MỘT VỊ SƯ PHẬT GIÁO CẢM THẤY

GẦN GŨI CHÚA GIÊ-SU HƠN LÀ ĐỨC PHẬT

PL Đánh Máy Và Giới Thiệu

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN93.php

15 tháng 3, 2010

Đôi Lời Giới Thiệu:

Đây là bài “Nghĩ Lại Xem”, một trong số 46 bài ngắn của Tỳ kheo Abhinyana trong cuốn “Về Với Thực Tại”, từ trang 116 đến trang 119. Cuốn “Về Với Thực Tại” được dịch từ cuốn “Down To Earth”, xuất bản ở Úc năm 1990. Chúng ta hãy đọc những ý tưởng mới lạ của Abhinyana trong bài này.

۞ ۞ ۞

Abhinyana là một vị Tỳ kheo người Anh quốc, sinh ra trong một gia đình Công Giáo nhưng rồi trở thành một Tỳ Kheo Phật Giáo, thuộc truyền thống Nam Tông Phật Giáo. Ngài đã đi hoằng pháp hơn 35 năm qua ở hơn 40 quốc gia, trong đó có các trại tỵ nạn Việt Nam vùng Đông Nam Á. Hiện Tỳ Kheo đang sống tại Úc.

Trong một bài khá dài viết về “Căn Duyên Dẫn Tôi Đến Với Phật Giáo”, một đề tài mà trong thâm tâm Ngài không muốn viết vì thuộc những kinh nghiệm cá nhân, đăng trên Trang Nhà Quảng Đức, Tỳ Kheo Abhinyana đã viết đoạn sau đây trong Phần Đầu của bài:

“Coi như tôi là người Âu châu, sinh trưởng trong một gia đình theo Công Giáo, được dạy dỗ trở nên tín đồ. Tôi được cho đi học đạo trong Trường Chủ Nhật (Sunday school) [Đây là những lớp học sáng ngày Chủ Nhật trong các nhà thờ mà mục đích chính là nhồi sọ những trẻ em vào những tín lý của Ki-tô Giáo. TCN], mặc dù tôi không bao giờ muốn đi vì hình như bản chất của tôi chống lại từ lúc ban đầu. Nhưng tôi tin tưởng, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và coi mình như một người Công giáo, nếu không muốn nói là một tín đồ của Đức Thiên Chúa; ở lứa tuổi lúc bấy giờ tôi chẳng có sự chọn lựa nào khác. Phải thưa thật là kiến thức và sự hiểu biết của tôi về giáo lý của đức Chúa Jésus rất kém, và tôi đã không áp dụng giáo lý đó trong cuộc đời của tôi; có lẽ, lúc bấy giờ, tôi đã không hiểu rằng tôn giáo có nghĩa là hành đạo, vì nếu không thì chỉ là việc làm bình thường (chung chung).

Tuổi ấu thơ của tôi qua đi, ở lứa tuổi thanh niên tôi vẫn còn tin nơi đức Chúa. Niềm tin vẫn tiếp tục đến khi tôi lìa mái trường, như những người trẻ khác khi họ khám phá ra một thế giới rộng mở bên ngoài học đường, tôi bắt gặp nhiều điều thích thú, và tôn giáo của tôi “sụp đổ”; không phải tôi cố tình rời bỏ nó hay tôi muốn đổi sang một đức tin khác, nhưng nó hết làm tôi tha thiết nữa...”

Tại sao đức tin của một tín đồ Công Giáo Tây phương trong nhiều năm lại “sụp đổ”? Trong cuốn sách tiếng Việt: “Về Với Thực Tại [Down To Earth]: Cẩm Nang Cho Người Hoài Nghi”, một tác phẩm gồm nhiều bài viết ngắn rất có giá trị, có bài “Không Thể Tin Được”. Đọc bài “Không Thể Tin Được”, từ trang 177 đến trang 184. chúng ta có thể nhận thấy tác giả đã nắm vững lịch sử Ki-tô-Giáo cũng như nội dung Kinh Thánh của Ki-tô-giáo, do đó đã tự thức tỉnh để can đảm bước ra khỏi những điều “không thể tin được” đã mê hoặc tác giả trong nhiều năm. Trong bài “Nghĩ Lại Xem” sau đây, tác giả tuyên bố là cảm thấy gần Chúa Giê-su hơn là Đức Phật. Chúng ta hãy đọc ý tưởng của Tỳ Kheo Abhinyana về vấn đề này.

*

Một vài ý tưởng của tôi có thể khác thường, và dị biệt, cũng biết vậy, và chẳng cần đính chánh, bởi viết cuốn sách mà không có gì khác lạ so với những cuốn sách khác thì viết làm chi? Thực ra, nhìn một sự việc bằng cách khác đi đôi lúc có thể phô bầy cho ta thấy sự việc ấy dưới chiều hướng hoàn toàn mới lạ.

Này nhé, ngày nay – ít ra ở các nước Tây phương – chúng ta đang được hưởng một nền tự do quý báu để truy cứu tìm hiểu bất cứ sự việc gì; thời buổi này không có cái gì được xem là bất khả xâm phạm và vượt ra ngoài tầm của sự xét duyệt ngay thẳng đứng đắn được nữa, không giống như thời Trung Cổ ở Châu Âu. Thời đó, người nào có ý tưởng dị biệt – dù chỉ khác sơ sơ thôi -- so với những gì Giáo hội La-mã truyền giảng, thường được “gán” cho biệt danh là “Phù thủy” hoặc “ngoại đạo”, “lạc đạo”, kết quả là bị tra tấn dã man và thiêu sống cho chết. Do đó, ngày nay chúng ta đã đạt được vài tiến bộ nên cần phải khôn ngoan tranh thủ lợi điểm của cái tự do giành được để xem xét kỹ lưỡng sự việc ngõ hầu có thể chặt đứt được mối liên quan của vô minh và mê tín dị đoan đang thắt chặt lấy con người.

Vâng, đúng thế, một vài ý tưởng của tôi có vẻ “hơi lạ”, nhưng tôi không bảo ai phải tin những gì tôi nói; ngược lại, tôi mong người ta không nên tin ngay, nhưng để tâm hồn rộng mở và suy nghĩ kỹ càng những điều tôi nói. Nào bạn sẵn sàng để nghe tiếp một ý tưởng “khác lạ” nữa chưa?

Đôi lúc người ta lấy làm ngạc nhiên khi nghe tôi nói rằng tôi cảm thấy gần Chúa Giê-su hơn Đức Phật, và hầu như tôi có thể đọc được tâm tư của họ: “Nhưng ông là một vị sư Phật Giáo; làm sao ông có thể tuyên bố như thế?” Này nhé, bạn có bao giờ thấy trong Kinh điển Phật Giáo có phần nào ghi rằng Đức Phật nổi trận lôi đình, sợ hãi hoặc buồn rầu, và với trạng thái phát triển tâm linh còn thiếu sót của tôi, phải thành thật công nhận là tôi không thể hiểu nổi trạng thái ấy của Đức Phật, mặc dù tôi rất mong muốn đạt đến điều đó. Bây giờ, theo Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, Chúa Giê-su đôi lúc đã nổi cơn thịnh nộ, sợ hãi và buồn phiền. Những cảm thọ này có thể thông cảm được, bởi tôi cũng đã như thế, bạn có những cảm thọ như vậy chăng? Các nhà biện giải Ki-Tô sẽ đính chính – họ luôn luôn tìm cách giải thích cho sự việc, ngay cả khi những lời giải thích này chẳng phải lúc nào cũng ăn nhập vào hoàn cảnh, và đôi còn làm cho vấn đề trở nên tối tăm hơn thế nữa -- rằng Chúa Giê-su đã cố tình biểu lộ sự giận dữ, buồn rầu và sợ hãi để những kẻ “phàm phu tục tử”, như bạn và tôi, có thể thấy Người cố hạ mình xuống thật thấp như thế nào để chúng ta hiểu và chấp nhận Người là “đấng cứu rỗi” cho chúng ta, nói khác đi là, Chúa Giê-su chỉ giả bộ giận dữ, buồn rầu hoặc sợ hãi, nhưng thật sự thì không phải vậy.

Giống như tôi, Chúa Giê-su cũng chưa vươt qua các cảm xúc này, và do đó – mặc dù chắc chắn là Người đã đi xa hơn tôi trên đường Đạo – tôi vẫn còn có thể thấy Người và có thể hiểu rất rõ về Người, trong khi đó tâm tư của Đức Phật đối với tôi ngay lúc này đây, tôi không hiểu thấu. Vì thế tôi cảm thấy gần Chúa Giê-su hơn Đức Phật. Đức Phật đã vượt qua bể khổ và đã đến bờ giác rồi, trong khi Chúa Giê-su vẫn còn đang cố gắng vượt qua; Người, có lẽ đang ở một chỗ nào đó giữa Đức Phật và tôi [Nếu con đường Giê-su đi là theo vết chân Phật. Nhưng thật ra thì, Phật đi Đông thì Giê-su đi Tây; Phật lên Bắc thì Giê-su xuống Nam. PL]

Tuy nhiên giáo lý của hai vị giáo chủ này là vấn đề khác – một điều gì đó không liên quan đến cá tính. Như tinh thần của các giáo lý đang được lưu truyền ngày nay, thật khó mà so sánh, vì trải qua hàng bao thế kỷ, kinh sách đã được tái ấn bản và đổi thay và chúng ta không thể cho rằng các điều được giảng giải ấy truyền cho đến đời chúng ta giống y những gì các vị Giáo chủ truyền giảng xưa kia.

Các giáo lý ghi chép lại lời Đức Phật còn tương đối khá mạch lạc, mặc dù người ta cũng đã thêm thắt vào; nhưng những lời rao giảng của Chúa Giê-su thường mang màu sắc bí mật, mơ hồ, mâu thuẫn, thiếu từ bi, và thông thường không thể tưởng nổi, mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng điều này xẩy ra phần lớn do các người nắm quyền hành trong tay kiểm soát và soạn phần Tân Ước của Kinh Thánh. Họ đã biên soạn thêm bớt, thay vì các điều ghi lại là những lời của Chúa Giê-su đã thực sự phán ra từ miệng Người. Nhiều điều bịa đặt đã được ấn vào miệng Chúa Giê-su bởi những kẻ hậu sanh với tâm địa vụ lợi.. Có lẽ rồi ra, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết là Chúa Giê-su đã thực sự nói những gì, vì những gì được ghi chép lại đã bị bóp méo quá nhiều.

Cuốn Tân Ước có lẽ là cuốn sách bị sửa đổi nhiều nhất trên thế giới. Và suốt trong 18 năm dài của Chúa Giê-su từ lúc Ngài 12 tuổi đến 30 tuổi – hầu như bị cố ý tẩy xóa – không thấy được nhắc nhở chi cả trong cuộc đời Chúa Giê-su, và tôi thường tự hỏi tại sao các tín đồ Ki Tô Giáo không tìm hiểu hoặc bịa đặt ra các điều gì đó để khỏa lấp cái giai đoạn bí mật này. Trong thời gian này, có thật chăng đã không nói gì cả cho những môn đệ thân tín của Người? Có lẽ cũng giống như trường hợp Watergate, một vụ án mà Nixon và các người thân tín của ông ta đã xóa tẩy và hủy hoại các bằng chứng về tội ác của việc bỏ bom bí mật và lạm quyền tại Cam Bốt --- một số người đã nhóm họp và quyết định loại bỏ cái mà họ cho là không thích hợp với quần chúng. Điều này được xem như “biên soạn” hay “kiểm duyệt”.

Khoảng trống trong cuộc đời của Giê-su đã trưng cho ta một viễn ảnh tranh tối tranh sáng về việc Người đã làm trong 18 năm ấy. Một dư luận gần đây cho rằng Giê-su đã đi qua Ấn Độ để học hỏi kiến thức cổ xưa tại đấy, và vì lý do ấy giáo lý của Người mang hương vị Ấn Độ. Nhưng thực ra Người cũng không cần phải đi chi cho xa để học các tư tưởng Ấn Độ, vì tuyến đường lữ hành đi từ Á Châu đến Ai Cập phải ngang qua Jerusalem, và 250 năm trước khi Chúa Giê-su ra đời, Vua A-Dục đã gởi các nhà truyền giáo Đạo Phật đến nhiều nơi vượt xa lãnh thổ của ông, kể cả Damacus ở Syria và Alexandria ở Ai Cập. Muốn đến các nơi ấy, các nhà truyền giáo bắt buộc phải băng qua Palestine. Do đó Phật Pháp đã được biết ở các vùng này thật lâu trước khi Giê-su còn sống. Và có lời đồn rằng giáo phái Essenes qua các tài liệu để lại của họ có tựa đề “Cuộn giấy vùng Biển Chết”, đã được tìm thấy trong một hang động gần vùng Biển Chết năm 1947, đã hiện hữu và bắt nguồn từ các nhà truyền giáo của Vua A-Dục; những người thuộc giáo phái Essenes là những ẩn sĩ sinh sống trong sa mạc, ăn chay và trong vài trường hợp – sống đời sống độc thân, một cuộc đời hoàn toàn xa lạ và không bao giờ được nói đến trong chính thống giáo của người Do Thái. Giê-su được kể là một thành viên của những người thuộc giáo phái Essenes này.

Này nhé, lý do mà tôi nói chuyện này ra đây là để trưng cho bạn thấy có nhiều cách thức để nhìn và sự việc chứ không phải chỉ có một lối được đại đa số chấp nhận – những lối nhìn này có giá trị không kém, và có thể lại còn có giá trị và hợp lý hơn cách thức của họ. Tôi đã từng là tín đồ Cơ Đố Giáo một thời, nhưng không bao giờ còn nhận danh xưng ấy nữa, và sẽ mãi mãi không bao giờ -- ít nhất là không trong kiếp người này, và tôi cũng chẳng dự định sẽ là một tín đồ tôn giáo ấy trong kiếp sống về sau. Theo thiển ý, Thiên Chúa Giáo là một sự đại lừa bịp chưa từng có, đã được áp đặt lên cho nhân loại. Nhưng điều này không ngăn cản lòng khâm phục của tôi đối với cá nhân Chúa Giê-su, phải không ạ? Chính Người cũng không có khả năng kiểm soát được những gì mà các đệ tử đã làm đối với những giáo lý của mình, sau khi Người qua đời. Tôi đã nói ở trên là tôi đã hiểu và rất kính trọng Người. Người cũng là một người như bạn và tôi, đương nhiên là một người phát triển và hiểu biết hơn chúng ta rất nhiều. [Điều này cần phải xét lại nếu chúng đọc kỹ Tân ước. PL] Nhưng tiếc thay, những kẻ theo chân Người đã chẳng bao giờ hiểu được như thế, nhưng họ lại coi Người như một nhân vật mãi mãi xa cách và khác biệt với họ; chẳng có một ai có thể theo gót được một “thánh nhân”, nhưng tất cả chúng ta có thể theo vết chân của một con người, phải vậy không? Cũng giống như Đức Phật đã nói: “Một nơi mà một người có thể đến được, thì tất cả chúng ta đều có thể đến đó được.

Ý tưởng này có quá sai biệt đến độ không thể xẩy ra được, nếu không nói đó là một điều khả chấp?