Nguyễn Đắc Xuân trả lời phỏng vấn 

tạp chí Kiến Trúc Việt Nam [1]

Gác Thọ Lộc

http://sachhiem.net/NDX/NDX0.php

ngày 06 tháng 8, 2008

Thanh Hải.- Xin ông cho biết nhận xét của mình về việc xây chùa mới (cả ở Việt Nam và ở hải ngoại)

Nguyễn Đắc Xuân.- Tôi chưa có điều kiện tham quan hết các chùa Việt Nam ở các tỉnh thành trong và ngoài nước. Những gì tôi trả lời tạp chí căn cứ  vào tình hình xây dựng chùa ở Huế, TP HCM  và một vài nơi ở Việt Nam,  Pháp và Hoa Kỳ.

Nhận xét về việc xây dựng chùa mới (kể cả việc trùng tu các chùa cổ, chùa tổ) tôi quan tâm đến 3 yếu tố:

a) Cảnh quan:  Chùa Việt Nam đẹp nhờ nó hài hoà với cảnh quan thiên nhiên và vườn chùa. Hiện nay tình hình đô thị hoá diễn ra quá dữ dội, không còn  đất có đủ các yếu tố vườn chùa, cảnh quan thiên nhiên để xây dựng chùa. Do đó, ngoài  một số chùa xa đô thị như Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Bạch Mã (Phú Lộc TTH), đền Huyền Trân (Huế) phần lớn các ngôi chùa xây chen chúc trong các khu đô thị chật hẹp không có vườn chùa, không có cái không khí tĩnh mịch của chùa Việt Nam truyền thống. Một số nơi, còn lập chùa mới gần cạnh chùa cổ không những không tạo ta được một kiến trúc chùa mới có giá trị mà còn phá vỡ cả cảnh quan của ngôi chùa truyền thống.    

b) Bố cục. Các kiến trúc trong ngôi chùa truyền thống Việt Nam thường bố trí theo hình chữ Đinh hoặc chữ khẩu. Cách bố trí truyền thống đều có tôn ti trật tự rõ ràng. Ngày nay ở các đô thị vì thiếu đất nên bố trí các kiến trúc rất tùy tiện, không có chùa nào giống chùa nào cả.    

c) Kiến trúc. Kiến trúc chùa xưa chỉ có tầng trệt, hài hoà với chiều cao của cây gỗ Việt Nam, tỷ lệ với chiều cao của cột gỗ, ngôi chánh điện chùa không rộng lắm. Ngày nay do thiếu đất mà Phật tử và khách thập phương lại đông nên người ta phải sử dụng vật liệu xi-măng, sắt thép xây dựng chùa vừa cao (nhiều chùa cao đến 3 tầng lầu) vừa rộng (mỗi tầng có thể chứa vài ba ngàn người). Một số nơi ở Hoa Kỳ, người Việt mua lại các nhà thờ Thiên chúa giáo, sửa lại thành chùa Việt Nam, kiến trúc không giống ai (chùa An Lạc ở San Jose., California). Những ngôi chùa mới Việt Nam (ở trong cũng như ngoài nước) thoả mãn được phần nào yêu cầu sinh hoạt tâm linh của người Việt Nam hiện nay nhưng ngoài chùa Bái Đính (Ninh Bình), Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã, Trúc Lâm Đà Lạt, phần lớn các ngôi chùa ở các đô thị khó tạo được một di sản lưu lại với văn hoá Việt Nam.     

  

Thanh Hải.- Ông đ1nh giá như thế nào về vai trò của ngôi chùa trong môi trường dân cư của khu đô thị mới hiện nay ?

Nguyễn Đắc Xuân.- Ngày xưa cha ông chúng ta qui hoạch các làng quê ưu tiên dành những khu đất rộng rãi, thoáng đãng nhất để xây đình làng, chùa làng và nhà thờ các họ khai canh. Sinh hoạt văn hoá tâm linh của dân làng ở những nơi đó tạo cho người dân một tình tự quê hương tuyệt với. Cái tình tự quê hương đó giúp cho dân Việt có truyền thống đấu tranh giữ nước, gìn giữ văn hoá Việt trước nạn xâm nhập của văn hoá ngoại lai (Hán, Pháp, Mỹ). Khi vì thời cuộc phải lưu vong ra nước ngoài họ cũng tìm về lại quê hương. Ngày nay xem một số qui hoạch cũng như được đến thăm người thân tại các khu đô thị mới ở hai miền nam Bắc, tôi không thấy có một mét đất nào trong các khu đô thị mới ấy dành cho sinh họat tâm linh của dân đô thị mới cả. Vào tham quan khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tôi có cảm giác như đang đứng ở một khu đô thị bên California (Hoa Kỳ) hoặc Toronto (Canada). Phải chăng các nhà qui hoạch đang muốn thay thế truyền thống văn hoá Việt Nam bằng một thứ “văn hoá toàn cầu” ăn-ngủ-gõ máy vi tính-làm việc-đi nghỉ hè  và được tự do tự tử như một số nước công nghiệp tiên tiến hiện nay (?) Nếu chưa tiếp nhận được thứ văn hoá đó thì dân chúng tự do chạy về các khu đô thị cũ đi nhà thờ, đi chùa chăng !    

Thanh Hải.- Xin ông cho biết không gian tâm linh xưa và nay của người Việt (những đặc trưng cơ bản, xu hướng mới).

Nguyễn Đắc Xuân.- Không gian sống của người xưa là không gian tâm linh: Trong nhà có bàn thờ, quanh năm cúng giỗ ông bà cha mẹ ...các bậc tiền bối vẫn hiện hữu trong đời sống gia đình, sáng chiều có tiếng chuông báo thức, báo ngủ, quanh năm có tế lễ, việc họ, việc làng, lễ hội...Con người hằng ngày không có cảm giác thiếu sinh hoạt tâm linh. Không gian sống ngày nay (đặc biệt ở các đô thị mới) không còn các yếu tố tâm linh cũ nữa. Nhưng con người lại không thể sống không có sinh hoạt tâm linh. Xã hội càng công nghiệp hoá, càng tự động hoá con người càng đòi hỏi sinh hoạt tâm linh, con người cảm thấy bị mất mình khát khao muốn tìm lại cái mình đã mất. Nếu thiếu họ bị stress, thậm chí bị điên, và họ không ngạc nhiên trước nạn thanh niên nam nữ tự tử. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, xã hội ngày nay mở ra nhiều trung tâm sinh hoạt tâm linh rất lớn và thu hút được nhiều đệ tử. Ví dụ như các trung tâm Phật giáo Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở miền nam nước Pháp, ở Hoa Kỳ (Bích Nham tại Newyork, Lộc Uyển ở Nam California). Ngay tại Việt Nam trong vòng mươi năm trở lại đây  đã ra đời nhiều chùa, Tu viện bề thế như Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc),  Trúc Lâm Đà Lạt, Yên Tử, Bái Đính (Ninh Bình).v.v. Các nhà làm qui hoạch nói chung và qui hoạch các khu đô thị mới nghĩ sao trước nhu cầu sinh hoạt tâm linh của dân tộc Việt hiện nay ?

                                                                  Gác Thọ Lộc, chiều 9-7-2008


 

[1]  Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam 06/2008, Chuyên đề: Diện mạo kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay  sẽ đi theo hướng nào ?, tr. 15-16

 


Trang Tôn Giáo