PHẬT GIÁO - KI TÔ GIÁO ĐỐI CHIẾU

QUA NHỮNG NHẬN ĐỊNH ĐIỂN HÌNH CỦA MỘT SỐ
DANH NHÂN TRÍ THỨC THẾ GIỚI

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN56.php

ngày 25 tháng 10, 2008

 0  1  2

Lời Nói Đầu

Đây là bản “đối chiếu” giữa thực chất của Phật Giáo và Ki Tô Giáo chứ không phải để “so sánh” vì về căn bản tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta không có cách nào có thể so sánh Phật Giáo với Ki Tô Giáo được. Lý do rất đơn giản, vì Phật Giáo là tôn giáo của trí tuệ , mà trí tuệ thì không thể tách rời “Lý Trí” [Reason]. Đại Học Vạn Hạnh trước đây có “motto”: ‘Duy Tuệ Thị Nghiệp’. Còn Ki Tô Giáo thì ai cũng biết đó là tôn giáo của “Đức Tin” [Faith]. Vậy thì trước hết chúng ta cần phải biết định nghĩa của Đức Tin và của Lý Trí.

Theo H. L. Mencken thì Đức tin có thể định nghĩa ngắn gọn như là một niềm tin phi lý vào những gì không chắc chắn xảy ra (Faith may be defined briefly as an illogical belief in the occurrence of the improbable.) Còn theo Tự Điển thì “Đức Tin là sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực” [Faith is the firm belief in something for which there is no proof]

Trong tự điển có 2 định nghĩa của Lý Trí: “khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý hoặc phân biệt” (The capacity of rational thought, inderence, or discrimination), và “suy xét đúng, phán đoán hợp lý” (Good judgment, sound sense).

Vì vậy, trong cuốn “The Final Superstition”, Joseph L. Dalaiden, một học giả Công Giáo, đã để nguyên một chương để thảo luận về “Lý Trí đối với Đức Tin” và đưa ra kết luận: “Lý Trí đối với Đức Tin: con đường đi tới hiểu biết, con đường đi tới mê tín” [Reason versus Faith: A Path to Knowledge, a Path to Superstition.] Như vậy, trước đây khi Giáo hoàng John Paul II gửi một thông tri cho các giám mục của ông ta về đề tài “Mối quan hệ giữa đức tin và lý trí” (The relationship between faith and reason) thì thật ra ông ta chỉ viết bậy. Nhưng dù ông ta có viết bậy thì đám con chiên của ông ta vẫn ca tụng “đức thánh cha” của họ như thường, vì đó là truyền thống “quên mình trong vâng phục”, tuyệt đối thi hành “đức vâng lời” cao quý nhất của Công giáo.

Nếu chúng ta không thể so sánh về căn bản tín ngưỡng của Phật Giáo và Ki Tô Giáo thì chúng ta có thể đối chiếu được một số phương diện nào của hai tôn giáo trên không? Một câu hỏi của một độc giả Giao Điểm đã giúp tôi giải quyết vấn đề.

Trong cuốn “Đức Tin Công Giáo: Một Khảo Luận Trong Ánh Sáng Của Khoa Học Và Lý Trí”,tôi đã sưu tầm và đưa ra những nhận định của 75 danh nhân, trí thức Âu Mỹ về God của Ki Tô Giáo và Ki Tô Giáo[Xin đọc: http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN22.php]. Có độc giả đặt vấn đề với tôi: “Thế thì các danh nhân trí thức Âu Mỹ nghĩ gì về Đức Phật và Phật Giáo?” Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hay, cần thiết nghiên cứu để đối chiếu với những nhận định về Ki Tô Giáo, và có thể coi như là tiêu chuẩn để đối chiếu thực chất của hai tôn giáo.. Từ trước tới nay, tôi không nghĩ ra điều này, vì tôi không có ý định quảng cáo Phật Giáo nên tôi đã không quan tâm mấy xem các danh nhân trí thức Âu Mỹ nghĩ gì về Đức Phật và Phật Giáo, tuy tôi đã đọc khá nhiều sách của các tác giả Tây phương viết về Đức Phật và Phật Giáo. Tại sao? Vì tôi tin rằng, hữu xạ tự nhiên hương, và tôi cũng tin rằng: “đã là chánh Pháp thì dù không có ai theo cũng vẫn là chánh Pháp, và đã là tà pháp thì dù có cả tỉ người theo cũng vẫn là tà pháp.” David Mills, trong cuốn “Atheist Universe”, có trích dẫn câu nói của Bertrand Russell, 2 giải Nobel:“Nếu 50 triệu người tin vào một chuyện lừa phỉnh, thì chuyện đó vẫn là chuyện lừa phỉnh” [If 50 million people believe a foolish thing, it is still a foolish thing] (Tuy nhiên, Jack Huberman, tác giả cuốn “The Quotable Atheist”, cho rằng câu nói này chính là của Anatole France, một đại văn hào Pháp, khi nói về các tín đồ Công giáo trong thời đại của ông ta, trong cuốn “La Révolte des Anges”. TCN).

Việt Nam có hai tôn giáo có nhiều tín đồ nhất là Phật Giáo và Công Giáo. Công Giáo chiếm, tối đa vào khoảng 7% dân số. Còn Phật Giáo thì chúng ta thực sự không biết rõ tỷ lệ là bao nhiêu, vì không phải chỉ có những người quy y Tam Bảo mới kể là theo Phật Giáo. Tôi có rất nhiều bà con thân thuộc và bạn bè rất ít khi hay chẳng bao giờ đi Chùa, và cũng chẳng quy y Tam Bảo, nhưng nhà nào cũng có tượng Phật, hay ảnh Phật, và kinh sách Phật v..v.. Ngay trong gia đình tôi, chỉ có mình tôi là đã quy y Tam Bảo, còn tiện nội cũng không quy y, nhưng cũng thường đi Chùa lễ Phật và đọc kinh sách Phật Giáo. Cho nên, tôi nghĩ người theo đạo Phật, dưới hình thức này hay hình thức khác, tất nhiên phải là tuyệt đại đa số. Lịch sử đã viết rằng: “Thiên hạ Lý Trần bán vi Tăng” [Trong những triều đại Lý, Trần một nửa bàn dân thiên hạ sống như các vị Tăng Phật Giáo]. Còn tuyệt đại đa số người dân khi đó sống không ít thì nhiều đều có ảnh hưởng của Phật Giáo. Đây cũng là những triều đại mà xã hội hiền hòa nhất trong lịch sử Việt Nam

Vậy tôi nghĩ ngày nay người dân Việt Nam cũng nên biết rõ về bản chất của hai tôn giáo chính ở Việt Nam như trên. Đây là điều rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Trong 14 Điều Phật Dạy thì điều thứ 13 nói rằng: “Khiếm khuyết nhất của đời người là kém hiểu biết.”Vì kém hiểu biết nên chúng ta thường đi lạc đường, tin vào những điều không thể tin được, đắm mình trong ma đạo, và từ đó đã có những hành động phi dân tộc, phản tổ quốc..

Muốn đối chiếu hai tôn giáo, chúng ta không thể lấy vài câu lạc lõng giống nhau trong kinh điển của mỗi tôn giáo để so sánh và cho là có sự tương đồng, mà phải nghiên cứu về mọi khía cạnh của mỗi tôn giáo, ít ra là về Tư Cách Giáo Chủ, Giáo Lý, Lịch sử truyền đạo, Giáo Lý đã được áp dụng như thế nào, các tín đồ tôn giáo đó đã đóng góp được gì cho nhân loại v..v…Đây là một công việc vừa có tính hàn lâm vừa rất trí thức mà giới học giả và trí thức Âu Mỹ đã làm từ mấy trăm năm nay rồi. Tuy nhiên rất có thể khi đưa ra những sự thực về tôn giáo, chúng ta có thể bị ngộ nhận, thậm chí có khi bị lên án sai lầm, là chống tôn giáo hay phê bình chỉ trích tôn giáo.

Thật vậy, có nhiều người đưa ra luận cứ là tôn giáo nào cũng dạy cho con người có đạo đức, làm lành tránh ác, bản chất đều giống nhau, do đó không nên phê bình chỉ trích tôn giáo. Điều này thường là luận điệu chống đỡ của những tôn giáo bị nhân loại phê bình, chỉ trích những khía cạnh tiêu cực của tôn giáo đó mà vô phương biện cãi bằng lý luận. Bertrand Russell cũng đã đưa ra nhận định: “Người ta thường nói tấn công tôn giáo là điều rất sai lầm vì tôn giáo làm cho con người đạo đức. Người ta nói với tôi như vậy; (nhưng) tôi không nhận thấy như vậy..” [One is often told that it is a very wrong thing to attack religion, because religion makes men virtuous. So I am told; I have not noticed it..]. Thật vậy, luận cứ trên không đứng vững vì “dạy con người làm lành tránh ác” là sự phát triển của tri thức con người và chung cho dân gian chứ không chỉ nằm trong tôn giáo. Chẳng có cha mẹ nào, dù họ là người vô thần hay vô tôn giáo lại dạy con cái “làm ác tránh lành”. Đạo Khổng thực sự không phải là một tôn giáo, nhưng Đức Khổng Tử đã dạy con người một số những tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội mà cả thế giới ngày nay đều tán thán. Mặt khác, Bertrand Russell nói như trên vì ông ta đã biết rõ lịch sử Công giáo dạy “làm lành tránh ác” như thế nào, hiển nhiên không phải là “Ki Tô Giáo làm cho con người đạo đức.” mà trái lại. Thật vậy, chúng ta không thể cứ nhắm mắt tin bừa vào những lời khoa trương trống rỗng như “Thiên Chúa lòng lành” mà phải tìm hiểu xem trong cuốn Kinh Thánh, Thiên Chúa đã “lòng lành” như thế nào?Cũng vậy, chúng ta không thể nào tin vào những lời tự khoa trương của giáo dân như “sống đạo, tốt đời” mà phải tìm hiểu xem trong giòng lịch sử, giáo dân đã “sống đạo, tốt đời” như thế nào. Tất cả những công cuộc tìm hiểu này đều nằm trong lãnh vực học thuật để mở mang đầu óc của người dân bình thường không có cơ hội và/hoặc khả năng tìm hiểu. Giúp cho họ hiểu biết đúng là một món quà vô giá mà chúng ta có thể tặng cho họ.

Tuy Phật Giáo có trước Ki Tô Giáo cả 5, 6 trăm năm, nhưng thế giới Tây Phương mới chỉ thật sự biết đến Phật Giáo từ vài thế kỷ nay. Cho nên chúng ta không hi vọng có những nhận định về Đức Phật và Phật Giáo trong suốt chiều dài lịch sử của Phật Giáo tương tự như Ki Tô Giáo. Năm 1994, Stephen Batchelor xuất bản cuốn Sự Thức Tỉnh Của Tây Phương (The Awakening of the West), nội dung viết về lịch sử tiếp xúc của Phật Giáo với Tây phương. Cuốn sách được giới thiệu như sau:

Từ thời đại đế Alexandre, các vua chúa và giáo hoàng Tây phương đã mong mỏi kiếm được quyền lực bằng cách chinh phục Á Châu. Qua nhiều thời kỳ họ đã phái từng đợt sứ giả và các nhà truyền giáo tới Á Châu để tiếp xúc với những người "ngoại đạo", nhưng tâm thức hẹp hòi của người Tây phương [về tôn giáo] đã làm cho những người này chẳng biết được bao nhiêu về Phật Giáo.

Ngày nay Phật Giáo được coi như là một tôn giáo phát triển nhanh nhất và là một trong những phong trào tâm linh có ảnh hưởng nhiều nhất ở Tây phương."

(Since the time of Alexander the Great, European kings and popes longed for the power to be gained through the conquest of Asia. They sent periodic streams of envoys and missionaries to establish contact with the "infidels," but the European's narrow-mindedness prevented them from learning much at all about Buddhism.

Buddhism is said to be the fastest growing religion and one of the most influential spiritual movements in the West.)

Vì thế, nếu chúng ta trích dẫn nhận định về Phật Giáo của những người thuộc các loại sứ giả và thừa sai trên thì chúng ta không thể nào có một hình ảnh đúng về Phật Giáo. Mặt khác, nếu kể đến những nhận định về Đức Phật và Phật Giáo của những Tăng Ni trí thức Phật Giáo thì nhiều không đếm xuể và không tránh khỏi lời phê bình là đã trích dẫn theo thiên kiến. Vì vậy để công việc sưu tầm được vô tư, như về Ki Tô Giáo tôi chỉ đưa ra những nhận định của một số danh nhân trí thức Âu Mỹ, thì đối với Phật Giáo, tôi cũng chỉ đưa ra nhận định của một số danh nhân trí thức trên thế giới, phần lớn là Âu Mỹ, trong thời cận đại, vì lý do như trên đã nói, Tây phương mới biết đến Phật Giáo gần đây. Chúng ta nên để ý là nhận định về God và Ki Tô Giáo đều là của các bậc thức giả Âu Mỹ trong những xã hội Ki Tô chứ không phải của những người thuộc các tôn giáo khác trong đó có Phật Giáo.

Nay, sau một thời gian sưu tầm, tôi đã thêm vào phần nhận định về God [của Ki Tô Giáo] và Ki Tô Giáo một số tác giả khác, và đồng thời cũng xin trình bày thêm những nhận định của một số danh nhân trí thức Âu Mỹ về Phật Giáo, lẽ dĩ nhiên còn nhiều thiếu sót về cả hai phía. Tôi cho rằng, đây là tiêu chuẩn có giá trị nhất để đối chiếu thực chất của hai tôn giáo: Ki Tô Giáo và Phật Giáo, vì các bậc trí thức nổi danh trên thế giới thường có trình độ hiểu biết cao, làm việc trong tinh thần khoa học với đầu óc sáng suốt hơn quần chúng thông thường nhiều, và có địa vị trong xã hội cũng như trên thế giới mà họ phải trân trọng. Họ thường không đánh giá một tôn giáo qua vài câu lạc lõng trong Kinh điển của tôn giáo đó, mà qua, như trên đã nói: Tư Cách Giáo Chủ, Giáo Lý, Lịch sử truyền đạo, Giáo Lý đã được áp dụng như thế nào, các tín đồ tôn giáo đó đã đóng góp được gì cho nhân loại v..v…Xuyên qua một số nhận định điển hình này, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự khác biệt giữa God [của Ki Tô Giáo] và Đức Phật, giữa Ki Tô Giáo và Phật Giáo. Khác biệt như thế nào. Xin mời quý độc giả hãy đọc những nhận định của một số danh nhân trí thức trên thế giới về God [của Ki Tô Giáo] và Ki Tô Giáo, cũng như về Đức Phật và Phật Giáo, và tự đánh giá lấy thực chất của mỗi tôn giáo. Trong số những danh nhân trí thức liệt kê, có một số đã đưa ra những nhận định về cả hai tôn giáo:Ki Tô Giáo và Phật Giáo. Để đối chiếu, tôi xin ghi lại những nhận định của họ về Ki Tô Giáo song song với những ghi nhận về Phật Giáo trong phần những nhận định về Phật Giáo.

 

۞

 

Công cuộc sưu tầm này gồm 2 phần: Phần I là những nhận định của 100 danh nhân trí thức Âu Mỹ về God (của Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo, Anh giáo và Chính thống giáo) và Ki Tô Giáo (Công giáo và Tin Lành), và Phần II là nhận định của 100 danh nhân trí thức trên thế giới về Đức Phật và Phật Giáo. Như thông lệ, chổ nào có thể được, tôi cũng xin chua thêm câu nguyên ngữ bằng tiếng nước ngoài để bạn đọc có thể trích dẫn trực tiếp.

Tôi hi vọng kết quả sưu tầm này được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, và nhất là các bậc lãnh đạo và trí thức trong Phật Giáo và Ki Tô Giáo cũng nên đọc để mà biết đến giá trị thực sự của tôn giáo mình. Tôi cũng hi vọng bản so sánh đối chiếu này sẽ được dán trên cánh cửa của mọi nhà thờ cũng như mọi Chùa trên đất nước Việt Nam.

 

(xin xem Phần I)


Các bài về tôn giáo cùng tác giả


Trang Tôn Giáo