Sam Harris: Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo

Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ

¿ Mục lục toàn bài bản in ngày 09 tháng 1, 2010

(tiếp theo bài trước)

Làm tốt vì Thiên Chúa

Thế còn những điều tốt lành mà thiên hạ đã làm nhân danh Thiên chúa ? Không thể chối cãi sự thật là nhiều con người của đức tin tôn giáo đã hy sinh rất anh hùng trong việc làm giảm khuây sự đau khổ cho tha nhân. Thế nhưng có cần thiết phải tin vào những điều thiếu chứng cứ để hành xử như vậy? Nếu lòng bác ái thực sự dựa trên học thuyết của tôn giáo, làm sao để giải thích công việc của các bác sĩ thế tục ở những nơi đang bị tàn phá bởi chiến tranh trong những nước đang phát triển? Nhiều lương y đã động lòng không phải từ ý tưởng nào về Thiên chúa mà chỉ đơn giản vì muốn làm giảm đi nỗi đau của nhân loại. Trong khi đó, chắc chắn rằng các dòng truyền giáo đã cũng mủi lòng bởi khao khát xoa dịu nỗi đau, đồng thời cũng bởi họ đến với một nhiệm vụ ngổn ngang bởi những huyền thoại nguy hiểm và chia rẽ.

Các dòng truyền giáo ở các nước đang phát triển đã phí phạm rất nhiều thì giờ và tiền bạc (chưa kể đến thiện chí của những người không Ki-tô giáo) để cải đạo cho những kẻ khốn cùng; họ đã truyền đi những thông tin sai lầm về việc ngừa thai và các tật bệnh lây lan tình dục, dấu đi những thông tin đúng, chủ thuyết của họ vẫn là lan truyền sự ngu dốt và chết chóc. Ngược lại, những người tự nguyện cho các tổ chức thế tục như Hội Y Sĩ không biên giới đã không bỏ phí thời gian vào việc truyền bảo cho công chúng về sự sản sinh trong trinh tiết của Jesus. Họ cũng không truyền đạt cho dân ở ngoại ô Saharan Phi Châu rằng xử dụng bao cao su là tội lỗi. Các nhà truyền đạo Ki-tô giáo đã nổi tiếng về việc rao giảng tội lỗi của việc xử dụng bao cao su ở những làng mạc vốn chưa hề được bao giờ thông tin gì về bao cao su. Mộ đạo kiểu này là một sự diệt chủng (1). Ngẫu nhiên, chúng ta hẳn phải băn khoăn: Cứu giúp người thuần vì quan tâm đến đau khổ của người ta hay cứu giúp người vì nghĩ rằng đấng tạo dựng vũ trụ sẽ thưởng công cho mình?

Mẹ Theresa là một bằng chứng tốt nhất cho phương cách mà một người tốt lành, mủi lòng thương giúp tha nhân, đã có cảm thức đạo đức của mình bị đảo lộn bởi đức tin tôn giáo. Christopher Hichens đã trình bày một cách thẳng thắn huỵch toẹt như sau :

[Mẹ Theresa] không phải là bạn của người nghèo. Bà là bạn của sự nghèo khó. Bà nói rằng đau đớn là tặng phẩm của Thượng đế. Bà đã cả đời chống lại phương cách duy nhất từng được biết để giải quyết nghèo khó, khỏi dạng gia súc của việc cưỡng ép sinh sản.

Dù thật sự đồng ý với Hitchens về quan điểm này, tôi cũng không hề chối bỏ sự việc mẹ Theresa là một thuyết phục vĩ đại của tình bác ái. Rõ ràng, bà đã động lòng thương cảm từ những khổ đau của đồng loại, và bà đã hành động nhiều để thức tỉnh nhiều người khác đến thực tại khổ đau ấy. Tuy nhiên, vấn đề, đã ở chỗ là lòng bác ái của bà bị hướng vào khuôn khổ những bức tường thẳng dốc từ chủ nghĩa tôn giáo của bà. Trong diễn từ nhận giải Nobel, bà đã nói :

Phá thai là sự tàn phá lớn nhất cho bình an… Nhiều người rất, rất quan tâm đến trẻ em Ấn Ðộ, đến trẻ em Phi Châu, nơi nhiều em đã bị chết, vì suy dinh dưỡng, đói khát và các nguyên nhân tương tự nhưng hàng triệu trẻ em khác đang chết vì chủ tâm của chính người mẹ. và điều này, ngày nay, chính là sự tàn phá lớn nhất cho an bình. Bởi bởi vì, nếu một người mẹ có thể giết chính con mình – thì có cái gì còn lại nữa để mình có thể giết người khác và kẻ khác có thể giết lại mình- thật không có chọn lựa nào khác.

Ðể chẩn bệnh cho các vấn nạn của thế giới, những lời phẩm bình này thật là một sự dẫn đạo lạc hướng đáng kinh ngạc. Và cũng chẳng giúp gì tốt hơn để khẳng định giá trị của đạo đức. Lòng bác ái của Mẹ Theresa đã bị thẩm định rất tồi khi sự việc giết hại một bào thai ba ngày tuổi gây phiền muộn cho bà nhiều hơn là nỗi đau khổ của nhiều kẻ khác mà bà đã là nhân chứng trên hành tinh này. Khi phá thai là một thực tế xấu xa, tất cả chúng ta đều hy vọng vào một bước đột phá của y học trong việc ngăn ngừa để giảm bớt nhu cầu phá thai, làm sao có thể có người băn khoăn rằng hầu hết những phôi thai có thể bị đau đớn ở múc độ nào đấy. Làm sao có người không thể băn khoăn đến hàng triệu con người, đàn ông, đàn bà, trẻ em, đang phải chịu những thống khổ của chiến tranh, đói kém, tra tấn vì chính kiến hoặc những bệnh tật về tinh thần. Ngay trong lúc này, hàng triệu con người có nhận thức đang đau khổ vì những tai ách vật chất, tinh thần không thể tưởng tượng được, trong những tình huống mà không thấy được lòng bác ái của Thượng đế, và lòng bác ái của nhân loại lại bị khập khiễng bởi những tư tưởng lố bịch về tội lỗi và sự cứu rỗi. Nếu bạn lo lắng cho sự đau khổ của nhân loại thì chuyện phá thai chỉ nên đứng hàng cuối trong danh sách những ưu tư của mình.

Trong lúc việc phá thai vẫn còn là một vấn đề bị chia rẽ đến buồn cười tại Mỹ, vị trí “đạo đức” của hệ thống nhà thờ về vấn đề này giờ đây đã hiện thân một cách kinh tởm tại quốc gia El Salvador. Hiện nay, ở El Salvador, phá thai dưới bất kỳ trường hợp nào cũng là bất hợp pháp. Không có ngoại lệ cho cả các trường hợp bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Ngay lúc người phụ nữ đến bệnh viện với một cái tử cung đã bị đục khoét, cho thấy rằng bà đã từng phá thai, bà ta sẽ bị cùm chặt vào giường bệnh và cơ thể bà sẽ bị coi như một hiện trường tội ác. Các bác sĩ giảo nghiệm sẽ đến ngay để khám âm hộ và tử cung. Hiện nay, có những người đàn bà thụ án phạt ba mươi năm tù vì đã phá thai. Thử tưởng tượng xem, trong một đất nước đã xấu xa hóa việc xử dụng thuốc ngừa thai như là một tội lỗi chống lại Thượng đế, thì đúng đây là loại chính sách mà ai cũng nên xử dụng nếu đồng ý với đánh giá của Mẹ Theresa về nỗi khổ đau của thế giới. Kỳ thực, Tổng giám mục El Salvador đã có tích cực vận động cho chính sách ấy. Các nỗ lực của ông đã được trợ giúp bởi Giáo Hoàng John Paul ÌI, người đã tuyên ngôn, trong một chuyến hành hương đến thành phố Mexico năm 1999 rằng “Nhà thờ phải công bố phúc âm của đời sống và công khai ra sức mạnh tiên tri chống lại nền văn hóa của sự chết. Cầu xin cho lục địa của hy vọng trở nên lục địa của đời sống!”

Dĩ nhiên, về sự phá thai thì quan điểm của nhà thờ đã không còn đếm xỉa gì đến các đặc điểm của ngành sinh học hơn là việc họ lưu tâm đến thực tại đau khổ của nhân loại. Khoa học ước tính rằng có đến 50 phần trăm các trường hợp thụ thai đã kết thúc bằng sự phá thai tự nhiên, thông thường ngay cả chính người phụ nữ cũng không hề biết rằng mình đã thụ thai. Thực tế, 20 phần trăm các trường hợp thụ thai đã kết thúc bằng việc sẩy thai. Do đó, có một sự thật hiển nhiên ở đây vượt ra ngoài hiểu biết: nếu Thượng đế có hiện hữu, thì chính người là kẻ phá thai nhiều hơn cả.

Những người vô thần có phải là quỷ dữ không ?

Nếu bạn là đúng khi tin rằng đức tin tôn giáo đem lại căn bản thực sự và duy nhất cho nền đạo đức thì những người vô thần chắc sẽ ít đạo đức hơn những người có lòng tin. Thực tế, họ phải là cực kỳ vô đạo đức. Có phải thế không? Có phải thành viên các tổ chức vô thần ở Mỹ phạm tội ác nhiều hơn không? Có phải thành viên của Hiệp hội Khoa Học, 93 phần trăm trong số họ không chấp nhận các ý tưởng về Thưọng đế, đã dối trá, lừa lọc và ăn cắp với sự buông thả hay không? Chúng ta có chứng cớ để tin tưởng rằng các tổ chức này tối thiểu cũng cư xử tốt lành như đa số dân chúng khác. Thế nhưng, người vô thần là thiểu số luôn bị mắng nhiếc nhiều nhất ở Mỹ. Các số thống kê thăm dò cho thấy là một người vô thần thì khó mà ứng cử vào các chức vụ cao trong đất nước (trong khi da đen, Hồi Giáo hoặc đồng tính thì không sao). Trên khắp các đất nước Hồi Giáo, gần đây, nhiều ngàn người đã tụ họp - đốt các tòa đại sứ Âu châu, đe dọa, bắt cóc con tin, giết người - để phản đối mười hai bức tranh biếm họa Tiên tri Mohammad lần đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo ở Ðan Mạch. Người vô thần có nổi loạn bao giờ? Có báo chí nào trên thế giới này phải lưỡng tự khi đăng những tranh biếm họa về người vô thần vì e rằng những người viết bài sẽ bị bắt cóc hoặc sát hại để trả thù?

Người Ki-tô giáo như các bạn cứ luôn tuyên bố rằng những con quỷ như Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao Trạch Ðông, Pol Pot và Kim Chính Nhật đã nhảy ra từ cửa mình một người vô thần. Trong khi sự thật là những kẻ ấy dù có khi là kẻ thù của các tổ chức tôn giáo nhưng họ vốn không có lý trí gì đặc biệt (2). Thực tế, những công bố trước công chúng của họ thường là ảo tưởng: về những vần đề rất nhiều khác biệt như chủng tộc, kinh tế, tính đồng nhất quốc gia, tiến triển của lịch sử và các nguy hiểm đạo đức của chủ thuyết duy lý trí. Vấn đề của các bạo chúa đó không phải vì họ chối từ lý thuyết của tôn giáo mà là vì họ ôm chặt những huyền thoại hủy diệt sự sống khác. Hầu hết đã trở thành trọng tâm của những giáo phái cá nhân gần như tôn giáo, luôn cần đến sự tuyên truyền để duy trì. Có sự khác biệt giữa tuyên truyền và sự phổ biến thông tin chân thực mà chúng ta (thường) trông đợi từ một nền dân chủ tự do. Những bạo chúa gây diệt chủng hoặc sung sướng trị vì trên sự đói khát của chính dân mình, cũng thường thiên về những kẻ có tính khí riêng rất mạnh, chứ không phải là những người đấu tranh cho lẽ phải. Như Kim Chính Nhật, đã đòi hỏi là giường ngủ của y ở nhiều nơi cư ngụ khác nhau phải được đặt chính xác năm trăm mét trên mức nước biển. Nệm giường của y phải được nhồi bởi các thứ lông vũ mềm mại nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Các thứ lông vũ đó chính là các lông măng dưới cằm của giống chim sẻ. Phải cần đến bảy trăm ngàn con chim sẻ để dồn đủ lông cho một tấm chăn. Nhìn vào cái quan tâm sâu sắc bí hiểm ấy, chúng ta ắt phải tự hỏi cái con người Kim Chính Nhật đó đã biết điều đến thế nào.

Thử nghĩ về các lò thiêu Do Thái: những người chống Do Thái từng xây dựng các trại Nazi tử thần chính là di sản trực tiếp của Ki-tô giáo thời trung cổ. Trong bao nhiêu thế kỷ, người Ki-tô giáo ở châu Âu đã xem người Do thái như loại tệ hại nhất trong hàng ngũ những kẻ dị giáo và sự hiện diện của họ đã mang đến tất cả những bệnh hoạn cho xã hội. Ở Đức quốc lòng thù ghét người Do Thái đã biểu lộ như là một phương cách thế tục vượt trội, với căn nguyên từ tôn giáo, và sự dứt khoát ma quỷ hóa đạo giáo của người Do Thái ở Âu châu đã tiếp diễn suốt thời kỳ đó. Ngay chính Vatican cũng đã kéo dài những phỉ báng huyết thống trên báo chí của họ mãi đến cuối năm 1914 (3) và các nhà thờ Công giáo lẫn Thệ phản Giáo đều có những quá khứ đáng xấu hổ về những đồng lõa của họ với chính sách diệt chủng Nazi.

Lò sát sinh Auschwitz, các trại tập trung Xô Viết và cánh đồng chết ở Cam Bốt không phải là những điển trưng của những con người khi đã trở nên quá tin. Ngược lại, những khiếp đảm này minh chứng cho mối hiểm nguy của chính trị và chủ nghĩa giáo điều. Đã đến lúc những người Ki-tô các bạn ngưng viện cớ rằng sự chối bỏ đức tin sẽ dẫn đến sự ôm vội chủ thuyết vô thần như tín điều một cách mù quáng. Người ta không cần phải chấp nhận một điều gì không đủ tín lý để cho rằng sự ra đời trong trinh bạch của Jesus là một ý tưởng phi lý. Vấn nạn của tôn giáo– như là với chủ nghĩa Nazi, Stalin hoặc bất kỳ các hoang đường chuyên chế nào- chính là vấn nạn của tín điều. Tôi không thấy một xã hội nào trong lịch sử nhân loại từng khổ đau vì dân chúng quá khao khát chứng tín cho các khuôn mẫu niềm tin của mình.

KHI BẠN NGHĨ rằng chấm dứt tôn giáo là một mục tiêu không thể đạt được, quan trọng hơn là bạn nên ý thức được rằng nhiều đất nước phát triển đã gần đạt được điều ấy. Na uy, Iceland, Úc, Canada. Thụy điển, Thụy sĩ, Đan Mạch, Bỉ, Nhật, Netherland, và Anh quốc là những quốc gia ít tôn giáo tính nhất trên địa cầu. Theo báo cáo về phát triển của nhân loại của Liên Hiệp Quốc (2005) những quốc gia này là những quốc gia khỏe mạnh, dựa vào tuổi thọ, trình độ đọc viết, thu nhập đầu người, học thức, công bằng giới tính, tỉ lệ giết người và tỉ lệ tử vong của trẻ em. Đến mức rằng nếu như có một trường hợp tội phạm xảy ra ở Tây Âu thì hầu như phần lớn là từ giới di dân. Thí dụ như bảy mươi phần trăm các tù phạm trong các nhà tù ở Pháp là những người Hồi giáo. Người Hồi giáo ở Tây Ây nói chung không phải là người vô thần. Ngược lại, năm mươi quốc gia hiện xếp hạng chót theo những tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc là những quốc gia kiên định về tôn giáo.

Các phân tích khác cũng vẽ nên bức tranh tương tự: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong mức độ trung thành với tôn giáo, là một độc đáo giữa những quốc gia dân chủ giàu có. Đất nước này còn độc đáo ở sự bủa vây trong mức độ cao của tệ nạn sát nhân, phá thai, trẻ vị thành niên mang thai, bệnh truyền nhiễm qua tình dục và mức tử vong của trẻ em. Trong nội tình nưóc Mỹ, một so sánh đúng tương tự là: giữa các tiểu bang phía nam và trung tây, nơi có đặc tính tôn giáo mạnh, thì đặc biệt tiêm nhiễm bởi những chỉ dấu của một xã hội thiếu lành mạnh, trong khi các tiểu bang tương đối mang tính thế tục ở vùng đông bắc thì thích ứng với các tiêu chuẩn Âu châu.

Trong khi sự sát nhập đảng phái chính trị ở Mỹ không phải là một chỉ dấu hoàn hảo về lòng mộ đạo, chả có gì gọi là bí mật khi những “tiểu bang đỏ” (ý nói thiên về đảng Cộng Hòa - ghi chú của Người Dịch) đã thắm đỏ hơn vì ảnh hưởng chính trị quá mạnh của giới Ki-tô giáo bảo thủ. Nếu có một liên quan gì mạnh mẽ giữa chủ nghĩa bảo thủ Ki-tô với y tế xã xội, và chúng ta mong nhìn thấy vài tín hiệu của tương quan ấy trong các tiểu bang đỏ ở Mỹ. Chúng ta sẽ không thấy gì cả. Trong hai mươi lăm thành phố có tỉ lệ tội phạm thấp nhất, 62 phần trăm thuộc tiểu bang “xanh” (ý nói thiên về đảng Dân Chủ), 38 phần trăm thuộc ”đỏ”. Trong hai mươi lăm thành phố nguy hiểm nhất, 76 phần trăm thuộc các tiểu bang “đỏ”, 24 phần trăm thuộc “xanh”. Thực tế, ba trong năm thành phố nguy hiểm nhất ở Mỹ là ở tiểu bang đạo đức giả Texas. Mưòi hai tiểu bang có mức ăn trộm cao nhất là “đỏ’. Hai mươi bốn trong hai mươi lăm tiểu bang có mức ăn cắp cao nhất là “đỏ”. Trong hai mươi hai tiểu bang có tỉ lệ sát nhân cao nhất, mười bảy tiểu bang là “đỏ’.

Dĩ nhiên, những liên quan như thế này không giải quyết được các câu hỏi về nguyên nhân hậu quả - niềm tin vào Thượng đế có thể đã dẫn đến những trục trặc của xã hội - hoặc các trục trặc của xã hội có thể đã thúc đẩy niềm tin vào Thượng đế, yếu tố này có thể gây ra yếu tố kia, hoặc cả hai có thể đã nảy sinh từ các nguyên nhân sâu xa của điều ác. Tuy vậy, bỏ qua một bên vấn đề của nguyên nhân và hậu quả, các con số thống kê này đã chứng minh rằng chủ nghĩa vô thần là khát vọng căn bản của một xã hội dân sự; các con số thống kê ấy cũng chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, việc phổ biến niềm tin vào Thượng đế không bảo đảm gì cho sự lành mạnh xã hội.

Các quốc gia có trình độ cao về chủ nghĩa vô thần là những quốc gia có lòng khoan dung nhất, trong cả hai phương diện tỉ lệ bách phân tài nguyên họ cống hiến cho các chương trình an sinh xã hội và tỉ lệ bách phân của cải họ cho đi trong các viện trợ đến thế giới đang phát triển. Mối liên hệ không rõ ràng giữa chủ nghĩa Ki-tô nghĩa đen và các giá trị Ki-tô đã gây nên từ ảo tưởng của các sai lầm về sự công bằng xã hội. Hãy nhìn mức tỉ lệ lương bổng giữa các viên chức điều hành cao cấp với mức lương trả cho các công nhân trung bình cùng hãng xưỏng: ở Anh quốc là 24:1, ở Pháp 15:1, Thụy điển 13:1, ở Mỹ, nơi mà 80 phần trăm dân số mong đợi được vời đến trong ngày phán xét của Thượng đế là 475:1. Trông có lẽ như khối con lạc đà có thể đi lọt qua một cái lỗ kim.

Ai đã đặt điều tốt lành vào cuốn “sách tốt lành”?

Ngay cả nếu niềm tin vào Thiên chúa quả thực tạo nên một ảnh hưởng tốt và đáng tin lên phẩm hạnh của con người, thì yếu tố này cũng không đủ là một lý lẽ để tin vào Thiên chúa. Người tin vào Thiên chúa là người chỉ tin rằng Thiên chúa thực có hiện hữu. Ki-tô giáo không hẳn là đúng, ngay cả khi chủ nghĩa vô thần có dẫn thẳng đến cuộc khủng hoảng đạo đức. Có thể Hồi giáo mới là đúng trong trường hợp ấy. Hoặc tất cả các tôn giáo chỉ nên hoạt động như những loại thuốc trấn an. Như khi ra toa chữa bệnh cho vũ trụ, thuốc có thể là hoàn toàn giả, thế nhưng lại hữu ích. Tuy vậy, chứng cớ cho thấy rằng cả hai đều giả mạo và nguy hiểm.

Khi nói về những kết quả tốt lành mà niềm tin của bạn mang lại cho đạo đức con người, bạn đang noi gương những người tự do và ôn hòa tôn giáo. Thay vì nói rằng họ tin vào Thiên chúa vì một số tiên tri trong thánh kinh đã thật xảy đến, hoặc vì những phép lạ kể lại trong phúc âm đáng tin, những người tự do và ôn hòa có khuynh hướng nói về những hậu quả tốt lành của niềm tin như khi họ tin. Những người tin theo này thường nói rằng họ tin vào Thượng đế bởi vì niềm tin này “mang lại ý nghĩa cho đời sống của mình”. Khi cơn sóng thần giết hại vài trăm ngàn người ngay sau ngày giáng sinh 2004, nhiều người Ki-tô giáo bảo thủ nhìn thiên tai này như một minh chứng cho cơn giận của Thiên chúa. Rõ ràng là Thiên chúa đã gởi một mã thông tri nữa đến bọn quỷ phá thai, sùng bái ảnh tượng và đồng tình luyến ái. Mặc dù tôi đánh giá những lý giải này như một sự kinh tởm cùng cực, nếu được gán một số giả định, hẳn nó cũng phải có một đặc điểm gì phải lẽ. Mặt khác, những người tự do và ôn hòa đã từ chối rút ra một kết luận nào về Thiên chúa trong công việc của ngài. Thiên chúa vẫn là một bí mật tuyệt đối, vẫn chỉ một nguồn an ủi tương thích bên một ác quỷ tàn phá hung hãn. Theo sau cơn sóng thần ở Á châu, những người tự do và ôn hòa lần lượt khuyên bảo nhau tìm Thiên chúa “ không phải trong sức mạnh để dịch chuyển được cơn bão, mà trong chống trả của con người với cơn bão”. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng những tử thi trôi nổi được kéo vớt khỏi mặt biển là những biểu hiện của lòng bác ái từ chính con người chứ không phải từ Thiên chúa. Vào cái ngày cả hơn một trăm ngàn trẻ thơ thình lình bị giật xé khỏi vòng tay mẹ chúng rồi bị nhận chìm, thần học tự do phải đứng dậy để vén mở xem đó là điều gì: đó là những sự giả ngơ chết người nhất. Hiểu biết của Thần học về cơn giận của Thiên Chúa thật đã đi quá xa khỏi phẩm chất trí thức. Nếu Thiên Chúa hiện hữu và quan tâm đến việc đời của nhân loại thì ý nguyện của người không bí hiểm. Cái bí hiểm duy nhất ở đây chính là nhiều người đàn ông, đàn bà trí thức thông thái có thể chối từ cái thảm họa vô ích này để nghĩ đến những cao sâu của đạo đức.

CÙNG VỚI hầu hết những người Ki-tô khác, bạn tin rằng những sinh vật có thể chết đi như chúng ta không thể chối từ đạo đức của Thánh kinh. Chẳng hạn như, chúng ta không thể bảo rằng Thiên Chúa đã sai lầm khi dìm chết hầu hết nhân loại trong trận lũ lụt thời Sáng thế, bởi vì đấy chỉ là cách nhìn từ nhãn quan giới hạn của chúng ta. Thế nhưng, bạn lại cảm thấy mình ở được đứng vào vị trí để thẩm định rằng Jesus là con Thiên Chúa , rằng Khuôn Vàng Thước ngọc là đỉnh cao của đạo đức thâm thúy, rằng cuốn Thánh kinh tự bản thân không đầy ắp những điều dối trá. Bạn đang xử dụng chính trực giác của mình để xác thực cái uyên thâm của đạo đức – và rồi – ngay sau đó, bạn lại yêu sách rằng con người không thể dựa vào trực giác của mình để dẫn dắt mình đi đúng đường trên thế gian này; chúng ta phải nên dựa vào toa thuốc chẩn bệnh của Thánh kinh thì tốt hơn. Bạn đang dùng chính trực giác đạo đức của mình để xác quyết rằng cuốn Thánh kinh là bảo chứng đúng đắn nhất cho trực giác đạo đức của mình. Trực giác của bạn là cái chính yếu, lẽ phải của bạn thì lòng vòng.

Chúng ta quyết định xem điều gì tốt lành trong cuốn sách Tốt lành này. Chúng ta đọc Khuôn vàng Thước Ngọc và đánh giá đó là chắt lọc sáng giá từ rất nhiều thúc đẩy đạo đức của chúng ta. Sau đó, chúng ta bắt gặp lời một dạy khác của Thiên Chúa về đạo đức : Trong đêm động phòng, nếu người đàn ông khám phá ra người vợ của mình không còn trinh nữ thì y phải ném đá y thị cho chết đi tại ngay thềm cửa nhà cha của y thị (Deuteronomy 22:12-21). Nếu là con người văn minh, hẳn chúng ta phải chối bỏ ngay hành vi này như thể một thứ điên rồ, ghê tởm có thể tưởng được được. Hành động như thế là cần đến sự thực hành trực giác đạo đức của mình. Sự tin rằng cuốn Thánh kinh là chính lời của Thượng đế chẳng giúp gì chúng ta cả.

Chọn lựa của chúng ta rất đơn giản: Hoặc chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận của thế kỷ hai mươi mốt về đạo đức học và phẩm hạnh nhân loại - cuộc thảo luận mà mình sẵn sàng với mọi sáng suốt của khoa học và các tranh biện triết học vốn tích lũy từ hơn hai ngàn năm qua trong tiến trình phát triển nhân loại – hay là chúng ta tự giam mình vào một cuộc thảo luận của thế kỷ thứ nhất như đã được bảo quản cất giữ trong cuốn Thánh Kinh. Tại sao lại có ai đó muốn một cuộc thảo luận thứ hai ?

Lòng Từ tâm của Thiên chúa

Ở một nơi nào đó trên thế gian này có một người đàn ông bắt cóc một bé gái. Chẳng bao lâu sau đó, y hãm hiếp, hành hạ và giết bé đi. Nếu sự man rợ loại này không xảy ra đúng vào lúc này, nó có thể xảy ra tối đa là trong một vài giờ hay vài ngày nữa. Chúng ta biết chắc như thể rút ra từ các phép thống kê đang khống chế đời sống của sáu tỉ người. Các thống kê tương tự cho thấy rằng cha mẹ của bé gái này tin – cũng như bạn đang tin - rằng có một Thiên chúa toàn năng đầy lòng bác ái đang quan phòng đến họ và gia đình họ. Họ tin như thế có đúng không? Và có tốt đẹp gì không khi họ tin như thế ?

Không.

Tất cả chủ nghĩa vô thần nằm trong câu trả lời này. Chủ nghĩa vô thần không phải là một trường phái triết học. Cũng không phải một quan điểm về thế gian. Chủ nghĩa vô thần chỉ đơn giản chấp nhận những gì rõ ràng. Thực ra, “Vô thần” là một từ vốn không nên có. Không ai cần phải minh định mình là một người “không chiêm tinh học”, hoặc “không giả kim học”. Chúng ta không có từ diễn tả những người còn ngờ rằng Elvis vẫn còn sống hoặc các thứ người hành tinh đã du hành qua dải ngân hà chỉ để để quấy nhiễu các chủ trang trại và gia súc của họ. Vô thần chỉ là những âm vang từ những con người biết phải quấy trước sự hiện diện của những niềm tin tôn giáo vô lý. Người vô thần đơn giản chỉ là người tin rằng 260 triệu người Mỹ (87 phần trăm dân số Mỹ) nhận rằng họ “không bao giờ nghi ngờ hiện hữu của Thượng đế” nên có trách nhiệm chứng minh sự hiện hữu ấy của Ngài, và, ngay cả cho tình bác ái của ngài trước những hủy diệt không ngừng của nhân loại mà chúng ta đang là nhân chứng mỗi ngày. Người vô thần là người tin rằng việc sát hại đứa bé gái đơn độc - dù chỉ xảy ra một lần duy nhất trong cả triệu năm – cũng đủ để nghi ngờ ý tưởng của một Thiên chúa nhân từ.

Các thí dụ về sự thất bại của Thiên chúa trong việc bảo vệ nhân loại có thể được nhìn thấy đầy rẫy mọi nơi mọi chốn. Thí dụ như thành phố New Orleans vừa bị hủy diệt bởi cơn bão dữ Katrina. Hơn một ngàn người tử vong, hàng chục ngàn người mất đi tất cả tài sản trần gian của mình, và gần một triệu người phải rời bỏ nơi ăn chốn ở. Vậy thật không sai khi nói rằng hầu hết mọi người sống ở New Orleans vào thời điểm cơn bão Katrina tràn đến đã chia xẻ với quý bạn niềm tin vào một Thiên chúa toàn năng, toàn trí và nhân từ. Thế nhưng Thiên chúa đã làm gì khi Katrina ngập tràn rác rưởi khắp thành phố ? Chắc chắn là Thiên chúa đã nghe thấy lời cầu kinh của những người già cả, phụ nữ phải chạy lên rầm thượng tìm nơi an toàn để trốn khỏi cơn sóng dữ đang dâng lên, rồi cũng bị nhận chìm chết đuối. Ðó là những con người của đức tin. Ðó là những người đàn ông, đàn bà tốt lành đã đọc kinh cầu suốt cả đời mình. Bạn có can đảm chấp nhận sự hiển nhiên này không? Quả là những người đáng thương này đã chết vì chuyện trò với một người bạn tưởng tượng.

Dĩ nhiên, đã có những cảnh báo kịp thời về một cơn bão “có tầm cỡ kinh thánh” sẽ đổ vào New Orleans, và sự đối phó sau đó của con người với tai họa đã là một thảm kịch bất lực. Thế nhưng đó là một sự đối phó không tương ứng dưói ánh sáng của khoa học. Còn tôn giáo thực không mang đến cơ bản nào cho sự đối phó. Các cảnh báo trước về đường tiến của bão Katrina đạt được từ cuộc vật lộn với thiên nhiên câm lặng, từ tính toán của thiên văn học và các ảnh chụp từ vệ tinh. Thiên chúa không hề cho ai biết trước các kế hoạch của Ngài. Nếu như các dân cư ở New Orleans từng đồng lòng dựa cả vào thiện tâm của Thiên chúa, họ đã chỉ có thể biết cơn bão chết người đổ xuống mình khi cuồng phong thực sự tạt vào mặt mình. Thế nhưng, chắc bạn cũng không ngạc nhiên khi kết quả cuộc thăm dò của tờ Washington Post đã cho thấy 80 phần trăm những nạn nhân sống sót sau cơn bão Katrina đã nhìn nhận rằng biến cố bão ấy chỉ làm vững mạnh hơn niềm tin của họ vào Thiên chúa.

Trong lúc cơn bão Katrina đang nuốt chửng New Orleans, gần một ngàn người Shiite hành hương đã giẫm đạp lên nhau mà chết ở một cây cầu tại Iraq. Những người hành hương này tin tưởng mãnh liệt vào đấng Thiên chúa trong kinh Koran. Thực vậy, cuộc sống của họ được tổ chức chung quanh thực tế không thể tranh cãi về sự hiện diện của ngài: phụ nữ phải phủ mạng che mặt trước ngài, nam giới thưòng xuyên giết hết người này đến kẻ khác vì tranh nhau diễn giải lời dạy của ngài. Thật là ngoại lệ nếu có kẻ sống sót đơn lẻ nào mất niềm tin từ những thảm kịch này. Thường thì những kẻ sống sót tưởng tượng rằng mình được tha chết do ơn huệ của Thiên chúa.

Ðã đến lúc để chúng ta ý thức cái không giới hạn của chủ nghĩa tự yêu mình và tự dối mình từ những người được cứu sống. Ðến lúc để chúng ta nhận thấy thật đáng hổ thẹn đến thế nào khi những kẻ sống sót từ trận thiên tai có thể tin rằng họ được tha chết bởi một Thiên chúa nhân từ, trong khi cũng Ðấng ấy nhận chìm những trẻ thơ trong nôi của chúng. Một khi bạn ngưng trùm tấm chăn tôn giáo tưởng tượng của bạn lên cái thực tế đau khổ của thế giới, bạn sẽ nhận ra mạng sống quý báu đến dường nào và, từ đó nhận thấy được nỗi bất hạnh của hàng triệu con người đã bị tước đoạt hạnh phúc của họ một cách đau khổ mà không vì nguyên nhân gì cả.

THỬ HỎI một cơn thiên tai đã lớn lao và vô lý đến chừng nào mới lay chuyển được đức tin của thế gian. Lò thiêu Holocaust đã không lay chuyển được. Nạn diệt chủng ở Rwanda cũng không, ngay cả có những tu sĩ mang gươm giáo giữa những thủ phạm. Năm trăm triệu ngưồi chết vì bệnh đậu mùa trong thế kỷ hai mươi, đa số là trẻ thơ. Phương cách của Thiên chúa thật bí hiểm. Dường như tất cả thực tại, bất kể là bất hạnh đến đâu, có thể đáp trả tương xứng với đức tin của tôn giáo.

Lẽ tất nhiên, hết bận này đến lượt khác, con người của mọi đức tin luôn quả quyết là Thiên chúa không chịu trách nhiệm gì về đau khổ của con người. Thế thì còn gì khác để chúng ta tin vào khẳng định rằng Thiên chúa đế là toàn năng và toàn trí ? Dĩ nhiên, đây là câu hỏi cũ rích dành cho thần học và chúng ta có thể cho rằng câu hỏi đã được giải đáp. Nếu Thiên chúa hiện hữu, hoặc ngài đã không thể làm gì để chặn đứng các tai ương thái quá ấy hoặc ngài không muốn ngăn chặn. Do đó, Thiên chúa hoặc là bất lực hoặc là một con quỷ. Ðến đây chắc bạn muốn biểu diễn động tác múa ballet xoay tròn để đáp rằng: Thiên chúa không thể bị đánh giá bằng những tiêu chuẩn đạo đức của con người. Nhưng chúng ta đã thấy tiêu chuẩn đạo đức của con người là chính những tiêu chuẩn mà bạn dùng để dựng nên lòng nhân từ của Thiên chúa ngay từ khởi điểm. Và bất kỳ Thiên chúa nào có thể lo lắng cho chính mình bởi những chuyện tầm thường như hôn nhân đồng tính hay bởi danh xưng mà Ngài được nhắc đến trong các bài kinh cầu nguyện thì không có gì là bí hiểm cả.

Dĩ nhiên, còn một khả năng khác, vừa hợp lý vừa ít đáng ghét nhất: đó là vị Thiên chúa trong Kinh thánh là không có thật, tương tự như thần Zeus và hàng ngàn vị thần đã chết khác mà hầu hết nhân loại tỉnh táo đều không để ý đến. Bạn có thể chứng minh rằng thần Zeus không hề hiện hữu? Dĩ nhiên là không. Vậy thì, hãy tưởng tượng mình đang sống trong một xã hội mà hàng năm con người tiêu hàng chục tỉ bạc tiền thu nhập của họ để làm nguôi giận các thần trên đỉnh Olympus, trong khi chính phủ chi ra nhiều tỉ bạc khác từ tiền thuế để hỗ trợ cho các cơ quan dâng hiến cho các thần này, cùng lúc ấy, nhiều tỉ bạc khác lén lút lấy từ trợ cấp thuế mang hiến tặng cho các đền thờ ngoại giáo, đồng thời các viên chức dân cử đang làm hết sức mình để ngăn chặn các nghiên cứu y khoa gây mất lòng Iliad và Odyssey, và trong khi tất cả các tranh luận về chính sách công cộng đều đả phá các ý tưởng kỳ quặc của các tác giả cổ đại từng viết hay nhưng không biết gì về thực tế của thiên nhiên để loại phân ra khỏi thức ăn của họ. Ðây đúng là một sự biển thủ khủng khiếp cho tài nguyên, đạo đức và tri thức. Thế nhưng đấy chính là cái xã hội chúng ta đang sống. Ðấy là một thế giới phi lý cùng cực mà bạn và những người Ki-tô hữu của bạn đang cật lực tạo nên.

Thật khủng khiếp là chúng ta sẽ chết đi và mất đi tất cả những gì chúng ta yêu thương. Thật khủng khiếp là quá nhiều con người đang phải sống mà chịu đựng những đau khổ không cần thiết. Và rất nhiều những đau khổ này đang trực tiếp quy cho tôn giáo - cho hận thù tôn giáo, chiến tranh tôn giáo, cấm kỵ tôn giáo, và các lệnh hướng tôn giáo về các tài nguyên hiếm- là những điều khiến sự phê phán chân thành về đức tin tôn giáo là một nhu cầu đạo đức và trí thức. Ðáng tiếc thay, việc diễn đạt những phê bình như thế đang đặt những người không tin theo tôn giáo ra ngoài lề xã hội. Chỉ việc va chạm với thực tại thôi, người không tin theo tôn giáo đã bị xem như kẻ đúng ngoài cuộc sống kỳ diệu của các láng giềng.

Sức mạnh của sự tiên tri

Người ta thường nói rằng thật có lý khi tin Thánh kinh chính là lời của Thượng đế bởi vì nhiều biến cố được kể lại trong Tân Ước đã xác định tiên tri của thời Cựu ước. Nhưng hãy tự hỏi chính mình, các nhà soạn phúc âm đã phải khó khăn đến dường nào khi phải kể lại câu chuyện về cuộc đời Jesus sao cho phù hợp với các tiên đoán trong Cựu Ước? Không phải Thánh kinh đã ở trong quyền lực của những người quá cố nào đấy để soạn lên một cuốn sách nhằm khẳng định các tiên đoán của cuốn sách trưóc đó? Thực tế, chúng ta đã biết về căn bản có chứng tích văn tự rằng đấy chính là cách mà các nhà soạn sách Phúc âm đã thực hiện.

Thí dụ như các nhà soạn phần Luke và Matthew công bố rằng Mary đã mang thai trinh nguyên, dựa vào việc Hy lạp trao trả lại Isaiah 7:14. Văn tự bằng tiếng Hebrew về Isaiah dùng chữ ‘almâ” có ý nghĩa đơn giản là “người phụ nữ trẻ” chứ không mang ý ám chỉ gì về sự trinh nguyên. Chắc là cái niềm tin về sự hạ sinh đồng trinh, và hầu hết các hậu quả mối băn khoăn của thế giói Ki-tô giáo về tình dục, chính là sản phẩm dịch sai từ cổ ngữ Do Thái. Một phủ nhận khác về niềm tin vào sự hạ sinh trinh nguyên là ở chỗ nhiều nhà truyền giáo khác đã không hề nghe biết đến việc ấy. Cả Mark và John cùng bối rối trước lời kết tội rằng Jesus là kết quả của sự chửa hoang nhưng cả hai chẳng bao giờ nhắc đến nguồn gốc phép lạ của Người. Pauls nhắc đến Jesus như đã “sinh ra từ giống, da thịt của David” và “sinh ra từ một người đàn bà”, mà không hề nhắc đến việc đồng trinh của Mary gì cả.

Các nhà truyền giáo cũng mắc những sai lầm khác về sự thông thái, thí dụ như, Matthew trong câu 27:9-10 đã khẳng định một câu châm ngôn có nguyên do từ sách Jeremiah. Trong khi đó câu châm ngôn này thực sự đã xuất hiện trong Zechariah 11:12-13 (về việc Judas bán Jesus lấy 30 miếng bạc, cũng là tiền mua ruộng của kẻ làm đồ gốm – ghi chú của người dịch). Các phúc âm cũng mâu thuẫn trực tiếp với nhau. John cho chúng ta biết rằng Jesus đã bị đóng đinh một ngày trước khi ăn bữa Passover; Mark lại bảo là ngày hôm sau. Với ánh sáng của những khác biệt đó, làm sao quý bạn có thể tin rằng tất cả mọi phần của cuốn Thánh kinh là hoàn hảo? Bạn nghĩ sao về Muslim, Mormons, và người Sikhs vốn thường không để ý đến những mâu thuẫn trong các sách thánh của họ? Họ cũng tuyên bố những điều đại loại như “Thần thánh thiêng liêng chỉ nhìn vào thực chất cốt lõi chứ không bị ràng buộc bởi ngôn từ” (Luthers). Như thế có khiến bạn chấp nhận kinh sách của họ như những lời hoàn hảo hơn của đấng tạo nên vũ trụ?

NGƯỜI KI-TÔ giáo thường xác nhận rằng sách Thánh kinh tiên đoán được những biến cố lịch sử ngày mai. Thí dụ như sách Deuteronomy 28:64 phán rằng “ Và Đức cha sẽ rải các ngươi ra giữa mọi người, từ đầu bên này đến bờ bên kia của quả đất “ Jesus nói, trong Luke 19:43-44 “ Rồi các ngươi sẽ đến những ngày, khi quân thù sẽ dựng nên những bờ song chung quanh ngươi, bao vây các ngươi mọi phía, và ném ngươi xuống mặt đất, ngưoi và con cái ngươi bên trong, và chúng sẽ không chừa một hòn đá nào cho ngươi, bởi vì các ngươi không biết giờ thăm viếng của các ngươi” Chúng tôi nhắc đến để tin rằng nhưng lời phát biểu này sẽ tiên đoán lịch sử sau đó của người Do thái với những đặc điểm huyền bí như thế để chấp nhận một giải thích phi thường.

Nhưng hãy tưởng tượng xem cái công việc đặc biệt ngoạn mục của sự tiên tri như thế nào, nếu như đó là một sản phẩm của sự toàn trí. Nếu cuốn Thánh kinh là một cuốn sách như thế, ắt phải chứa đựng những tiên đoán chính xác hoàn hảo về những biến cố của nhân loại. Bạn phải nhận thấy cuốn sách chứa đựng những dòng như “trong nửa thế kỷ sau của thế kỷ thứ hai mươi, nhân loại sẽ phát triển một hệ thống computer liên lạc toàn cầu - những nguyên tắc mà ta đã nói trước ở Leviticius – và hệ thống này sẽ được gọi tên là internet”. Thánh kinh không có những dòng tiên đoán như thế. Thực tế, cuốn sách đã không chứa đựng một dòng nào không từng được viết ra bởi những người sống trong thế kỷ thứ nhất. Điều này chắc phải gây phiền cho bạn.

Một cuốn sách được viết bởi một con người toàn trí có thể chưa đựng một phần về toán học mà sau hai ngàn năm xử dụng liên tục, vẫn còn là một nguồn sung mãn của thông thái toán học mà nhân loại từng được biết. Thay vì thế, cuốn Thánh kinh không hề chứa đựng những thảo luận nghiêm túc về toán lại còn chứa đựng những sai lầm hiển nhiên về toán học nữa. Cuốn sách lành này nói rằng tỉ số giữa chu vi và tâm của vòng tròn là 3:1 (I Kings 7:23-26 và II Chronicles 4:2-5). Thật không ấn tượng gì lắm khi đem so sánh một cách tương đối với hằng số Pi. Tích thập phân của hằng số Pi. chạy đến vô tận – 3.1415926535…- và hiện nay các máy điện toán hiện đại cho phép chúng ta tính toán được hằng số này đến bất kỳ mức chính xác nào chúng ta muốn. Trong khi cả người Ai cập và Babylons đều chỉ đánh giá gần đúng hằng số Pi ở một vài phần mười ở vài thế kỷ trước khi những cuốn sách cũ nhất về Pi hằng được soạn ra. Cuốn Thánh kinh mang đến cho chúng ta một con số phỏng chừng vốn quá tệ ngay cả khi căn cứ vào tiêu chuẩn của thời thượng cổ. Và không có gì ngạc nhiên, chính niềm tin đã tìm cách để hợp lý hóa điều này; nhưng những sự hợp lý hóa ấy không che dấu được các khác biệt rành rành của Thánh kinh như là nguồn gốc cho thông thái của toán học. Thật tuyệt đối chính xác nếu như nhà toán học Hy lạp Archimedes soạn những phần liên quan trong I Kings và II Chronicles, thì các văn tự sẽ mang được bằng chứng mạnh hơn về sự “toàn trí ” của người viết.

Tại sao sách Thánh kinh không hề nói chi đến điện năng, hay về DNA, hay về kích thước và tuổi thực của vũ trụ? Thế còn về thuốc trị liệu cho bệnh ung thư thì sao? Khi chúng ta hoàn toàn hiểu tính sinh học của bệnh ung thư, hiểu biết này có thể dễ dàng tóm tắt lại trong vài trang chữ viết. Tại sao những trang như thế, hay một cái gì gần giống như thế không tìm được trong cuốn Thánh kinh? Ngay lúc này, người hiền lương, kẻ đạo đức giả đang chết một cách khủng khiếp từ chứng ung thư, và đa số là trẻ thơ. Thánh kinh là một cuốn sách vĩ đại. Thượng đế có chỗ để hướng dẫn chúng ta với đầy đủ chi tiết về cách giữ nô lệ và hy sinh rất nhiều loại động vật. Đối với những ai đứng bên ngoài đức tin Ki-tô giáo, thì thật là một sự ngạc nhiên cùng cực về sự tầm thường của cuốn sách và sao vẫn được nghĩ đến như một sản phẩm toàn trí .

 

(xem tiếp đoạn kế: Va chạm giữa Tôn giáo và Khoa học)

Trang Tôn Giáo