Tâm Sự Khi Mẹ Ngủ

Tâm Sự Khi Mẹ Ngủ

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH15.php

20-Jan-2013

 

Ngày, tháng.. hôm nay:...
Hôm nay tiễn Mẹ đi về BW Funeral Home, nhưng con cứ nghĩ Mẹ không ở đó. 

Ngày, tháng.. hôm nay:...
3 ngày sau khi người ta chôn Mẹ trong tường đá, dù con đã ra thăm mộ 2 lần, và sẽ đi đến đó chiều nay nhưng con vẫn hoang mang không biết Mẹ thực sự ở đâu.

nơi mộ Mẹ

Ngày, tháng.. hôm nay:...
Tính đến hôm nay Mẹ đã mất hai tuần. Con giờ như trở lại lúc còn 4, 5 tuổi, khi bắt đầu biết ý thức được sự cần thiết có mẹ. Con sướt mướt trong nước mắt và nghẹn cứng nơi ngực với cơn ho thỉnh thoảng nổi lên. Có lẽ đó là do mấy ngày nay con bị cảm như chưa bao giờ bị cảm. Từ nhiều năm qua, con đã không còn nhớ “bị cảm” ra sao.

Nói ra thiên hạ sẽ chê cười. Ai cũng cho là Mẹ đã thọ lắm và tốt lắm rồi. Và con bây giờ là bà già 65 tuổi rồi chứ đâu phải là một đứa trẻ, huống chi lại giống như đứa trẻ 4, 5 tuổi, nôn nóng chờ mẹ đi chợ về ! Mấy ngày nay con như mất phương hướng, không còn thấy mục đích của cuộc đời như những năm tháng trước ngày mẹ mất. Mẹ đã sống ngót nghét một thế kỷ.  Mẹ để lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm với con. Có lẽ con đã trở thành một người hay dựa dẫm vào tình mẹ mà con chưa hề ý thức điều đó cho đến hôm nay.  

Mẹ có lẽ lắc đầu như đã từng như thế: “Bậy nào! Con đã trưởng thành từ lúc 15 tuổi, đi học xa, chịu đựng những khổ nhọc để có thể học qua bậc tú tài. Con cũng bắt đầu giúp tiền nuôi gia đình từ lúc làm cô giáo nhỏ, mới 19 tuổi. Chính Mẹ mới ân hận để con vất vả” – Nhưng không Mẹ ơi, đó là niềm tự hào nho nhỏ của con mà thôi.  Năm 1975 con lại đi biệt xứ, mấy năm trường có giúp gì được cho gia đình trong thời loạn ly đâu. Mãi đến lúc chúng ta đoàn tụ lại, thì con tiếp tục được nuông chiều trong tình mẫu tử. Con thấy Mẹ hân hoan trong mỗi cái con “được”, Mẹ bực bội trong những lần con “mất”. Cái mừng của con nhân lên, cái buồn của con giảm bớt.

Bây giờ nghĩ lại, thực ra từ trước tới nay con chưa bao giờ “mất” vì mãi đến hôm nay con mới biết “mất” là thế nào.  Bởi vì kể từ đây, niềm vui nào cũng chẳng còn được nhân lên, và đau khổ nào cũng khó thể vơi đi được nữa. Nếu không có thêm người bạn đời của con ở bên cạnh, có lẽ con không còn động lực nào khác để vui sống.  Như thế chẳng phải là từ trước tới nay con đã dựa dẫm vào tình mẫu tử của Mẹ thì là gì? 

Trước đây, năm 2001, con có viết một bài tựa đề “Tự Do Cho Mẹ” (*) trong đó con muốn cuộc sống thật đối với Mẹ, không bắt Mẹ làm một bà thánh để con chấp nhận những điều tích cực lẫn tiêu cực của Mẹ mà không làm Mẹ và con phải ân hận điều gì khi xa nhau. Nhưng rồi khi Mẹ thực sự ngủ một giấc dài thì chính con lại không tránh khỏi ân hận, vì con chưa làm hết những điều con muốn làm cho Mẹ.

Con nói thật, Thiên Chúa mà Mẹ tin cũng chẳng thể thay thế tình mẫu tử trong lòng con. Nhưng con rất mong Mẹ tìm được nơi Mẹ muốn đến. Chị em con sẽ đồng thanh đáp ngay không chần chờ: “Sao nói phạm thượng như thế? Thiên Chúa là trên hết, Thiên Chúa sinh ra mọi sự, cả tình mẫu tử.” Con sẽ nhỏ nhẹ đáp: Vâng, nếu thực sự có Thiên Chúa như thế. Nhưng con không tin vì thực tế không hề có.  Những câu nói “Chúa Là Tình Yêu, Đức Mẹ là nơi an ủi,..” đều là những lời mà giáo hội muốn nhồi sọ chúng ta, họ tuyên truyền, quảng cáo cho đạo, con cho là gian dối. Tất cả các chị em khác của con luôn trung thành với con đường “Phúc cho ai không thấy mà tin” của nhà thờ mà Cha Mẹ đã dẫn dắt. Chỉ có con bây giờ. Con cần được chứng minh những gì con nghe nói.

Con bây giờ, giống như Mẹ ngày xưa, chỉ hơi ngược lại mà thôi. Mẹ cởi bỏ truyền thống ông bà để đi theo đạo Chúa, tổ tiên mới của Mẹ là hai vợ chồng Adam Eva. Con thì cởi bỏ nếp sống con chiên của Chúa để trở về với truyền thống ông bà bên ngoại, tổ tiên Lạc Hồng.

Mẹ từ một gia đình đạo ông bà, thờ Phật, nhưng chưa hề có ai giải thích cho biết nền tảng của đạo Phật, hay đạo ông bà là gì. Mẹ đi theo đạo Chúa vì gặp được sự yêu thương đùm bọc của một gia đình người Tây, lẽ đương nhiên là theo đạo Chúa. Nếp sống của họ là mỗi ngày ca tụng và cám ơn Chúa trong từng việc, xem đó là phong cách ứng xử của một con người văn minh, đạo đức và lễ độ. Lại thêm, những giá trị  nhân bản của nền văn minh Tây Phương mà gia đình ấy đối đãi với Mẹ, như không bao giờ rầy la mắng nhiếc những người giúp công, hơn hẳn những cọ xát thô lỗ trong xã hội quê mùa chậm tiến của dân Việt mình. Mẹ lại được xem như là một người thân trong gia đình người ta, được đi Tây,... Mẹ nghĩ là tất cả những tốt đẹp đó là nhờ đạo Chúa.

Thế là Mẹ như từ cõi tục bước lên chốn thiên đàng. Mẹ mang ơn gia đình ấy cả đời và mê mẫn cho tới chết cái nếp sống và những ngày tháng trong gia đình đó. Mỗi tuần Mẹ được mặc áo quần sạch sẽ bảnh bao, đi nhà thờ mỗi sáng, nghe “thánh” nhạc với gia đình người ta. Không còn gì sang trọng bằng! Chưa kể, người ta là những người có quyền thế đối với dân thuộc địa. Dân có đạo đến đâu cũng được sắp đặt, được kết nối, được ưu tiên. Làm sao không hấp dẫn được người đời. Mẹ tôi cũng chỉ là một một phụ nữ yếu đuối, bơi lội, bươn chải trong vận mệnh của một nước thuộc địa, tìm kế sinh nhai và bị hấp dẫn, cũng như vô số những người khác bị hấp dẫn trong nhiều trường hợp tương tự như thế mà thôi.

Thế là Mẹ theo đạo Chúa. Và gặp Cha cùng đi một nhà thờ. Rồi Mẹ kết hôn. Rồi Mẹ làm cô giáo cho đến tuổi hưu. Còn bên nội của con là đạo dòng, nên mọi việc “take it for granted”, đương nhiên là thế. Xưa nay con chưa hề nghe kể lại người đầu tiên trong họ bên Cha theo đạo như thế nào. Chẳng ai còn biết người cải đạo đầu tiên trong dòng họ ra làm sao, và trong trường hợp như thế nào.

Kết quả là con cũng đã theo con đường của Cha Mẹ. Con vẫn đi nhà thờ miệt mài cho đến gần cuối cuộc đời. Cứ tưởng rằng mình thánh thiện đạo đức, như những tiếng “thánh thiện”, “đạo đức” cứ nhồi nhét hàng ngày vào trong tai con, rồi tư tưởng của con, từ bé thơ, qua lời kinh, qua lời giảng, qua lời hát,...Chưa hề có ai nói cho biết những điều vô lý, cao ngạo, và hết sức ấu trĩ của nó.

Mẹ biết rõ. Thuở nhỏ, con vâng lời Cha Mẹ trong việc đi nhà thờ mặc dù con rất tiếc thì giờ. Con đã bị mất thêm giờ làm việc trong nhà người ta vì ở trọ mà không tốn tiền, nên không còn giờ làm bài vở ở trường. Hơn nữa, con cảm thấy, nếu Chúa "toàn thiện" thì không thể là kẻ thích tâng bốc, nịnh bợ. Sao ta cứ cà kê những câu chúc tụng, ngợi khen, hết ca Chúa, rồi ca Đức Mẹ mỗi ngày như thế. Con cũng cố vâng lời các ma soeurs dạy giáo lý, các cha cố, mặc dù con không mấy  phục họ lắm.  Nhưng với đầu óc non trẻ, con chấp nhận họ là những người con cần phải kính trọng, vì con được dạy bảo như thế. Nhiều lúc con say sưa trong dòng nhạc rất du dương, hát lên để chúc tụng Chúa, và lòng đầy phấn khích. Con được trang bị đầy đủ những thiết bị mà nền giáo dục của đạo Chúa đã chuẩn bị cho con trong những bài kinh, những bài giảng, và xem đó là “lương tâm Công Giáo”, là “đức tin không hề lay chuyển” của một người ngoan đạo. Ai nói động đến đạo Chúa thì con chỉ muốn “ăn thua đủ”, hoặc tử vì đạo. Sao cuồng thế nhỉ?

Lấy chồng, con cũng độc tài với chàng nữa trong việc “thờ Chúa”. Con từng không thể dằn lòng được trước những quyển sách chống lại đạo Chúa, và đã từng xé rách bìa một quyển sách như thế trước mặt chồng con. Con không cần biết, và không công nhận bất cứ những gì người ta viết, vì xem đó là “lời lẽ của Satan”. Con nổi điên lên khi nghe những lời lẽ “xúc phạm” đến giáo hội. Và con hãnh diện vì cho đó là con “chiến đấu” chống lại những cái xấu ác của “thế gian”, như một “chiến sĩ của đức tin”.

Rồi va chạm, rồi giận hờn, rồi bực tức, cứ thế mà con bị trầy trụa tâm hồn. Con lớn lên trong thương tích như thế. Nhưng cũng nhờ đó mà con được có cơ hội nghe, biết và  bắt đầu hiểu rõ một vài chỉ trích của những người ngoài đạo. Thế là con bắt đầu biết lắng nghe nhiều hơn. Trong những cuộc trao đổi với bạn đồng nghiệp ở sở làm, hoặc đọc sách, để ý, tương phản, quán chiếu, nhất là được nghe những lời nói của những người bạn thuộc bậc thầy đáng kính, con mới biết nhận ra rằng cái “tính khí” ngày xưa của con thật đáng xấu hổ thay vì hãnh diện, những cái đó thuộc về những kẻ “mê cuồng” và trẻ con, chứ không phải là người đạo đức.

Những ý tưởng này con chưa hề dám nói cho Mẹ nghe vì con chưa đủ tài ba để làm cho Mẹ hiểu những điều con muốn nói.

Cuối đời con, qua nhiều lần sắp “tử vì đạo”, (nhưng may mắn là con chưa dại dột như thế) nhiều lần quằn quại đối diện với những sự thật của nó được thấy trong vài quyển sách hiếm hoi, hay được nghe qua những trao đổi nhá lửa với một vài người bạn khả kính, con mới nhận ra chân giá trị là gì.  Chuyện này con suy nghĩ mấy năm trường trước khi quyết định. Sau đó con từ tốn và thẳng thớm đứng lên.  

Nhưng khi con tách ra khỏi đạo để trở về với dân tộc, ánh mắt gia đình đối với con không giống như khi Mẹ bước ra khỏi ngưỡng cửa thờ cúng ông bà. Con biết một điều chắc chắn là ông ngoại bà ngoại và các cậu các dì vẫn luôn dành cho Mẹ những ánh mắt trìu mến và ấm cúng không đổi thay với Mẹ từ đầu đến cuối. Mẹ xem, người lương, họ hiền hậu như thế.  

Người đạo Chúa thường nghĩ rằng những người bên lương dốt nát quê mùa, cho nên khi nghe người thành thị, nói tiếng Tây như gió, thì nói gì họ cũng phải nể. Con thì cho rằng, chỉ vì người lương vốn đã hiền hòa theo văn hóa lương thiện của ông bà mình để lại mà thôi. Nhưng xét cho cùng, kết quả thì cũng như nhau. Hiền quá hóa ngu, thê là ông bà ta dung dưỡng hoặc thờ ơ cho những việc quay lưng với ông bà một cách dễ dàng và công khai  như thế mà vẫn không có đên một lời phê phán.

Trường hợp con, cũng giống như biết bao trường hợp của những người trở về với dân tộc. Họ đều bị khổ nạn cả. Con thừa biết, giáo dân được nhồi sọ rằng Chúa là trên hết. Thế cho nên ai “rửa tội” (cái tội không hề có) để vào đạo Chúa đều là những người được tung hô, được đón chào nồng nhiệt, được ấm áp về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng nếu ai đó, đã biết Chúa rồi mà quay đi thì chẳng những không đáng coi trọng, mà còn bị khinh bỉ, bi cô lập, hay bị xem là ...đáng chết nếu điều kiện cho phép. May là Cha đã mất hơn 20 năm trước. Nếu không, con chẳng biết con phải làm sao với quyết định này mà gia đình không rách nát. Mẹ thì dẽ dãi và thông cảm với con hơn.

Ông cựu thẩm phán Charlie Nguyễn (http://sachhiem.net/CHARLIE/CNdir.php) bị gia đình và bạn bè ruồng rẩy tàn nhẫn vô cùng, chỉ vì ông quay về với dân tộc, viết lên những điều chướng tai gai mắt trong đạo Chúa đã nung nấu tâm sự của ông. Gia đình ông ấy là những người ngoan đạo đấy.  Chỉ vì tin bậy bạ rằng những người không tin Chúa là vô thần (với nghĩa xấu như là Quỷ Satan) đáng bị tiêu diệt. Như vậy người ngoan đạo sẽ trở nên ác độc mà không hay biết. Ai đã dạy cho những con chiên ngoan đạo như thế, nếu không phải do những lời kinh, những bài giảng, những bài “thánh ca”?  Vậy nếu con mới chỉ có mất đi sự ấm cúng trong ánh mắt của thân quyến thì con đã có phúc lắm rồi. Con không đòi hỏi gì hơn.

Dù sao, con cũng rất tự hào vì sự “lựa chọn khác” của con hoàn toàn không vì những ân nghĩa, không vì tình cảm, không vì những nét hào nhoáng, hấp dẫn bên ngoài, không vì lời mê hoặc, hay những điệu hát du dương, không vì những tiếng nói “đạo đức” thánh thiện” mà tưởng mình cũng thánh thiện, đạo đức. Tuy nhiên Mẹ của con thì đương nhiên thánh thiện, dù cho Mẹ đã cải đạo, hay nếu Mẹ không cải đạo thì có lẽ còn thánh thiện hơn thế nữa. 

Con “lựa chọn khác” vì con thích cái gì khoa học, thực tiễn, chứ không thích mê tín.  Con không hề sợ động chạm đến Mẹ trong những ý tưởng này, vì Mẹ biết tỏng, thời của con may mắn được học khoa học nhiều hơn thời xưa. Vả lại con thích khoa học thì có gì là sai phải không Mẹ? Mẹ chẳng thể hiểu, nhưng Mẹ vẫn đã từng nghe con nói.  Con nói để con nghe, và Mẹ cũng vẫn chỉ tin có Chúa sanh ra muôn loài, đơn giản thê thôi.  Nhưng nếu Mẹ có thể hiểu tất cả những điều con nói, chắc chắn Mẹ sẽ tán thành con mà thôi.

Con thích công bằng trên căn bản đại quần chúng chứ không phải công bằng chỉ với con Chúa, hay công bằng theo góc nhìn của những người có sứ mạng “mở rộng nước Chúa”. Cái chỗ này người theo đạo Chúa không thể cảm nhận được vì họ xem những người không tin Chúa là không xứng đáng cái gì cả, ngay cả không đáng sống trên đời, huống chi là một quốc gia, một miếng đất, hay một tòa nhà.

Con thích bác ái vô vị lợi, chứ không phải bác ái có móc câu. Con không dám động chạm đến Mẹ khả yêu của con. Nhưng con thấy quá nhiều người đang bị móc câu trôi vào cả ruột rồi mà vẫn bênh vực cho kẻ thả câu. Mẹ có biết không, con chưa thấy hành động bác ái hay cơ quan bác ái nào của đạo Chúa mà không đi theo cây thánh giá và những câu chúc tụng, nạp ơn vào cho Chúa, cho rằng tất cả đều do Chúa. Vậy kẻ nhận của bố thí phải cám ơn Chúa. Nhưng muốn “cám ơn Chúa” thì phải để họ chỉ dạy cho biết cách. Sau đó thì kẻ chịu ơn dần dần thấy rằng chỉ có con đường theo Chúa là con đường duy nhất để tiếp tục được no đủ. Và con khinh chê kẻ làm phước kiểu như thế.

Con thích lý luận để tìm lẽ phải theo chân trời mà con có thể thấy được, theo mớ kiến thức mà con có được do học hỏi mỗi ngày qua việc đọc các bài viết của những người khác, chứ không thích nghe người nào chỉ bảo con đâu là lẽ phải một cách độc đoán.

Con thích khiêm nhường đối với người đời, chứ không phải chỉ có khiêm nhường với Chúa, mà đại diện là các linh mục, các phẩm trật trong Giáo Hội mà đối với con họ chỉ là những người chỉ biết mê hoặc, gạt gẫm giáo dân mà thôi. Chưa kể, con biết quá nhiều việc dơ bẩn của họ lắm, từ tòa nhà Vatican xuống dưới, đáng khinh hơn đáng kính. Con thích khiêm nhường thực sự chứ không phải chỉ giả dối ngoài môi, hoặc đấm ngực trong nhà thờ. Con rất khó chịu khi nghe những câu kinh hay bài hát mâu thuẫn với đức khiêm nhường như “dân riêng của Chúa”,  “Vua của các Vua,” “giáo hội duy nhất thánh thiện,...”.... Ngày trước, những mâu thuẫn này con chưa hề nhận ra. 

Con thích đạo đức trên căn bản đối nhân xử thế, giữa người và người, chứ không phải đạo đức trên hai tay chắp lại và đôi mắt nhắm nghiền trước ảnh tượng Chúa, hay đạo đức tính theo số ngày giờ đến nhà thờ quì gối, hoặc số kinh Kính Mừng, Lạy Cha trên xâu chuỗi nắm trong tay, thậm chí đạo đức tính trên số tiền đóng góp cho nhà thờ. Con khinh lờn những bậc thang giá trị đó. Con không hề nghĩ Mẹ nằm trong đám người này, vì con biết Mẹ chỉ theo thói quen, và thích có kinh đọc ê a. Mẹ tôi đơn giản và vô tư như thế.

Đối với con, đây là hình ảnh mê tín chứ không phải là đạo đức.

Con thích triết lý có thể thực nghiệm chứ không phải triết lý theo mạc khải, theo mầu nhiệm. Khi đọc “Chúa cứu chuộc nhân loại,” “ơn Chúa cứu rỗi” thì con phải biết Chúa cứu lúc nào và cách nào. Câu trả lời thường là “những khi mình được ai giúp thì đó là Chúa sắp đặt.” Con cho là câu trả lời xạo, hay đúng hơn, là gian xảo. Bởi vì con có thể nói như thế cho bất cứ ông thần bà thần nào đó mà con nghĩ ra.  

Đạo Chúa không đáp ứng cho con bất cứ chỗ nào trong những những vấn đề thuộc phạm trù nhân văn như trên. 

Con quyết định phải lớn lên và trở thành con người, đứng vững trên đôi chân, đôi chân không phải do Chúa mà là do Cha và Mẹ tạo dựng. Con cũng  không còn thích quì lạy cầu xin mỗi lần con cần giúp đỡ tinh thần hay vật chất. Con đã từng thố lộ cho Mẹ biết một phần những tư tưởng của con như thế.  Mẹ không hề buồn khi nghe con nói những chuyện này.  Nhưng người khác thì con không dám thố lộ.  Nhưng thế nào rồi  họ cũng sẽ “dứt phép thông công với con”.  Họ chỉ biết giận dữ và tự ái, đáng sợ lắm, không như những gì ông bà ngoại và các dì các cậu đối với Mẹ khi Mẹ trở thành “con Chúa”.

Reng reng, reng reng... ...  

- Có anh Phạm gọi bà nè! Tiếng ông xã con gọi lanh lảnh.

Anh này học cùng trường với con, Mẹ đã từng nói chuyện trên điện thoại với anh ta năm trước, chắc Mẹ còn nhớ. Anh ấy nói rằng con thật có phúc vì được kề cận Mẹ đến những 50, 60 năm trong khi anh ấy chưa hề có cơ  hội nào được đáp lễ hay hiếu kính cho Mẹ anh vì bà bị chết lúc anh ta chỉ mới 7 tuổi. Phạm đã từ lâu theo và thấm nhuần tư tưởng và triết lý đạo Phật. Trao đổi với anh ấy một lúc thì con cảm thấy được vơi bớt xúc cảm.

Phạm bảo con, nếu chị hiểu triết lý nhà Phật thì chị không nên buồn. Phạm nói, Mẹ chẳng mất đi đâu cả, tại sao lại bi lụy? Đó là vì khi Mẹ sanh ra con thì trong người con đã có một phần của Mẹ rồi. Thân hình các con cũng như những cây non mọc lên từ  một cây già cỗi mục nát. Cụm cây già sẽ từ từ tan biến vào lòng đất làm chất đạm nuôi nấng cây con. Rồi đây chính các thân cây này có một ngày cũng lại sẽ mục nát đi để nuôi dưỡng các cây non khác nữa. Đó chẳng phải là sự thật hay sao?

Vậy là Mẹ đã chẳng đi đâu cả, Mẹ đã luôn có trong con. Bây giờ, Mẹ và con mình sống trong nhau. Con đang nghe từng hồi dòng máu trong con đang luân chuyển, đó là một phần của Mẹ đang sống với con đấy mà. Thật là chí lý!

Mẹ thấy không, con cần những cách “cứu rỗi” như thế, chứ con không cần hứa hẹn một ngày biệt mù xa tít nào đó không ai biết, sẽ đoàn tụ với Mẹ trong “vinh quang Chúa”, những từ ngữ thật viễn vông, chẳng ai hiểu là như thế nào, nhưng vẫn cứ nói cho ra vẻ người hiểu biết “lẽ đạo.”  Bây giờ Mẹ có thể hiểu một số điều con nói ở trên rồi đấy.

Kỳ sau con sẽ kể tiếp cho Mẹ nghe. Bắt đầu bằng những ngày con đi học xa, những điều mà con không dám kể khi Mẹ còn thức.

Lý Thái Xuân

 

(*) Đã đăng ở:
-http://www.truyenviet.com/truyen-ngan/72-t/8242-tu-do-cho-me,
- http://www.docsach.mobi/truyen/tu-do-cho-me-9838.htm,
- http://groups.yahoo.com/group/VietNamThiDan/message/25788,
- http://www.hongsam55.com/st4/id51.html,
- http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntn1n4nvn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

_____________
Bài liên quan:

- Bước Đầu Xa Nhà: Miếng Cơm Cháy Gây Bão!