BẦY ONG LẠC ĐƯỜNG VỀ...

[MỘT HÔM BỖNG NHỚ TÙY ANH...]

Hoàng Nguyên Nhuận

http://sachhiem.net/HOANGNN/Hoang06.php

đăng ngày 19  tháng 8, 2007

Một sáng nọ, tôi vừa pha tách cà-phê đầu ngày ngồi xuống thì vô phước con ruồi vo ve sà lại như đòi tôi... ủng hộ tý!

Tôi hơi bực vì bị phá bĩnh bất tử nên sát nghiệp vùng dậy...Thế là tiện tay tôi dùng cái khăn lau bàn quất mạnh thì con ruồi bị đánh bạt sa vào tách cà phê.

Thấy con ruồi loay hoay trong tách cà phê đang nóng, tui ân hận lấy muỗng vội vàng vớt nó ra, vừa vớt vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật như thể muốn cầu cho nó bớt đau và hồi sinh!

Nhưng cà phê nóng quá, chịu không nổi nên khi được vớt ra trong muỗng thì con ruồi đã im lìm hết cựa quậy...

Tôi vội lấy cái hộp phô-ma con bò cười đã hết làm phòng hồi sức bỏ con ruồi vào rồi cho vào tủ lạnh... vừa làm vừa xin lỗi. Mi ngu quá, buổi sáng tao đang thèm yên lặng mi loạng quạng đến làm chi, tau đâu có muốn mi chết...Đúng là miệng nam mô mà bụng thì một bồ dao găm hí !?

Tôi có cái tật ngại giết ruồi muỗi, chẳng phải vì trì giới sát nhưng vì thường nghĩ rằng thú vật ong kiến đói phải rời tổ đi kiếm ăn nhưng chắc là chúng phải có gia đình, có cha mẹ anh em, có bạn bè bồ bịch... biết chúng đi đâu và chờ chúng về.

Nếu chúng không về thì tụi ở nhà chắc sẽ buồn tôi nghiệp! Nghĩ vậy nên tôi thường ... tha cho chúng về mà không giết. Dù đôi khi chúng làm tôi tức ứa máu khó chịu, nhất là những con muỗi.

Mỗi khi đêm về trăng lên tôi hay có tật thích ngồi trong tối nhìn trăng lên.

Nhưng thấy tôi ngồi yên là chúng tập kích, chích ngứa chịu không nổi, muỗi Úc không phải là giống malaria chổng đít như bên nhà nhưng chích ngứa rất khó chịu, gãi hoài không hết...

Còn ruồi xanh thì ôi thôi...cứ đợi mấy trái lựu, trái đào trong vườn sắp ăn được là chúng nhào vào đẻ trứng, hí hửng bổ ra cả dòi nhiều khi muốn ói luôn!

Góc vườn sau nhà dưới gốc phượng tím già có một cây tầm gửi không biết tên gì. Anh em thấy đẹp hỏi thì tôi cứ trả lời ‘cây đèo’ . Nhưng còn tại sao có cây đèo và tại sao cây đèo lại nằm đó thì chẳng ai biết. Trừ tôi.....

Số là trước hôm hạ sơn, tôi quyết định không đem hộp tro cốt của Tùy Anh từng ở với tôi bảy tám năm rồi theo chúng tôi về nơi phồn hoa đô hội, nên tôi lẳng lặng đem hộp tro cốt ra rắc xuống lòng suối gần nhà.

Kể ra cha nào con nấy. Sợ sống và ham quỵt nợ đời mượn tôi và mẹ nó làm cây cầu chuyển nghiệp đến lúc phải làm người thì lỉnh...để thương để nhớ cho chúng tôi.....

Trên đường ra suối, tôi bỗng thấy bên đường có một cây leo toàn thân lá đỏ rực rỡ huy hoàng giữa một rừng cây lá xanh um khi mùa thu đến. Đúng là trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh như Xuân Diệu nói.

Giải tỏa vong linh Tùy Anh về với hạc nội mây ngàn xong, trên đường về khi đi ngang cây lá đỏ tôi nhờ nhà tôi dừng xe lại rồi chống gậy cà cụp cà kịch xuống tận cây lá đỏ đó ngắt đại một vài nhánh leo to bằng chiếc đũa đem về ươm chơi, sống thì tốt không thì thôi chết thằng tây nào mà lo!

Về nhà, tôi lui cui ươm những nhánh leo vào chậu và định bụng nếu nó sống thì tôi sẽ đặt tên cho nó là... cây Tùy Anh.

Mấy tháng sau tôi mừng húm khi thấy những chồi lá non e ấp mọc ra...cho nên khi từ giã núi rừng về Trại Đỗ Quyên, tôi đã âm thầm đem Tùy Anh theo...

Về nhà mới, tôi để chậu Tùy Anh dưới một cội đỗ quyên già trước cổng mỗi lần đi về vừa thì hê-lô chào nó vừa để theo dõi sức khoẻ của nó ...

Tôi mừng thầm trong bụng khi thấy những chồi khẳng khiu của cây đèo đâm lá xanh tươi mập mạnh. Để rồi...

Để rồi một hôm khi có việc ra ngoài đi ngang cổng tôi không khỏi nổi điên khi thấy Tùy Anh xác xơ trụi lá chỉ còn cành, cả cây trọc lóc như đầu chú điệu vừa xuống tóc.

Tôi nghiến tăng trèo trẹo tìm quanh để rồi phát hiện ra thủ phạm là một con sâu hình dạng như sâu tằm màu lục to bằng ngón cẳng cái và dài gần ba xăng-ti-mét đang nằm ngủ đưới gốc đỗ quyên.

À hà! mẹ kiếp ăn no lại nằm... Tôi ức lắm nhưng không dám lên tiếng cho nhà tôi biết.

Vì bà mà biết được là bà sẽ hét lên như tôi thấy đĩa thấy rắn, và bà sẽ xuống tay tàn độc nhu Duyệt Tuyệt Sư Thái hóa kiếp cho con sâu như bà từng làm với mấy con muỗi, con ruồi lơ ngơ xâm nhập nhà tôi vậy.

Nhiều khi tôi cũng nóng ruột vì thấy bà ác ôn côn đồ với mấy con ruồi con muỗi quá, nhưng bả có một luận điệu làm tôi hết đường cự nự...

Sao ông phản đối?! Tui hóa kiếp cho chúng khỏi làm ruồi muỗi khổ cực mà. Biết đâu kiếp trước chúng là ông nội bà nội mình?! Nói chi nữa đây?

Tôi kín đáo lấy cái bao nylon gắp con sâu bỏ vào rồi cho vào bị vai một túi lên xe...với nhà tôi. Cạnh nhà có cái park cây cối xanh um có mấy cầu tiêu công cộng. Khi đi ngang qua tôi nhờ nhà tôi dừng lại, thẹ thẹ lôi cái bọc nylon rồi xuống xe...đi về phí những cầu tiêu công cộng như thể là đêm đông đại đội đốt đèn đi...

Đến một gốc cây tôi vứt cả cái bọc nylon và con sâu với lời hăm dọa: Mẹ kiếp, tao tha mi lần này, lần sau tao mà gặp nữa là tới số nghe con!

Chẳng phải đợi lần sau lâu lắc gì. Bởi ngày mai khi tôi đang săn sóc cho mấy chậu lan thi tôi rùng mình thấy nó cà nhúc cá nhúc như chiếc xe tăng màu lục men theo bờ rào bò về phía sau nhà tôi là trường học. Và tôi tức cười sáng mắt ra!

Thì ra từ cái park cách nhà tôi cả ngàn thước, con sâu cà chớn đã lò mò về nhà và nhà nó chẳng đâu xa là vườn cây của trường học sau nhà tôi!

Tôi không thạo sinh vật học nên không biết con sâu đó đực hay cái, nên cũng không thể nói nó đã bò cả ngàn thước để về nhà với chồng con, hay vợ con nó hay bồ bịch nó? Nhưng tôi tin chắc một điều là nó đang bò về sau nhà tôi, bên kia vườn trường học...

Tôi nghĩ như vậy vì một lần dàn thiên lý và mướp hương cạnh trường học trụi la và tôi thấy hai con sau như con này ăn no nằm phơi nắng trên giàn câytrụi hết lá xanh!

Tôi chỉ thầm cầu mong cho nó mau hóa bướm vì nghe đâu sâu là tiền thân của bướm? vừa để khỏi ăn trụi cây Tùy Anh của tôi, vừa tránh cho tôi khai sát nghiệp.

Vì để bảo vệ Tùy Anh thì buộc lòng tôi phải dứt nó thôi! Chưa kể là lớ ngớ nó để nhà tôi nhìn thấy!

Khi thấy Tùy Anh lại sức, tôi vội vàng hạ thổ duới gốc phượng tím vì biết chắc, từ bàn làm việc qua cửa sổ thiền đường [ kiêm tửu đường!] tôi sẽ được nhìn thấy Tùy Anh rực rỡ huy hoàng mỗi khi mùa thu tới như hôm nay...

Bởi cái cảm nghĩ sâu kiến cũng có gia đình bè bạn bồ bịch như mình chờ mình về nên tôi đã không khỏi bồi hồi khi nghe tin ABC loan báo là bên Mỹ vừa có cả triệu con ong chết bất tử trên đường về tổ. [American bees dropping like flies- ABC 07/05/07]

Những con ong cần cù sả cánh chết trên đường về tổ. Những tổ ong trống trơn. Những con ong chúa mõi mòm chờ đợi đàn chồng đi làm cả ngày tíu tít trở về...

Bởi quen quá nên có thể con người đã vô ơn quên là một phần ba hoa trên thế giới đậu quả được cho con người ăn là nhờ ong vô tình gầy giống... Nói thế khác, cứ ba trái chuối, trái ớt ta ăn thì ong gầy giống một trái!

Lấy cái gì bù đắp vào nếu ngày nào đây giống ong khắp thế giới cũng sa vào thảm cảnh sáng đi tối không về như ong Mỹ?

Bản tin của ABC còn dự đoán là cứ cái đà này không khéo một phần tư các trại ong của Mỹ sẽ đóng cửa và các tổ ong sẽ trống trơn vì ong chết dọc đường.

Dĩ nhiên, các nhà nuôi ong Mỹ lo trong khi các nhà nuôi ong Úc thì mừng.

Bởi ong Mỹ càng chết thì người ta càng phai lo gầy tổ ong, càng gầy tổ ong thì càng cần ong. Nghe đâu, bình thường Úc cũng xuât cảng 350 triệu ong sang Mỹ và kiếm khoảng 4 triệu MK.

Nhưng ong không chỉ đem tiền về cho Úc hay trực tiếp sản xuất mật cho thị trường Úc thôi, mà một xứ trồng trọt như Úc, 60% cây trái đều tùy thuộc vào phấn hoa cho nên ong giữ một vai trò hệ trọng trong ngành trồng trọt mà thu hập hàng năm có thề lên đến 3 tỷ hay 2.000 triệu!

Cái kỹ nghệ đó đang bị hăm dọa ngưng trệ vì một chứng bệnh mà cho đến nay người ta chỉ có thể lắc đầu gọi một cách văn hoa là hội chứng hay nôm na là bệnh ma[syndrome]. Hội chứng Colony Collapse Disorder.

Hai mươi năm xưa, ngành nuôi ong ở Mỹ đã suýt khánh tận vì một loại chấy rận ong hay mối ong gọi là varroa mite và nhờ thuốc trừ chấy rận trừ mối cứu vãn.

Nhưng hóa chất lại có những hiệu ứng phản tác dụng của nó như thuốc an thần gây bệnh tim hay bệnh điên. Nghĩa là thuốc trừ một bệnh này lại gây ra một bệnh khác...uống thuốc là uống bệnh.

Một giải thích mới đây của các nhà khoa học Đức càng làm cho nhiều người rùng mình. Mobile phone!

Theo các nhà khoa học Đức thgi ong tìm được đường về là nhờ khả năng cảm ứng với từ trường của quả đất hay địa từ trường và góc độ của ánh sáng mặt trời. Nói thế khác, ong mù quáng tìm được đường về là tùy thuộc khả năng nhạy cảm của ong đối với điện từ trường của quả đất.

Khả năng cảm ứng đó bây giờ đã xáo trộn và nhiễu loạn vì làn sóng của những điện thoại di động. Nghĩa là ong đã bỏ mạng, đã lạc đường về vì điện thoại di động!

Lâu nay người ta vẫn nghe những cảnh báo về làn sóng độc hại của mobile phone đối với não bộ... Có ai tin để chịu giảm bớt dùng mobile phone không?

Không thấy quan tài thì chưa đổ lệ, thấy quan tài rồi mà mắt vẫn ráo hoảnh, tính sao đây?

Nhân loại đang hà rầm lên vì thấy rằng mình đã tàn phá môi sinh quá mức. Sống chết mặv bây tiền thầy bỏ túi.

Như những kẻ nhắm mắt phá rừng chặt cây, đào dầu khí, đào than đá, đào quặn urnium bán lấy tiền bỏ túi...

Những nhà giàu cứ phởn lên hả hê khi nhìn thấy những hàng số zero trong chương mục của mình ngày một dài ra mà không hề nghĩ đến an nguy và hạnh phúc của những con zero là con cháu mình có đồng biến với những con zero giàu có đó không?

Hay là chúng rồi cũng sẽ như những con ong Mỹ sáng ra đi và chiều không về...?

Đến lúc đó thì còn ai ngậm ngùi nhìn say sưa tự hào những chùm là đỏ rực khoe sắc của Tùy Anh mỗi lần thu đến như hôm nay?

 

Trang Thời Sự