Thử tìm câu trả lời và giải pháp cho Làng Mai-Bát Nhã

Lý Kiến Trúc

03 tháng 11, 2009

 

LTS: Trong khi những nhận định về các điểm khách quan của vấn đề có thể đã làm cho một số cảm tình viên của thấy Nhất Hạnh thất vọng và bức xúc, bài viết đầy cảm tình với Thiền sư Nhất Hạnh của nhà báo Lý Kiến Trúc có lẽ làm cho quí vị thoải mái hơn. Tác giả nêu vài thắc mắc và cuối cùng đề nghị một ý kiến xây dựng để việc giải quyết nội bộ Bát Nhã.

Ngày 01NOV09 theo một nhân sĩ tình nguyện: Được biết đã có nhiều thầy nỗ lực dàn xếp cho các tu sinh về các chùa một khi tu sinh có hộ khẩu. Đã có vài ngôi chùa, như ở TPHCM và chùa Cam Lồ ở Quảng Trị, mở rộng cửa từ bi đón nhận. Một số tu sinh đã được thu xếp, chỉ còn một số tu sinh ở Lâm Đồng không ... chịu đi.

Tác giả Lý Kiến Trúc gửi bài đến sachhiem.net mong được phổ biến đến thầy Nhất Hạnh. Trân trọng giới thiệu (SH)

Thử tìm câu trả lời và giải pháp cho Làng Mai-Bát Nhã:

http://www.vanhoamagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=163&Itemid=36

Có vài người cho biết không mở được link này, nên SH đăng lại.


Lời Mở đầu

1. Vị khách quí được mời. 2. Lược qua nguồn gốc “tình Làng Mai, “lý Bát Nhã”. 3. Từng bước tiến hành kế hoạch và nguồn gốc 379 tu sinh. 4. Đột biến. 5. Các phương án hành động. 6. Mệnh lệnh và thực tế phũ phàng. 7. Mâu thuẫn chính trị hay sai lệch chính trị. 8. Lờ đi một thực thể hợp pháp của giáo hội Làng Mai. 9. Thái độ trong ngoài. 10. Bi-Trí-Dũng.

Kết luận

(Bài viết này được tác giả đăng tải trên trang nhà vanhoamagazine.com và gởi đến các cơ quan truyền thông Việt ngữ. Quí cơ quan truyền thông báo chí, các trang nhà internet, vui lòng phổ biến nếu không có gì trở ngại. Do không biết địa chỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nên tác giả mạn phép nhờ quí cơ quan truyền thông nào nếu biết địa chỉ của Thiền sư xin vui lòng chuyển đến ngài. Trân trọng cảm tạ).


 

Lời Mở đầu

Kính thưa Thiền Sư Thích Nhất Hạnh;

Tháng Mười là tháng Sinh thứ 83 của Thiền Sư ở một miền quê xa xôi vạn dặm, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn cố của Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng. Xin kính chúc Thiền Sư trăm tuổi hạc. Với gần 70 năm tuổi Bụt đời thứ 42 Lâm Tế và đời thứ 8 Liễu Quán, với hơn 100 tác phẩm văn học, Phật học, được dịch qua hàng chục ngôn ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới, Thiền Sư đã mang lại cho nhân loại và chủng tử của Bụt vô số gia tài về đức bi trí dũng và nhất là quan điểm hòa bình của Thiền Sư.

Thưa Thiền Sư, là một nhà báo trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, tôi may mắn được hạnh ngộ Thiền Sư tại Tu viện Lộc Uuyển cũng như được nghe Thiền sư giảng thuyết trên một số giảng đường đại học Hoa Kỳ ở nam Calif., tất cả những hình ảnh, âm nhạc, ngôn từ của buổi hạnh ngộ đó, ví như nước sông Hằng, sông Hồng, sông Cửu chẩy về Ngài, và Ngài đã chia cho mọi người, và tôi, một giọt nước mát, một nụ cười tràn đầy hơi thở trong lành.

Ở một mặt khác, đối với dư luận đồng bào miền nam Việt Nam trước 1975, Hòa Thượng Nhất Hạnh tiêu biểu cho ba khuôn mặt: Một Cao Tăng Phật Giáo; Một Nhà Văn Hóa Tư Tưởng-Sử gia Phật Giáo; Một Nhà Phản Chiến-Chống chiến tranh-Cổ vũ hoà bình. Nhưng, tạo ấn tượng nhất trong ba khuôn mặt, đó là khuôn mặt phản chiến của Thiền Sư. Phản chiến ở đây được hiểu theo nghĩa thời sự, phản đối cuộc chiến phòng vệ chống chủ nghĩa CS của chế độ miền nam Việt Nam, và, phản đối luôn cả cuộc chiến tranh giải phóng phát động từ Hà Nội!

Đó là chuyện của quá khứ, chuyện hôm nay là chuyện Bát Nhã-Làng Mai.

Thưa Thiền Sư, vài tháng vừa qua, “biến cố Bát Nhã-Làng Mai” bỗng trở thành một tấn bi kịch gieo vào lòng nhiều người bao niềm khắc khoải, lo âu, và bi phẫn. Từ các diễn biến dồn dập, đặc biệt, bạo lực và nỗi khiếp sợ đã và đang trấn áp lên những mái đầu xanh một lòng theo Bụt đã phủi bụi trần gian ở độ tuổi đôi mươi. Nay, tôi mạo muội thử đi tìm câu trả lời và tìm một giải pháp cho “vụ án chưa thành án” Bát Nhã Làng Mai.

Qua lá thư mong manh, tôi xin phép gởi đến Thiền Sư những vấn đề của Bát Nhã- Làng Mai hôm nay:

 

Ảnh từ trái: Sư Bà Chân Không; Thượng Tọa Đức Nghi; Tr. ban TG Nguyễn Thế Doanh; Phó ban TG Nguyễn Thanh Xuân.

 

Câu hỏi số 1:

Vị khách quí được mời

Ngày 23 tháng 1, 2005, tăng đoàn Làng Mai gồm 190 người tháp tùng Thiền sư Nhất Hạnh đi chuyến bay Air France đáp xuống phi trường Nội Bài Hà Nội. Cả ngàn người chào đón đảnh lễ ngài với hoa thơm và rừng nhiếp ảnh. Xét về yếu tố nhân hòa, đúng vào thời điểm Việt Nam mở cửa làm bạn - hội nhập với thế giới, Thiền Sư Nhất Hạnh là vị khách quí ở hải ngoại được mời về nước, trước là thăm quê, sau là xây dựng cơ sở tôn giáo, kế là tuyển sinh mở các khóa tu học Pháp môn Làng Mai, đăng đàn tràng siêu độ giải oan, và quan trọng nhất: trực tiếp đối thoại chính trị với các lãnh đạo đảng CSVN Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Hầu như chưa có một danh tăng Phật giáo nào được trọng vọng như một quốc khách như ngài.

Câu hỏi: Qua các diễn tiến kể trên, xin Thiền Sư có thể cho biết tình cảm và tâm tư của Ngài lúc ấy ra sao?

 

Câu hỏi số 2:

Lược qua nguồn gốc “tình Làng Mai”, “lý Bát Nhã”

Giữa lúc cường độ chiến tranh Việt Nam đang cầy xéo tận gốc làng quê Việt Nam (1965-1968), Đại đức Thích Nhất Hạnh khi được Thượng tọa Thích Trí Quang cử đi du học, sau đó đã bị chính phủ miền nam Việt Nam cấm không cho về nước vì các hoạt động chống chiến tranh. Sau gần 40 năm hành đạo và thành lập Giáo hội Làng Mai ở hải ngoại , ngày 11 tháng 1, 2005, những bước chân êm dịu đầu tiên của tăng đoàn Làng Mai (Pháp) đã bồi hồi đốt nén trầm hương trên quê hương nhung nhớ; hai lần trong năm 2007, 2008, Thiền Sư và Tăng đoàn Làng Mai đã lập giới đàn cầu siêu giải oan cho nạn nhân chiếân cuộc trên phạm vi cả nước; thuyết pháp trên các diễn đàn đa phương, và xuất hiện là một diễn giả Phật giáo quan trọng trong đại lễ Tam hợp Vesak 2008.

Thật là phước báu vô lượng.

Một câu hỏi đặt ra: Nhân tố nào đã dọn đường cho Thiền sư  Nhất Hạnh về Việt Nam? có người suy đoán là một thành viên trong nhóm Giao Điểm (?), lại có lời đồn là từ một giáo thọ nổi tiếng ở nam Calif., (?) nhưng, chắc hẳn người được “chấm” để “móc nối” đó phải là một “phái viên văn võ” toàn tài. Phái viên này sẽ đóng vai chính trong “kịch bản tự do tôn giáo” lồng qua chặng đường hoằng pháp của giáo hội Làng Mai với pháp môn “tiếp hiện” về Việt Nam. Không ai có thể hơn Thượng tọa Đức Nghi, viện chủ chùa Bát Nhã, một tu viện “thô” nằm u khuất giữa những cánh đồi thông mù sương Damb’ri huyền thoại.

Trong chuyến đầu tiên trở về với quê hương tâm linh, “phái viên” đã dọn đường sạch sẽ khang quang từ cấp nguyên thủ cho đến cấp địa phương.

Ngoảnh lại Phương Bối Am, Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hân hoan chào đón một tăng sĩ ngỏ lời “hiến dâng” tu viện Bát Nhã cho tăng đoàn. Thật là một cử chỉ cao đẹp, dù Bát Nhã chỉ là một tu viện nghèo nàn, không có giá trị cao về công trình kiến trúc Phật giáo cũng như về giá trị kinh tế, nhưng Bát Nhã đã gợi lên hằng bao nhiêu kỷ niệm của một thời xa xưa nhớ về khu rừng thông bát ngát Phương Bối, còn vương vất đâu đây dấu chân của Thiền sư Nhất Hạnh từ năm 1957.

Trái tim bao giờ cũng bị gặm nhấm bởi lý trí. Tâm tình “hiến dâng” chùa “thô” đúng làø món quà khởi đầu cho kế hoạch xây dựng qui mô tu viện “thô” Bát Nhã, trở thành một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai hòa điệu giữa nghệ thuật hoành tráng của bê tông và nghệ thuật thon thả đầy chất nghệ sĩ trữ tình của Làng Mai.

Chỉ có mấy tháng sau đó:

- Tháng 5, 2005, khởi công xây dựng “xóm” Bếp Lửa Hồng cho các sư cô.

- Tháng 1, 2006, Thượng tọa Đức Nghi rập đầu xin làm đệ tử (Giáo thọ) từ Thiền Sư Nhất Hạnh trong buổi lễ truyền đăng tổ chức tại Làng Mai, Pháp quốc.

- Tháng 5, 2006, xây dựng xóm Rừng Phương Bối cho các thầy.

- Tháng 10, 2007, xóm Mây Đầu Núi được thành lập. Đây là “xóm” quan trọng nhất, vì nơi đây hoàn thành một thiền đường hùng tráng mang tên Cánh Đại Bàng có sức chứa 1,800 người và cũng là nơi tu tập thiền định hàng ngày của 379 tăng sinh.

- Ngày 21 tháng 2, 2008, Làng Mai báo cáo đã hoàn trả cho chùa “thô” của thầy Đức Nghi 90 ngàn đô la tức là 1 tỷ 4 đồng (theo thời giá) để coi như toàn bộ công trình cơ sở vật chất ở tu viện Bát Nhã là do tiền và công của Làng Mai xây dựng.

- Liên tiếp trong vòng 4 năm, Làng Mai đã đầu tư xây dựng 5 cơ sở vật chất lớn, mua luôn đất chung quanh từ 8 mẫu lên tới 30 mẫu. Theo báo cáo Phụ bản số 2 trên phusa.org chi tiết chi tiêu trên trang nhà Làng Mai, bắt đầu từ ngày 20 tháng 4, 2005 tính cho đến ngày 21 tháng 2, 2008, tổng số tiền Làng Mai đưa trực tiếp cho Thượng tọa Đức Nghi ký nhận và quản lý lên tới cả hơn một triệu đô la, tức là hơn 18 tỉ đồng Việt Nam (theo tỉ giá).

Theo “Khoản 4, trong Bản tường trình ngày 12-8-2008 dài 18 trang, do các các vị Thích Chân Pháp Khâm, Thích Chân Trung Hải, Thích Nữ Chân Thoại Nghiêm, Thích Nữ Chân Phúc Nghiêm viết và gởi lên Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban Đại diện Phật giáo Thị Xã Bảo Lộc, việc xây dựng cơ sở ở TV Bát Nhã và tiền mua đất và xây dựng Xóm Mây Đầu Núi bên cạnh Tu viện với tổng số tiền là: 12tỷ 509 triệu+ 2tr800 triệu+ 3tỷ 370 triệu = 18 tỷ 679 triệu (gần triệu rưởi USD).”

Trở lại “tuyệt kế” cúng dường chùa “thô” Bát Nhã của thầy Đức Nghi, Thiền sư Nhất Hạnh không thể nào nhận được, vìø theo luật đất đai tài sản của luật pháp nước CHXHCNVN, Thầy, một người nước ngoài không thể nào đứng tên trong “sổ hồng sổ đỏ” được, đó là chưa biết tu viện này là tài sản riêng của Thầy Đức Nghi hay tài sản của giáo hội Phật Giáo nhà nước phân bố cho thầy Đức Nghi làm trụ trì. 

Nhưng còn quanh đó, khu rừng thông Phương Bối ngày xưa trên đà hoang phế tại Đại Lào-Bảo Lộc (vốn là tài sản của Thiền Sư từ năm 1957), từ nay sẽ trở nên mầu mỡ một cách huyền diệu khi bàn tay Làng Mai tạo tác biến hóa, từ Làng Mai, đất “thô” trở thành vàng ròng từ vòng tâm tu viện Bát Nhã mơ mòng bên dòng thác Damb’ri.

“Đất Damb’ri trước đây chỉ vài trăm ngàn một mét (tiền đồng) chả ai thèm để ý, khi có đạo Phật Làng Mai về, mét vuông cả triệu bạc.” (Nguyễn Đắc Xuân)

Bản Symphony Tình Làng Mai và Lý Bát Nhã ẩn dụ bàng bạc hé mở tuyệt vời.

Câu hỏi: Xin Thiền sư có thể cho biết về đường đi nước bước của Thượng Tọa Đức Nghi giữa cái tình Làng Mai, cái lý của Bát Nhã như thế nào?

 

Câu hỏi số 3:

Từng bước tiến hành kế hoạch và con số 379 tu sinh

Tu viện Bát Nhã-Làng Mai là kết quả của ba chuyến về lại đất quê hương.

Ngày 25 tháng 3, 2005, Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạn tại phủ thủ tướng.

Ngày 24 tháng 4, 2007, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sư bà Chân Không được Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón niềm nở tại tư gia.

Ngày 5 tháng 5, 2007, Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết tiếp Thiền sư Nhất Hạnh tại phủ chủ tịch.

Phải công nhận rằng trong 4 năm hiện diện ở Việt Nam, dấu vết của Làng Mai đã tạo ra một đường tu hiện đại, pháp môn Làng Mai như vết dầu loang thu hút giới trẻ, giới doanh gia mới, giới trung lưu, lại có cả một số trí thức-quan chức khâm tuân pháp môn vi diệu phát xuất từ tâm lý chán chường khinh rẻ hệ thống giáo phẩm và tư cách của các “tân sư” do nhà nước đào tạo dâng cao; việc in ấn, phát hành các tác phẩm quốc tế của Thiền Sư Nhất Hạnh được bà con xem như kim chỉ nam của đời sống tâm linh, hàng triệu người trên thế giới xem qua hệ thống truyền thông quốc tế chăm chú vào Thiền sư Nhất Hạnh huy hoàng ánh đạo vàng trên diễn đàn Vesak 2008…

Trên bước đường hoằng pháp, bộ tham mưu của Làng Mai tiến hành ngay việc hệ thống hóa các đệ tử từ Huế và các tự viện liên hệ, song song với việc tuyển sinh các tăng sinh non trẻ tu học theo Pháp môn Làng Mai, các tân tăng sinh này trên thực tế trở thành một “đội ngũ”, Làng Mai gọi là “tăng đoàn”. Đội ngũ “tăng thân xuất sĩ” này là đơn vị “tiền phương” chứng minh cho sự “hiện diện hợp pháp” của một nhánh trong hệ thống Giáo hội Làng Mai (bất thành văn) tại Việt Nam, “tăng đoàn” đóng đô tu học trường kỳ tại Tu viện Bát Nhã-Bảo Lộc qua sự bảo hộ của giáo thọ thân tín Đức Nghi. “Tăng đoàn tiền phương” này là hạt nhân đầu tiên sẽ nẩy nở thêm ra các tăng đoàn pháp môn Làng Mai khác.

Đứng về phương diện tổ chức đoàn thể, khi hình thành một tập hợp, dù tập hợp đó mặc áo tôn giáo trở thành một đội ngũ, con mắt an ninh của nhà nước không thể nào không bỏ qua. Dưới một chế độ toàn trị, dù một cá nhân hay một tổ chức đoàn thể nào mà đã quy tụ thành một lực lượng, giá nào, họ cũng phải “chui” vào để “quản lý” an ninh nhân sự cái tổ chức đó.

Đây là vấn đề mấu chốt về tổ chức mà bộ tham mưu của Làng Mai sơ hở ngay từ đầu.

Trong số 379 tăng thân Pháp môn Làng Mai, công an Lâm Đồng phân ra có 90 tu sĩ nam, 289 tu si nữ đa số tuổi đôi mươi. Bộ tham mưu của Thiền Sư có phân liệt ra trong số 379 tăng sinh đó có bao nhiêu tu sĩ gốc là đệ tử của Thượng tọa Đức Nghi, có bao nhiêu tu sĩ là đệ tử của chư tôn đức trong nước, có bao nhiêu “tăng” trong “ban ngành” theo “học” pháp môn Làng Mai? Thậm chí Làng Mai lại thu nhận cả “thầy” qua ăn ở tu học ở Làng Mai Pháp quốc! Đúng là rước hổ vào nhà.

Tin tức những ngày gần đây cho biết 197 tu sinh “thuần chủng” Làng Mai hiện đang tá túc tại Chùa Phước Huệ cách Bát Nhã 15 km; thế còn lại gần 200 tu sinh kia khi mặt trận tới hồi tan rã họ “đi đâu, về đâu”?

Có hai tờ báo trong nước là tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ bắt đầu lên tiếng về vụ Bát Nhã. Theo Tuổi Trẻ Online loan tin ngày 14 tháng 10, 2009, trong cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ nói “trong hai lần xô xát 29-6-2009 và 27-9-2009, có 330 người theo pháp môn Làng Mai (tại hiện trường).

Qua các vụ đột phá tôn giáo-xã hội-dân chủ vừa qua, quan sát về vấn đề tổ chức, phải thấy sự khôn khéo đặc biệt của khối công giáo khi họ huy động các cộng đoàn và giáo dân phản đối chính quyền. Các biến cố tòa Khâm sứ, giáo xứ Thái Hà, Tam Tòa, v.v… Khối 8406, Tập hợp Dân chủ, mô hình Bautite Việt Nam và mới đây, tập hợp nhân sĩ ở Việt Nam kiến nghị về vụ Bát Nhã ,cho ta thấy sự khó khăn và nhậy cảm trong việc đối thoại với chính quyền toàn trị.

Câu hỏi: Thiền Sư có lưu ý đến con số 379, hay 330 tu sinh này gồm những thành phần nào, tổ chức nào không, cũng như nhân cách, tính tình sâu thẳm của các thế hệ sinh ra từ chế độ xã hội chủ nghĩa nó như thế nào?

 

Câu hỏi số 4:     

Đột biến

Đầu tháng 8, 2008, thầy Đức Nghi đâm đơn lên công an tỉnh Lâm Đồng xác nhận ông không bảo lãnh cho các tu sinh Làng Mai được tiếp tục cư trú trong tu viện của ông nữa để tu học pháp môn Làng Mai.

Ngày 08-08-2008, công an địa phương ra công văn trục xuất những tu sinh này ra khỏi tu viện vì không còn có sự bảo lãnh của viện chủ tu viện về vấn đề cư trú. (BBC 04-7-09)

Ngày 1 tháng 9, 2008, Thượng tọa Đức Nghi gởi thư “kiến nghị” cho Thiền sư Nhất Hạnh đang ở bên Pháp, cùng một lúc gởi cho Ban trị sự PG Lgày âm Đồng ghi rõ: “Kể từ hôm nay, ngày 01 tháng 9 năm 2009, con xin rút lại tất cả những văn thư xin phép cho Làng Mai tu tập. Con không bảo lãnh, không chiụ trách nhiệm mọi việc sẽ xẩy ra của Làng Mai tại tu viện Bát Nhã trong thời gian tới”.

Ngày 9-9-2008, bức tâm thư của Thiền sư Nhất Hạnh gởi về cho viện chủ Đức Nghi. Bức thư đã mở cho viện chủ Đức Nghi nắm được “thiện ý” của Thiền sư Nhất Hạnh, viện chủ ra tay tức khắc, “giáng Bát Nhã Ba La Mật Đa chưởng pháp tối tân kinh” xé nát “bản hôn phối truyền đăng”, nhưng trước hết, viện chủ và công an nhắm vào ngay việc tạm trú của tăng ni Làng Mai bằng cách trục xuất những giáo thọ mang quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ… Các giáo thọ có quốc tịch nước ngoài phải rời tu viện Bát Nhã. Biện pháp này là tạo an toàn pháp lý về người nước ngoài cư trú trong nước. Làng Mai trở tay không kịp, như vậy Làng Mai chỉ còn lại mấy sư cô và sư thầy giáo thọ gốc từ Huế.

Làng Mai cố biện giải sự cố bất thường này là do việc tạm ngưng tài chánh đổ thêm tiền vào Bát Nhã từ tháng 5, 2008. (Nhắc lại, thầy Đức Nghi đâm đơn lên công an vào tháng 8, 2008).

Một nghi vấn nêu lên về mâu thuẫn nội bộ giữa hai bên có phải phát xuất từ lợi ích cơ sở kiến trúc, từ sở hữu chủ nguồn đầu tư, từ ai là chủ nhân đất đai, hay từ các yếâu tố nào khác…, nhưng xét qua các diễn tiến “lớp lang có trình tự”,  “kịch bản tôn giáo” Bát Nhã - Làng Mai đã chuyển sang một chương mới, dàn Symphony Orchestra êm êm thuở ban đầu đã bập bùng lên tấu khúc lửa xung đột. Có hay chăng, các bên trong bàn cờ đã nhìn ra nước cờ tôn giáo tới hồi căng thẳng.

Một động thái từ GHPGVN nhúng tay vào Bát Nhã; Ngày 19 tháng 1, 2009 GHPGVN thảo văn thư đưa ra hướng giải quyết, Ban tôn giáo Chính phủ ủng hộ. ( Tuổi Trẻ Online 14-10-2009).

Câu hỏi: Xin Thiền Sư có thể cho biết sự “trở mặt đúng lúc” của giáo thọ Đức Nghi có phải do sự đòi hỏi về tài chánh hay do yếu tố nào khác? Ý kiến của Thiền sư về từ văn thư trục xuất của công an Lâm Đồng đến văn thư của GHPGVN?

Câu hỏi số 5:

Các phương án hành động

Biến cố Bát Nhã-Làng Mai đột nhiên rúng động khi trận càn lịch sử diễn ra vào chiều tối Chủ Nhật 27 tháng 9, 2009 tuy trước đó ba tháng, trận càn ngày 26 tháng 9 đã có ý báo bão.

Kể ra cái đòn trấn áp này khá độc. Cộng sản Việt Nam học được bài học Bắc Kinh-Thiên An Môn. Video đưa lên mạng không thấy có một chiếc xe tăng hay chú bộ đội nào “nghiền nát” tu sinh Làng Mai-Bát Nhã. Họ đưa các cầu thủ hạng hai ra sân đá “nhẹ” bằng trận đầu ngày 29 tháng 6, 2009. Ba tháng sau, khi tới trận chung kết, họ mới tung lực lượng “ảo” xuất chiêu Bát Nhã chưởng múa “hoa sen trong gậy gộc”, hóa giải phép “ngồi yên như núi”, đuổi các em tơi tả di tản về chùa Phước Huệ của Thượng tọa Thích Thái Thuận ở cách Bát Nhã 15 cây số.

Bản tin của báo Tuổi Trẻ Online ngày 14-10-2009 trong cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Xuân nói rằng: “Trong lần “xô xát” thứ hai này, một số “tín đồ quá khích” đã ném gạch đá làm người bị thương “nhẹ” là Hòa thượng Thích Thái Thuận, Phó ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng khi đến tu viện Bát Nhã để giải quyết vụ việc”.

Bên kia trời Calif., ở vườn Lộc Uyển, Sử gia Nguyễn Lang kêu trời. “Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách Mạng”! Thiền sư Nhất Hạnh nói việc “đánh bật” tăng ni ra khỏi Bát Nhã là “một hành động vô ânm bất nghĩa, phản bội, không phải là hành động của truyền thống cách mạng”. (BBC- 18-10-09)

Ngày 30-9-2009, một số tăng ni trẻ Lâm Đồng đã đồng ký tên vào một bức huyết thư gửi đến các cấp chính quyền đăng trên trang phusa.inpho cảnh báo: “Nếu các cấp chính quyền gây thêm bất kỳ một áp lực nào như đã làm, chúng tôi báo trước là sẽ quyết tử vì tình đồng đạo, hậu quả là không thể lường được”. (RFA-2009-10-06).

Theo dõi trình tự biến cố Làng Mai-Bát Nhã, ta có thể hình dung ra ba phương án tiếp cận với Việt Nam.

Phương án thứ nhất: Thành lập đội ngũ “tăng đoàn xuất sĩ”, nội lực là một nhánh của giáo hội Làng Mai có trụ sở chính ở Pháp, chỉ huy trực tiếp mạng lưới tăng đoàn xuất sĩ tại tu viện Bát Nhã (và sẽ ở các nơi khác), đi vào hoạt động dần dần, sau đó sẽ được nhà nước CSVN hợp pháp hóa.

Phương án thứ hai: Đề xuất các đề án cải tổ hệ thống chính trị.

Phương án thứ ba: nếu cả hai phương án trên thất bại, nhánh giáo hội pháp môn Làng Mai – tu sinh sẽ phải “hy sinh”, tình thế cho phép, có khả năng tạo ra một Thiên an môn Việt Nam tạo áp lực với chế độ CSVN.

Làng Mai đã áp dụng mô thức “đưa tôn giáo vào chính trị” để cải hóa chính sách “chính trị hóa tôn giáo” của đảng CSVN. Đây là một nước cờ hay, bất ngờ cú “chạy làng” của thầy Đức Nghi (có bị áp lực hay chỉ đạo từ đâu thì chưa ai biết rõ) làm biến đổi cơ sự. Phản ứng quyết liệt nhưng rất bài bản từ phía Làng Mai. Chú ý các lần xuất hiện của nhân vật số hai của giáo hội Làng Mai : sư bà Chân Không; các lời tuyên bố sắc cạnh của sư bà trên các cơ quan truyền thông quốc tế. Trong chiến pháp này, Làng Mai đã khai triển mâu thuẫn “nội bộ” dẫn đến “xung đột nội bộ”, từ “xung đột nội bộ” dẫn đến “xung đột tôn giáo”. Cốt lõi của vấn đề “nội bộ” phải được thấy rằng nội hàm của nó xuất phát từ “sự phản bội tài tình” của thầy Đức Nghi. Làng Mai thừa biết ngay từ tháng 9, 2008, và đã tận dụng tối đa để “nâng” biến cố Bát Nhã lên hàng quốc gia, quốc tế.

Không những thế, diễn biến thực tế cho thấy biến cố Bát Nhã-Làng Mai có khả năng bộc phát nhiều tình huống nguy hiểm dẫn tới một Thiên An Môn Việt Nam làm lung lay chế độ. Tuy nó đã bị dẹp tan, nhưng đau lòng là nó đã gieo một vết thâm đen trong công cuộc hoằng dương Phật Pháp tại Việt Nam.

Câu hỏi: Xin được hỏi phản ứng quyết tử của các tu sinh và nâng tu sinh Làng Mai lên hàng “Thiên An Môn” có nằm trong kế hoạch của Làng Mai không thưa Thiền sư?

Câu hỏi số 6:

Mệnh lệnh và thực tế phũ phàng

Đọc từng lời các lời phát biểu của Sư bà Chân Không (được coi như phát ngôn nhân của Làng Mai) từ khi nổ ra vụ Bát Nhã, người ta có cảm tưởng sư bà đang ra một giáo lệnh đổ vào các tu sinh non trẻ như: “Các tu sinh không đi đâu hết, bởi đi là đi đâu? Các em sẽ ngồi yên như núi. Nếu mình làm kẻ hy sinh để cứu cho một đất nước khỏi chiến tranh thì giá đó cũng còn rẻ lắm, rẻ lắm!” (cười)… (NV).

“Họ cạo đầu tại Bát Nhã và 5 tòa nhà ở Bát Nhã chính là nhà của họ, do sự cúng dường của Phật tử, chứ không phải của thầy Đức Nghi hay thầy Nhất Hạnh”. (NV-01-9-2009)

Trong khi đó, một sư thầy của Làng Mai giảng pháp tại Tu viện Bát Nhã là Giáo thọ Pháp Hội sau mấy trận ngấm đòn xã hội đen đã trả lời: “Và, nếu phải ra đi, thì xin nhà nước chỉ chỗ nào cho chúng tôi và phải bằng văn bản chính thức để chúng tôi đi và tu tập theo pháp môn Làng Mai.” (Người Việt 27-9-2009).

Ngày xưa vào đời nhà Trần, xã tắc nguy biến khi giặc Nguyên Mông xâm lăng, Vua cũng chưa đưa ra lời kêu gọi tăng ni ra trận, chính Vua thân long ngự voi ra trận rồi tăng ni phò theo, đại tướng chết trên trận tiền, tăng ni cầu siêu tán thán. 

Ngày nay, sư bà ở bên Pháp, bộ tham mưu của sư bà dùng non trăm sinh mạng tu sinh ngây dại để lập luận về giải pháp cứu nước, giữ nước khỏi chiến tranh!!! Không hiểu các sư có “bất nhẫn” lắm không! Hay đây chỉ là phản ứng trong cơn sốc nổi khi bị “ma tăng lừa cả tình lẫn tiền”?

Cho nên, Biện pháp táo bạo dùng tăng ni để ngăn ngừa chiến tranh của sư bà Chân Không làm thảng thốt nhiều người!

Đề nghị sư bà Chân Không bay thẳng về Bát Nhã đòi lại các cơ sở mà Làng Mai đã bỏ tiền ra đầu tư xây dựng, và thu xếp một tự viện khác cứu nạn các em để các em được tu. (Làm y theo lời của Thiền sư Nhất Hạnh viết gởi cho Đức Nghi ngày 9-9-2008: “Thầy phải tìm ra một giải pháp với chúng, để các vị ấy có đủ thời gian sắp đặt tạo dựng một cơ sở khác trước khi dọn đi và trao lại cơ sở Bát Nhã cho Thầy).

Các tu sinh non trẻ này từ đâu đến với Làng Mai? Họ được tuyển vào cạo đầu thọ giới pháp môn Làng Mai chắc hẳn không bao giờ nghĩ tới cái ngày họ bị gậy gộc đánh tàn tệ, họ gạt nước mắt ký vào “huyết thư”. Họ chỉ muốn tu, giờ đây họ phải “tử” vì tình linh sơn cốt, họ được truyền là không đi đâu hết, họ phải tu chung ở 5 cái tự viện thiền đường mà giáo hội Làng Mai đã bỏ công bỏ của xây dựng suốt 4 năm trường, vì “đó là nhà của họ”!!!

Than ôi! Suy cho cùng, các em sẵn sàng tử vì đạo không hẳn vì 5 cái tòa nhà (giá trị theo thời giá có thể lên tới hàng chục triệu đô la), hay uất ức vì cái khu rừng Phương Bối bát ngát cảnh tiên cuối cùng lọt vào tay ông sổ hồng sổ đỏ, mà vì năng lượng sấm sét đã truyền cho các em!

Kinh khủng thay năng lượng sấm sét!

Câu hỏi: Thưa Thiền Sư, Thiền sư nghĩ thế nào về dinh cơ 5 cái toà nhà và hai lời phát biểu trái nghịch của Sư bà Chân Không và Giáo thọ Pháp Hội?

Câu hỏi số 7:   

Mâu thuẫn chính trị hay sai lệch chính trị

Nếu chương một đã diễn ra với nhiều cảnh quan phấn chấn, say sưa với hào quang, Thiền Sư đã bước thêm một bước chính trị về “Giấc mơ Việt Nam”.

Có lập luận cho rằng xung đột giữa Làng Mai và Bát Nhã là việc “nội bộ” giữa Phật tử Bát Nhã do Thượng tọa Thích Đức Nghi viện chủ + các sư phụ tá Đồng Châu, Đồng Hạnh… và các Phật tử pháp môn Làng Mai.

Dựa trên các lập luận và thông tin một chiều trên, cho đến nay quan điểm trong nước có vẻ như vẫn muốn sự vụ Bát Nhã-Làng Mai dừng lại ở mức độ “nội bộ”. Họ muốn dừng lại ở cấp số của một tu viện xa xăm hẻo lánh mọc lên giữa rừng núi Damb’ri. Có ý kiến cho rằng Bát Nhã-Làng Mai với một khoản tiền đầu tư chẳng lấy gì làm to tát lắm, so với các nguồn đầu tư của nước ngoài, lại càng không thể so với các quần thể Phật giáo vĩ đại đã và đang xây dựng trong nước, ví dụ như quần thể Bái Đính ở Hoa Lư Ninh Bình, quần thể Đại Nam Quốc Tử ở Bình Dương.

Làng Mai đã đi thăm cả nước đủ biết hệ thống Phật giáo hiện nay như thế nào, nhưng bộ tham mưu của Làng Mai và sư bà Chân Không đâu có để yên vụ “lừa phỉnh” này. Từ “xung đột nội bộ” tạo ra “xô xát”, từ “bạo hành” tạo ra “huyết thư”, phải “nâng” nó lên thì truyền thông mới chú ý, và cuối cùng, logic của vấn đề là phải châm ngòi “tự do tôn giáo” lên hàng quốc gia, quốc tế.

Đấy là pháp thuật đưa tôn giáo đi vào chính trị. 

Xung đột “phật tử hai bên” là bề ngoài, xung đột “hai người” lan tới cả trăm người hệ quả từ cuộc hôn nhân không hôn thú là bề ngoài. Bởi bản chất của chiến dịch Bát Nhã-Làng Mai được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm qua lá bài Đức Nghi, nay đã được cả hai bên sử dụng trong ván bài lớn về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do lập giáo hội hoạt động ở Việt Nam.

Đối với nhà nước Việt Nam, việc họ cho phép giáo hội phát triển và khi cần ra tay “xóa sổ” là một trình tự trong chủ trương đối sách chính trị của họ. Tôn giáo không bao giờ tách rời khỏi chính trị. Vở tuồng giáo phái Làng Mai-Bát Nhã là câu trả lời rõ ràng của đảng CSVN cho thế giới biết rằng tự do tín ngưỡng, tự do lập giáo hội ở VN không như sự suy nghĩ “lề trái” của quí vị, mà quí vị phải đi theo “lề phải”, tức là phải tuân thủ luật và lệ bao hàm nhu cầu chính trị của nhà nước CSVN!

Mức độ của sự vụ Bát Nhã- Làng Mai ảnh hưởng ra ngoài biên cương Việt Nam không thể không nghĩ tới góc độ tứ giác của bốn bên chăm chú (Hà Nội - Làng Mai - Giáo Hội PGVNTN Thầy Quảng Độ và Hoa kỳ). Cho đến khi bài viết này lên khuôn, có vẻ như các bên đang chờ đợi nhận định tự do tôn giáo của Mỹ, hy vọng về một bản nhận định tự do tôn giáo ở VN không chỉ dừng ở bốn chữ “quan tâm sâu sắc”. (Phó Tổng lãnh sự Mỹ đến chùa Phước Huệ hôm Thứ Bẩy 10-10 -2009 gặp gỡ chư tăng và các tu sinh Làng Mai, để mắt thấy tai nghe các sự vụ xẩy ra từ ngày 8 tháng 8, 2008 cho đến ngày 27 tháng 9, 2009). (THANH TRÚC RFA 13-10-2009).

Có người “đổ thừa” về hai cuộc “đàn áp” các tu sinh Làng Mai là do lời tuyên bố của Thiền Sư Nhất Hạnh về việc mời Đức Dalai Lama về nước làm cho Trung công bực mình! Đây là vấn đề hoàn toàn khác, không  có chuyện “bực mình hay không bực mình” khi cố tình gán ép vai trò quốc tế của Đức Dalai Lama với “kịch bản” Làng Mai-Bát Nhã, trừ phi thầy Nhất Hạnh nhân danh là giáo chủ của một giáo hội mà giáo hội đó đã và đang hoạt động có tầm vóc ở Việt Nam.

(Cũng hoàn toàn khác ở chỗ bổn báo Lý Kiến Trúc phỏng vấn và ngỏ lời với Đức Dalai Lama về ban phước lành cho hơn 60 triệu phật tử Việt Nam và Ngài có chương trình thăm viếng VN không? hôm Thứ Sáu 25 tháng 9, 7, 2009 tại Long Beach Arena).

Người ta cũng dễ quên chú ý tới những điểm quan trọng trong văn bản 1329/TGCP-PG do Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh ký ngày 29-10-2008, và văn bản số 037/CV/HĐTS ngày 19.1.2009 của GHPGVN-VP II nêu rõ: “Làng Mai đã đề cập đến những vấn đề sai lệch chính trị của đất nước, và nội dung của các khóa tu khi tổ chức không xin phép GHPGVN”. Các điểm này còn đề cập tới việc vi phạm luật cư trú, luật tạm trú của các tăng sinh mà trước đây khi chưa có sự “trở mặt” của thầy Đức Nghi, họ được tu học thoải mái cho đến năm 2010 dưới sự bảo hộ của thầy Đức Nghi; tinh thần của văn bản số 525 TGCP-PG trước đây còn cho phép giáo thọ-tăng thân Làng Mai từ Pháp được mời về giảng dậy ở tu viện Bát Nhã mỗi năm sáu tháng.

Thế cho nên, bước đường hoằng pháp pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh nếu dừng lại ở chỗ “Thầy Nhất Hạnh về Việt Nam là chỉ để muốn gieo những hạt giống Bồ Đề trên một quê hương đầy hận thù, đầy sa đoạ, đầy hư hỏng”…(lời Hòa Thượng Nguyên Hạnh-Chùa Việt Nam Texas - RFA), thì công đức của Thầy Nhất Hạnh ví như trận mưa cam lồ tưới xuống quê hương quặt què khô hạn, và tăng đoàn Làng Mai không những sẽ được một Bát Nhã-Làng Mai mà cả Phương Bối Am đầy kỷ niệm.

Sau 40 năm lià xa quê cha đất tổ, giấc mơ Việt Nam của Thầy là “dâng sớ” 10 điểm về giải pháp canh tân nền chính trị VN như: “cải đổi danh xưng đảng CSVN, đổi mới quốc ca-quốc kỳ, hủy bỏ Ban Tôn giáo, giải tán công an tôn giáo, đưa các tổ chức giáo hội PG và các tổ chức tôn giáo bạn ra khỏi sự kềm chế của Mặt Trận Tổ Quốc, v.v…”

Thâm tâm đề nghị 10 điểm của Thầy là chỉ muốn thúc đẩy chính quyền tự cởi trói, tiến dần đến một xã hội dân chủ độc lập, liên lập, trung lập…; nhưng các nhà lãnh đạo CS giật mình về giải pháp thách đố này, mặc dù họ hết sức nhẫn nại ngồi nghe Thầy nói. Nhưng công an họ không thích nghe, công an nộ khí xung thiên, nhân cơ hội “xung đột nội bộ” họ bèn dậy ngược lại cho Làng Mai biết thế nào là nền chuyên chính chính trị của đảng CSVN. Cứ thế, hai bộ óc chính trị đánh nhau bằng chưởng lực từ xa, ở ngay trận tiền, các em lãnh đủ.

Hai trận “càn” ngày 29-6-2009 và chiều tối 27-9-2009 là kết quả đen tối và đau thương nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam dành cho các bên.

Câu hỏi: Nhận xét của Thiền Sư đối với các văn bản của nhà nước trước và sau như thế nào? Nhận định của Thiền sư về các sai lệch chính trị mà Ban tôn giáo đưa ra? Về chuyến đi Bảo Lộc của phó Tổng lãnh sự Mỹ có phát xuất từ lời thỉnh cầu nào không?

Câu hỏi số 8:

Lờ đi một thực thể tăng đoàn của giáo hội Làng Mai

Một chi tiết khá thú vị là trong các văn bản của Ban TGCP đề cập đến vụ Làng Mai-Bát Nhã, không có câu nào nói về sự hiện diện của “Giáo hội Làng Mai”. Họ đã lờ đi việc chấp nhận hay phủ nhận một nhánh giáo phái có nguồn gốc ở hải ngoại là Giáo hội Pháp môn Làng Mai (trụ sở chính tại Pháp) đã gần như chính thức hoạt động 4 năm qua ở Việt Nam.

Xét về một viễn ảnh khá phiêu lưu, nhà nước chấp thuận cho các tu sinh tu học ở Bát Nhã là bước đầu, rồi từ từ công nhận Giáo hội Làng Mai hợp pháp, kế hoạch này sẽ là nhân tố thuận lợi cho việc hòa giải các ách tắc giữa nhà nước đối với GHPGVNTN của thầy Quảng Độ. Đây cũng có thể nằm trong là sự tính toán của Thiền sư Nhất Hạnh khi Ngài tìm cách gặp gỡ các vị lãnh đạo trong hai giáo hội Phật giáo ở VN.

Xét về khía cạnh khác nữa, thì việc nếu nhà nước VN hợp thức hóa công nhận Giáo hội Làng Mai tại Việt Nam lại là một lực cản đối với nhu cầu chính trị mà “họ” đang thực hiện chiến sách cầm giữ, phong tỏa, xé GHPGVNTN do Ht Huyền Quang và Ht Quảng Độ lãnh đạo bấy lâu nay, vì hiện nay “họ” vẫn cần có một giáo hội “đối lập” với nhà nước trong “ôn hòa và chừng mực”.

Trong quá khứ, dựa theo những qui định chung của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký lệnh số 18/2004/L/CTN ngày 29-6-2004, nhà nước đang khó ăn khó nói với thế giới về tình trạng quản chế cô lập GHPGVNTN của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ suốt 20 năm ròng rã mà Ngài kiên trì đòi phục hoạt. Luật pháp của nhà nước Việt Nam nói rằng các giáo hội tôn giáo hoạt động ở VN phải đăng ký, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của HT Quảng Độ nhất định không đăng ký.

Với cách dẫn giải như trên, nếu cho rằng Giáo hội Làng Mai đã bị “lừa” vào cái thế nửa hợp pháp - nửa bất hợp pháp khi họ có cả một tăng đoàn gần 400 thành viên đang hành đạo công khai thì cũng hơi oan uổng. Nhưng ngóc ngách của vấn đề đôi khi không thể lường trước hậu quả.

Thiền Sư Nhất Hạnh đã lường trước rõ điều này, hoặc là trong thâm tâm của Thiền Sư, Ngài sẵn sàng hy sinh chiến dịch Bát Nhã để áp đặt nhà nước Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ rơi vào cái thế “cái cầy đặt trước con trâu”, buộc chính phủ phải hợp thức hóa sự phục hoạt cho GHPGVNTN. Nếu đúng như vậy thì quả thật đây là nước cờ tuyệt diệu trong bàn cờ tự do tôn giáo và tự do tổ chức giáo hội tại Việt Nam.

Đấy là pháp thuật đưa tôn giáo đi vào chính trị.

Đọc lại vài dòng trong bức tâm thư tiên tri của Thiền sư Nhất Hạnh viết từ Pháp quốc ngày 9 tháng 9, 2009 nhờ qua tay thầy Thích Đồng Trung từ Pháp mang về Bát Nhã, để trả lời thư của Thượng tọa Đức Nghi viết gởi cho Thiền sư Nhất Hạnh hôm 1 tháng 9, 2009 như sau:

“Tôi có đọc thư Thầy viết gởi đề ngày 1.9.08 (kiến nghị),… và bây giờ Thầy muốn bỏ cuộc”. “Điều này chắc Thầy cũng đã thấy rõ, bởi vì nếu có sự giải tán và tan rã xẩy ra thì sẽ có tai tiếng lớn cho đất nước và cho Phật giáo Việt Nam…”

Câu hỏi: Qua sự kiện Bát Nhã, vấn đề tổ chức một giáo phái tại VN khó khăn và thuận lợi như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Ngài có sự chuần bị nào cho sự sụp đổ của Làng Mai-Bát Nhã qua lá thư báo động của thầy Đức Nghi gởi ngày 1-9-2008?

 

Câu hỏi số 9:

Thái độ trong ngoài

Xin Thầy có thể cho biết trong ba lần về VN, lý do nào Thầy không gặp được HT Quảng Độ mặc dù Thầy đã cử phái viên Chân Không đến thỉnh ý, nhưng ngược lại Thầy đã được HT Trí Quang, tiếp chuyện tại chùa Già Lam.

Thái độ của GHPGVN (nhà nước) ban đầu hoan nghênh sự trở về nước của tăng đoàn Làng Mai và cá nhân Thiền sư, nay tại sao lại có thái độ phủ nhận sự hiện hữu của tổ chức giáo hội Làng Mai tại Việt Nam?

Làng Mai đánh giá về cuộc gặp gỡ của ông phó Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ với tăng ni và chính quyền Bảo Lộc Lâm Đồng tại chùa Phước Huệ ra sao khi phản ứng của tòa đại sứ mang tính tích cực và tiêu cực.

Đó là thái độ trong nước, còn đối với hải ngoại, ngoài tính chất nhậy bén thông tin trên các cơ quan truyền thông, hiện nay vẫn chưa có sự hậu thuẫn lớn lao nào từ hàng trăm các tổ chức cộng đồng Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới xưa nay vẫn hô hào về “tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

Câu hỏi: Thiền sư có thể cho biết nội dung cuộc gặp gỡ với Ht Trí Quang, cũng như giải thích về sự từ chối của HT Quảng Độ? Thiền sư đánh giá sự kiện Bát Nhã-Làng Mai sẽ tạo được hậu thuẫn thuận - nghịch ở góc độ nào đối với Phật giáo và quần chúng?

Câu hỏi số 10:

Bi-Trí-Dũng

Tình cảnh của các tu sinh non trẻ bi thương đến nỗi, ông Nguyễn Lang đã viết một bức thư sâu nặng kêu gọi lòng “nhân” của nguyên thủ nước CHXHCNVN là Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, một thời đi theo cách mạng, từng được bảo bọc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, và một bức thư kêu gọi “lương tâm” giới trí thức trong ngoài.

 Hai bức thư này được đánh giá như một cách gián tiếp bộc lộ niềm chua chát, dù đã linh cảm sự tan rã trước đó một năm, nhưng tệ hại nhất là qua trận Bát Nhã-Làng Mai này, huyền thoại về một thiền sư quốc tế đã nứt nẻ và ngược lại những ngôn từ hoa mỹ về hoà giải dân tộc cũng đã làm mọi người hoảng kinh.

Nghĩ cho cùng, hoàn cảnh đối với một đất nước bị nạn ngoại xâm, dưới mưa bom, những nhà cách mạng phải dùng mưu trí để sống còn từng giờ từng phút, chính trị đối với họ là bát cơm bát máu, các bộ óc chính trị thời nay họ đã chính trị hóa tất cả mọi con người, mọi sự kiện, mọi lãnh vực, kể cả tôn giáo, cho nên đối với Thiền sư Nhất Hạnh dù là một bậc thiền sư cao trọng họ cũng phải nhìn và lượng giá qua lăng kính chính trị. Bước vào dòng thác của nền chính trị chuyên chính, khổ thay, Thiền sư Nhất Hạnh đã quá nóng vội khi ngài bước thêm một bước nữa mà Ngài từng thổ lộ trong luận thuyết văn hóa-chính trị “Giấc mơ Việt Nam”, Ngài đã ngã ngựa trong dòng sông chính trị.

“Người của Làng Mai nói chính Thiền sư Nhất Hạnh đã đề ra một loạt đề nghị với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong đó có việc giải thể Ban Tôn giáo chính phủ và bộ phận công an đặc trách tôn giáo.” (BBC 4-7-09).

“Ngày nay, nếu nhà nước cho rằng việc tu theo Pháp môn Làng Mai, ý thức chính trị của Sư ông Nhất Hạnh có hại cho chế độ hiện hành thì người chịu trách nhiệm trước tiên với Nhà nước không ai khác là TT Đức Nghi - Viện chủ TV Bát Nhã…”;

“Chuyện phát biểu của Sư ông Nhất Hạnh không thuận với Nhà nước VN là chuyện của Sư ông và Nhà nước…” (NĐX).9

Văn bản do Trưởng ban Tôn giáo Nguyễn Thế Doanh ký ngày 29/10/2008 đề cập đến số người đang tu theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, theo đó, “Những người thực hiện đúng quy định tạm trú, tạm thời cho ở trong một thời gian để thu xếp chuyển đi; những người chưa thực hiện đăng ký tạm trú thì với những ai thuần túy tu học, không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, cho phép kê khai đăng ký tạm trú và được ở lại trong một thời gian (như những người đăng ký tạm trú) để thu xếp chuyển đi; số gây mất trật tự, mất đoàn kết buộc trở về nơi cư trú cũ" (BBC).

Thực tế cho thấy mâu thuẫn nội bộ phát sinh từ ngay trong tỉnh hội Lâm Đồng và Ban trị sự GHPG. Trong “Bản tường trình và báo cáo khẩn cấp vụ việc hành hung phái đoàn Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng xảy ra ngày 29/06/2009, tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng (số: 68 /BC/BTS), viết rằng: Việc bạo hành đã và đang xảy ra tại Tu viện Bát Nhã từ trước đến nay, TT. Thích Đức Nghi, Thích Đồng Hạnh và đồng bọn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp nhà nước và giáo luật của Giáo hội”… “tội phạm mang tên Thích Đức Nghi? Hay Thích Đức Nghi là  người của …?” (Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh)

Báo Tuổi Trẻ Online loan tin hôm 14-10-2009 cho biết: “Chưa công nhận tổ chức của pháp môn Làng Mai - Pháp môn Làng Mai là tên gọi pháp môn tu hành của Phật giáo theo hướng “tiếp hiện” (dấn thân), do nhà sư Thích Nhất Hạnh khai sáng ở Pháp. Pháp môn này thu hút khá đông người trên thế giới tham gia. Cho đến lúc này, GHPGVN “chưa công nhận tổ chức của pháp môn Làng Mai (nuớc Pháp) tại Việt Nam, mà chỉ thừa nhận khóa tu theo pháp môn Làng Mai do các trụ trì, tăng ni phát tâm tu tập” (Văn thư số 037/CV/HĐTS ngày 19-1-2009 của Hội đồng trị sự GHPGVN).

Phản pháo mới nhất về lời tuyên bố của sư bà Chân Không trên đài RFA ngày 10-10-2009 bạch hóa phần nào bí ẩn bên trong vụ Bát Nhã-Làng Mai và tình trạng hiện nay của tăng ni Làng Mai như sau:

“Năm 2006, Ủy ban tôn giáo nhà nước có cho phép mấy trăm tăng thân tu ở pháp môn Làng Mai ở tại Bát Nhã.

Cả Giáo hội phật giáo trung ương và Giáo hội Lâm Đồng cũng cho phép, rồi công an các nơi đều cho phép hết.

Tất cả các phép tu dài hay phép tu ngắn đều có phép và người bảo trợ là thầy Đức Nghi. Nhưng đến năm 2008 thầy Đức Nghi không bảo trợ nữa.

Hiện bây giờ tăng thân Làng Mai đang ở dưới quyền của thầy Thái Thuận và thầy Thái Thuận bảo trợ.

Vậy trên nguyên tắc là tăng thân Làng Mai đúng phép.

Tôi muốn nói tình trạng hiện tại là ngày 8 tháng 10 năm 2009 thì tăng thân Làng Mai đang rất đúng phép vì vẫn còn thư cho phép của Ủy ban tôn giáo nhà nước năm 2006 cho tới 2010, và có cả giấy phép của trung ương, của tỉnh Lâm Đồng nhưng người bảo trợ là thầy Đức Nghi.

Bây giờ thầy Đức Nghi muốn lấy lại chùa để làm chuyện khác thành ra cũng phải chịu.

Bà Nguyễn Phương Nga nói rằng không có chuyện đuổi 400 tăng ni là “lấy thúng úp voi”. (Thanh Trúc, phóng viên đài RFA 2009-10-10).

HT Thích Thiện Nhơn: “trước đây HT.Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN (nhiệm kỳ V) đã ký công văn cho phép tổ chức khóa tu tại tu viện Bát Nhã theo thời hạn của từng khóa là 3 tháng: Xuân, Hạ, Thu, Đông chứ không phải cho phép đến năm 2010, và phải xin phép lại khi hết hạn khóa tu”. (BÁO GIÁC NGỘ 7-9-2009)

Bên kia bờ đại dương, cơn sốt của đồng bào Phật tử Việt-Mỹ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 10, 2009 tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, Quận Cam nam Calif., Trả lời phỏng vấn của báo chí Quận Cam hôm 11-10-2009, (NV-Nguyên Huy 13-10-2009),  ông Võ Văn Ái, phát ngôn nhân của GHPGVNTN nói: (nguyên văn thâu từ băng nhựa) “Đối với sự việc Bát Nhã, chúng tôi có thể tóm tắt một lời để kết luận, đây là một sự kiện có thể nói rằng nội bộ giữa sư ông Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai bên Pháp với một đệ tử của sư ông là Thượng tọa Thích Đức Nghi, là người đã điều hành tu viện Bát Nhã đã dâng hiến tu viện Bát Nhã đó cho sư ông Thích Nhất Hạnh; điểm thứ hai nữa là chúng tôi cũng có ý chờ đợi rất là nhiều là vì sao 400 tăng ni đệ tử của sư ông Nhất Hạnh lâm nguy như vậy mà người có thể nói là bổn sư của 400 tăng ni đó không chịu lên tiếng…” (*)

Sau trận “càn đen tối” ngày Chủ Nhật 27-9-09, văn bản chính thức của GHPGVN đăng trên báo Giác Ngộ, cơ quan ngôn luận của GHPGVN, khẳng định “việc phân tán các tăng ni cần được lưu lại một thời gian nhất định đến tháng 12/2009; nhưng “nhất trí là không công nhận sự tụ tập bất hợp pháp và cá nhân không hợp pháp”. (BBC-18-10-09).

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS/GHPGVN tuyên bố: “cần chấm dứt sự tập hợp các đoàn từ xa đến đây để tụ tập mà không có sự chấp thuận của vị viện chủ tu viện Bát Nhã hoặc không do viện chủ tổ chức” (BÁO GIÁC NGỘ, Giang Phong 7-9-2009).

Đến nước này thì ai cũng giữ cái “sĩ diện” của mình. Sư bà Chân Không cũng có cái “thế” và “kẹt” của sư bà; Thượng tọa Đức Nghi cũng có cái “thế” và “kẹt” của thầy; Ban Tôn Giáo chính phủ và GHPGVN cũng có cái “thế” và cái “kẹt” của họ. Thôi thì cứ xem đây là bài học về một án lệ chưa thành án trong một xã hội đang vươn mình về một xã hội dân sự tương lai.

Diễn biến của thực tế xem chừng đã vuột khỏi tầm tay của ông Nguyễn Thế Doanh, trưởng Ban tôn giáo Chính phủ là cơ quan chủ quản vụ Bát Nhã-Làng Mai, và tình hình rõ ràng không biết các bên có “thoả thuận” cho vụ này dừng ở mức độ “nội bộ” không; nhưng tiếng chuông Bát Nhã đã dội vào tâm trí mọi người nỗi niềm ai oán.

Bi phẫn đến nỗi trên trang bauxite Việt Nam phải kêu lên “Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Bi phẫn đến nỗi Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu phải kêu lên “Đây là một hành động không xứng đáng trong một nước được gọi là độc-lập, tự-do, hạnh-phúc… Tôi vẫn mong mỏi nhà cầm quyền Việt-Nam cùng Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam cố gắng tìm ra một giải-pháp dung-hòa…”.

Bi phẫn đến nỗi “Tất cả các tăng ni tu tập tại Bát Nhã theo pháp môn của Thiền Sư Nhất Hạnh đều là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vì vậy, họ được hưởng các quyền tự do căn bản mà Hiến Pháp của nước này qui định, trong đó có quyền tự do đi lại và cư trú, và đặc biệt quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.” (Bản tuyên bố của Hòa Thượng Thích Minh Tâm-chùa Khánh Anh Paris);

Bi hài đến nỗi blogger anh Ba Sàm bình luận: “Đề nghị cực kỳ cẩn trọng trong vụ này, chớ để vì cái ông Đức Nghi nào đó mà làm hỏng đại sự” (RFA)

Bi thảm đến nỗi “Chúng con chỉ tu thôi mà. Tại sao lại phá chùa đuổi chúng con đi? Tại sao lại bắt bớ đánh đập các thầy, các sư chú, các sư cô? Đừng bắt anh chị em chúng con phải xa nhau! Chúng con chỉ muốn được tu thôi mà!” (RFA).

Nghe các em tu sinh trẻ tuổi thốt ra những lời ai oán từ đáy lòng trong trắng, nỗi khổ đau của các em có dội đến cửu trùng? Cầu nguyện năng lượng từ bi vô lượng của Đức Phật soi đường, nhờ vào tâm bác ái của các “bề trên” vẽ lối, may ra các tu sinh sẽ được sắp xếp an toàn tu học ở một tu viện nào đó; hoặc giả như Giáo hội Làng Mai bảo lãnh cho các tu sinh Bát Nhã “thuần chủng” được qua Pháp cư trú để tiếp tục tu học Pháp môn Làng Mai thì đẹp biết bao nhiêu. Thương cho Thầy Đức Nghi vì nghiệp dĩ mà làm viện chủ tu viện Bát Nhã, nay qua trận này xin giáo hội điều đi làm viện chủ một tu viện khác để thầy không mang tiếng.

Một tia sáng khác hy vọng, sự vụ Bát Nhã-Làng Mai được các nhà trí thức, văn nghệ sĩ trong nước đang đề nghị lập một uỷ ban độc lập cấp quốc gia giải quyết cái thế “kẹt”, thế “bí” cho các bên, uỷ ban này chắc không thể dừng lại cho các bên ở mức độ “sám hối” mà phải đưa ra các biện pháp cụ thể.

Các quí vị nhân sĩ trí thức có thể tổ chức một cuộc họp báo mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh công bố quan điểm của thầy, kể cả Thượng tọa Thích Đức Nghi cũng có thể tham dự chung cuộc họp báo công khai.

Trong cuộc họp báo này, với  tấm lòng cao cả của một vị thiền sư, Thiền sư Nhất Hạnh có thể “hiến dâng” tất cả những công trình tạo tác của Làng Mai cho Phật Tổ Việt Nam, một tấm bia đá lớn sẽ khắc hàng chữ “Làng Mai Hiến Dâng Tam Bảo Việt” đặt ở  ngoài cổng tu viện; cũng như việc Thiền sư đã từng cúng dường cả triệu mỹ kim để làm bộ phim lịch sử Đức Phật.

Từ nội dung của cuộc họp báo công khai, GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thiền sư Nhất Hạnh, Thượng tọa Đức Nghi… sẽ đề ra những quyết nghị cuối cùng để kết thúc “vụ án” Bát Nhã-Làng Mai.

Chúng tôi luôn luôn cầu mong và hy vọng, vụ Bát Nhã-Làng Mai đau thương từ đây sẽ trôi vào huyền thoại trong dòng sông cộng nghiệp, chớ để cho người phó thường dân phải kêu lên: -“Làm thầy tu lúc này nhục quá bác ơi!”… “Em là dân Thái Bình - cậu xe ôm đáp - nhưng theo Đạo Phật, nhà em thì theo Thiên chúa giáo. Mấy tháng nay, em thấy Đạo Phật của chùa Bát Nhã chửi bới Đạo Phật Làng Mai chợ búa quá, em chán bỏ Đạo Phật luôn”. (NĐX)

Kết luận

Qua những dữ kiện và nhận xét mà chúng tôi vừa trình bày, mong rằng bài viết này đến tay Thiền sư Thích Nhất Hạnh-bộ tham mưu Làng Mai và các giới chức Việt Nam trách nhiệm trực tiếp đến vụ Bát Nhã-Làng Mai, cũng như quí độc giả quan tâm có thể tìm ra câu trả lời và hướng đến một giải pháp ôn hòa - bình đẳng có tình, có lý, kết thúc biến cố Bát Nhã-Làng Mai.

Cuối cùng của bài viết, xin thỉnh ý Thiền sư về các nhận xét nêu trên?

*

Đây cũng là ý nguyện của tác giả, mong lắm thay; thiết nghĩ: “Lấy Trí mà mở cánh cửa Việt Nam thì chỉ mở được một nửa; Lấy Đức mà mở cánh cửa Việt Nam thì sẽ mở được hết thẩy u minh./

 

Viết từ Quận Cam, miền nam California ngày 11 tháng 10, 2009

Lý Kiến Trúc / Văn Hóa Magazine

Email: vanhoaonline@yahoo.com

www.vanhoamagazine.com

 


* Trích lời ông Võ Văn Ái nguyên văn thâu từ băng nhựa: “Đối với sự việc Bát Nhã, chúng tôi có thể tóm tắt một lời để kết luận, đây là một sự kiện có thể nói rằng nội bộ giữa sư ông Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai bên Pháp với một đệ tử của sư ông là Thượng tọa Thích Đức Nghi, là người đã điều hành tu viện Bát Nhã đã dâng hiến tu viện Bát Nhã đó cho sư ông Thích Nhất Hạnh; điểm thứ hai nữa là chúng tôi cũng có ý chờ đợi rất là nhiều là vì sao 400 tăng ni đệ tử của sư ông Nhất Hạnh lâm nguy như vậy mà người có thể nói là bổn sư của 400 tăng ni đó không chiụ lên tiếng, gần đây mới thấy sư ông có viết một bức thư cho Chủ tịch nước, một bức thư cho nhân sĩ trong nước mà lại ký tên là Nguyễn Lang chứ không ký tên là Thiền sư hay sư ông Thích Nhất Hạnh. Có thể nói trước nhứt nó là vấn đề thuần tuý nội bộ của sư ông với đệ tử của sư ông Thích Nhất Hạnh. Còn cái sự kiện của sư ông Thích Nhất Hạnh với Việt Nam như thế nào thì quí vị cũng biết ba cái chuyến về thăm VN với hàng trăm tăng thân Làng Mai, quan điểm của chúng tôi đã giải thích trong đại hội kỳ 4 của GHPGVNTN”./

 


Những bài liên quan về vụ Bát Nhã có đăng trong sachhiem.net:

- Những bạo hành ở Tu viện Bát Nhã - xin giải thích giùm tôi (Nguyễn Đắc Xuân)

- Liêm Sĩ và Dũng Khí (Minh Mẫn)

- Vài Ý Kiến Xung Quanh Vụ Tu Viện Bát Nhã -1 (Trần Chung Ngọc)

- Sinh Hoạt Tâm Linh Tại Tu Viện Lộc Uyển (Đất Lành)

- Ai là người phải xin lỗi trong sự kiện Bát Nhã? (Chung Anh)

- Về vụ lộn xộn ở Bát Nhã (CPT)

- Thử tìm câu trả lời và giải pháp cho Làng Mai-Bát Nhã (Lý Kiến Trúc)

 

Phản ứng của một số người đối với vụ bạo hành ở Bát Nhã:

Thư Thỉnh Nguyện kính gửi nhà nước CHXHCN Việt Nam

 

Trang Tôn Giáo