LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK14.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010

(tiếp theo Chương mười ba)

pypypy

CHƯƠNG XIV

MIỀN ĐÔNG BẮC TRỞ THÀNH
TRUNG TÂM KỸ NGHỆ VÀ THƯƠNG MẠI

Nếu chúng ta có dịp liếc nhìn một tờ báo được in vào khoảng 10 năm về trước thì chúng ta sẽ thấy rằng những đầu đề của các biến cố xảy ra được in đậm ở trang đầu, đối với ngày nay lại có rất ít tầm quan trọng. Mặt khác, những phát minh và khám phá về khoa học hay việc khởi lập một xí nghiệp lúc bấy giờ lại rất ít được chú ý trong báo chí, những công trình này có thể mang lại những kết quả lâu dài cho đời sống của đất nước.

Đầu thế kỷ thứ XIX, nhiều biến đổi đã xảy ra ở miền Đông Bắc. Dù rằng vào lúc đó dân chúng chưa nhận thức được những biến đổi này sẽ có một ảnh hưởng lớn lao vào đời sống của đất nước. Một trong những biến đổi này là sự gia tăng ghê gớm về buôn bán và thủy vận. Những chiếc thuyền với những cánh buồm lớn trương lên hứng gió phăng phăng chạy đi thi hành sứ mạng giao thương của Hoa Kỳ với toàn thể thế giới. Một sự biến đổi khác nữa là Hoa Kỳ phát minh ra được nhiều sáng chế mới. Trong chương này các bạn sẽ tìm hiểu những biến đổi này sẽ giúp cho miền Đông Bắc trở thành trung tâm kỹ nghệ và thương mại vào thập niên 1850. Đồng thời, các bạn cũng sẽ được biết những phát minh đã làm thay đổi cả công cuộc di chuyển và giao thông như thế nào. Trong chương này, chúng ta sẽ cố gắng giải đáp những vấn đề được nêu lên dưới đây:

1. Miền Đông Bắc đã trở nên một trung tâm kỹ nghệ và thương mại như thế nào?

2. Những máy móc đã biến đổi đời sống Hoa Kỳ ra làm sao?

3. Trong ngành chuyển vận và giao thông đã có những biến đổi nào?

¨

PHẦN MỘT

MIỀN ĐÔNG BẮC ĐÃ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KỸ NGHỆ VÀ THƯƠNG MẠI NHƯ THẾ NÀO?

s THƯƠNG MẠI PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ Ở MIỀN ĐÔNG BẮC

Hãy tưởng tượng rằng các bạn có thể quay ngược được kim đồng hồ trở lại, và chúng ta có thể viếng thăm hải cảng Boston vào thập niên 1840. Dọc theo các bến tàu biết bao nhiêu là tàu thuyền đậu san sát bên nhau. Chỉ có một số những tàu thuyền này mang cờ ngoại quốc. Còn hầu hết là mang cờ sao xọc Hiệp chủng quốc phất phới tung bay trước gió. Đây, là đoàn tàu đánh cá đang bốc dỡ hàng tấn cá tuyết đã bắt được và mang về từ ngoài khơi Newfoundland. Và xa xa là con tàu chở đầy những hàng hóa và hành khách đi Âu châu. Ngoài ra lại còn có những tàu được đóng chỉ dùng để chuyên chở hàng hóa cồng kềnh như ngũ cốc và các cây gỗ. Quanh đây có những chiếc tàu dài và nhọn với những cột buồm sừng sững vươn lên (tàu này gọi là tàu Clipper), biểu tượng niềm kiêu hãnh của các đội thương thuyền. Bên cạnh con thuyền này là chiếc tàu đánh cá vừa mới trở về sau một chuyến đi tới tận Thái bình dương. Cảnh tượng trên đây quả là một cảnh tượng hoạt động vô cùng náo nhiệt. Cả một bầu không khí vô cùng nhộn nhịp. Từng đoàn công nhân mình đầy mồ hôi hì hục khuân vác hàng hóa. Các thủy thủ Hoa Kỳ làm việc trong các tàu thuyền đều nói về những hải cảng và dân chúng xa lạ ở mãi nơi tận cùng xa xăm của địa cầu.

Các hải cảng ở miền Đông Bắc [6] như New York hay Salem, thuộc tiểu bang Massachusetts cũng vô cùng náo nhiệt với những hoạt động của thời thập niên 1840. Tuy nhiên, các hải cảng nằm trên bờ biển Đại tây dương không phải là luôn luôn náo nhiệt như vậy. Những gì đã tiếp tục xảy đến cho việc thủy vận và thương mại từ thời thuộc địa?

- Sau cách mạng, công cuộc thủy vận của Hoa Kỳ bị thiệt hại rất nhiều

Như các bạn đã biết trong chương V, ngay từ thời thuộc địa, người dân miền Tân Anh đã bắt đầu đóng tàu cũng như mở mang nghề hàng hải và buôn bán. Thực ra, một trong những nguyên nhân của cuộc chiến tranh cách mạng trước kia là vì Anh quốc đã kiểm soát chặt chẽ công việc thương mại của người Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, hải quân Anh đã bắt giữ và đánh đắm rất nhiều tàu thuyền của Hoa Kỳ. Nhiều thủy thủ đã bị giết hại, và nhiều người khác phải bỏ nghề đi biển để làm dân định cư lập nghiệp ở miền Tây.

Ngoài những thiệt hại về tàu thuyền và thủy thủ, Hoa Kỳ còn mất đi hầu hết các thị trường tiêu thụ hàng hóa. Sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập tách rời khỏi Anh quốc thì nhiều hải cảng của người Anh không cho tàu thuyền của người Mỹ cặp bến nữa. Đặc biệt trầm trọng hơn cả là đối với những thương gia Hoa Kỳ, họ không còn được buôn bán với quần đảo vùng West Indies. Trước cách mạng, người Hoa Kỳ chiếm được rất nhiều lợi trong việc giao thương mậu dịch với vùng này.vì những lý do này mà những năm sau chiến tranh cách mạng, công việc buôn bán và thủy vận của người Hoa Kỳ bị giảm sụt đi rất nhiều.

- Người Hoa Kỳ buôn bán với Trung Hoa

Tuy nhiên, các thương gia đầy nghị lực cũng như các nhà hàng hải Hoa Kỳ không chịu chấp nhận thất bại. Họ nói rằng: “Nếu chúng ta không thể buôn bán được ở các hải cảng của người Anh thì chúng ta phải tìm những nơi mới để giao thương, tại sao chúng ta lại không gửi tàu thuyền của chúng ta vượt Thái bình dương tới tận Trung Hoa và các phần đất khác ở miền Viễn Đông?” năm 1784, chiếc tàu “Hoàng hậu Trung Hoa” nhổ neo khởi hành từ New York đi Trung Hoa. Một năm sau, chiếc tàu này chở đầy trà và lụa mua từ thành phố Quảng Đông mang về. Cũng vào khoảng thời gian này, tàu Đại Thổ (Grand Turk) rời hải cảng Salem, Massachusetts đi phương Đông.

Thoạt đầu, người Hoa Kỳ không biết phải đem những hàng hóa nào sang bán ở Viễn Đông sẽ mang lại cho họ được nhiều lời nhất. Nhà hàng hải Robert Gray, thuyền trưởng của chiếc tàu Columbia ở Boston, đã phải trải qua một mùa Đông ở ngoài khơi vùng Oregon, rồi ông cho tàu đi từ đây sang Trung Hoa. Ông thấy rằng ông có thể đem da thú mua của người da đỏ ở Oregon sang Trung Hoa bán sẽ được giá cao. Sau đó, nhà hàng hải Gray cho tàu đi theo ngã hướng Tây bằng cách đi vòng quanh Châu Phi rồi vượt Đại tây dương trở về duyên hải phía Đông Hoa Kỳ. Sau chuyến trở về của Gray, càng ngày càng có nhiều tàu thuyền đi Viễn Đông buôn bán, và ngừng lại dọc theo vùng bờ biển phía Tây Bắc Mỹ. Tại đây, họ buôn bán với người da đỏ, trao đổi những đồ nữ trang rẻ tiền để lấy da thú. Những da thú này lại đem sang Viễn Đông bán để mua những đồ xa xỉ và hàng hóa tốt khác của phương Đông.

- Các thương gia tìm kiếm thị trường mới ở Âu châu để tiêu thụ hàng hóa Hoa Kỳ

Không bao lâu thì các thương gia Hoa Kỳ cũng bắt đầu buôn bán với các quốc gia khác. Một số người vượt biển tiến lên đến Bắc Hải để buôn bán với các nước Nga, Đan Mạch, và Thụy Điển. Một số khác lại cho tàu đi sâu vào Địa Trung Hải giao thương với các thị trấn duyên hải ở vùng này. Tuy nhiên, công việc buôn bán ở Địa Trung Hải gặp nhiều nguy hiểm. Nhà cầm quyền các quốc gia ở vùng duyên hải Bắc Phi (còn gọi là các nước mọi rợ) ra lệnh bắt giữ bất kể thương thuyền nào. Thủy thủ bị bắt bỏ tù hay đem bán làm nô lệ. Trong nhiều năm, chính phủ Hoa Kỳ cùng với chính quyền của các quốc gia Âu châu lo lót cho bọn cướp biển để các tàu thuyền của nước họ được yên. Nhưng dù có làm thế đi nữa cũng rất ít thành công. Cuối cùng, Tổng thống Jefferson, dù là người hiếu hòa, cũng phải quyết định dạy cho bọn cướp biển dã man này một bài học. Năm 1801, Hoa Kỳ gửi một đội hải thuyền đến khơi chiến với bọn cướp biển Phi châu. Dầu cho hải quân Hoa Kỳ chiến đấu anh dũng đi nữa thì cũng phải mất nhiều năm sau các tàu buôn Hoa Kỳ mới có thể đi lại an toàn trên vùng biển Địa Trung Hải.

- Hoạt động đánh cá và bắt cá voi gia tăng

Đồng thời với khi mà càng ngày càng có nhiều tàu buôn Hoa Kỳ vượt biển giao thương với Âu châu và phương Đông thì cũng có nhiều tàu đánh cá lớn và các tàu thuyền đánh cá voi cũng tiến ra khơi hoạt động. Dầu cá voi được dùng để đốt đèn, xương cá voi được dùng làm nhiều dụng cụ. Việc đánh cá voi rất mệt nhọc và nguy hiểm. Những chuyến đi đánh cá voi thường thì kéo dài rất lâu. Tính từ ngày nhổ neo ra đi cho đến ngày người thủy thủ mệt nhoài trở về nhìn lại thấy bến tàu quen thuộc ở quê nhà thường thì có khi tới 2 hay 3 năm.

- Thủy thủ Hoa Kỳ hoạt động trên khắp các vùng biển và mang lại nhiều tiền của cho miền Đông Bắc

Những chuyến đi lâu dài của các thương gia, các nhà chuyến đánh cá voi, và các tàu ngư phủ Hoa Kỳ đã làm cho công việc thủy vận ở miền Đông Bắc càng trở nên quan trọng hơn thời trước cách mạng. Một lần nữa, chúng ta lại thấy cảnh náo nhiệt ở các trung tâm thủy vận như New York, Boston và Salem. Một văn sĩ đã viết: “Trong những kho chứa hương liệu trông ra bến tàu Salem, giờ đây lại chất chứa sợi gai mua từ Luzon, nhựa copal mua từ Zanzibar, dầu chà là mua từ Châu Phi, cà phê đem về từ Á Rập, mỡ dê để làm xà bông mang về từ Madagasca, dầu cá voi mang từ vùng cực về, len và dạ đem từ Rio de Plata về, đậu khấu và đinh hương mang từ Mã Lai về”. Thanh niên đủ tuổi đi bầu trở lên, những thuyền trưởng của các thương gia làm giàu về hưu trước tuổi trung niên.

- Trận chiến 1812 làm thiệt hại công cuộc thủy vận của Hoa Kỳ

Chúng ta thấy rằng trong chương XIII, lệnh cấm tàu của Tổng thống Jefferson làm ngăn chặn việc chuyển vận hàng hải của người Hoa Kỳ. Trận chiến 1812 đồng thời cũng không cho các tàu buôn của người Hoa Kỳ lưu hành ở ngoài đại dương. Khi mà việc buôn bán giảm sút thì kho chứa hàng phải chất chứa đầy những hàng hóa. Thủy thủ mất công ăn việc làm, tàu thuyền không được sử dụng bị vất vào một xó đến nỗi mục nát cả. Một du khách kể lại rằng đường phố dọc theo bờ biển New York rất hoang vắng đến nỗi cỏ mọc lan đầy cả bến tàu và các kho chứa.

Tuy nhiên, khi trận chiến 1812 chấm dứt, miền Đông Bắc lại hướng về biển cả để làm giàu. Trên khắp các vùng biển và các hải cảng ở nơi xa xôi đều có mặt các nhà hàng hải lanh lợi khôn ngoan người Hoa Kỳ. Các tàu thuyền lại đi những chuyến đi thường lệ qua lại các hải cảng của hai nước Anh và Hoa Kỳ.

- Tàu mình dài, buồm lớn chạy nhanh trở thành nữ hoàng trên khắp các vùng biển

Vào thập niên 1840, các nhà đóng tàu ở miền Tân Anh sản xuất một loại tàu đặc biệt gia tăng tốc độ. Tàu này được đặt tên là tàu Clipper. Đây là những tàu mình dài, đặc biệt được dùng để đi buôn bán với Trung Hoa. Trên tàu được tranh bị bằng một cánh buồm vô cùng rộng và chạy rất nhanh. Tàu Clipper trở thành niềm hãnh diện của thủy thủ Hoa Kỳ, và cũng là cái đích cho các quốc gia khác ganh tỵ. Ông Donald Mc Kay người Boston đã họa được kiểu tàu Clipper nổi tiếng nhất này. Chiếc tàu “Mây bay” của ông thực hiện được chuyến đi từ New York vòng quanh mũi Horn tới San Francisco trong vòng 89 ngày. Chạy trong những ngày gió mạnh, tàu có thể vượt được tới 375 dặm trong một ngày. Một văn sĩ đã nói rằng những chiếc tàu của ông Mc Kay “Thực là sự sáng tạo của trí tưởng tượng của cả niềm tin và của lòng mong ước giống như bất kỳ giấc mơ nào khác của người Hoa Kỳ mà ngày nay nó đã thể hiện thành những tòa nhà cao ngất trời, những cây cầu chênh vênh nằm vắt ngang qua các dòng sông, hay những con đường xa lộ dài bất tận liên kết các thị trấn, thành phố, đồi núi, bình nguyên và sa mạc lại thành một đại lãnh thổ rộng lớn mênh mông”.

Trong thời đại tàu Clipper (những thập niên 1840 và 1850) việc chuyên chở hàng hải tiến lên thời kỳ thịnh hành nhất. Các tàu thuyền và các thương gia Hoa Kỳ có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, thời đại của các tàu Clipper cũng không kéo dài được bao lâu. Cũng vào thời kỳ này, tàu chạy biển bằng hơi nước đã thấy xuất hiện. Người Anh đã sản xuất được một loại tàu chạy bằng hơi nước và bắt đầu dùng sắt để đóng tàu. Nhưng các thủy thủ Hoa Kỳ vẫn còn bám víu lấy tàu Clipper đóng bằng gỗ chạy nhanh và khinh thường những tàu bằng hơi nước với những đường giây sần sì, chằng chịt và phùn phụt phun khói. Cái ngày mà những chiếc tàu gỗ chạy bằng sức gió phải nhường bước cho nữ hoàng mới của biển cả không còn xa nữa.

¨ NHỮNG PHÁT MINH MỚI ĐÃ GIÚP CHO MIỀN ĐÔNG BẮC TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KỸ NGHỆ CỦA ĐẤT NƯỚC

Song song với sự phát triển về thủy vận và thương mại, miền Đông Bắc còn trở nên một trung tâm kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Sự việc này thật khó có thể có được nếu không có một biến cố quan trọng trong lịch sử loài người đã xảy ra ở Anh quốc vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Loài người bắt đầu sử dụng máy móc hàng loạt để làm những công việc mà trước kia đều được làm bằng chân tay. Việc thay đổi trong phương pháp sản xuất đã xảy ra quá nhanh và vượt cả tầm mong ước của con người đến độ chúng ta gọi sự việc thay đổi này là cuộc cách mạng kỹ nghệ. Cuộc cách mạng kỹ nghệ này đã có ảnh hưởng lớn rộng và lâu dài đối với đời sống con người hơn tất cả các trận chiến tranh đã từng xảy ra từ trước tới giờ.

- Các nhà phát minh người Anh mở đường cho cuộc cách mạng kỹ nghệ

Cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi sự vào khi người ta phát minh ra các máy móc mới để kéo chỉ sợi, dệt vải. Đầu thế kỷ thứ XVIII, hầu hết gia đình nào cũng có máy kéo sợi và khung cửi dệt vải bằng tay. Những máy kéo sợi quay tay này rất chậm. Phải mất nhiều giờ đồng hồ mới kéo đủ sợi để may một bộ quần áo. Vào thập niên 1760, một người Anh tên là James chế ra một cái máy quay sợi đặt tên là máy quay Jenny (Jenny có thể là tên vợ của ông ta) để thay thế cho máy quay tay. Chiếc máy này có thể quay được 8 sợi thay vì một sợi trong cùng một lúc. Sau đó, máy này được cải tiến lần lần và có thể quay được 80 sợi cùng một lúc. Ít năm sau, một người Anh khác tên là Cartwright phát minh ra một loại khung cửi có thể chạy bằng thủy lực. Nhờ loại khung cửi này mà người thợ dệt vải có thể làm nhanh hơn và có thể sản xuất được những tấm vải có khổ rộng hơn những tấm vải được sản xuất bằng máy dệt tay của ngày xưa. Từ đó, các loại máy kéo sợi này và máy dệt vải luôn luôn được cải tiến. Sau này, hơi nước cũng như thủy lực được sử dụng để chạy các máy móc.

- Những xưởng máy đầu tiên được thiết lập

Chúng ta đã thấy rằng trước khi phát minh ra các máy móc, mọi công việc kéo sợi cũng như dệt vải đều được làm ngay ở trong gia đình. Vì các máy móc mới đắt tiền cho nên nhiều gia đình không đủ khả năng mua sắm được. Hơn nữa, các máy móc cần phải được thiết lập ở những nơi gần thủy lộ để có thể dùng tàu thuyền chuyển vận được. Người có công thiết lập xưởng máy đầu tiên là ông Richard Arkwright. Ông đặt những chiếc máy kéo sợi và máy dệt vải vào trong cùng một tòa nhà và sử dụng nhân công ở đó để trông nom. Ít lâu sau nhiều xưởng máy khác cũng được thiết lập, và chẳng bao lâu Anh quốc trở thành quốc gia sản xuất rất nhiều vải. Vì các xưởng máy này sản xuất sợi vải cho nên người ta thường gọi các nhà máy này là nhà máy sợi.

- Ông Samuel Slater du nhập những máy móc này vào Mỹ châu

Anh quốc hết sức giữ gìn những bí mật về các nhà máy sợi mới này để cho không có quốc gia nào khác có thể hưởng lợi được chút gì của các phát minh này cả. Chính phủ Anh lại ban hành một đạo luật cấm không cho ai được mang một chiếc máy dệt nào hay họa đồ của máy dệt ra khỏi Anh quốc. Tuy nhiên, không có luật lệ nào có thể kiểm soát được những gì người ta nhớ được trong trí nhớ. Năm 1789, có một người Anh tên là Samuel Slater đến Hoa Kỳ định cư ở Pawtucket, Rhode Island. Ông Slater đã từng làm việc ở trong nhiều nhà máy dệt ở Anh quốc, và ông đã thuộc lòng những máy dệt này đến nỗi ông có thể thiết lập được những máy dệt này ở Hoa Kỳ. Ông đã làm đúng như vậy. Chỉ trong vòng một năm trời, nhờ gợi từ trong trí nhớ mà ông thiết lập được chiếc máy kéo sợi có thể kéo được 72 sợi cùng một lượt. Sau đó, ông thiết lập nhiều xưởng dệt sợi ở Rhode Island và ở Massachusetts giống như những xưởng máy dệt đã được thiết lập ở Anh quốc. Sau khi được Slater trình bày các phương pháp như vậy, nhiều nhà máy bông sợi khác được thiết lập ở miền Tân Anh.

- Kỹ nghệ gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ chiến tranh 1812

Cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Hoa Kỳ vào lúc đầu rất chậm chạp. Nguyên nhân chính là vì người Hoa Kỳ quen đem bán thực phẩm và nguyên liệu để nhập cảng hàng hóa kỹ nghệ của Anh và của các quốc gia Âu châu khác. Nhưng vì lệnh cấm tàu lưu thông ở ngoài các vùng biển của Tổng thống Jefferson, và sau này vì trận chiến 1812 cản trở việc buôn bán giao thương của người Hoa Kỳ khiến cho người Hoa Kỳ hầu như hoàn toàn không sử dụng hàng hóa Anh nữa. Dân tộc Hoa Kỳ vốn là những người tự tin, họ nói “Nếu chúng ta không thể mua được những sản phẩm kỹ nghệ của Anh thì tại sao chúng ta lại không khởi lập các xưởng máy để chế tạo những hàng hóa cần thiết cho chúng ta”. Đó chính là những gì mà họ đã làm. Nhiều nhà máy kỹ nghệ được thiết lập ở nhiều nơi. Năm 1814 ông Francis Lowell mở một nhà máy sợi ở Waltham, thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là nhà máy dệt đầu tiên mà trong đó tất cả các giai đoạn biến chế từ bông vải vừa lượm về cho đến khi thành vải đều được hoàn thành dưới cùng một mái nhà. Các nhà máy bắt đầu sản xuất không những chỉ có bông, len, dạ, nỉ, tơ lụa, mà còn sản xuất cả những hàng hóa bằng sắt và da nữa. Phương pháp đem các công nhân cùng làm việc với nhau để sản xuất hàng hóa bằng máy móc trong xưởng kỹ nghệ gọi là hệ thống xí nghiệp.

- Miền Tân Anh và các tiểu bang miền Trung dẫn đầu về kỹ nghệ sản xuất

Hầu hết các xí nghiệp của Hoa Kỳ vào lúc đầu, đặc biệt nhất là các nhà máy sợi, đều được thiết lập ở miền Tân Anh. Có nhiều nguyên nhân:

1. Miền Tân Anh có nhiều sông nước chảy xiết có thể cung cấp được các nguồn thủy lực cần thiết.

2. Vì đất đai ở các miền đồi núi ở miền Tân Anh có nhiều sỏi đá, không thuận lợi cho việc canh tác, cho nên nhiều người sẵn sàng từ bỏ việc đồng ruộng để làm việc trong các xí nghiệp.

3. Miền Tân Anh có nhiều tàu thuyền để chuyển vận những hàng hóa của các xí nghiệp gửi đi các nơi khác ở trong nước cũng như ở ngoại quốc.

Các xí nghiệp ở các tiểu bang miền Trung (New York, Pennsylvania, và New Jersey) sản xuất nhiều hàng hóa bằng kim khí (sắt). Ở Pennsylvania có quặng sắt đã được khai thác và được sử dụng từ thời thuộc địa. Vào thế kỷ thứ XIX, việc chế tạo hàng hóa bằng sắt bắt đầu gia tăng, những bánh xe được viền bằng sắt, súng, bếp lò, búa rìu và các dụng cụ khác. Ở miền Nam và miền Tây, việc thiết lập kỹ nghệ chậm chạp hơn. Mãi đến đầu thế kỷ thứ XIX, hai miền này mới có vài xí nghiệp.

- Ông Howe phát minh ra máy khâu

Người Hoa Kỳ không phải chỉ thiết lập các xí nghiệp, máy móc mô phỏng theo máy móc của người Anh, họ cũng phát minh ra các máy móc mới. Chẳng hạn như kỹ nghệ dệt sợi rất cần máy may để may quần áo. Nhiều nhà phát minh đã cố gắng chế tạo ra một loại máy may, nhưng ông Elias Howe là người đầu tiên thành công. Ông Howe chào đời trong một nông trại miền Tân Anh. Giống như những người nông dân khác, lớn lên ông cũng phải học sửa chữa và chế tạo nhiều loại dụng cụ. Ông đã từng làm việc trong một xí nghiệp, và ở đây ông đã có dịp quen thuộc hiểu biết về máy móc. Ông nghĩ rằng, nếu một người có thể phát minh ra được một chiếc máy may thì người đó có thể làm giàu. Ông đã cặm cụi làm việc để theo đuổi ước nguyện này, và đã trải qua biết bao nhiêu thí nghiệm liên tiếp nhưng đều thất bại.

Sau cùng, vào năm 1845 ông Howe hoàn thành được một chiếc máy may điều khiển bằng tay quay bánh xe. Tuy nhiên, người ta không hăng hái mua phát minh của ông. Gia đình ông gần như sắp chết đói trước khi tiền bạc đến với ông, và cuối cùng ông trở nên giàu có. Máy may của ông Howe không những đã làm nhẹ công việc của các bà nội trợ mà còn làm cho các xí nghiệp chế tạo quần áo được phát triển mạnh mẽ. Quần áo được chế tạo bằng máy may có thể bán được vơi giá rẻ hơn những quần áo chế tạo bằng cách may tay.

¨ CHÍNH PHỦ KHUYẾN KHÍCH CÁC NHÀ KỸ NGHỆ

- Hàng hóa của người Anh rẻ làm cho các kỹ nghệ gia Hoa Kỳ lo ngại

Kỹ nghệ sản xuất phát triển mau chóng trong thời kỳ chiến tranh 1812. Tuy nhiên, các kỹ nghệ gia Hoa Kỳ lại gặp nhiều khó khăn vào những năm hậu chiến. Khi công cuộc thương mại được tái lập, các thương gia người Anh lại chuyển vận ồ ạt hàng hóa của họ đến bán cho các khách hàng cũ ở Mỹ châu. Giá bán của các hàng hóa Anh rẻ hơn, vì rằng kỹ nghệ gia người Anh muốn thanh toán cho xong số lượng vĩ đại của họ bị ứ đọng trong thời kỳ chiến tranh. Hậu quả là Hoa Kỳ tràn ngập những hàng hóa Anh được bán với giá rẻ hơ hàng hóa Hoa Kỳ. Đương nhiên là dân chúng thích mua hàng hóa Anh vì nó rẻ hơn.

Các nhà kỹ nghệ Hoa Kỳ lấy làm lo ngại. Nhiều nhà máy phải đóng cửa. Các xí nghiệp mới hầu như bị phá sản. Họ quay ra yêu cầu chính quyền giúp đỡ. Họ yêu cầu chính phủ đánh thuế các hàng hóa nhập cảng. Tại sao các kỹ nghệ gia lại tin rằng thuế nhập cảng có thể bảo đảm cho họ rằng hàng hóa nhập cảng của Anh quốc không còn rẻ hơn hàng hóa của họ nữa?

- Làm thế nào có thể tiến hành được thuế mậu dịch (thuế nhập cảng)

Giả sử rằng ông Jones ở trong thị trấn của các bạn làm chủ một xưởng máy sản xuất giày dép. Dĩ nhiên, ông ta muốn kiếm được nhiều tiền lời. Muốn được như vậy thì ông ta phải bán giày với giá cao hơn giá mua các vật liệu và tiền thuê nhân công để làm ra giày dép. Nói một cách khác, nếu ông Jones phải tốn hết 6 Mỹ kim để chế tạo một đôi giày thì ông hy vọng phải bán được 7 Mỹ kim một đôi. Nhưng nếu ông Smith trong một thị trấn kế cận cũng sản xuất giày, có thể xí nghiệp của ông Smith hữu hiệu hơn hay là ông ta mướn nhân công rẻ hơn. Như vậy ông Smith có thể sản xuất được những đôi giày cùng một kiểu và cũng tốt như giày của ông Jones mà chỉ có tốn hết có 5 Mỹ kim một đôi mà thôi? Vì thế cho nên ông Smith có thể bán giày của ông ta với giá 6 Mỹ kim một đôi mà vẫn kiếm lời được bằng ông Smith. Đương nhiên là người ta (dân chúng) sẽ mua giày rẻ hơn. Xí nghiệp của ông Jones sẽ xuống dốc (phá sản). Tuy nhiên, nếu giá giày của ông Smith chỉ tăng thêm có một Mỹ kim thôi thì ông ta và ông Jones có thể cạnh tranh được.

Bây giờ chúng ta giả thử rằng Hoa Kỳ là ông Jones, và Anh quốc là ông Smith, chúng ta sẽ hiểu tình hình kỹ nghệ Hoa Kỳ vào những năm sau trận chiến 1812. Nếu các hàng hóa nhập cảnh bị đánh thuế thì hàng hóa Anh sẽ mắc bằng giá hàng hóa do Hoa Kỳ chế tạo. Để có thể cạnh tranh với hàng hóa của Anh, các nhà kỹ nghệ Hoa Kỳ mong muốn chính quyền đánh thuế vào các hàng hóa nhập cảng.

- Thuế mậu dịch (nhập cảng) đánh vào hàng hóa ngoại quốc

Các kỹ nghệ gia Hoa Kỳ cầu cứu đến Quốc hội. Năm 1816, Quốc hội thông qua một đạo luật đánh thuế vào các hàng hóa nhập cảng. Thuế này giúp cho các ông chủ kỹ nghệ rất nhiều. Tuy nhiên, một vấn đề khác của thuế mậu dịch lại được đặt ra. Nhiều người Hoa Kỳ không thích loại thuế này. Họ cho rằng nếu không thể bán được hàng hóa kỹ nghệ ở Hoa Kỳ thì Anh quốc sẽ có thể không muốn mua thực phẩm và nguyên liệu của Hoa Kỳ. Thế có nghĩa là công việc giao thương giữa Hoa Kỳ và Anh quốc sẽ sút giảm. Như vậy thì thuế mậu dịch là một cái tát vào các ông chủ tàu thuyền chuyển vận (làm tổn hại đến quyền lợi của các ông chủ này). Vì vậy họ phải lớn tiếng phản đối đạo luật đánh thuế này. Những người miền Nam trồng thuốc lá và bông vải để xuất cảng cũng la lối chống đối thuế mậu dịch. Nhiều người tiêu thụ hàng hóa cũng phản đối vì rằng họ phải mua hàng hóa kỹ nghệ mắc hơn hàng hóa của Hoa Kỳ. Dù sao thì ít năm sau, kỹ nghệ sản xuất gia tăng mau chóng ở miền Tân Anh và ở các tiểu bang miền Trung. Nhu cầu cũng đòi hỏi phải gia tăng đánh thuế nhập cảng hay là thuế mậu dịch và nhiều loại hàng hóa. Năm 1824 và năm 1828, quốc hội lại thông qua một số đạo luật khác về thuế nhập cảng nữa.

¨

PHẦN HAI

MÁY MÓC ĐÃ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG Ở HOA KỲ
NHƯ THẾ NÀO?

- Điều kiện làm việc trong các xí nghiệp vào lúc đầu rất là tệ

Chúng ta nên nhớ rằng các xí nghiệp lúc đầu không có gì giống như các xí nghiệp tân tiến ngày nay với hàng trăm máy móc cầu kỳ, phức tạp, hàng ngàn công nhân, và với hàng hàng nhân công nối đuôi nhau dài dằng dặc. Những xí nghiệp lúc đầu thường là những tòa nhà bằng gỗ, không có hệ thống đèn tốt đẹp và cũng không có quạt máy. Mùa Đông thì rất lạnh, và mùa hè thì rất nóng. Không có một chút tiện nghi như hầu hết các xí nghiệp ngày nay. Không có nhà cầu, không có câu lạc bộ, và cũng không có bác sĩ hay y tá để săn sóc các công nhân đau ốm hay bị thương.

Con số phụ nữ và trẻ em làm trong các xí nghiệp này không kém gì con số nhân công đàn ông. Trẻ em chừng 7, 8 tuổi cũng phải làm việc trong nhiều giờ liên tiếp. Vào thời kỳ đó, không hề có ai nói tới chuyện một ngày làm việc 8 giờ. Công nhân phải đi làm từ lúc bình minh cho đến lúc mặt trời lặn, cặm cụi làm việc từ 12 đến 15 giờ một ngày. Mặc dù giờ làm việc dài như vậy, nhưng công nhân kiếm được rất ít tiền. Đàn ông có lẽ chỉ kiếm được chừng 5 Mỹ kim một tuần, trong khi đó thì phụ nữ chỉ được có 2 mỹ kim, và trẻ em chỉ được có 1 mỹ kim thôi. Tuy thế, công nhân cũng không luôn luôn lấy làm bất mãn với những điều kiện làm việc như chúng ta thường nghĩ. Họ thường là những người ở trong các nông trại gần đó, nơi mà họ thường quen với công việc nặng nhọc và giờ làm việc dài như vậy. Dù rằng lương của họ rất hạ, nhưng giá cả các vật dụng cần thiết hàng ngày cũng rất rẻ. Các công nhân cũng không phải bám riết các xí nghiệp này để sinh nhai. Thực ra, các nam nữ công nhân còn trẻ thường hy vọng kết hôn rồi sinh sống ở nông trại. Họ mong muốn đi đến miền Tây để định cư lập nghiệp vì ở đấy có nhiều cơ hội cho họ để khởi lập cuộc đời mới. Điều trở ngại đối với họ là miền Tây càng ngày càng trở nên xa hơn, và họ cũng phải tốn nhiều tiền hơn để đến đấy khởi lập sự nghiệp mới.

- Hệ thống xí nghiệp làm thay đổi lớn lao trong đời sống công nhân

Dần dần với thời gian, rõ ràng là hệ thống xí nghiệp đã làm biến đổi đời sống xã hội Hoa Kỳ rất nhiều. Ngày xưa, khi mà hàng hóa được chế tạo trong gia đình thì người công nhân đồng thời cũng chính là ông chủ. Chính họ làm chủ các đồ dùng, và có thể tùy ý làm việc bao nhiêu giờ trong một ngày. Hơn nữa, công nhân lấy làm hãnh diện về những gì mà chính bàn tay và khối óc của họ đã tạo ra. Tuy nhiên, khi mà các nhà máy xí nghiệp ra đời, người công nhân mất hẳn tự do cũng như không còn thích thú trong công việc làm ăn của họ nữa. Những hàng hóa do chính bàn tay họ làm ra không còn thuộc về họ nữa, mà lại thuộc về ông chủ của họ. Nếu họ muốn tiếp tục làm việc thì họ phải làm việc theo số giờ do ông chủ ấn định, và phải chấp nhận số tiền lương do ông chủ ấn định. Thường thì các ông chủ các nhà máy hiểu rõ hoàn cảnh của anh em công nhân, nhưng rất ít quan tâm đến điều kiện làm việc của họ.

- Nghiệp đoàn lao động buổi đầu cố gắng cải thiện điều kiện làm việc của công nhân

Dù rằng sự thật là công nhân Hoa Kỳ còn khả quan hơn công nhân của các quốc gia khác. Nhưng đời sống của họ cũng không có gì là thoải mái cả. Càng ngày càng có nhiều người di cư tới Châu Mỹ, như vậy có nghĩa là các ông chủ xí nghiệp rất dễ dàng thuê mướn nhân công. Họ mướn nhân công với giá hạ vì rằng nếu một người bỏ việc thì sẵn sàng có nhiều người khác đến xin làm thế.

Để cải thiện cải điều kiện làm việc của các anh em công nhân, một vài nhóm công nhân phải kết hợp lại với nhau thành nghiệp đoàn lao động. Hầu hết các đoàn viên của nghiệp đoàn lao động sinh sống ở các thành phố lớn. Các công nhân chuyên nghiệp hay các nhà thủ công nghiệp làm cùng một công việc liên kết lại với nhau thành một nghiệp đoàn. Mục đích chính của các nghiệp đoàn là tranh đấu để giảm bớt giờ làm việc và đòi được trả lương cao hơn. Đồng thời , công nhân cũng đòi hỏi mở rộng điều kiện cho con em họ được theo học miễn phí. Trong thập niên 1860, con số nghiệp đoàn tăng vọt, nhưng sau đó lại giảm xuống. Cho mãi tới năm 1865 mới có nhiều nghiệp đoàn lao động, và nghiệp đoàn lúc đó mới trở thành hùng mạnh.

- Hệ thống xí nghiệp đưa đến việc phát triển mở mang các đô thị

Việc sử dụng các máy móc đã đưa đến một sự thay đổi khác. Đó là sự phát triển và mở mang các đô thị. Khi mà càng có nhiều xí nghiệp được thiết lập thì càng ngày càng có nhiều người rời bỏ nông thôn để di chuyển đến cư ngụ ở gần các xí nghiệp. Sau năm 1820, có nhiều người từ Âu châu sang Mỹ châu đến định cư ở các thành phố kỹ nghệ. Bất kể là thành phố nào, nếu thuận tiện, (về phương diện giao thông) đều trở thành trung tâm chuyển vận hàng hóa. Ngay trong các thành phố, con số các tiệm bán hàng cũng phát triển mạnh, và các nhà ngân hàng cùng các kho chứa đồ cũng bắt đầu xuất hiện. Không bao lâu, nhiều thị trấn kỹ nghệ nhỏ trở thành các thành phố kỹ nghệ vô cùng nhộn nhịp và tấp nập.

Trong thời chiến tranh cách mạng, Hoa Kỳ chỉ có chừng 5 thị trấn kỹ nghệ với con số chừng hơn 8 ngàn dân. Năm 1840 có tới 44 thị trấn hơn 8 ngàn dân. Vào khoảng năm 1860, con số thị trấn như vậy lên đến 141. Những con số trên đây chứng tỏ rằng các thành phố đã được phát triển nhanh chóng về cả tầm vóc lẫn số lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng đại đa số dân chúng Hoa Kỳ vẫn còn tiếp tục sinh sống trong các nông trại hay ở trong các làng xóm nhỏ bé ở trong các vùng đồng quê.

- Dân thành phố được hưởng nhiều tiện nghi mới

Sự phát triển kỹ nghệ đã mang lại nhiều tiện nghi mới cho người dân Hoa Kỳ, đặc biệt nhất là đối với những người dân sinh sống ở trong các đô thị. Đèn cầy, nhường chỗ cho đèn dầu (dầu lửa). Lò sưởi được thay thế bằng bếp lò để nấu ăn và sưởi ấm. Nhà sàn trong các phòng được trải thảm. Muỗng, nĩa, muôi (giá) được chế tạo bằng thiếc thay vì bằng sắt hay bằng đồng. Càng ngày càng có nhiều gia đình có đầy đủ đồ tiện nghi trang bị trong nhà. Các thành phố lớn sử dụng hơi đốt để thắp sáng đường phố, và thiết lập hệ thống nước máy để thay thế các giếng nước đào, hay các dòng suối.

¨

PHẦN BA

TRONG NGÀNH DU LỊCH VÀ GIAO THÔNG ĐÃ
THỰC HIỆN ĐƯỢC NHỮNG CẢI CÁCH NÀO?

Song song với miền Đông Bắc phát triển thành một vùng kỹ nghệ và thương mại thì khắp nơi trong toàn quốc cũng thực hiện được nhiều cải cách khác. Một trong những cải cách này là các phương tiện giao thông. Nhiều đường xá và kinh đào được thiết lập để nối liền miền Đông với miền Tây. Những phát minh mới đã làm cho việc mua hàng hóa của nông dân được dễ dàng hơn, và làm cho các nhà kỹ nghệ được dễ dàng trong việc gửi sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Chúng ta hãy xem những cải cách này đã giúp ích như thế nào?

¨ ĐƯỜNG XÁ VÀ KÊNH ĐÀO LÀM GIA TĂNG CÔNG VIỆC THƯƠNG MẠI VÀ CHUYỂN VẬN

Theo hiến pháp, Đệ nhất Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày 4 tháng 3 năm 1789, nhưng thật ra, một tháng sau đó mới nhóm họp được. Đường xá ở khắp trong nước đều xấu là một trong những nguyên nhân của sự trì hoãn này. Đường xá thì không được trải đá, và thường có hàng loạt các ổ gà, đầy bụi hay bùn lầy. Tình trạng đường quá tệ như vậy làm cho các xe cộ phải lắc lư, xóc nẩy lên, và thường thường khó có thể dùng xe ngựa để đi từ một thị trấn này sang thị trấn kế bên. Nhiều người phải di chuyển bằng cách đi ngựa. Trong trường hợp mà hoàn cảnh cho phép, người ta dùng tàu thuyền để chuyển vận hàng hóa và hành khách.

- Quốc lộ Cumberland nối liền miền Đông với miền Tây

Càng ngày càng có nhiều người di chuyển về miền Tây cho nên người ta cần phải có phương tiện giao thông tốt đẹp hơn và nhanh chóng hơn. Năm 1811, người ta thực hiện được một công trình rất lớn. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ bắt đầu thiết lập quốc lộ Cumberland. Tốn phí trải đá cho một dặm đường của quốc lộ này là 13 ngàn mỹ kim. Lúc đầu con đường này chạy dài từ Cumberland (Maryland) đến Wheeling trên bờ sông Ohio. Sau này quốc lộ được mở rộng chạy dài đến tận Vandalia (Illinois) gần tới sông Mississippi. Quốc lộ này trở nên con đường thiên lý xuyên lục địa đi về miền Tây. Trên quốc lộ này nối tiếp đủ các loại phương tiện di chuyển từ các toa xe kéo cho đến xe thổ mộ, khách đi bộ và người cưỡi ngựa tấp nập đi về. Các nhà buôn của các tiểu bang Pennsylvania và Maryland kiếm được rất nhiều tiền trong việc bán thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho khách qua đường.

- Những con đường có thâu thuế được thiết lập

Nhiều người, đặc biệt là dân miền Tây, cho rằng các tiểu bang phải thiết lập thêm nhiều đường xá mới nữa. Nhưng các chính phủ tiểu bang không có đủ tiền, cho nên nhiều công ty tư nhân bắt đầu thiết lập các xa lộ. Mặt những xa lộ mới này tốt đẹp hơn các con đường đã có từ thời thuộc địa. Đủ các loại xe nườm nượp lưu thông trên các xa lộ mới này. Nhiều toa xe được dùng chuyển vận hàng hóa cũng như thân nhân và các đồ đạc của các gia đình đi đến định cư ở miền Tây. Thường thường có những đàn cừu hay súc vật được mang đến thị trường tiêu thụ làm ngắt quãng đoàn xe và các toa xe di chuyển này. Tại một vài nơi, khách đi đường phải dừng lại tại các trạm thu thuế để trả thuế đi đường. Tiền thuế này dùng để trả tiền cho các công ty đã bỏ tiền ra thiết lập và bảo trì xa lộ. Lúc đầu, trạm thu thuế đi đường chỉ là một cây sào vắt ngang đường và được nâng lên hay quay ngang để khách đi đường đi qua. Những xa lộ này được gọi là turnpikes.

- Kinh đào là những phương tiện giao thông rẻ tiền

Di chuyển bằng đường thủy cũng trở nên quan trọng hơn. Trước kia quân lính của người da đỏ đã dùng xuồng di chuyển trên các sông hồ. Nhưng có điều không may là các sông hồ thường bị ngăn cách bằng những giải đất rộng lớn. Các thác nước cũng làm cản trở việc lưu thông bằng đường thủy. Để vượt những trở ngại này, người ta cho đào những con kinh vòng quanh các thác nước hay là để nối liền các thủy lộ với nhau. Nhờ các con kinh đào này mà người ta có thể di chuyển bằng đường thủy băng qua được nhiều dặm đường. Dù rằng di chuyển bằng kinh đào chậm chạp nhưng lại rẻ tiền hơn là sử dụng đường bộ rất nhiều. Người ta thường dùng ngựa hay lừa đi hai bên bờ kinh để kéo các tàu thuyền di chuyển trên kinh. Trong thời kỳ từ năm 1825 đến năm 1850 người ta đào được rất nhiều kinh đào đến nỗi rằng người ta gọi thời kỳ đó là thời đại của kinh đào.

- Kinh đào Erie quan trọng nhất trong các kinh đào lúc đầu

Thống đốc của tiểu bang New York là ông Dewitt Clinton nhận định rằng những gì buôn bán được chuyển vận qua kinh đào đều có ý nghĩa đối với thành phố New York. Việc buôn bán trên kinh rất là quan trọng khiến cho ông hằng mơ tưởng đến việc quyết định đào con kinh Erie. Sau 8 năm tích cực hoạt động, con kinh rộng 40 bộ (13 thước) và dài 363 dặm được hoàn thành vào năm 1825. Kinh chạy xuyên qua vùng thung lũng sông Mohawh, vùng thượng tiểu bang New York, nối liền Albany với hồ Erie. Kinh Erie là một thủy lộ có thể lưu thông từ hải cảng New York tới vùng Ngũ Đại Hồ. Tàu thuyền có thể dùng sông Hudson ngược lên phía Bắc tới Albany rồi chuyển sang hướng Tây đi theo kinh tới tận Buffalo trên bờ hồ Erie. Khi khánh thành con kinh này chính Thống đốc Clinton thực hiện một chuyến đi 10 ngày bằng cách dùng tàu đi trên con kinh này từ Buffalo đến thành phố New York. Ông mang nước lấy từ hồ Erie tưới xuống biển Đại tây dương để làm lễ khánh thành con kinh nối liền các thủy lộ này. Ngay sau đó, kinh Erie trở thành thủy lộ quan trọng và náo nhiệt, tấp nập nhất nối liền miền Tây với vùng duyên hải Đại tây dương. Trước ngày con kinh này được hoàn thành, giá chuyên chở một tấn hàng hóa từ Buffalo đến thành phố New York vào khoảng chừng 100 mỹ kim. Con kinh này đã hạ giá chuyên chở một tấn hàng hóa xuống còn 10 mỹ kim. Hơn nữa, nhờ con kinh này mà người ta có thể chuyển vận thêm hơn chừng 1/3 số lượng hàng hóa nữa. Thành phố New York vốn đã là thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, giờ đây, nhờ sự buôn bán qua con kinh này, lại càng được phát triển mau chóng hơn nữa. Hàng hóa từ vùng Đại hồ được chuyển vận qua con kinh này đến thành phố New York, rồi từ đó lại được chuyển vận đi các hải cảng khác ở dọc theo bờ biển Đại tây dương hay là được chuyển vận đi Âu châu. Và ngược lại, hàng hóa kỹ nghệ từ các tiểu bang miền Đông và từ Âu châu cũng được chuyển vận qua con kinh này để đưa qua miền Tây.

¨ MÁY CHẠY BẰNG HƠI NƯỚC ĐÁNH DẤU THỜI ĐẠI MỚI TRONG NGÀNH CHUYỂN VẬN

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, một nguồn năng lực mới tạo nên cuộc cách mạng trong ngành chuyển vận đã làm thay đổi rất nhiều trong đời sống Hoa Kỳ. Nguồn năng lực này là hơi nước. Đã có lúc người ta biết rằng có thể biến đổi nước thành công lực. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, ông James Watt, người Tô Cách Lan, sáng chế một máy chạy bằng hơi nước đầu tiên rất thực dụng. Các ông chủ xí nghiệp ở Anh và ở Hoa Kỳ liền sử dụng máy chạy bằng hơi nước để chạy máy móc. Máy chạy bằng hơi nước không những hữu hiệu hơn máy chạy bằng thủy lực mà còn có thể thiết lập ở bất cứ nơi nào cũng được. Hoa Kỳ lại có rất nhiều than đá và gỗ rừng để dùng làm nhiên liệu cho máy chạy bằng hơi nước. Đương nhiên là người ta sẽ đặt ra vấn đề là “Tại sao lại không dùng hơi nước để chạy các tàu thuyền và các toa xe như người ta đã dùng nó để chạy các máy móc trong các xưởng kỹ nghệ.

- Ông John Fitch thất bại trong việc phát triển tàu chạy bằng hơi nước

Một trong những người đầu tiên đi tìm giải đáp cho vấn đề này là ông John Fitch, một người thợ khóa ở Connecticut, đến sinh sống ở Philadelphia. Năm 1787, ông cho hạ thủy một chiếc tàu thô sơ chạy bằng hơi nước ở trên sông Delaware. Sau này, ông lại đóng một chiếc tàu chạy bằng hơi nước khác và đã cho chạy được nhiều chuyến đi từ Philadelphia đến Trenton. Nhưng ông John Fitch lại thiếu kỹ năng và tiền bạc để phát triển hẳn một chiếc tàu chạy bằng hơi nước cho tới hoàn toàn thành công. Ông chết đi trong cảnh đau lòng không một đồng xu dính túi.

- Robert Fulton đóng chiếc tàu đầu tiên thành công chạy bằng hơi nước

Một người Hoa Kỳ khác tên là Robert Fulton đã chiếm được thành tích trong việc chế tạo được chiếc tàu chạy bằng hơi nước. Xuất thân trong một gia đình tầm thường ở Pennsylvania, Fulton học hành chẳng được bao nhiêu. Lớn lên ông trở thành một nghệ sĩ và sinh sống bằng nghề bán những họa phẩm của ông. Năm 21 tuổi, ông đi Âu châu và ở đấy ít lâu. Sau đó ông thích thú để ý đến máy móc và các phát minh khoa học hơn là nghệ thuật. Ông bắt đầu cho thí nghiệm ý định cho đặt một chiếc máy chạy bằng hơi nước trong một chiếc tàu. Nếu thành công thì chiếc tàu này sẽ không phải tùy thuộc vào gió trời hay các dòng sông. Tàu này cũng có thể chạy nhanh hơn các thuyền buồm.

Sau thời gian làm việc cần cù và kiên nhẫn để đặt kế hoạch, Fulton cho hạ thủy chiếc tàu chạy bằng hơi nước vào năm 1803. Tàu chìm ngay tức khắc. Không nản lòng, Fulton lại đóng một chiếc tàu khác. Mặc dầu tàu này không chìm nhưng nếu so với sức mạnh của nó thì tàu chạy rất chậm. Fulton trở về Hoa Kỳ và khởi công đóng chiếc tàu khác nữa chạy bằng hơi nước.

Đầu năm 1807, một chiếc tàu mới của ông chạy bằng hơi nước sắp được hoàn thành tại bến tàu bên bờ sông East ở thành phố New York. Những người đến coi chiếc tàu đang được đóng cười ngạo chế giễu nhà sáng chế ra nó và gọi chiếc tàu của ông là “Sự điên rồ của Fulton”. Tuy nhiên, Fulton vẫn tiếp tục công trình của ông. Một ngày vào tháng 8, chiếc tàu Clermont chạy bằng hơi nước của ông được chuẩn bị để thí nghiệm chuyến đi trên sông Hudson. Chiếc tàu trông thật là kỳ lạ đối với những người xếp hàng hai bên bờ sông để xem. Khói và than lửa từ các ống khói phùn phụt phun lên. Máy móc thì phát ra những tiếng kêu loảng xoảng inh ỏi, và các bánh xe quay làm tung tóe nước lên cả hai bên bờ sông. Con tàu vẫn chạy đều đều ngược dòng sông đi tới tận Albany và trở lại nơi khởi hành. Tính ra tàu chạy được quãng đường vừa đi vừa về dài chừng ba trăm dặm trong 62 tiếng đồng hồ. Sau chuyến đi này Robert Fulton viết:

“Lực đẩy của chiếc tàu có cánh quạt đẩy mạnh bằng hơi nước đã được xác nhận. Buổi sáng mà tôi rời New York có lẽ không có hơn 30 người trong thành phố tin rằng tàu này có thể chạy được một dặm một giờ hay là sẽ ít được sử dụng nhất. Trong khi hạ thủy, bến tàu chật ních những người xem, tôi đã nghe thấy những lời lẽ mỉa mai chế nhạo. Đây là một cách của những người ngu dốt khen ngợi những nhà phát minh”.

- Tàu chạy bằng hơi nước đã tỏ ra có giá trị

Chiếc tàu chạy bằng hơi nước của Fulton không còn bị chế giễu là “Sự điên rồ của Fulton” nữa. Người ta cải tiến và đóng thêm nhiều tàu khác nữa. Mấy năm sau, tàu chạy bằng hơi nước chất chứa hàng hóa và hành khách phùn phụt nhả khói tấp nập ngược xuôi trên các dòng sông lưu thông quan trọng. Tuy nhiên, tàu chạy bằng hơi nước vào lúc đầu còn có nhiều nguy hiểm. Đá ngầm, cây nổi, nước chảy xiết và nồi súp de nổ thường gây ra nhiều tai nạn. Đôi khi còn xảy ra hỏa hoạn do than lửa phun ra từ các ống khói gây nên. Gặp trường hợp này hành khách và nhân viên trong tàu phải xúm lại dập tắt ngọn lửa tàn hại. Có khi có những vụ đụng tàu rất nguy hiểm do sự liều lĩnh trong các cuộc chạy đua tranh chấp nhau mà ra.

Dù rằng gặp phải những nguy hiểm như vậy, nhưng sự di chuyển bằng tàu chạy bằng hơi nước vẫn gia tăng đều đều. Tàu chạy bằng hơi nước ở các Đại hồ đã chuyên chở được rất nhiều người đến miền Tây định cư, và chuyển vận hàng hóa đi lại giữa hai vùng này. Vào cuối thập niên 1830, người ta đã đem tàu chạy bằng hơi nước ra chạy thí nghiệm ở ngoài biển khơi và đã thành công. Tuy nhiên, người Hoa Kỳ vẫn còn bấu víu bám chặt lấy tàu buồm chạy nhanh và đã để cho người Anh đi trước họ trong hình thức mới này của ngành chuyển vận hàng hải.

- Xe lửa chạy bằng hơi nước xuất hiện

Trong khi người ta đang hăng hái phát triển tàu thuyền chạy bằng hơi nước, thì các nhà phát minh khác cũng cố gắng tìm cách sử dụng máy hơi nước để cải tiến phương tiện chuyển vận trên bộ. Ông Oliver Evans là một trong những người này. Ông Evans tin rằng xe lửa sẽ được chế tạo theo như ông tiên đoán vào năm 1812.

“Rồi đây người ta sẽ di chuyển từng một đoạn đường từ một thị trấn này đến một thị trấn khác bằng xe có động cơ chạy bằng hơi nước nhanh như chim bay từ 15 đến 20 dặm một giờ…Xe khởi hành ở Washington vào buổi sáng, hành khách sẽ ăn sáng ở Baltimore, ăn cơm chiều ở Philadelphia, và ăn tối ở New York trong cùng một ngày.

Muốn chu toàn công trình này, người ta phải đặt ra hai hàng đường rày bằng gỗ hay bằng sắt cùng ở trên một mặt phẳng bằng đá xanh hay đá sỏi, với một đường rày hướng dẫn xe để có thể chạy vượt nhau theo nhiều hướng khác nhau, và có thể chạy ban đêm dễ dàng như ban ngày vậy. Hành khách sẽ có thể ngủ thoải mái ở trong xe trên các đoạn đường này, giống như người ta di chuyển bằng các tàu thuyền chạy bằng hơi nước hiện nay”.

Dù rằng tư tưởng của ông Evans đối với chúng ta ngày nay rất là hợp lý, nhưng hầu hết dân chúng lúc bấy giờ lại chế giễu nhạo báng ông. Tuy nhiên, nhiều quãng đường rày (lúc bấy giờ thì bằng gỗ, sau này thì được bọc sắt) đã được thiết lập từng đoạn ngắn. Người ta đã sử dụng ngựa kéo các toa xe chạy trên các đường rày như vậy. Một người Anh tên George Stephenson phát minh ra chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước. Tới năm 1830, ông Peter Ceoper đóng một đầu máy xe lửa đặt tên là Tom Thumb, cho thí nghiệm ở Baltimore, Maryland và đạt được thành công. Cuộc thí nghiệm này được thực hiện trên đoạn đường Baltimore – Ohio, con đường rày mà người ta thường dùng ngựa kéo các toa xe lửa chạy trên đó. Đã có dịp chiếc Tom Thumb chạy đua với chiếc xe có ngựa kéo. Chiếc Tom Thumb đã vượt chiếc xe có ngựa kéo nhưng lại bị bể trên con đường chiến thắng. Rốt cuộc chiếc xe có ngựa kéo lại thắng cuộc.

- Những chiếc xe lửa lúc đầu như thế nào?

nếu đem so sánh với những chiếc xe lửa có những toa móc theo sau dài dằng dặc của ngày nay thì chiếc xe lửa của ngày xưa giống như những đồ chơi kỳ quặc. Động cơ đầu máy rất xấu xí, toa kéo thì mở trần, và dùng củi gỗ đốt thay vì dùng than. Tốc độ thì thật là chậm đến nỗi trong cuộc chạy đua với các toa xe có ngựa kéo thì cả hai loại xe chạy gần như ngang nhau. Nhiều người không tin tưởng vào những phát minh này. Họ không những coi xe lửa là một việc nguy hiểm mà còn cho rằng thượng đế không muốn cho nhân loại di chuyển bằng những phương tiện máy móc quá nhanh như vậy. Những người không đủ can đảm để thử di chuyển bằng đường xe lửa mới này thì lại cho rằng dùng đường xe lửa không được thoải mái. Những toa xe lúc đầu không hơn gì những chiếc xe ngựa kéo là bao nhiêu. Đường xá thì không được bằng phẳng, có nhiều chỗ nứt nẻ làm cho hành khách phải chịu cực nhọc vì xe dằng, xóc giật nẩy cả người lên. Khói và bồ hóng bay tạt cả vào mặt người ta, và những mảnh than lửa tung tóe ra làm cháy lỗ chỗ cả quần áo hành khách. Các nhà nông thì phàn nàn rằng đầu máy xe lửa đã gây ra những tiếng động ghê gớm làm cho gà của họ không còn đẻ trứng, và bò bị mất sữa.

Ông Charles Dickens, một nhà văn nổi tiếng người Anh đã viết về một chuyến đi bằng xe lửa trong thời gian ông viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1842. Ông viết như sau:

“Con tàu dừng lại trong rừng hoang vắng, nơi mà không một ai muốn có một lý do nào để đi ra ngoài xe được. Sự vô cùng tuyệt vọng của mọi người đều như nhau là đều ở lại trong tàu. Tàu chạy băng qua xa lộ có thu thuế. Qua đường mà cũng không có cổng, không có cảnh sát, không có dấu hiệu gì hết, ngoại trừ một khung gỗ hình cong trên đó viết chữ bằng sơn “Khi nào có chuông kêu, hãy trông chừng xe lửa”. Tàu lại hấp tấp lao vút vào trong rừng một lần nữa rồi hiện ra trong ánh sáng, làm rung chuyển các khung cửa mong manh, gây chuyển động cả mặt đất rồi phóng xuống chui qua chiếc cầu gỗ như bị khuất dạng ánh sáng trong chớp mắt, rồi thình lình làm những người ngủ gật phải thức dậy, gây vang động trên đường phố chính của thành phố lớn, và ngẫu nhiên lao tới giữa đường. Ở đó, các ông thợ máy đang làm việc, người người tựa vào cửa ra vào và cửa sổ, trẻ em đang thả diều và chơi bi, đàn ông hút thuốc, các bà nói chuyện, con nít bò lê, đàn heo ủi đất kiếm ăn, có những con ngựa chưa quen đang chồm lên lao xuống, tất cả choán kín cả mặt đường rầy. Những mảnh vụn than lửa từ trong lò than củi cháy phụt ra, làm tung tóe như nước mắt của con rồng điên của đầu máy, kêu thất thanh, hú lên, rồi thở hồng hộc. Sau cùng con quái vật dừng lại bên đường để uống nước (để lấy nước) dân chúng xúm lại vây quanh và bây giờ bạn mới có thì giờ để thở”.

- Đường hỏa xa ở Hoa Kỳ phát triển rất nhanh

Những đầu máy xe lửa và các toa xe luôn luôn được cải tiến, và các đường xe lửa được phát triển rất mau. Năm 1830, Hoa Kỳ có chừng 30 dặm đường rầy, 10 năm sau, con số này lên tới 2800, năm 1850 tăng lên đến 9 ngàn dặm. Đường xe lửa lúc đầu chỉ là những đoạn ngắn, thường là để nối liền hai thành phố quan trọng với nhau. Ba con đường chính là Baltimore- Ohio, đường Pennsylvania và đường Nữu Ước trung ương được thiết lập trong giai đoạn ban đầu này. Vào lúc đó, hầu hết các đường đều chạy theo hướng Đông Tây. Trong thời gian khá lâu, rất ít có đường nối liền miền Bắc với miền Nam.

­ Tại sao các đường xe lửa lại quan trọng?

Trong các phương tiện di chuyển được phát triển ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ XIX thì xe lửa là quan trọng hơn cả. Các xí nghiệp ở miền Đông Bắc mong muốn có thị trường để tiêu thụ hàng hóa kỹ nghệ của họ. Xe lửa đã giúp các xí nghiệp này để chuyển vận hàng hóa của họ một cách dễ dàng đến với nông dân miền Tây đang cần mua. Ngược lại, xe lửa cũng chuyển vận những sản phẩm của miền Tây đến các thị trường ở miền Đông. Chuyển vận bằng xe lửa mau hơn là chuyển vận bằng đường bộ khác và đường thủy. Người ta có thể dùng xe lửa để chuyển vận hàng hóa tới những nơi không thể nào dùng đường thủy được.

Xe lửa đã giúp cho người ta di chuyển và chuyển vận hàng hóa được dễ dàng hơn. Xe lửa giúp cho miền Tây và miền Đông Bắc gần nhau hơn.

¨ NHỮNG PHÁT MINH MỚI CÁCH MẠNG NGÀNH GIAO THÔNG TRUYỀN TIN

- Cần phải có những phương tiện giao thông truyền tin nhanh chóng

Dù rằng vào đầu thế kỷ thứ XIX, các phương tiện chuyển vận đã được cải thiện rất nhiều nhưng người ta vẫn chưa có cách gì để gởi thư tín được một cách mau chóng. Muốn giao dịch với một người ở xa thì cần phải đi tới nơi để gặp người đó hay là phải viết thơ cho người đó. Vào khi mà dân định cư càng tiến xa về phía Tây thì việc giao dịch với người ở xa được dễ dàng và mau lẹ càng trở nên quan trọng. Rồi thì xe lửa cũng cần có một cách nào để gửi thư tính cho được mau lẹ. Nếu các thư tín từ trạm này đến trạm khác mà không được gửi đi trước thì rất khó mà kiểm soát được việc lưu thông của xe lửa.

- Ông Morse phát minh ra tín hiệu

Ông Samuel F.B. Morse khám phá ra một cách để đáp ứng nhu cầu này. Giống như Robert Fulton, ông Morse vốn là một nghệ sĩ có tài và cũng rất thích chú ý theo dõi khoa học. Đặc biệt ông rất chú ý về điện học. Ông tin rằng nhờ điện lực, ông có thể gửi thư tín qua một đường dây thép. Ông khởi sự thực hành hàng loạt thí nghiệm để chứng minh tư tưởng của ông.

Vào khoảng năm 1837, Morse được an ủi khích lệ rất nhiều. Ông thành công trong việc phát minh ra một dụng cụ được gọi là Telegraph (điện tín). Dụng cụ này có thể gửi âm thanh qua một dây bằng đồng dài 1700 bộ. Để có thể truyền đi xa và sử dụng âm thanh, Morse phát minh ra một hệ thống ký hiệu âm thanh gọi là Morse Code gồm những chấm và gạch thay thế cho mẫu tự A, B, C… Nhưng muốn chứng minh rằng phát minh của ông thật hữu dụng, ông phải lo kiếm đủ tiền để thiết lập một đường dây điện tín dài hơn. Trong nhiều năm, Morse cùng các bạn bè của ông đã cố gắng một cách vô ích để lôi cuốn các ông dân biểu quốc hội chú ý đến kế hoạch của ông. Ông rất nghèo, nghèo đến nỗi không đủ tiền nuôi gia đình và chính ông vẫn thường nhịn đói. Sau cùng, khi ông thất vọng gần đến tuyệt vọng, Quốc hội mới thuận chi tiền cho dự án của ông. Đường điện tín từ Washington đến Baltimore dài chừng 40 dặm được thành lập.

- Thành công trong việc gửi điện tín

Tháng 5, năm 1844, ông Morse ở Washington chuẩn bị gửi một lá thư qua đường điện tín cho các bạn bè ở Baltimore. Ông đánh đi câu “thượng đế đã làm được những gì?”. Tại đầu kia của đường dây, người ta ghi nhận bức điện tín một cách rõ ràng và lại đánh lại cho ông đúng như vậy. Điện tín là một sự thành công của loài người.

Nhu cầu của điện tín thật là vô cùng lớn lao đến độ người ta cho phát triển các đường điện tín một cách mau lẹ. Tất cả các thành phố lớn dọc theo duyên hải miền Đông đều được thiết lập các đường điện tín. Điện tín đã làm cho báo chí dễ dàng có tin tức hàng ngày trong toàn quốc đăng trên mặt báo. Thư tín của các công việc làm ăn và việc riêng cũng có thể được gởi đi một cách mau chóng. Nếu các đường xe lửa được sử dụng cho việc di chuyển bằng xe lửa đi về khắp nơi thì điện tín của ông Morse đã giúp cho người ta được gần nhau nhiều hơn.


Chú thích:


[6] Chúng ta dùng từ ngữ Đông Bắc tiện hơn là từ ngữ Tân Anh vì các tiểu bang New York, Pennsylvania và New Jersey ở dọc theo duyên hải Đại tây dương ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng trong sự phát triển thương mại này.

 

(xem tiếp : Chương XV)

 

Trang Lịch Sử