MỘT KHÁM PHÁ BẤT NGỜ VỀ

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Nguyễn Xuân Phong

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NgXPhong.php

10 tháng 1, 2008

 

Mấy năm gần đây nhóm Giao Điểm cho ra đời một số sách thuộc loại “động trời” đối với cộng đồng người Việt hải ngoại và có lẽ cũng như ở trong nước.

Từ cuốn “Đối thoại với Giáo Hoàng” đến cuốn trả lời ông Dương Ngọc Dũng và ông Đỗ Mạnh Tri, hai người viết sách phê bình cuốn Đối Thoại của nhóm này. Gần đây, nhóm Giao Điểm lại xuất bản một cuốn sách “nặng ký” khác: “Nguyễn Trường Tộ Thực Chất Con Người và Di Thảo”.

Về hình thức, đây là một cuốn sách in khá đẹp, bìa 4 màu do nhà văn kiêm họa sĩ Khánh Trường trình bày, sách dày 260 trang, giá bán phải chăng, 12 Mỹ kim.

Về nội dung , cuốn “Nguyễn Trường Tộ Thực Chất Con Người và Di Thảo” sẽ làm bàng hoàng cho nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu từ trước đến nay, nhất là gây bối rối khó xử cho viện Khoa Học Xã Hội tại Sài Gòn, vì năm 1992, trung tâm Hán Nôm của viện này tổ chức hội thảo về Nguyễn Trường Tộ. Tập kỷ yếu của cuộc hội thảo gồm có 47 bài mà hầu hết đều ca tụng Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân vĩ đại và một người yêu nước nồng nàn. Thêm vào đó, đối với hầu hết người dân Việt từ trước đến nay, ít nhiều được dạy hoặc được truyền tụng rằng Nguyễn Trường Tộ là một nhà canh tân ái quốc, giám khuyên vua quan triều Tự Đức nên canh tân đất nước để theo kịp đà tiến hóa văn minh của nhân loại, nhưng các vua quan nhà Nguyễn quá thủ cựu, ngu muội và hẹp hòi không nghe lời khuyên của ông.

Có thể nói sự tin tưởng, ngưỡng mộ và đánh giá cao về Nguyễn Trường Tộ hầu như đã in đậm nét vào tâm khảm người dân Việt từ thôn quê đến thành thị, từ giới học sinh, sinh viên đến các giáo chức và sử gia, học giả kể cả những nhân vật lỗi lạc về phía bên nầy cũng như bên kia dòng chính kiến.

Nhưng, như một tiếng sấm sét đã giáng xuống bất ngờ làm giật mình cho giới học giả và sử gia từ trước đến nay. Nguyễn Trường Tộ theo nhóm Giao Điểm trong lời nói đầu của cuốn sách:

“Bằng những sử liệu bất khả phủ bác, mà phần lớn là các tài liệu mật, và của các linh mục giám mục, Nguyễn Kha và Trần Chung Ngọc đã cho thấy bản chất thực của Nguyễn Trường Tộ qua các bản Điều trần mà hầu hết đều lạc dẫn, không tưởng và chỉ có lợi cho ngoại bang mà thôi”.

Phải chăng lời khẳng định quả quyết nầy của nhóm Giao Điểm là một đại ngôn thiếu căn cứ? Không hẳn. Hai tác giả của cuốn sách có những sử liệu chính xác và những lý lẻ của họ.

Bài viết của ông Trần Chung Ngọc hầu như để bổ túc cho bài của ông Nguyễn Kha. Ông Trần Chung Ngọc đưa ra ba ý chính trong bài viết dài 70 trang từ trang 191 đến 261.

Trước hết ông Trần Chung Ngọc cho thấy chương trình đào tạo linh mục, giám mục của giáo hội Công giáo như thế nào qua sử liệu quí giá của các vị linh mục. Thứ hai, qua chương trình đào tạo linh mục giám mục để biến họ trở thành “một cái máy phóng thanh...” như thế, thì có thể dùng họ “vào việc canh tân đất nước” được không? như ông nguyễn Trường Tộ đề nghị trong bản Điều Trần số 17. Điểm thứ ba là ông Trần Chung Ngọc nêu ra điều sai lầm của một số sử-gia lúc cho rằng Nhật Bản canh tân được mà Việt Nam thì không vì triều đình nhà Nguyễn ngu muội hẹp hòi cố chấp. Theo ông Trần Chung Ngọc, lý do chính là vì Việt Nam lúc bấy giờ đã có quá nhiều “những con nội trùng” nên cũng khó canh tân, giả sử các đề nghị của ông Nguyễn Trường Tộ có giá trị.

Những sử liệu mà Trần Chung ngọc đưa ra, phần lớn là của các vị chức sắc cao cấp của tòa thánh La Mã, và của các sử gia nước ngoài nên có lẽ khó lòng để bác bỏ luận điểm của ông.

Tuy nhiên, một trong cái sai lầm của Trần Chung Ngọc là đầu óc luôn luôn bị ám ảnh bởi một mô hình không mấy tốt đẹp về các tôn giáo Tây Phương, nhất là lúc tôn giáo nầy truyền qua các nước Á Châu, mà có lẽ qua kinh nghiệm bản thân đã làm cho ông thiếu thiện cảm chăng? Và có lẽ vì ít nhiều thiếu thiện cảm nên đã làm mất bớt tính chất của một sử gia cần phải có lúc viết về nguyễn Trường Tộ.

Bài của ông Nguyễn Kha chiếm hết hơn 2/3 cuốn sách dài 190 trang gồm 2 trang thư mục. Với lối hành văn không mấy chải chuốc và không được suông sẽ cho lắm, Nguyễn Kha đã dùng khá nhiều tài liệu mật của các viên chức cao cấp Pháp thời thuộc địa, để đánh giá tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ qua một số bản Điều trần quan trọng mà ông Nguyễn Trường Tộ gởi cho triều Tự Đức.

Có lẽ không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nên bài ông Nguyễn Kha thiếu tính văn chương, nhưng cách trình bày từ tốn, văn phong lịch sự, lời lẽ thành thật nên cũng dễ chinh phục được độc giả. Một trong những điểm son của Nguyễn Kha là không kết luận Nguyễn Trường Tộ như thế nào mà chỉ gợi ý và đưa ra dữ kiện để độc giả “tự tìm cho mình một kết luận” (trang 40, 91). Mặc dầu lời lẽ có tính khiêm tốn và không quyết đoán của Nguyễn Kha, nhưng đọc xong từng đoạn từng phần, hay trọn bài viết, độc giả cũng có thể kết luận: Nguyễn Trường Tộ là một tên đại Việt gian, và các bản Điều trần của ông là một sự lừa dối hào nhoáng.

Tuy nhiên, cũng như Trần Chung Ngọc, Nguyễn Kha vẫn vướng vào cái bệnh là kéo tên các vị chức sắc cao cấp của giáo hội Công Giáo vào nên ít nhiều làm cho bài viết giảm bớt tính vô tư của một sử gia. Dẫu vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, không dễ dàng để viết về Nguyễn Trường Tộ, dẫu có uyên thâm về sử học nhưng thiếu kiến thức về Thánh Kinh đạo Công giáo và không am tường đường lối của tòa thánh Vatican, thì khó mà hiểu được bản chất đích thực của Nguyễn Trường Tộ qua các bản Điều Trần. Và có lẽ vì điều nầy mà từ trước đến nay hầu hết các sử gia ngay cả những vị lỗi lạc cũng đều lầm nên ca tụng Nguyễn Trường Tộ không tiếc lời.

Do đó, Nguyễn Kha có lý lúc trình bày hơi dài dòng về tên tuổi của các linh mục, giám mục người nước ngoài, kể cả nhiều giáo hoàng và đường lối của Vatican, vì Nguyễn Trường Tộ là một con tép trong cả một biển tôm? Cuốn “Nguyễn Trường Tộ Thực Chất Con Người và Di Thảo” là một đóng góp lớn cho sự đánh giá lại các nhân vật lịch sử nước nhà, đặc biệt là về Nguyễn Trường Tộ, từ một con người hầu như được cả quốc dân ca tụng qua nhiều thập niên nay bị hạ xuống bùn đen quả là một việc làm không dễ, nếu không có sự đối chiếu từ nhiều góc độ khác nhau của lịch sử như Nguyễn Kha.

Phải chăng vẫn còn quá sớm để định vị trí cuốn “Nguyễn Trường Tộ Thực Chất Con Người và Di Thảo” đối với nền sử học nước nhà, chúng ta nên chờ xem nhiều ý kiến của độc giả và các sử gia xem sao.

California, 6.98

(Trích từ tạp chí Giao Điểm số 31)


Các bài liên hệ:

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ- Trong Chiêu Bài Canh Tân

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ- Thảo Luận với cụ Hoàng Thanh Đạm

Một Khám Phá Bất Ngờ Về NGUYỄN TRƯỜNG TỘ- (Nguyễn Xuân Phong)

 

Trang Lịch Sử