Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp (Nguyễn Cung Thông)

Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp:

Dần- dẫn-kính-*kễnh (9A)

Nguyễn Cung Thông

nguyencungthong@yahoo.com

30 tháng 1, 2010

LTS: Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Canh Dần (nhằm 14 tháng 2, 2010 tây lịch), tòa soạn sachhiem.net được hân hạnh giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Cung Thông gửi tặng độc giả. Đây là bài nghiên cứu đặc biệt về tên của con giáp Dần. Những bài viết khác về tên của 12 con giáp có thể đọc ở http://www.khoahoc.net/. Kính mời bạn đọc cùng nghiên cứu (SH)


Phần này bổ túc cho bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp : Dần-kính-*kễnh (9)" nên mang số thứ tự 9A, tương tự như loạt bài viết về "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Mão Mẹo mèo" gồm có các phần 4 (phần chính), 4A và 4B ... để tránh các bài viết trở thành quá dài và càng khó đọc hơn nữa! Sau khi đã đi ngược dòng thời gian tìm các cách viết/khắc cổ của Dần trong văn hoá Trung Quốc (triện văn, kim văn và giáp cốt văn) để thấy rằng chúng hoàn toàn không liên hệ gì đến loài cọp hay hổ; Và rồi xem qua những dấu vết ngữ âm thì có triển vọng hơn và đưa ta đến gần hơn các dạng của cọp là khan, khai và kễnh. Các dữ kiện ngôn ngữ sau đây được ghi nhận và tóm tắt lại cho thấy khả năng âm Dần Hán Việt/HV yín Bắc Kinh/BK có nguồn gốc phương Nam hay tiếng Việt Cổ là kễnh. Không nên lầm giữa chỉ số ghi thanh điệu (đứng sau âm chính) và số ghi thứ tự và phụ chú. Để bài viết gọn và dễ hiểu hơn, người viết tránh dùng các thuật ngữ về ngôn ngữ học và không trích dẫn các nguồn dễ tra cứu - thí dụ như tiếng Thái, Anh, Pháp ...v.v... Trừ các nguồn tài liệu quan trọng và liên hệ trực tiếp đến bài viết.

Các hiện tượng đáng được nhắc lại ở đây là

- hiện tượng nhập ngược (back loan, cho mượn lại) không phải là hiếm khi các nền văn hoá chung đụng với nhau qua một thời gian dài như Hán và Việt chẳng hạn. Cách dùng Bụt hay Phật và trường hợp tên gọi 12 con giáp là những thí dụ cụ thể minh chứng cho hiện tượng nhập ngược này. Cho nên những từ trước đây thường được cho là Hán Việt/HV như Tý Sửu Dần Mão ... nên được xem là những từ Việt-Hán-Hán-Việt hay chúng có gốc Việt Cổ, nhập vào văn hoá Hán tộc rồi lại nhập ngược vào tiếng Việt. Tương tự như thế, các từ nguyên tử, điện tử, thị trường ... nên được gọi là từ Hán-Nhật-Hán-Việt.

- hiện tượng đổi chữ hay nghĩa, và có lúc đi đến cực đoan là đào thải như Mão Mẹo mèo đã bị thay bằng thố (thỏ) của văn hoá du mục; Hay trường hợp của các từ hiệp/hạp (cọp) , cúc (cóc) – Unicode 45C7, dự/vui (voi) ... đã từng hiện diện trong Thuyết Văn, Ngọc Thiên ... nhưng nay đã bị đào thải. Đây cũng là lợi thế của một nền văn hoá có sẵn chữ viết như Hán tộc - với truyền thống chịu khó ‘viết lách’ - và luôn luôn tìm cách thay đổi chữ viết vì nhiều lý do khác nhau.

1. Trong vốn từ Hán Cổ ta thấy có một chữ rất hiếm (bị đào thải)

là hiệp (Unicode 458E, nghĩa là con cọp/hổ) - giọng BK là xiá so với giọng Quảng Đông/QĐ haap6 - theo Khang Hy tự điển/KH

《玉篇》音狎。虎也

<< Ngọc Thiên >> âm hiệp . Hổ dã

Hứa Thận viết về âm hiệp trong Thuyết Văn Giải Tự/TVGT như sau

犬可習也。從犬甲聲

Khuyển khả tập dã . Tòng khuyển giáp thanh

(không thấy chữ hiệp là cọp trong triện văn, kim hay giáp văn)

Dữ kiện quan trọng mà ta có thể lọc ra từ ghi nhận trên của TVGT là âm tương đương thời Đông Hán của hiệp (hạp) là giáp hay dạng cổ hơn là *kap

Cạp (cắn lẫn nhau) còn là hoạt động bình thường khi các con cọp họp lại với nhau: ý và âm này rất rõ nét trong chữ *kap (cọp)1 hay hạp/hiệp (Unicode 271A5) theo KH

<唐韻> 胡甲切,音狎。虎習搏也。《玉篇》今作狎

"Đường vận " hồ giáp thiết , âm hiệp . Hổ tập bác dã . " Ngọc thiên " kim tác hiệp

Các dạng hiệp HV hay haap6 QĐ hay gab5 Hẹ cũng như cách đọc giáp của thành phần hài thanh cho ta cơ sở để phục nguyên một dạng âm cổ hơn là *kap hay chính là CỌP  tiếng Việt - so với tiếng Katu (kooq là cọp), tiếng Bahna (cop cop là con cọp). Các dạng chữ Nôm chỉ cọp dùng bộ khuyển hay bộ trãi hợp với thanh phù cập , cáp ... đều hỗ trợ cho nhận xét trên2. Ngoài ra, Ngọc Thiên ra đời khoảng năm 543 SCN, cho thấy âm này đã có từ trước thời Đường Tống. Tóm lại dạng *kap hay CỌP tiếng Việt đã từng hiện diện trong vốn từ Hán, nhưng không phù hợp với hệ thống âm thanh phương Bắc nên bị đào thải (vô tình hay cố ý) và thay bằng các dạng hổ 'thích hợp' hơn - cũng như chữ dự (vui) đã từng có nghĩa là voi (TVGT, tượng chi đại dã) nhưng nghĩa này đã bị đào thải chỉ còn vết tích trong âm đọc vui mà thôi. ... Nếu tên gọi chi thứ 3 Dần là Hổ, một chữ có gốc tượng hình (con cọp), thì không ai đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Hán làm gì, tuy cũng có thể không đơn giản như thế3. Nhưng khi có thể tìm ra những tương quan ngữ âm giữa Dần và *khan hay kinh , kễnh đều chỉ loài cọp thì vấn đề truy nguyên có lẽ dễ dàng hơn phần nào.

2. Trong vốn từ Hán Cổ có một chữ rất hiếm chỉ con cọp trắng,

cọp giân dữ , tiếng gầm4 của cọp, là hạm    (Unicode 4594) hàn kăn BK - KH ghi là âm hạm 音頷; Mà hạm có một dạng cổ hơn là cằm vẫn còn dùng trong tiếng Việt. Tập Vận cũng ghi cách đọc của hạm là hộ cảm thiết (集韻 -戸感切) mà hộ có âm cổ hơn là cửa - đây là liên hệ lịch đại k/c-h từng được đi vào chi tiết trong bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi/Gỏi/cúi (phần 5)". Do đó ta có cơ sở phục nguyên một dạng âm cổ của hạm *kam/kham/khan với khả năng rút gọn phụ âm cuối để cho ra dạng *khai (như các cặp biển bể, tiền tệ, chun chui, lụn lụi, toản tỏi, lãn lười, tụm tụ ...). Các dạng khan, khal đều thấy trong tên 12 con giáp của Thái, Lào và Khme:

Thái:    ปีขาล  bpeeM khaanR (năm Dần) hay ปีเสือ bpeeM seuuaR  (năm con cọp)

Khme: khal

Lào:     kane

Tuy nhiên cọp tiếng Thái là seuuaR  เสือ  chứ không dùng dạng khan. Tiếng Khme bây giờ là kho-la. Tiếng Việt khái là con cọp so với tiếng Mường (Bi) khảl như cách dùng tlu khà chăng lo khảl tẻnh (trâu già chẳng lo hổ đánh/bắt). Vấn đề trở nên rất thú vị khi tra cứu âm và nghĩa của khái HV . Chữ khái trong TVGT thì được dùng trong cụm từ khảng khái - các từ ghép như vậy có thể là các tiếng song tiết hay ký âm của một tiếng nước ngoài (như TVGT còn ghi nạo sưu 獿獀 là *a-so hay chó ...)

忼慨,壯士不得志也。從心旣聲

Khảng khái , tráng sĩ bất đắc chí dã . Tòng tâm khái thanh

Ta thấy một nghĩa gốc của khảng khái là phản ứng mạnh bạo hay không khuất phục (bản chất của tráng sĩ) khi không đạt được ý muốn - cũng như con cọp khi gầm gừ một cách dữ tợn chăng? Như tướng cọp hung hăng bất khuất? Với quá trình nhược hoá k > h , khảng khái có thể biến thành hăng hái ... Việt Nam Tự Điển (1954) còn ghi cách dùng "người ấy có tính khái; khảng khái, khí khái ". Nếu khái có phần tiêu cực trong cách dùng tiếng Hán (khái ; bại mạo :惫貌 theo KH) thì khái hàm ý tích cực hơn trong tiếng Việt. Paulus Của trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895) cũng nhận xét thêm là khái3 chữ Nôm (cọp) dùng khái HV . Ngoài ra, khăng khăng tiếng Việt cũng hàm nghĩa không khuất phục, không thay đổi (kiên cường như mãnh hổ): khăng chữ Nôm thường viết bằng chữ khang HV rất gần với âm *khan/khal như trong cách dùng “giữ khăng khăng ai nỡ phụ” (Nguyễn Trãi).

Chữ hạm ở trên có phạm trù nghĩa từ tiếng cọp gầm đến loài cọp trắng, nhưng cũng có các chữ (tượng thanh) chỉ tiếng cọp gầm với dạng kăn, kàn, hàn BK như (khán, hám HV, Unicode 95DE), (360E), (3E9D), (9B2B)  ... Và các chữ này không còn dùng nữa: chúng trở thành chữ hiếm, tần số dùng rất thấp như chữ hạm/khảm có mặt khoảng 14 lần trong 171894734 chữ đọc được. Các âm trên đều tương ứng với âm haam3 (giọng Quảng Đông) hay kam3 (Hẹ) so với các dạng gầm (gừ), hầm (hừ) tiếng Việt. Để ý bây giờ ở Trung Quốc, những chữ chỉ tiếng gầm của cọp là bào hao 咆哮 (páo xiāo BK), hiệu xiāo BK ... là kêu (hiệu) hay gào (hao) rất khác với các dạng *kan/*khan tượng thanh (nhái lại tiếng thú kêu) từ phương Nam.

Với nhiều từ hiện diện trong ngôn ngữ như cọp, hồm/hùm/hầm, kễnh/kĩnh, khái, ông ba mươi, hổ ... ta thấy loài này phải rất thân thiết với văn hoá dân tộc theo chiều dài lịch sử cũng như là bản đồ phân bố dưới đây cho thấy, tuy số còn sống trong môi trường thiên nhiên càng ngày càng ít đi!

(dựa vào bản đồ trên mạng http://en.wikipedia.org/wiki/File:Tiger_map.jpg, bấm vào hình để đọc rõ chú thích)

 

3. Thời xưa,

Dần và dần dùng như nhau - lại theo TVGT, dần

恭也,敬惕也 cung dã . kính dịch dã

Để ý dịch cũng là kính sợ: cho thấy nghĩa kính (cung kính) chính là cốt lõi của âm dần - nói cách khác, ta có cơ sở để thành lập dạng *kính tương đương với Dần. Từ thời Nhĩ Nhã, dần đã là kính : 《尔雅》寅,敬也  và cách dùng này còn thấy TVGT ghi nhận. Không những thế tên họ quý tộc thời Tần vẫn cho ta vài vết tích của liên hệ giữa Dần, hổ và kễnh (mà một dạng âm cổ phục nguyên là *k(i)anh). Thời tiền Hán, tên người có thể dùng tên thú vật như Mã, Ngưu, Dương5 ... Cha con và anh có tên khác nhau nhưng ý nghĩa giống nhau như Khánh Dần và Khánh Hổ chẳng hạn - đây là bằng chứng xưa nhất cho thấy tương quan giữa Dần và Hổ đã từng hiện diện trong Tả Truyện6; Tài liệu này kể lại các việc xẩy ra vào thời Xuân Thu nên còn gọi là Xuân Thu Tả Truyện - cho ta thấy liên hệ Dần Hổ ít nhất đã có mặt trong khoảng thời gian từ năm 722 TCN cho đến năm 468 TCN. Tuy nhiên một số học giả, như Dương Bá Tuấn 楊伯峻, lại cho rằng Tả Truyện được hợp soạn sau thời Xuân Thu hay vào khoảng thời Chiến Quốc, do đó thời điểm ra đời không thể trước năm 389 TCN được. Thêm vào đó, hổ đã từng là vật tổ/tô-tem của vài bộ tộc7 (như ở vùng Chiết Giang chẳng hạn) và do đó âm hổ cũng được dùng làm họ4 vào thời cổ đại. Chính vì thế mà ta có các biến âm của hổ như là Ngu hay Ngô trong các họ có lâu đời ... Trở lại với họ Khánh và các cách đọc xưa hơn ta thấy

《唐韵》丘切《集韵》《韵会》《正韵》丘正切

“Đường Vận” khâu cánh thiết " Tập vận " " Vận hội " " Chánh vận " khâu chính/chánh

Đồng thời, ta hãy xem lại chữ kính một loài cọp dữ ăn thịt mẹ đẻ - so với kễnh là con cọp trong tiếng Việt mà chữ Nôm vẫn dùng kính như trong cách dùng "kễnh tha con lợn thì coi trừng trừng" (Lý hạng ca dao). Âm kính thời Đường có các cách đọc kính là

居庆切,音敬 cư khánh thiết , âm kính (cánh)

Do đó ta có thể thiết lập liên hệ ngữ âm khánh và kính-kễnh: đây là một trong các lý do hình thành loạt bài viết về chuỗi tương quan Dần-kính-kễnh.

Có lẽ tương quan giữa phụ âm đầu d- (giọng Nam) của âm yín BK (dần HV) và phụ âm cuối lưỡi (vòm) k-/g-/ng- của kễnh thấy rõ nét khi xem vài chữ hiếm trong vốn từ Hán Cổ. Chữ dần (Unicode 4590) yín BK, viết bằng chữ hổ hợp với chữ cân hài thanh bên trái - theo KH ghi nhận

<唐韵> 语斤切,音垠。《说文》虎声也

"Đường vận " ngữ cân thiết , âm ngân . " Thuyết văn " hổ thanh dã

Chữ dần    đã từng hiện diện trong TVGT thời Đông Hán, liên hệ trực tiếp đến loài cọp, nhưng cũng phải chịu chung số phận đào thải như chữ hiệp (*kap/CỌP) của phương Nam!

Chữ kan/ngan (Unicode 4597) đọc là yán yàn BK aam4 ngaam4 QĐ cũng cho thấy phụ âm d- đã từng liên hệ đến loài hổ mạnh (hùng hổ)và kết quả của quá trình ngạc cứng hoá (palatalisation)8 của phụ âm k- cho ra các dạng d- (y-) và nh- ; Trích KH về chữ

<集韵> 鱼咸切,音嵒。《类篇》雄虎绝有力者。 

"Tập vận " ngư hàm thiết , âm nham . " Loại thiên " hùng hổ tuyệt hữu lực giả

Tóm lại ta có khá nhiều dữ kiện về ngữ âm (Hán Cổ, Việt Cổ) minh chứng tương quan Dần và kễnh (loài cọp dữ), do đó có thêm cơ sở để kết luận khả năng tên gọi 12 con giáp có nguồn gốc là tiếng Việt Cổ. Chỉ dựa vào ngôn ngữ Hán tộc, ta không thể nào tìm ra được tương quan giữa các chữ/âm Tý Sửu Dần ... với tên gọi các loài này một cách thuyết phục; Cũng như nhiều công trình khảo cứu của các học giả Trung Quốc chỉ dẫn đến một số kết luận mơ hồ là '... có lẽ 12 con giáp nhập vào TQ từ một dân tộc thiểu số nào đó ở Hoa Hạ hay phương Bắc (Triệu Dực) …’  hay từ phương Tây/Babylon (Quách Mạt Nhược) ...!

4. Phụ chú và phê bình thêm

Để cho liên tục, người đọc nên tham khảo thêm bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp : Dần-kính-*kễnh (9)" - các bài liên hệ có thể tìm thấy trên mạng http://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/030108-muoihaicongiap-dan.htm hay http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=81&ia=2961 …v.v...

1)xem thêm tương quan lịch đại k-gi trên diễn đàn Viện Việt Học, phần tiếng Việt, chủ đề căn-gian (9/8/2008) : http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,37118 , trong đó vài thí dụ đưa ra là

gian hay - căn

giam - khám

giảm - kém

giái - giới - cõi

giải - cải, cởi, cổi , gỡ ...

giải - cua

giới - ghẻ (bệnh)

giới - cai (cai nghiện)

giái - giới - cải (rau)

giái (giới) - kiệu (rau)

giác, giốc - gạc (sừng nai), góc

giác - cóc, cốc (biết, hiểu)

giả - ké (màu đỏ) vết tích còn trong cách dùng đỏ ké

giả - kẻ (người ấy)

...v.v...

Cho nên giáp có thể phục nguyên dạng cổ hơn là *kap hay các biến âm đương đại là kép , kẹp, khép, hẹp, cặp, cắp, gắp ...v.v…

2) cạp là động từ diễn tả hoạt động ngoạm vào hay cắn vào vật gì: âm cạp bắt đầu từ phụ âm cuối lưỡi (vòm) tắc vô thanh k- hợp với nguyên âm sau với độ mở cao -a- và sau cùng là phụ âm môi tắc vô thanh -p. Đọc chậm âm này ta thấy rõ nét quá trình ngoạm hay cắn và ngậm vào mồm, cũng như cách đọc chữ ngậm và phạm trù nghĩa liên hệ. Cạp tiếng Việt là âm tượng hình cũng như các âm tý/tí (chút - *chuột), li chi, nhí ... so với vi ti/ty HV… Các ngôn ngữ láng giềng đều có dạng cạp tương ứng như tiếng Lào, Thái là khạp; Tiếng Zhuang, Khme, Bahnar, Aslian, Chrau, Brou, Khasi là kap ...v.v... Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt dùng âm cọp (hay *kap) để chỉ loài vua sơn lâm này với khả năng 'cạp' cho chết - một kỹ thuật bắt mồi của loài thú này.

3) để ý tương quan giữa các âm HV và Việt như

khái ho - cũng như chữ khái

khánh khái 謦欬 (cười nói) hô hố

khái (giặt, rửa) so với hối ,

khai (mở) - há, hé, hở (mở miệng) (hở răng) hớ (hênh)

khải, khai (mở mang) - hở

khải (mở) - hở

khải, khởi sao

...

khái  - hổ   : tương quan này cần được nghiên cứu kỹ thêm để cho thấy giao lưu văn hoá của phương Nam và Hán tộc vào thời thượng cổ (giọng Quảng Đông cũng có khuynh hướng nhược hoá kh- thành ra h- như tiếng Việt).

4) gầm hay gầm gừ ... chỉ tiếng của động vật (kể cả con người) so với rầm thường chỉ các đối tượng là tĩnh vật: gầm và rầm đều chỉ tiếng kêu lớn. Trong cách gọi tên các loài vật hay cây cối ... thường dựa vào các đặc tính mà con người có thể cảm nhận được qua ngũ quan như tiếng chim hót, gà gáy, ngựa hí, con quạ, con cóc, con cọp (cạp), bọ cạp, con cú ... qua thính giác; Nếu không nhận được tín hiệu nào qua thính giác (vì tần số không nằm trong khả năng nghe của con người) thì dùng thị giác như cá mực, cá mập, cá vàng ... Hay loại không phát ra âm thanh như trái/quả nâu, trái bầu, trái hồng ...v.v... Trở lại với loài cọp, với tiếng gầm gừ có tần số thấp (thường từ các loài có khối lượng cơ thể cao) và nhất là bản chất hung hăng của loài cọp nên động từ gầm được dùng để chỉ loài này - tuy nhiên có thể một biến âm là hầm (g > h) đã cho ra dạng hùm tiếng Việt - tự điển Việt Bồ La ghi là hồm (1651) so với chữ Nôm thường viết là hùm (bộ khuyển hợp với chữ hàm hài thanh); So sánh phạm trù nghĩa của chuỗi rầm - ầm - rùm - ùm/um. Có tác giả lại cho rằng hùm từ hàm (ngậm, cằm) mà ra dựa vào khả năng cạp vì hàm của loài cọp rất mạnh.

Kết quả trên tương ứng phần nào với động từ gầm (loài cọp) là growl trong tiếng Anh - grolling là dạng tiếng Anh Trung Cổ; grogner (Pháp) cũng dựa vào các phụ âm g và r. So với tên gọi con cọp trong tiếng Anh/ Đức/Đan Mạch/Thuỵ Điển là tiger - tiếng Anh Cổ là tigras, so với tiếng Pháp/ Bồ Đào Nha/Ý/ Tây Ban Nha là tigre, La Tinh và Hy Lạp đều là tigris. Các phương ngữ Ấn Độ cũng có âm g- hay gr- như Hindi là  व्याघ्र (vyāghra), Malayalam വ്യാഘ്രം (vyaaghram) ... Cũng như ở Phi Châu ta còn thấy tiếng Xhosa cọp là ingwe, tiếng Zulu cọp là ingwe, Tiếng Khme có dạng ាធំ (khlā-thum) với biến âm gr- > khl- ...v.v... Học giả Michel Ferlus, trong bài "Le cycle des douze animaux: histoire d'un contact ancien entre Vietnam et Cambodge" (2004), đã ghi nhận các dạng khái (cọp) là kơha:l3 (tiếng Rục), kăha:l3 (Thavung), kha:l3 (Poong, Cuối, Mường) ... và đề nghị một dạng tiền Việt-Mường PVM *k-ha:l? rất gần với dạng khan (Thái) so với các âm cánh và kính và kễnh. Không phải ngẫu nhiên mà các tên gọi loài cọp và tiếng gầm của chúng thường có các phụ âm g/k, r, gr/khl ... Nhà nghiên cứu về chim (Ornithologist) Eugene Morton (1977) đề nghị là có sự tương quan về ý nghĩa với tần số và mức độ âm thanh loài vật phát ra: các âm thanh trầm (tần số thấp - như tiếng gầm của cọp) diễn đạt tình trạng hung hăng hiếu chiến (gầm gừ, hầm hừ) so với các âm cao diễn đạt trạng thái thân thiện hay sợ hãi. Kết quả này cũng phù hợp với cách giải thích tên gọi hùm (< hầm/gầm) của loài cọp. Xem thêm chi tiết về nghiên cứu ngôn ngữ loài vật trên mạng  http://findarticles.com/p/articles/mi_m1200/is_v127/ai_3777499/ …v.v… Các khảo cứu về ngôn ngữ loài vật và các cách gọi tên chúng (nguồn gốc ngôn ngữ) rất lý thú nhưng không nằm trong phạm vi loạt bài viết về tên gọi 12 con giáp này. Tuy nhiên một số nhận xét rất sơ lược về khả năng có thể tên gọi xuất phát từ tiếng kêu của loài thú có thể tìm thấy trong các bài viết "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp" về Mão Mẹo mèo (phần 4), Mùi/Vị *mvei dê (phần 15), Dậu-rơ(ga)-gà (phần 14).

5) xem thêm "Những điều lý thú xung quanh vấn đề họ tên" - tác giả Lý Tống Địch (2001) bản dịch của NXB Văn Hoá Thông Tin (Hà Nội 2003)

6) theo Thập Tam Kinh - Tả Truyện - Tương công nhị thập tam niên 十三經-左傳-襄公二十三年 ... Toại sát Khánh hổ , Khánh dần 遂殺慶虎、慶寅 ...

7) như Di tộc, Bạch tộc, Thổ Gia tộc, Na-xi tộc, La-hu tộc, Li-su tộc ... ở vùng Vân Nam - theo tác giả Thường Tuấn trong "Văn hoá về 12 con giáp của Trung Quốc" (bản dịch ra tiếng Việt, 2003).

8) quá trình ngạc cứng hoá còn có thể sản xuất một số dạng (k > d, z, ch) thường gặp trong các phương ngữ như

dẫn      chăn

dẫn      chẵn

dấn      chấn

dăng    giăng, chăng (giọng Nam)

zăng     trăng (giọng Bắc, Hà Đông)

...

Do đó có thể chằn hay giằn (dằn) là một vết tích của Dần và liên hệ đến loài ác thú (hổ), ma quỷ như trong các cách dùng “bà chằn, chằn tinh, dữ như chằn tinh gấu ngựa ...” theo Paulus Của (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, 1895) ... Một dạng chữ Nôm chỉ chằn là dùng bộ khuyển hợp với chữ chân hài thanh. Cũng theo ông thì dằn chữ Nôm viết bằng bộ thủ hợp với chữ Dần : có thể đây là một mối dây hỗ trợ cho liên hê Dần-kễnh (cọp) qua khẩu ngữ dữ dằn (dữ như cọp) chăng? Chỉ có tiếng Việt mới còn giữ các tương quan dễ nhận ra như vậy.

 


Những bài nghiên cứu cùng tác giả:

BỤT HAY PHẬT ? phần 2A (Nguyễn Cung Thông)
BỤT HAY PHẬT? phần 1 (Nguyễn Cung Thông)
Bụt hay Phật ? phần 3 (Nguyễn Cung Thông)
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp (Nguyễn Cung Thông)
Tản mạn về cõi Đâu Suất và lý thuyết tương đối -1 (Nguyễn Cung Thông)
Tứ Diệu Đế (Nguyễn Cung Thông)

 

 

Trang Văn Học Xã Hội