Dấu Ấn Điện Biên Phủ Trong

Hồi Ký Các Chính Khách Cấp Cao Phương Tây

TS Phan Văn Hoàng

http://sachhiem.net/LICHSU/P/PhanvHoang_01.php

28-Jun-2014

Kỷ Niệm 60 Năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014)

▪ Lời nói đầu:

Hồi ký là một loại sách tham khảo cần thiết cho những người nghiên cứu lịch sử. Đôi khi nó cung cấp nhiều thông tin mà các tài liệu tham khảo khác không có.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” để lại những dấu ấn sâu đậm trong hồi ký của nhiều chính khách và tướng lĩnh các nước phương Tây. Chẳng hạn, trong 19 trang của cuốn Mandate for change, tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower nhắc tới Điện Biên Phủ đến 48 lần, trong đó có những trang (như trang 411, 417, 423, 430) địa danh này được nhắc từ 5 đến 6 lần. Điều đó cho thấy sự kiện lịch sử trọng đại này đã thu hút sự quan tâm của những người cầm đầu chính quyền và quân đội các nước Âu -  Mỹ vào giữa thế kỷ XX.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến 4 hồi ký sau đây:

 

1- Mandate for Change (viết tắt MC) của tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower (Nxb The New American Library, New York, 1965).

2- The Memoirs of Richard Nixon (viết tắt MN) của phó tổng thống Mỹ Richard M. Nixon (Nxb Grosset & Dunlap, New York, 1978).

3- No More Vietnams (viết tắt NMV) cũng của Richard M. Nixon (Nxb Avon, New York, 1968).

4- Full Circle (viết tắt FC) của ngoại trưởng Anh Sir Anthony Eden (Nxb Cassell, London, 1960 (1)

Bước vào thập niên 50 của thế kỷ XX, thực dân Pháp liên tiếp thất bại nặng nề trên nhiều chiến trường ở Đông Dương: Biên giới Đông Bắc (1950), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)… Ở chính quốc, phong trào phản đối cuộc “chiến tranh dơ bẩn” (la sale guerre) ngày càng phát triển. Nhiều chính khách Pháp nghĩ tới việc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tìm cách thoát khỏi vũng lầy chiến tranh Đông Dương.

Mỹ phản đối vì nếu chuyện này xảy ra, Mỹ phải nhảy vào thế chỗ và như thế, Mỹ lại phải trực tiếp đối đầu với một cuộc chiến mới ở châu Á chỉ một thời gian ngắn sau đình chiến tại Triều Tiên (27-7-1953).

39-2

Tướng René Cogny đưa Nixon đi  thăm chiến trường Việt Nam

Sau chuyến sang Việt Nam, Phó Tổng thống Richard M. Nixon đề nghị: “Mỹ phải làm mọi việc có thể làm được để tìm cách giữ Pháp ở lại Việt Nam cho đến khi chiến thắng Cộng sản” (MN, tr.115). Cách hay nhất là cam kết tăng thêm viện trợ đô-la và súng đạn: đây vừa là động lực thúc đẩy Pháp, vừa là điều kiện ràng buộc Pháp phải nỗ lực nhiều hơn ở Đông Dương.

▪ TỪ LẠC QUAN ĐẾN BI QUAN

Có thêm viện trợ của Mỹ, Pháp trở nên hăng hái hơn. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Henri Navarre, soạn ra một kế hoạch quân sự mang tên ông. Trong thư gửi ngoại trưởng John F. Dulles, tổng thống Eisenhower nhận xét một cách lạc quan: “Cái gọi là Kế hoạch Navarre hình dung một chiến thắng quan trọng trong năm 1955” (MC, tr.416). Ông ra lệnh chi thêm 10 tỷ phơ-răng để Pháp thực hiện kế hoạch này.

Trong vòng 4 tháng, Navare mở một loạt chiến dịch (Chim Én, Camargue, Tarentaise, Claude, Cá Măng, Hải Âu…), thậm chí cho quân đột kích vào Lạng Sơn, Lào Cai nằm sâu trong vùng do Việt Minh kiểm soát. Từ 20-11-1953, Navarre mở tiếp chiến dịch Hải Ly, cho nhảy dù 6 tiểu đoàn xuống thung lũng Mường Thanh để lập ra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một nhà ngoại giao Pháp giải thích với Eisenhower: “Điều này sẽ kéo đối phương ra chỗ trống trải. Chúng tôi [tức Pháp] không thể tìm thấy họ trong rừng sâu, và điều này sẽ kéo họ ra nơi mà chúng tôi có thể đánh thắng” (MC, tr.424). Xuất thân là một tướng lĩnh, Eisenhower hiểu rõ lập luận đó khi ông viết  trong hồi ký: “Nếu có thể nhử họ ra đánh nhau ở một nơi trống trải, Liên hiệp Pháp có thể đánh bại quân chủ lực Việt Minh vào cuối mùa chiến đấu năm 1955” (MC, tr.410).

Tuy nhiên, niềm lạc quan của Mỹ kéo dài không lâu.

Đầu tháng 1-1954, giám đốc Cục tình báo trung ương CIA Allen Dulles nhận định: “Nơi thực sự nguy hiểm nằm ở miền Bắc, tại đây lực lượng Việt Minh rõ ràng đang cố bao vây Điện Biên Phủ” (MC, tr.411). “Khoảng một tuần sau, báo cáo gửi về cho biết quân Pháp đồn trú ở tiền đồn quan trọng đó đã bị bao vây bởi 3 sư đoàn, con số này nhiều gấp 3 lần lực lượng bị bao vây” (MC, tr.411). Ngày 14-11, Allen Dulles đưa ra con số cụ thể: 24.000 bộ đội Việt Minh đang bao vây khoảng 11.000 quân Pháp (MC, tr.414).

Mỹ bắt đầu lo lắng. Eisenhower chỉ thị lập ra một Ủy ban đặc biệt về Đông Dương để tư vấn cho Nhà Trắng cách đối phó với tình hình Đông Dương. Ngày 6-2 (1954), Mỹ quyết định viện trợ thêm cho Pháp 40 máy bay ném bom B-26, gửi sang Đông Dương 200 chuyên viên cơ khí Không quân. Eisenhower cũng định cử trung tướng John W. O’Daniel thay thiếu tướng Thomas B. Trapnell cầm đầu Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự MAAG ở Đông Dương…

Từ 16g 10 chiều 13-3 đến 6g 30 sáng 15-3, bộ đội Việt Minh chiếm gọn 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, tiêu diệt 2 tiểu đoàn tinh nhuệ của Pháp. Hậu quả là “các đường bay của Pháp ở Điện Biên Phủ bị hỏa lực pháo binh Việt Minh làm cho không thể hoạt động được nữa, ít ra cũng là tạm thời” (MC, tr.417) (2) . Việc thất thủ cụm cứ điểm thứ ba ở Bản Kéo vào lúc 15g 30 ngày 17-3 khiến cho việc tăng viện và tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm trở nên cực kỳ khó khăn.

La-bataille-de-Di%C3%AAn-Bi%C3%AAn-Phu-17  1206134566_small

Sau khi các sân bay không thể sử dụng được nữa, Mỹ cung cấp thêm máy bay và dù để Pháp thả dù quân tăng viện và đồ tiếp tế xuống Điện Biên Phủ

Giới tình báo của chúng ta [tức Mỹ] ước lượng rằng Pháp chỉ còn khoảng 50 – 50 cơ may chịu đựng được” (MC, tr.417).

ANd9GcRvyZEifVhvSkPRa1GBdBepM_rJIWUXSuQKO7FTad7OIB70l4KN  76t1b

Pháo mặt đất (bên trái) và pháo phòng không (bên phải) của bộ đội Việt Minh

▪ QUYẾT ĐỊNH CAN THIỆP QUÂN SỰ

Để cứu Pháp, những người cầm đầu nước Mỹ đều nghĩ đến việc phải can thiệp bằng quân sự. Nhưng can thiệp như thế nào?

Tướng Douglas MacArthur, nguyên tư lệnh quân Mỹ tại chiến trường Triều Tiên, đã dặn đi dặn lại: sau Triều Tiên, Mỹ đừng bao giờ tiến hành bất cứ cuộc chiến trên bộ nào khác ở châu Á. Do đó, Eisenhower – có một thời là trợ lý của MacArthur – nghĩ rằng: “Một điều có thể làm được là yểm trợ Pháp bằng những cuộc tập kích bằng máy bay, có lẽ từ các hàng không mẫu hạm, xuống những chỗ Cộng sản đóng quân xung quanh Điện Biên Phủ” (MC, tr.413). Theo Eisenhower, “tác dụng tâm lý của cuộc không kích sẽ nâng cao tinh thần của Pháp và Việt Nam [tức phe Bảo Đại] và cải thiện toàn bộ tình hình, ít ra cũng là tạm thời” (MC, tr.428).

Nixon cũng suy nghĩ tương tự. “Việc Việt Minh bao vây đòi hỏi họ phải tập trung những kho vật liệu khổng lồ và những đội quân đông đảo trên một khu vực tương đối nhỏ hẹp và địa hình giới hạn họ vào một số đường tiếp tế. Không quân của Pháp ở Đông Dương chỉ có 100 máy bay ném bom chiến thuật, quá yếu nên không thể lợi dụng việc [Việt Minh] dễ bị tấn công như thế. Song nếu chúng ta gửi sang nhiều đội máy bay ném bom hạng nặng để ném loại bom quy ước thì chúng ta có thể làm tê liệt Việt Minh khoảng độ nhiều ngày” (NMV, tr.31).

g629194

Eisenhower và Radford

Đô đốc Arthur W. Radford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân JCS, vạch ra một kế hoạch hoàn chỉnh (về sau mang tên “Chiến dịch Chim Kên Kên” – Operation Vulture): Mỹ dùng 60 máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress (Siêu pháo đài)– mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom – từ căn cứ không quân Clark ở Philippines (được hộ tống bởi 150 máy bay chiến đấu cất cánh từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7) bay ở độ cao 6000 m vào ban đêm, ném bom các vị trí Việt Minh xung quanh Điện Biên Phủ. Anthony Eden cho biết thêm: “Các kho vũ khí và lương thực của Việt Minh nằm ở phía đông bắc Điện Biên Phủ. Tướng Navarre muốn Mỹ ném bom những kho này nằm rải rác trên một vùng rộng khoảng 20 cây số vuông” (FC, tr.113). Máy bay Mỹ sẽ về lại căn cứ Clark trước khi trời sáng. Nếu không kích một lần chưa thành công thì sẽ tiến hành thêm 1-2 lần nữa, nhưng không dùng tới quân trên bộ.

800px-B-29_in_flight

Máy bay ném bom B-29 : “Con chim kên kên” bằng thép của Mỹ

Ngoài “Chiến dịch Chim Kên Kên”, Mỹ còn đưa ra nhiều đề xuất khác. Chẳng hạn:

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân … đưa ra kế hoạch … dùng 3 quả bom nguyên tử nhỏ để tiêu diệt các vị trí Việt Minh và giải cứu quân đồn trú đang bị bao vây” (MN, tr.132). Nixon bình luận: “Trong một chừng mức nào đó, Radford thực sự tin rằng việc sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật sẽ làm cho Cộng sản thấy rằng chúng ta không có đùa. Dulles và tôi đều nghĩ rằng nếu Cộng sản làm quá đáng, chúng ta sẽ làm điều cần phải làm để ngăn chặn họ lại. Eisenhower hoàn toàn nhất trí…” (MN, tr.136).

“Trong một cuộc họp báo của phe đa số [tức Đảng Cộng hòa] trong Quốc hội vào cuối tháng 3, Eisenhower tuyên bố nếu tình hình quân sự ở Điện Biên Phủ trở nên tuyệt vọng thì ông dự định dùng tới chiến thuật đánh lạc hướng, có thể cho lực lượng của Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Hải Nam của Trung Quốc hay dùng Hải quân phong tỏa Trung Quốc” (MN, tr.132).

Ngày 16-4, tại đại hội thường niên của Hội các chủ báo Mỹ tổ chức ở thủ đô Washington, Nixon tuyên bố : “Bây giờ, chúng ta phải chấp nhận rủi ro bằng cách gửi thanh niên của chúng ta [sang Đông Dương]. Tôi nghĩ Hành pháp phải có một quyết định không hợp lòng dân về phương diện chính trị như vậy và phải làm điều đó” (MC, tr.427). Gần nửa tháng sau, trong phiên họp của Hội đồng an ninh quốc gia NSC , Harold Stassen, giám đốc Cơ quan viện trợ cho nước ngoài, “nghĩ rằng, nếu cần, chúng ta phải quyết định gửi một đạo lục quân để cứu vãn Đông Dương và đơn phương làm điều ấy nếu đó là cách duy nhất” (MN, tr.135).

Trong hồi ký của mình, Eisenhower bình luận về đề xuất này: “Dĩ nhiên đây luôn là một khả năng, vấn đề này luôn được nghiên cứu” (MC, tr.427). Sau này có người hỏi Eisenhower “liệu Dulles và ông ta có đồng ý chuẩn bị gửi quân sang Việt Nam hay không, ông ta đã trả lời: “Đi tới cùng” (MN, tr.136).

Trong khi đó, ở Paris, những thất bại nghiêm trọng trong tuần lễ đầu tiên của trận đánh khiến “Chính phủ Pháp hết hy vọng” (MC, tr.417). Ngày 20-3, tướng Paul Ély , tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, được cử sang Washington để cầu cứu. Ély được các viên chức cao cấp nhất của Mỹ – Eisenhower, Nixon, Dulles, Radford, Allen Dulles… –  đón tiếp niềm nở.

Ngày 22-3, trước mặt Ély, Eisenhower chỉ thị cho Radford phải ưu tiên đáp ứng mọi yêu cầu của Pháp để cứu vãn Điện Biên Phủ. Ngày 25-3, Radford trình bày với Ély kế hoạch “Chiến dịch Chim Kên Kên”. Sau khi Ély rời Mỹ, Eisenhower tuyên bố trong một cuộc họp: “Có thể cần phải tham gia vào trận đánh Điện Biên Phủ để ngăn chặn nó chuyển sang chống lại chúng ta” (MN, tr.133).

Tuy chưa được Quốc hội Mỹ cho phép, Nhà Trắng đã bí mật chuẩn bị cho kế hoạch này.

Một số sĩ quan cao cấp của Mỹ và Pháp gặp nhau ở Sài Gòn và Manila để thảo luận việc phối hợp hành động giữa hai bên. Các tướng Earle E. Partridge (tư lệnh Không quân Mỹ ở Viễn Đông) và Joseph D.C. Caldera (chỉ huy lực lượng máy bay ném bom trong Bộ tham mưu của Partridge) lần lượt bay tới Sài Gòn để thảo luận với tổng ủy Maurice Dejean và tướng Henri Navarre. Đầu tháng 4, hai hàng không mẫu hạm Boxer và Essex có trang bị bom nguyên tử được lệnh tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Viên đô đốc chỉ huy hai hàng không mẫu hạm này đã bay trên tập đoàn cứ điểm trong một đêm tối trời để trinh sát trận địa, xác định các mục tiêu ném bom sau này.

Các sự kiện trên, cả Eisenhower lẫn Nixon đều giấu nhẹm, nhưng Eden lại tiết lộ trong hồi ký của mình: “Một viên tướng và mười sĩ quan Không quân Mỹ đã đến Điện Biên Phủ để nghiên cứu tại chỗ các điều kiện và thảo luận tình hình chung” (FC, tr.114).

▪ ĐI TÌM “HÀNH ĐỘNG THỐNG NHẤT”

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ dưới thời tổng thống Truman (Đảng Dân chủ). Do đó, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống cuối năm 1952, Eisenhower (Đảng Cộng hòa) gọi Đảng Dân chủ là “đảng gây ra chiến tranh” (war party) và đưa ra khẩu hiệu “Hòa bình cho Triều Tiên”.

Nửa năm sau khi vào Nhà Trắng, Eisenhower đã cho ký Hiệp định đình chiến ngày 27-7-1953 tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom, Triều Tiên).

Nước Mỹ vừa hưởng được hòa bình 8 tháng; nếu Eisenhower đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới thì chắc chắn ông sẽ bị dân chúng phản đối mạnh mẽ. Vì vậy ông ta chỉ thị cho ngoại trưởng Dulles soạn sẵn một Nghị quyết chung của Thượng viện và Hạ viện cho phép tổng thống sử dụng Hải quân và Không quân ở Đông Dương. Ngày 3-4, Dulles cùng đô đốc Radford và thứ trưởng Bộ Quốc phòng Roger Kyes gặp 8 thủ lĩnh của hai đảng ở Quốc hội để vận động họ ủng hộ Nghị quyết nói trên.

Sau khi chất vấn kế hoạch can thiệp quân sự vào Đông Dương của chính phủ, các thủ lĩnh Quốc hội đặt điều kiện tiên quyết: “Quốc hội không cho phép Mỹ hành động một mình”, “sự can thiệp của Mỹ phải là bộ phận của một liên minh” (MC, tr.420) với các nước đồng minh của Mỹ, trước hết là với vương quốc Anh.

Nói một cách khác, Chim Kên Kên không được phép tung cánh một mình, mà phải bay trong một bầy đàn.

Vì vậy, tuy ngày 4-4 là chủ nhật, Eisenhower vẫn ngồi vào bàn, viết thư cho thủ tướng Anh Winston Churchill: “Tôi chắc rằng… Ngài đang theo dõi, với sự quan tâm và lo lắng sâu sắc nhất, những báo cáo hàng ngày về cuộc chiến đấu anh dũng mà Pháp đang tiến hành ở Điện Biên Phủ…Và nếu…Đông Dương bị chuyển qua tay Cộng sản thì hậu quả cuối cùng đối với thế chiến lược toàn cầu của chúng tôi và của các Ngài, với sự thay đổi trong tỷ lệ quyền lực tại châu Á và Thái Bình Dương, có thể sẽ thảm khốc và tôi biết Ngài và tôi không thể chấp nhận…Theo quan điểm của tôi, khả năng này bây giờ phải được đương đầu bằng một hành động thống nhất, chứ không được chấp nhận một cách thụ động” (MC, tr.419).

Trong buổi họp Nội các Anh ngày 7-4, Churchill đọc toàn văn bức thư của Eisenhower. Sau khi thảo luận, Nội các Anh quyết định không tham gia vào “hành động thống nhất” (united action) của Mỹ, cho rằng điều đó có thể làm hại tới các cuộc thương thuyết sẽ diễn ra ở Hội nghị Genève (3) . Nhận được hồi âm của Churchill, Eisenhower nhận xét: “Câu trả lời ngắn gọn của ông ta cho thấy nước Anh không mấy nhiệt tình trong việc cùng với chúng ta có một lập trường kiên quyết” (MC, tr.420).

Trong khi đó, tình hình quân đồn trú ở Điện Biên Phủ ngày càng xấu. Dù đã 23 giờ đêm chủ nhật 4-4, thủ tướng Joseph Laniel và ngoại trưởng Georges Bidault vẫn mời đại sứ Mỹ Douglas Dillon tới Điện Matignon (Dinh thủ tướng), yêu cầu ông này chuyển về Washington lời đề nghị: “Máy bay từ các hàng không mẫu hạm của Mỹ cần can thiệp ngay lập tức ở Điện Biên Phủ để cứu vãn tình hình”. Bidault nhắc lại ý kiến của tướng Navarre: “Không có sự giúp đỡ đó, số phận của Điện Biên Phủ có lẽ sẽ bị định đoạt” (4) .

Chưa nhận được câu trả lời tích cực của Anh, Mỹ chưa có thể để Chim Kên Kên cất cánh bay sang Điện Biên Phủ được.

Dullesseeksawaytodefendtheeast

Dulles sang châu Âu du thuyết

Ngày 11-4, Dulles được Eisenhower cử sang London để trực tiếp thuyết phục nhà cầm quyền Anh.

Tối hôm đó, ông ta có buổi trao đổi sơ bộ với ngoại trưởng Anthony Eden và thứ trưởng Ngoại giao Denis Allen.

Dulles nói: “Trận đánh Điện Biên Phủ đi tới giai đoạn nguy kịch và giới chức quân sự Mỹ không nghĩ rằng Pháp có nhiều cơ may chiến thắng. Vì vậy, các tham mưu trưởng Mỹ đề nghị: trong vòng 3 tuần lễ tới, các lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ sẽ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương…Trong việc này, Mỹ không thể hành động một mình. Chính phủ Mỹ cần đảm bảo [với Quốc hội] rằng các nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Anh, Australia, New Zealand chia sẻ ý kiến về tình hình nghiêm trọng [ở Đông Dương]” (FC, tr.107-108).

Eden trả lời: “Chúng tôi không chắc rằng tình hình ở Đông Dương có thể được giải quyết bằng những biện pháp thuần túy quân sự” (FC, tr.108).

Trong hai ngày 11 và 13-4, bất chấp Dulles năn nỉ Anh tham gia vào “hành động thống nhất” với Mỹ, Eden vẫn không thay đổi ý kiến: “Các tham mưu trưởng Anh không tin rằng việc can thiệp của các nước đồng minh có thể giới hạn ở những cuộc hành quân của Không quân và Hải quân…Hội nghị Genève sắp diễn ra, dư luận Anh cương quyết chống lại mọi cam kết trong lúc này có thể dẫn tới việc tham chiến ở Đông Dương” (FC, tr.109).

mXee4d2ayo-Gbqq3Qlk83mw

Churchill và Eden

Chuyến du thuyết thất bại hoàn toàn, Dulles trở về Mỹ ngày 14-4.

Một tuần sau, 22-4, Dulles và Eden đến Paris để cùng với Bidault thảo luận lập trường chung của ba nước phương Tây tại Hội nghị Genève sắp khai mạc. Tuy nhiên, Điện Biên Phủ lại trở thành đề tài nóng bỏng trong các cuộc họp.

Bidault thông báo: “Tình hình Điện Biên Phủ đã trở nên thực sự tuyệt vọng” và gợi ý: “Không gì có thể cứu vãn tình hình được nữa, có lẽ ngoại trừ một cuộc can thiệp ồ ạt bằng Không quân mà Mỹ có thể cung cấp” (MC, tr.422).

Ngày hôm sau, 23-4, Bidault cho hai ngoại trưởng Mỹ và Anh biết nội dung bức điện Navarre vừa gửi về Paris: “Chỉ có một hành động mạnh mẽ của Không quân Mỹ trong 72 giờ tới mới có thể cứu vãn tình hình ở Điện Biên Phủ” (FC, tr.112).

Tối hôm đó, hai ngoại trưởng báo cáo về chính phủ của mình.

Trong bức điện gửi Eisenhower và Radford, Dulles viết: “Navarre chỉ thấy có hai sự lựa chọn:

Một là Chiến dịch Chim Kên Kên tức các cuộc ném bom ồ ạt của máy bay B-29 (mà tôi hiểu là chiến dịch từ các căn cứ của Mỹ ở ngoài Đông Dương).

Hai là yêu cầu [Việt Minh] ngưng bắn (mà tôi cho là ở Điện Biên Phủ, chứ không phải trên toàn Đông Dương)” (MC, tr.424).

Trong khi đó Eden lại suy nghĩ hoàn toàn khác. Trong thư gửi Churchill, Eden viết: “Tôi khó mà tin rằng, trong giai đoạn này, một cuộc can thiệp từ các hàng không mẫu hạm có thể ảnh hưởng tới tình hình… Tôi sợ rằng cuộc can thiệp không cứu nổi Điện Biên Phủ mà ngoài ra, nó lại có những hậu quả lớn lao” (FC, tr.114). Eden kết luận: “Tôi không nghĩ rằng bất cứ điều gì lại có thể có hiệu quả ở Đông Dương – ngoại trừ một cuộc can thiệp có quy mô như cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nếu một cuộc can thiệp với quy mô như thế xảy ra, khó nói trước các hậu quả sẽ đi đến đâu. Chúng ta sẽ dính dáng vào một cuộc chiến tranh xấu, chống lại một đối thủ xấu, trên một chiến trường xấu” (FC, tr.115).

Trong vấn đề Điện Biên Phủ, yếu tố quân sự giữ vị trí quan trọng. Do đó, ngày 24-4 (1954), Eisenhower cử Radford sang Paris để cùng với Dulles thuyết phục Anh. Ngày hôm đó, Dulles giải thích với Eden vì sao Mỹ cần Anh tham gia vào “hành động thống nhất”: “Hành động tác chiến lớn của lực lượng Mỹ ở Đông Dương cần thiết phải được Quốc hội  đồng ý, trong khi Quốc hội sẽ dễ nghe theo hơn nếu Quốc hội yên trí là có Anh cùng tham gia vào hành động thống nhất” (MC, tr.424). Radford nói bồi thêm: “Anh có thể thể hiện sự tham gia đó của mình bằng cách gửi sang Bắc Bộ những đơn vị Không quân Hoàng gia từ Mã Lai hay từ Hong Kong” (FC, tr.116).

Chiều 24-4, Dulles đưa cho Bidault bản dự thảo một bức thư được Eden trích đăng trong hồi ký như sau: “Mặc dù bây giờ đã quá muộn để Mỹ yểm trợ việc phòng thủ Điện Biên Phủ, song nếu Pháp và các nước đồng minh muốn, Mỹ vẫn sẵn sàng đưa lực lượng vũ trang vào Đông Dương và bằng cách đó, sẵn sàng quốc tế hóa cuộc chiến tranh và bảo vệ toàn thể Đông Nam Á” (FC, tr.117). Nếu Bidault nhất trí với nội dung bức thư thì Dulles sẽ chính thức gửi cho Chính phủ Pháp.

Lâu nay, Pháp chỉ muốn Mỹ tiến hành ném bom xuống Điện Biên Phủ trong khuôn khổ Chiến dịch Chim Kên Kên, chứ hoàn toàn không muốn Mỹ “quốc tế hóa cuộc chiến” vì như thế Mỹ có thể giành lấy quyền chỉ huy chiến tranh Đông Dương từ tay Pháp. Nhưng trước tình hình nguy ngập của Điện Biên Phủ, Bidault không thấy cách nào khác hơn là đồng ý với Dulles.

Sau đó, Pháp đề nghị Eden về lại London để thuyết phục Chính phủ Anh hành động theo chiều hướng mà Dulles đã đề nghị.

Tối hôm ấy, Eden báo cáo với Churchill: “Tôi không nhất trí với Mỹ khi họ tin rằng một cuộc can thiệp có thể mang lại kết quả”, nhất là “cuộc can thiệp đó chỉ giới hạn trong việc tham chiến của lực lượng Không quân… Không sự trợ giúp quân sự nào hữu hiệu nếu không bao gồm cả quân trên bộ” (FC, tr.118).

Churchill đồng ý với Eden: “Người ta [ám chỉ Chính phủ Mỹ] mong chúng ta tiếp tay với họ để dẫn Quốc hội [Mỹ] tới chỗ sai lầm, để Quốc hội phê chuẩn một hành động quân sự không có hiệu quả thực sự, nhưng có thể đưa thế giới đến ngưỡng cửa của một cuộc đại chiến” (FC, tr.119).

Hai nhà lãnh đạo nước Anh đi đến kết luận: “Chúng ta phải từ chối cam kết giúp đỡ quân sự cho Pháp ở Đông Dương” (FC, tr.119).

Ngày 25-4 (1954) là ngày chủ nhật, nhưng Churchill vẫn triệu tập Hội đồng Nội các vào lúc 11 giờ trưa. Các bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với quyết định của thủ tướng và ngoại trưởng.

Trong lúc đó, ở Paris, Dulles chính thức gửi thư cho Chính phủ Pháp. Ông cũng dự thảo một Tuyên bố chung của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Philippines và ba Quốc gia liên kết ở Đông Dương, theo đó các nước này sẽ dùng biện pháp quân sự để “ngăn chặn Cộng sản bành trướng” ở Đông Nam Á. Nếu Anh tán thành Tuyên bố chung này thì ngày 26-4 (1954) Eisenhower sẽ ra trước Quốc hội để xin các nghị sĩ cho phép tiến hành can thiệp quân sự vào Đông Dương. Nếu mọi sự trót lọt, ngày 28-4 (1954), Chim Kên Kên sẽ bắt đầu dội bom xuống Điện Biên Phủ.

Vì sự tán thành của Anh là điều kiện tiên quyết để Quốc hội Mỹ cho phép, nên Mỹ đề nghị Paris cố thuyết phục London. Đại sứ Pháp René Massigli được lệnh đi gặp Eden. Thế là chiều chủ nhật 25-4, Nội các Anh bị triệu tập một lần nữa. Sau khi thảo luận, Nội các Anh bác bỏ đề nghị của Pháp. Eden thông báo kết luận đó cho Dulles và Bidault biết (FC, tr.120).

Tuy lập trường của Anh đã quá rõ ràng và dứt khoát, nhưng Pháp vẫn chưa chịu buông tha. Theo chỉ thị của Laniel, sáng 27-4 (1954) Massigli đến gặp Churchill. Câu trả lời của Anh vẫn không thay đổi: Anh không tham gia vào bất cứ hành động quân sự nào ở Đông Dương trước khi Hội nghị Genève kết thúc.

Ngày hôm đó, Chim Kên Kên đã gãy cánh trước khi bay đi gieo rắc bom đạn, theo dự kiến của Mỹ, vào ngày hôm sau.

Không có điều kiện ném bom xuống Điện Biên Phủ, Eidenhower “ném” xuống tập đoàn cứ điểm này một bức thư động viên: “Cùng với hàng triệu đồng bào của tôi, tôi xin kính chào lòng anh dũng và sức chịu đựng của vị chỉ huy và các binh sĩ đang bảo vệ Điện Biên Phủ. Chúng tôi ngưỡng mộ sâu sắc cuộc chiến đấu gan dạ và tháo vát mà quân lính của Pháp, Việt Nam [phe Bảo Đại] và các xứ khác của Liên hiệp Pháp tiến hành ở đó…” (MC, tr.430).

galard5

Eisenhower gắn huy chương cho một nữ y tá Pháp
có tham gia trận Điện Biên Phủ

Trong khi đó, theo nhận định của Eisenhower, “tình hình ở Điện Biên Phủ suy đồi một cách nhanh chóng trong tháng 4” (MC, tr.422). Trong số 16 000 quân đồn trú, hàng ngàn người đã chết, hàng ngàn người bị thương tật, một số khác đào ngũ, cuối cùng chỉ còn 4 000 quân có thể cầm súng (MC, tr.430). “Vị trí cuối cùng [của Pháp] bị thu hẹp, không rộng hơn một sân bóng chày” (MC, tr.430).

dien_bien_phu2
ANd9GcTVFRO8z7gKqWggblM1TN_jMfE8wAJ4951dsnz80CwWETI9BvtKbg

Tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ trên báo chí Pháp

Ngày 7-5 (1954), tập đoàn cứ điểm đầu hàng. Thiếu tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan và binh sĩ dưới quyền đều bị bắt sống.

1304410024_Bo%20chi%20huy%20cua%20Phap%20o%20DBP%20ra%20hang  6_02

Tướng De Castries cùng hàng nghìn sĩ quan và binh lính dưới quyền đầu hàng và bị bắt sống

▪ KẾT CỤC CÓ THỂ THẤY TRƯỚC

Trong hồi ký, Eisenhower tự hào gọi Mỹ là “cường quốc chống thực dân hùng mạnh nhất” thế giới, do đó “lý do mạnh mẽ hơn cả khiến Mỹ từ chối đáp ứng các yêu cầu của Pháp là truyền thống chống chủ nghĩa thực dân của chúng ta” (the strongest reason of all for United States refusal to respond by itself to French pleas was our tradition of anticolonialism) (MC, tr.451). Lối giải thích này không đáng tin một chút nào, vì từ khi Pháp tái chiếm Việt Nam sau Thế chiến thứ II, Mỹ hoàn toàn ủng hộ và không ngừng giúp đỡ thực dân Pháp, chứ không hề quan tâm gì đến khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Các hồi ký nói trên cho thấy tình trạng “dồng sàng dị mộng” giữa Mỹ, Anh và Pháp. Tuy là đồng minh thân thiết trong Tổ chức Bắc Đại Tây Dương NATO cùng chung lập trường chống phá công cuộc kháng chiến của Việt Nam, không phải lúc nào ba nước cũng có những chủ trương giống nhau trong vấn đề chiến tranh Đông Dương, đặc biệt vào thời điểm trận đánh Điện Biên Phủ đang diễn ra.

Mỹ muốn can thiệp quân sự vào Việt Nam để “quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương” nhằm giành lấy quyền chỉ đạo cuộc chiến từ tay Pháp dưới danh nghĩa một “hành động thống nhất” của các nước phương Tây do Mỹ cầm đầu.

Pháp phản đối ý đồ đó, nhưng trước tình thế nguy kịch của  Điện Biên Phủ, Pháp đành khuất phục trước âm mưu của Mỹ.

Riêng Anh không thấy lợi lộc gì trong việc kéo dài chiến tranh Đông Dương, cũng không thấy mất mát gì nếu Pháp thua ở Điện Biên Phủ, nên kiên quyết từ chối tham gia “hành động thống nhất” do Mỹ đề xướng.  

Mỹ trút trách nhiệm về thất bại của Chiến dịch Chim Kên Kên cho Anh. Eisenhower phê phán Anh có “thái độ chủ bại” (MC, tr.432). Nixon nghĩ tương tự: “Đề nghị hành động thống nhất bị cản trở ở Anh” (NMV, tr.30). Tuy nhiên, trước tinh thần chiến đấu ngoan cường và cách đánh thông minh của bộ đội Việt Minh, Eisenhower cũng phải thừa nhận “các cuộc tập kích bằng không quân để yểm trợ  Điện Biên Phủ  sẽ không hiệu quả” (MC,tr. 450). Đặc biệt, “quần chúng nhân dân ủng hộ đối phương [tức Việt Minh]” (MC, tr.449). Do đó, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm là điều không thể tránh khỏi.

Eisenhower viết: “Dù chúng tôi có thể thấy được kết cục đang tới, song việc quân đồn trú Điện Biên Phủ cuối cùng đầu hàng cũng làm chúng tôi buồn rầu” (MC, tr.430). Không buồn rầu sao được khi Mỹ đã đầu tư – riêng trong năm 1954 – 1,115 tỷ đô-la (5) , trang trải 78,25% (6) toàn bộ chi phí chiến tranh ở Đông Dương. Do đó, Pháp thua cũng có nghĩa là Mỹ thua…

Vì vậy, mãi 40 năm sau khi viết hồi ký NMV, Nixon còn tiếc rẻ: “Sai lầm nghiêm trọng đầu tiên của chúng ta là đã không can thiệp vào trận đánh Điện Biên Phủ… Lẽ ra chúng ta phải can thiệp để giúp Pháp, nếu cần thì can thiệp một mình” (NMV, tr.31). Nhưng với chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử đã sang trang trước khi những trang hồi ký này được viết…

ANd9GcSJkzTCZYzHv5yfZLpX9tn9GXEPbY6UQ3G-MJfxngE8CU8s3pIUjQ  ANd9GcSF0AgMMGtHJPkkxHpKAyiGogocP_LjB0CsNZePv1MT4QuVWSEu

Bên trái : Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Bên phái : Các tướng Navarre, Cogny và đại tá (sau lên tướng) De Castries tại tập đoàn cứ điểm.


(1).Trong 4 quyển nói trên, quyển thứ hai (MR) và quyển thứ tư (FC) được sử dụng qua các bản dịch tiếng Pháp:

- Mémoires de Richard Nixon, Nxb Stanké, Paris, 1978.

- Mémoires de Sir Anthony Eden (volume II: 1945-1957), Nxb Plon, Paris, 1960

Số trang (trong dấu ngoặc) là của bản dịch. 

Trong một bài khác, chúng tôi sẽ nói đến các hồi ký của đô đốc Arthur W. Radford, tướng Matthew B. Ridgway (Mỹ), Joseph Laniel, Georges Bidault, tướng Paul Ély, tướng Henri Navarre, tướng Georges Catroux, tướng Jean Marchand (Pháp) v.v…

(2). Không phải tạm thời mà là vĩnh viễn. Lúc đầu, máy bay Pháp không thể sử dụng sân bay vào ban ngày. Từ 27-3, việc hạ cánh hay cất cánh vào ban đêm cũng không thực hiện được.

(3). Hội nghị Genève gồm hai giai đoạn:

  1. Giai đoạn bàn về vấn đề Triều Tiên khai mạc ngày 26-4-1954.
  2. Giai đoạn bàn về vấn đề Đông Dương bắt đầu từ ngày 8-5-1954.

(4). The Pentagon Papers as published by The New York Times, Nxb Bantam Books, New York, 1971, tr.38. 

(5). The Pentagon Papers, ấn bản của thượng nghị sĩ Gravel, Nxb Beacon Press, Boston, 1971, tập I, tr.91.

(6). Alain Russio, Les Communistes français et la guerre d’Indochine 1944-1954, Nxb L’Harmattan, Paris, 1985, tr.210.

 

TS Phan Văn Hoàng

Nguồn: bản MS-Word của tác giả


Bài khác, cùng tác giả:

- Chào Mừng Kỷ Niệm Lần Thứ 38 Đất Nước Hòa Bình & Thống Nhất

Trang Thời Sự