Thư Gửi Thượng Nghị Sĩ Pam Roach

P. Nguyễn

http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuN/NTPhuc01.php

26-Aug-2015

LTS: Lá thư này đã được gửi đến sachhiem.net từ ngày 04 tháng 9 năm 2012, nhưng chúng tôi không đăng vì lúc đó chuyện đã cũ.

Nay nhân có vụ cờ vàng và ông Đại Sứ, chúng tôi cảm thấy lá thư này nên được đem ra chia sẻ, tuy sự việc có chiều ngược lại với chuyện ông Đại Sứ Ted Osius. Bà Pam Roach đến nay vẫn còn làm Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Washington.

Bổ túc ngày 12 Oct, 2016: thư này xin đăng lại vì thấy phù hợp với trường hợp bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez đang mị những người Việt chống Cộng ở California. Xin mời đọc (SH)


Kính thưa Thượng Nghị Sĩ Pam Roach,

Tôi là một cư dân người Việt sống trong tiểu bang Washington hơn 30 năm.  Cùng với nhiều người VN tỵ nạn cộng sản năm 1975, tôi được quốc gia Hoa Kỳ và thống đốc Daniel Evans bảo trợ cho dịnh cư ở tiểu bang Washington đầy thơ mộng, ướt át nhưng cũng không thiếu những sinh hoạt sôi động.

Thưa bà,

Thời gian hơn 30 năm qua đã biến đổi chúng tôi từ những người tỵ nạn đầy mặc cảm thành công dân đầy tự hào trong việc đóng góp công sức của mình theo khả năng vào sự phát triển, thịnh vượng, cũng như sự an ninh và văn minh của xứ sở đáng quí này.  Những người công dân mới của chúng tôi đã cố gắng hết mình trong những cơ sở kỹ nghệ cũng như các ngành nghề.

Tiếc thay, theo chọn lựa, một thiểu số người không muốn thay đổi theo đà tiến của nhân loại.  Đó là những người lớn tiếng mà bà thường gặp hoặc nghe trong những cuộc tổ chức xuống đường chống tất cả những gì từ Việt Nam, cũng là nước gốc của chúng tôi. Họ không hề đại diện cho tất cả chúng tôi dù họ vẫn tự xưng như thế.

Những người này chỉ thuộc lòng những điều tuyên truyền của phe phái chính trị muốn dùng nó để chống lại chính quyền hiện nay vì cay cú tình trạng mất đi cái thế ăn trên ngồi trốc hay danh dự của ngày xưa.  Những giải thích về lá cờ vàng ba sọc mà bà đã dùng để nói trong lá thư gửi tòa lãnh sự Việt Nam chỉ là quen với những lời lẽ tuyên truyền ở miền Nam mà thôi.

Đối với một số người thầm lặng và đã cố gắng dành thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu lịch sử, phản ảnh trên thực tế, thì lá cờ vàng ba sọc kia không những không phải và không thể tiêu biểu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, mà còn nhắc nhở chúng tôi 3 điều:

cờ vàng
  • mất độc lập,
  • lãnh thổ bị chia cắt, và
  • nạn giáo phiệt Công Giáo. 

Dưới quyền làm chủ của người Pháp, người Mỹ, và ảnh hưởng của Vatican, dưới chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, làm sao Việt Nam được gọi là dân chủ?  Những năm tháng đó, Việt Nam cũng không có tiếng nói trên trường quốc tế, và các chế độ Cộng Hòa đàn áp Phật giáo bằng luật định, làm sao được gọi là có tự do? Và những cảnh hành hạ vô nhân của các nhà tù, Chín hầm, P-42,... làm sao gọi là có nhân quyền

Qua thời gian, các tài liệu về chíến tranh Việt Nam cũng được giải mật vì việc giữ kín các bí mật không còn  giúp ích cho nền an ninh quốc gia Hoa kỳ.  Chúng tôi dần dà hiểu thêm nhiều về lịch sử đất nước của chúng tôi về những ngày xưa ấy.

Tuy nhiên, trong số người Việt di dân đến đây, có những người được hưởng đặc ân  của chế độ cũ, họ có cuộc sống khá thoải mái, hoặc làm giàu trên sự mất mát của kẻ khác, họ bất mãn vì không còn được địa vị như xưa...  Họ cũng sang đây trong những ngày loạn lạc, cùng chúng tôi tỵ nạn, vì tránh nạn đổi đời. Chúng tôi là dân thường, không tham gia chính trị, nhưng bị chiến tranh ảnh hưởng, nên chúng tôi xem là "tỵ nạn trong buổi giao thời nhiễu nhương". Còn số người có miệng có mồm gọi là "tỵ nạn chính trị", vì họ bị lôi cuốn vào chiều hướng đó qua nhồi sọ, tuyên truyền. Cho nên dù chính trị ngày nay có thay đổi hay không, ngày nào họ không có danh dự trong đó, họ cũng vẫn muốn chống đối Việt Nam mãi. Họ không biết đến những vấn đề sỉ diện quốc gia Việt Nam, vì thế đã có nhiều việc làm quá đáng, hay có tính trẻ con của họ trên đất nước này, đã làm cho chúng tôi cảm thấy xấu hổ lây.

Cờ vàng chống nhật báo Người Việt

Cũng vậy, thời gian hơn 30 năm qua, các quốc gia trên thế giới mỗi ngày một gần nhau để nắm tay bước vào thiên niên kỷ mới. Ngày nay, ý nghĩa của việc nắm tay nhau là trong tinh thần tương kính lẫn nhau. Ngày nay, việc giao hảo giữa Hoa kỳ và Vietnam ngày một thân thiện hơn. Mối giao tình này, khác hẳn mối tương quan chủ tớ của 35 năm về trước. Và đó là niềm vui mừng của một người dân Hoa Kỳ có gốc Việt Nam như chúng tôi.

Trong đà tiến bước của nhân loại nói chung, nước lớn không thể hiếp nước bé nhờ vào khả năng.  Trong mối giao hảo giữa chính phủ liên bang với Việt Nam, từ thời Tổng Thống Bush cho đến Tổng Thống Obama, hai bên chính phủ của ta và của Việt Nam đã tỏ ra rất lịch sự và tương kính lẫn nhau.

Rất tiếc là những tiếng ồn ào của những người đồng hương bất đắc dĩ của chúng tôi đã làm cho một số dân biểu cho rằng họ là đa số.  Lá thư gay gắt của bà không thể hiện sự hiểu biết của bà về niềm kiêu hãnh dân tộc của những nước bé nhỏ. Giọng  văn của bà cũng không nói lên lòng nhân ái mà bà cố tình gán ghép trong lá cờ vàng ba sọc mà ngày nay trở thành rất vô nghĩa đối với đa số thầm lặng của chúng tôi. Những người mà bà "bênh vực" là những người thường gây xáo trộn cho an sinh trong cộng đồng của chúng tôi. Họ áp đặt tư tưởng, quan niệm và ý kiến chính trị lên mọi người, gây ảnh hưởng bằng những hành động bạo lực như hăm dọa, ly gián, để cho chúng tôi không thể có tiếng nói trong cộng đồng người Việt Nam. Thưa bà, những điều này có tượng trưng chút xíu nào về tự do, công bằng, bác ái, và dân chủ hay không?

Thưa bà, những nạn nhân của những đám người này trên đất Mỹ đều là những công dân tốt.  Tôi xin đan cử một vài thí dụ trong một thư riêng vì có tính cách cá nhân, nếu bà muốn tìm hiểu.

Bà có thể kể vô số vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, thì họ cũng có thể đưa ra một danh sách vi phạm nhân quyền của Mỹ đối với thế giới.

Khi đã hiểu biết rõ thêm về lịch sử chính trị trong thời gian mà dân tộc chúng tôi đã trải qua, nhận định của tôi bắt buộc phải rõ ràng hơn 35 năm trước, không còn bị gạt gẫm, lôi cuốn vào các mỹ từ như “nhân quyền, tự do, dân chủ” trong các chiêu bài chính trị nữa. Chúng tôi cám ơn đất nước Mỹ đã cho chúng tôi có cơ hội phát triển cá nhân cũng như các tiền nhân chúng ta đã đến xứ này mấy trăm năm trước. Bà cũng nên phân biệt, điều đó không có nghĩa là chúng tôi quay lưng với xứ sở của chúng tôi, nhất là trong lúc hai nước đang giao thương tốt đẹp.

Tâm tư của một người di dân từ một quốc gia khác, ngoài vấn đề chính trị, mà bản chất của nó vốn đã thay đổi theo thời gian, còn là vấn đề tự hào dân tộc, là một yếu tố tinh thần không dễ thay đổi. Cám ơn bà đã đọc lá thư tâm tình của một cử tri tiểu bang Washington.

Một cử tri tiểu bang Washington

20 tháng 8 năm 2012

P. Nguyễn,

253-759-5617

_____________

Bài liên quan:

1. Thư Của Đại Sứ CSVN Phản Đối Việc Vinh Danh Cờ VNCH Và Lá Thư Trả Lời Của Nghị Sĩ Mỹ Về Việc Vinh Danh Lá Cờ VNCH

Bài đọc thêm:

1. James Du, Lê Vũ: Đại sứ Ted Osius, cộng đồng, báo chí và nhân quyền

(tiếp theo)

 

Bạn đọc có thể viết nhận xét bài này trên Facebook

Trang Thời Sự