●   Bản rời    

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam - Pháp - Tây Ban Nha Đánh Chiếm Nam Kỳ

Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam

Pháp - Tây Ban Nha Đánh Chiếm Nam Kỳ

TS Nguyễn Xuân Thọ

http://sachhiem.net/NGXUANTHO/BuocMoDau_03.php

| ¿ trở ra mục lục| 13-Feb-2023

 

Chương 2 - Cuộc Viễn Chinh Pháp - Tây Ban Nha Đánh Chiếm Nam Kỳ

(1858-1862)

Trái với dư luận lâu nay được công nhận, việc Napoléon III quyết định can thiệp vào Việt Nam không phải là hậu quả của cái chết của Giám mục Diaz Sanjurjo, thuộc dòng Dominicain Tây Ban Nha, Khâm mạng Tòa thánh tại Bắc kỳ.


Louis Charles de Montigny (1805–1868)

Ngay từ đầu năm 1856, Hoàng đế Pháp đã ủy nhiệm cho De Montigny, người đã tạo nên khu Nhượng địa Shanghai (Thượng Hải), lúc này đang nghỉ hè tại Pháp, tiếp xúc với triều đình Huế để nối lại cuộc đàm phán và chấm dứt chính sách khủng bố các giáo sĩ.

Trước lúc De Montigny tới ít lâu, viên thuyền trưởng tàu “Catinat” đã gửi cho chánh phủ Việt Nam một thông báo lời lẽ thiếu ôn hòa, vua Tự Đức không nhận; y lại gửi luôn một tối hậu thư lời lẽ quyết liệt hơn nữa, vẫn bị triều đình Huế từ chối. Tàu “Catinat” liền nổ súng bắn vào Đà Nẵng và cho quân đổ bộ vào thành phố. Khi Montigny đến, ông ta yêu cầu cho được tự do buôn bán tại một vài cảng và có sự đối xử tốt hơn với các giáo sĩ. Triều đình Huế từ chối và cuối cùng quân Pháp phải rút khỏi Đà Nẵng trước những lời chế giễu của người Việt Nam (1857). Vậy là Napoléon III cũng có điều bất bình với chánh phủ Việt Nam và ý muốn can thiệp.

Ngay trong tháng 1/1857, khi Montigny vừa đến Đà Nẵng thì linh mục Huc, nguyên là giáo sĩ truyền giáo tại Trung Quốc, đã viết thẳng cho Napoléon III bức thư như sau:

“Linh mục Huc… Trân trọng đệ lên Hoàng đế những suy nghĩ dưới đây: Viễn Đông sắp sửa biến thành sân khấu của nhiều sự kiện lớn lao. Nếu Hoàng thượng muốn, nước Pháp có thể đóng một vai trò ở đây, rất quan trọng và vinh quang. Trong lời tựa cuốn sách của tôi nhan đề ‘Đạo Kitô tại Trung Quốc, Tartarie và Tây Tạng’, tôi có điểm qua tình hình chính trị vùng Thượng Á, nhưng tôi thấy nên khôn ngoan đừng nói hết ý nghĩ của mình cùng chỉ rõ những việc lớn mà đường lối chính trị của Hoàng thượng có thể tiến hành vì lợi ích nước Pháp và vinh quang của triều đại. Đây là một sự kiện ít người biết đến và cực kỳ quan trọng.

Năm 1774, Gia Long, vua xứ Nam kỳ, bị mất nước do một cuộc khởi nghĩa. Một người Pháp, Giám mục Adran, lúc đó có ảnh hưởng rất lớn ở Nam kỳ, đã nắm lấy cơ hội tốt để mở cuộc đàm phán và ký kết một hiệp ước đồng minh giữa Pháp và Nam kỳ. Ông ta sang Pháp có mang theo đứa con trai đầu lòng của vua Gia Long và đến Pháp năm 1786. Cuộc chiến tranh châu Mỹ đã đem lại cho thế lực hải quân Pháp một bước bành trướng lớn và dự án của Giám mục Adran được Louis XVI chấp nhận một cách niềm nở. Hiệp ước được ký kết tại Versailles ngày 20/11/1787 giữa ông Bộ trưởng (Ngoại giao) của Louis XVI và Hoàng tử Cảnh, thay mặt cha mình là vua Gia Long.

Theo hiệp ước này, nước Pháp cam kết sẽ cung cấp cho vua Gia Long, lúc đó đang bị đánh đuổi khỏi đất Nam kỳ, những phương tiện để khôi phục đất nước; về phía mình, vua Gia Long nhượng cho nước Pháp cả cảng, bán đảo và tỉnh Đà Nẵng.

Vậy là Giám mục Adran trở lại Nam kỳ cùng với người con trai đầu lòng của Gia Long và một bộ phận nhân sự được lựa chọn gồm những sĩ quan, thủy thủ và quân nhân Pháp. Ông ta phải lấy thêm quân dọc đường ở đảo Ile de France và Pondichéry; nhưng rồi cái tin cách mạng Pháp đã ngăn cản công việc kia lại. Tuy vậy, các sĩ quan đi với Giám mục đã theo người Nam kỳ và chính nhờ có sự hỗ trợ kiên quyết và khôn khéo của họ mà vua Gia Long đã khôi phục được giang sơn. Những giáo dân bản xứ do Giám mục Adran tổ chức, đã biến thành bộ phận vững mạnh và tận tình nhất trong quân đội nhà vua.

Cuộc cách mạng Pháp đã là cho người ta quên xứ Nam kỳ và quên việc thi hành các điều khoản của Hiệp ước.

Dưới triều Louis XVIII, buổi đầu chế độ Phục hưng, nước Pháp đã cố thử đòi hỏi những quyền của mình về cảng và tỉnh Đà Nẵng. Nhưng công việc tiến hành vụng về đến nỗi chỉ dẫn tới một sự trục xuất triệt để đối với tất cả những người Pháp ra khỏi đất Nam kỳ và một sự khủng bố cực kỳ đẫm máu đối với những giáo dân bản xứ.

Ngày nay, hoàn cảnh hoàn toàn thuận lợi cho việc chiếm lại Nam kỳ phần lãnh thổ mà nước Pháp được quyền chiếm giữ một cách hợp pháp không ai có thể phản đối, theo đúng những điều khoản của Hiệp ước ký kết tại Versailles năm 1787. Đánh chiếm Nam kỳ là một việc làm dễ dàng như trở bàn tay, mà mang lại những kết quả vô cùng lớn lao. Nước Pháp đã có sẵn, tại vùng biển Trung Quốc, thừa đủ lực lượng để thực hiện kế này và đánh lui mọi tấn công có thể có từ phía vua Nam kỳ.

Dân cư Nam kỳ đông đúc, mật độ cao, siêng năng, rất dễ truyền đạo Kitô, đang sống dưới sự áp bức chuyên chế nặng nề. Họ sẽ đón tiếp chúng ta như những người đến giải phóng cho họ, những kẻ ân nhân. Chỉ cần ít thời gian thôi là đủ để biến họ thành một xứ sở hoàn toàn công giáo và tận tụy với nước Pháp.

Đà Nẵng, trong tay người Pháp, sẽ là một hải cảng bất khả xâm phạm và là một điểm quan trọng nhất để làm chủ mọi vấn đề vùng Thượng Á. Đất đai Nam kỳ cực kỳ màu mỡ ngang hàng với những vùng đất chí tuyến giàu có nhất. Những sản phẩm chính dùng cho trao đổi mua bán hiện nay của Nam kỳ là đường, gạo, gỗ làm nhà, ngà voi. Sau nữa là vàng và bạc với những mỏ rất giàu đã được khai thác lâu nay.

Tóm lại, trong hoàn cảnh hiện nay nước Pháp rất cần có một cơ sở giàu và mạnh về mọi mặt tại Viễn Đông về tất cả mọi phương diện. Nam kỳ là một thích hợp cho chúng ta hơn cả. Chúng ta có quyền đánh chiếm nó, mà đánh chiếm nó là chuyện hết sức dễ dàng. Nó không làm hao tổn gì cho nước Pháp. Nó không thể không mang lại cho nước Pháp những kết quả huy hoàng về vinh quang cũng như về sự giàu có.

“Nước Anh đang chăm chú nhìn về Đà Nẵng. Họ sẽ đi trước chúng ta nếu như họ biết rõ những quyền của chúng ta và biết chúng ta đang có một dự kiến chiếm đóng…

Nếu bản báo cáo ngắn ngủi này gây được ấn tượng trong tâm trí Hoàng đế, thì tôi, linh mục Huc, sẽ dễ dàng cung cấp cho Hoàng thượng những điều chỉ dẫn chi tiết hơn và chính xác nhất”.

E. Huc

28, đường Bourgogne(1)

Chúng ta nên lưu ý rằng tác giả bức thư, linh mục Everiste-Régis Huc, giáo sĩ Hội Truyền giáo Saint-lazare, chỉ biết đất nước và lịch sử Việt Nam qua những cuốn sách và những chuyện kể của các bạn đồng sự của mình, và ngay ở “những chỉ dẫn chi tiết và chính xác” người ta thấy có một vài điểm sai lầm trong lời khẳng định của ông: Hiệp ước Versailles năm 1787 không phải do Hoàng tử Cảnh ký, và nhất là như chúng ta đã thấy, chưa hề được bắt đầu thực hiện chút nào.

Napoléon III, sau khi xem bức thư này, đã thành lập một tiểu ban để nghiên cứu xem nước Pháp căn cứ vào các điều khoản của Hiệp ước Versailles, có thể cho mình có quyền gì đối với Việt Nam hay không? Và nếu có thì nước Pháp có nên dùng sức mạnh buộc Việt Nam thi hành hiệp ước hay không? Tiểu ban gồm có Nam tước Brenier, Chủ tịch; ông Cintrat, Giám đốc Lưu trữ của Bộ Ngoại giao; Đô đốc Fourinchon; Thuyền trưởng Jaurès; Bá tước Fleury, đại diện bộ Thương mại. Tiểu ban họp phiên đầu tiên ngày 3/5/1857.

Tiểu ban đã thẳng thắn báo cáo rằng Hiệp ước Versailles chưa bao giờ được thực hiện, nên không thể viện dẫn nó làm căn cứ; nhưng ngoài tình trạng vô hiệu ấy ra, thì những vụ xúc phạm ngày càng nhiều đối với các giáo sĩ (chúng ta nhớ đây là những vụ xảy ra trước vụ xử tử Giám mục Sanjurjo) cũng đủ biện hộ cho sự cần thiết phải dùng đến những biện pháp cưỡng bách. Tiểu ban đề nghị đánh chiếm các thành phố Huế, Sài Gòn và Kẻ Chợ (tức Hà Nội).

Vào lúc mà người ta đang xâm phạm vào Madagascar, Xiêm, Trung Quốc và Nhật Bản, không có lý do gì lại dừng chân và chịu thất bại ở Việt Nam.

Về phía mình và vẫn trước vụ Sanjurjo, Giám mục Pellerin, Khâm mạng Tòa thánh tại miền Bắc Nam kỳ, vừa đặt chân lên cảng Marseille tháng 5/1857, cũng không chịu ngồi yên. Ngày 29/5, ông gửi một công hàm cho Nam tước Brenier, tháng 6 một bức thư dài cho Bộ trưởng Ngoại giao, Bá tước Walewski. Rồi qua trung gian Hồng y Bonnechoes, ông được Hoàng đế Napoléon III tiếp tại Biarritz, nơi Hoàng đế đang nghỉ mát. Ông van nài Hoàng đế hãy “nắm lấy trách nhiệm giải quyết vấn đề Kitô giáo tại Việt Nam”, ông thống kê tên bao nhiêu giáo sĩ bị xử tử trong hai mươi lăm năm qua và cầu xin Hoàng đế “sớm chấm dứt cái chuỗi cầu kinh tang tóc ấy...”.

Những lời cầu xin của Giám mục Pellerin đã gây một ấn tượng mạnh mẽ cho Napoléon III, vốn đã bị xúc động trước bức thư dài của linh mục Huc, và lâu nay đã muốn can thiệp vào bất cứ nơi đâu mà ông có thể tạo điều kiện cho Nhà thờ Kitô giáo phát triển.

Hơn thế nữa, hoàn cảnh lúc này đang vô cùng thuận lợi. Tại Pháp, một sự can thiệp theo chiều hướng đó được đón nhận nhiệt tình ở phía những người ủng hộ Kitô giáo và tăng thêm ở họ tấm lòng gắn bó đối với đế chế. Mặc khác, bên ngoài, nước Pháp có một hạm độimạnh tại Viễn Đông chĩa vào Trung Quốc và sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam nếu cần. Trước mắt chẳng có gì đáng ngại, đã đến lúc thẳng tiến lên một bước mới.

Trong những điều kiện thuận lợi nhất như vậy, giữa mùa hè 1857, Napoléon III quyết định hành động. Ông ta chỉ muốn thực hiện một cuộc biểu thị sức mạnh hải quân, chứ không phải một chiến dịch chính trị tầm xa. Cuộc “viễn chinh Nam kỳ” này, được coi như sự tiếp nối của những chiến dịch chống Trung Quốc và phụ thuộc vào chiến dịch đó về phương diện quân sự.

Đầu tháng 7/1857, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bá tước Walewski, được Napoléon III mời trình bày tại Hội đồng Bộ trưởng dự kiến của mình về cuộc can thiệp vào Việt Nam. Trước sự do dự và phản đối của một số Bộ trưởng, ông không ngần ngại nhắc nhở cho họ biết Hoàng đế không quen hành động mà không đắn đo, rằng Người đã suy nghĩ kỹ càng, rằng Người đã quyết định rồi và cuối cùng rằng mọi người cần tự đảm lấy trách nhiệm của mình. Trước lời lẽ quyết đoán ấy, các Bộ trưởng đối lập đành im lặng và nhanh chóng hiểu rằng không nên phản đối. Hoàng đế đã quyết định; “số đã định rồi”. Họ bèn đồng tuyên bố công cuộc dự định này cần được thực thi. Quyết định được thông qua.

Một ít lâu sau khi tiếp Giám mục Pellerin, ngày 25/9/1857, theo chỉ thị của đích thân Napoléon III đưa xuống, Bộ trưởng Ngoại giao đã thông báo cho đồng sự của mình là Bộ trưởng Hải quân những chỉ thị cụ thể để chuyển cho Chuẩn Đô đốc Rigault de Genouilly thi hành:

“Ông Tư lệnh trưởng hạm đội hải quân đóng ở Trung Quốc… được giao trách nhiệm phát huy bằng lực lượng quân sự sẵn có, tác dụng những điều mà chúng ta trách cứ Nam kỳ và thiết lập những mối quan hệ mà chúng ta cần phải thiết lập với vương quốc ấy… Ông Chuẩn Đô đốc Rigault de Genouilly đã biết rõ chúng ta đang trách cứ chánh phủ An Nam những điều gì và hiểu rõ những quyền lợi tôn giáo, chính trị, thương mại. Một khi chúng ta có quyền thì đồng thời cũng phải có nhiệm vụ làm chấm dứt những hành động và thái độ thù địch, mà chúng ta đã thường xuyên vấp phải từ phía triều đình Huế.

… Chúng ta nhất định sẽ thất bại nếu giao cho vị chỉ huy trưởng, các lực lượng hải quân của Hoàng thượng tại Trung Quốc, dùng biện pháp đàm phán để thiết lập những mối quan hệ với triều đình Huế. Thất bại của nhiều lần đàm phán trước đây chứng minh rằng:

“Cần thiết phải yêu cầu ông Chuẩn Đô đốc nên sử dụng ưu tiên những biện pháp có hiệu quả nhanh chóng và đảm bảo hơn.

… Để hoàn thành sứ mệnh đó… [Rigault de Genouilly] phải tiến hành, một khi đã đến sát bờ biển vương quốc An Nam, đánh chiếm vịnh biển và lãnh thổ Đà Nẵng. Làm chủ được vị trí này rồi, ông ta phải nghiên cứu thăm dò tại chỗ mọi chỉ dẫn cần thiết; và lưu ý một mặt đến tầm quan trọng của những kết quả cần đạt được và mặt khác đến những mất mát có thể phải chịu, cũng như những cơ may có thể gặp trên con đường đi tới thành công, xem có nên tập trung cố gắng đạt được nền bảo hộ của Pháp lên đất nước Nam kỳ, hay chỉ giới hạn ở mức ký kết một hiệp ước thân thiện, mậu dịch và hàng hải, bằng mọi cách quy định cho phía Nam kỳ phải có những đền bù thích đáng đối với những chuyện khủng bố các giáo sĩ, mà sự an ninh phải được đảm bảo bằng những điều khoản cụ thể, thành văn. Về sự lựa chọn một trong hai phương án trên đây, Hoàng đế hoàn toàn tin cậy vào sự khôn ngoan, sáng suốt của ông Chuẩn Đô đốc Rigault de Genouilly…

Nếu một khi chiếm hữu được Đà Nẵng, ông Tư lệnh trưởng… xét thấy có thể, với nhiều hy vọng thành công, thông qua một hiệp ước hợp lệ và long trọng, đi đến sự thừa nhận nền bảo hộ của nước Pháp thì không được quên một điểm quan trọng là nền bảo hộ tất yếu bao hàm quyền lãnh đạo những quan hệ mà nước được bảo hộ có thể thiết lập sau này với các nước ngoài, thái độ đối xử nhà nước đối với các nhà buôn và các nhà hàng hải của nước bảo hộ, quyền tài phán tuyệt đối của các nhân viên, nước bảo hộ đối với tất cả các công dân của mình, bất phân biệt và về mọi phương diện…Ông Rigault de Genouilly sẽ biết suy luận để tìm ra những điều khoản thích ứng và lý giải cụ thể chiều hướng làm sao củng cố được quyền bính mà nước Pháp sẽ có sứ mệnh thực hiện tại Nam kỳ.

Vả lại… dù áp đặt được sự thừa nhận nền bảo hộ của Pháp trên xứ sở Nam kỳ, hay chỉ đơn giản ký kết một bản hiệp ước bình thường, thì Rigault de Genouilly phải giữ được chủ quyền Đà Nẵng làm vật bảo đảm, buộc phía chánh phủ Nam kỳ phải thi hành hoàn toàn hiệp định đã ký kết.

“Hoàng đế mong muốn Chuẩn Đô đốc Rigault de Genouilly có thể thi hành đúng với ý định của Người trong thời gian nhanh nhất...”(2)

Chuẩn Đô đốc Rigault de Genouilly

Napoléon III đã ra lệnh rành mạch dùng vũ lực quân sự để áp đặt ý đồ xâm chiếm của Pháp tại Việt Nam được khích lệ bởi sự thành công của chính sách vũ lực mà người phương Tây thực hiện lâu nay tại Viễn Đông, đồng thời dưới áp lực, chánh phủ Nhựt Bổn đã nhượng bộ và bởi sự hèn kém của triều đình Mãn Thanh nên đường lối chính trị mà nước Pháp lựa chọn chỉ có thể là rập theo con đường mà người Anh và người Mỹ đã đi. Đường lối chính trị ấy, ít nhiều đã xuất phát từ mối quan tâm muốn làm vừa lòng những thỉnh cầu của một số giáo sĩ này, những tham vọng vật chất cũng như tinh thần của một số giáo sĩ khác và cả những nỗi bất bình cay đắng của những nhà đàm phán bị khước từ.

Ngay giữa lúc đó, tin Giám mục Sanjurjo bị xử tử được truyền đi. Có thật chánh phủ trung ương Việt Nam chịu trách nhiệm về vụ xử này không? Không chắc! Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, có khi là những cơ quan địa phương tỏ ra quá nhiệt tình, đã ra lệnh xử tử, chỉ sau một xét xử sơ sài mà không đợi sự chuẩn y của triều đình Huế.

Nữ hoàng Eugénie de Montijo

Nữ hoàng Eugénie de Montijo có quen biết Giám mục Diaz Sanjurjo trước kia tại Andalousie (Tây Ban Nha). Hoài niệm về một tình bạn riêng tư bị tổn thương, với tinh thần tự cao dân tộc, với đức tin nồng nàn của mình, bà đã bị xúc động sâu sắc và thúc đẩy chánh phủ Pháp để có một sự bồi thường thích đáng về cái chết của vị giáo sĩ người Tây Ban Nha đó, cũng như kêu gọi Tây Ban Nha cùng tham gia can thiệp.

Ngày 01/12/1857, Madrid được chính thức yêu cầu.

Đứng về thực tế mà nói thì sự kêu gọi can thiệp của nước Pháp với chánh phủ Tây Ban Nha cũng là chuyện dĩ nhiên bởi vì chính là một đại diện của Tây Ban Nha kêu gọi trước tiên, sự giúp đỡ của nước Pháp nhằm cứu thoát Sanjurjo, người của Tây Ban Nha. Với nước Pháp thì đây cũng là một “cơ may trời cho” rất đáng quý, vì có sự tham gia của quân đội Tây Ban Nha thì sẽ giảm bớt được cho Pháp những nhọc nhằn, cũng như mất mát trong cuộc viễn chinh. Người ta có cớ để giả thiết rằng chánh phủ Tây Ban Nha sẽ không đòi hỏi quá nhiều về “giá cả” của sự tham gia đó và sẽ vui lòng làm việc rất có lợi cho Pháp.

Trong một công hàm mật ngày 01/12/1857, được chuyển cho Quốc vụ khanh Tây Ban Nha, Martinez de la Rosa, ngày 05/12, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bá tước Walewski nói cho đại sứ Pháp tại Madrid, Hầu tước De Turgot rằng:

“Do sự kiện đáng buồn ấy, chánh phủ của Hoàng đế đã quyết định phái tư lệnh các lực lượng hải quân Pháp tại Trung Hoa đến vùng bờ biển nước An Nam để đòi hỏi một sự đền bù thỏa đáng, đối với đơn khiếu nại rất hợp lý hợp tình và thúc đẩy triều đình Huế phải ban hành những biện pháp cần thiết để trong tương lai những tai ương kia không còn tái diễn nữa”.

Bức công hàm ấy cũng yêu cầu có một sự hợp tác chặt chẽ của triều đình Madrid, diễn đạt qua lời lẽ sau đây:

“Có thể là vị sĩ quan ấy [Rigault de Genouilly] phải cần có từ một ngàn đến hai ngàn quân bộ mới có thể làm cho cuộc viễn chinh đạt được kết quả mong chờ, và chúng tôi sẽ rất vui mừng được biết nội các Madrid, trong trường hợp họ muốn cho quân đội mình hợp tác với quân đội chúng tôi, có thể trích từ quân số của họ hiện đóng tại Philippines những số quân đổ bộ nhất thời cần thiết cho Đô đốc Rigault de Genouilly, theo dự kiến của chúng tôi hay không”.

Napoléon III, về phía ông cũng vậy, không giấu giếm mong muốn của mình có được một sự cộng tác như thế, khi trong một buổi tiệc riêng do đại sứ Tây Ban Nha tại Paris, Công tước De Rivas chiêu đãi, ông đề cập tới cái chết của Giám mục Sanjurjo và nói: “... Ông kiên quyết sẽ trả thù cho sự kiện khủng khiếp ấy và cho vong linh của vị thánh nhân đã bị hy sinh vì sự hy sinh điên cuồng của những người ngoại đạo ấy” và ông đã tổ chức một cuộc viễn chinh nhằm mục đích này. Ông tin rằng: “Hoàng hậu rất ngoan đạo [vua Tây Ban Nha], có nhiều quyền lợi trong những vùng đất ấy và dân bản xứ đang bị đe dọa khủng bố, cũng là người có đạo Thiên chúa và vị giám mục đã bị hành hình một cách dã man lại là người Tây Ban Nha. Nước Tây Ban Nha sẽ có lợi và nên hợp tác trừng phạt những hành vi ghê tởm này”(3). Sau nữa, ông mong muốn có một sự hợp lực nào đó của Tây Ban Nha “và sẽ rất vui lòng được thấy Tây Ban Nha đóng góp chung vào hai nghìn hoặc ít ra cũng một nghìn rưỡi quân của các trại lính Philippines với cuộc viễn chinh của Pháp”.

Martinez de la Rose, đứng trước sự nghiêm trọng của vấn đề, thấy nhất thiết cần đưa lên Hội đồng Bộ trưởng chánh phủ ông cứu xét. Cuối cùng, người ta tuyên bố rằng: “…với lòng mong muốn được đóng góp vào một công cuộc có ích về mọi mặt như vậy, Tây Ban Nha có thể cung cấp một tiểu đoàn hoàn chỉnh gồm 1.200 người, cùng với số trọng pháo tương đương và một hoặc hai tàu thủy”(4). Sự thỏa thuận ấy đã được thông báo cho đại sứ Pháp tại Madrid bằng văn bản, ngày 12/12/1857 và cho đại sứ Tây Ban Nha tại Paris cũng cùng ngày hôm ấy; đồng thời thông báo cho chánh phủ Pháp biết.

Ngày 25/12/1857, Bộ trưởng Chiến tranh Tây Ban Nha ra lệnh cho tư lệnh trưởng ở Philippines chuẩn bị sẵn sàng, để khi nào vị Đô đốc Pháp Rigault de Genouilly yêu cầu thì cho xuống tàu một tiểu đoàn quân bộ một ngàn người, cùng với hai đại đội kỵ binh, mỗi đại đội 150 người và một trung đội pháo binh một trăm người.

Đạo quân viễn chinh do đại tá Bernard Ruiz de Lanzarote chỉ huy; Lanzarote đã mang theo một ngàn năm trăm người của quân đội Tây Ban Nha tại Viễn Đông, hầu hết là người Philippines đã quen thủy thổ nhưỡng xứ này.

Không nói đến những động cơ nhân đạo và tôn giáo thì trong vấn đề này, sự sốt sắng của Madrid tham gia vào cuộc viễn chinh có mang động cơ, như chúng ta có quyền suy luận, mơ ước làm một cường quốc thực dân đi chinh phục những vùng đất đai mới hay không? Thuộc địa Philippines, ở ngay gần Việt Nam, phải chăng là một điều khuyến khích trước con mắt của Madrid, trong khi Pháp xa cách những 12.000km và chưa có một căn cứ nào ở đây; phải chăng đang đưa đến một điều bất lợi chắc chắn cho mình, và rất lợi cho đồng minh?

Mặc dù có ưu thế như vậy, nhưng vì quá vội vàng lao vào cuộc phiêu lưu mà không kịp chuẩn bị cho chu đáo trước, Madrid đã bỏ qua cả điều cơ bản: là ghi lại thành văn bản những điều đã dàn xếp với nhau, quy định cụ thể những quyền lợi và nhiệm vụ mỗi bên; vì vậy mà sau đó chẳng bao lâu, Tây Ban Nha đã phải chịu những nỗi thất vọng cay đắng.

Tại Tây Ban Nha, tình trạng nội bộ biến động thu hút hết sự quan tâm của các chánh phủ. Nội các Armero, đã chấp nhận hợp tác với Pháp, đã nhường chỗ cho chánh phủ Isturiz; chánh phủ này tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, không lưu ý chút nào về vấn đề Nam kỳ.

Tháng 6/1858, O’Donnell lên cầm quyền, Ông O’Donnell lãng mạn này, một trung thần trụ cột của Hoàng hậu Christine, là người có khả năng hơn ai hết, thể hiện cái chính trị vinh quang của nền Phục hưng Tây Ban Nha. Ông ta dĩ nhiên có phần xa rời dư luận quần chúng của đất nước và có chiều hướng đi theo đường lối chính trị Tây Ban Nha của Philippines II. Nhưng người mà sắp trở thành Công tước Tétouan, vì đã mang lại cho Tổ quốc mình cả thành phố này cùng với một phần xứ Maroc, người mà sẽ mang trở lại Saint-Dominque cho Tổ quốc và như vậy đã cùng một lúc đem Tổ quốc mình trở lại làm chủ các thuộc địa ở châu Mỹ, chỉ có thể sẵn sàng cho Tây Ban Nha đặt chân lên xứ sở Việt Nam. Và ông có thể hoàn toàn ý hợp tâm đầu với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bá tước Walewski, con riêng của Napoléon I với nàng thiếu nữ Ba Lan dịu dàng Maria Walewska, năm 1807, do nhiệt tình yêu nước, đã mạnh dạn dấn mình rơi vào lòng người chinh phục diệu kỳ. O’Donnell, chẳng bao lâu đã thấy ra rằng cuộc thỏa thuận Pháp - Tây Ban Nha có một lỗ hổng quan trọng: Tây Ban Nha đã can thiệp cùng với Pháp mà không quy định rõ ràng, trước những điều kiện hợp tác, trong quá trình chiến dịch và phần sẽ thuộc về mình, sau khi chiến dịch hoàn thành.

Quốc vụ khanh Tây Ban Nha Saturnio Calderon Collantes định làm sáng tỏ vấn đề: ông ủy nhiệm đại sứ Tây Ban Nha tại Paris, Alejandro Mon, thương lượng với chánh phủ Pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã làm yên lòng vị đại sứ Tây Ban Nha và vị đại sứ đã báo cáo lại với chánh phủ mình rằng “ông không biết nước Pháp có quan tâm hay không quan tâm đến vấn đề chiếm cứ đất đai tại chỗ xa xôi kia. Nhưng nếu Pháp thấy việc đó có lời và chúng ta cũng thấy có lợi, thì chúng ta sẽ có phần bằng nhau. Ông ta nghĩ rằng tốt hơn hết là ký với nhau một hiệp định thương mại, trong đó hai bên cùng có những quyền lợi như nhau và dù cho kết quả ra sao thì người Tây Ban Nha cũng như người Pháp, sẽ có cùng những đền bù, những quyền lợi và những sự tiếp đón như nhau, nếu chúng ta thấy phù hợp với chúng ta, sau khi cuộc viễn chinh kết thúc”(5).

Tuy vậy, vấn đề Nam kỳ không khỏi có tiếng vang đến Quốc hội. Trước hết, nó bị Nữ hoàng phê phán trong bài diễn văn khai mạc ngày 1/12/1858 và sau đó ngày 14/3/1859, khi đại biểu Salustiano Olozaga trình bày trước Quốc hội một đề nghị mà ông ta hết sức quan tâm: trong đó ông ta chất vấn chánh phủ về những việc đã tiến hành, liên quan đến cuộc viễn chinh ông phê bình các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đã tự động ký kết một liên minh tiến công mà không cho Quốc hội biết và vi phạm điều khoản hiến pháp quy định, trong những trường hợp phải có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Thực tế thì chưa có hoạt động gì trước khi ký kết, ngày 28/6/1858, bản hòa ước Pháp - Trung tại Thiên Tân, chấm dứt các hoạt động quân sự tại Pei-Ho và để cho các lực lượng quân sự Pháp của Đô đốc Rigault de Genouilly được tự do.

Ngày 31/8/1858, Rigault de Genouilly, cùng với đoàn quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha đến trước cảng Đà Nẵng.

Ảnh sknc.qdnd.vn

Ngày 01/09, vịnh Đà Nẵng còn đang chìm trong sương mù buổi sáng, người ta bỗng nghe tiếng nổ vang những loạt đại bác đầu tiên của hạm đội Pháp - Tây Ban Nha. Sau khi ngắn ngủi truyền lệnh giao thành trước khi tuyên chiến, Rigault de Genouilly ra lệnh triệt hạ các đồn lũy Đà Nẵng. Cả đạo thủy quân chia làm ba cánh, bắt đầu hoạt động: Cánh thứ nhất được chỉ định bao vây bán đảo Sơn Trà; cánh thứ hai vào sâu thả neo trong vịnh, củng cố vị trí ngay trước cửa sông Tourane (sông Hàn); cánh thứ ba dự bị, luôn luôn sẵn sàng tham chiến tùy hoàn cảnh cuộc chiến.

Nếu cuộc tấn công bất ngờ đầu tiên thắng lợi, nếu một lần nữa những đồn lũy bảo vệ bờ biển bị phá tan, thì những đợt lấn đánh tiếp theo đã chẳng dễ dàng gì. Một vị tướng tài, Nguyễn Tri Phương và những đạo quân quyết chiến của ông đã nhanh chóng chặn đứng được cuộc hành quân vào sâu đất liền của kẻ thù. Và lính Tây Ban Nha-Pháp bị chết rất nhiều do bệnh sốt thương hàn, đã sa lầy giữa đám bùn phù sa của châu thổ.

Nếu như người Pháp muốn trả giá một cách quả quyết hơn, chắc chắn là họ đã có thể tiến thẳng đến Huế; nhưng trừ các giáo sĩ là những kẻ rất muốn vào thành để bẻ gãy cuộc chống Pháp của triều đình Huế đối với Kitô giáo của họ, chẳng có ai thiết tha gì với vấn đề này cho lắm. Ở Paris, cũng như ở Đà Nẵng, người ta ngày càng quay mắt nhìn về Sài Gòn.

Ở Paris, người ta thật tình đang lo ngại về những tham vọng của Luân Đôn, sau vụ Hồng Kông và Singapore…, người Anh muốn chiếm một chỗ đứng trung gian tại Nam kỳ.

Năm 1857, họ [người Anh] đã gửi một phái đoàn sang đàm phán để ký kết một hiệp ước thương mại, nhưng Tự Đức không chịu.

Còn Rigault de Genouilly thì rõ ràng là Huế không làm ông quan tâm. Ông không thiếu lý do để chối từ một cuộc tiếp xúc với Huế và cũng chẳng thiếu lý do để đến Sài Gòn.

Ngày 09/02/1859, hạm đội Pháp đến ngoài khơi Vũng Tàu và ngược lên sông Sài Gòn. Kinh đô miền Nam nhanh chóng bị thất thủ. Ngày 17/02, Rigault de Genouilly công bố một Nhật lệnh đầy giọng chiến thắng cho quân đội ông ta về việc chiếm lĩnh thành trì:

“… Một kho vũ khí hoàn chỉnh đầy đủ, 20.000 súng tay, 200 đại bác, 85.000 kg thuốc súng… Các kho chứa đầy… gạo đủ nuôi từ 6 đến 8.000 người trong một năm, và một quỹ quân sự chứa 130.000 quan tiền địa phương(6)”.

Thành này vài hôm sau bị phá hủy, theo lệnh của R. de Genouilly, không đủ quân để đóng.

Sau đó, trong vài ba tháng liền, là một cuộc qua lại của bộ binh và tàu bè giữa Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy lực lượng đội quân viễn chinh chịu trách nhiệm giữ vững hai thành phố ấy, cách xa nhau gần 1.000km, không nhiều người ta vẫn cố giữ Sài Gòn và không rời bỏ Đà Nẵng, sợ rằng bỏ Đà Nẵng sẽ gây hậu quả tinh thần không có lợi. May cho đội quân viễn chinh, quân đội Việt Nam chỉ mở những cuộc tấn công quy mô nhỏ.

Ít lâu sau khi biết tin quân Pháp - Tây Ban Nha chiếm Đà Nẵng, chánh phủ Madrid dự đoán rằng vua Tự Đức sẽ thỏa mãn những yêu sách của hai nước đồng minh và xin giảng hòa. Họ đã dự đoán sai. Nhưng nhằm đối phó với tình hình dự đoán, Madrid đã phái đại sứ của mình tại Paris đến gặp Bá tước Walewski lần nữa, “nhằm hiểu rõ ý đồ của chánh phủ Pháp trong vấn đề này như thế nào(7)”.

Theo như đại sứ Tây Ban Nha tại Paris nói, thì ông ta đã không thể biết được gì cả. Qua những lần hội kiến với Napoléon III và Bộ trưởng Ngoại giao, ông ta đã không tìm được một giây phút nào thuận lợi, ông ta nói vậy, để đưa vấn đề ra bàn bạc và trong những sự kiện có trước, mà văn bản còn nằm trong kho lưu trữ của Đại sứ quán Tây Ban Nha, cũng chẳng tìm ra được một duyên cớ nhỏ nào để gợi lên vấn đề đó. Trong một bức công hàm gửi cho Quốc vụ khanh ngày 28/12/1859, đại sứ Tây Ban Nha viết:

“Không hề có một hiệp định nào, không hề có một quy ước nào cả mà chỉ có hành động nhân tạo và tôn giáo thúc đẩy chúng ta, với tư cách là người Kitô giáo và người Tây Ban Nha, cùng với nước Pháp, đi trừng phạt những kẻ đã giết một người Tây Ban Nha và một người Kitô giáo và nhờ sự trừng phạt đó, cứu mạng cho những người Tây Ban Nha và Kitô giáo khác. Ngoài ra, ngài Quốc vụ khanh đã có trong tay lời hứa hẹn cụ thể của chánh phủ Pháp rằng: ‘dù kết quả cuộc viễn chinh có ra thế nào đi chăng nữa thì, nếu như có những điều lợi thì cả hai nước sẽ được hưởng bằng nhau, về giá trị cũng như về điều kiện’”(8).

Rất rõ ràng là ông đại sứ Tây Ban Nha đã chẳng thiết tha gì có được những lời lẽ chính xác, cũng chẳng muốn gì gợi ý cho chánh phủ Pháp có những lời hứa hẹn phân minh, mặc dầu lệnh của Madrid là phải đạt cho được hai điều này.

Tuy nhiên, nội các Tây Ban Nha vẫn kiên trì quan điểm của mình và cố gắng hết sức mình để có những chỉ dẫn mà họ không sao tìm được ở Paris và vẫn nghĩ tới mối lợi mà họ có thể khai thác được từ một hòa ước có thể ký kết; họ bèn chuyển lại, ngày 18/01/1860, những mệnh lệnh của nhà vua cho tư lệnh tại Philippines và Tổng lãnh sự Tây Ban Nha tại Trung Quốc, yêu cầu họ gửi về những thông tin liên quan đến những tiền tài mậu dịch mà có được thì rất hay, ngoài những thông tin về bồi thường chiến tranh và thiệt hại. Nội các cũng yêu cầu cho nội các biết rõ quan điểm của hai người về “sự cần thiết lập chủ quyền của Tây Ban Nha trên một trong những hải cảng Nam kỳ - trong trường hợp Pháp có thể giữ lấy Đà Nẵng viện cớ là Pháp ‘có quyền’ từ trước, những cái quyền cũ ấy, ngày nay Pháp có thể đòi lại cho mình bằng sức mạnh vũ khí”. Quốc vụ khanh Tây Ban Nha nói thêm, trong công hàm gửi cho Tư lệnh tại Philippines, rằng ông ta muốn có những chỉ dẫn cụ thể qua trung gian vị chỉ huy đạo quân viễn chinh:

“... Về việc này, cũng đúng lúc nên biết chánh phủ Tây Ban Nha có thể đòi hỏi Nam kỳ phải nhường cho Tây Ban Nha một lãnh địa, một thành phố nào tương đương như Đà Nẵng, và sự nhượng đất ấy sẽ mang đến lợi ích gì cho Tây Ban Nha, do đó nên nhằm những vùng nào trên bờ biển làm mục tiêu?”

Trung tướng Fernando de Norzagaray Escudéro, Toàn quyền Tây Ban Nha tại Philippines trả lời ông Bộ trưởng rằng ông ta không mong chờ gì chiến dịch này sẽ kết thúc sớm và sau khi đã nhấn mạnh về số tiền chi phí khổng lồ mà cuộc viễn chinh lôi cuốn theo nó, giải trình dài dòng về tình hình bấp bênh của vùng quần đảo dưới sự lãnh đạo của ông ta, rồi kết luận bản báo cáo như sau:

“… Nếu báo thù và bảo vệ cho các giáo sĩ, những người cùng một tôn giáo với ta tại Bắc kỳ, một đất nước xa lạ đối với chúng ta, là một điều vinh dự, thì cũng không nên quên rằng: những dân tộc các tỉnh Visayes hiện phải chịu đựng những cuộc khủng bố và lao tù của quân Maures vô sỉ, cũng đều là người Kitô giáo và là thần dân của vua Tây Ban Nha. Nếu như là một sứ mạng văn minh khai hóa, công việc mang ánh sáng Phúc âm lại cho người Bắc kỳ, những người vì muốn làm nguôi lòng các pho ‘tượng thần đang nổi giận’ của họ, đã hy sinh đi bao nhiêu mạng sống giáo sĩ và con chiên ta, vậy thì cũng quan trọng cái việc làm cho quân Maures miền Nam, những kẻ dưới sự bảo vệ của kinh Alcoran, đang cướp phá, cắt cổ và bắt bớ hành hạ hàng trăm người Tây Ban Nha – Kitô giáo. Theo ý tôi, việc này còn có cái thuận lợi là nó động chạm đến chúng ta một cách hết sức thiết thực(9)”.

Vậy là ở Manille cũng thế, những người đại diện có tư cách hơn cả chính những người đã được giao một phần trách nhiệm tổ chức cuộc viễn chinh, cũng chẳng mấy nhiệt tình đáp ứng tham vọng những người lãnh đạo của họ.

Ở Trung Quốc cũng chẳng hơn gì. Ông Tổng lãnh sự Tây Ban Nha Nicasio Canete y Morel, nhiệm sở tại Macao, trong một bản báo cáo trực tiếp với vị Quốc vụ khanh của mình, ngày 20/04/1860 đã không giấu giếm sự bất đồng của ông ta về vấn đề chiếm đất đai tại Việt Nam.

Còn tại nội các Madrid thì luôn luôn người ta được nghe bảo vệ luận đề sau đây: chính vì Philippines là đất Tây Ban Nha cho nên điều cơ bản đối với Tây Ban Nha là tỏ rõ uy thế của mình trên vùng bờ biển Việt Nam. Quần đảo Philippines và những thuộc địa mà Tây Ban Nha sẽ thiết lập ở vùng Đông Á, sẽ bổ sung cho nhau.

Ngay hôm sau khi đánh chiếm Sài Gòn, viên đại tá Tây Ban Nha Carlos Palanca y Gutierrez đã phàn nàn vì không được hưởng như người Pháp những quyền lợi vừa chiếm được. Paris đã giải thích sự việc đó với chánh phủ Tây Ban Nha bằng cách tuyên bố rằng: “… sự chiếm đóng Sài Gòn chỉ là một biện pháp phòng ngự tạm thời mà thời gian lâu mau tùy thuộc vào những điều có thể xảy ra. Những điều có thể xảy ra đó cũng lại tùy thuộc vào những cuộc hành quân hoặc những cuộc đàm phán của chúng ta theo đuổi lúc này tại Trung Quốc”(10).

Tháng 01/1860, Phó Đô đốc Page, tới thay cho Đô đốc Rigault de Genouilly, tưởng đến lúc kết thúc mọi vấn đề với chánh phủ Việt Nam, đã viết:

“Chỉ có một việc khó khăn trước mắt là trong sự việc này, có những quân Tây Ban Nha bên cạnh quân chúng ta. Tây Ban Nha yêu cầu có một quyền lợi tương ứng tại Bắc kỳ, tại đây họ đã có những quyền lợi, những phương tiện hoạt động và ảnh hưởng, họ sẽ tìm được cái điều họ muốn, những nhân công cho Philippines. Chánh phủ Hoàng đế có thể gỡ trách nhiệm bằng cách chiếm lấy cảng Balat và cửa sông Kẻ Chợ để sau giao lại cho Tây Ban Nha”(11).

Tháng 05/1860, đến lượt Đô đốc Charner cũng viết:

“Tôi không tìm thấy gì trong đống hồ sơ tôi cất giữ một văn bản nào quy định dứt khoát tình thế của Tây Ban Nha một khi có cuộc thương lượng. Nhưng đại tá Palancay Gutierrez, đặc mệnh toàn quyền của chánh phủ, đã được phái sang Nam kỳ để đàm phán, trên cương vị bình đẳng với chúng ta, với người An Nam. Tôi biết Tây Ban Nha mong muốn, sau cuộc chiến tranh này, có những quyền lợi ngang hàng với nước Pháp, hoặc ít nhất nếu Pháp vĩnh viễn chiếm đóng Sài Gòn thì Tây Ban Nha sẽ chiếm đóng một cảng nào đó ở Cao Miên, Nam kỳ, hoặc Bắc kỳ…

Tây Ban Nha đã xử trí như một nước đồng minh hay chỉ đơn giản như một nước trợ lực?

Có thể xảy ra những trường hợp mà Tây Ban Nha có thể sẽ tạo ra cho chúng ta những cái lợi rất quý báu”(12).

Khi Đô đốc Hamelin hỏi nên trả lời như thế nào trước những câu hỏi ấy, ông Bộ trưởng Pháp đã viết cho đồng nghiệp Tây Ban Nha của mình, ngày 21/07/1860, rằng ‘Tây Ban Nha đã tham gia cuộc viễn chinh với tư cách là một đồng minh chứ không đơn thuần là một nước trợ lực, do đó những cuộc thương lượng, công bằng mà nói, cũng phải mang lại cho họ một đôi sự bù đắp riêng tư”. Những chỉ thị gửi cho Phó Đô đốc Charner đã được quan niệm theo tinh thần đó.

Trong một bản báo cáo đệ trình Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, Charner chỉ rõ rằng những giải thích ấy không đủ làm sáng tỏ cần phải giữ một thái độ như thế nào trước những yêu cầu của viên đại tá Tây Ban Nha.

Quả thật, chưa bao giờ có cuộc trao đổi những lời giải thích có hệ thống và dứt khoát với chánh phủ Madrid về cái giá mà nước Pháp, đến một lúc nào đó, phải trả cho Tây Ban Nha đã tham gia với mình vào cuộc viễn chinh. Hình như lý do được viện dẫn, vì trên nguyên tắc người ta chỉ có đề nghị Tây Ban Nha cộng tác vào cuộc viễn chinh, bởi nguyên nhân dẫn đến cuộc viễn chinh là một sự xúc phạm trực tiếp sinh mạng của một giáo sĩ Tây Ban Nha.

Vả lại, lúc đó người ta không biết cuộc viễn chinh sẽ kết thúc bằng một hiệp ước với Việt Nam hay bằng một sự chiếm đóng lâu dài một mảnh đất nào đó của Việt Nam; chắc chắn người ta đã giả thiết rằng chánh phủ Tây Ban Nha sẽ đủ hài lòng với vinh quang của những chiến công quân mình, trong một cuộc viễn chinh thực hiện cộng tác với nước Pháp như vậy.

Dù sao thì chánh phủ Tây Ban Nha cũng đã hành động một cách nhẹ dạ, bởi chẳng hề có một văn bản thành văn nào giữa Pháp và Tây Ban Nha về cuộc viễn chinh Nam kỳ. Nước Pháp sẽ không bỏ quên khai thác mặt yếu đó và sẽ không quên dựa vào chi tiết pháp lý để bác bỏ những yêu sách của Tây Ban Nha và sau đó gạt Tây Ban Nha ra để chiếm cả cho mình. Chẳng bao lâu, Pháp tuyên bố rằng, về mặt pháp lý nước Pháp chẳng có trách nhiệm gì đối với Tây Ban Nha trong kết cuộc của cuộc viễn chinh này.

Khi Rigault de Genouilly rời Đà Nẵng, tháng 02/1859 để vào Sài Gòn, ông ta để lại thuyền trưởng Thoyon chỉ huy căn cứ này; quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ giữ thế phòng ngự và chịu đựng những cuộc tấn công luôn luôn tiếp diễn của người Việt Nam.

Đô đốc Rigault de Genouilly đành phải trở lại Đà Nẵng để giải tỏa cho đơn vị viễn chinh ở đây. Ông ta xin thêm viện trợ của Paris và luôn luôn nóng lòng đợi chờ viện trợ này sớm đến bởi vì quân đang bị các bệnh tật hoành hành thương tổn. Mãi ông ta mới nhận được tin là nước Pháp đang mắc chân vào cuộc chiến tranh với Áo nên không thể nào thỏa mãn được yêu cầu ông ta nhằm mục đích tiếp tục chiến dịch Việt Nam một cách thắng lợi. Bộ trưởng Hải quân loan báo rõ tin này cho ông Đô đốc và đề nghị ông ta cố gắng ký kết với Việt Nam một bản hòa ước, thậm chí có quyền tự do bỏ cuộc mà về.

Quả tình là ngay lúc này Napoléon III, trung thành với những lời hứa hẹn của Louis-Napoléon Bonaparte, cựu đảng viên Carbonari (tức Napoléon III), đã đưa quân đội Pháp vào chiến dịch Italie. Ông đang ở vào ngày hôm trước của những trận Magenta (4/6/1859) và trận Solférino (24/6/1859), là những chiến thắng vừa vặn của phút chót và quân Phổ tập trung ba trăm năm mươi ngàn người ở Mayence, với ý đồ mờ ám nhưng đáng ngại. Nếu như phải duy trì cuộc viễn chinh Trung Quốc, trong đó nước Pháp gắn liền với Anh quốc thì không thể có vấn đề tăng cường cho cuộc viễn chinh ấy được. Tình thế đã thay đổi sau đó mấy tháng, khi một hòa ước với Áo đã được ký kết và Bismarck đã khẳng định rằng cuộc tập trung quân tại Mayence chỉ nhằm tổ chức những cuộc thao diễn lớn.

Rigault de Genouilly thông báo cho chánh phủ Pháp rằng sự rời bỏ Nam kỳ sẽ vô cùng tai hại cho uy tín của Pháp tại Viễn Đông. Ông cho rằng do tầm quan trọng của vấn đề, bởi nó phụ thuộc vào những sự kiện châu Âu, chính là Paris sẽ quyết định, chứ không phải ông ta.

Sau cùng, ngày 22/6/1859, người ta đã đồng ý cho đại úy hải quân Lafont, đặc phái viên của Phó Đô đốc, được có một cuộc hội đàm với các đại diện Việt Nam. Lafont nói cho họ rõ những điều cơ bản sẽ dùng làm nền cho mọi sự thỏa thuận hai bên. Nói chung, những điều cơ bản ấy là: sự bổ nhiệm một đại sứ đặc mệnh toàn quyền, tự do tín ngưỡng cho các giáo sĩ và những người Công giáo Việt Nam, tự do buôn bán và sang nhượng một mảnh đất nào đó làm vật bảo đảm cho sự thỏa thuận.

Ông Đô đốc Pháp vất vả lắm mới xin được với người Việt Nam cho đại diện Tây Ban Nha tham dự đàm phán, bởi thái độ các giáo sĩ Tây Ban Nha khiến các quan triều đình Huế cảnh giác nghi ngờ.

Theo lẽ phải mà nói, những cuộc đàm phán không thể nào tiến hành được. Chánh phủ Việt Nam đâu có xa xôi gì mà không hiểu biết ít nhiều về tình hình châu Âu và những vấn đề khó khăn mà nước Pháp đang gặp phải, do cuộc chiến tranh với Áo gây nên, để cứ thản nhiên theo đuổi cuộc viễn chinh Nam kỳ. Đọc báo chí Hồng Kông và Trung Quốc, người Việt Nam rất biết về tin rút lui, có thể xảy ra, của những kẻ xâm lược. Họ thông hiểu hoàn toàn tình hình căng thẳng ở Trung Quốc, diễn ra quyết liệt tại Pei-Ho, một cách bất lợi cho người Anh và người Pháp.

Cuộc đàm phán kéo dài một tháng, rồi mới bị tan vỡ. Đạo quân viễn chinh Pháp bắt buộc phải gửi một số quân sang Trung Quốc; vậy nên phải đột ngột cắt đứt đàm phán.

Đây là một trong những hoạt động cuối cùng của Rigault de Genouilly trước khi ông xin trở về nước và được thay thế, hồi tháng12/1859, bởi Đô đốc Page. Để giữ thể diện một chút, ông ta cố gắng tổchức một cuộc tấn công nho nhỏ trước lúc đi. Để gửi một phần quân đội sang Trung Quốc, người Pháp đành phải rút lui bỏ Đà Nẵng. Page yêu cầu tổng chỉ huy quân Tây Ban Nha, Ruiz de Lanzarote, cho quân của ông ta xuống tàu trở về Manille, trừ vài trăm người cần ở lại Sài Gòn với quân lính Pháp.

Lanzarote chấp nhận: đó là nguồn gốc sự hoài nghi cảnh giác của người Tây Ban Nha, chẳng bao lâu đã biến chất và ngang nhiên trở thành một sự bất đồng ý kiến hoàn toàn về những vấn đề chính trị và kinh tế của cuộc viễn chinh, bởi sự thỏa thuận quân sự thì lại luôn luôn vẹn toàn và luôn luôn thân ái.

Mặc dù đến Việt Nam với một tiếng tăm tốt về khéo ngoại giao, Page thiếu mềm dẻo và khôn khéo đối với những quân đội Tây Ban Nha và có nhiều quyết định khiến cho họ cảm thấy bỉ mặt một cách nặng nề. Hơn nữa, ngay cả những người ở cương vị cao nhất của ngoại giao, người ta vẫn tỏ ra lãnh đạm một cách đáng chê trách đối với Tây Ban Nha. Vì vậy mà mặc dù có ghi rõ từ đầu là đạo quân Tây Ban Nha sẽ đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Rigault de Genouilly, người ta lại quên không báo cho Madrid biết Rigault de Genouilly đã được Đô đốc Page thay thế, khiến cho các sĩ quan Tây Ban Nha tự hỏi mình có phải chịu sự chỉ huy của vị tư lệnh mới ấy không. Và chắc chắn là Page, khi cho phần lớn quân Tây Ban Nha trở về lại Manille, nhằm giữ thế lực tuyệt đối của bộ phận quân đội Pháp, do đó cũng giữ luôn ưu thế của quân Pháp về những mục tiêu kinh tế và chính trị.

Trước lệnh rút quân khỏi Đà Nẵng và trở về lại Manille, đạo quân viễn chinh Tây Ban Nha của Phó Đô đốc Page, vị toàn quyền Tây Ban Nha, đại tá Ruiz de Lanzarote, đã phản ứng như thế nào?

Người Tây Ban Nha trách toàn quyền của họ đã phản ứng “một cách không thể nào chấp nhận được đối với cái danh thơm ‘dũng tướng’ của ông ta, qua thái độ phục tùng một quyết định hoàn toàn độc đoán…”(13)

Tại đại bản doanh Philippines, một không khí thù địch đối với cuộc viễn chinh ngày càng tăng, làm cho tướng Norzagaray và người thay chân ông, là tướng Solano, bỏ quên luôn đơn vị Tây Ban Nha còn đóng tại Nam kỳ. Solano cam lòng chấp nhận, không một lời phản kháng, dự án rút khỏi Đà Nẵng của Đô đốc Page.

Nội các O’Connell cũng chẳng phản ứng gì hơn, lặng lẽ chuẩn y cuộc rút lui cưỡng bức, đã được tư lệnh Philippines chấp nhận.

Thái độ uể oải đó không may lại phù hợp với thái độ chung của Tây Ban Nha lúc bấy giờ và nước Pháp hẳn đã được thấy điều đó qua những lần thử nghiệm hợp tác với nhau giữa hai nước. Nhiều lần, Napoléon III đã đón nhận và gợi ý cho sự hợp tác ấy và lần nào Tây Ban Nha cũng tỏ ra mệt mỏi nửa chừng chỉ muốn tìm cách bỏ cuộc. Chẳng hạn tại Mexique, người ta tổ chức một cuộc viễn chinh Pháp - Anh - Tây Ban Nha, nhằm buộc Juarez phải bồi thường cho những người châu Âu cư trú tại Mexique đã bị nhiều thiệt hại nghiêm trọng do các cuộc nội chiến liên miên gây nên. Ngay khi vừa đổ bộ lên Vera-Cruz (tháng 01/1862), Tây Ban Nha đã tuyên bố hài lòng về những đề nghị đầu tiên của Juarez và rút luôn đội quân viễn chinh của mình ra ngoài cuộc. Sau đó ít lâu, trong cuộc viễn chinh Roma cũng vậy. Dĩ nhiên là Đức vua rất ngoan đạo(14) sẵn sàng bay sang cứu Đức Giáo hoàng, nhưng đó chỉ là một ý định thoáng qua và người Tây Ban Nha không kiên trì được. Những khó khăn xã hội và kinh tế mà Tây Ban Nha phải trải qua những năm bạo lực, nổi loạn ấy chỉ có thể làm tăng thêm thái độ ấy mà thôi; sự trang bị quân nhu, quân dụng, không đáng kể; cái hạm đội vinh quang và lộng lẫy từng là sự tự hào của đất nước đã trở thành cơ hồ không tồn tại. Vậy là về mặt vật chất, Tây Ban Nha hầu như không có khả năng lo lắng những vấn đề quân sự nữa.

Cả về mặt này, nước Pháp đã tìm cách giúp Tây Ban Nha. Nữ hoàng Eugénie(15) không quên rằng mình là con gái một vị đại công Tây Ban Nha, bá tước Teba và luôn luôn thúc đẩy vị Hoàng đế Pháp hành động giúp đỡ tổ quốc quê hương của bà.

Nhờ vậy mà đã ký được hiệp ước thương mại Pháp - Tây Ban Nha năm 1860; theo hiệp ước này nước Pháp gửi sang cho Tây Ban Nha những kỹ sư và kỹ thuật viên. Nhưng kết quả không khích lệ lòng người cho lắm và người Pháp bị dân Tây Ban Nha nhìn bằng con mắt thiếu cảm tình, nên không làm được công trình nào có hiệu quả.

Sau nữa, người Tây Ban Nha đã không may mất một người bạn Pháp biết điều nhất trong lĩnh vực ngoại giao, là bá tước Walewski: ngày 04/1/1860 Walewski phải rời bỏ Bộ Ngoại giao; người thay thế ông là Thouvenel.

Antoine-Edouard Thouvenel là người đối lập với Walewski: ông ta là đại sứ, thượng nghị sĩ, tư sản, quá trình đào tạo khôn khéo, thận trọng, rất nền nếp và rất đúng mực, do đó đóng một vai trò to tát trong môi trường quan trọng của giới tư sản thời kỳ Đệ nhị Đế chế: không nên dựa vào ông ta để mưu toan những công chuyện có tính chất phiêu lưu mạo hiểm.

Nước Tây Ban Nha yếu đuối, luôn luôn làm mồi cho tình trạng vô chánh phủ, không thể lôi cuốn được sự quan tâm chú ý của ông và ông cũng chẳng tỏ ra mấy cảm tình sẵn sàng giúp đỡ. Sau nữa, triều đại Napoléon III càng về sau càng chìm vào những chuyện phiêu lưu; mối quan hệ giữa Pháp và Tây Ban Nha bị sứt mẻ dần để rồi kết thúc bằng cái lệnh của chánh phủ Pháp cấm Hoàng thân Léopold de Hohenzollern lên ngôi vua Tây Ban Nha. Sự kiện này dẫn đến cuộc chiến tranh Pháp - Đức và sự sụp đổ của đế quốc Napoléon.

Cuộc Đánh Chiếm Nam Kỳ Của Pháp Và Dự Án Về Sự Hiện Diện Của Tây Ban Nha Ở Bắc Kỳ

Sau cuộc rút khỏi Đà Nẵng có tính chất gần như một sự thất bại, nước Pháp tập trung chú ý vào vấn đề Nam kỳ và cố hết sức để có chỗ đứng vĩnh viễn tại đó. Ngày 03/12/1859, Đô đốc Page đặt trụ sở của ông tại Sài Gòn.

Ông ta coi như mình đến tại một cơ quan của nước Pháp, một bộ phận của Đế chế đang cần được khai thác làm cho sinh lợi. Đồng thời cũng tại đó, “ông ta chờ đợi những lời đề nghị của kẻ thù”. Chưa đầy mười lăm ngày ở “nhiệm sở mà ông ta đã vẽ ra những nét lớn hơn cho những dự án kinh tế của ông ta và mở rộng cảng Sài Gòn cho thương mại”.

Page cũng không hề lơ là công việc quân sự của mình.

Cùng lúc với việc cử ông ta làm tổng chỉ huy, vì rất rõ về những sự chậm trễ trong các vấn đề giao thông với Viễn Đông và những hậu quả nghiêm trọng do sự chậm trễ ấy gây ra cho sự diễn biến của các cuộc hành quân và cho một cuộc đàm phán có thể xảy ra, cho nên chánh phủ Pháp đã cho ông ta toàn quyền mở những cuộc đàm phán. Cái “toàn quyền” ấy thực ra cũng khá hạn chế, cũng đã được trao cho những người đi trước và cho những kẻ đến sau ông ta.

Vậy là vừa tới Sài Gòn, để phòng xa những chuyện bất trắc, Page liền báo cho các nhà chức trách Việt Nam biết về sự có mặt của người Pháp; ngày 15/12/1859, ông ta loan báo với Tôn Thất Thiệp như sau:

“Hoàng đế nước Pháp, đấng quân vương chí tôn của tôi, trong khi giao phó cho tôi quyền tối cao chỉ huy tại các vùng biển Trung Quốc, đã đồng thời hạ cố trao cho tôi toàn quyền, nhân danh Người, mà ký kết với Đức vua Việt Nam một hiệp ước nào đó, mà tôi thấy xứng đáng với vinh quang của các chiến công Người và với cương vị của Người là kẻ đứng đầu các cường quốc châu Âu.

…Tôi mong Ngài sẽ trình Đức vua Tự Đức biết về tính chất của sứ mệnh tôi để Đức vua Việt Nam quan tâm đến những thiệt hại của chiến tranh mà tìm cách chấm dứt nó; mong Đức vua Việt Nam vui lòng cử một sứ giả đáng tin cậy để tôi có thể ký kết một bản hiệp ước, vừa đảm bảo những quyền thiêng liêng của nhân loại và của văn minh”(16).

Người nhận thư chỉ trả lời đơn giản rằng: “Vị Kinh lược triều đình, thống đốc toàn bộ các tỉnh miền Nam, Tổng tư lệnh quân đội, Hoàng thân của Đức vua… đã rất vui vẻ được đọc bức công hàm…”, và vội vàng chuyển về cho Đức vua của mình.

Vua Tự Đức không phản ứng. Vua biết rất rõ những khó khăn mà cuộc viễn chinh đang gặp phải, tình trạng bị giằng xé giữa Nam kỳ một bên và Trung Quốc một bên. Các tướng lĩnh báo cáo với vua về mọi tình hình xảy ra trong các địa phương họ phụ trách; nhà vua cũng biết rõ những do dự và bối rối của các chánh phủ châu Âu. Vua hy vọng rằng việc chiếm đóng Sài Gòn, mà trước mắt tỏ ra rất bấp bênh [Page đi Hồng Kông chỉ để lại một lực lượng rất yếu], trước sau rồi cũng tan rã đi, như cuộc chiếm đóng Đà Nẵng thôi.

Nhưng, cũng chẳng hơn gì những lần trước, các tướng tá nhà vua không biết lợi dụng thời cơ để tống cổ ra biển khơi cái số ít ỏi quân chiếm đóng.

Tuy nhiên, trước khi rời Sài Gòn, Page cũng đã cố gắng thực hiện được vài cuộc thương thuyết ngay trên chiếc tàu chỉ huy của ông ta, chiếc “Primauguet” với đại diện Việt Nam. Trong các cuộc thương thuyết, Aubaret cùng dự với ông ta. Một cuộc ngưng chiến được ký kết ngày 8/1/1860. Ngày 28/1/1860, ông lại cắt đứt cả thương thuyết và ngưng chiến.

Rigault de Genouilly, tin tưởng vào sự thực thi hiệp định mà chánh phủ Trung Quốc mới ký hồi tháng 5/1858, vừa cho đại bộ phận hạm đội và quân đội của mình hướng vào Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn, lập tức Trung Quốc lẩn tránh hiệp ước được ký kết và tiếp tục chiến sự. Họ làm việc đó dễ dàng vì những cuộc hành quân của Rigault de Genouilly tại Việt Nam đã giam lại ở đó toàn bộ đạo quân viễn chinh và chánh phủ Pháp đang vướng mắc vào chiến dịch Italie không thể nào cắt xén cho Viễn Đông một số quân nào khác. Vậy là người Trung Quốc tự coi như được giải thoát hoàn toàn khỏi những kẻ thù của trước ngày ký hiệp định.

Chiến dịch Italie kết thúc một cách tiềm tàng bằng chiến thắng Solfèrino, ngày 24/6/1859. Ngay từ tháng 9, nước Anh đề nghị với Napoléon III gửi một đạo quân viễn chinh mới sang Trung Quốc. Chánh phủ Pháp đồng ý nhưng không có khả năng gửi quá 6.000 quân; họ xuống tàu Toulon tháng 1/1860.

Đạo quân viễn chinh Viễn Đông và người chỉ huy của nó phải dành ưu tiên cho những sự kiện ở Trung Quốc trước Việt Nam, nên Đô đốc Page đành buộc lòng phải cho phần lớn quân lực của mình ở Nam kỳ bổ sung cho cuộc viễn chinh mới này. Vì vậy, cuối tháng 3/1860, ông ta rời bỏ Sài Gòn, chỉ để lại và giao cho đại úy hải quân d’Ariès phụ trách bảy trăm lính Pháp cùng với một toán nhỏ người Tây Ban Nha.

Tại Trung Quốc, Page sắp đạt được những thắng lợi mới, nhất là tại Bắc Kinh mà nổi tiếng với vụ tàn phá tệ hại Cung điện Mùa Hè, ngày 8/10/1860; sau đó ông ta có thể gửi những đội quân quan trọng về viện trợ cho Sài Gòn.

Quân đội Việt Nam được khích lệ trước cuộc rút lui của địch ở Đà Nẵng, họ coi như một chiến thắng do chính sự nỗ lực của họ đưa lại, đã được chuẩn bị khá sẵn sàng, mở cuộc tấn công vào đội quân của thiếu tá d’Ariès. Những cuộc tiến công tiếp diễn liên tục ấy đe dọa một cách nguy hiểm toán lính Pháp - Tây Ban Nha với số lượng giảm xuống rất nhanh.

D’Ariès và Palanca nhất trí quyết định báo cáo cho cấp trên biết tình hình bi đát của họ và yêu cầu gửi tăng cường cho họ một số quân.

Phó Đô đốc Charner đến Sài Gòn tháng 05/1860 để thay Page nhưng ở quá xa xôi không thể có một quyết định nhanh chóng được. Viên lãnh binh Pháp tại Quảng Đông gửi sang Nam kỳ 150 binh lính với số lượng cần thiết. Phía Tây Ban Nha, đại úy Olabe, lại một lần nữa nhận nhiệm vụ trong cuộc viễn chinh, đến Sài Gòn hôm 14/08/1860. Ông ta mang theo một thông báo, cùng với một bức thư viết ngày 10/07/1860 của Tư lệnh trưởng quân đội tại Philippines.

Trong hai văn bản đó, viên Tư lệnh trưởng không gửi viện trợ, bởi vì:

“… quân đội ta trở về Manille là do lệnh của Đô đốc, thì chỉ có Đô đốc mới được quyền điều trở lại cho cuộc viễn chinh; và bởi lý do quân đội Pháp đã thiếu tôn trọng và khinh thường đối với họ tại Nam kỳ, coi họ chỉ như những kẻ trợ lực giản đơn, khi đáng lẽ phải đối xử với họ như với những kẻ đồng minh”.

Và ông ta viết thêm:

“Quân Việt Nam hãy tống cổ quân Pháp ra ngoài biển! Tất cả việc tôi có thể làm là gửi một chiếc tàu sang để lượm quân Tây Ban Nha về!”(17)

Rất lâu trước sự rút lui của đạo quân viễn chinh Tây Ban Nha về Manille, nội các Madrid, muốn có những thông tin chi tiết hơn về cuộc viễn chinh Nam kỳ đã ra lệnh cho một trong các chỉ huy về Madrid. Đại tá Ruiz de Lanzarote, tổng chỉ huy, đã chỉ định trung tá Carlos Palanca Gutierrez, một trong những sĩ quan cao cấp đáng chú ý hơn cả, về đến Madrid trong tháng 01/1860.

Sau khi đã được thông tin về những sự kiện giai đoạn đầu chiến dịch, ngày 13/02/1860, nội các Madrid xét thấy tốt hơn cả là chỉ định ngay người thông tin làm tư lệnh trưởng đạo quân viễn chinh Tây Ban Nha, kiêm đại diện đặc mệnh toàn quyền của Tây Ban Nha tại Việt Nam, với cấp bậc đại tá thay cho Lanzarote được thăng chức thiếu tướng.

Madrid bắt đầu quan tâm hơn chút ít về vấn đề Nam kỳ, bèn cử đại sứ của mình tại Paris tiếp tục thương lượng với chánh phủ Pháp “sao cho, sau khi hiệp ước với Việt Nam, Tây Ban Nha vẫn giữ được những địa vị và thu được những món lợi hoàn toàn ngang hàng với nước bạn và đồng minh Pháp”. Chắc chắn là do ảnh hưởng của Palanca, chánh phủ Tây Ban Nha đã chỉ rõ, cũng trong quyết định hoàng gia của Quốc vụ khanh đề ngày 10/3/1860, một trong những ước vọng của chánh phủ, khi nói thêm với vị đại sứ của mình:

“Dù người ta có thể kết luận, qua bức công hàm của ông Thouvenel, rằng nước Pháp chỉ tính chuyện bỏ vùng Tourane, trong trường hợp giả thiết rằng Pháp sẽ bỏ cả Sài Gòn, thì chánh phủ của Đức vua vẫn muốn rằng Tây Ban Nha sẽ giữ lấy một căn cứ tại trung tâm Bắc kỳ, được củng cố và bảo vệ hẳn hoi, nhằm mục đích duy nhất là Tây Ban Nha có thể mang lại những sự giúp đỡ, khi cần, cho các giáo sĩ chúng ta ở những xứ sở xa xôi ấy”(18).

Vài ngày trước đó, trong những chỉ thị tiếp theo việc cử Palanca làm đại diện toàn quyền, chỉ thị cho chính Quốc vụ khanh đưa xuống ngày 26/2/1860, tức ba ngày sau khi Palanca rời Cadiz (23/2/1860) đi Sài Gòn, người ta nói với ông, rất đúng đắn, rằng mặc dầu có mâu thuẫn hiển nhiên với ý định ban đầu của Tây Ban Nha khi cuộc viễn chinh mới khởi sự, người ta không hề có một tham vọng đất đai nào mà tốn kém nhiều hơn ích lợi. Người ta còn nói thêm rằng:

“… Trường hợp nước Pháp có chiếm được cả một phần đất của nước ấy đi chăng nữa thì sự an ninh của giáo sĩ ta và sự cần thiết phải chứng minh là những hy sinh Tây Ban Nha chịu đựng nhằm tiến hành và tiếp tục chiến tranh đã không phải là vô hiệu, nó làm nổi bật lên sự cần thiết phải đặt tại trung tâm Bắc kỳ một căn cứ có thể dùng để cứu giúp các giáo sĩ ta, để gieo mầm và thắt chặt những mối quan hệ tiếp xúc phải có sau này giữa nước ấy với các thuộc địa của chúng ta trên quần đảo Philippines”(19).

Ngay khi vừa đến Sài Gòn, ngày 15/5/1860, và thấy ở đây đạo quân viễn chinh chỉ còn có bốn sĩ quan và 233 lính dưới sự chỉ huy của đại úy Fajardo, bị các nhà chức trách Philippines bỏ quên, Palanca liền đóng vai người chủ chốt trong việc thiết lập một căn cứ Tây Ban Nha tại Bắc kỳ. Trong một bức thư mật gửi cho Quốc vụ khanh, ông ta quả quyết rằng sự án binh bất động của quân Pháp tại Trung Quốc có thể kéo dài, vậy sẽ là điều nên mong muốn nếu Tây Ban Nha tìm cách mở ra được những cảng thương mại, những chi phí đã phải tạm ứng cho cuộc chiến tranh. Chỉ cần gọi những số quân mà Đô đốc Page đã trả về Manille trở lại Bắc kỳ chiếm Nam Định và Kẻ Chợ (Hà Nội) rồi các tỉnh lệ thuộc.

Trong một bản báo cáo khác đề ngày 19/8/1860 gửi Quốc vụ khanh, Palanca lại nhấn mạnh lần nữa quyền của Tây Ban Nha được sở hữu một mảnh đất ở Bắc kỳ, hoặc được nhượng lại một phần đất Nam kỳ để bù vào những hy sinh họ đã chịu đựng. Ông ta đề cao hoàn cảnh thuận lợi đặc biệt của miền Bắc Việt Nam, giáp với Trung Quốc: tài nguyên thiên nhiên giàu có, tình hình chính trị, tình hình này tạo nên do những tham vọng của dòng họ nhà Lê cũ, mà các “con cháu” đều nằm trong tay các giáo sĩ Tây Ban Nha, rất thuận lợi cho các ý đồ của Tây Ban Nha, những ưu thế đáng quý về khả năng có cả một nhân lực to lớn và chăm chỉ siêng năng để cung cấp cho công cuộc khai thác thuộc địa Mindanao (đảo lớn cực nam của quần đảo Philippines).

Nhưng chánh phủ O’Donnell không muốn chấp nhận, cũng không muốn từ chối các gợi ý có tính chất yêu nước của viên đại sứ toàn quyền của mình. Những bản báo cáo viết rất chi tiết cẩn thận của Palanca gửi về, được nằm yên trong sự lãng quên tại những kho lưu trữ đầy bụi bặm thuộc Bộ Ngoại giao của Đức vua rất ngoan đạo.

Tình trạng vô chánh phủ của Tây Ban Nha, nếu không thể thanh minh hoặc tha thứ cho tính chất bất động của nó vẫn có thể giải thích được. Bị dao động giữa một bên là phe “ôn hòa bảo thủ” (moderatos), của Narvaez và một bên là phe “cuồng nhiệt” tiến bộ của Espartero và Serrano, xu hướng phản động và bạo lực, sẵn sàng với mọi phong trào và nổi dậy của quần chúng. Do phe này phe kia gieo mầm, xúi giục, người Tây Ban Nha không làm sao có được một chính sách đối ngoại xác định rõ ràng, nếu không là một thứ chính trị chung chung, ngắn gọn. Bản thân Nữ hoàng cũng cảm thấy mình không ngồi vững trên ngai vàng của mình.

Vậy là mọi sự đều “trôi theo dòng nước”, ai nấy chỉ lo bám giữ lấy địa vị của mình hoặc chiếm đoạt địa vị của đối thủ.

Tin thắng lợi của Pháp - Anh tại Trung Quốc truyền về Sài Gòn giữa những ngày khủng hoảng, được đội quân viễn chinh ít ỏi đón nhận với một tiếng thở dài khoan khoái. Những lực lượng quan trọng có sẵn lúc này được điều động vội vàng sang Nam kỳ để cứu viện cho đội quân viễn chinh. Charner lúc ấy không những có thể giải thoát khỏi khó khăn cho đội quân đồn trú Pháp - Tây Ban Nha bấy lâu nay vất vả lắm mới tồn tại nổi, mà còn có thể tiến hành tiếp tục cuộc chiếm đóng Nam kỳ về chiều sâu.

Trong lúc này, Paris đứng ở một lập trường rất rõ ràng; ngày 25/9/1860 Napoléon III quyết định “phải tăng cường cho quân đồn trú Sài Gòn, nhằm bảo đảm chiếm về cho nước Pháp quyền sở hữu về mảnh đất quan trọng này”(20) và Bộ trưởng Chasseloup-Laubat chỉ thị cho Đô đốc Charner phải “củng cố nền thống trị của chúng ta ở Sài Gòn… chúng ta quyết ở lại đó lâu dài và buôn bán dễ dàng không có gì trở ngại”(21).

Vậy không còn là vấn đề “tiến hành một cuộc hành quân trừng phạt” nhằm trả thù cho những giáo sĩ bị giết; đây rõ ràng là một cuộc chiến tranh chiếm thuộc địa.

Đô đốc Charner, lần đầu tiên mang vào Nam kỳ toàn bộ lực lượng của ông lâu nay còn ở lại Trung Quốc, mặc dầu những hòa ước đầu tiên đã được ký kết. Ngay từ ngày 7/2/1861, trước khi ký hiệp định Pháp - Trung 1861, 86 chiếc tàu chiến với 474 đại bác, 80 tàu buôn thuê mướn, 3.500 bộ binh, 12 đại đội lính thủy, trọng pháo, công binh… rời vùng vịnh Petchili đi Việt Nam. Charner có thể, nhờ vậy, triển khai một cuộc tấn công mãnh liệt. Mặc dù Nguyễn Tri Phương, một tướng tài, đã tập hợp được một lực lượng khá lớn: 20.000 quân chính quy và 10.000 lính phụ. Cuộc tấn công của quân Pháp đã đạt mục tiêu: chiếm đồn Chí Hòa là một đồn lũy được bảo vệ rất kiên cố và Mỹ Tho. Chiếm được những vị trí đó, nước Pháp làm chủ được một trong các chi lưu sông Cửu Long, là con đường lúa gạo các tỉnh miền Tây Nam kỳ xuôi về.

Đô đốc Charner dừng lại đó. Rất thận trọng và đợi thời cơ, ông không tìm cách mở rộng phạm vi chinh phục. Cũng đồng tình với Charner, tướng Cousin de Montauban, công tước de Palikao, từng chỉ huy đạo quân viễn chinh tại Trung Quốc, khi trở về Pháp, đã xin chỉ thị về vấn đề Nam kỳ.

Paris lúc đó bèn chỉ thị cho Đô đốc Charner “đừng tìm cách mở rộng sự thống trị của chúng ta ra quá giới hạn mà sự lo xa khôn ngoan bắt buộc phải dừng lại”(22).

Dự kiến chiếm thuộc địa ở Bắc Kỳ của Tây Ban Nha

Căn cứ vào hai sứ mệnh của mình là Tư lệnh lực lượng quân sự và đại diện toàn quyền của Tây Ban Nha tại Việt Nam, ngay sau khi Đô đốc Charner đến Sài Gòn, ngày 8/2/1861, Palanca viết cho Charner một bức thư trong đó ông yêu cầu vị đại diện chánh phủ Pháp, trước khi bắt đầu những cuộc hành quân có thể lần này là dứt điểm, hãy định nghĩa rõ ràng thế đứng của Tây Ban Nha trong chiến dịch này.

Nếu về phía Tây Ban Nha không nhận thêm được một người quân, một chiếc tàu nào để tăng cường thêm cho đạo quân viễn chinh của mình, thì phía Pháp, giờ đây, đang nhận thêm một sự chi viện quan trọng. Chiến dịch Italie kết thúc, có khả năng cung cấp nhiều quân và súng đạn, cho phép Pháp có được những cố gắng cần thiết để kết thúc chiến dịch châu Á thắng lợi.

Pháp có một lực lượng trên 4.000 người, còn Tây Ban Nha chỉ có 227. Nếu không muốn nhìn thấy hai đại đội tàn tạ của mình hoàn toàn bị chìm đi trước lực lượng hùng hậu của Pháp thì Palanca phải cố gắng “kết thúc lại ý nghĩa tượng trưng mà vũ khí của Tây Ban Nha nhất định phải có đối với chánh phủ Việt Nam, với nước nhà và với nước ngoài”.

Trong bức công hàm gửi cho ông Phó Đô đốc Pháp đó, viên đại tá Tây Ban Nha nói thêm rằng: theo chỉ thị của chánh phủ ông thì quyền lợi đất nước ông không nhằm việc chiếm lấy toàn bộ hay chỉ một phần đất Nam kỳ, mà nhằm sở hữu một cái cảng ở Bắc kỳ “nếu người ta nhận xét rằng cảng ấy có ích cho dự án cứu giúp các giáo sĩ, vì rằng việc cứu giúp các giáo sĩ đã được Tây Ban Nha đặt ra ngay từ đầu, khi Tây Ban Nha quyết định gửi quân sang Việt Nam”. Ông ta chờ đợi ông Phó Đô đốc “sẽ hợp tác một cách có hiệu quả để [Tây Ban Nha] chiếm cứ và thiết lập cơ quan của mình tại địa điểm đã chỉ định miền trung tâm Bắc kỳ”(23). Trong thư trả lời, ngày 9/2/1861, Charner hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của Palanca, nhưng vẫn dành cho mình cái quyền xin chỉ thị của Paris quy định “tính chất của việc Tây Ban Nha đạt được sở hữu đó”; nhưng ông ta kiên trì ý kiến rằng “Sài Gòn không phải là một đối tượng để phân chia giữa hai nước”(24).

Ngày 31/7/1861, Quốc vụ khanh Tây Ban Nha giao trách nhiệm cho đại sứ mình ở Paris tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp nhằm giải quyết những sự bất đồng giữa Palanca và Charner về vấn đề Sài Gòn. Trong bức công hàm ấy có nói rõ rằng “chánh phủ của Đức Vua rất không hài lòng về quyết định của Pháp coi như là thuộc địa của Pháp một điểm lãnh thổ đã chiếm được do những cố gắng chung của quân đội hai nước, cũng như do lời tuyên bố nhiều lần lập lại của Charner rằng không thể thảo luận vấn đề chia đôi mảnh đất Sài Gòn ấy”.

Ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Thouvenel thông báo cho đại sứ Tây Ban Nha tại Paris, A.Mon, với một giọng vừa thân mật vừa dứt khoát rằng: “vì Sài Gòn không thể phân chia, cũng không thể là sở hữu chung giữa hai nước, cho nên phải chiến đấu ở Bắc kỳ để tạo cho Tây Ban Nha một lãnh thổ mà Tây Ban Nha mong muốn và do đó tốt hơn là nên nhận một số tiền bù vào phần đất mà người ta yêu sách ở Sài Gòn”(25).

Trong một quyết định mang ý kiến nhà vua của Quốc vụ khanh thông báo cho đại sứ Tây Ban Nha ở Pháp, ngày 22/9/1861, để chuyển cho chánh phủ có viết:

“Những khó khăn cần phải khắc phục để có được một lãnh thổ cho Tây Ban Nha tại Bắc kỳ và được chánh phủ của Nữ hoàng thừa nhận không khỏi tạo nên một sự bất bình đẳng trong vấn đề phân chia quyền lợi, bởi vì khi mà Sài Gòn không thể chia cắt làm đôi thì nước Pháp sẽ chiếm giữ căn cứ ấy cho mình và Tây Ban Nha sẽ chẳng có được cái lãnh thổ mong muốn và… nếu sự thỏa thuận mà chánh phủ Nữ hoàng luôn luôn đòi hỏi nhằm quy định những điều kiện và mục đích của cuộc viễn chinh và đã được ghi rõ, thì Tây Ban Nha đã hoàn tất cho đến chi tiết cuối cùng… và nếu hiệp ước đã được ký kết gắn liền với việc chiếm đóng thành Huế, thì không thể nào có thể đòi được ở Bắc kỳ một lãnh thổ mà Tây Ban Nha mong muốn để bảo vệ các giáo sĩ và tạo ra sự buôn bán giữa Philippines và An Nam;… do đó, nhất thiết phải đền bù vào sự chiếm đất không thực hiện được ấy bằng cách trả một khoản tiền và bằng những thuận lợi mà Pháp sẽ nhận được để bảo vệ sự buôn bán và các hội truyền giáo của mình…”(26)

Tất cả những điều trên chỉ là những hình thức thông tin lịch sự giữa những nhà ngoại giao, trong đó mỗi người chỉ trao đổi những lời thanh lịch mà chẳng mấy thấy mình bị ràng buộc về nội dung. Xét cho cùng, chánh phủ Nữ hoàng chẳng nhấn mạnh vấn đề nhiều lắm; còn chánh phủ của Hoàng đế thì quả quyết sẽ là người đi đầu bảo vệ mọi quyền, nhưng trong trường hợp đặc biệt, vẫn phải căn cứ vào những điều đã quyết định.

Tại Paris, người ta tự hỏi nên coi Tây Ban Nha như đồng minh hay chỉ như một nước trợ lực.

‘Vì không có gì ghi thành văn bản với Tây Ban Nha’ người ta nhấn mạnh nhận xét như vậy, do đó ‘trên nguyên tắc, người ta đã đề nghị Tây Ban Nha hợp tác trong cuộc viễn chinh duy nhất chỉ vì nguyên nhân dẫn đến cuộc viễn chinh là một vụ ám hại trực tiếp liên quan đến một giáo sĩ Tây Ban Nha.

Vả lại lúc đó người ta đâu có biết được rằng cuộc viễn chinh sẽ kết thúc bằng một hiệp định giản đơn với Nam kỳ, hay bằng một sự chiếm đóng thường xuyên, vĩnh viễn, một mảnh đất nào đó trên lãnh thổ Nam kỳ; chắc chắn người ta đã giả thiết rằng chánh phủ Tây Ban Nha, trong mọi trường hợp, sẽ mãn nguyện về cái danh dự tỏa sáng lên nền quân sự của mình từ một cuộc viễn chinh tương tự, đã được tiến hành hợp tác với ta”(27).

Những cuộc can thiệp ở Sài Gòn cũng như ở Paris của các đại biểu Tây Ban Nha đã làm nổi bật những mối lo sợ của triều đình Madrid. Những vị đại diện đó bắt đầu tự hỏi mình một cách rất nghiêm túc về những lý do đã khiến họ tham gia vào cuộc viễn chinh như vậy và về những kết quả cụ thể dự kiến trước, sự hấp tấp vội vàng tham gia cuộc viễn chinh ấy của Madrid, trước khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết, cũng đáng để lại cho những người chịu trách nhiệm lớn về nền chính trị Tây Ban Nha nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trong các cuộc hội đàm tại Sài Gòn với Palanca, mặc dù Charner đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tổ chức một cuộc viễn chinh tại Bắc kỳ vì quyền lợi của Tây Ban Nha, khi hoàn cảnh có chiều hướng thuận lợi, nhưng lời nói chưa bao giờ được gắn bó với việc làm.

Ngày 13/8/1861, Charner đưa cho đồng sự Tây Ban Nha xem, nhưng với tư cách là “bí mật với nhau”, một dự án mà để thực hiện, ông “quả quyết gần như chắc chắn sẽ có chuẩn y của chánh phủ Pháp một khi chánh phủ Tây Ban Nha chấp nhận”. Đó là chiếm lấy tỉnh Biên Hòa, cách Sài Gòn 30 km và tuyên bố Biên Hòa là thuộc quyền sở hữu của Tây Ban Nha, cùng với dòng sông của nó, là sông Đồng Nai, cho đến cửa sông.

Palanca biết rõ tầm quan trọng của Biên Hòa, hơn nữa đã nhiều lần nhấn mạnh nên chiếm lấy tỉnh này; ông ta còn muốn chiếm Biên Hòa trước cả Mỹ Tho nữa kia. Thế là ông ta sẵn sàng thuận theo đề nghị chắc chắn đó, nó còn có giá trị hơn những lời hứa suông liên quan đến việc xâm chiếm Bắc kỳ. Ông ta coi đề nghị này “như mảnh ván cứu khỏi chết đuối duy nhất trong tình thế xoay vần của sự việc hiện nay… nhằm thỏa mãn dư luận công chúng, thu hồi những số chi phí lớn lao đã bỏ ra và chỉ rõ cho thế giới biết rằng không phải là vô hiệu quả mà Tây Ban Nha đã mang vũ khí đến An Nam”(28).

Nhưng không được giao trách nhiệm để nhận hay từ chối – vì những chỉ thị ông cầm trong tay chỉ liên quan đến những ước muốn của Tây Ban Nha có được một căn cứ ở Bắc kỳ – Palanca bèn đệ trình dự án này lên chánh phủ, có thêm những lời thuyết minh về cái lợi mà nó sẽ mang lại. Madrid trả lời ông ta rằng ngày 22/9 đã có những chỉ thị dứt khoát cuối cùng gửi cho đại sứ Tây Ban Nha tại Paris, nhằm thông báo cho nội các Pháp, bởi người ta cho rằng thay đổi ý kiến sẽ vừa không khôn ngoan, cũng không xứng đáng: “Nếu như lúc đầu người ta đã tưởng có được một lãnh thổ tại đất nước An Nam là điều có ích, thì thời gian đã chứng minh rằng việc tạo ra được một lãnh thổ như vậy sẽ đòi hỏi những hy sinh cho đến nay khó mà biết được”.

Madrid nghĩ rằng người Pháp sẽ không nhận được sự đền bù về những hy sinh đã chịu, cũng như sẽ không củng cố được quyền hành trong những mảnh đất chiếm được mà không phải tăng cường lực lượng và nhân chi phí lên gấp nhiều lần, rằng do Tây Ban Nha có nhiều thuộc địa rộng lớn và giàu có gần kề và do chủ quyền của nó trên những lãnh thổ xa xôi khác: “Tây Ban Nha không nên mở rộng phạm vi thống trị ra, sợ làm giảm bớt sự tập trung chú ý đến những căn cứ thuộc về nó”.

Về tất cả các lý do trên, Madrid ra lệnh cho Palanca phải thi hành đúng theo các chỉ thị đã nhận.

Lệnh đó là lệnh gì, bởi trong cùng một bức thông báo của chánh phủ, ông đại sứ toàn quyền được thông báo rằng Madrid không muốn mở rộng phạm vi thống trị, phải tập trung chú ý vào những căn cứ thuộc về nó nhưng đồng thời lại đòi cả lãnh thổ Bắc kỳ?

Và Palanca than vãn vì không được cho biết về những dự án cuối cùng của chánh phủ, khiến cho ông có thể hành động trái khoáy so với những dự án cuối cùng này(29).

Năm 1861 kết thúc với những công hàm đầy giọng nói mát giữa Palanca và Charner, đang sắp sửa được thay thế bởi phó Đô đốc Bonard ở cương vị tổng chỉ huy cuộc viễn chinh. Palanca, vẫn kiên trì, trở lại những khiếu nại mình về những tiền thuế cảng Sài Gòn, những chiến lợi phẩm thu được sau khi chiếm thành trì hoàn toàn bị Pháp chiếm giữ, cùng việc người Philippines đã giúp đỡ quân đội Pháp và việc tuyển mộ sung vào quân đội Pháp những người lính Tagals.

Charner tuyên bố không chịu trách nhiệm về những việc mà những nhà chức trách trước ông đã làm. Ông ta nhắc đi nhắc lại là không có vấn đề phân chia Sài Gòn mà ông ta coi là sở hữu của Pháp. Ông ta nhắc lại rằng cuộc chinh phục Nam kỳ đã được thực hiện bằng lực lượng của 6.000 lính Pháp và 250 lính Tây Ban Nha, nghĩa là trong điều kiện lực lượng so sánh bằng 24/1, và nước Pháp luôn luôn liên tục tổ chức và cai trị Nam kỳ, chịu hết tất cả mọi chi phí và không từ chối bất kỳ những món chi tiêu nào to lớn mà cần thiết. Vả lại, ông nhận mệnh lệnh của chánh phủ ông và không thể coi như kẻ chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự việc đã được quyết định(30).

Palanca phản ứng lại. Một nguyên nhân bất bình mới vừa được phát hiện: “Cái tên ‘Nam kỳ thuộc Pháp’, áp dụng cho lãnh thổ bị chiếm đóng, trên đó có mặt quân lính Tây Ban Nha”. Điều này đặt quân đội Tây Ban Nha vào một tình thế hết sức sai lầm và nhục nhã, vì có vẻ như họ chiến đấu cho lợi ích của một nước ngoài, ngay trên lãnh thổ của nước ngoài ấy. Xứ sở này đáng phải gọi tên là “Nam kỳ Pháp - Tây Ban Nha”, ít nhất cho đến ngày một hòa ước giải quyết tình thế của hai nước đồng minh.

Dĩ nhiên ông ta bị chạm lòng tự ái khi Charner nhắc đến mối tương quan lực lượng không cân đối; ông ta nhắc lại vấn đề gửi trả về Manille những người lính Tây Ban Nha ở Đà Nẵng, đã do Pháp quyết định và nhấn mạnh giá trị cũng như sự giúp đỡ của toàn quân còn lại, nhất là trong sự kiện ở ngôi chùa Tháp (Pagode des clochetons).

Hành động cuối cùng của Đô đốc Charner ở cương vị tổng chỉ huy các lực lượng, là gửi hai tàu chiến Pháp sang, nhân danh nước Pháp, xâm chiếm đảo Côn Lôn. Thực trạng mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lủng củng tới mức độ mà Palanca không được thông báo gì về cuộc viễn chinh đó, không có sự cộng tác của quân Tây Ban Nha.

Đầu tháng 12/1861, ngay khi Bonard vừa đặt chân đến, Palanca nhắc lại với ông ta những lời phàn nàn.

Lặp lại những buổi hội đàm theo lối xã giao, Bonard cũng lại bắt đầu bằng cách tuyên bố hoàn toàn không biết gì về các quyết định của những kẻ đi trước ông và trong tình thế không thể nào thay đổi được, mở rộng nền thống trị của Pháp lên đất Nam kỳ. Rồi ông hứa với Palanca rằng, một khi hoàn thành xong chiến dịch xung quanh Sài Gòn, ông sẵn sàng đặt dưới quyền của Tổng chỉ huy Tây Ban Nha những chiến thuyền và những số quân cần thiết cho một cuộc viễn chinh ra Bắc kỳ, chỉ cần có một điều kiện là đạo quân của Tây Ban Nha phải được tăng cường đúng mức.

Palanca không để mất thì giờ, vội vàng báo với chánh phủ Tây Ban Nha và Tổng tư lệnh Philippines và xin một số quân tăng cường rất khiêm tốn: bốn đại đội, một đội pháo chiến dịch, một trung đội kỵ binh và một tàu thủy lòng tàu cạn.

Mọi việc đều có vẻ hứa hẹn thỏa mãn được tham vọng nhiều lần nhắc đi nhắc lại của chánh phủ Madrid.

Ngay cả ở Bắc kỳ, tình hình loạn lạc đã lây lan khắp nơi từ nhiều năm nay: một cuộc nổi loạn đã xảy ra dưới sự lãnh đạo của một tên công giáo phiêu lưu, Tạ Văn Phụng, được các giáo sĩ Tây Ban Nha ủng hộ, mà đồng thời nó vẫn giữ liên lạc với các nhà chức trách Pháp. Nó chuẩn bị mặt bằng cho sự chiếm đóng của Tây Ban Nha.

Giá Madrid không khước từ cái viện trợ cỏn con ấy cho Palanca thì việc chiếm đóng Bắc kỳ đã được tiến hành ngon lành như một cuộc ngoạn du quân sự. Nhưng sau hai tháng đợi chờ, viên Tổng tư lệnh Philippines trả lời Palanca rằng ông ta “đã đệ trình lên Nữ hoàng vấn đề ấy, vì ông không có thẩm quyền giải quyết”(31). Và Quốc vụ khanh chỉ thị cho Palanca hãy tham khảo một bức công hàm trước đó, ra lệnh cho Palanca “thảo luận nhất trí với ông toàn quyền tổng tư lệnh Philippines về mọi vấn đề liên quan đến cuộc viễn chinh”.

Trong lúc ấy, cùng đi với Đô đốc Charner, một sĩ quan tham mưu của ông ta, là trung úy hải quân Francis Garnier trở về Pháp; Francis Garnier đã tham gia trận đánh Chí Hòa, và sau đó vài năm sẽ chinh phục cho Pháp xứ Bắc kỳ mà Tây Ban Nha đã bỏ rơi… Và cùng vào lúc đó, ngày 7/11/1862, đơn vị viễn chinh nho nhỏ của Tây Ban Nha tại Nam kỳ, dưới sự chỉ huy của Palanca, đã ngoan ngoãn và dũng cảm giúp Đô đốc Bonard và quân đội ông ta chinh phục, cho nước Pháp, tỉnh Biên Hòa mà Tây Ban Nha đã chê bỏ.

Ngày 6/4/1862, Palanca lại đặt vấn đề một lần nữa với Bonard về việc tổ chức những chiến dịch quân sự tại Bắc kỳ. Nhưng lúc đó quân lính Tây Ban Nha đang bị tan rã dần do chiến dịch ba tháng qua; ông Đô đốc Pháp, được kẻ đối thoại với mình cho biết tình hình nội bộ Bắc kỳ, nhận thấy không có khả năng mang lại cho viên đại tá Tây Ban Nha sự viện trợ mà ông ta yêu cầu.

Và như vậy, người ta tiến dần đến những đợt đầu sơ bộ của hòa ước 1862 với triều đình Huế.

TS Nguyễn Xuân Thọ

Cảnh ký kết Hòa ước Nhân Tuất 1862

___________________

(1) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: Quyển 27, trang 288-289.

(2) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: Quyển 27, trang 339-341.

(3) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid. Những tư liệu này không được phân loại nên chúng tôi không thể ghi mã số.

(4) Công hàm của đại sứ Tây Ban Nha tại Paris gửi Quốc vụ khanh Tây Ban Nha, đề ngày 4/12/1857.

(5) Trích một công hàm đề ngày 24/11/1858 của đại sứ Tây Ban Nha tại Paris gửi Bộ trưởng Ngoại giao tại Madrid.

(6) “Đông Dương - Kỷ niệm du lịch và chiến dịch (1858-1860)”, Henri de Ponchalon, Paris, 1896, trang 146.

(7) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(8) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(9) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(10) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(11) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: quyển 27, trang 475-531.

(12) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: quyển 27, trang 475-531.

(13) Aniceta Ramos y Charco Villasenor “Los espanoles en la expédicion de Cochinchia”, Madrid 1943.

(14) Le Roi Très Catholique, tức vua Tây Ban Nha. Còn Đức vua rất kính chúa, Le Roi Très Chrétien, tức vua Pháp. Chữ Catholique chỉ mặt tổ chức, tín điều. Chữ Chrétien chỉ mặt tình cảm - Lời người dịch (LND).

(15) Vợ Napoléon III - LND.

(16) Công khố quốc gia, Paris, loạt BB4, tập 777.

(17) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(19) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(20) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: quyển 27, từ trang 220 đến trang 225.

(21) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: quyển 27, từ trang 220 đến trang 225.

(22) “Hồi ký và tư liệu châu Á”: quyển 27, từ trang 220 đến trang 225.

(23) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(24) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(25) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(26) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(27) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(28) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(29) Về tường thuật cuộc viễn chinh của Tây Ban Nha và những cuộc thương lượng của Palnnca, xem tác phẩm của Carlos Palanca Gutierrez “Resena historia de laexpédicion de Cochinchina” - Carthagène, 1869.

(30) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

(31) Tư liệu ngoại giao Tây Ban Nha, lưu trữ của Bộ Ngoại giao tại Madrid.

 

TS Nguyễn Xuân Thọ

Nguồn: (Alpha Books - Ebook) Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Tại Việt Nam 1858-1897

________________________

PHỤ ĐÍNH của trang nhà:

Sơ lược về nhân vật De Montigny theo trang web https://alchetron.com/Charles-de-Montigny

Louis Charles de Montigny (1805–1868) was a French diplomat who was active in Asia during the 19th century.

Biography
He was the first French consul in Shanghai from January 23, 1848 to June 10, 1853. He founded the Shanghai French Concession in 1849.
In 1856, de Montigny was sent as a French envoy to King Mongkut of Thailand. A treaty was signed on August 15, 1856 to facilitate trade, guarantee religious freedom, and allow the access of French warships to Bangkok.

From Thailand, de Montigny visited Vietnam in 1857 to demand the establishment of a consulate in Huế, freedom to trade and to preach, and an end to persecution against Catholics. However, the Vietnamese court rejected all of his demands. When Montigny's mission failed, Napoléon III decided to dispatch a military force of 3,000 to Vietnam, leading to the capture of Da Nang by Rigault de Genouilly on September 1, 1858.

Charles de Montigny served again as President of the Municipal Council in Shanghai from May 1, 1862. From 1863 to 1868, he was French Consul in Tientsin, where he died in 1868.

Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -

2024-04-12 - 326-2: Vì Sao Không Thể Đặt Tên Đường Lê Văn Duyệt Ở Quãng Ngãi? -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>