Chiến Trận Tương Lai

Trần Văn Xẻn

http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TranVanXen_02.php

14-Jun-2018

Chúng ta không nên nuôi dưỡng mối hận thù mà chúng ta đã từng nuôi dưỡng hơn 40 năm qua – mối hận thù đã làm trì trệ sự phát triển của đất nước quá nhiều! Giữ mãi hận thù mà không lo phát triển và bảo vệ đất nước là một trọng tội đối với tổ quốc (Trần Văn Xẻn)

S ống trên đời, ai cũng muốn có hòa bình. Nhưng, nếu muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh (Si vis pacem, para bellum, một câu tục ngữ tiếng Latin).[1] Tại sao vậy? Vì hòa bình chỉ có khi ta đủ mạnh để tự vệ trước mọi âm mưu xâm lược của kẻ khác. Hòa bình ít khi có được ở các quốc gia nhược tiểu, đặc biệt là nước ta - lịch sử đã chứng minh như vậy với 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm Tây thuộc và 20 năm nội chiến, chống Mỹ vừa qua.

Đất nước ta bây giờ, nếu nói đang hòa bình cũng đúng vì hiện nay không có mùi thuốc súng, nhưng nếu nói đang ở trong thời chiến cũng không sai vì hiện nay biển đảo của ta đang bị lấn dần, Hoàng Sa và Gạc Ma đang bị chiếm đóng trái phép mà chưa được hoàn trả.

Đảo Gạc Ma - Ảnh tinvn.info

Người an phận thì chấp nhận những gì đang có, không cần đòi lại phần giang sơn đã mất, sống thanh thản, cầu an, vui được ngày nào hay ngày nấy. Người nhìn xa, trông rộng thì bức xúc không yên vì tương lai sẽ không giống như hiện tại, lãnh thổ sẽ bị lấn dần theo từng bước thời gian. Rồi một ngày nào đó, một trận chiến sẽ phát xuất từ Hoàng Sa đánh vô mạn sườn đất nước (miền Trung).

Hoàng Sa chiếm một vị trí chiến lược rất quan trọng cho nước ta, nó như một tiền đồn che chắn mạn sườn đất nước. Mất Hoàng Sa, việc thông thương từ miền Bắc và miền Trung ra đường hàng hải quốc tế bị cản trở khiến chúng ta phải đi đường vòng tránh xa quần đảo bị chiếm đóng này. Mất Hoàng Sa, đất nước luôn bị đe dọa khi kẻ chiếm hữu đã hoàn thành các căn cứ quân sự để mở đầu một cuộc chiến xâm lược vào đất liền. Do đó, bằng bất cứ giá nào chúng ta phải lấy lại Hoàng Sa – bằng thương thuyết hữu nghị, bằng thương lượng mua lại hoặc bằng vũ lực khi chúng ta đã đủ sức. Nếu có cuộc chiến xảy ra thì cộng đồng thế giới sẽ hỗ trợ chúng ta vì chúng ta có đầy đủ bằng chứng chủ quyền trên những quần đảo này. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm của tất cả con dân nước Việt.

Trung Quốc xây dựng phi trường và căn cứ chiến lược trên những đảo chiếm được của Việt Nam (hình trên, VTV News: đảo Phú Lâm, thuộc huyện đảo Hoàng Sa, Việt Nam)

Chúng ta không thể coi thường chuyện ngoài khơi trên các đảo nhỏ, nơi Trung Quốc đang bồi đắp thành các đảo nhân tạo nối tiếp để xây dựng phi trường, các căn cứ quân sự và các hầm chứa vũ khí… Lỗ hổng nhỏ có thể làm đắm thuyền, chính những chuyện nhỏ nhặt tưởng chừng vô hại sẽ nhấn chìm tổ quốc Việt Nam. Để ngăn chặn điều đó, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn không thể bằng thương thuyết, mà sẽ bằng vũ lực. Đây là một thử thách hết sức lớn lao mà chúng ta phải đương đầu, phải can đảm chấp nhận chiến đấu, không nên lẫn tránh như bây giờ. Hãy chuẩn bị một trận đánh lớn trong tương lai nếu muốn được bình yên và khôi phục giang sơn. 

Những cuộc biểu tình, tuần hành không đủ để đòi lại Hoàng Sa. Những bài bình luận gay gắt, chỉ trích lẫn nhau không thể đòi lại Hoàng Sa. Những vận động ngoại giao, cậy nhờ thế lực các cường quốc khác cũng không thể đòi lại Hoàng Sa. Muốn đòi lại Hoàng Sa, chúng ta cần có một cơn sóng ngầm, một tsunami (sóng thần) khoa học kỹ thuật mới có thể lấy lại những gì đã mất. Tóm lại, chúng ta cần phải hiện đại hóa công nghệ quốc phòng Việt Nam một cách khẩn trương để có thể chiến thắng bất cứ cuộc chiến nào có thể xảy ra trong tương lai.

Nước ta có cái rủi là ở sát vách Trung Quốc - một cường quốc to lớn hiếu chiến, lúc nào cũng muốn đồng hóa, lấn chiếm những quốc gia lân cận. Chúng ta đã từng bị Trung Quốc đô hộ 1000 năm và giờ đây hiểm họa đó vẫn còn. Nhưng vận rủi của ta sẽ hết nếu ta biết nắm lấy cái may đang đến, đó là “chiến trận tương lai không cần quân số mà chỉ cần kỹ thuật”.

5 bí ẩn về kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Mỹ

Hạt nhân – vũ khí chiến lược chúng ta phải có để quân bình lực lượng quân sự trong vùng.

Ngày xưa, với vũ khí đơn giản như cung tên, gươm giáo hoặc súng ống thô sơ thì cần quân số đông để áp chế quân địch. Lúc đó, nhân tố để quyết định chiến thắng chính là những quân sư lỗi lạc, những tướng lĩnh tài ba và những đội quân tinh nhuệ. Nhưng ngày nay, với khoa học phát triển, chỉ cần sở hữu những vũ khí tối tân là có thể dành chiến thắng. Một quả bom nguyên tử có thể xóa sổ hàng triệu binh sĩ, hàng trăm tướng lĩnh, hàng chục quân sư chỉ trong tích tắc. Việc này cho thấy các nước lớn, đông dân chưa chắc chiếm được ưu thế trong bất cứ cuộc chiến nào trong tương lai.

Trong bài “Để trở thành cường quốc”, tôi đã liệt kê một số quốc gia có diện tích và dân số tương đương hoặc ít hơn Việt Nam nhưng họ vẫn có thể chế tạo những vũ khí hiện đại nhất thế giới như vũ khí hạt nhân, các loại hỏa tiễn kể cả hỏa tiễn xuyên lục địa, hàng không mẫu hạm, máy bay tàng hình… những thứ mà dù có tiền chúng ta cũng không thể mua được vì các cường quốc không muốn bán để giữ ưu thế riêng cho họ. Vì lý do này, chúng ta phải tự túc, tự cường, phải phát triển khoa học kỹ thuật để chế tạo những thiết bị quốc phòng siêu việt đó cho riêng mình. Chúng ta phải đào tạo thật nhiều kỹ sư và khoa học gia trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật hàng không… những ngành cần thiết cho việc chế tạo vũ khí chiến lược quốc gia (xin xem thêm bài “Để trở thành cường quốc”).

Hàng không mẫu hạm và tiềm thủy đỉnh hạt nhân của Hoa Kỳ

Hiện đại hóa công nghệ quốc phòng là việc làm hết sức khẩn trương của đất nước trước sự đe dọa liên tục của Trung Quốc. Mỗi lần có sự thay đổi trong giới lãnh đạo Trung Quốc là mỗi lần chúng ta thấp thỏm lo sợ, không biết nhà lãnh đạo mới có âm mưu thâm độc nào khác? Để thoát khỏi cơn ác mộng này và đòi lại những gì đã mất, chúng ta phải có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn, hoặc ít nhất, cũng bằng họ. Do Thái - một nước rất nhỏ và ít dân, có thể chuyển mình thành cường quốc để khống chế khối Ả Rập to lớn thì Việt Nam cũng sẽ làm được để đối đầu với Trung Quốc?

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh

Ngày xưa, vua Quang Trung, sau khi đại phá quân Thanh, định đem quân chiếm lại Quảng Đông và Quảng Tây – hai tỉnh trực thuộc Việt Nam lúc trước. Việc này đã làm rúng động triều đình Trung Quốc. Dân chúng hai tỉnh vội tản cư về phương bắc nhưng rất tiếc, nhà vua đã băng hà trước khi thực hiện được dự định đó.

Trần Quốc Tuấn và hịch tướng sĩ

Ngày xưa, ở Hội nghị Diên Hồng, tổ tiên ta đã chọn con đường “quyết chiến” và đã ba lần thành công đánh đuổi quân Nguyên. Nếu tổ tiên ta chọn con đường “dĩ hòa” thì nước ta có lẽ đã bị đồng hóa. Ngày nay, là con cháu, chúng ta không thể chọn con đường “dĩ hòa” mà phải chọn con đường “quyết chiến” để bão toàn lãnh thổ và lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa. Con đường “quyết chiến” đó không đòi hỏi chúng ta phải khởi chiến ngay ngày hôm nay, mà hãy chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai - vài thập niên tới - khi chúng ta đủ mạnh.
Hãy lấy ý chí Quang Trung và tinh thần hội nghị Diên Hồng làm kim chỉ nam trong việc lèo lái con thuyền quốc gia trong hiện tại.

Kể từ hôm nay, chúng ta hãy mở một trang sử mới cho tổ quốc Việt Nam bằng cách cùng nhau phát triển khoa học và kỹ nghệ quốc phòng để bảo vệ tổ quốc. Với chỉ tiêu cao quý đó, chúng ta đừng để vấn đề ý thức hệ chi phối làm mất tình đoàn kết dân tộc mà không phát huy hết khả năng của tất cả 90 triệu con dân nước Việt trong và ngoài nước. Chúng ta không nên nuôi dưỡng mối hận thù mà chúng ta đã từng nuôi dưỡng hơn 40 năm qua – mối hận thù đã làm trì trệ sự phát triển của đất nước quá nhiều! Giữ mãi hận thù mà không lo phát triển và bảo vệ đất nước là một trọng tội đối với tổ quốc!

Mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng không ngừng và luôn giữ trong tâm ý chí sắt đá: phải biến Việt Nam thành một cường quốc chỉ trong vài thập niên sắp tới.

Trần Văn Xẻn

Notes

1. Wikipedia, Si vis pacem, para bellum, một câu tục ngữ tiếng Latin có thể dịch như là “nếu bạn   muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.

 

Trang Thời Sự