Vụ Đặt Tên Đường - Cái Gì Ở Đàng Sau?

Vụ Đặt Tên Đường - Cái Gì Ở Đàng Sau?

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LythaiDT03.php

09-Dec-2019

Ai không nghĩ "THOÁNG" không "bỏ qua" hết các tài liệu khách quan như thế thì bị các báo chí "tiến bộ, cởi mở" cho ăn một loạt mưa đá ngay, nào là "có gì mà ầm ĩ", nào là " thành kiến hẹp hòi", nào là "bảo thủ, kỳ thị", nào là "dở quá",..

Thấy báo Tuổi Trẻ quảng cáo chữ THOÁNG to quá, nên tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để  đọc và nghe các bài tranh luận của ba bề bốn bên, nhất là “thoáng” qua bài nói chuyện của GS Nguyễn Đăng Hưng. Ông là người đã gây ra nguồn cơn của cuộc xung đột truyền thông hiện nay vì ông cố động mọi người phải “thoáng” hoặc “vượt qua, bước qua” khi nghe người ta kể tội Alexandre De Rhodes gián điệp. Ý của ông GS Hưng là phải “thoáng” khi nghe ông Rhodes đòi “chém ngã xuống” gọi Đức Phật bằng “thằng dối người”, gọi các tôn giáo khác là “đạo vạy”, “phép giả bởi quỉ”, “đạo rợ mọi”…

Các văn bản chứng minh cho những hành động có tội với dân tộc Việt Nam nói trên đã được chúng tôi trình bày một cách khoa học rất nhiều lần. Có thể xem một danh sách các bài viết ở Các Bài Tranh Luận Về Alexandre De Rhodes Chữ Quốc Ngữ. Gần nhất là trong bài Ngày Thanksgiving, Nói Về Chuyện “Nhớ Ơn”  (cùng tác giả)

Ai không nghĩ "THOÁNG" không "bỏ qua" hết các tài liệu khách quan như thế thì bị các báo chí "tiến bộ, cởi mở" cho ăn một loạt mưa đá ngay, nào là "có gì mà ầm ĩ", nào là " thành kiến hẹp hòi", nào là "bảo thủ, kỳ thị", nào là "dở quá",....

Những lý lẽ và thói quen của phe ủng hộ việc tôn vinh AD Rhodes có thể tóm tắt như sau:

1- Ca ngợi sự tiện lợi của Chữ Quốc Ngữ.

2- Tô đậm công in ấn của A.D. Rhodes in ra cuốn từ điển Việt Bồ La (select wrong number of choices) và cuốn Phép Giảng Tám Ngày.

3- Phủ nhận tội gián điệp của Rhodes cho rằng không liên quan đến việc Pháp xâm chiếm 200 năm sau.

Chúng ta sẽ nhận biết những đặc điểm trên xuyên qua những bài phát biểu của họ như dưới đây.

A. Trước tiên, xin nhận xét bài nói chuyện của ông GS Nguyễn Đăng Hưng viện trưởng viện Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ, trên Phố Bolsa TV https://www.youtube.com/watch?v=MpHg8KhXyHY

☞ Ông Nguyễn Đăng Hưng minh định ông là người lương (nhưng không nói rõ ông theo đạo nào, hay vô thần). Không hiểu tại sao ông lại minh định như thế! Tôi chưa thấy ai chụp mũ ai theo đạo nào khi tranh luận về vấn đề đặt tên đường này! Nhưng có ai tin được không? Ông học Trương Vĩnh Ký ở SG, được học bổng đi du học Bỉ 1960, tức vào thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Nước Bỉ lại là nước Ca-tô La Mã toàn tòng. Ông Nguyễn Đăng Hưng ở đó trên 40 năm.  Điều này gây nghi ngờ chính vì ông nêu ra vấn đề nhận diện tôn giáo, rồi chính ông kêu gào "bỏ qua những thành kiến về tôn giáo".

☞ Nhận xét về tấm bia.

Ảnh fs.chungta.com

a). Trước tiên, khi đặt bia tưởng niệm trên mộ ông Alexandre De Rhodes ở Iran, ông dùng 4 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Ba Tư

Như vậy hoàn toàn không có tiếng Bồ Đào Nha, là ngôn ngữ của các giáo sĩ viết từ điển đầu tiên mà ông Rhodes đã in ra. Tại sao thế? Ông Rhodes đã lấy công của các giáo sĩ người Bồ, nay ông Nguyễn  Đăng Hưng lại bỏ luôn sự có mặt của tiếng Bồ trong tác phẩm đầu tiên có chữ Việt La tinh hóa. Ông kêu gọi “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là chỉ nhớ ơn giặc Pháp mà thôi hay sao?

b). Ngoài ra, trong phần nhận xét dưới video, chúng tôi thấy có một sự gian dối theo kiểu “khôn nhà dại chợ” như sau:

Viet Boy23 hours ago

Trong tấm bia, về phần tiếng Anh thì đúng. "A group of Vietnamese" chỉ rõ là chỉ một nhóm "fan" của ông mà thôi. Còn trong tiếng Việt lại ghi là "Người Việt Nam vinh danh chữ Quốc ngữ" thì có vẽ nhập nhằng. Đáng lý phải ghi rõ "Một nhóm người Việt Nam vinh danh chữ Quốc ngữ" tri ân ông ta mà thôi. Không nên nhân danh "Người Việt Nam" chung chung như vậy. Mấy ông "học giả" này là mấy ông nào vậy?

c). Trên một tấm bia khác, nhỏ hơn, lấy đá từ Quảng Nam đem sang Iran, ông GS NĐ Hưng cũng nhập nhằng đánh tráo khái niệm giữa "tiếng nói" và "chữ viết", do ngộ nhận, thiếu hiểu biết.

Ông NĐ Hưng nhắc một câu nói trứ danh của học giả Phạm Quỳnh (mà ông ta không nhớ tên) ở phút số 8:00, nhưng lại cố tình sửa chữ cho thích hợp với mục đích của ông. Ông Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” Nhưng ông Hưng đã đổi lại là: “Chữ  quốc ngữ còn, tiếng Việt còn, nước Việt Nam còn.” Làm thế ông Hưng đã làm cho câu nói của mình trở thành vô nghĩa. Còn chữ quốc ngữ hôm nay là La-tinh hóa, hôm trước là Hán hóa, biết đâu mai sau còn có một biến cố chính trị lịch sử nào đó, nó lại biến đổi ký âm cho tiếng Việt, nhưng tiếng Việt thì muôn đời tồn tại với người Việt. Về điểm này ông Hưng nên học lại cho kỹ để phân biệt “tiếng nói” và “chữ viết”.

☞ Cũng trong sự nhầm lẫn tiếng nói” và “chữ viết” đó, ở phút số 9:50, ông GS Hưng cùng với 20 em học sinh khác, đã hát bài “Tiếng Nước Tôi” của Phạm Duy ở mộ ông Alexandre De Rhodes. “Tiếng nước tôi” có từ thời Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ, chứ có liên quan gì đến Alexandre De Rhodes hở ông GS Hưng? 

☞ Ông Nguyễn Đăng Hưng rất mâu thuẫn.

Ông kêu gọi “bỏ qua những thành kiến về tôn giáo” để ông tôn vinh Alexandre De Rhodes, một người tràn ngập thành kiến với tất cả các tôn giáo khác. Rồi ông GS Hưng còn tự cho hành động của mình là “có tính nhân văn” nữa!

Ông Rhodes đã dạy tín đồ của hắn mắng chửi các tôn giáo khác, gọi Phật Thích Ca bằng “thằng”, gọi các đạo khác là “tà vạy”, “ma quỷ” trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày mà giáo hội còn lưu giữ ở nhà thờ Mằng Lăng.

☞ Ông Hưng lại nói phải bảo vệ chữ viết, của chúng ta, chữ viết mẫu tự La-tinh (phút 17).

Bảo vệ là tôn vinh ông Rhodes hay sao?  Còn chữ viết, cũng như tất cả mọi sự trên đời, nó không thể bất biến, ông bà ta đã bỏ bao nhiêu công sức cải đổi chữ viết cho đến nay.

Những chữ viết luôn gặp phải lầm lẫn do cách nói từng vùng miền như về dấu hỏi/ngã, chữ cuối n/ng, chữ c/chữ t, chữ i/y,… Mỗi ngày các thầy các cô bắt lỗi chính tả cho học sinh, biên tập chỉnh lỗi các bài viết,.. năm này sang năm kia… Thế mà lỗi chính tả vẫn ngâp tràn trên các mạng xã hội, hay ngay cả báo chí nữa.  Vì thế thỉnh thoảng có người đưa ra ý kiến này nọ để cải tiến sao cho “các vấn đề rắc rối” khi viết chữ quốc ngữ phải giảm thiểu. Và rồi có sự nghi ngờ, rồi phản đối. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta luôn có vấn đề để phấn đấu với “bộ chữ viết” ngày nay và luôn có sự tranh cãi để cải tiến nó.

Giữa nhiều vấn đề như thế, ông muốn bảo vệ cái gì, có phải là một khái niệm thiếu thực tế hay không?

Vạn vật biến đổi không ngừng, tại sao ông muốn dừng lại ở một chỗ, mà chính ông cũng chẳng rõ chỗ nào.

☞ Ông Nguyễn Đăng Hưng kêu gọi tha thứ cho ông AD Rhodes.

Ở phút 24, Ông HS Hưng bảo chúng ta phải “hiểu cho, thông cảm cho AD Rhodes vì ông theo Dòng Tên, mà vì Dòng Tên họ có quan điểm cực đoan của họ. Ở thế kỷ 17 mới thoát ra khỏi thế kỷ 16, thời đó có những cuộc tranh giành tôn giáo dữ dội tại Châu Âu giữa người đạo Tin Lành và người đạo Thiên Chúa. Trước đó,vào thế kỷ 15, có những cuộc thánh chiến giữ người Cơ Đốc Giáo và người Hồi Giáo ở Palestine... Trong khung cảnh tôn giáo kình địch như vậy, thì đôi khi ngài Alexandre De Rhodes còn vài tư tưởng bị ảnh hưởng. thì cái chuyện mình phải thông cảm, mình không thể phán đoán thời đó bằng thời bây giờ...”

Rồi ông bảo nhìn Giáo Hoàng Francis I, một giáo sĩ Dòng Tên không còn cực đoan như  Dòng Tên ngày xưa, để “thông cảm” cho những lời cực đoan của ông Rhodes, tu sĩ Dòng Tên 500 năm trước!

Ông làm quan tòa kiểu gì vậy? Ông nhìn một ông A nào đó của ngày nay để tha thứ cho ông B nào đó (tốt nghiệp cùng lò) ở 5 thế kỷ trước.

Nhưng có ai làm gì ông ấy đâu mà “thông cảm?” Vấn đề là người ta không ưng việc mà GS Hưng tôn vinh ông ấy thôi. Ông kêu gọi thông cảm cho chính mình thì có lý hơn.

Và tại sao ông Hưng không chịu thông cảm cho phản ứng của người dân bây giờ? Họ mới phát giác ra những lời độc địa của ông ấy trong cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày mà ông Rhodes "giáo huấn" cho đàn chiên của ông mấy trăm năm nay? Thực sự trước đây ít ai, kể cả cụ Tổng Võ Văn Kiệt, biết được những lời lẽ đáng ghê tởm đó của ông Rhodes.

Trong một bài viết, ông nói "Đây là cả một nỗ lực, khổ luyện cá nhân hiếm có:" của Alexandre De Rhodes qua một câu trích của AD Rhodes như sau: "Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt…"

Tại sao ở nhiều nơi khác thì ông cho là tiếng Việt rất dễ học, trong khi đối với AD Rhodes thì ông cho là khổ luyện cá nhân? Ông ấy khổ luyện học tiếng Việt 4 tháng mà trở nên có công đầu về chữ quốc ngữ, dễ dàng thế ư?

☞ Ông GS Hưng kêu gọi đoàn kết để bảo vệ “tiếng nói” của chúng ta. (phút 26)

Một câu hết sức vô nghĩa! Như đã nói trên, tiếng nói của chúng ta đã có từ thuở Lạc Long Quân, Bà Âu Cơ, qua nhiều giai đoạn ngoại xâm, hết Tàu tới Tây, có giàu thêm từ ngữ thì có, chứ làm gì mất tiếng nói?

Ông đã "truyền cảm hứng" ý nghĩa đằng sau khẩu hiệu "bảo vệ tiếng nói" thế nào mà những người ủng hộ việc ông làm đã đăng những câu như "Vinh danh chữ Quốc ngữ và người sáng lập- một cái tát trời giáng vào mặt Tổng Trọng, một kẻ bán nước?" Một cách phát biểu đầy vẻ hằn học, phỉ báng, thóa mạ các bậc lãnh đạo... cũng giống như Alexandre De Rhodes, người mà họ "thần tượng," đối với các tôn giáo khác ở Việt Nam. Đây là hành động mang tính "nhân bản" của ông đấy sao?

☞ Phút 39:25 nói về chữ soldat. Ông GS Hưng dùng lại những lập luận cũ của những người tôn vinh Rhodes, mà không chịu đọc lời phản biện của người khác, như tác giả Bùi Kha, GS Trần Chung Ngọc... trong nhiều ấn phẩm đã phát hành. Tác giả Bùi Kha đã dẫn chứng rằng đoạn văn kế đó nói thẳng là ông vận động với La Mã và Triều Đình Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương (J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises.) Ông rời Rome để đi đến Triều Đình Vua Louis  XIV. Chẳng lẽ ông xin các "thừa sai" ở triều đình?

  Chữ soldat ở trong ngữ cảnh đó, dù hiểu theo “chiến  sĩ cầm thánh kinh" hay “binh sĩ cầm súng" vào thời điểm đó (thế kỷ 17) cũng không khác gì mấy. Đó là thời điểm cao độ của thực dân Âu Châu đi chiếm các thuộc địa, giành dân, giành đất. Những người làm tiền trạm cho các cuộc thám hiểm này luôn luôn cần được yểm trợ tiền bạc, nên phải thề nguyền với triều đình (thuộc Giáo Hội La Mã) là phải truyền đạo Chúa và sẽ đem về vàng bạc châu báu. Những ai học nhiều về lịch sử thế giới đều biết sắc chỉ Romanus Pontifex của Giáo Hoàng Nicolas V từ năm 1454 qui định sự chiếm đoạt đất đai, nô lệ, và tài sản của thế giới.

☞ Ông Hưng lên án là sự phản đối mang màu sắc tôn giáo? (Phút 43:00)

Sao GS Hưng lại kết tội ngược đời như thế? Ông Rhodes là giáo sĩ, nhân danh cái gì, và ở lãnh vực nào, nếu không phải là tôn giáo khi đòi “chém cho ngã” và gọi Đức Phật bằng “thằng Thíc Ca” ? Và, khi người ta đem những câu nói vô đạo đức, vô văn hóa đó ra phản đối thì lại cho là máu sắc tôn giáo. Đây là một câu phán đoán bất cần phải trái, đầy thiên vị và quá bất công.

Ông giả vờ đưa ra các nhà nghiên cứu có tiếng như linh mục Roland Jacques, và TS Phạm thị Kiều Ly (phút  45:47 – 48). Ông giả vờ không biết rằng họ đang chứng minh ngược với những điều ông ca tụng, Rhodes đã được vinh danh quá đáng, và không phải là người sáng tạo chữ Việt Latinh hóa.  Nhưng rồi rốt cuộc ông vẫn kết luận “phải nhớ ơn ông Rhodes?”

Đó là một trong những cách ngụy biện,  kết luận của ông GS Hưng thường không dính với chứng minh, mà tiếng Anh gọi là “wrong ending” (bằng chứng và kết luận không liên quan).

☞ Nói về GS Bùi Hiền, ông GS Hưng  bảo không nên làm cho dân Việt Nam bị sốc bằng mẫu chữ mới như thế (phút 1:02:00). Còn chính ông, GS Hưng lại mang đến cái sốc khác, là vinh danh cho một tên tội đồ dân tộc, Alexandre De Rhodes.

Ông GS Hưng không đá động gì đến vô số bằng chứng về tội của Alexandre De Rhodes, trái lại ông thổi phồng một việc rất nhỏ của Alexandre De Rhodes là thêm phần tiếng Latinh vào bộ tự điển mà hai giáo sĩ trước đã biên soạn (Gaspar D’Amaral và Antonio Barbosa) và in ra nhờ hậu thuẫn của Pháp.

GS Hưng xem việc ông Rhodes in quyển từ điển Việt Bồ La (mà thực công là của hai giáo sĩ người Bồ) là đại công đối với chữ quốc ngữ; cho nên tất cả những lời dạy độc địa, xấu xa, gây chia rẽ tôn giáo, phỉ báng các nhà sáng lập các tôn giáo khác trong quyển Phép Giảng Tám Ngày của ông Rhodes đã gieo rắc cho mấy triệu dân Việt ngày nay là “nhẹ như gió” không cần bàn tới? Ông GS Hưng mặc xác cho các tôn giáo khác bị con chiên của ông Rhodes tiếp tục dùng những ngôn ngữ như thế, ghét bỏ, trù dập, mắng chửi đối với cộng đồng dân lương như ông Rhodes ngày xưa vậy.

Người Việt không ai cần đến bộ từ điển đó để học chữ Việt cả, nó chỉ giúp ích cho các giáo sĩ nước ngoài nghiên cứu và truyền đạo mà thôi. Còn quyển Phép Giảng Tám Ngày là một tài liệu độc hại cho văn hóa, chưa nói đến vấn đề xâm phạm, phỉ báng tôn giáo khác. Tội này không thể tha thứ. Mà thật ra đâu có ai làm gì ông Rhodes, nếu không tự dưng đem ông ấy ra ca tụng?

☞ Bước qua lòng tự ái (phút 1:18:00)

Ông bảo bước qua lòng tự ái gì? Tự ái dân tộc chính là lòng yêu nước, là cái mà người dân Việt phải có, làm sao bước qua? Chỉ có những kẻ cam tâm cúi đầu với quân giặc mới làm được chuyện đó.

Tóm lại,

Mục đích duy nhất của ông chỉ là muốn tôn thờ một kẻ đắc tội với nước nhà, “nhận giặc làm cha” mà thôi. AD Rhodes rõ ràng là giặc. Giữa hai ông giáo sĩ, Francisco de Pina và AD Rhodes, ông chỉ tô điểm cho ông Rhodes và ca ngợi ông ấy mà thôi.

Ông đã “bước qua” tất cả mọi sự minh bạch, bước qua tự ái dân tộc, bước qua sự tàn nhẫn, âm mưu xấu xa của giặc, bước qua tình cảm phẫn nộ của dân chúng bị AD Rhodes khinh rẽ, và ông kêu gọi mọi người cũng phải “bước qua” như thế  để đạt được mục đích của ông. Ai không “bước qua” như thế sẽ bị ông gán cho những tiếng như “kỳ thị, định kiến, hẹp hòi,...”

Đó là những nhận xét của chúng tôi về GS Nguyễn Đăng Hưng, nhân vật chính đã gây ra việc xáo trộn trong dân chúng qua chương trình tôn vinh A.D. Rhodes.

Bây giờ, hãy nghe những lý luận của các khách mời của đài BBC (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50688707):

☞ Khách mời số 1: "Tôi nghĩ rằng họ chống đối là vì nó chưa có, những gì có rồi thì họ để yên đấy, ở Sài Gòn cũng đã có con đường mang tên ông Alexandre de Rhodes, thì có ai nói gì đâu?”

Góp ý:

Tên đường Alexandre De Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị đổi qua đổi lại tùy thời thế mà thôi. Tên đường đó  không bền vững vì tên AD Rhodes không phải là người có công với dân tộc. Đọc Lịch sử Một Con Đường trên một facebooker mang tên K'Hù Dzăng K'Hoằm (phần Phụ Trang), ta thấy rõ ràng cái tên A.D Rhodes chỉ được cho lên hoàn toàn do thế và thời (Tác giả bài viết đương nhiên phải lách, vì đây là chuyện động chạm đến uy danh một nhân vật tên tuổi rất có công với Cách Mạng, nhưng các chi tiết trong bài thì thật khó mà chối cãi).

Đầu tiên nó được Pháp chọn tôn vinh và đặt bia tưởng niệm năm 1941, để làm viên gạch lót đường cho chính sách đem chữ Việt La tinh hóa lên. Rồi dưới thời Ngô Đình Diệm, một chính quyền đạo phiệt của Thiên Chúa Giáo, tên giặc này cũng được đưa lên đặt tên đường, ai dám chống lại? Nó bị gỡ xuống sau khi nước nhà Thống Nhất. Để rồi sang thời mở cửa, do sự thiếu thông tin, chính quyền ông Võ Văn Kiệt đã lầm lẫn nghe lời những kẻ âm mưu sửa lại lịch sử và cho tên đường đó phục hồi.

Đây là một việc cần sửa đổi lại cho đúng.

Về điểm này, đã có nhiều báo, ngoài báo Tuổi Trẻ nông nổi và năng nỏ dẫn đầu sự công kích lá thư kiến nghị của nhóm trí thức một cách hung hăng nhất, các báo khác cũng chạy theo, đưa ra quan niệm rất cảm tính sai lạc, do cố ý hay do không nghiêm túc không phát biểu, không nghiên cứu công tâm để nghe tiếng chuông thứ hai, dù họ đều lý tên GS, TS.... Vì thế nên sự chống đối của cộng đồng đối với những ý kiến trên các báo càng trở nên kịch liệt.

Báo BaoDatViet.VN ngày 03/12/2019: có đăng bài "Đặt tên đường Alexandre de Rhodes: Sao phải tranh cãi?" trong có có đoạn:

"Nói về con đường Alexandre de Rhodes tại TP.HCM, nhà sử học - GS.TS Nguyễn Khắc Thuần, thành viên Hội đồng đặt tên đường TP.HCM, cho biết, trước giải phóng TP.HCM đã có đường Alexandre de Rhodes, sau đó do một số người nhầm lẫn giữa Alexandre de Rhodes với Bá Đa Lộc nên xóa tên đường Alexandre de Rhodes và đổi tên thành đường Thái Văn Lung (năm 1985)."

Không thấy ông GS TS Nguyễn Khắc Thuần đưa ra một tài liệu khả tín nào cho sự giảng giải rỗng tuếch như thế. Nếu muốn diễn dịch theo tưởng tượng thì chuyện tên đường này chẳng còn ra thể thống gì nữa. Ông chẳng hiểu sự phản kháng của người ta không phải là giáo sĩ, hoặc tên Alexandre De Rhodes hay Bá Đa Lộc, mà phản kháng ở chỗ AD Rhodes là người có tội làm gián điệp và tội chà đạp văn hóa truyền thống của dân ta, đưa đến chia rẽ dân tộc từ bấy đến nay vẫn còn, ngày càng nặng nề hơn.

Báo https://giaoducthoidai.vn/: có bài "Đặt tên đường hai giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ: Không suy diễn rằng “hại” quốc gia, “lai căng” có nhận xét như sau:

"Hai cái tên Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, cho dù họ là những nhà truyền giáo, nhưng ở tầm bao quát hơn họ cũng là những nhà văn hóa. Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho dù có vì mục đích gì vẫn là tích cực cho tiến trình phát triển văn hóa, văn minh nước nhà....

Đặc biệt, thời đó, phương tiện nghe nhìn chưa có, tất cả chỉ giao lưu bằng chữ viết. Nhờ có chữ Quốc ngữ mà cho phép giao lưu văn hóa giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây. Đấy là cái lợi vô cùng lớn khó đo đếm được. Vì thế, cần phải tôn vinh những giáo sĩ ấy chứ, tại sao không?” - GS Nguyễn Chí Tình đặt câu hỏi.

Như được hướng dẫn vào một tiền đề có sẵn, mọi ý kiến đều tập trung "kể công" cho Alexandre De Rhodes mà thôi, bất kể công trình của ông chỉ là một phần nhỏ sau bao nhiêu công trình tạo dựng của các giáo sĩ khác. Khi nói "Alexandre de Rhodes cũng là những nhà văn hóa" GS Nguyễn Chí Tình không biết gì về những ngôn từ mà ông dùng trong các bài giảng cho tín đồ người Việt (xin đọc bản Phép Giảng Tám Ngày, đã được in lại theo chữ Việt ngày nay). Ở đoạn khác, tôi không hiểu ông GS Nguyễn Chí Tình lấy tư liệu ở đâu mà dám nói:

"... ông đã thể hiện được 6 thanh của tiếng Việt, hay các âm rất “hóc” như: Khúc khuỷu... Đây là một trí tuệ rất lớn, không chỉ thông minh mà còn phải rất am hiểu truyền thống, tâm lý văn hóa, đặc điểm ngôn ngữ của người Việt”. Sự đánh giá A D Rhodes của GS Nguyễn Chí Tình qua chữ "khúc khuỷu" thật là gượng ép vô cùng.

Từ mấy tháng nay, tôi không thấy bài báo nào bênh vực hay ủng hộ cho việc đặt tên đường mà tác giả tỏ ra biết lý luận ngay thẳng, hay đưa ra một nội dung chứng tỏ mình có một chút kiến thức cả. Rất nhiều người phạm phải sai lầm về lý luận. Từ chỗ bắt đầu đến chỗ kết không có sự liên quan chặt chẽ.

Thí dụ 1: Ca ngợi chữ quốc ngữ, xong rồi kết luận ta phải cám ơn người tạo ra nó, và kết ngay tên AD Rhodes vào đó, mặc dù đã có biết bao nghiên cứu cho rằng ông Rhodes không phải là người tạo ra nó. Hoặc,

Thí dụ 2: Tô vẽ, thổi phồng công của AD Rhodes trong việc in cuốn từ điển Việt Bồ La, rồi kết luận ngay là phải cám ơn ông ấy, mặc dù cuốn từ điển này không giúp ích gì cho người Việt Nam khi học viết chữ quốc ngữ.

Đó là chưa nói gì đến các tội của ông A.D. Rhodes.

☞ Khách mời 2, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên:

“…sở dĩ có vấn đề định kiến như nhà thơ Hoàng Hưng vừa nói là vì nó là vấn đề di sản tâm lý văn hóa suốt mấy chục năm nay, mà Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện có nhắc, bắt đầu từ câu nói dịch từ trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, mà gọi là trích dẫn từ quyển sách "Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông", thì tôi thấy rằng khi tôi đọc lại chính văn của bản 356 trang của cuốn sách này, tôi không thấy câu đó.”

Góp ý:

Tôi copy ra đây trang 319 của quyển sách Pháp ngữ, tựa là “Voyages Du P. De Rhodes, Chapitre XIX – De Togat à Rome” - Hành trình và Truyền Giáo.

Xin gửi cho ông đọc để thấy câu trích dẫn mà ông nói rằng không tìm thấy.

Có thể mở link này để xem nhiều hơn:

https://books.google.com/books?id=VehDAQAAMAAJ&pg=PA319

☞ Khách mời 3, Hoàng Hưng:

"Thế còn như ông Francisco De Pina, thì ông Pina có tội gì? Ông Francisco De Pina lâu nay rất thiệt thòi. Tức là lâu nay đối với đại chúng, ở Việt Nam người ta chỉ biết ông Alexandre de Rhodes nhiều hơn. Có người nói đây cũng chính là do Thực dân Pháp áp đặt như thế, vì về sau Alexandre de Rhodes được coi là người Pháp; đây gọi là thiên vị, mọi người hầu như không biết đến Francisco De Pina.”

Góp ý:

Đúng là không ai chỉ trích hay phê phán ông Francisco De Pina cả, dù ông ấy là giáo sĩ, vì ông ấy không có những tội giống như AD Rhodes. Điều đó chứng tỏ sự nhận thức của mọi người dân rất THOÁNG, họ không kỳ thị giáo sĩ Tây phương.

Hầu hết mọi người chỉ bất bình vì ông GS Hưng đòi mọi người dân phải nhớ ơn AD Rhodes là một tên vừa hoạt động gián điệp, vừa truyền giảng những điều hết sức trái đạo lý trong xã hội ta, lời lẽ phỉ báng vô văn hóa, và đã bị các Chúa Đàng Trong lẫn Đàng ngoài đuổi ra khỏi nước rất nhiều lần. Nay không thể vì cớ gì mà đem ông ta trở lại tôn vinh cả. Suy nghĩ THOÁNG không có nghĩa là tôn vinh  một tên giặc vừa là côn đồ văn hóa như thế.

☞ Khách mời 4, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện. Ông mở đầu:

“Thứ nhất, chữ Quốc ngữ là thứ chữ là đến bây giờ không thể phủ nhận, không thể bài bác được, bởi vì Quốc hội Việt Nam đã quy định rằng chữ của Việt Nam dùng hiện nay là chữ Quốc ngữ, vì vậy chữ Quốc ngữ đương nhiên là được thừa nhận…

… Xong rồi ông bảo:

“Không thể nào mà đặt tên một con đường mà người ở tận tỉnh nào gửi thư đến mà cũng phải xem xét cân đi nhắc lại,”

Góp ý:

Vấn đề Chữ quốc ngữ không ai công kích cả. Nếu có so sánh với chữ Hán chữ Nôm là vì đã có những lời ca ngợi chữ quốc ngữ quá đáng. Còn vấn đề ông khuyên chính quyền Đà Nẵng không nên xem xét thư kiến nghị phản đối của 12 vị trí thức, xin có thắc mắc như sau: 

Trước khi chính quyền quyết định thêm hai tên giáo sĩ cho là có công với chữ quốc ngữ, chắc chắn chính quyền đã lấy ý kiến của nhóm ông GS Nguyễn Đăng Hưng vận động từ lâu, có lẽ từ lúc cho phép Viện Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ được thành lập ở đại học Duy Tân. Vậy xin hỏi ông Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện:

Tại sao chính quyền có thể nghe nhóm người này vận động đặt tên đường, và không nên nghe nhóm người khác phản đối?”

☞ Đàng sau là cái gì?

Trên video, ở phút 20:16 (https://youtu.be/U1uzkp09930?t=1216) chúng tôi nghe câu hỏi của TS Nguyễn Xuân Diện: “Đàng sau, cái đó (thư kiến nghị của 12 trí thức) là cái gì?”, và MC Quốc Phương cũng tán đồng lập lại: “Đàng sau cái đó là cái gì?

Góp ý:

Tại sao không thắc mắc “Đằng sau nỗ lực vận động đặt tên đường cho hai giáo sĩ là cái gì?” Đó mới là sự khởi đầu của bao nhiêu vấn đề chia rẽ trong dân chúng, gây ra sự phân hóa giữa người yêu nước và người yêu chữ La-tinh hóa, hiềm khích tôn giáo vì đã nhắc lại cho người ta những lời lẽ độc hại của AD Rhodes đối với lương dân.

Tôi nghĩ những câu hỏi này chỉ gây thêm sự nghi ngờ vô lý và cố ý khơi gợi một suy diễn nào khác, gây thêm sự hiềm khích. Sự chọn lựa khách mời của BBC chưa đủ nói lên tất cả các sự kiện cần tham khảo.

Tổng kết:

Dự định vinh danh AD Rhodes đã gây chia rẽ dân tộc. Nhiều người, kể cả báo chí, sa vào bẫy chiến thuật "ngụy biện" (tiếng Anh gọi là Red Herring Fallacy) của những người âm mưu gắn kết công của chữ quốc ngữ vào tên hai giáo sĩ. Nếu bạn đã nghe tất cả các bài tham luận hay nghiên cứu tiếng Việt của các "học giả", bạn sẽ thấy:

- Tất cả đều đồng ý rằng Alexandre De Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, mà chỉ là kẻ đi học lại của ông giáo sĩ người Bồ là Francisco De Pina.

- Tất cả đều đồng ý rằng chữ quốc ngữ ngày nay ta dùng không phải là chữ của thời các ông giáo sĩ đó dùng.

- Tất cả đều đồng ý rằng chữ quốc ngữ ngày nay là công trình tập thể của rất nhiều người, mà trong đó sự đóng góp rất lớn của người Việt Nam chúng ta, kể cả các chú bé giúp lễ. Chưa kể các lớp dạy của chương trình Bình Dân Học Vụ của thời Cách Mạng Tháng đã thành công đẩy mạnh, xóa nạn mù chữ trên khắp đất nước.

Qua nhiều sự "đồng ý" như trên, tại sao nói đi nói lại rồi lại lấy riêng ra một hai người để "nhớ ơn? nhất là cứ phải đem ông Alexandre De Rhodes vào việc "tôn vinh chữ quốc ngữ?" Ông ta là kẻ làm gián điệp, và kẻ rất côn đồ trong ngôn ngữ, khinh miệt các tôn giáo truyền thống trong nước. Như vậy tội của ông đã đáng bêu đầu. Chúa Nguyễn đã giảm tội và chỉ trục xuất ông là "nhờ ơn Chúa" lắm rồi. Không thể đem công nào của ông ra chuộc tội được.

Báo điện tử giaoduc.net.vn nhắc lại: Sau khi nước nhà độc lập (1945), trình độ dân trí lúc bấy giờ rất thấp bởi có tới 95% dân số của chúng ta mù chữ... Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi đích danh hiện tượng này là “giặc dốt”... Phong trào Bình dân học vụ ra đời là nhằm giải quyết việc diệt "giặc dốt"... Vì thế, nhiều sắc lệnh về việc xóa nạn mù chữ được ban hành và do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp kí ngay sau những ngày đầu đất nước tuyên bố độc lập.

... chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, phong trào Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.."

Nếu có ai lập một tên đường “Chữ Quốc Ngữ” để tôn vinh chữ quốc ngữ,  tôi chắc chắn từ Bắc xuống Nam, đàng trong ra đàng ngoài, sẽ không có ai phản bác, mặc dù nó ... không được bình thường.

Hành động tôn vinh ông AD Rhodes là chia rẽ tôn giáo và dân tộc.

Chấm hết.

Lý Thái Xuân

_______________

PHỤ TRANG

Lịch sử một con đường

(theo FB K'Hù Dzăng K'Hoằm)

Con đường này thuộc địa bàn P. Bến Thành, Q.I, Tp. Hồ Chí Minh, từ điểm giao cắt với đường Phạm Ngọc Thạch đến điểm giao cắt với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dài 281m lộ giới 20m chệch phía trước Dinh Độc Lập qua ngã tư Pasteur, lưu thông 2 chiều. Đây là một trong các đường xưa nhất của khu vực Sài Gòn cũ. Thời Pháp thuộc, từ ngày 2/6/1871 có tên là đường Paracels (Hoàng Sa), đến ngày 16/10/1871 đổi lại là đường Colombert (tên cũ của quần đảo Hoàng Sa). Từ ngày 22/3/1955 ngụy quyền Sài Gòn đổi là Alexandre de Rhodes.

Ngày 4/4/1985 chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đổi là đường Thái Văn Lung. Albert Thái Văn Lung sinh năm 1916 tại huyện Thủ Đức, Gia Định, con kỹ sư Thái Văn Lân. Ông thi đỗ Cử nhân Khoa Luật tại Đại học Paris (Pháp), đồng thời học thêm ở Trường Khoa học Chính trị và Trường Thuộc địa (École Coloniale). Do có quốc tịch Pháp nên Thái Văn Lung tham gia học Trường Sĩ quan Pháo binh, trở thành sĩ quan pháo binh tham gia quân đội trong 4 năm, ông đã tham gia cuộc chiến tranh giữa Pháp – Xiêm và Chiến tranh thế giới thứ Hai và xuất ngũ với quân hàm Trung úy. Tháng 3 năm 1945, ông trở về nước làm việc tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Tháng 6, ông cùng với Nguyễn Văn Thủ, Phạm Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước... tham gia sáng lập lực lượng Thanh niên Tiền phong, trong đó ông phụ trách làm huấn luyện quân sự của tổ chức. Sau Cách mạng tháng 8, ngày 23 tháng 9 năm 1945, ông bị quân Pháp bắt nhưng trốn thoát được. Ông trở ra ngoại thành, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ. Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức, xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang của huyện, được nhân dân quen gọi là bộ đội Thái Văn Lung. Sau tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946, ông trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa I thuộc tỉnh Gia Định. Cũng trong năm 1946, khi đang tham gia Ban chỉ huy quân sự huyện và chỉ huy lực lượng bộ đội Thái Văn Lung chống Pháp, ông đã bị bắt trong một trận đánh. Sau khi bị tra tấn khốc liệt, ông mất vào ngày 2 tháng 7 năm 1946, khi chưa tròn 30 tuổi.

Em gái ông Thái Văn Lung, Thái Thị Liên là một trong số nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam tiên phong đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà qua Pháp học tập, gia nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Từ đó gặp gỡ và kết hôn với Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Trần Ngọc Danh, em trai cố Tổng bí thư Trần Phú. Năm 1948, bà và chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc). Bà theo học và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện Praha. Ông bà sính hai con là Trần Bạch Thu Hà và Trần Thanh Bình.

Sau khi ông Trần Ngọc Danh qua đời tại chiến khu Việt Bắc, bà tái hôn với nhà thơ Đặng Đình Hưng, sinh Đặng Thái Sơn. Năm 1958, nhà thơ Đặng Đình Hưng do liên quan đến Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm trong lúc bà mang thai con thứ ba, Đặng Thái Sơn. Ga đình bà đã rơi vào hoàn cảnh rất cực khổ. Bà đã phải vất vả một mình nuôi dạy 3 người con và người con riêng của chồng - Đặng Hồng Quang. Sau này cả Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang đều trở thành nghệ sĩ piano. Trần Thu Hà là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Trần Thanh Bình là một kiến trúc sư và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam. Đặng Thái Sơn đạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin và trở thành nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở cả trong lẫn ngoài nước.

Đến năm 1993, nhân 400 năm sinh của Alexandre de Rhode, ông Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hòa, khi ấy đang là Thủ tướng) đổi lại tên đường Thái Văn Lung là Alexandre de Rhodes. Về việc đổi tên đường này, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người từng có quãng thời gian dài kề cận và gặp gỡ ông Võ Văn Kiệt nhiều lần, kể lại với nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn câu chuyện gặp ông Võ Văn Kiệt và được ông Võ Văn Kiệt cho biết:

Hồi ông Võ Văn Kiệt còn đương chức, ông có chuyến thăm nước Pháp (1993) theo lời mời của phía Pháp. Ngoài các chương trình làm việc với phía Pháp, ông có đến thăm và gặp gỡ với phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris. Tai đây, ông được thông báo là Đại sứ quán có sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa ông Kiệt với ông Hoàng Xuân Hãn - một học giả người Việt sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm - tại trụ sở Đại sứ quán. Ông Kiệt đã hỏi những người tổ chức cuộc gặp: "Hoàng Xuân Hãn là ai?". Sau khi được giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Kiệt nói: "Vậy thì tôi sẽ đến thăm học giả Hoàng Xuân Hãn tại tư gia của ông ấy, chứ không phải là chúng ta mời ông ấy đến đây gặp tôi". Sau đó thì ông Kiệt hủy lịch hẹn gặp học giả Hoàng Xuân Hãn tại Đại sứ quán và kêu bố trí xe để ông đi thăm ông Hoàng Xuân Hãn. Khi đến nơi, ông Kiệt nói với ông Hoàng Xuân Hãn là ông đến thăm gia đình học giả và chỉ để nghe ông Hoàng Xuân Hãn nói, bất kỳ chuyện gì.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nói rằng: "Khi kể đến đoạn này, ông Kiệt cười và nói: "Tôi biết nói với ông Hãn chuyện gì đây, nên tốt nhất là lắng nghe ông ấy nói". Và ông Hãn đã nói với ông Kiệt rất nhiều chuyện, với tư cách là một học giả Việt kiều góp ý với một vị lãnh đạo của Việt Nam về đất nước, học thuật và thời cuộc. Sau cùng, học giả Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Nam nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes để ghi nhận công lao của vị giáo sĩ người Pháp này trong việc phát triển và hoàn thiện chữ quốc ngữ. Ông Võ Văn Kiệt nhận lời.

Khi về nước, ông Võ Văn Kiệt hỏi những người có trách nhiệm trong chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes. Họ trả lời là thời ngụy quyền Sài Gòn đã có con đường đó, nằm gần Dinh Độc Lập, sau năm 1975, đường Alexandre de Rhodes được đổi tên thành đường Thái Văn Lung. Ông Kiệt hỏi: "Bây giờ muốn đổi tên đường này trở lại thành đường Alexandre de Rhodes có được không"? Họ nói: "Việc đặt tên đường phải lập hồ sơ để hội đồng đặt tên đường của thành phố xét duyệt, rồi phải trình HĐND Thành phố thông qua, rất mất thời gian và nhiêu khê, trong khi Alexandre de Rhodes là một giáo sĩ người Pháp nên sẽ khó khăn hơn trong việc xét duyệt và thông qua".

Ông Kiệt hỏi tiếp: "Vậy làm một cái bảng tên đường ghi tên Alexandre de Rhodes giống như các bảng tên đường khác mất bao lâu?" Họ nói: "Chỉ 1 buổi là xong". Ông hỏi tiếp: "Vậy tháo cái bảng tên đường cũ ra, lắp bảng tên đường mới vào thì mất bao lâu?" Họ nói: "Chừng mươi phút". Ông Kiệt bảo: "Vậy hãy cho làm bảng tên đường mang tên Alexandre de Rhodes và chuẩn bị ốc vít đầy đủ". Sau đó, ông lệnh cho những người thừa hành đang đêm cho tháo biển tên đường Thái Văn Lung, lắp bảng tên đường Alexandre de Rhodes vào. Đến sáng hôm sau, khi người dân thành phố thấy tên đường Alexandre de Rhodes đã được thay thế cho tên đường Thái Văn Lung thì mọi sự đã rồi.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng kể là ông Kiệt nói với ông rằng: "Đó là con đường duy nhất ở Sài Gòn được đổi tên mà không có sự xét duyệt của hội đồng đặt tên đường và chưa được HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua. Tôi làm vậy là muốn thực hiện lời hứa với ông Hoàng Xuân Hãn càng sớm càng tốt".

Đó là câu chuyện nhặt trên mạng năm 2018, để biết thêm một mẫu chuyện "xé rào" khác mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm lúc sinh thời, chả biết có đúng không. Chỉ biết từ ngày đó bắt đầu có trào lưu rửa mặt rửa tiếng cho những nhân vật Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Hoàng Cao Khải .v.v. Về sau cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thêm câu "triệu người vui, triệu người buồn" https://www.facebook.com/…/a.1679154067289…/381964081990698/ thì trào lưu rửa mặt rửa tiếng lan đến cả cờ vàng, nhiều kẻ đòi "vinh danh" những tên tay sai Mỹ - từng tìm diệt những đoàn tàu không số chở vũ khí, cán bộ chi viện Miền Nam - diễn trò bắn lẫn nhau ở Hoàng Sa, thay từ "ngụy" bằng "chính quyền VNCH" trong sách lịch sử.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cũng cho biết ý tưởng về việc dựng tượng đài "tri ân" Alexandre de Rhodes ngay tại Thủ đô của nước Việt Nam cũng được chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở nhiều năm sau khi ông rời chính trường nghỉ hưu, rồi chính ông khởi xướng, đôn đốc thực hiện. Tượng Alexandre de Rhodes đã được tạc với sự tham gia của Bạch mi lão nghị Dương Trung Quốc, rồi âm mưu tặng cho Thủ đô Hà Nội hồi kỷ niệm "Nghìn năm Thăng Long" xong không thành vì Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần ngày 11/6/2008, việc tặng tượng phải gác lại. Nay lại có vận động đặt tên đường ở Đà Nẵng bằng tên mấy tên gián điệp phương Tây ngày xưa.

Quay lại việc lén lút đổi tên đường, sau khi việc đã rồi, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vội vàng chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan tổ chức một hội thảo lớn, có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học lịch sử. Tại hội thảo này, mọi người đã đi đến sự đồng thuận chung công nhận việc làm của ông Kiệt.

Cũng năm 1993, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Sử học đã tổ chức cuộc toạ đàm về Alexandre de Rhode. Có Giáo sư nhắc đến nhà bia "tri ân" Alexandre de Rhode bên Hồ Gươm "đã bị phá bỏ do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta, một dân tộc nặng tình trọng nghĩa, uống nước nhớ nguồn" và đề nghị dựng tượng bán thân Alexandre de Rhodes đặt ở vườn hoa Tao Đàn trước cửa trường Đại học Dược khoa Hà Nội.

Năm 1995, nhân 335 ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH và NV lại tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre de Rhodes. Trong bài phát biểu "Về những đóng góp của Alexandre de Rhodes" GS.TS Nguyễn Duy Quý đã kết luận: "Trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes- như chúng ta đa có kiến nghị với chính phủ - để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hóa chữ Quốc ngữ vào khuôn viên Thư viện Quốc gia và sẽ khôi phục lại tên phố Alexandre de Rhodes ở Thành phố Hồ Chí Minh" và thế là tên đường Alexandre De Rhodes ở Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận như hiện nay.

Còn bảng tên đường Thái Văn Lung sau khi bị tháo trộm lúc đêm khuya về sau được đặt cho đường Đồn Đất cũng thuộc Quận I.

___________

Bài liên quan:

- V/V Đặt Tên Đường Ở TP Đà Nẵng - Thư Kiến Nghị Của Một Nhóm Trí Thức Trong Nước  (Xin đọc http://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php)

- Các bài trong trang nhà liên quan đến nhân vật Alexandre De Rhodes: https://sachhiem.net/TONGIAO/ListRhodes.inc.php

 

Trang Tôn Giáo

CAMTASIA_STUDIO_MEDIABIN_MEDIA_FORMAT*C:\MP4\ALEX_QMN\IMG_6419.MOV