TIN KHÔNG NỔI !

Một phê bình Thiên Chúa Giáo Từ Góc Độ Phật Giáo

Trí Tánh Đỗ Hữu Tài dịch từ

Beyond Belief - A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity

của A.L. de Silva

http://sachhiem.net/SACHNGOAI/BEYOND/BYDBLF04.php

¿ Mục lục bản in |  ngày 04 tháng 11, 2009

CHƯƠNG 4 (*)

Chúa Trời và Đức Phật – Ai “tối cao” hơn ai ?

Trong lúc tín đồ Thiên Chúa giáo xem Chúa Trời như là chúa tể và đấng sáng tạo ra họ, thì Phật tử lại nhìn Đức Phật như là kiểu mẩu và lý tưởng của mình .

Mặc dù tín đồ Thiên Chúa giáo chưa hề thấy Chúa Trời, nhưng họ vẫn khẳng định biết Ngài bằng cách thông tri với Ngài qua cầu nguyện và cảm xúc được sự hiện diện của Ngài. Họ cũng khẳng định rằng họ có thể biết ý muốn của Chúa Trời bằng cách đọc các lời của Ngài mà họ xác nhận là được viết trong Kinh Thánh.

Vì các Phật tử không cầu nguyện mà cũng không công nhận Chúa Trời, nên cách duy nhất mà Phật tử có thể có được một ý niệm như thế nào về Ngài là bằng cách đọc Kinh Thánh.

 Tuy nhiên, khi Phật tử đọc những gì Kinh Thánh nói về Chúa Trời thì họ thường bị sốc. Họ nhận thấy rằng Chúa Trời như được mô tả trong Kinh Thánh là hết sức khác với những gì họ nghe tín đồ Thiên Chúa giáo mô tả về Ngài.

Trong khi Phật tử từ chối ý niệm Chúa Trời của Thiên Chúa giáo bởi nó có vẻ không hợp lý và vô căn cứ, thì họ cũng từ chối bởi vì nó có vẻ thấp kém hơn mẫu nhân vật lý tưởng của riêng họ là Đức Phật. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét điều mà Kinh Thánh nói về Chúa Trời, rồi so sánh điều đó với kinh Tipitaka (kinh của Phật tử) nói về Đức Phật, và từ đó chứng tỏ tính ưu việt về phẩm hạnh của Đức Phật.

Diện mạo và Ngoại hình

Chúa Trời trông giống ra sao? Kinh Thánh bảo Ngài tạo ra con người theo hình tượng chính mình (Gen, 1:26) vì thế, từ điều này, chúng ta có thể hình dung ra rằng ngoại diện Chúa Trời trông giống như một người đàn ông. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Chúa Trời có các bàn tay (Ex, 15:12), các cánh tay (Deut, 11:2), các ngón tay (Deut, 13:7). Chúa Trời không thích con người thấy mặt Ngài nhưng nếu nhỡ thấy lưng Ngài thì cũng không sao.

Và Ta sẽ lấy tay ta đi và các ngươi sẽ thấy phần lưng của ta nhưng các ngươi sẽ không thấy mặt. (Ex 33:23).

Tuy nhiên, mặc dù Chúa Trời có vẻ có cơ thể của một con người, nhưng đồng thời Ngài cũng trông giống các yêu quái và những thần canh cửa dữ dằn mà chúng ta thường thấy tại các đền thờ ở Ấn Độ và Trung Quốc. Chẳng hạn, Ngài có các ngọn lửa bốc ra từ thân thể.

Một ngọn lửa phát ra từ thân thể của Ngài và thiêu đốt mọi kẻ thù khắp mọi phía (Ps, 97:3).

Chúa Trời của chúng ta đến và sẽ không giữ yên lặng, phía trước Ngài là các vầng lửa và chung quanh Ngài là giông tố nổi lên giận dữ (Ps, 50:3).

Bấy giờ, người ta kêu ca nỗi gian khổ cho Chúa nghe, và khi nghe xong, cơn giận của Ngài nổi lên. Thế rồi lửa của Chúa thiêu đốt họ và phá huỷ vài lều trại vòng ngoài của họ (Num, 11:1).

Khi Chúa Trời nổi giận, mà hình như Ngài thường nổi giận lắm, khói lửa phun ra từ thân thể của Ngài.

Trái đất run rẩy và rúng động, nền móng các núi non lay động, chúng run sợ vì Ngài giận dữ. Khói phì ra từ lổ mũi Ngài, lửa đỏ phun ra rất nhiều từ miệng Ngài, làm thoát ra những cục than hồng rực sáng (Ps, 18:7-8).

Khi nhà tiên tri Ezekiel thấy Chúa Trời và các thiên thần tuỳ tùng, ông đã mô tả họ như thế này.

Vào ngày mồng năm trong tháng - đấy là năm thứ năm của cuộc lưu đày của Vua Jehoiach, thì lời của Chúa đến với thầy tế Ezekiel, con trai của Buzi, gần bên sông Kebar trong xứ sở người Ba-by-lon. Này đây là tay của Chúa đặt trên vị tiên tri. Tôi nhìn, và thấy một cơn dông bão ào đến từ phương bắc - một vầng mây lớn với sấm chớp tỏa rực và ánh sáng rực rỡ bao quanh. Ở trung tâm của ngọn lửa trông như kim loại lấp lánh, và trong ngọn lửa có cái gì trông giống bốn sinh vật dáng vẻ như con người, nhưng mỗi một sinh vật thì có bốn gương mặt và bốn cái cánh. Chân họ thẳng, các bàn chân như bàn chân của một con bê và lấp lánh như đồng thiếc được đánh bóng. Dưới các cánh ở bốn phía thì có các bàn tay như tay người. Cả bốn bọn họ đều có mặt và có cánh, và các cánh nầy tiếp xúc với nhau. Bọn họ đi thẳng về phía trước; họ không quay người khi chuyển động. Gương mặt của họ trông như thế này: Một trong bốn gương mặt là mặt người, và phía bên phải là mặt sư tử, phía bên trái là mặt bò đực, và có cả một gương mặt của chim ưng. Mặt của họ là như thế đấy. Các cánh họ dang rộng lên cao; mỗi người có hai cánh để tiếp xúc với hai cánh của sinh vật ở hai bên, và hai cánh để che phủ lấy cơ thể. Bọn họ đi thẳng về phía trước. Bất kỳ sinh vật siêu nhiên đó muốn đi đâu là họ cứ đi mà không phải xoay trở. Dáng vẻ các sinh vật đó như than rực đỏ hay như các ngọn đuốc. Lửa chuyển động tới lui giữa các sinh vật, lửa bùng sáng và sấm chớp loé ra từ đó. Các sinh vật tới lui như chớp giật. Khi nhìn các sinh vật đó, tôi thấy một bánh xe trên mặt đất bên cạnh mỗi sinh vật bốn mặt nầy. Đây là hình vẻ và cấu trúc các bánh xe: chúng nhấp nháy như hoàng ngọc, và tất cả bốn bánh xe đều giống nhau. Mỗi bánh xe được sắp đặt để có vẻ như bánh này giao nhau với bánh kia (Ezek, 1:4-21).

Tín đồ Thiên Chúa giáo thường nhìn các thần linh nhiều cánh tay và gương mặt dữ tợn trong các đền thờ Ấn Độ giáo và Lão giáo rồi khẳng định rằng những thần đó là quỷ dữ chứ chẳng phải là thánh thần gì cả – nhưng như Kinh Thánh đã làm sáng tỏ, ngoại diện của Chúa Trời của Thiên Chúa giáo thì cũng rất tương tự như các thánh thần ở trên. Hơn nữa, nếu có một thần Ấn Độ giáo và Lão giáo mang nhiều vũ khí khác nhau, thì Chúa Trời của Thiên Chúa giáo cũng thế thôi.

Vào ngày đó, Chúa sẽ trừng phạt bằng lưõi gươm của Ngài, lưỡi gươm cuồng nộ, to lớn và dũng mãnh của Ngài (Is, 27:1).

Mặt trời và mặt trăng đứng yên trên bầu trời vì tia sáng phát ra từ các mũi tên đang bay của Ngài, vì ánh sáng ngọn giáo nung nóng của Ngài. Trong cơn cuồng nộ, Ngài vượt xuyên qua địa cầu và trong cơn giận dữ Ngài trừng phạt các dân tộc (Haba, 3:11-12).

Từ trời cao, Chúa nổi sấm sét, giọng nói của Đấng Tối cao vang lên. Ngài bắn các mũi tên của Ngài làm kẻ thù tan lả tả (Ps, 18:13-14).

Nhưng Chúa sẽ bắn chúng bằng các mũi tên, thình lình chúng sẽ bị đốn ngã (Ps, 64:7).

Thế rồi Chúa sẽ xuất hiện trên đầu chúng, các mũi tên của Ngài loé lên như tia chớp. Chúa tối cao sẽ nổi kèn xuất quân (Zech, 9:14).

Một điều thú vị khác là dáng vẻ của Chúa Trời thì giống như các thần phi-Thiên Chúa khi Ngài di chuyển. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Chúa Trời di chuyển từ chổ này sang chổ khác hoặc bằng cách ngồi trên các vầng mây (Is, 19:1) hoặc cỡi trên lưng một thiên thần (Ps, 18:10). Rõ ràng là từ các trích dẫn này, Chúa Trời có một dáng vẻ man rợ và kinh khiếp; một kết luận xác minh lần nữa bởi Kinh Thánh rằng trong đó con người được mô tả cực kỳ khiếp sợ bóng dáng của Chúa Trời.

Hãy thờ phụng Chúa với sợ hãi và run sợ, hãy hôn bàn chân Ngài nếu không Ngài sẽ nổi giận và các ngươi sẽ bị diệt vong, vì sự phẫn nộ của Ngài thì dễ bị kích động một cách nhanh chóng (Ps, 2:11).

Bởi thế, con khiếp sợ sự hiện diện của Ngài. Khi nghĩ đến Ngài là con kinh sợ Ngài, Chúa Trời đã làm cho tim con yếu ớt. Đấng Thượng Đế đã kinh động con (Job, 23:15).

Giê-su thường nói rằng chúng ta phải kính sợ Chúa Trời (Lk, l2:4 -5). Kinh Thánh cũng nói một cách đúng đắn rằng nơi nào có sợ hãi thì nơi đó không thể có yêu thương (I Jn, 4:18) và vì thế, nếu Chúa Trời đã làm cho con người sợ hãi thì thật là khó hiểu làm sao mà đồng thời, con người có thể yêu thương Ngài một cách chân thành được.

Còn Đức Phật thì giống như thế nào? Là người, Đức Phật có thân thể của một con người bình thường. Tuy nhiên, Tipitaka (kinh của Phật tử) thường nói Ngài có vẻ đẹp cao cả riêng.

Ngài đẹp đẻ, xinh tươi, dễ nhìn, một hình sắc tốt đẹp nhất, hình thể và nét trang nghiêm của ngài như Brahma, ngoại hình của Ngài đẹp đẻ (Digha Nikaya, Kinh số 4).

Ngài đẹp đẻ, gây được niềm tin, với ý thức điềm tĩnh và tâm trí thanh tịnh, trầm tĩnh và tự chủ, như một con voi được thuần phục một cách hoàn hảo (Anguttara Nikaya, Kinh số 36).

Bất cứ khi nào người ta thấy Đức Phật, nhân dáng điềm tĩnh của Ngài bao trùm lấy họ bằng sự an lành, và nụ cười nhẹ nhàng của Ngài an ủi họ. Như chúng ta đã thấy, giọng nói của Chúa Trời vang to và khủng khiếp như sấm (Ps, 68:33), thì giọng nói của Đức Phật lại nhẹ nhàng và êm dịu.

Khi ở tu viện, nếu Ngài đang giảng Pháp, Ngài đã không đề cao hay xem thường cử toạ. Trái lại, Ngài làm cho họ vui thích, được nâng cao, được hứng khởi vàlàm họ sung sướng với bài Pháp. Âm thanh giọng nói của Phật có tám đặc điểm; đấy là dứt khoát và dễ hiểu, ngọt ngào và dễ nghe, lưu loát và trong sáng, sâu xa và âm vang (Majjihima Nikaya, Kinh số 19).

Chúa Trời mang vũ khí vì Ngài phải giết kẻ thù của mình và vì Ngài khống chế con người bằng bạo lực và đe doạ. Đức Phật, trái lại, chẵng tỏ ra thù hằn ai và có thể kiểm soát người khác bằng lý lẽ. Nói về Đức Phật, có lần Vua Pasenadi đã nói:

Ta là vua, có thể thi hành những gì cần thi hành, trừng phạt những ai cần trừng phạt, hay lưu đày những ai cần lưu đày. Nhưng khi ta đang ngồi ở một phiên toà, đôi lúc có người chận ngang cả ta. Ngay chính ta cũng không có cả cơ hội để nói “Đừng cắt lời ta! Hãy đợi ta nói xong đã.” Nhung khi Đức Phật giảng Pháp, không có ngay cả một tiếng ho của thính chúng. Một lần nọ, trong khi ta ngồi nghe Ngài thuyết Pháp, bỗng có một môn đồ nào đó ho lên một tiếng, và một đồng môn đã gõ lên đầu gối kẻ nọ rồi nói, “Thưa bạn, hãy yên lặng, đừng làm ồn. Sư phụ chúng ta đang giảng Pháp”, và ta tự nghĩ, thật là kỳ diệu, thật là phi thường, các môn đồ đã được khéo dạy dỗ mà chẵng cần roi vọt hay gươm đao gì (Majjhima Nikaya, Kinh số 89).

Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Trời sẽ phản ứng thế nào nếu một ai đó dại dột chen ngang khi Ngài đang nói. Chúng ta cũng có thể hiểu từ những điều nói trên rằng vóc dáng Đức Phật đã phản ánh sự trầm tỉnh và tình thương sâu xa bên trong. Người ta luôn say mê hứng khởi do vầng hào quang bình an bao bọc quanh Đức Phật.

Bản chất Trí tuệ

Chúng ta đã thấy rằng Phật tử không tin vào Chúa Trời bởi vì đối với họ ý niệm về một vị “Chúa” là vô lý và trái ngược với hiện thực. Phật tử cũng bác bỏ “Chúa” của người Thiên Chúa giáo vì, nếu Kinh Thánh đúng, Chúa Trời có vẻ không được hoàn hảo lắm. Hầu hết những người có học thức không thể chấp nhận được những xúc cảm tiêu cực mà họ tìm thấy nơi Chúa Trời. Chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh mô tả trí tuệ Chúa Trời như thế nào.

Tính tình nỗi bật nhất của Chúa Trời, hơn hẳn những tính tình khác, là tính ghen tị. Thậm chí chính Ngài còn thừa nhận Ngài là kẻ tị hiềm.

Bởi vì Chúa là một ngọn lửa huỷ diệt, một Chúa Trời tị hiềm (Deut 4:24).

Không gì làm Chúa Trời đố kỵ bằng người ta thờ phụng các thần linh khác, và thậm chí Ngài còn bảo chúng ta phải giết ngay con của mình nếu chúng theo các thần linh khác.

Nếu anh em của ngươi, con trai con gái của ngươi, vợ ngươi hay bạn bè chí cốt của ngươi, bí mật dụ dỗ ngươi, bảo rằng, “ chúng ta hãy thờ phụng thần linh khác” mà ngươi hoặc cha ngươi chẵng hề biết các thần linh đó quanh ngươi dù xa dù gần, dù đầu này hay đầu kia trái đất, thì ngươi không được khuất phục hay nghe theo lời nó, cũng không thương xót, không tha thứ, không che dấu nó, nhưng ngươi phải giết nó mà thôi. Chính tay ngươi phải là bàn tay đầu tiên chống lại nó, giết nó và sau đó mọi kẻ khác có thể đánh đập nó (Deut, 13:6).

Kinh Thánh còn cho chúng ta biết rằng Chúa Trời thường mất bình tỉnh và nổi giận.

Hãy xem, ngày của Chúa đang đến - một ngày tàn bạo, với phẩn nộ và giận dữ ác liệt, để làm cho mặt đất hoang phế và huỷ diệt những kẻ tội lỗi trên đó (Is, 13:9).

Chúa Trời giận dữ hàng ngày (Ps, 7:11).

Chúa sẽ làm cho con người nghe giọng nói uy nghi của Ngài và sẽ làm cho họ thấy cánh tay Ngài giáng xuống với giận dữ điên cuồng va đầy lửa (Is, 30:30).

Cơn giận dữ của Ngài sẽ thiêu đốt các ngươi và Ngài sẽ huỷ diệt các ngươi trên mặt đất (Deut, 6:15).

Chúa Trời bảo chúng ta phải thương yêu, nhưng Ngài thì được mô tả như là kẻ hận thù và đầy ghê tởm.

Các ngươi phải ghét tất cả ai làm điều sai trái. Các ngươi phải huỷ diệt những ai nói dối, Chúa căm thù những kẻ khát máu và lừa lọc ( Ps, 5:5-6).

Ngài còn được mô tả thêm nữa là ghét nhiều thứ cũng như ghét con người (xem 16:22, Mala, 2:16; Lev, 26:30). Chúa Trời đặc biệt ghét sâu xa các tôn giáo khác, điều nầy có lẽ giải thích tại sao Thiên Chúa giáo đã luôn luôn là một tôn giáo bất khoan dung như thế. Ngài thường được mô tả đặc biệt thù ghét những ai không thờ phụng Ngài.

Linh hồn ta thù ghét các lễ tiết và các lễ hội đã định của các ngươi (Is, 1:14).

Đức Phật có lòng trắc ẩn đối với những kẻ hung dữ, Ngài tha thứ những ai đã làm điều sai quấy, và tôn trọng các tôn giáo khác. Chúng ta thấy Chúa thì đố kỵ và căm ghét, có lòng thù hận, và chẵng ngạc nhiên khi Kinh Thánh thường đề cập đến sự trả thù của Chúa.

Coi chừng, Chúa của các ngươi sẽ đến với sự báo thù (Is, 35:4).

Chúa đang báo thù và phẩn nộ, Chúa báo thù các đối phương của Ngài và phẩn nộ với các kẻ thù của Ngài (Nahum 1:2).

Bởi vì chúng ta biết Ngài là người nói rằng “Chính ta phải báo thù, ta phải báo oán”, và thêm nữa “Chúa sẽ phán xét dân Chúa”. Đấy là một điều khủng khiếp khi rơi vào tay Chúa (Heb, 10:30-31). ( Xem cả ở Rom, 1:8, 2:5-6, 12:19).

Sẽ có ích gì khi tôn sùng một vị Chúa Trời tâm hồn đầy vẩn đục, một sự vẩn đục mà chúng ta đang cố gắng vượt qua?

Suốt bốn mươi năm sau khi giác ngộ, Đức Phật cố thuyết phục con người từ bỏ tính giận dữ, đố kỵ và bất khoan dung, và suốt đời không một lần nào Ngài không làm theo những gì Ngài đã dạy kẻ khác.

Ngài làm điều Ngài dạy, và dạy điều Ngài làm, tri hành hợp nhất. Chúng ta không tìm ra một vị thầy nào khác hơn Ngài, người rất nhất quán về điều này dù chúng ta nghiên cứu trong quá khứ hay hiện tại (Digha Nikaya, Kinh số 19).

Trong toàn bộ kinh Tipitaka, chẳng có một chứng cớ nào nói về Đức Phật biểu hiện tình cảm giận dữ, căm giận, đố kỵ v.v., cho nên vì hoàn hảo, Ngài đã thoát ra khỏi mọi tình cảm tiêu cực.

Thái độ đối với Chiến tranh

Kinh Thánh nói với chúng ta rằngcó thời điểm cho hận thù và có thời điểm cho chiến tranh (Ex, 3:8),và ngày nay, ai cũng biết rằng hai điều xấu xa lớn lao nầy, hận thù và chiến tranh, thì phụ thuộc vào nhau. Như chúng ta đã thấy ở trên, Chúa Trời rất có khả năng giận dữ, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Ngài dính líu đến chiến tranh.

Chúa là một chiến binh.(Ex, 15:3).

Chúa ở trong ngươi, Chúa là một chiến binh mang lại chiến thắng (Zeph, 3:17).

Chúa tiến tới như một người phi thường, như một chiến binh, Ngài khích động điên cuồng, Ngài hét lớn , la to, Ngài tỏ ra dũng mãnh chống lại kẻ thù (Is, 42:13).

Khi Ta mài nhọn thanh gươm nung nóng và tay Ta siết chặt nó lúc phán xét, Ta sẽ báo thù đối phương và báo oán những ai thù ghét Ta, Ta sẽ để những mũi tên của Ta say máu trong lúc thanh gươm của Ta ngấu nghiến máu thịt kẻ đã bị giết và xác những tù binh , ngấu nghiến đầu của những kẻ lãnh đạo thù địch (Deut, 32:41-42).

Từ nhiều thế kỷ qua, tín đồ Thiên Chúa giáo được gợi hứng từ các đoạn văn đó trong Kinh Thánh, đã khuyến khích và thậm chí tuyên dương chiến tranh, đã sử dụng bạo lực để truyền bá tôn giáo của họ. Thậm chí cho đến ngày nay, Thiên Chúa giáo vẫn phảng phất mùi vị quân phiệt rõ rệt. Đội quân Thập tự chinh với phương châm “ Máu và Lửa”; các thánh ca hát về “Tiến lên, hởi các chiến binh Thiên Chúa giáo hãy xông ra sa trường”; “Vinh danh Chúa và hãy đưa đạn đây” v.v. Nội dung Kinh Thánh có hàng lô ví dụ về chuyện Chúa giúp những người mộ đạo chiếm đoạt các thành phố, tàn sát thường dân và đánh bại quân thù (ví dụ Num, 21:1-3, Num, 31:1-12, Deut, 2:32-34, Deut, 3:3-7, Josh, 11:6-11, v.v.).

Về vấn đề tù binh, Chúa bảo:

Và các ngươi phải huỷ diệt tất cả những người nào mà Chúa đã giao cho các ngươi, các ngươi không được xót thương họ (Deut, 7:16).

Khi Chúa giao họ cho các ngươi và các ngươi đánh bại được họ, thì các ngươi phải tiêu diệt toàn bộ và không được tỏ ra thương xót (Deut, 7:2).

Ngay cả tín đồ Thiên Chúagiáo cũng thường bị sốc khi đọc các đoạn này. Còn Phật tử thì cảm thấy rõ ràng những đoạn đó đã xác quyết cho lý do vì sao họ không chấp nhận Chúa Trời và vì sao họ tin vào Đức Phật.

Thái độ đối với chiến tranh của Đức Phật là gì?

Chẵng hề có một ví dụ nào về Đức Phật tán dương chiến tranh, khuyến khích chiến tranh, hay tự gây chiến tranh. Ngược lại, Ngài được mô tả theo chủ trương sống trong hoà bình và hoà hợp. Và được mô tả như sau:

Ngài là một nhà hoà giải những ai đang xích mích và cổ vũ những ai đang đoàn kết, hoan hỉ yêu thích vui thú trong hoà bình, Ngài là người đề cao hòa bình (Digha Nikaya, Kinh số1).

Ngài là một gương mẫu về con người hoà bình.

Từ bỏ giết chóc, thầy tăng Cồ Đàm sống không sát sinh, chẵng có gậy gộc gươm đao, Ngài sống với chăm lo, tình thương, và đồng cảm với người khác (Digha Nikaya, Kinh số 1).

Đức Phật không chỉ hài lòng với chuyện tuyên dương hoà bình hay tự làm cho mình an lạc. Ngài còn tích cực đẩy mạnh hoà bình bằng cách nỗ lực ngăn chặn chiến tranh. Khi các bà con thân thích của Ngài sắp bước vào cuộc chiến tranh vì tranh chấp gìòng nước sông Rohini, Đức Phật đã không đứng về phe nào, không động viên phe nào, không tư vấn chiến thuật cho phe nào, hay không bảo phe nào đừng thương xót kẻ thù như Chúa Trời đã làm. Thay vào đó, Ngài đứng giữa hai phe và nói “Máu hay nước, cái gì quý hơn?” Những người chiến binh bèn trả lời , “Thưa Ngài, máu quý hơn”. Thế rồi Đức Phật bảo “Thế thì đổ máu vì nước có đúng không?” Cả hai phe vội buông vũ khí và hoà bình được vãn hồi (Dhammapada Atthakata, sách số l5,l).

Đức Phật gạt hận thù sang một bên và tâm Ngài chứa đầy yêu thương và trắc ẩn, vì thế, đối với Ngài, tán đồng chiến tranh là điều không thể chấp nhận được.

Ý tưởng về Công lý

Công lý là phẩm chất của công bằng, và con người phải hành xử một cách công bằng và phù hợp với điều đúng. Tuy nhiên, ý tưởng về công bằng và đúng thì tùy thời và tùy người. Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng Chúa Trời của họ thì công bằng, vậy chúng ta thử xem các hành vi của Chúa Trời để thông qua đó mà biết ý tưởng về công lý của Ngài ra sao.

Chúa Trời bảo chúng ta rằng ai không vâng lời Ngài sẽ bị phạt đi phạt lại “bảy lần” (Lev, 26:18), có nghĩa là một tội sẽ bị phạt bảy lần. Dĩ nhiên Chúa xem cách phạt này là công bằng và đúng. Ngài lại còn bảo chúng ta rằng Ngài sẽ trừng phạt con, cháu, và cả chắt của kẻ phạm tội .

Ta là vị Chúa đố kỵ, ta sẽ trừng phạt những đứa trẻ vì tội của cha chúng, phạt cho đến thế hệ thứ ba thứ tư những ai dám khinh ghét ta (Deut, 5:9).

Điều nói trên được biết như một cách trừng phạt tập thể: trừng phạt toàn gia tộc hay toàn nhóm chỉ vì một thành viên trong nhóm đó phạm tội. Ngày nay, trừng phạt tập thể đã bị lên án là không công bằng và không đúng đắn, nhưng hình như Chúa Trời thì vẫn xem biện pháp đó là hoàn toàn đúng.

Chúa Trời bảo chúng ta là ngay các vi phạm nhỏ cũng phải phạt tử hình. Ví dụ, những ai làm việc ngày Chủ nhật đều phải bị ném đá đến chết. Có lần, có một người đàn ông bị bắt gặp đang nhặt củi ngày Chủ nhật, Chúa bèn phán cùng Moses và những người đã bắt được người đàn ông đó rằng:

“Người đàn ông đó phải chết. Toàn bộ các ngươi phải ném đá hắn bên ngoài lán trại.” Thế là tập thể đó đưa người đàn ông ra ngoài lán trại và ném đá y đến chết như lời Chúa đã phán cho Moses (Num, 15:32-36).

Quan niệm về công lý của Chúa Trời hình như không chấp nhận ý niệm rằng hình phạt phải tương xứng với tội phạm. Chúng ta đã nghe rằng tất cả những ai không kính yêu Chúa Trời thì sẽ bị trừng phạt trong hoả ngục đời đời. Tuy nhiên, có nhiều người tốt bụng, trung thực, độ lượng, nhưng chỉ vì không tin Chúa Trời nên tất cả đều sẽ bị sa vào địa ngục. Như vậy có công bằng và đúng không? Có vẽ như Chúa Trời nghĩ rằng như thế là công bằng và đúng !.

Thế Đức Phật có công bằng không? Đức Phật đã đạt được sự tự do giác ngộ và Ngài dạy những kẻ khác làm thế nào để có thể cũng được giác ngộ như Ngài. Không như Chúa Trời, Đức Phật chủ yếu không phải là một người làm luật, không phải là một quan toà, hay không phải là người thi hành hình phạt: Đức Phật là một vị Thầy. Trong mọi đối xử của Ngài với người khác, Ngài đều công bằng, dịu dàng và nhân từ, và Ngài thúc giục những môn đệ hành động theo cách thức đó. Nếu ai đó phạm lỗi lầm, Ngài dạy ta không nên vội vã trừng phạt người đó.

Khi các con đang sống hoà thuận với nhau, một vị sư đồng môn có thể phạm giới. Nhưng các con không được vội vã quy tội người này, trước hết, vấn đề đó phải được xem xét thật thận trọng đã (Majjhima Nikaya, Kinh số 103).

Thêm nữa, khi khảo xét một ai, Phật dạy ta không được để cho xu hướng hay thành kiến ảnh hưởng, mà phải nhìn trường hợp đó từ hai phía.

Đừng phán xét vội vã, con người chỉ trở thành sáng suốt khi họ nghiên cứu tỉ mỉ cả hai phía. Người mà không phán quyết tùy tiện kẻ khác, nhưng phán quyết không thiên vị và phù hợp với các sự kiện, người đó là kẻ bảo vệ pháp luật và được đúng đắn gọi là công bằng (Dhammapada 256-257).

Đối với hình phạt, Đức Phật cho rằng ném đá ai đến chết hay bất cứ hình thức xử phạt tử hình nào cũng đều tàn nhẫn cả. Bản thân Ngài luôn luôn sẵn sàng tha thứ. Có lần, có một người tên là Nigrodha đã lăng nhục Đức Phật, và sau đó nhận biết lỗi lầm của mình nên thú tội với Đức Phật. Đầy tình thương và khoan dung, Đức Phật nói với người nầy rằng:

Nầy Nigrodha, lỗi lầm đã thắng con vì chính sự ngu dốt, mù quáng và ác tính đã làm cho con nói xấu ta như thế. Nhưng vì con đã nhận thức được lỗi lầm của mình và đã sửa đổi lại cho đúng, ta chấp nhận lời thú tội của con (Digha Nikaya, Kinh số 25).

Đức Phật tha thứ tất cả dù họ chấp nhận việc truyền dạy của Ngài hay không, và thậm chí nếu Nigrodha có không tạ tội chăng nữa thì Đức Phật cũng sẽ không đe doạ trừng phạt Nigrodha. Đối với Đức Phật, phản ứng đúng đắn với tội lỗi không phải là đe doạ trừng phạt mà là giáo huấn và tha thứ. Như Ngài đã nói:

Ta có thể biết được một người có khôn ngoan hay không là nhờ ba điều. Ba điều gì ? Thứ nhất, họ có thấy được đúng lỗi lầm của họ không. Thứ nhì, khi họ đã thấy lỗi lầm, họ có sửa chữa không, và thứ ba, khi một kẻ khác đến thú tội, họ có làm điều đáng làm là tha thứ cho kẽ phạm tội không (Anguttara Nikaya, Book of Threes, Kinh số 10).

Thái độ đối với Bệnh Tật

Bệnh tật, ốm đau, dịch bệnh đã là thảm hoạ cho loài người từ nhiều thế kỷ nay, gây ra đau đớn và thống khổ không kể xiết. Nhưng Kinh Thánh lại trình bày cho chúng ta thấy rằng Chúa Trời luôn luôn xem bệnh tật như một cách thức hữu hiệu để bày tõ sự giận dữ của Chúa, và dùng chúng để thực hiện sự báo thù của Ngài. Khi vua Ai Cập từ chối thả người Do Thái, Chúa đã gây ra ung nhọt mưng mủ khởi phát nơi “tất cả người Ai Cập”(Ex 9:8-12). Chúa Trời đã dùng tai ương này để trừng phạt đàn ông, đàn bà, con nít và trẻ sơ sinh vì tội lỗi của một người. Sau này, Chúa Trời còn khiến cho mọi bé trai đầu lòng đều bị chết. Ngài nói:

Mọi đứa con trai đầu lòng ở Ai Cập đều phải chết, từ con trai đầu lòng của vua Ai Cập đang trị vì trên ngai vàng, cho đến con trai đầu lòng của người đàn bà nô lệ ngồi ở cối xay. Khắp Ai Cập sẽ vang rền tiếng kêu than - tệ hại hơn như chưa từng bao giờ đã có và sẽ có(Ex, 11:5-6).

Đấy là một thí dụ điển hình khác về ý tưởng công bằng và tình thương của Chúa. Hàng ngàn đàn ông, con trai và trẻ sơ sinh vô tội đã bị Chúa Trời giết vì vua Ai Cập không vâng lời. Ở nhiều nơi trong Kinh Thánh, Chúa Trời tuyên hứa rằng sẽ gieo rắc bệnh tật khủng khiếp xuống những ai không theo các điều răn của Ngài.

Chúa sẽ gây bệnh dịch cho đến khi Ngài tiêu diệt được các ngươi …Chúa sẽ giáng xuống các ngươi bệnh tật huỹ hoại, với sốt và viêm nhọt...(Deut, 28:21-22).

Chúa sẻ giáng xuống các ngươi loại ung nhọt của Ai Cập và ung bướu, sưng tấy ngứa ngáy, mà các ngưoi chẳng thể chữa khỏi (Deut, 28:27).

Chúa sẽ mang đến cho các ngươi và hậu duệ những dịch bệnh đáng sợ, tai ương khắc nghiệt và dai dẳng, và sự đau ốm nặng nề kéo dài. Ngài cũng sẽ giáng xuống các ngươi những tai ương của Ai Cập làm các ngươi phải sợ hãi, và chúng sẽ bám dính vào thân thể các ngươi. Chúa cũng sẽ đem đến cho các ngươi đủ thứ ốm đau và tai họa (Deut, 28:59-61).

Đôi lúc, thậm chí Chúa Trời còn gieo rắc bệnh tật ghê gớm lên con ngừơi chỉ để thử thách lòng tin của họ. Để thử thách ông Job, Chúa Trời khiến tất cả con cái ông ta đều bị giết hết (Job, 1:18-19) và chính ông Job cũng mắc phải một chứng bệnh ghê gớm (Job, 2:6-8). Đau khổ quá sức chịu đựng, ông Job đã ước mong đừng sinh ra làm gì (Job, 3:3-26).

Thậm chí Chúa Trời còn tạo ra những ngươi mù để họ kéo lê cuộc sống ăn xin và mò mẫm trong bóng tối chỉ để cho Giê-su có thể chữa lành họ một cách kỳ diệu, hầu chứng tỏ quyền năng của Chúa Trời (Jn, 9:1-4). Rõ ràng rằng Chúa Trời chỉ thấy bệnh tật, đau ốm như là những phương tiện hữu hiệu để trừng phạt con người, và để chứng tỏ quyền năng bao trùm của Ngài.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn thái độ của Đức Phật đối với bệnh tật. Đức Phật thấy bệnh tật và đau ốm là một phần của đau khổ nói chung, mà vì vậy Ngài đã đến để dạy cách giải thoát chúng sinh. Ngài được gọi là vị “Thầy thuốc của tình thương”. Chẵng có một ví dụ nào mà trong đó Đức Phật gây ra bệnh tật cho con người để trừng phạt họ hay vì giận dữ họ. Đức Phật hiểu đúng đắn rằng chừng nào chúng ta còn thể xác thì ngày đó chúng ta còn chịu đựng bệnh tật. Ngài thúc dục mọi người đạt đến cõi Niết bàn và giải thoát vĩnh viển khỏi đau khổ. Trong lúc Ngài cố cắt bỏ vấn đề tận gốc rễ, Ngài cũng thực hành việc xoa dịu nổi đau và phục hồi sức khoẻ cho họ. Thay vì gieo rắc bệnh tật lên con ngưòi như Chúa Trời đã làm, Ngài dạy các lời khuyên thực dụng để làm sao giúp đỡ và an ủi nổi đau.

Có năm phẩm chất để một người xứng đáng chăm sóc bệnh nhân. Năm phẩm chất gì? (1) Người có thể chuẩn bị thuốc men đúng; (2) người biết cái gì tốt cho bệnh nhân và cung cấp cho họ, và cái gì không tốt để không cung cấp; (3) người chăm sóc kẻ ốm vì tình thưong chứ không phải vì mong chờ lợi nhuận; (4) người không ngại ngùng với phân, nước tiểu, chất nôn mửa và nước dải; và (5) người đôi lúc có thể chỉ dẫn, truyền cảm hứng, làm vui và thoả mãn bệnh nhân bằng cách nói Pháp (Anguttara Nikaya, Book of Fives, Kinh số 124).

Ngài không chỉ dạy điều này mà còn thực hành theo những gì Ngài truyền dạy. Có một lần Ngài gặp một thầy tăng bị ốm, nhếch nhác và nằm trên đống phân của mình, Ngài bèn tắm rữa cho ông ta, an ủi ông ta và gọi các thầy tăng khác đến để Ngài nói với họ rằng, “Nếu các con đã có thể chăm sóc ta, thì cũng hãy chăm sóc nhũng ai ốm đau” ( Vinaya Mahavagga , 8).

Khi Chúa Trời tức giận, Ngài gieo rắc bệnh tật lên con ngưòi và nhìn họ đau khổ. Khi Đức Phật thấy con người đau khổ vì bệnh tật, từ lòng thương, Ngài đã làm tất cả những gì có thể được để phục hồi sức khoẻ cho họ.

Tạo ra cái Xấu

Tuy Chúa Trời tạo ra mọi điều tốt, nhưng vì Ngài tạo ra mọi thứ, nên chính Ngài cũng tạo ra mọi điều xấu. Đích thân Chúa Trời đã bảo rằng:

Ta là Chúa tể và ngoài ta ra không có vị Chúa tể nào khác. Ta tạo ra ánh sáng và bóng tối, ta làm ra cái tốt và cái xấu (Is, 45:7-8). (Xem cả ở Rom, 11:32).

Khi chúng ta nghĩ về thiên nhiên và chúng ta nhớ rằng Chúa Trời được cho là đã sáng tạo ra mọi thứ trên đời nầy thì chúng ta phải hiểu cho đúng ý nghĩa của nó. Vi trùng phong cùi gây ra thống khổ không kể xiết là do Chúa Trời tạo ra. Vi trùng lao giết hại và làm biến dạng hàng triệu người mỗi năm cũng do Chúa Trời tạo ra.. Chúa tạo ra vi khuẩn dịch bệnh, chấy rận và chuột bọ, những con nầy đã cùng nhau gây ra dịch hạch, và qua hàng thế kỷ có lẽ đã giết hại hàng trăm triệu người. Năm 1665, chỉ riêng ở Luân đôn đã có 68.000 người chết vì dịch. Không nghi ngờ gì nữa, đấy là điều Chúa Trời muốn nói khi Ngài bảo Ngài tạo ra bóng tối và xấu xa.

Nhưng Chúa Trời cũng tạo ra các dạng xấu xa khác nữa. Ngài nói:

Khi tai hoạ ụp xuống một thành phố, đó không phải là do Chúa gây ra ư? (Amos, 3:4).

Chẵng còn gì phải nghi ngờ nữa rằng “tai họa” mà Chúa đề cập đến chính là động đất, hoả hoạn, xung đột xã hội, chiến tranh và các hình thức xấu xa khác thỉnh thoảng lại ụp xuống đầu các đô thị hay thành phố của loài người. Chúng ta đọc được cả ở trong Kinh Thánh rằng thậm chí ma quỹ cũng đến từ Chúa Trời. Trong 1 Samuel, 16:14-16, chúng ta được kể chuyện Chúa Trời đã cho ma quỹ đến hành hạ ông Saul.

Đức Phật có tạo ra sự xấu không? Vì Ngài không phải là một vị Chúa sáng tạo, ngài không thể chịu trách nhiệm về “bóng tối và xấu xa” nào cả. Cái độc nhất Ngài “tạo” ra là Pháp, mà Ngài đã khám phá và công bố cho toàn thế giới. Và Pháp của Ngài chỉ mang lại ánh sáng, điều tốt lành và sự nhân hậu đến bất kỳ chổ nào mà Pháp được truyền bá đến.

Sự Hiến Tế

Trong thời Cựu Ước, khi người ta vi phạm các điều răn của Chúa Trời, Ngài sẽ nổi giận và kẻ phạm tội chỉ có một cách để chuộc tôi và xoa dịu cơn giận của Chúa Trời là hiến tế một súc vật còn sống. Chính Chúa Trời đã hướng dẫn tỉ mỉ cho chúng ta cách giết các con vật như thế nào.

Nếu là loài chim bị nướng để hiến dâng cho Chúa, thì chúng sẽ phải là bồ câu hay bồ câu non. Thầy tế sẽ mang bồ câu đến trước bàn thờ, ngắt đầu và thiêu nó trước bàn thờ, máu của nó sẽ được bóp chảy ra một bên bàn thờ. Thầy tế thu gom tất cả và ném về phía đông bàn thờ, là nơi đổ tro. Thầy tế xé cánh chim nhưng đừng xé hết, và thiêu nó trên đống lửa củi bên cạnh bàn thờ (Lev, 1:14-17).

Chúa Trời còn bảo cho chúng ta biết rằng khi thịt, mỡ, da và xương của con vật bị hiến tế được ném vào lửa và cháy nóng lên, Ngài thích mùi thơm đó lắm (Lev, 1:9, 1:17). Nhưng không phải tất cả vật hiến tế nào Ngài yêu cầu cũng là súc vật, đôi lúc Ngài còn đòi hiến tế cả con người. Có lần Chúa bảo Abraham rằng:

Hảy đem con trai Isaac của ngươi, đứa con trai độc nhất mà ngươi yêu thương, đến vùng Moriah. Ngươi sẽ thiêu nó để hiến dâng cho Ta trên một ngọn núi mà Ta sẽ cho ngươi biết (Gen 22:2).

Abraham đem con trai của mình đến nơi, Chúa Trời bèn chỉ dẫn cách lập một bàn thờ, đặt đứa con trai lên đó rồi rút dao ra. Ngay khi ông ta vừa tính cắt cổ đứa con trai mình, thì một thiên thần đã ngăn Abraham lại (Gen, 22:12).

Abraham được xem là người ngoan đạo vì ông ta mù quáng, chẳng thắc mắc, và tự nguyện làm bất cứ điều gì Chúa Trời bảo, ngay cả việc tàn sát đứa con trai của mình để hiến tế cho Chúa.

Các thế kỷ về sau, vì tội lỗi con người càng tệ hại hơn nên nếu chỉ hiến tế súc vật mà thôi đã không làm cho Chúa Trời nguôi giận . Chúa đã đòi phải hiến tế một nạn nhân lớn lao hơn, giá trị hơn – đó là Giê-su, con ruột của Ngài. Một lần nữa, máu của một nạn nhân lại đổ ra để chuộc tội lớn nhất nhằm hoà giải giữa Chúa Trời và những kẻ có tội. Do đó, những tín đồ Thiên Chúa giáo hiện đại thường nói rằng “tội lỗi của họ đã được rửa sạch bằng máu của Giê-su”.

Đức Phật đã nghĩ gì việc hiến tế súc vật hay con người? Vào thời Đức Phật, những thần Ấn Độ giáo cũng được hiến cúng súc vật như Chúa Trời của người Thiên Chúa giáo vậy, và vì thế Đức Phật cũng đã quan tâm đến lề thói này. Tuy nhiên, Ngài xem việc hiến tế là thông tục, tàn nhẫn và vô ích.

Việc hiến tế ngưòi hay ngựa, Nghi lễ Ném Heo, tục Dâng Rượu lễ, Nghi lễ Chiến thắng, lễ Rút Then, tất cả các nghi lễ đó chẵng đáng một xu nhỏ so với con tim tràn đầy yêu thương, cũng như các vì sao bị lu mờ trước ánh sáng rực rở của mặt trăng. (Anguttara Nikaya, Sách số 8, Kinh số 1).

Tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng máu hiến dâng của Giê-su sẽ rửa sạch tội lỗi cho họ cũng như tín đồ Ấn Độ giáo thời Đức Phật tin rằng tắm trong các giòng sông linh thiêng thì có thể rửa sạch tội lỗi. Đức Phật đã phê phán ý tưởng đó của Ấn Độ giáo như Ngài cũng sẽ phê phán ý tưởng của Thiên Chúa giáo nếu Ngài biết trước được điều đó. Tin rằng máu, nước hay bất cứ ngoại vật nào có thể thanh tẩy con tim, một vật nội tâm, thì thật là điên rồ.

Trong giòng sông Bakura ở Adhikka, tại Gaya, trong giòng sông Sarassati, Payaga hay Bahumati, người ngu xuẩn có thể tắm gội liên tục nhưng không thể nào họ rửa sạch được những hành vi xấu xa của mình. Sông Sundrika , Payaga hay Bahumati có thể làm được gì? Chúng không thể tẩy rửa một con người giận dữ, tội lổi vì đã chủ định làm những việc xấu xa. Vì giữ cho con tim trong trắng hằng ngày là may mắn, và giữ cho con tim trong trắng hàng ngày là linh thiêng. (Majjhima Nikaya, Kinh số 7).

Như vậy, tắm mình trong máu lễ hay trong các giòng sông linh thiêng thì không bằng tự mình thanh tẩy bằng hành động trong sáng. Cách hiến tế duy nhất mà Đức Phật đòi hỏi chúng ta thực hiện là từ bỏ lòng vị kỷ và thay bằng tình thương, trí tuệ và tâm từ bi.

Tình Thương

Chúng ta thường nghe nói rằng Chúa Trời là tình yêu và Kinh Thánh đôi lúc cũng đề cập đến tình yêu như là một thuộc tính của Chúa Trời. Tuy nhiên, có nhiều loại tình yêu. Một người có thể yêu thương con cái của mình nhưng lại ghét con cái láng giềng. Kẻ khác có thể yêu tổ quốc mình mãnh liệt nhưng thù ghét kịch liệt một nước khác. Dù chúng ta có yêu thương ai đó một cách sâu đậm, nhưng do hoàn cảnh thay đổi, chúng ta vẫn có thể trở thành vô tình hay thậm chí ghét bỏ họ. Đấy là loại tình thương hạng thấp, ít phát triễn mà người bình thường cảm nghĩ – nhưng có một loại tình yêu cao cả hơn, phổ quát hơn tình yêu ở trên. Loại tình yêu cao cả hơn này được gọi là metta trong Phật giáo và agape trong Thiên Chúa giáo và được mô tả kỹ trong kinh Phật và cả trong Kinh Thánh nữa. Trong Corinthians chúng ta đọc:

Tình thương là kiên nhẫn, tình thương là nhân từ, không ham muốn, không khoe khoang, không kiêu hãnh, không tư lợi, không giận dữ, không ghi giữ lại các điều sai quấy (1 Cor, 13:4-5).

Nhưng Chúa Trời có biểu lộ tình thương cao thượng này không? Chúng ta hãy thử xét xem. Chúng ta đã nghe nói tình thương là kiên nhẫn. Kiên nhẫn được định nghĩa như khả năng chờ đợi một cách điềm tĩnh trong một thời gian dài, kiềm chế khi nóng giận, đặc biệt là kiểm soát được sự ngu xuẩn và chậm chạp. Chúng ta đã thấy rằng Chúa Trời nổi giận mỗi ngày (Ps, 7:11) và nổi giận rất nhanh (Ps, 2:11). Như vậy rõ ràng là Chúa Trời ít kiên nhẫn.

Chúng ta nghe nói rằng tình thương là nhân từ. Chúa Trời có nhân từ không? Hãy đọc Deuteronomy (28:15-68) trong đó chính Chúa Trời đã mô tả lời của Ngài độc ác như thế nào. Đoạn văn gây sốc này chứng tỏ Chúa Trời quá dữ tợn tàn ác. Rõ ràng Chúa Trời không phải lúc nào cũng nhân từ. Chúng ta nghe nói tình thương là không ham muốn. Dĩ nhiên, ham muốn thì dẫn đến ganh tỵ, mà Chúa Trời thì luôn luôn tự nhận mình là ganh tỵ dữ dội. Ngài bảo:

Vì Chúa của các ngươi là một ngọn lửa tàn phá, một Chúa ganh tỵ (Deut, 4:24).

Chúng ta nghe nói tình thương thì không khoác lác kiêu căng. Chúa Trời có thế không? Chắc chắn rằng những điều viết trong Kinh Thánh đã chẳng cho ta ấn tượng rằng Chúa Trời thì khiêm nhường và kín đáo chút nào. Chúa đã bỏ nhiều thì giờ để nói với Job rằng Ngài hùng vĩ dường nào (Job, 40:41) và, để kết thúc, Ngài tự khoác lác rằng:

Ngài khinh thường những kẻ kiêu kỳ, Ngài là vua đứng trên tất cả những kẻ hãnh tiến (Job, 41:34).

Kế tiếp, chúng ta cũng nghe nói tình thương làm cho ta khó nóng giận. Tuy nhiên, chúng ta lại đã từng thấy Chúa Trời rất dễ nổi giận.

Hãy phụng thờ Chúa với sự kính yêu và run sợ, hãy hôn chân Ngài nếu không Ngài sẽ nổi giận và các ngươi sẽ vì thế mà bị tiêu diệt, vì sự phẫn nộ của Ngài thì rất dễ bị khích động (Ps, 2:11).

Cuối cùng, chúng ta nghe nói rằng tình thương làm cho ta không để tâm đến những sai phạm cũ, tình thương là tha thứ và quên đi. Chúa có để tâm đến những sai lầm cũ không?

Chúa Trời bảo chúng ta rằngNgài sẽ trừng phạt con, cháu và cả chít của ai lầm lỗi (Deut, 5:9). Để làm được điều này, chắc là Ngài phải giữ lại một hồ sơ các tội cũ và ghi nhớ chúng rất lâu trong đầu. Giê-su nói với chúng ta rằng Chúa Trời sẽ không bao giờ tha thứ cho những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần (Lk, 12:10).

Chúng ta nghe nói Chúa Trời khắc tên những kẻ tội đồ và những ai không tin Chúa lên trên một cái chuông vĩnh cửu. Nói khác đi, Ngài chẳng bao giờ tha thứ cho họ. Vắn tắt lại, Ngài vĩnh viển giữ một hồ sơ các tội cũ. Thật rõ ràng Chúa Trời đã không biểu lộ một loài tình thương cao cả nhất.

Thế Đức Phật thì sao? Ngài có biểu lộ một tình thương cao cả không?

Đặc tính thứ nhất của loại tình thương cao cả này là nhẫn nhục, và trong kinh Tipitaka chẳng ghi lại một tình tiết nào chứng tỏ rằng Đức Phật thì không nhẫn nhục cả. Ngay cả khi bị phỉ báng, Ngài vẫn giữ được điềm tĩnh. Mọi hành vi của Ngài đều biểu lộ một sự điềm tĩnh, một sự nhẫn nhục vững chãi. Khi Asurinda nguyền rủa và phỉ báng Đức Phật, Ngài bình tĩnh trả lời:

Người chửi rủa kẻ lăng mạ mình, cả hai đều xấu. Tự chế không trả đũa lại mới là thắng được một cuộc chiến cam go. Nếu ai biết người khác giận mình mà chính mình không nổi giận lên, thì như thế mới làm điều tốt cho nhau. Một người phải là kẻ chữa bệnh vừa cho chính mình vừa cho người khác (Samyutta Nikaya, Chương 7, Kinh số 3).

Vì Ngài luôn nhẫn nhục, nên Ngài không còn giận dữ nữa. Ngay cả khi người em họ Devadatta cố giết Ngài, thì Đức Phật cũng chỉ tỏ ra khoan dung và độ lượng.

Chúng ta cũng nghe nói tình thương là nhân từ. Đức Phật có nhân từ không? Một lần nữa, chẳng có một dấu vết cỏn con nào cho thấy Đức Phật thì có tâm gì khác ngoài tâm từ bi và hỉ xả.- Mà Ngài hành xử như thế không phải chỉ đối với ai chấp nhận lời dạy của Ngài mà còn cả với những người theo tín ngưỡng khác, không chỉ với người tốt mà còn cả với người xấu, không chỉ với con người mà còn cả với thú vật nữa. Ngài bảo rằng:

Đừng làm điều gì không tử tế khiến cho hiền nhân lên án và ta phải tự nhủ rằng “ Sao cho mọi sinh vật đều an ổn và hạnh phúc. Dù sinh vật đó là gì, đang di động hay đứng yên, cao trung bình hay thấp, lớn hay nhỏ, thấy hay không thấy, sống ở xa hay gần, đã ra đời hay chưa sinh ra, mong rằng tất cả đều có hạnh phúc”. Không được hại kẻ khác hay khinh miệt kẻ khác dù bất cứ lý do gì. Đừng mong cho kẻ khác đau đớn tại vì mình giận dữ hoặc ganh tỵ. Giống như một người mẹ bảo vệ đứa con độc nhất của mình dù nguy hiểm ngay đến cả bản thân mình, ngay cả trong trường hợp như thế, hãy phát huy tình thương bao la hướng đến mọi chúng sinh trên thế giới (Kinh Nipata, Câu thứ 145-149).

Không những Đức Phật dạy điều này mà Ngài còn thực hành tất cả mọi điều Ngài đã dạy. Chúa Trời bảo với chúng ta rằng Ngài đố kỵ, Ngài muốn nói rằng Ngài ganh tỵ với các vị Thần linh và các tôn giáo khác. Ngài muốn mọi người chỉ phụng thờ và tôn kính một mình Ngài thôi. Vì quá đố kỵ như thế nên Ngài đã bảo những con chiên sùng đạo phải giết ngay cả con cái của họ nếu chúng tôn thờ các thần linh khác (Deut, 13:6) và cũng vì quá đố kỵ như thế nên Chúa Trời ghét những kẻ theo tôn giáo khác.

Ta ghét những ai dính dáng đến các thần tượng không ra gì (Ps 31:6).

Ta hiểu biết giới luật của các ngươi, vì thế ta ghét mọi tà đạo. (Ps 119:104).

Đức Phật có ganh tỵ với các tín ngưỡng khác không?

Ngài quả thực không. Có một người tên là Upali theo đạo Jain được Đức Phật thuyết Pháp, và sau đó quyết định muốn trở thành Phật tử. Đức Phật không hân hoan mà cũng không bận tâm “cải đạo” Upali. Ngược lại, Ngài đã khuyên răn người đó hãy suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định một việc quan trọng như vậy:

Này Upali, hãy nghiên cứu cho thật kỹ lưỡng trước đã. Nghiên cứu kỹ lưỡng thì tốt cho một người nổi tiếng như ngươi (Majjhima Nikaya, Kinh số 56).

Thế rồi Đức Phật khuyên Upali cứ giữ việc cúng tế đối với đạo Jain. Ngài khuyên như thế vì Ngài có thể thấy được điều tốt trong mọi tôn giáo khác và bởi vì Ngài không đố kỵ và ganh ghét.

Vacchogatta thưa với Phật rằng “Tôi nghe nói rằng Ngài dạy chỉ bố thí cho một mình Ngài, không cho các vị thầy khác, không cho các môn đệ của Ngài, không cho các môn đệ của tôn giáo khác.” Ngài bèn đáp, “Những ai nói điều này là không kể lại đúng lời của ta, họ diễn sai ý của ta và nói dối”. Thực ra, bất cứ ai cản ngăn người khác bố thí là đã ngăn cản ba cách. Họ ngăn cản người bố thí làm việc thiện, họ ngăn cản người nhận không được giúp đỡ, và họ tự ngăn cản mình qua chính sự bần tiện của mình.”(Anguttara Nikaya, Chương số 3, Kinh số 57).

Thậm chí cho đến nay, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo, đặc biệt những người theo khuynh hướng chính thống và rao giảng phúc âm, không muốn dính líu gì đến người phi-Thiên Chúa giáo và chắc chắn là không bố thí cho người phi- Thiên Chúa giáo.

Đức Phật không khoác lác và kiêu căng, Ngài không khiếm nhã hay tự tư tự lợi, Ngài cũng không dễ nỗi giận và không giữ lại hồ sơ những điều sai quấy đã làm với Ngài. Từ ngày Ngài giác ngộ, mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của Ngài là một biểu hiện từ bi hỉ xả. Như một trong những người cùng thời với Ngài đã nói:

Tôi từng nghe nói như thế này, “Tôn trọng tình thương là thực sự cao cả”, và Ngài là bằng chứng của điều này bởi vì chúng ta có thể thấy Ngài tôn trọng tình thương (Majjhima Nikaya, Kinh số 55).

Các đoạn trong Kinh Thánh mà chúng ta vừa xem thì thật là kinh dị nhưng những người Thiên Chúa giáo sẽ phản bác bằng cách nói rằng “Sách Cựu Ước không trình bày Chúa như Ngài vốn thật như thế mà gần như chỉ phản ảnh hiểu biết của con người về Chúa vào thời đó”. Thật buồn cười khi phải thảo luận thần học với tín đồ Thiên Chúa giáo. Khi thích hợp thì họ sẽ trích dẩn Cựu Ước như là lời nói bất diệt của Chúa, còn khi không thích hợp thì họ sẽ rời khỏi vị trí này và bảo rằng Cựu Ước chỉ phản ảnh nổ lực của con người để hiểu về Chúa. Nhưng người Thiên Chúa giáo đã từng khẳng định rằng Kinh Thánh là do Chúa thiên khải không thể sai lầm, thì điều đó phải có nghĩa là phần Cựu Ước cũng phải đúng như phần Tân Ước, và phải là do cùng một Chúa phán ra trong cả hai phần chứ.

 

Người dịch: T.T.

(*) [Trích từ Chương 4 của tác phẩm “Tin Không Nổi - Một Phê bình Thiên Chúa giáo Bảo thủ từ góc độ Phật giáo” (Beyond Belief – A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity) của A.L. de Silva.]

 

nguồn http://giaodiemonline.com/2009/08/thienchua.htm

Trang Tôn Giáo