Ăn Cơm Quốc Gia ?

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ018.php

25 tháng 6, 2009

LTS: Câu nói "Ăn Cơm Quốc Gia Thờ Ma Cộng Sản"  hàm ý kết tội "phản nghịch" những người miền Nam nào không ủng hộ chính phủ miền Nam. Câu nói này được xử dụng nhiều nhưng chưa từng được đem ra làm đề tài phân tích. Trong lá thư sau đây, SH xin được bỏ những chi tiết riêng tư. Chữ "anh" ngôi thứ hai trong bài áp dụng cho những người thích dùng câu nói này đối với tác giả khi viết bài nào nói "thật" về bộ mặt không đẹp của chính quyền miền Nam trước năm 1975. Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang do đó bị hay được có cơ hội trình bày vấn đề này một cách đặc biệt lý thú. Xin kính mời quí bạn đọc (SH)


1   2   3   4   5   6  

VỀ CỤM TỪ

"ĂN CƠM QUỐC GIA THỜ MA CỘNG SẢN"

Câu văn này là của bộ máy tuyên truyền của Nhà Thờ Vatican qua cái loa của chính quyền miền Nam để sỉ nhục những công nhân viên nhà nước và cả những người dân thường ở miền Nam nếu họ không tỏ ra hết lòng cúc cung phục vụ cho chính quyền tay sai của Nhà Thờ Vatican.

Từ ngày ông Diệm được quan thày Mỹ và Vatican đưa về Việt Nam cầm quyền, câu nói này được các cơ quan truyền thông của Nhà Nước (các đài phát thanh, sách báo, các tài liệu của Bộ Thông Tin và Nha Chiến Tranh Tâm Lý trong Bộ Quốc Phòng) lặp đi lặp lại cho nó thấm nhập vào tiềm thức người dân miền Nam.

Trong câu nói “Đừng nên ăn cơm quốc gia đi thờ ma Cộng Sản” của anh dạy tôi, tôi cảm thấy có mấy điều bất ổn cần làm sáng tỏ ra đây.  Đại khái, anh muốn nói “ăn cơm quốc gia” (nghĩa bóng là lãnh lương của “phe Quốc Gia”) mà lại đi “làm việc hay ca tụng Cộng Sản”. Hai điều cần sáng tỏ đó là chữ "Quyốc Gia" và chữ "Ăn Cơm".

 

HAI CHỮ QUỐC GIA.

Hai chữ “quốc gia” trong câu nói này không phải là thứ “Quốc gia” thông thường theo định nghĩa trong sách vở mà mọi người thường hiểu. Để làm sáng tỏ vấn đề này, tôi xin trình bày cái “quốc gia Việt Nam” mà người Việt Nam chúng tôi quan niệm, khác với thứ “Quốc Gia” do Nhà Thờ Vatican tạo dựng nên. Thứ “Quốc Gia” này, ông Tổng Thống dân Chúa Ngô Đình Diệm và những người đồng đạo của ông ta đã dâng hiến cho đế quốc Vatican vào tháng 2 năm 1959 qua cuộc đại lễ tổ chức ở Sàigon, có mời Hồng Y Agagianian, đại diện của Tòa Thánh Vatican ở Sàigòn  đến làm chủ tế.

A.- QUỐC GIA VIỆT NAM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CHÚNG TÔI

Theo tôi nghĩ, quan niệm của tuyệt đại đa số các dân tộc theo tam giáo cổ truyền ở Đông Phương và bất kỳ dân tộc nào có văn hiến nằm ngoài vòng khống chế của Nhà Thờ Vatican thì “Quốc gia là một thực thể gồm có dân số, chính quyền và lãnh thổ toàn vẹn hay bất khả chia cắt.  Quốc gia và dân tộc là hai thực thể liên kết và đi đôi với nhau bất khả phân ly. Tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc sống trong lãnh thổ quốc gia đều phải đặt quyền lợi chung của quốc gia và dân tộc lên trên hết. Kẻ nào vì quyền lợi riêng tư, vì phe nhóm, vì tín ngưỡng hay tôn giáo riêng của mình mà cộng tác với thế lực ngọai xâm, thì sẽ bị coi lả phản quốc.”

Theo quan niệm này, thì Quốc Gia Việt Nam của người Việt Nam có lãnh thổ rộng vào khỏang là 331,000 cây số vuông, chạy dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, bắc giáp Trung Quốc, tây giáp Ai Lao, Cao Mên và Vịnh Thái Lan, đông giáp Biển Đông, trong thời cận và hiện đại đã trải qua những bước thăng trầm như sau:

1.- Bị Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican với sự tiếp tay của một nhóm thiểu số dân Chúa bản địa bắt đầu tấn chiếm lần lần từ năm 1858 cho đến năm 1885 thì toàn thể lãnh thổ hoàn toàn nằm dưới ách thống trị của hai thế lực xâm lăng. Người Việt ta gọi những năm này là thời kỳ mất nước và Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican trở thành chủ nhân ông của Việt Nam.

Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải chuyển dịch cụm từ Hán - Việt “Quốc Gia Việt Nam” sang tiếng Việt thuần túy bằng từ kép “Nước Nhà” để cho cụ dễ bề đặt thơ thác lời nhà ái quốc Nguyễn Phi Khanh dặn con là Nguyễn Trãi (khi bị giặc Minh bắt đưa đi lưu đày ở Trung Quốc vào năm 1407) bằng một bài trường thi “Hai Chữ Nước Nhà” dài 101 câu, gói ghém tâm sự của cụ đối với “Quốc Gia Việt Nam”.

Cũng vì “Hai Chữ Nước Nhà” mà trong thời kỳ này, tiền nhân ta đã nhiều lần và liên tục, người sau nối tiếp người trước, quyết tâm tổ chức các lực lượng nghĩa quân và kêu gọi nhân dân vùng lên cùng nhau góp sức đánh đuổi quân cướp ngoại thù để đòi lại chủ quyền cho dân tộc. Tiếc rằng, hầu hết các tổ chức này có những nhược điểm như:

a.- Thiếu kinh nghiệm tổ chức, thiếu khả năng huy động toàn dân cùng tham gia, không biết phối hợp các tổ chức khác ở rải rác khắp nơi trên tòan lãnh thổ để cùng nhất trí hành động,

b.- Chỉ được trang bị bằng những thứ vũ khí quá thô sơ,

c.- Không đề ra mục tiêu cách mạng chính trị phế bỏ “chế độ quân chủ” (bất kể là chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền hay chế độ quân chủ lập hiến) để giải thoát cho người dân cái ách chuyên chế phong kiến lỗi thời phải làm nô lệ cá nhân người lãnh đạo bất kể là người đó có tài hay bất tài, có đức hay là một tên hung thần ác quỷ.

d.- Không đề ra mục tiêu cách mạng xã hội để xóa bỏ bất công trong xã hội nhất là những bất công tồn tại từ thời phong kiến và và thời bảo hộ Pháp – Vatican.

e.- Không biết rõ Nhà Thờ Vatican (tức Giáo Hội La Mã) là thế lực có chủ tâm đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa rồi mới vận động chính quyền Pháp cấu kết với Giáo Hội La Mã và xuất quân đánh chiếm và thống trị Việt Nam. Do đó không có một chính sách đặc biệt dứt khoát và thẳng thừng đối với Nhà Thờ Vatican và các ông bà dân Chúa (Vấn đề này đã được trình bày đầy đủ trong các Chương 2, 3 và 4 (Phần II) trong sách Tâm Thư Gửi Chính Quyền Việt Nam. 

Các nhược điểm c, d, và e là hậu quả nghiệm trọng do việc không thấu hiểu lịch sử thế giới gây ra. Vì thế mà tất cả các tổ chức này đều chỉ thành nhân mà không thành công. Tình trạng này kéo dài đến khi Đệ Nhị Thế Chiến gần chấm dứt thì thế cuộc mới đổi chiều. Sự hiện diện của 6 ngàn quân đội Phù Tang tiến vào trú đóng miền Bắc Sông Hồng (theo thỏa Hiệp Pháp Nhật được ký kết vào ngày 22/9/1940), đã là cơ hội bằng vàng giúp cho Đảng Cộng Sản Việt Nam và Mặt Trận Việt Minh (đã học được những kinh nghiệm thiếu sót trên đây) vùng lên chớp lấy thời cơ, phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi và huy động toàn dân cùng tích cực tham gia vào đại cuộc cứu nước. Vấn đề này sẽ nói sau.

2.- Ngày 9/3/1945 quân xâm lược Nhật đánh bại Liên Minh Pháp – Vatican, nắm quyền thống tri Việt Nam cho đến ngày 19/8/1945. Trong thời gian này Việt Nam cũng vẫn còn ở trong tình trạng mất nước và người Nhật trở thành chủ nhân ông của nước Việt Nam.

̣(Ngày 16/8/1945, Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican ra lệnh cho Tướng Jean Leclerc đem quân sang Việt Nam, lo việc tái chiếm Đông Dương.)

3.- Ngày 17/8/45, chính quyền de Gaulle thỏa thuận (cấu kết) với Tòa Thánh Vatican bổ nhậm cựu Linh-mục Thierry D’ Argenlieu nắm giữ chức vụ Cao Ủy Đông Dương kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tư Lệnh Đoàn Quân Viễn Chinh tái chiếm Đông Dương. Sự kiện này được sử gia Joseph Buttinger ghi nhận trong cuốn Vietnam: A Political History như sau:

“On August 16, troops under the command of General Leclerc, a military hero of the European war, were ordered to proceed from France Madagascar, and Calcutta to Vietnam. On August 17, Paris appointed Admiral Thierry d’ Argenlieu High commissioner of the new Frenh administration for indochina.” [4]

4.- Ngày 19/8/1945 - Nhờ rút tỉa được những kinh nghiệm thiếu sót của tổ chức ái quốc của các bậc đàn anh trên đây, nhân việc chính quyền đế quốc Nhật đầu hàng đồng Minh và quân đội Nhật ở Đông Dương bất động, Đảng Cộng Sản Việt Nam phối hợp với Mặt Trận Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh đã nhanh nhẹn chớp lấy thời cơ, phất cờ kêu gọi toàn dân vùng lên cướp chính quyền, lấy lại nước từ trong tay quân xâm lược Nhật.

(Ngày 2/9/1945, có tới hơn 500 ngàn người đến tham dự buổi mít tinh tại Vườn Hoa Ba Đình để nghe Cụ Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập[5] . Đối với lịch sử, bản tuyên ngôn này được coi như là đã đáp ứng được khát vọng của toàn thể nhân dân ta, ngoại trừ một vài nhóm thiểu số người có quyền lợi gắn liền với Liên Minh Đế Quốc Thức Dân Xâm Lược Pháp - Vatican. Chính vì vậy mà đồng bào khắp nơi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu đều hân hoan sung sướng và hăng say ủng hộ Mặt Trận Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh, người đã hy sinh trọn đời cho đại cuộc đòi lại chủ quyền độc lập cho dân tộc.)

5.- Ngày 12 tháng 9/1945 – Một số đơn vị Pháp núp bóng quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn để giải giới quân Nhật ở miền Nam vĩ tuyến 16.

Ngày 23 tháng 9, 1945 – Với sự hỗ trợ của quân Anh, các đơn vị Pháp này tấn công chính quyền ta ̣(lúc đó là Việt Minh) ở Sài Gòn, mở nhà tù thả hơn một ngàn kiều dân Pháp, và võ trang cho những kiều dân này đi tấn công nhân dân ta.

Tháng 10/1945, một trung đoàn quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Tướng Massu đổ bộ vào miền Nam tăng cường cho thế lực Liên Minh Pháp-Vatican đã có sẵn ở đây để chuẩn bị mở những cuộc hành quân tiêu diệt các lực lượng Kháng Chiến Việt Nam ở miền Nam. Sự kiện này được sử gia Bernard B. Fall ghi lại trong cuốn The Two Vietnams như sau:

Tướng Massu lúc đó đang chỉ huy quân đội ở miền Đông nước Pháp, được lệnh chỉ huy trung đoàn đầu tiên tiến vào lãnh thổ Việt Nam vào tháng 10 năm 1945.Nguyên văn: “General Massu, who now commmands French troops in eastern France, commanded the first regimental combat team that landed in Vietnam in October , 1945.”)[6]

6.- Ngày 19/12/1946:  Liên Quân Pháp- Vatican càng ngày càng hung hăng, cố tình gây hấn để tiêu diệt chính quyền và lực lượng kháng chiến của nhân dân ta. Vì thế mà chiều tối ngày này, Chủ Tịch Hồ Chí Minh mới phải ban hành lệnh kêu gọi nhân dân ta trên toàn lãnh thổ cùng nhau quyết chiến đuổi giặc bảo vệ quê hương.  Giờ phút nghiêm trọng này được sách sử ghi nhận như sau:

“Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Sáng ngày 20/12, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là mệnh lệnh cách mạng tiến công, giục giã và soi đường, chỉ lối cho mọi người Việt Nam đứng dậy cứu nước.”[7]

Kể từ ngày này, cả nước cùng đáp lời kêu gọi trên đây cùng hăng say lên đường đi cứu nước. Nước này là quốc gia của toàn dân, trong đó có tôi.  Cho nên chỉ mấy tháng sau, chính bản thân tôi cũng theo gót các bậc đàn anh lên đường đi làm “em bé liên lạc viên” để góp bàn tay chống giặc bảo vệ quốc gia.

Đó là Quốc Gia Việt Nam của dân tộc Việt Nam và cũng là của tôi đó anh à.

 

B.- QUỐC GIA CỦA NHÀ THỜ VATICAN VÀ DÂN CHÚA

Trong khi toàn thể nhân dân Việt Nam liều chết lao vào cuộc chiến đánh đuổi liên minh thánh xâm lược Pháp - Vatican để bảo vệ đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ tiên để lại, thì Nhà Thờ Vatican cấu kết với bọn thực dân phản động Pháp thi hành chính sách chia để trị cực kỳ thâm độc, dùng người Việt đánh người Việt, dùng dân Chúa khống chế và cai trị tuyệt đại khối nhân dân theo tam giáo cổ truyền. Chính sách này được tiến hành từng bước một như sau:

1.- Ngày 28/12/1945, viên khâm sứ đại diện Tòa Thánh Vatican tại Hà Nội là Tổng Giám Mục Antoni Drapier công khai tuyên bố dùng Bảo Đại thành lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Liên Minh Xâm Lược Pháp Vatican tái chiếm Việt Nam trong giai đoạn quá độ (transitional period) để thi hành chính sách chia để trị nói trên.  Sự kiện lịch sử này đều được sách sử (Sách Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 -Tập A: 1939-1946) ghi lại rõ ràng [8]

2.- Tháng 1/1946: Lời tuyên bố của viên khâm sứ Tòa Thánh trên đây vừa mới được công bố thì chỉ ít ngày sau, bọn phản động Việt gian tay sai của Nhà Thờ Vatican nhân danh là một đảng phái Quốc Gia tổ chức biểu tình ở trước tòa nhà của ông Vĩnh Thụy để thỉnh cầu ông vua gỗ đã thóai vị này đứng ra thành lập chính phủ đúng như Nhà Thờ Vatican đã sắp xếp như trên. Cuộc biểu tình của bọn Việt gian này được sách Việt Sử Khảo Luận (cuốn 4) ghi nhận như sau:

"Nhóm Quốc Dân Đảng (của Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, v.v...) đòi thành lập ngay một Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với Vĩnh Thụy làm chủ tịch. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trước nhà Vĩnh Thụy ở Đường Gambetta cũ, hoan hô cố vấn và đòi ông ra cầm quyền."[9]

Cũng nên biết là từ đầu tháng 9/1945, nhóm Quốc Dân Đảng này đã từng từ Trung Quốc đi theo 180 ngàn quân Quốc Quân Trung Hoa về Việt Nam để dựa thế các đạo quân thổ phỉ này đánh phá chính quyền Việt Nam và hà hiếp dân ta.

3.- Ngày 1/6/1946, Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican thành lập chính phủ Cộng Hòa Nam Kỳ với chủ trương tách rời miền Nam từ ranh giới phía nam tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) ra khỏi nước Việt Nam đúng theo chính sách chia để trị Nhà Thờ Vatican đã vạch ra. Việc làm phản tiến hóa này giống y hệt như hồi đầu thập niên 1860 Vatican đã xúi giục một số chính khách các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ ly khai khỏi Liên Bang Hoa Kỳ để thành lập quốc gia Liên Bang miền Nam, gọi là Confederate States of America hay “The Confederacy” hoặc “Southern Confederacy” (gồm 11 tiểu bang miền Nam).

Ngoài việc xé miền Nam ra khỏi nước Việt Nam như trên, Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican còn tách rời vùng cao nguyên Nam Trung Bộ thành lập nước Tây Kỳ, tách rời tỉnh Lai Châu và Lào Cai thành lập Liên Bang Thái Tự Trị, mưu đồ tách rời mấy vùng Móng Cái, Tân Yên (Quảng Ninh ngày nay) ra làm nước Nùng, và tách rời hai giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, chuẩn bị biến hai giáo phận này thành 2 vương quốc Ki-tô.  Sách Những Ngày Tháng Không Thể Nào Quên của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có ghi:

“Không lâu trước đó Đác-giăng-li-ơ (d’ Argenlieu) đã để lộ ý muốn lập ngay tại miền Bắc một “nước cộng hòa Nùng Thái”, cùng một kiểu với “ nước cộng hòa Tây Kỳ” ở Tây Nguyên. Những hoạt động của địch cùng lúc xẩy ra chạy dài theo biên giới, từ vùng biển đế vùng núi, từ Đông sang Tây, nói lên âm mưu này đang bắt đầu.”[10]

4.- Ngày 2/6/1948 (có sách ghi là ngày 5/6/1948) lời tuyên bố của Tổng Giám-mục Antoni Drapier được cụ thể hóa thành chính quyền Bảo Đại, sách sử gọi là Giải Pháp Bảo Đại (the Bao Dai Solution). Kể từ đó, bộ máy tuyền truyền của Nhà Thờ Vatican liên tục dùng những thuật ngữ để đánh bóng chính quyền bù nhìn này bằng những danh xưng “Chính Quyền Quốc Gia”, “Chính Nghĩa Quốc Gia” với lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng đấu tranh hầu lừa gạt nhân dân khiến cho họ lầm tưởng rằng ông Bảo Đại là người nắm được chính nghĩa tranh đấu cho quyền lợi tối thượng của tổ quốc và dân tộc.

5.- Tháng 2 năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm đem cái Quốc Gia do Nhà Thờ Vatican dựng nên này dâng cho đế quốc Vatican trong một buổi lễ vô cùng trọng thể được tổ chức tại Sàigòn có Hồng Y Agagianian (sứ thần của Vatican tại Sàigòn) đến làm chủ tế. Sự kiện này được chính Linh-mục Trần Tam Tỉnh mô tả trong quyển “Thập Giá Và Lưỡi Gươm“ [11]

Song song với những việc làm theo từng bước một như trên, Nhà Thờ Vatican cho thi hành sách lược tuyên truyền bằng những thủ đọan cực kỳ tinh vi với những thuật ngữ nặng tính cách cưỡng từ đoạt lý để tô hồng chuốt lục cho cái “Quốc Gia ma nớp” trên đây.  Đồng thời họ miệt thị và sỉ vả những người chiến đấu cho “Quốc Gia Việt Nam” chúng tôi, và những người chống lại cái Quốc Gia ma nớp do Vatican tạo ra như trên.

Cái “quốc gia” trong câu nói “đừng ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” của anh dành cho tôi là cái quốc gia ma nớp này đó, anh ạ.  Anh không học môn sử, cho nên anh không biết sự thật lịch sử này, và sử dụng câu nói trên đây để lên giọng răn đe hai giáo viên dạy sử.  Câu nói rẻ tiền nhưng hết sức thâm độc này là nằm trong sách lược tuyên truyền của Nhà Thờ Vatican đó, anh có biết không?

 

VỀ “MIẾNG CƠM” QUỐC GIA

 

Nếu hiểu “miếng cơm” theo nghĩa đen, thì miếng cơm chúng ta ăn ngày xưa là của các nông dân tay lấm chân bùn.  Họ không phải là những người Quốc Gia hay Cộng Sản gì  cả.. Họ là những dân quê chân chấ́t, hết lòng bảo vệ đồng ruộng của họ để cấy cày, không cho Liên Minh giặc đến đốt nhà, đổ gạo. Nhiều khi họ lại là kẻ mà Chính Quyền Quốc Gia thường nghi ngờ theo Cộng Sản nhiều nhất. Xin xem DVD “Chiến Tranh Việt Nam, Những Điều Chưa Biết” của Daniel Costel biên soạn và tường thuật do VietNam Films (Tel 714-555-2515) sản xuất để biết người lính “Quốc Gia” đốt nhà, đổ gạo của người nông dân như thế nào.̣   Cả miếng cơm mà chúng ta ăn ngày nay cũng thế.  Tôi luôn mang ơn các bác nông dân, kể cả nông dân Thái Lan, chẳng phải ơn của chính quyền nào cả. 

Vậy ý nghĩa thực sự của từ “ăn cơm quốc gia” mà anh sử dụng là lãnh lương hàng tháng hay được hưởng những ân sủng của chính quyền Sàigòn trong những năm 1954-1975.  Đây là chính quyền bù nhìn hại nước hại dân (tôi đã viết rất nhiều bài chứng minh cho những phê phán này, chắc anh không cần tôi chép lại chứ?).  Tôi sẽ trở lại chỗ “cơm quốc gia” sau.

Nói đến “đồng lương hàng tháng hay hàng năm” của các ông bà sống bằng cái nghề làm quan, tôi liên tưởng đến những giai thoại các “miếng cơm” từ lúc chủ quyền nước ta sắp lọt vào tay người ngoại bang là Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican, tức là thời Vua Tự Đức (1848-1883) cho đến nay.

Thời đó, những người hành nghề làm quan gọi là “phụ mẫu chi dân” (cha mẹ dân), và đồng lương hàng tháng hay hàng năm của họ còn được gọi là bổng kim (tiền lương trơn), và bổng lộc thì gồm có bổng kim và các thư phụ cấp khác) của triều đình được trả bằng thóc và tính bằng đấu (một đơn vị do lường của ngũ cốc) và thăng (nhỏ bằng 1/10 của đấu).  Vì được trả bằng thóc và tính bằng đẩu và thăng, cho nên trong bài thơ Khóc Dương Khuê, cụ Nguyễn Khuyến mới viết câu “Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời” (Đẩu thăng phi tham thiên – Có bản ghi là “Miếng đẩu thăng há dám tham trời”).

Giai thoại của câu thơ này cũng rất thú vị.  Xin thật thà chịu sự chỉ giáo của quí vị ban văn chương nếu có điều gì không đúng trong những đoạn văn liên hệ đến lãnh vực chuyên môn của quí vị.

Cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) thường gọi là cụ Tam Nguyên Yên Đổ hay Yên Đổ và cụ Dương Khuê (cũng gọi là cụ Vân Đình) là hai người bạn đồng khoa trong kỳ thi Hương (cử nhân).  Tuy không đồng khoa trong kỳ thi Hội và thi Đình, nhưng vì quê quán ở gần nhau (Vân Đình, Hà Đông, khá gần với và Yên Đổ thuộc Hà Nam), vì cùng là nhà Nho khoa bảng đậu đến tiến sĩ và cùng ở trong “nghề làm quan” trong cùng một triều đình trong lúc giang sơn nghiêng ngửa, cái thời buổi có nhiều chuyện thế sự bàn luận với nhau, cho nên hai cụ rất thân nhau.  Những câu trong bài thơ Khóc Bạn (nguyên tác bằng chữ Hán là có tên là Vãn Đồng Niên Vân Đình Tiến Sĩ Dương Thượng Thư) đủ chứng minh sự thân thiết của hai người: [12]

Lúc Hiệp Ước Giáp Thân 1884 (còn gọi là Hiệp Ước Patenôtre) ra đời, giang sơn thực sự đổi chủ, cũng như các nhà Nho tiết tháo khác, cụ Yên Đổ cảm thấy, nếu còn ở lại làm quan với tân triều thì quả thật là một sự nhục nhã. Đến như vua còn không còn là vua nữa, mà chỉ là thứ vua phường chèo (Vua chèo còn chẳng ra gì, Quan chèo, vai nhọ khác chi thằng hề), thì một nhà Nho khoa bảng mà chỉ vì đồng lương (miếng đẩu thăng) hay kế sinh nhai mà ở lại tiếp tục “cái nghề làm quan” làm đầy tớ cho kẻ thù xâm lược sai bảo trong bộ máy đàn áp dân mình thì quả là một lũ hề:

Vì thế cụ mới quyết định cáo quan lui về ở ẩn, làm nghề dạy học kiếm kế sinh nhai theo đúng truyền thống của nhà Nho “Tiến vi quan đạt vi sư”.  Có lẽ cụ Yên Đổ thế nào cũng rủ cụ Vân Đình cùng về ở ẩn để cùng nhau tiếp tục bàn luận thế sự thăng trầm:

...Miếng đẩu thăng há dám tham trời (Đẩu thăng phi tham thiên),...

...Bác già, tôi cũng già rồi (Dư lão, công diệc lão),

Nhưng vì còn ham “cái nghề làm quan”, cụ Vân Đình quyết định ở lại chốn quan trường để  tiếp tục hưởng dụng “miếng đẩu thăng”, tức là được tiếp tục “lãnh đồng lương hàng tháng” của tân trào (Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican) mà sau này bộ máy tuyền truyền của Nhà Thờ Vatican gọi là “ăn cơm quốc gia”.

Rốt cuộc, của trời không phải muốn là được. Cụ Vân Đình tuy là trẻ hơn lại được sống trong phong lưu sung sướng mà vẫn chết trước cụ Yên Đổ (tới 7 năm) dù là cụ Yên Đổ già hơn tới 4 tuổi, sống trong cảnh thiếu thốn và đau yếu vì không được “ăn cơm Quốc Gia” của Nhà Nước Bảo Hộ. 

Trong thời 1885-1945, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải gọi cái nghề làm quan là cái nghề “bán tổ tiền kiếm kế sinh nhai”. [13]

Trong thời Kháng Chiến 1945-1954, kể từ tháng 6/1948, những người làm cái nghề “bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai” này được bộ máy tuyên truyền Nhà Thờ Vatican khóac cho các danh nghĩa là “Người Việt Quốc Gia” và cái triều đình bù nhìn Huế ngày xưa được khoác cho cái danh xưng là “chính quyền Quốc Gia,” nhưng thực chất vẫn là làm bung xung và làm tay sai cho Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican

Vào thời điểm đó (đầu tháng 6/1948) Mỹ chưa thực sự can thiệp vào Việt Nam, mục đích lập nên cái quốc gia quái đản này là để làm công cụ cho đế quốc xâm lược Vatican cấu kết với Pháp (và Mỹ sau này Vatican quay ra cấu kết với Mỹ) sử dụng làm bức bình phong để tiến hành cuộc chiến tái chiếm Việt Nam trong sách lược chống lại khối Cộng Sản.

Cả hai thời kỳ này, tất cả các công nhân viên làm việc trong chính quyền bù nhìn này cũng như tất cả các quân nhân các cấp trong Quân Đội Quốc Gia (sau đó đổi danh xưng là Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hay Quân Đội Miền Nam) được gom lại, gọi chung là “quân, cán, chính” và đều do Mỹ trả lương thuê mướn tính theo căn bản từng tháng một.

Dù là phục vụ trong ngành giáo dục với chức năng giáo viên dạy lớp (classroom teachers), cả anh và tôi cũng như tất cả các giáo viên hay giáo sư đều lãnh lương của Mỹ cả, tức là những người ăn miếng cơm Quốc Gia của Mỹ (vì rằng Mỹ chủ trương duy trì miền Nam như một quốc gia riêng biệt để làm tiền đồn chống Cộng cho Mỹ)  Cái quốc gia do Nhà Thờ Vatican tạo ra đâu có phát lương cho chúng ta hồi nào?   Sự thật rõ ràng là như vậy.

Anh có thể trực tiếp kiểm chứng bằng cách:

1.- Vào văn khố hoặc là trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hoặc là trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ để tìm xem sổ lương của Mỹ trả tiền cho tất cả các công nhân viên chính quyền và tất cả các quân nhân trong Quân Đội Miền Nam.

2.- Đọc lại tiêu mục “Điểm thứ hai….” Trong lá thư của tôi đề ngày 31/5/2009 gửi cho DĐ KMTĐ  trong đó có câu:

“Trong khúc phim ở trên người ta thấy rõ tinh thần chiến đấu của VNCH nằm ở túi tiền (chứ không phải vũ khí) của Mỹ để trả lương cho nhân viên chính quyền và quân nhân các cấp trong quân đội miền Nam. Hoàn toàn không thấy thế nào là chính nghĩa khi mà VNCH thấy “hết tiền” thì “hết vía” luôn.”

Chúng ta thấy rõ (a) cả chính quyền quốc gia hay chính quyền VNCH và quân Đội Quốc Gia hay Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa là đạo quân đánh thuê cho Mỹ qua bàn tay bao thầu của Nhà Thờ Vatican, và (b) toàn bộ “cái miếng cơm Quốc Gia” từ tháng 7/7/1954 cho đến ngày nay chỉ là “miếng cơm của Mỹ” mà thôi.

Do đó, câu nói của anh phải được sửa lại là “Đừng lĩnh lương của Mỹ ngày xưa, đi thờ thần Cộng Sản ngày nay”. Nhưng mà nói thế thì hóa ra tréo ngoe về không gian và thời gian hết phải không anh?

 

Xin được tiếp theo ở kỳ sau:

- Về chuyện tôi sử dụng cụm từ “Thưa Quí Ngài”

- Về chuyện ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam


1   2   3   4   5   6  

CHÚ THÍCH


[1] Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn (Paris: TXB, 2001), tr. XI.

[2] Trần Chung Ngọc. “Tôi đọc bài Vụ Chùa và Tháp Bảo Thiên của Lữ Giang.” Sachhiem.net. Ngày 28/12/2008.

(Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes. La comparaison, pour être triviale, ne manque pas de justesse et de force. En effet, sans les missionnnaires et les chrétiens, les Francais se verraient entourés d'ennemis; ils ne pouraient se fier à personne; ils ne recevraient que de faux renseignements, méchamment donnés pour compromettre leur situation; ils se trouveraient donc réduits à l'impossibilité d'agir et seraient rapidement exposés à des vrais désastres. Leur position ici ne serait plus tenable, et ils ne verraient forcés de quitter un pays où leurs intérêts et leur existence même serait compromis.)

[3] Nhiều tác giả,  Tại Sao Không Theo Đạo Chúa - Tuyển Tập 2 (Spring, TX: Ban Nghiên Cứu Đạo Giáo, 1998), tr. 115.

[4] Joseph Buttinger. Ibid, 214.

[5]  Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History (New York: Frederick A. Praeger, 1968, p. 210.

[6] Bernard B. Fall, The Two Vietnams (New York: Frederick A. Praeger, 1967), p 69-70.

[7] Đinh Xuân Lãm Nguyễn Xuân Minh & Trần Bá Đệ, Lịch Sử Lớp 12 - Tập 2 (Thành Phố Hồ Chí Minh: Bộ Giáo Dục và Đào Tạo,  2005), tr. 81.

[8] Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 -Tập A: 1939-1946 (Houston, TX: Văn Hóa, 1996), tr.295.

"Ngày 28/12/1945: HUẾ: Tổng Giám Mục Antoni Drapier, đại diện Roma, tuyên bố:

"Gia đình Bảo Đại là gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân chúng Việt Nam (la plus francophile de tois les annmites) và theo ý ông ta, nên cho Bảo Đại lên ngôi như trước ngày 9/3 (À mon avis, il serait avantageux pour le calm de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars; DOM [aix], CP 125). DRAPIER cũng đưa ra giải pháp là có thể sau đó sẽ cho Bảo Long kế vị, và Nam Phương làm Giám Quốc [Phụ Chính].

[9] Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận - Cuốn 4 (Paris: Nam Á, 2002), tr. 2076.

[10] Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Những Ngày Tháng Không Thể Nào Quên (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 2001), tr. 286.

[11] Trần Tam Tỉnh, Thập Giá Và Lưỡi Gươm (Paris: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978), trang 126-127.

“Quả thế, Đức Mẹ cũng bị đưa vào môi trường của chủ nghĩa hiếu thắng huênh hoang, nhất là nhân dịp Đại Hội Thánh Mẫu tháng 2 năm 1959, có Hồng Y Agagianian, sứ thần của Đức Giáo Hoàng qua chủ sự. "Ba trăm ngàn giáo hữu đã đi theo cuộc rước khổng lồ trong ngày kết thúc, sau đó hồng y đã long trọng dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm" theo tin tức báo chí thời ấy. Để cuộc rước đó được thành công, ngoài sự tưởng tượng của Roma và Paris, người ta đã huy động hàng ngàn tên công binh để xây cất một bệ lớn trước nhà thờ chính tòa Sàigòn, để dựng lên những cổng chào, đồng thời đưa ra hàng trăm xe cam nhông để vận chuyển hàng chục ngàn giáo dân từ các tỉnh về.

Đức Mẹ cũng được cung kính đặc biệt tại La Vang ở quãng 30 km (cây số) mạn nam vĩ tuyến 17. Vì những lý do chính trị, ngôi nhà nguyện nhỏ mất hút trong rừng núi, bỗng trở nên một nơi hành hương cho toàn thể người Công Giáo Việt Nam, thậm chí là của toàn nhân dân Việt Nam! Được mệnh danh là "thành lũy thế giới tự do chống Cộng Sản", ngôi nhà nguyện khiêm tốn này vừa được nâng lên hàng vương cung thánh đường từ sau Đại Hội Thánh Mẫu, đã tiếp nhận vào tháng 8/1961 một cuộc hành hương khổng lồ nhất trong lịch sử chế độ Diệm. Ngày 16/8 (1961), tổng thống đích thân phú thác tương lai nước Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang. Trước mặt 200.000 người hành hương, đầy đủ các giám chức của Giáo Hội, các bộ trưởng và công chức cao cấp, phần lớn không phải là công giáo, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đã đọc lời kính dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ, sau cuộc rước kiệu khổng lồ.”

[12]  ....Cũng có lúc chơi nơi dặm khách (Hữu thời xuất kinh lộ)

Tiếng suối reo róc rách lưng đèo (Không sơn văn lạc tuyền),

Có khi từng gác cheo leo (Hữu thời thượng cao các)

Thú vui con hát lực chiều cầm xoang (Ca nhi minh tố tuyền)

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp (Hữu thờiđối quân ẩm)

Chén quỳnh tương ôm ấp bầu xuân (Dại bạc phù bát diên)

Có khi bàn soạn câu văn (Hữu thời dữ luận văn)

Biết bao đông bích điển phần trước sau (Đông bích la giản biên)

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn (Ác vận phùng dương cửu)….

[13]  Hai Chữ nước Nhà của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải:

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục,

Thân tự do, chen chúc mà vinh.

Con ơi! Nhớ đức sinh thành

Sao cho khỏi để ô danh với đời.

Chớ lần lữa theo loài nô lệ

Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai,

Đem thân đày đọa tôi đòi,

Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế sống đe sống mạt

Sống làm chi thêm chật non sông:

Thà rằng chết quách cho xong,

Cái thân cẩu trệ ai mong có mình. (Trần Tuấn Khải)

 

Trang Lịch Sử