô cho anh”. Trong mùi hương ngát thơm của những nén tâm nhang mà tôi và anh Duy vừa thắp lên, trước ngôi mộ hiếm có trên trái đất này, bao nỗi đau thương, thù hận của quá khứ chiến tranh được hóa giải, tan biến, để chỉ còn đây ấm áp tình người và niềm khoan dung.
Tôi nhớ cách đây hai mươi năm trước, tôi đã đọc cuốn sách “Ký ức chiến tranh” của Kim Jin Sun, một sĩ quan quân đội Hàn Quốc từng tham chiến trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuốn sách được thực hiện với sự trợ giúp của Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2002, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Kim Jin Sun viết ra bởi ký ức dằn vặt, tra vấn vì mình đã từng “có những hành vi chẳng khác nào một con thú dữ trong bầu không khí cuồng loạn của chiến tranh”, từ đó, thốt lên lời sám hối:
“Mong các bạn hiểu hơn về đất nước Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường, hiểu thêm về sự ngạo mạn của các cường quốc, hiểu cho những ân hận về những tội ác mà tôi và các chiến hữu đã gây ra ở Việt Nam”.
Anh Duy không đọc Kim Jin Sun nhưng anh hiểu và làm nhiều hơn những điều Kim Jin Sun mong mỏi, sám hối. Ngôi mộ người phi công nước ngoài mà gia đình anh Duy đã lập qua ba lần, trong đó có hai lần di dời là ngôi mộ của tình nhân loại, ngôi mộ của niềm hóa giải đau thương, mất mát, thù hận, ngôi mộ của thông điệp Vì Hòa Bình.
Năm 2024, lần đầu tiên, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa Bình. Mọi người hãy về đây, thắp cho ngôi mộ này một nén nhang réo gọi hòa bình, một nén nhang của niềm tỉnh thức, khi trên thế giới này, nơi nọ nơi kia vẫn còn xảy ra tranh chấp, xung đột, còn đạn nổ, bom rơi.
Xuân Giáp Thìn 2024
NGUYỄN HOÀN
Nguồn : Tác giả gửi
Lời bình của TSSH:
Nghĩa cử của anh Đào Xuân Duy trong bài viết trên đây hoàn toàn có tính cách nhân văn, ngược với hành động của nhóm người trong bản tin sau đây.
- Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam
Chủ nhật ngày 17/3/2024, một nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam.
Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng tôi đã đứng vững với niềm tự hào.”
Thật là không biết nhục!!
Trang Lịch Sử