QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

VỀ TGM NGÔ QUANG KIỆT

Trần Điều

29 tháng 9, 2008

 

Ngày 23-9-2008, UBND TP. Hà Nội đã có văn thư số 1437/UBND-NC gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký. Nội dung văn thư nói về những hành vi vi phạm pháp luật của ông Ngô Quang Kiệt và một số linh mục tại giáo xứ Thái Hà và chính sách tôn giáo của nhà nước như những thông tin mà báo chí truyền hình đã đưa tin.

Điều đáng chú ý trong văn thư này, chính quyền TP. Hà Nội đưa ra hai kiến nghị:

1. Vận động các giáo sĩ, giáo dân chấp hành đúng quy định của nhà nước, hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, giữ gìn và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương đầt nước.

2. Xem xét, xử lý và đề nghị xứ lý nghiêm minh theo đúng quy định của giáo hội đối với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, linh mục Vũ Khởi Phụng, các giáo sĩ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong; đồng thời yêu cầu thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của các vị này ra khỏi giáo phận Hà Nội.

Đáp lại văn thư của UBND TP. Hà Nội, ngày 25-9-2008, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Nguyễn Văn Nhơn đã gửi văn thư số 10/GHVN trả lời như sau:

“Chúng tôi đã nhận được văn thư số 1437/UBND-NC, do ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ký ngày 23-9-2008, về việc “xử lý những vi phạm của một số giáo sĩ thuộc giáo phận Hà Nội”.

Trong văn thư này, quý Ủy ban có kiến nghị Hội đồng Giám mục Việt nam “xem xét, xứ lý và đề nghị xử lý nghiêm theo qui định của Giáo hội đồi với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, linh mục Vũ Khởi Phụng, các giáo sĩ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong”.

Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo.

Vì thế chúng tôi xin thông báo để quý Ủy ban được rõ; đồng thời xin gửi kèm theo đây bản Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, để quý vị tham khảo thêm”.

Như vậy là quan điểm đã rất rõ. Một công dân “có vai vế” vi phạm pháp luật Việt Nam bị chính quyền cảnh cáo, nhưng không hề vi phạm vào "giáo luật" nào của giáo hội. Phải chăng giáo hội (tổ chức) ấy đang đào tạo ra những con người (cho phép được) vi phạm pháp luật quốc gia, mà không vi phạm giáo luật? Không hiểu ông Nguyễn Văn Nhơn đang gửi thư phúc đáp chính quyền hay đang công khai lôi Giáo hội Công giáo và con chiên của mình vào chống đối lại chính quyền, cụ thể là giáo dân từ nay trở đi có làm bất cứ việc gì miễn là tuân thủ "giáo luật" nhà thờ là được rồi, không cần phải quá chú ý vào pháp luật nhà nước mà làm gì. Thực ra phát biểu này không những không khôn ngoan mà còn cho thấy một giáo hội bảo thủ và thừa hưởng những phát ngôn mang nặng tính chất thời ngoại thuộc.

Không những thế, thư phúc đáp còn gửi đính kèm một bản gọi là “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vần đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Nghe có vẻ rất hùng hồn nhưng ngây thơ, rỗng tuếch và không kém phần thách thức. Thực chất khi chính quyền Hà Nội gửi thư yêu cầu xử lý cũng là một nước cờ khôn ngôn, để nói cho hết nhẽ thôi. Nếu tiếp tục vi phạm pháp luật, đe dọa chính quyền và phát ngôn bừa bãi như vừa rồi thì pháp luật sẽ xứ lý ngay mà không cần phải hỏi đến cái thứ “giáo luật” ấy nó quan trọng như thế nào. Đừng thấy vậy mà tỏ vẻ “oai”. Và cũng là dịp để chính quyền biết đã có một cái thứ “giáo luật” trời ơi đang trôi nổi ở Việt Nam. Phát ngôn của Hội đồng Giám mục Việt Nam như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ không hay có tính chất cổ vũ người vi phạm pháp luật và tạo ra những vụ việc lặp lại tương tự.

Sau đây chúng tôi xin phân tích một số điều trong bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vần đề trong hoàn cảnh hiện nay”.

I. TÌNH HÌNH

1. “Giáo hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội”.

- Câu nói này mâu thuẫn với những hành động của Hội đồng Giám mục khi gửi đơn cho chính quyền với giọng điệu rất dỏm và có tính chất ngụy biện: “chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo”. Thế ra cả xã hội Việt Nam không thấy gì hết nên những giáo sĩ kia mới vi phạm pháp luật. Nếu “không có chức năng làm chính trị” thì nên giữ chức năng làm đạo đức mà trước khi hoàn thiện đạo đức tôn giáo thì nên hoàn thiện đạo đức công dân, có nghĩa rằng đừng vi phạm pháp luật, đừng miệt thị dân tộc, đừng chiếm phá tài sản của người khác. Và nếu “không đứng bên lề xã hội” thì rất nên tuân thủ pháp luật của nhà nước, hoàn thiện tứ cách đạo đức của người công dân.

Nói tóm lại câu nói trên là bao biện, lươn lẹo.

2. “Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này ”.

- Phần trên “thấy các giáo sĩ không ngược với giáo luật”, “không làm chính trị”, nhưng phần này mở miệng ra thì lại sặc mùi chính trị vì thấy toàn chuyện chính trị không à.

Nói đến “Luật đất đai” là nói đến phạm vi và quyền hành của cơ quan lập pháp: Quốc hội. Chuyện sửa đổi pháp luật về đất đai nếu có thì cũng phải đợi kỳ họp quốc hội trình bày việc sửa đổi và tiến hành bỏ phiếu tán thành. Mọi người dân đều có quyền tham gia phát biểu đóng góp ý kiến, nhưng trước khi trình quốc hội thông qua việc sửa đổi luật đất đai, tất cả các quy định về luật đất đai trước đó vẫn còn hiệu lực thi hành thì tất cả công dân Việt Nam không kể là thành phần nào đều phải tuân thủ. Không lẽ cả Hội đồng Giám mục Việt Nam mà không hiểu chuyện này.

Qua vụ cầu nguyện “đòi đất”, cho thấy không có một công dân “giáo dân” nào được giáo dục điều này. Mảnh đất “Tòa khâm sứ” đã được bàn giao cho nhà nước quản lý từ 50 về trước trong chính sách cải tạo nhà cửa ở miền Bắc, với đầy đủ những quy định pháp luật kèm theo những nghị định, thông tư, công văn hướng dẫn thi hành luật vừa bao quát vừa cụ thể. Những tài liệu trên Hội đồng Giám mục có thể tham khảo một cách không mấy khó khăn qua các phương tiện truyền thông trên internet.

Chính quyền Hà Nội dù trực tiếp quản lý thì cũng chỉ có thể xem xét, trình duyệt và cấp đất đai theo quy định mới, chứ không có một cơ sở pháp lý nào để giải quyết việc “đòi đất”, nhất là đất đó do chính quyền thực dân bảo hộ cấp, đã hết hiệu lực khi chính thể cầm quyền thay đổi. Và đặc biệt họ không thể xé luật đất đai để giải quyết riêng cho người Công giáo. Vì chính sách đất đai thời điểm đó có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều tổ chức, tập thể và cá nhân khác. Nếu ai cũng vùng lên cầu nguyện “đòi đất” một cách bất chấp pháp luật như vậy thì chẳng khác Việt Nam là nhà nước vô chính phủ.

Quyền tư hữu chính đáng của người dân được nhà nước bảo vệ theo khuôn khổ pháp luật và theo quy định của hiến pháp tùy theo mức độ và tính chất của từng thời kỳ. Nếu giáo hội thấy người dân nào trong xã hội bị xâm phạm vì quyền “tư hữu” thì Giáo hội cứ việc kiến nghị lên các cơ quan pháp luật của nhà nước. Kể mà Giáo hội lên tiếng từ cái vụ “dân oan đòi đất” mà Hòa thượng Thích Quảng Độ cầm đầu ấy thì hay biết mấy. Sao lúc đó không thấy ai trong Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng vậy ta? Máu “anh hùng” để quên ở đâu mất rồi?

Còn chuyện tham nhũng, hối lộ là chuyện mà mọi người, mọi nhà quan tâm chứ chẳng riêng gì Giáo hội Công giáo, nên đưa nó vào vụ tranh chấp “đòi đất” này chẳng phải là “đánh bùn sang ao” với chế độ sao? Không “đòi đất” được cho mình thì quay sang nói xấu, xuyên tạc chứ không phải lời góp ý chân thành. Bởi nếu là sự quan tâm và góp ý chân thành thì từ xưa tới nay, năm nào Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng phải gửi văn thư phê bình, chấn chỉnh nạn tham nhũng hối lộ và đừng để cho giáo dân của mình tham gia vào việc đó chứ. Nhưng nếu nhà nước mà “trả đất” lại cho mình thì không khéo lại “Việt Nam vạn vạn tuế”, “Đảng cộng sản muôn năm và sáng suốt”.

3. “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ”

- Nói đến gieo rắc hoang mang và nghi kỵ thì truyền thông Công giáo trong gần một năm qua là giữ ngôi quán quân. Có thể Hội đồng Giám mục Việt Nam toàn là những người già cả, có lướt web được thì cũng không thể ngồi lâu mà đọc tin tức lên không thấy truyền thông Công giáo chia rẽ như thế nào bằng việc “hiệp thông” đánh phá, bôi xấu chế độ, miệt thị pháp luật nhà nước. Thậm chí ngay từ những ngày cầu nguyện đầu tiên năm 2007 đã đe dọa rằng 6 triệu người Công giáo vùng lên có thể làm rung chuyển xã hội và dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ. Nào là “máu đã chảy”, nào là “chúng ta phải đấu tranh tới cùng”, nào là “đòi đất cho bằng được”, nào là những người không ủng hộ việc đòi đất thì đều bị kết tội là “quỷ xa-tan”… Như vậy chắc không phải là gieo rắc hoang mang và lo sợ?

Nhà nước Việt Nam quá nhường nhịn với các tin tức như vậy, chỉ đến khi ông Ngô Quang Kiệt “lỡ lời” miệt thị dân tộc (được người Công giáo lôi vào ngữ cảnh mong muốn đất nước phát triển) thì truyền thông mới thực sự vào cuộc. Và như đã thấy, cả nước đã phẫn nộ trừ những người Công giáo “hiệp thông” với ông Ngô Quang Kiệt là “khen thơm”. Đã vậy, người ta còn được thực mục sở thị những hình ảnh rất hài hước. Ông Ngô Quang Kiệt ngay sau khi viết “Đơn khiếu nại khẩn cấp” đe dọa chính quyền: “Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi” đã cho “giáo dân” bắc loa công suất lớn để phổ biến tinh thần “mong đất nước phát triển này”. Rồi sau ngày “lỡ lời”, ông ta cũng dùng loa công suất lớn phát lại đoạn băng nói chuyện với UBND TP. Hà Nội còn “giáo dân” thì ngồi đầy sân vỗ tay tán thưởng vì ngài Tổng nói "hay" quá.

4. “Các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại một cách trung thực”.

- Không biết truyền thông Công giáo có được bao nhiêu chuyện “trung thực” trong đó khi không phản ánh một sự thật rằng: chùa Báo Thiên, một ngôi chùa nổi tiếng của Phật giáo đã bị Giám mục Puginier cấu kết với giáo gian Nguyễn Hữu Độ cướp phá. Đây chỉ nêu ra một ngôi chùa nằm trong vụ tranh chấp “đòi đất”, chứ nếu nói trắng ra thì có rất nhiều ngôi chùa trên toàn quốc bị các giáo sĩ chiếm phá. Đó là “công lý và hòa bình” của thời ngoại thuộc chăng? Đó là phục vụ sự thật chăng? Và nếu là sự thật thì tại sao các linh mục khuyến khích giáo dân không nên đọc và tiếp xúc với các thông tin ngoài các trang web Công giáo. Phải chăng là “phục vụ sự thật” nhưng lại sợ sự thật? Vậy thì người ta buộc phải nghi ngờ tính “trung thực” của truyền thông Công giáo. Vì đã là “trung thực” thì sợ gì người ta nói khác mình.

- Và “trung thực” nhất chính là “hợp thức hóa” khu đất lùm xùm cỏ cây làm “linh địa Đức Bà”, rồi tung tin đồn nhảm “Đức Bà hiện hình”, “Đức Bà hiển linh” để thu hút giáo dân ngoại tỉnh về “hiệp thông chiếm đất”…

Cũng như phần trước kéo chuyện “tham nhũng” vào cuộc, nay kéo đến chuyện “giáo dục”.

5. “Ngày nay một trong những điều gây nhiều nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc không thể không quan tâm đến tình trạng này”

- Ôi chao, vĩ đại quá! Đúng như mong ước to lớn của ông Ngô Quang Kiệt cho dân tộc Việt Nam. Cứ như thể rằng trao Bộ Giáo dục cho Hội đồng Giám mục Việt Nam là sẽ có ngay sự thật không bằng. Nếu khi nào Hội đồng Giám mục Việt Nam được vinh dự thay thế Bộ Giáo dục thì không cần dạy quá nhiều sự thật đâu. Chỉ cần dạy cho thật tốt môn lịch sử và đừng giấu giếm gì cả về những chính sách của đạo Công giáo Việt Nam trong quá trình tiếp tay thực dân đế quốc xấm chiếm Việt Nam. Có lẽ cũng không cần phải dạy nhiều sự thật lịch sử làm gì không khéo lại “tẩu hỏa nhập ma” chỉ cần dạy ba câu nói này là đủ:

- “Không có sự hộ trợ của giáo dân Việt Nam, quân Pháp như con cua bị bẻ gẫy hết càng, không có cách gì để có thể xâm chiếm nổi Việt Nam” (Giám mục Puginier)

- “Thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” (Linh mục Hoàng Quỳnh)

- “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” (Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt).

6. “Bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người… Nếu không được hướng dẫn và thực tập, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội”.

- Đáng khen một điều là Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận thức được hành vi là “từ chính tâm hồn con người”, chứ nếu do “ý Chúa” thì không biết sao mà nói. Không biết “cầu nguyện” bằng việc vác kìm búa, xà beng đi phá phách, chiếm đất một cách bất chấp pháp luật có được xếp vào “bạo hành, bạo lực” không?

Có lẽ “ý tứ” bạo hành, bạo lực này để ám chỉ việc công an dùng hơi cay để trấn áp những thành phần “cầu nguyện” quá khích. Có một quốc gia nào có luật pháp, dân chủ mà để cho công dân của mình làm gì thì làm như vậy không? Cứ thử nhìn sang Mỹ xem một năm họ dùng bao nhiêu lần hơi cay để trấn áp những người gây rối. Xin Hội đồng Giám mục Việt Nam đừng nhầm lẫn giữa việc “đăng ký biểu tình” tức xin phép chính quyền và việc bất chấp cả pháp lệnh tín ngưỡng, pháp luật để gây mất trật tự anh ninh xã hội.

Trước khi bị công an dùng “hơi cay” tát vào “má trái” thì HĐGMVN nên giáo dục giáo sĩ và con chiên của mình đừng quá khích, đừng bất chấp pháp luật để chiếm đất của người khác. Nếu được như vậy thì dù có muốn đưa “má phải” ra cho người ta tát, người ta cũng chẳng thèm tát đâu.

II. QUAN ĐIỂM

Phần này nói là “Quan Điểm” nhưng gần như trình bày lại những gì mà chúng tôi đã nêu trong phần “Tình Hình”. Chỉ có điều khác cơ bản là giọng văn được đôn lên ở mức “kiến nghị”, chứ không lên gân “làm ngay”, “chấm dứt ngay”… theo kiểu đe dọa như “Đơn khiếu nại khẩn cấp” của ông Ngô Quang Kiệt.

1. “Trước hết về luật đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm đến quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế của Liên hợp quốc về nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán (số 17)”

Luật đất đai trước tình hình mới hiện nay quả thực là cần phải chỉnh sửa cho thích hợp nếu không Việt Nam sẽ mất hết đất vào tay những nhà đầu cơ nước ngoài. Họ mua dự án, lên quy hoạch, tiền chưa đổ vào Việt Nam thì chính người dân Việt Nam đã đổ xô vào mua hết đất dự án đó rồi. Vô hình chung đất của dân mình, dân mình bỏ tiền ra mua, còn người ngoại quốc hưởng lợi.

Có vân vân chuyện về đất đai như vậy mà nhà nước phải nhanh chóng sửa đổi và đưa vào luật. Còn quyền tư hữu của người dân quy định rất rõ trong luật đất đai hiện hành rồi. Không có quyền ấy thì ai được phép bán nhà mua nhà… Chắc chắn không có chuyện sửa đổi luật đất đai là nhà nước phải thừa nhận quyền tư hữu đất đai của chính quyền bảo hộ thực dân. Điều này là một ảo tưởng.

Từ chuyện về chỉnh sửa về luật đất đai mà HĐGMVN phải dẫn Tuyên ngôn quốc tế của Liên Hiệp quốc về nhân quyền thì quả thực to tát. Luật đất đai là thuộc lĩnh vực pháp lý mang tính ràng buộc, mọi công dân trong quốc gia đó phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành. Còn Tuyên ngôn quốc tế của Liên Hiệp quốc về nhân quyền như một thúc đẩy và khuyến khích, không có tính ràng buộc về pháp lý. Vả lại khái niệm "tài sản" là một khái niệm rộng, không bó rọ vào lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, ở vụ việc cầu nguyện “Tòa khâm” nhà nước đã làm đúng với những quy định của pháp luật mà quốc hội đã phê chuẩn và ban hành. Không ai bị tước đoạt tài sản trong vụ việc này cả. Nếu nói thiệt hại thì Công ty may chiến thắng với mấy trăm công nhân thực sự mới là những người thiệt hại vì bị chiếm phá đất, ngưng trệ sản xuất.

Còn mảnh đất “Tòa khâm” từ trong lịch sử bị giáo sĩ và thực dân chiếm phá như thế nào, có phải là tước đoạt tài sản của người khác một cách độc đoán hay không, chắc HĐGMVN không phải không rõ.

2. “Trong thực tế đã có những thông tin bị bóp méo và cắt xén… Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính”.

- Trong một cuộc họp quan trọng với những nhân vật quan trọng của cả hai phía Chính quyền Thành phố Hà Nội và Tòa Tổng giám mục như vậy, mọi phát ngôn đều phải hết sức cẩn trọng.

Chúng ta không những phải đặt câu nói bất hủ của ông Ngô Quang Kiệt trong ngữ cảnh ông mong đất nước phát triển, đoàn kết, được người ta kính trọng mà chúng ta phải đặt nó trong một hoàn cảnh chung của cuộc phát động đòi đất do chính ông Ngô Quang Kiệt phát động, đặc biệt là “Đơn khiếu nại khẩn cấp” của ông trước đó một ngày. Bằng không thì sẽ dính chặt vào ngữ cảnh “ngôn ngữ” mà quên đi ngữ cảnh “tâm địa” (thực bụng hay không). Nếu coi tất cả những hành động mà ông ta đã làm thì thật khó mà người ta có thể tin được những gì ông ta "mong muốn" cho đất nước, trong khi tình hình xã hội lạm phát tăng cao, tranh chấp Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp...

Xin thưa câu nói thật 100% của ông Ngô Quang Kiệt, một người có vai vế, địa vị không nhỏ trong xã hội dù trong ngữ cảnh nào, nếu ở phương Tây cũng sẽ trở thành tít lớn trong trang nhất của báo chí.

Tôi chỉ xin lấy một bài học trong lịch sử dân tộc. Trong Hậu tự huấn, Nguyễn Trãi dạy thái tử: “Đừng thích tiền của mà buông tuồng xa xỉ, đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung…”.

Chỉ cần “một lời nói” thôi, không cần phải cả câu, cả đoạn làm gì cho mệt. Vì ai mà chả biết sau câu nói “lỡ lời”, ông Ngô Quang Kiệt mới ứng tác ngay một bài thơ phát triển, lớn mạnh, được kính trọng ở phần sau. Vả lại ngay khi ông Ngô Quang Kiệt phát ra lời nói đó, ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã nhắc nhở ngay việc ông phát ngôn cho cẩn thận. Vậy thì báo chí truyền hình có thông tin sai sự thật không?

Trong khi người dân cả nước đang phẫn nộ, đòi ông Ngô Quang Kiệt phải ra lời xin lỗi thì HĐGMVN lại bảo phải “cải chính”. Cải chính cái gì đây. Chắc phải đổi ngược câu “nhục nhã” mà ông Ngô Quang Kiệt phát ra bằng câu “vô cùng vinh dự và tự hào” thì HĐGMVN mới hỷ hả chăng?

3. “Cuối cùng truyền thống văn hóa và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hòa trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hòa trong cuộc sống. Vì thế chúng tôi tha thiết ước mong mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự”.

- Sự hài hòa trong xã hội chỉ có được khi mỗi người dân biết sống vì xã hội, vì lợi ích chung chứ không phải vì ích kỷ, hay vì một sự “tự ái”, "hiếu thắng" nào đó. Một tôn giáo sống trong một xã hội mà không mang “ân huệ” xin cho gì mà chỉ nhất định “đòi” và dùng mọi cách có thể để bảo vệ cái “đòi” ấy thì không biết xã hội này có thể hài hòa được không. Coi trọng sự hài hòa trong xã hội nhưng phần lớn những giáo dân cầu nguyện ấy không coi cộng đồng chung quanh ra gì, bất chấp pháp luật của nhà nước để chiếm đất. Chính quyền và các ban ngành đoàn thể nhiều lần đến vận động trên tinh thần xây dựng thì không ai nghe cả, nhưng chỉ cần một lá thư từ Vatican gửi về thôi thì vụ việc chấm dứt. Không biết chữ hài hòa này để dành cho những công dân và những thành phần, tổ chức nào trong xã hội?

- Không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị, những cứ nhìn vào truyền thông Công giáo có chỗ nào, từ ngữ nào mà không chính trị không. Thậm chí kêu gọi, gửi thư cho chính phủ Mỹ nhờ can thiệp, vận động các Giám mục nước ngoài “hiệp thông” chiếm đất. Chủ chăn của nhiều giáo phận, cũng như giáo dân từ các tỉnh đổ về gây sức ép lên chính quyền. Đe dọa về việc có thể dẫn đến việc lật đổ chế độ bằng cách dùng “mọi khả năng có thể”… Vân vân và vân vân những ngôn ngữ xuyên tạc, mạ lị chính quyền Hà Nội, nhà nước và pháp luật Việt Nam đầy trên các website công giáo với toàn những ngôn ngữ hằn học, bực tức, kích động thậm chí gọi người khác là “sa-tan”, “quỷ dữ”, đó là chưa kể đến những hành vi kéo Chúa xuống đất để làm chính trị bằng cách bê tượng, cắm mốc thánh giá, phá cổng, đạp đổ tường rào… Không biết HĐGMVN có thể gọi những ngôn ngữ và hành động đó là hành vi gì không? Nhưng chỉ có một điều thống nhất trong cách nghĩ chung của toàn xã hội đó là những hành vi vi phạm pháp luật, những đòi hỏi vô lối, những xuyên tạc trắng trợn, những hành vi xấu đời và xấu cả đạo, bởi không có hành vi xấu đời nào mà lại đẹp đạo cả vì đạo cũng từ đời mà ra…

Còn không nhìn sự việc bằng hình sự có nghĩa là những hành vi đập phá tài sản của người khác, gây mất ổn định chính trị xã hội… là hành vi chấp nhận được “không thấy vi phạm giáo luật” gì cả phải không?

4. “Phát xuất từ ước mong góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước một cách ổn định và vững bền, những suy nghĩ này mong gửi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người…”.

- Ước mong này cũng to lớn như ước mong của ông Ngô Quang Kiệt sau khi đã “lỡ lời”. Và HĐGMVN mà cụ thể là Giám mục Nguyễn Văn Nhơn muốn xây dựng một xã hội hài hòa nhưng liên tục “hiệp thông” cổ vũ hành vi vi phạm pháp luật nhà nước và “không thấy vi phạm giáo luật gì cả”. Có nghĩa rằng có một thứ “giáo luật” mà dù có vi phạm pháp luật nhà nước cỡ nào thì cũng chấp nhận được cả. Phải chăng với những ước mong này, HĐGMVN cũng đã “lỡ lời” khi “thấy không có vi phạm giáo luật gì cả”. Có một thứ giáo luật ngoài pháp luật hay phải chăng khi “thấy các giáo sĩ vi phạm giáo luật” thì HĐGMVN mang tiếng là giáo bất nghiêm, quản người không chặt?

Tạm kết:

Nhà nước muốn giữ gìn kỷ cương phép nước thì phải thực thi pháp luật. Người ta thường nói, khó mà nhổ cỏ dại trong ruộng mà không làm hại lúa má, nhưng vì cái lợi về sau nên vẫn phải làm, không những làm mà còn phải làm một cách kiên quyết, dứt điểm nữa.

1. Với những mong ước xã hội hài hòa xin các vị đọc lại một đoạn lá thư sau đây của Rheinart gửi Thống sứ Le Myro de Vilers:

“Không nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân đầu tiên cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là ý muốn can thiệp vào các vấn đề chính trị của các kẻ truyền đạo. Các quan chỉ yêu cầu họ một điều: chỉ sử dụng quyền hạn mà hiệp ước đem lại cho họ, tự do lưu thông, tự do giảng đạo, tự do tài sản, nhưng đừng can thiệp vào các vấn đề công cộng vốn không thuộc quyền họ. Thói quen can thiệp phi pháp này, trước kia đã đưa đến việc áp dụng luật pháp mà người ta gọi một cách sai lầm là “đàn áp”, lúc nào họ cũng gây nên hận thù, oán giận, ghen ghét, thù hằn giữa hai nhóm dân chúng. Một số kẻ truyền đạo như Linh mục Geoffroy ở Bình Định cố ý phạm các tội nặng nhất: nổi loạn chống chính quyền, xúi giục nổi loạn, cướp bóc, bạo hành, phá hoại, tự ý bắt người…”

(19-8-1879, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 12877 – Theo luận án tiến sĩ của GS. Cao Huy Thuần).

2. Với những gì mà truyền thông Công giáo đang vẽ ra một cách đau đớn xin HĐGMVN bình tâm đọc lại đôi điều:

“Sự yên tĩnh cũng hoàn toàn tại các tỉnh khác, kể cả tại Quảng Bình và Quảng Trị mà mới đây các nhà truyền giáo đã vẽ nên tình hình chính trị bằng màu đen. Các biến cố đã cho thấy là những nỗi nghi ngờ của họ căn cứ vào những sự hiểu lầm, các sai lầm đã phạm phải do các tín đồ Thiên Chúa giáo đã làm bậy vì lòng nhiệt tình thái quá…”

(Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A20 (34) hộp 7 - sđd).

“Tôi không thấy và không có vị công sứ nào ở Trung Kỳ thấy có các dấu hiệu thật sự của chiến tranh tôn giáo. Các cảnh hỗn loạn mà một vài tỉnh đã là nơi diễn trường, như tôi trình bày, không có tính chất của một cuộc chiến tranh phục khởi giữa dân giáo và dân lương. Nhưng các nhà truyền đạo luôn luôn có khuynh hướng căn cứ vào các tin tức được phóng đại để tin rằng những vụ lộn xộn kinh khủng năm 1885 lại sắp bùng nổ. Đó là một trạng thái tinh thần đáng tiếc nơi họ, nhất là họ đã khiến cho báo cáo của họ về các việc nội bộ trong vùng ít có sức mạnh và uy tín hơn là khi họ thoát khỏi mọi bận tâm và lo âu dự tưởng”

(Báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền 17-10-1890, Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A20 (32) hộp 6 – sđd).

3. Với những gì đã nói đã hành động với một đất nước xin HĐGMVN đọc lại đôi lời nhắn nhủ của vua Tự Đức:

“Các ngươi có đạo, dù các ngươi theo đạo của mình, bản chất các ngươi lại không giống những người dân khác hay sao? Tất nhiên là giống. Nếu các ngươi không giữ lễ và lòng trung, các ngươi sẽ không thành người được. Đạo nghĩa vua tôi, cha con vẫn có. Các ngươi nỡ lòng nào bỏ cha mẹ, huống chi là bỏ trẫm, người đã biết tha thứ cho các ngươi, dạy dỗ các ngươi, nuôi nấng các ngươi, đối xử với các ngươi bằng tấm lòng nhân đạo như đối với mọi người dân khác. Mới đây các ngươi được phép đi thi để làm việc theo khả năng, và trẫm mở lòng thương đối với các ngươi. Các ngươi có thấy điều đó chăng?

Các ngươi còn dám xâm phạm đến lễ nghi, Lễ. Vậy thì thi cử và việc nước còn ra thể thống gì? Há không phải chính tự các ngươi đứng ra bên ngoài. Ai chịu trách nhiệm? Lúc nào các ngươi cũng kêu gào, kiêu căng, ngạo mạn đến độ những kẻ phản loạn lấy cớ đó để đốt làng các ngươi, buộc trẫm phải tìm mọi cách để cứu các ngươi. Chi phí của nhà nước và tổn thất của công dân vì thế thật là to lớn. Sau hòa bình, các ngươi không xứngđáng với công ơn của trẫm. Nhưng trẫm vẫn không tiếc gì với các ngươi. Trẫm đã miễn thuế thân, thuế ruộng đất cho các ngươi…

Nếu các ngươi không biết giữ gìn địa vị mình mà chỉ lo tìm các chuyện tranh chấp và giành giật, và nếu các ngươi không lo sửa mình, các ngươi sẽ là kẻ có tội. Các ngươi bội bạc ân nghĩa của trẫm là người đã nuôi nấng các ngươi. Qua những lời dài như thế này, các ngươi hãy biết rằng dù có việc gì xảy đến, các ngươi cũng chỉ là người của dân tộc… Nếu các ngươi không sửa mình liệu Khâm sứ của Tây sẽ không bực bội vì các ngươi sao? Một kẻ đã không trung thành và không hy sinh cho đất nước mình thì không đâu người ta dùng cả. Cũng giống như người con gái bị mất trinh sẽ bị bỏ và bị mọi người khinh bỉ. Nhất định phải như thế. Vì thế hãy làm ăn sinh sống như mọi người, hiếu hòa là đúng, đừng làm việc gì xấu xa…”

(Chỉ dụ gửi Thống đốc Nam Kỳ Dupré, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 12774, sđd).

 

Trần Điều

Được đăng bởi SEN VIỆT tại 08:15

nguồn: http://huongsenviet.blogspot.com/2008/09/quan-im-ca-hi-ng-gim-mc-vit-nam-v-tgm.html

 

 

● Các bài cùng tác giả:

- Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về TGM NQK

- Tượng Đài Alexandre De Rhodes: Ai Là Người Hô Biến ?

- Uỷ ban Công lý và Hoà bình chứa “ẩn ý”?

- “Bùn và vàng mã”: Tác giả Sông Nhuệ cố tình vất rác nhà người (Trần Điều)

 

Các bài liên hệ đến Ca-tô đòi đất

Trang Tôn Giáo